TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chiếc quạt máy dầu hôi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chiếc quạt máy dầu hôi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Wed Aug 22, 2018 11:43 pm    Tiêu đề: Chiếc quạt máy dầu hôi
Tác Giả: Trang Nguyên

Chiếc quạt máy dầu hôi


Trong tờ Lục Tỉnh Tân Văn số 3/1/1918 có một quảng cáo chiếc quạt máy hiệu Jost chạy bằng dầu hôi như sau: “Vẫn quạt máy này hiện ra làm rất đẹp con mắt, đã chắc, rẻ mà lại tiện dụng vô cùng. Dùng dầu hôi đốt đèn cho máy chạy trong 30 giờ tốn có một litre thôi. Có hai thứ quạt: Một thứ kêu là Le Rex bề đứng 1m15 giá là 68$. Một thứ kêu là L’ouragan bề đứng 1m35, giá là 100$. Viết thơ mà hỏi sách có vẽ kiểu và giá cả tại: Hãng Berthel, Charrière và Công ty ở đường Kinh Lấp, môn bài số 68 – Sài Gòn”.



Tình cờ tôi đọc được một bài viết của nhà báo Lưu Quang Phổ về chuyện chiếc quạt cổ của ông Trần Công Phúc, người được suy tôn là trùm quạt cổ đất Hà thành. Câu chuyện hấp dẫn vì trong số những chiếc quạt cổ, có một máy quạt có hình dáng gần giống như hình vẽ trong mẫu quảng cáo máy quạt chạy bằng dầu hôi cách nay 100 năm đăng trong tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn. Hơn nữa, tôi cũng là người thích tìm kiếm những thứ đồ cũ bỏ đi, người ta bán lạc xoong, mua về để đó, có khi dùng đến cho việc trang trí.

Một lần, tôi mua được một cái chân đồng ngắn, bên trên có cái bầu dầu và tôi nghĩ đó là cái lò đốt nước luộc kim chích của ngành y tế hồi xưa. Nhưng những người bạn am hiểu đồ cổ, bảo đó là một phần của cái máy quạt đốt bằng dầu hôi hồi xưa khi Sài Gòn chưa có điện. Biết vậy thôi, không thể chế tác làm thứ gì vì món hàng của tôi là đầu thừa đuôi thẹo. Nay, gặp lại tấm ảnh chiếc quạt của ông Trần Công Phúc, làm tôi thích thú lắm.


Chiếc quạt chạy bằng dầu hôi của ông Trần Công Phúc vẫn còn nguyên vẹn. Hình: Lưu Quang Phổ


Nhà báo viết: Chuyện đã gần tàn, ông già 70 tuổi hình như đã cao hứng lắm mới chạy vào nhà bê ra một chiếc quạt mà chúng tôi cho là kỳ dị nhất trên đời vì nó không chạy điện mà lại xơi... dầu hỏa để đun một nồi hơi và tạo ra áp lực để quay cánh quạt thông qua một trục khuỷu. “Tôi mua cái này trong Lục tỉnh Nam kỳ, giá khoảng một cây vàng từ hồi vàng chưa lên giá. Nay có người đến trả hơn 30 triệu nhưng tôi không bán, không bán và sẽ không bán đâu vì khó có thể kiếm được cái thứ hai lắm”.

“Chiếc quạt đúng là hết sức kinh dị. Trên ba chiếc chân thép, nhà sản xuất Hetmin Fan đã lần lượt thiết kế một bầu dầu, một buồng đốt và nồi hơi rồi đến hệ xi-lanh, pít-tông rồi trên cùng mới là bộ cánh 4 lá bằng đồng. Trên quạt vẫn còn đúc nổi dòng chữ Germany 1873. Hỏi ông nó chạy được không, ông Phúc cười, tại sao không, vào tay tôi mà không chạy được thì nói làm gì, đoạn, ông bảo cậu bé giúp việc đi mua về nửa lít dầu hỏa để... đốt quạt đãi khách gió mát! ”.

Ta khoan bàn tới chiếc quạt máy chạy bằng dầu hôi cổ xưa kia mà bắt đầu đi loanh quanh tìm rõ ngọn nguồn. Ta hãy bắt đầu hình dung ra trung tâm Sài Gòn vào khoảng thời gian người ta bày bán hàng cơ khí đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn trước đã, rồi xem giá cả nó đắt ra sao so với ngày nay. Máy quạt chạy có tốt không cái đã.


Quạt máy chạy bằng dầu hôi những năm 1920 bắt đầu có gắn lưới an toàn bên ngoài.


Tiệm bán máy quạt ở đường Kinh Lấp (nay là Nguyễn Huệ) của quảng cáo trên khi xưa con kinh này có tên là Kinh Lớn hay kinh Chợ Vải vì nơi đây buôn bán hàng hoá vải vóc rất nhộn nhịp. Kinh này do Nguyễn Ánh cho đào để dẫn nước vào thành Gia Ðịnh. Sau khi Pháp Gia Ðịnh, rồi đốt bỏ thành Gia Ðịnh, người Pháp cho quy hoạch thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Con đường Kinh Lớn này đổi thành kinh Charner được lấy tên Ðô đốc Charner – người ban hành quy định địa phận hai vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Hai bên bờ kinh Charner có hai đường đất cho xe ngựa chạy mang tên là Charner và Rigault de Genouilly. Do ô nhiễm và muỗi mòng nên năm 1887, người Pháp cho lấp con kinh này, gọi chung tên là đại lộ Charner (người Việt mình vẫn quen gọi Kinh Lấp). Người Hoa tập trung sống dọc hai bên con phố, mở tiệm bán buôn.

Sài Gòn tiếp tục hình thành các con đường khác bằng cách san lấp các con kinh, cho đến thập niên đầu thế kỷ hai mươi thì Sài Gòn đã hình thành gói gọn gần như trong khu vực quận 1 ngày nay. Trung tâm thương mại nằm quanh những con phố Catinat (Tự Do, sau này là Ðồng Khởi), Quai de Belgique (Cầu Ông Lãnh), Bonard (Lê Lợi). Ðường Galliéni (Trần Hưng Ðạo) khi đó vừa mới hình thành kết nối Sài Gòn và Chợ Lớn. Nói chung, các hiệu buôn vải vóc, tiệm may, tiệm thuốc, tiệm rượu, bắt đầu mọc lên dọc theo các con phố thương mại.



Vào thập niên đầu thế kỷ hai mươi, trên các con đường trung tâm Sài Gòn bắt đầu xuất hiện những kiểu nhà phố buôn bán mặt hàng sắt thép, cơ khí. Chẳng hạn két sắt, máy quạt, xe đạp. Mãi tới đầu năm 1920 người Sài Gòn mới biết chiếc xe hơi có hình dáng ra sao. Còn cái tủ lạnh chạy bằng dầu hôi mà nhiều người lớn tuổi có thể biết, đã xuất hiện trên thị trường vào những năm ba mươi của thế kỷ trước. Sau thời gian này, khoảng thập niên 1940, quạt máy điện mới du nhập vào Việt Nam, máy quạt nổi tiếng nhất, chạy êm nhất là quạt Marelli. Nhà máy điện Chợ Quán khoảng năm 1920 mới bắt đầu cung cấp điện cho vùng Sài Gòn – Chợ Lớn nhưng chủ yếu vẫn là điện dành để hoạt động hệ thống xe điện hoặc đốt đèn ở các hãng xưởng và dinh thự cũng như một ít dành cho nhà quan lớn, người giàu có ở mặt tiền đường lớn mà thôi.



Có lẽ, máy quạt chạy bằng dầu hôi thuở đầu thế kỷ hai mươi là một thứ tiện nghi dân dụng lạ lẫm lắm đối với nhiều người Annam. Dân Tây thì khỏi nói, họ làm ra thứ quạt hiệu Jost này bán ra toàn thế giới, nên chẳng có gì là lạ khi đem đồ cơ khí văn minh hoá cho dân Annam. Trong khi từ nào giờ, dân mình chỉ có biết đến những thứ quạt mo, quạt lá, quạt lông vịt (lông chim bồ nông thì người Pháp thu mua mang về bổn xứ làm quạt), quạt nan giấy hoặc gần nhất là quạt vải kéo tay gắn trong phòng ngủ của các vua triều Nguyễn sau này.

Nhiều người lớn tuổi ở Sài Gòn còn nhớ giữa năm 1950, vào những buổi trưa hè, gặp nhiều người mặc áo thâm đen hoặc áo nâu chàm, tay phe phẩy cái quạt nan tre bước ra phố hoặc đi long rong trong xóm thì có thể xác định đích thị là người Bắc di cư vào Nam, chứ người dân Sài Gòn đã quen chịu nóng, nếu có chỉ dùng quạt trong nhà. Ở Hà Nội còn có một con phố cổ Hàng Quạt chuyên làm quạt nan truyền thống. Loại quạt này thông dụng từ xưa đến nay, rẻ tiền lại xếp gọn cầm tay hoặc giắt sau cổ áo.



Vậy thì máy quạt theo quảng cáo trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn kêu là Le Rex bề đứng 1m15 giá là 68$. Giá tiền máy quạt có đắt không vào thuở đó? Cũng vào năm đó (1918), giá một giạ lúa là 7 cắc (70 xu). Một giạ lúa xay ra 22 ký gạo. Như vậy 68 đồng mua được hơn 2 tấn gạo (làm tròn số). Giá gạo hiện nay là 11,000$/ký. Chi bằng 22 triệu đồng tương đương 1,000 USD. Trong khi lương của một tư chức cao cấp công ty Pháp một tháng là 150 đồng (qui ra ngày là 5 đồng). Lương thợ thuyền một ngày chừng 25 đến 30 xu. Rõ ràng là quá xa xỉ cho một món đồ chỉ đơn thuần “tặng gió mát cho đời”. Cũng nên biết rằng, một quạt điện kiểu đứng của Nhật, giá hiện nay chừng 2.2 triệu đồng. Như vậy một cái máy quạt 100 năm trước đắt hơn máy quạt ngày nay đến 10 lần.


Bản vẽ máy quạt kéo ở Châu Âu vào năm 1830. Hình: Wiki


Giá đắt như vậy chắc chắn là quạt tốt, chạy êm ru? Không đâu. Ðọc một bài viết giải thích về nguyên lý hoạt động của tuần báo Khoa Học số 95 tháng 4/1935 viết về chuyện Sáng tạo Máy quạt chạy bằng đèn dầu như sau:

“Cách đây mươi năm, khi nhiều nơi chưa có điện, lắm người đã dùng một kiểu máy quạt chạy bằng dầu hoả. Tuy quạt chạy không được êm, nhanh nhưng cũng có thể mát được mà ở một nơi chưa có điện nếu có máy quạt ấy kể cũng thú lắm. Kiểu máy ấy ngày nay không thấy mấy nơi dùng và bán vì bây giờ nào máy điện, máy dầu, máy essence vân vân rất nhiều; tuy vậy, nếu tiện, muốn có óc chế tạo và ít tốn, ta khéo tay có thể làm lấy một bộ mà dùng. Trước khi làm bộ máy xin nói qua thế nào là máy chạy bằng hơi nóng. Máy dùng hơi nóng (moteur à air chaud) sở dĩ chạy được là vì máy có ống bơm cylindre và cây thụt piston. Khi ống bơm bị sức lửa nóng đến 273 độ thì sức không khí bị đè nén ở trong sẽ tăng lên một atmosphère nghĩa là nếu sức nóng lên đến 273 độ, thì một khoảng vuông cạnh 1 phân sẽ bị phải chịu thêm một sức đè nén là 1 cân”.


Một chiếc quạt máy chạy bằng dầu hôi được rao bán ở ebay giá US $700.00


Xem ra, máy quạt chạy bằng dầu hôi chẳng tốt tí nào nên chừng gần hai mươi năm sau chẳng ai còn dùng nữa. Máy chạy không êm lại còn không đẹp và kém an toàn. Cánh quạt không có lưới bao an toàn dễ gây nguy hại cho con người. Thế nhưng, máy quạt khi đó là một vật dụng mới mẻ, được khen là đẹp con mắt, hấp dẫn giới thượng lưu quý tộc. Nay những chiếc quạt còn nguyên vẹn này trở thành đồ cổ khó tìm mà nếu tìm được giá của nó còn đắt hơn ngày xưa nữa. Giá đắt của nó, nhiều người cho là giá trị văn hoá. Tuy nhiên, giá trị thật của nó chính là giá trị quý hiếm.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân