TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vàng trắng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vàng trắng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Wed Oct 17, 2018 11:47 pm    Tiêu đề: Vàng trắng
Tác Giả: Sean Bảo

Vàng trắng

Cánh đồng bông gòn ở Mississippi


Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1857, khi mà kỹ nghệ đường sắt chỉ mới phát triển và cổ phiếu rớt giá do đầu tư hỗn loạn, cơn sốt đào vàng bị chựng lại... thì tại quốc hội Hoa Kỳ Thượng nghị sĩ James Hammond của South Carolina đã cảnh cáo: “Đố các vị dám gây chiến với bông gòn! Không có quyền lực nào trên thế giới bằng nó. Bông gòn là vua”.

Trước Nội Chiến, nền kinh tế Mỹ lệ thuộc vào bông gòn—tức vào máu và nước mắt của nô lệ vì họ là tài sản sinh lợi. Năm 1860, nô lệ có giá trị gấp 3 lần tổng số tiền đầu tư ở nhà băng, gấp 3 lần giá trị số bò ngựa, gấp 7 lần số tiền lưu hành toàn quốc, gấp 12 lần giá trị bông gòn và 48 lần tổng số chi tiêu của Liên Bang. Con số thống kê đó nói lên vai trò thiết yếu và quan trọng của nô lệ trong nền kinh tế.


Nô lệ da đen trên cánh đồng bông gòn 1850-1860


Từ năm 1803 đến năm 1937, nước Mỹ xuất cảng bông gòn nhiều nhất thế giới. Nước Anh trở thành “đế quốc nơi mặt trời không bao giờ lặn” bởi nơi nào cũng có thuộc địa. Và nước Anh đã nhập cảng đến 77% bông gòn từ Mỹ. Kỹ nghệ dệt sợi của Anh chiếm 40% lợi nhuận xuất cảng. Một phần năm trong số 22 triệu dân Anh gắn bó với công nghiệp dệt này. Những thành phố công nghệ phía Bắc Mỹ ở New England, Massachusetts, Rhode Island... đều dựa vào ngành dệt vải từ bông gòn để xuất cảng. Trong khi đó, tại các trang trại bao la ở miền Nam bông gòn nở rộ như cỏ. Những cánh đồng bông gòn mênh mông—được thu hoạch bằng tay, vác trên vai, đội trên đầu người nô lệ da đen, trải dài miền Nam. Vấn đề sở hữu nô lệ, tưởng sẽ bị bãi bỏ theo dòng lịch sử văn minh nhân loại như ở các đất nước Âu châu, đã bị kéo dài vì sự lệ thuộc kinh tế vào bông gòn. Và như thế, nước Mỹ rơi vào một cuộc nội chiến tang thương, nhất là sau khi Eli Whitney phát minh ra chiếc máy thu hoạch bông gòn.

Trước đó, thu hoạch bông gòn đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian. Bông gòn ngắt từ cây đem về trại phải được tách bông và hạt ra bằng tay. Trung bình mỗi ngày một người nô lệ chỉ tách hạt được khoảng 1/2 kg bông gòn (loại sợi ngắn). Ðến khi Eli Whitney sáng chế ra máy tách hạt bông gòn thì năng suất tách hạt lên đến 25kg/ngày, lợi nhuận gia tăng gấp 50 lần.


Bông gòn chở lên tàu hơi nước ở Mississippi 1900s


Sau khi tốt nghiệp luật ở Yale năm 1792, trong khi chờ hành nghề luật sư, Whitney du hành xuống miền Nam và nhận lời làm phụ giáo cho trang trại trồng trọt bông gòn Mulberry Grove, gần Savannah, Georgia. Trò chuyện cùng chủ nông trại, Eli Whitney biết được bông gòn dễ trồng và dễ chứa trong kho, nhưng lợi nhuận không cao vì phải tách hạt bông gòn bằng tay. Whitney bỏ ra một thời gian nghiên cứu và chế ra cái máy quay tay, có nhiều trục gỗ với lược răng cưa. Bông gòn được cho vào máy quay, các chiếc lược bằng thép sẽ chặn các hạt lại trong khi sợi bông trắng đi qua vào phía bên trái và hạt rơi vào thúng bên phải. Máy được gọi là Cotton Gin (gin là viết tắt của engine), lúc đầu chỉ là máy nhỏ quay tay, sau đến máy to được kéo bằng ngựa và cuối cùng là máy chạy bằng hơi nước. Sản xuất bông gòn ngày càng tăng, kịp thời cung ứng cho ngành dệt công nghệ đang phát triển, khi các tàu hơi nước và đường hỏa xa đã tỏa mạng khắp nơi.

Whitney đăng bạ sáng chế của mình năm 1794 và thành lập công ty sản xuất máy để lắp ráp máy cho các nông trại, đổi lại bằng lợi nhuận phần trăm từ thu hoạch bông gòn. Các chủ trang trại dù ưa thích sáng chế này nhưng lại không chịu san sẻ lợi nhuận; họ bắt chước và tự làm máy riêng cho mình, lợi dụng các sơ hở của luật lệ bấy giờ. Miền Nam giàu có hẳn lên nhờ năng suất cao của bông gòn thu hoạch bằng máy. Bông gòn được xem là “vàng trắng”, được trồng khắp nơi và vận chuyển đến những con sông. Từ đó các đoàn tàu chở bông gòn sẽ chạy dài lên các xưởng dệt ở New England rồi vượt biển sang Châu Âu.

Các nông trại bông gòn ngày càng lớn thì càng cần nhiều nô lệ. Năm 1790 nước Mỹ chỉ có 6 tiểu bang mua bán nô lệ. Ðến đầu năm 1860, khi cuộc chiến khơi mào, con số đã lên đến 15 tiểu bang. Và đó là lý do miền Nam, vì quá lệ thuộc vào bông gòn, tin tưởng bông gòn là nguồn lợi vô giá và độc quyền, đã tách rời khỏi Liên Bang để đưa đến cuộc nội chiến tàn khốc 4 năm dài.


Xe ngựa chở bông gòn ở Austin, TX 1900s


Mississippi là tiểu bang sản xuất bông gòn lớn nhất nước. Dân số từ zero năm 1800 đã tăng đến nửa triệu người vào năm 1859. Tương tự như các tiểu bang miền Nam khác. Cơn sốt vàng trắng trên đất đai lấy được từ người thổ dân đã thu hút nô lệ và người da trắng đến kinh doanh. Lợi nhuận từ bông gòn giúp trang trải cho chính phủ miền Nam— từ vũ khí đến quân đội đến việc bang giao đối ngoại với Châu Âu. Jefferson Davis, Tổng thống phe Confederate, ủng hộ chính sách ngoại giao mang tên “bông gòn là vua”. Ông cho rằng gián tiếp cấm xuất cảng bông gòn sẽ làm điêu đứng nền kinh tế Anh quốc, dẫn đến việc Anh phải công nhận quan hệ ngoại giao với nước Confederate mới ra đời. Chính vì nền kỹ nghệ dệt của Anh dựa vào 77% bông gòn đến từ Mỹ nên Anh đã lúng túng tuyên bố trung lập khi cuộc nội chiến bùng nổ vào tháng 5, 1861.

Ðể gây sức ép, miền Nam đã thiêu đốt chừng 2.5 triệu kiện bông gòn. Bông gòn xuất cảng sang Anh quốc giảm mạnh, từ 3 triệu kiện chỉ còn vài ngàn kiện năm 1860. Thực tế thì phe miền Nam đã tính lầm. Trước đó 10 năm, Anh quốc đã nhập bông gòn ồ ạt và có dư số lượng dự trữ. Nhưng nền kinh tế Anh cũng có chựng lại; giá cả bông gòn đã tăng vọt từ 10 xu/pound lên đến 1.89 đô/pound trong các năm Nội Chiến. Anh đã phải xoay qua nhập cảng bông gòn từ các nước khác như Ấn Ðộ, Ai Cập và Ba Tây. Dù vậy Anh cũng lén lút cung cấp vũ khí cho phe miền Nam để đổi lấy bông gòn. Suốt cuộc Nội Chiến, hơn 600 ngàn súng ống đã được sản xuất tại Anh. Ðáng chú ý là chiến hạm C.S.S Alabama, do Anh sản xuất, đã làm điêu đứng các tàu hải quân Union trong suốt 2 năm trời.


Phát minh của Eli Whitney


Khi phe Confederate thấy cấm vận bông gòn không có lợi, họ bèn tìm cách gia tăng xuất cảng bông gòn trở lại để kiếm lợi nhuận hầu cứu vãn nền kinh tế èo uột. Nhưng đã quá muộn. Phe Union từ đầu cuộc chiến đã dàn binh bố trận bao vây các đường vận chuyển bông gòn của miền Nam—từ sông Mississippi đến biển Ðại Tây Dương, suốt bờ biển phía Ðông đến Vịnh Mễ Tây Cơ. Chiến lược Anaconda Plan của tướng Winfield Scott, như con trăn lớn, đã bao vây toàn bộ miền Nam. Vòng vây này cũng ngăn chận các nguồn vũ khí của phe miền Nam và Châu Âu.

Bông gòn cũng đã làm xáo trộn đời sống người dân và chính quyền Union phía Bắc. Do cần bông gòn cho các hãng dệt, khi chính phủ Union thông qua Bộ Tài chánh cho phép tịch thu bông gòn của miền Nam, bông gòn trồng ở các tiểu bang phía Bắc cũng không phân biệt được nguồn gốc. Giá cả khi thu mua là 12 xu/pound, cộng lệ phí vận chuyển 4 xu/pound, đến khi bán lại ở New York đã lên gần 2 đô/pound. Bông gòn gây ra nạn tham nhũng và đầu cơ trong thời Nội Chiến rối beng. Các nô lệ chạy trốn, hay được giải thoát sau khi lính miền Bắc thắng trận, được tái sử dụng để làm việc trên các cánh đồng bông gòn bị bỏ hoang do chiến tranh nay được trồng lại. Họ được trả công 10 đô/tháng, làm 10 giờ/ngày. Hai phần ba số nô lệ vừa được tự do này đã bị lợi dụng và trả thiếu lương trong năm 1864.


Vòng đai bao vây của phe Union


Dù vậy, sau khi Nội Chiến chấm dứt năm 1865, chính nhờ bông gòn mà nước Mỹ đã vực dậy được để tái thiết, trả nợ, xây dựng đường sá, đường hỏa xa và ổn định kinh tế. Ðến năm 1870, Mỹ đã xuất cảng bông gòn ồ ạt trở lại. Nhưng vì người nô lệ được tự do lao động, giá cả bông gòn của Mỹ không còn rẻ bằng các nước khác. Những cánh đồng bông gòn dần được thay bằng ruộng lúa mì. Nền công nghiệp dần phát triển; “vàng đen” dầu mỏ được khai thác. Ngày nay bông gòn vẫn còn được trồng rải rác ở miền Nam và được thu hoạch bằng cơ giới hiện đại. Hoa Kỳ vẫn là nước xuất cảng bông gòn nhiều nhất thế giới. Nhưng giờ đây bông gòn không còn là “vàng trắng”, hình ảnh gắn liền với nỗi đau khổ của người nô lệ da đen một thời.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân