TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhà thờ Cha Tam
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhà thờ Cha Tam

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9796

Bài gửiGửi: Sat Sep 29, 2018 11:56 pm    Tiêu đề: Nhà thờ Cha Tam
Tác Giả: Trang Nguyên

Nhà thờ Cha Tam

Quang cảnh nhà thờ Cha Tam


Nhà thờ được chính thức được đặt tên của thánh Saint Francisco Xavier nhưng người dân vẫn quen gọi là nhà thờ Cha Tam cho gọn. Cũng vì tên gọi dân gian này làm nhiều người ngoại đạo ngộ lầm pho tượng Đức Cha đứng dưới nóc giáo đường là pho tượng Cha Tam. Pho tượng đó là Thánh Francisco Xavier. Cha Tam là người thừa hành xây dựng giáo đường và quản mục nhà thờ.


Quang cảnh nhà thờ Cha Tam khoảng năm 1900


Trung tâm Chợ Lớn vào những năm cuối thế kỷ 19 phát triển mạnh, dân cư từ cù lao Phố (Biên Hoà) về ở ngày một đông. Thấy việc mở rộng đạo Công giáo ở khu vực này còn yếu, Ðô đốc Lagrandière lúc đó đang là Thống đốc Nam kỳ, đã ra lệnh cho Sở Công Trình Công Cộng dùng tiền công để xây dựng một ngôi nhà thờ. Giám mục Jean Dépierre đã cử linh mục gốc Hoa Pierre d’ Assou có tên là Ðàm Á Tố đọc sang âm Việt (Tam An Su), lo xây dựng một ngôi thánh đường để giáo dân người Hoa có nơi hành lễ.

Kiếm được mảnh đất lớn rộng ba mẫu xây dựng nhà thờ là điều không dễ dàng, nguyên sở đất mà Cha Tam chọn đã bỏ hoang hơn 20 năm do một chủ người Hoa trở về cố quốc sinh sống, biệt tin không biết nơi đâu để thương lượng mua và tiến hành làm giấy tờ sang nhượng. Cuối cùng thì Cha Tam cũng mua được mảnh đất ấy theo thủ tục thừa kế, phải kiếm ra đủ 9 người con cháu của người chủ còn sống ở Chợ Lớn.



Vị trí sở đất rất đẹp, nằm cuối ngã ba đường Thủy Binh (Rue des Marins, nay là Trần Hưng Ðạo B, tức một đoạn nối dài của đường Trần Hưng Ðạo khúc Châu Văn Liêm ngày nay). Mặt tiền nhà thờ xoay ra đường Học Lạc. Thuở xưa nơi đây nguyên là nơi họp mặt, giải trí, bàn chuyện làm ăn của những thương nhân người Hoa nên cảnh trí khá nên thơ nhưng sau đó thì chuyển sang chỗ khác. Gần đó là Lệ Châu Hội quán. Theo học giả Vương Hồng Sển kể trong “Sài Gòn năm xưa” thì vùng đất nhà thờ khi xưa là chợ Lò Rèn vì đây là xóm thợ lò rèn và thợ kéo chỉ sắt (dây kẽm), tối ngày ồn ào tiếng lạt chạt. Bài phú Cổ Gia Ðịnh, ghi lại: “Cắc cớ chợ Lò Rèn, nghe lạt chạt nhà Ban (lỗ Ban) đánh búa”.

Có lẽ đây là thời gian sau đó, nối tiếp nhau trên mảnh đất mà Cha Tam mua để xây dựng nhà thờ vào đầu thế kỷ 20. Ngoài kinh phí của chính quyền Pháp sở tại, Cha Tam còn được sự đồng thuận của chính quyền, bang hội cho tổ chức quyên góp tiền của để mau chóng hoàn thành công trình. Nhiều nhà giàu có, thương gia sẵn lòng giúp đỡ. Bản vẽ thiết kế nhà thờ do Gioan Baotixiat Huỳnh Tịnh Hướng thực hiện (sau này Huỳnh Tịnh Hướng trở thành Linh mục cho đến năm 1919 được cử về trông coi nhà thờ Micae tức Nhà thờ Ngã Sáu trong Chợ Lớn). Nhà thờ Francisco Xavier được xây dựng nhanh chóng và làm lễ khánh thành vào ngày 10/2/1902.


Di ảnh Cha Tam


Trong thời gian xây dựng nhà thờ Francisco Xavier, Cha Tam do lao tâm lao lực quá độ, vừa phụng sự Chúa lo cho giáo dân vừa đi dạy cho trường Trung học Lasan Taberd nên sinh bạo bệnh. Sau khi khánh thành nhà thờ, bệnh tật Cha được hồi phục nhưng thể chất còn yếu nên Cha Tam xin Bề trên đi dưỡng sức ở Hồng Kông và Ma Cao một thời gian dài rồi trở về tiếp tục chăn dắt giáo dân. Năm 1934, Cha Tam qua đời, phần mộ của Cha được an táng bên cạnh cửa ra vào nhà thờ, ngày nay vẫn còn đó.


Nhà thờ Cha Tam xây theo lối kiến trúc Gothic


Cũng giống như bao nhà thờ bên châu Âu và xứ Annam thuộc địa, kiến trúc nhà thờ xây theo lối Gothique nhưng pha trộn một ít yếu tố kiến trúc Á Ðông như mái ngói âm dương, trên nóc nhà thờ có gắn một hoa sen cùng hai bức liễn treo hai bên cửa ra vào viết bằng chữ Hán và nơi treo tượng Chúa bị đóng đinh có thêm hai bức liễn sơn son thếp vàng: “Ảo thế phù vinh bất túc mãn nhân nguyện / Thiên hương vĩnh phúc phương năng sung thiện tâm”. Tạm dịch: “Những vinh hoa phù phiếm hư ảo không thể làm thoả mãn ham muốn của con người / Ơn đức lâu dài thơm thảo của Thiên Chúa giúp người suy gẫm về lòng thiện”.

Lòng thiện của nhà thờ thể hiện bằng việc cụ thể là xây một trường học Thánh Tâm bên hông nhà thờ để dạy chữ quốc ngữ cho con em nhà nghèo người Hoa và cả người Việt sống quanh vùng. Hơn nữa, lại có một nhà trẻ mồ côi do các bà Sơ chăm sóc. Ấn tượng về những chuyện này, vài ba người lớn tuổi khi nghe tôi nhắc đến nhà thờ Cha Tam thì liền nhớ về những ký ức tuổi thơ. Những hình ảnh nhảy nhót tuôn trào bất tận. Chuyện lớn chuyện nhỏ đem ra bày tỏ cho thoả nỗi niềm.


Nhà thờ Cha Tam trong cuộc chiến Mậu Thân.


Hồi đó, quanh cảnh chung quanh nhà thờ đã chật kín nhà cửa rồi, hai bên dãy phố Trần Hưng Ðạo và đường Học Lạc san sát nhà mái ngói, buôn bán sầm uất, gần đấy có một chợ gà sống đưa từ Nam Vang sang, cứ mỗi sáng sớm là nghe tiếng gà kêu quang quác. Khi đó hình như chưa có khu thương xá Soái Kình Lâm từ chỗ đèn năm ngọn chạy thẳng đến ngã ba đụng ngay cổng nhà thờ. Hai cánh cổng sắt và hàng rào song thưa của nhà thờ trông rất đơn giản, nhìn thẳng vào bên trong là ngôi giáo đường lặng lẽ trang nghiêm. Sau khi xây dựng nhà thờ xong, mấy năm sau Cha Tam cho xây thêm hai dãy nhà trệt mái ngói ở hai bên hông sân trước cạnh lối đi vào. Nơi này là nhà nghỉ và phòng làm việc của Cha và các chức sắc nhà thờ và một gian nhà dùng để nuôi trẻ mồ côi.


CHOLON ngày 10-6-1968 - Đường Đồng Khánh, cuối đường là Nhà thờ Cha Tam


Ông bạn tôi lúc đó chỉ mới bảy tám tuổi thôi nhưng nhớ rất rõ, phía sau nhà thờ có một dãy nhà mái ngói cho thuê để lấy tiền bổ sung chi phí sinh hoạt. Nhà ở đó, mỗi chiều Thứ Bảy đi xem lễ không bao giờ đi cổng chính mà lại vạch bụi tre chui vào sân nhà thờ cho đỡ mất thời gian đánh vòng. Các Cha thỉnh thoảng dùng sân nhà thờ chiếu phim cho bà con giáo dân xem chơi giải trí. Thời đó, phim Việt chưa có, chỉ toàn phim Tây. Nhiều phim tình cảm lãng mạn của Pháp, trước khi chiếu Cha phải duyệt qua để khi đến cảnh tình tứ của đôi tình nhân má kề má môi kề môi trên phim thì Cha liền lấy tay che ống kính đèn máy chiếu. Cứ mỗi lần màn hình tối đen, đám thanh niên nam nữ lại ồ lên vang trời.



Những ký ức vụn vặt cứ thế mà trôi qua trong câu chuyện kể. Ðiều làm tôi ấn tượng nhất là sự việc ám sát Tổng thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ Cố vấn Ngô Ðình Nhu khi quân đội đảo chánh. Một ngày trước khi xảy ra sự việc hai ông đã thoát thân, trú ngụ tại nhà Tổng bang hội người Hoa Mã Tuyên, sáng hôm sau thì ghé sang nhà thờ Cha Tam đi lễ nhưng chỉ vài tiếng sau đó thì sự việc chính trị kết thúc một cách bi thảm. Chính vì sự việc lớn này mà nhà thờ Cha Tam luôn được mọi người nhắc tới.



Với tôi, hình ảnh của nhà thờ Cha Tam luôn là một kiến trúc đẹp mà sau này tôi có dịp ghé vào Chợ Lớn. Cánh cổng nhà thờ lúc đó đã thành cổng tam quan, có gác mái ngói lưu ly không giống cánh cổng nguyên thuỷ ngày xưa giản đơn và bình dị. Trông có vẻ nặng nề giữa ngồn ngộn các nhà lầu ba bốn tầng hai bên đường từ chợ vải Soái Kình Lâm nhìn thẳng. Cột bê tông lại có biển tên chữ Hán màu đỏ, người đi đường ngang qua dễ lầm tưởng cánh cổng của một ngôi chùa. Bên trong sân nhà thờ dựng thêm tượng Ðức Mẹ đứng trong nhà thuỷ đình mái ngói uốn cong.


Khuôn viên nhà thờ Cha Tam ngày nay.

Chuyện này được ghi lại trong một blog dưới tên Người Sài Gòn: “Nhiều người mới tới hay đi ngang qua thường lộn nhà thờ Cha Tam là chùa, vì nhà thờ nằm ngay trong khu vực Chợ Lớn, tập trung đông người Hoa nhất Saigon, và hơn nữa thì cái cổng tam quan bên ngoài nhà thờ cũng có vẻ giống chùa hơn là giống nhà thờ. Lúc tui tới chụp, cũng có một anh chàng dừng xe ngay bãi đất trống nói chuyện điện thoại, và cứ kêu gào qua điện thoại là “tao đang đứng ngay cái chùa, bla bla bla”:). Tui rất muốn đi lại chỗ anh ta và nói ảnh biết rằng đây là cái nhà thờ, không phải chùa, nhưng có lẽ điều đó không cần thiết”.

Ðúng là không cần thiết vì tiểu tiết bé cái lầm, nhưng tôi chắc rằng hiện trạng kiến trúc của nhà thờ Cha Tam trước năm 1968 vẫn còn y nguyên như thuở ban đầu. Bom đạn chiến tranh tàn phá nhiều nơi ở Sài Gòn Chợ Lớn. Sau đó, nhà thờ trùng tu và xây thêm những công trình phụ. Gần đây nhất là sửa chữa tháp chuông vào năm 1990.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân