TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trận Concord và Độc Lập Hoa Kỳ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trận Concord và Độc Lập Hoa Kỳ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Tue Jul 10, 2018 11:19 pm    Tiêu đề: Trận Concord và Độc Lập Hoa Kỳ
Tác Giả: Chiêu Ấn

Trận Concord và Độc Lập Hoa Kỳ

Lời Giới Thiệu: Lịch sử luôn thiêng liêng với mỗi dân tộc và là chất keo gắn kết dân tộc lại với nhau. Do đó hiểu biết lịch sử của đất nước mình đang sinh sống và trở thành công dân là điều không thể thiếu sót trong việc thi quốc tịch mà chúng ta đã trải qua. Nhân Lễ Độc Lập Ngày 4 Tháng 7 tới, Trẻ xin gửi đến quý độc giả bài viết ghi lại trận đánh lịch sử mở màn cho chiến thắng của người dân Mỹ dẫn đến việc thực dân Anh trao trả độc lập cho dân Hoa Kỳ. Độc lập và tự do luôn đòi hỏi cái giá xương máu, và để giữ được 2 điều thiêng liêng trên cũng đòi hỏi máu xương mà người dân yêu nước hiện nay phải trả trước sự đàn áp của nhà cầm quyền CS.

Chiêu Ấn


Hàng năm, dân chúng Concord đều diễn lại trận đánh tại Cầu Bắc Concord


Ngày 4 Tháng Bảy, Lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ hằng năm, là một ngày lễ truyền thống quốc gia được đánh dấu bằng những sự kiện thể hiện tinh thần ái quốc. Tương tự như các sự kiện theo chủ đề mùa hè khác, lễ kỷ niệm Ngày Ðộc Lập thường diễn ra ngoài trời. Ngày Ðộc Lập là ngày lễ liên bang, vì vậy tất cả các tổ chức liên bang không cần thiết như dịch vụ bưu điện và tòa án liên bang đều đóng cửa vào ngày đó. Nhân dịp này, nhiều viên chức trong chính quyền hiện diện tại các sự kiện công cộng để ca ngợi các giá trị lịch sử và con người của đất nước Hoa Kỳ.



Gia đình người Mỹ thường ăn mừng Ngày Ðộc Lập bằng cách tổ chức đi dã ngoại hoặc picnic nướng thịt và ăn uống ngoài trời. Nhiều người tận dụng lợi thế của ngày nghỉ lễ, có khi trùng vào một cuối tuần dài, để tụ tập họp mặt vui chơi cùng người thân hoặc bạn bè. Các đồ vật trang trí cho ngày lễ thường có 3 màu đỏ, trắng và xanh dương, là màu của quốc kỳ Mỹ. Các cuộc diễn hành xe hoa thường được tổ chức vào buổi sáng; màn trình diễn ngoạn mục bắn pháo bông diễn ra vào ban đêm sau khi trời tối ở những nơi như công viên, khu hội chợ, hoặc quảng trường thành phố hay thị trấn trên khắp cả nước. Theo con số thống kê cho biết, trị giá của tất cả các loại pháo bông đốt trong Ngày Lễ Mừng Ðộc Lập Hoa Kỳ năm 2016 là 800 triệu Mỹ kim. Bạn đoán thử xem số pháo bông đó của nước nào sản xuất? “Made in China”!



Trong bầu không khí tưng bừng của ngày lễ vang vang cất lên tiếng nhạc những bài ca yêu nước như quốc ca “The Star-Spangled Banner”; “God Bless America”; “America the Beautiful”; “My Country, ‘Tis of Thee”; “This Land Is Your Land”; “Stars and Stripes Forever”; và, tùy vùng, “Yankee Doodle” ở các tiểu bang phía đông bắc và “Dixie” ở các tiểu bang phía nam. Một số lời bài hát gợi lại hình ảnh về cuộc chiến tranh cách mạng đưa đến độc lập.


North Bridge, Concord, 1775. Painting by Don Troiani, Historical Art Prints.


Trận đánh đầu tiên giữa dân quân cách mạng Hoa Kỳ chống lại quân đội Anh xảy ra ở Concord, Massachusetts ngày 19 tháng 4 năm 1775, mở màn cho cuộc chiến đấu giành độc lập khỏi ách thuộc địa. Thị trấn nhỏ Lexington, nằm trên đường đi từ Boston đến Concord, cũng có xảy ra một cuộc đụng độ nhỏ cho nên đôi khi cũng được nhắc tên.

Thị trấn Concord nằm cách khoảng 20 dặm về hướng tây bắc của thành phố Boston tiểu bang Massachusetts, nơi đã trở thành một địa danh được dùng làm biểu tượng cho Cuộc Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ (1775-1783) hay còn được gọi là Cuộc Chiến Tranh Hoa Kỳ Giành Ðộc Lập.


Bản đồ cuộc hành quân của quân đội Anh đến Concord


Massachusetts là một trong 13 thuộc địa của đế quốc Anh ở châu Mỹ. Boston là nơi then chốt của phần lớn hoạt động cách mạng dẫn đến Ðạo Luật Chính Phủ Massachusetts do đế quốc Anh ban hành để củng cố quyền lực đối với thuộc địa Mỹ. Ðạo luật này gặp phải sự chống đối mạnh mẽ và quyết liệt của người dân thuộc địa khiến cho viên Toàn Quyền Thomas Gage cùng 4,000 binh sĩ Hoàng Gia Anh hầu như thường trực trong tình trạng bất an và phải thu mình trong thành phố Boston trong khi các vùng ngoại ô nằm trong tay của phe dân cách mạng.

Quốc hội nước Anh tuyên bố thuộc địa Massachusetts đang trong tình trạng phản loạn vì dân chúng bất mãn nổi dậy chống đối. Trung tướng Thomas Gage, tổng tư lệnh quân đội Anh ở thuộc địa Hoa Kỳ, được lệnh mở cuộc hành quân tiêu diệt các phần tử phiến loạn bạo động, phải truy tìm và phá hủy tất cả các kho chứa giấu vũ khí đạn dược của phe dân quân ái quốc.

Vào giờ đầu ngày 19 tháng 4, một đạo quân áo đỏ của quân đội Anh dưới quyền Trung tá Frances Smith và Thiếu tá James Pitcairn xuất phát từ doanh trại ở Boston.


Bức tranh vẽ liên lạc tình báo viên nổi tiếng Paul Revere từ Boston phi ngựa trong đêm đi thông báo


Biết được tin này, 3 tình báo liên lạc viên của phe dân quân cách mạng là Paul Revere, William Dawes và bác sĩ Samuel Prescott từ Boston chia làm hai ngả khác nhau tức tốc phi ngựa xuyên đêm để báo động cho dân chúng và các nhóm dân quân ái quốc ở Lexington và Concord hầu chuẩn bị đề phòng và sẵn sàng đối phó. Tại sao phải báo động hai nơi này? Thứ nhất, vì Lexington là nơi hai chính khách ái quốc, lãnh tụ phong trào giành độc lập của Mỹ là John Hancock và John Adams đang trú ẩn. Thứ hai, vì Concord là “mật khu” tiếp liệu, là kho chứa vũ khí.

Lực lượng chính quy Hoàng gia Anh – phe thực dân – gồm khoảng 700 binh sĩ rầm rập xuất quân từ thành phố Boston tiến về mục tiêu Concord để mở một cuộc hành quân lục soát nơi chôn giấu vũ khí của “quân phiến loạn” – phe dân quân kháng chiến Mỹ – theo như tin tình báo cung cấp.



Tại Lexington, hai liên lạc viên Paul Revere, William Dawes bị quân Anh chận bắt. Bác sĩ Samuel Prescott thoát được, tiếp tục phi ngựa chạy tiếp đến Concord khuya sáng ngày 19 tháng 4 để báo tin.

Khoảng 4:30 sáng, gần vào đến Lexington, quân Anh bắt được 3 dân quân trinh sát ở ngay bên ngoài thị trấn. Người dân quân trinh sát thứ tư tên Thaddeus Brown chạy kịp về lại thị trấn báo cáo lại với Ðại úy Parker là quân Anh còn cách nửa dặm ở phía sau.



Lúc 5:00, khi bầu trời hừng sáng ở phía đông, Thiếu tá Pitcairn dàn quân và ra lệnh cho binh sĩ nạp đạn tiến vào thị trấn. Ông cưỡi ngựa tiến lên phía trước và gọi phe dân quân Cách Mạng Mỹ hãy bỏ súng xuống và giải tán. Nhận thấy đám dân quân ít ỏi của ông không thể chống lại lực lượng Anh hùng mạnh hơn, Ðại úy Parker ra lệnh cho binh sĩ của ông không bỏ khí giới nhưng hãy giải tán. Bỗng một người lính dân quân nào đó của ông vô tình nổ súng. Quân Anh có cớ chính đáng để bắn trả ồ ạt và xung phong với súng gắn lưỡi lê.

Nghe tiếng súng nổ, Trung tá Smith phi ngựa chạy lên xem xét tình hình và ra lệnh ngưng bắn. Kết quả trận chạm trán ngắn ngủi, phía Cách Mạng Mỹ có 8 người bị giết và 10 người bị thương. Quân Anh chỉ có một binh sĩ áo đỏ bị thương.

Sau này, với mục đích tuyên truyền nhằm đánh động tinh thần ái quốc, sự kiện đó được phe Cách Mạng Hoa Kỳ quảng bá như là một thí dụ điển hình của sự tàn bạo và xâm lược của quân Anh và gọi đó là cuộc tàn sát đẫm máu.



Ðoàn quân Anh tiếp tục lên đường – sĩ quan cưỡi ngựa, lính lội bộ – đến mục tiêu hành quân Concord.

Khi đoàn quân hỗn hợp vừa bộ binh vừa thủy quân lục chiến Anh dưới quyền chỉ huy của Trung tá Francis Smith đến thị trấn Concord, họ không có vẻ hăng hái lắm vì phải thức cả đêm trước để được vận chuyển bằng phà rồi lên bờ lội bộ hằng chục cây số.

Trái lại, phe dân quân kháng chiến nhờ tổ chức được một hệ thống tình báo và liên lạc chuyển tín hiệu nhanh chóng bằng những kỵ mã giỏi cùng các phương tiện cổ truyền khác, nên họ đã kịp thời chuẩn bị đối phó, một mặt đem phân tán quân dụng và giấu ở các nơi khác, một mặt tập trung binh từ các thị trấn lân cận.

Phe kháng chiến gồm dân quân (militia) và các đơn vị xung kích lưu động (minuteman).

Chuông nhà thờ vang lên liên hồi báo động, các xung kích quân trong vùng tức tốc tập họp đơn vị. Cả thị trấn nhanh chóng được báo động về sự tiến quân của lực lượng Anh. Sáng sớm tinh mơ, hàng mấy trăm dân quân đã gom về trung tâm thị trấn và bắt đầu chầm chậm tiến về phía những chiếc áo choàng đỏ đang tới. Tuy nhiên, khi nhìn thấy lực lượng quân Anh, họ đột ngột đảo ngược hướng và rút lên một ngọn đồi bên ngoài thị trấn.



Lúc 7:30 sáng, lực lượng Anh vào đến Concord với dự định dùng bữa ăn sáng và tìm kho vũ khí. Một cư dân địa phương bị quân Anh chĩa súng ép buộc bắt phải chỉ chỗ cất giấu mấy khẩu pháo đại bác. Thế là quân Anh tìm được và đẩy súng xuống ao nước. Họ ép dân chúng bán thức ăn cho họ; người dân miễn cưỡng tuân theo.

Lực lượng dân quân trên đồi gần đó đã lên đến con số hơn 400 người. Với vị trí thuận lợi trên cao, họ thấy khói bốc lên từ thị trấn và nghĩ rằng quân Anh đang đốt nhà cửa của gia đình họ. Thực ra, quân Anh chỉ gom một số thiết bị quân sự, khẩu hiệu của dân quân để đốt.

Quân Anh chia ra nhiều toán bố trí và một toán vào thị trấn lục soát. Thoạt đầu phe kháng chiến chỉ có khoảng bốn trăm quân do Ðại tá James Barrett chỉ huy so với bảy trăm bên phe thực dân Anh. Phe kháng chiến còn án binh bất động. Ðại tá Barrett đem quân lên chiếm đóng một ngọn đồi ngoài rìa Bắc của Concord để dễ quan sát sự chuyển quân của phe thực dân trong thị trấn. Nhờ đó, nhiều đơn vị xung kích lưu động kháng chiến quân khác có thì giờ từ các thị trấn phía Tây đến tăng viện.



Khi vừa đến Concord, Trung tá Francis Smith chia đoàn quân ra làm nhiều toán đóng giữ các cầu Nam, cầu Bắc, đường di chuyển, và vài toán khác đi lục soát tìm kho vũ khí ở các địa điểm tình nghi. Toán giữ cầu Bắc chỉ độ khoảng dưới 100 binh sĩ do Ðại úy Walter Laurie chỉ huy.

Cầu Bắc chỉ cách vị trí của kháng chiến quân Mỹ độ 300 thước. Vị chỉ huy của toán quân Anh (thường được người Mỹ gọi là quân áo đỏ do màu quân phục đỏ họ mặc) là Ðại úy Laurie lo ngại có thể bị một lực lượng đông hơn gấp bốn lần tấn công nên sai một người đưa tin đi gặp Trung tá Smith để xin tăng viện.

Mặc dù phần lớn quân dụng của phe kháng chiến đã được tẩu tán đến nơi an toàn hơn, toán quân Anh lục soát và tìm thấy ba khẩu đại bác loại lớn dùng đạn cỡ 24 cân Anh có tầm bắn xa chôn giấu tại một quán rượu trong thị trấn. Họ cũng tìm thấy một số súng ống đạn dược, quân dụng và thực phẩm. Tất cả đều bị quân Anh tìm cách phá hủy, đốt hoặc ném xuống ao.

Chiêu Ấn

Còn tiếp

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Wed Jul 11, 2018 11:41 pm    Tiêu đề:


Các diễn viên diễn lại trận đánh tại Cầu Bắc Concord năm 2013


Ðại tá Barrett cho quân Mỹ xuống đồi và tiến gần đến cầu Bắc hơn. Dưới quyền ông lúc bấy giờ có ít nhất là 400 tay súng thuộc năm đại đội xung kích và năm đại đội dân quân (quân số một đại đội vào thời đó ít hơn bây giờ) trong khi quân Anh đóng giữ cầu Bắc chỉ có ba đại đội dưới sự chỉ huy của Ðại úy Walter Laurie vốn không phải là một sĩ quan có tài. Quân Mỹ nạp đạn sẵn sàng dàn hàng dọc theo đạo lộ tiến gần xuống cầu Bắc (vì hai bên đường ngập ướt do nước sông Concord dâng cao vào đầu mùa Xuân) và được lệnh không được bắn trước. Phe Anh bắt đầu từ từ rút qua cầu; có người gỡ ván lót cầu nhằm gây khó khăn cho quân Mỹ đang theo sau rất gần.



Không được tăng viện, Ðại úy Laurie ra lệnh cho binh sĩ Anh dưới quyền dàn đội hình quả trám, đỉnh đi trước, nghinh chiến. Ðây là một quyết định sai lầm không thích hợp với trận địa trống trải. Trung úy Sutherland trong toán quân bọc hậu nhận thấy điều đó nên ra lệnh bảo vệ cạnh sườn, nhưng vì ông là một sĩ quan thuộc một đơn vị khác, chỉ có ba binh sĩ vâng lệnh; phần còn lại ngơ ngác không biết nghe theo lệnh ai.

Một phát súng nổ vang lên. Có thể đó chỉ là phát súng chỉ thiên cảnh cáo do một binh sĩ Anh mệt mỏi bắn bừa. Hai binh sĩ Anh khác tức khắc bắn theo, và toán nhỏ đi trước cũng bắn theo vì nhầm tưởng lệnh khai hỏa đã được ban ra. Ðại úy Laurie hét to lệnh ngưng bắn. Nhưng hai quân nhân Mỹ thuộc đơn vị xung kích đi đầu là Ðại úy Isaac Davis và binh nhì Abner Hosmer trúng đạn ngã gục, bốn người khác bị thương. Thiếu tá Buttrick của quân Mỹ ra lệnh, “Anh em! Bắn! ” Lúc bấy giờ, khoảng cách giữa hai phe chỉ là con sông Concord và cây cầu Bắc 46 thước. Bốn trong số tám sĩ quan và hạ sĩ quan Anh trúng đạn bị thương trên cầu (ngày xưa cấp chỉ huy luôn dẫn đầu khi đụng trận). Do thiếu kinh nghiệm trận mạc, quân Anh thấy quân Mỹ đông quá nên hoảng sợ bỏ chạy, mặc cho những người bị thương còn nằm lại trên cầu.



Thế là trận đánh đầu tiên của Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ đã mở màn. Quân Cách Mạng Mỹ cũng không khỏi lấy làm kinh ngạc trước chiến thắng dễ dàng. Ðại tá Barrett mang các đơn vị dân quân trở lại đồi; còn Thiếu tá Buttrick dẫn các đơn vị xung kích vượt cầu tới một vị trí phòng thủ là một ngọn đồi có bức tường đá che chắn.

Trung tá Smith từ vị trí trong thị trấn nhận được tin xin tăng viện của Ðại úy Laurie đồng thời cũng nghe tiếng súng giao tranh nên đích thân dẫn hai đại đội vũ khí nặng (grenadiers) đến cầu Bắc. Trên đường ông thấy đám lính bộ binh của Ðại úy Laurie lếch thếch chạy về. Ðến khi thấy các đơn vị xung kích của Mỹ bên sau bức tường đá, ông ra lịnh hai đại đội của ông dừng chờ. Toán quân Anh đi lục soát nông trại của Barrett cách đó vài cây số làm xong nhiệm vụ cũng trở về. Trung tá Smith gom quân lại, thay vì ra lịnh tấn công, ông chấm dứt cuộc hành quân trong tổn thất và triệt thoái về Boston.


Bảng đồng mô tả trận đánh tại Cầu Bắc Concord. Nội dung do sử gia Allen French ghi như sau: “Vào sáng ngày 19 tháng 4 năm 1775, trong khi người Anh chiếm cứ cây cầu này, dân quân Concord và các thị trấn lân cận đã tụ tập trên ngọn đồi bên kia sông. Phụ tá thị trưởng là Joseph Hosmer hỏi: ‘Chẳng lẽ chúng ta để họ đốt cháy thị trấn của chúng ta sao?’ Trưởng thôn Lincoln là William Smith đề nghị đánh đuổi quân Anh; trưởng thôn Acton là Isaac Davis nói, ‘Dân thôn tôi không có ai sợ cả! ’ Thế là Đại tá James Barrett ra lệnh tấn công quân Anh áo đỏ. Các đội xung kích quân lưu động từ các thôn Acton, Concord, Lincoln và Bedford dưới quyền chỉ huy của Trung tá John Robinson và Thiếu tá John Buttrick cùng với các toán dân quân theo sau. Quân Anh nổ súng, trưởng thôn Isaac Davis ngã gục. Thiếu tá Buttrick hét lên, ‘Bắn! Hỡi dân quân binh sĩ! Bắn đi! ’ Và chính ông đã bắn trước. Quân Anh rút lui bỏ chạy. Và nơi đây bắt đầu sự tách biệt của hai quốc gia, bây giờ vui vẻ đoàn kết trong hòa bình.”


Trên đường rút lui sau đó, đoàn quân của ông còn bị chận đánh nhiều bận nữa. Quân Anh tổn thất nặng hơn với 73 người chết, 174 người bị thương và 26 người mất tích. Phe Cách Mạng Mỹ có 49 người thiệt mạng, 39 người bị thương và năm người mất tích.

Và như nước vỡ bờ, nức lòng với chiến thắng ban đầu, sau đó quân cách mạng từ nhiều nơi kéo về Boston ngày càng đông, có tài liệu nói con số lên đến 15,000 người và được đặt dưới quyền chỉ huy của tướng George Washington (1732-1799), là người sau đó đã trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Lực lượng quân Mỹ đông đảo bắt đầu vây hãm thành phố Boston. Ngày 17 tháng Ba 1776, quân Anh trú phòng bỏ chạy bằng đường biển qua Halifax Nova Scotia Canada, thuộc địa trung thành của Vương quốc Anh.


Bảng đồng gắn trên phiến đá đánh dấu nơi chôn cất
những quân nhân Anh tử trận ở Concord


Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, sự oán ghét đế quốc Anh cùng với khát vọng độc lập của người dân thuộc địa trở thành một cao trào khi tập sách mỏng tựa “Common Sense” do Thomas Paine xuất bản tung ra khích động thêm tinh thần.

Ngày 7 tháng 6, Ðại Hội Lục Ðịa diễn ra ở thành phố Philadelphia, tại nhà hội chính phủ tiểu bang Pennsylvania. Ðại biểu của tiểu bang Virginia là Richard Henry Lee đã đề xướng một cuộc vận động kêu gọi sự độc lập của các thuộc địa.

Giữa chừng cuộc tranh luận sôi nổi, Ðại Hội hoãn bỏ phiếu về cuộc vận động của Lee, xong chỉ định một ủy ban gồm 5 người gồm Thomas Jefferson của Virginia, John Adams của Massachusetts, Roger Sherman của Connecticut, Benjamin Franklin của Pennsylvania và Robert R. Livingston của New York để dự thảo một bản tuyên ngôn chính thức cho sự tách ra khỏi sự thống trị của Vương quốc Anh. Thomas Jefferson là nhân vật chính soạn thảo phần lớn bản tuyên ngôn.

Ngày 4 tháng Bảy 1776, Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ra đời khai sinh quốc gia Hoa Kỳ, nhưng cuộc chiến đấu giành độc lập gay go kéo dài hơn 7 năm sau mới chính thức chấm dứt ngày 3 tháng 9 năm 1783 bởi Hòa Ước Versailles ký tại Paris.


Betsy Ross flag


Lá quốc kỳ đầu tiên (chỉ gồm có 13 ngôi sao tượng trưng cho 13 tiểu bang) thường được gọi là “Betsy Ross flag” vì được cho là do một phụ nữ trẻ tên Betsy Ross vẽ kiểu và may theo lời yêu cầu của tướng Washington vốn có quen biết với chồng bà. Quốc kỳ Mỹ đã trải qua 27 lần thay đổi với cách sắp xếp mới cho cân đối mỗi khi một ngôi sao được thêm vào; lần cuối cùng là vào năm 1960.

Trận đánh ở Concord tuy ngắn ngủi nhưng là sự đánh dấu quan trọng nên được người Mỹ hãnh diện tưởng nhớ như là một huyền thoại của lòng ái quốc kiêu hùng. Tháng Tư 1975, Tổng thống Gerald Ford đã đến thành phố Concord tiểu bang Massachusetts để làm lễ tưởng niệm hai trăm năm cột mốc lịch sử này.

Trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức trưa ngày 20 tháng 1 năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã nhắc tới Concord qua đoạn văn “For us, they fought and died, in places like Concord and Gettysburg; Normandy and Khe Sanh.” (Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi như Concord và Gettysburg; Normandy và Khe Sanh).

Bốn địa danh được nhắc tên để ngợi ca những truyền thống cao đẹp của Hoa Kỳ là đứng lên chống lại chủ nghĩa thực dân bóc lột để giành độc lập ở Concord; tranh đấu giải phóng nô lệ và thống nhất đất nước ở Gettysburg dù phải trả giá quá cao về sinh mạng của một quốc gia còn non trẻ; vươn tay đóng góp và cứu vớt cộng đồng thế giới khỏi ách thống trị của chủ nghĩa Phát-xít ở Normandy; và sau cùng là tranh đấu bảo vệ thành trì của thế giới tự do ở Khe Sanh trước hiểm họa bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.


tượng đài tưởng niệm ở Concord


Năm 1836, thi sĩ Ralph Waldo Emerson (1803 – 1882), một con dân địa phương của Concord, sáng tác bài thơ Concord Hymn mà bốn câu đầu được khắc trên bệ tượng đài tưởng niệm ở Concord. Bài thơ này lần đầu tiên được phân phát dưới dạng truyền đơn ngày 4 tháng 7 năm 1837 nhân dịp lễ khánh thành đài kỷ niệm trận đánh Concord. Tuy nhiên, vì bệ tượng đài được xây vào cuối năm 1836 và đề năm đó, một số phiên bản in của bài thơ cũng để năm 1836. Mười năm sau, bài thơ này mới được đưa vào trong tập thơ của Ralph Waldo Emerson. Tựa đề ban đầu của bài thơ được thay là “Concord Hymn” và được chấp nhận rộng rãi.

Chiêu Ấn
(viết cho Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 Tháng 7, 2018
dựa theo nhiều nguồn tài liệu).

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Wed Jul 11, 2018 11:42 pm    Tiêu đề:



Concord Hymn

By the rude bridge that arched the flood,
Their flag to April’s breeze unfurled,
Here once the embattled farmers stood,
And fired the shot heard round the world.

The foe long since in silence slept;
Alike the conqueror silent sleeps;
And Time the ruined bridge has swept
Down the dim stream that seaward creeps.

On this green bank, by this soft stream,
We set today a votive stone;
That memory may their deeds redeem,
When, like our sires, our sons are gone.

Spirit, that made those heroes dare,
To die, and leave their children free,
Bid Time and nature gently spare
The shaft we raise to them and thee.

Ralph Waldo Emerson



Bài Ngợi Ca Concord

Bên cầu thô sơ bắc qua dòng nước
Gió Tháng Tư không đủ phất cờ bay
Dân làng ta từng chiến đấu nơi đây
Bắn phát súng vang rền quanh thế giới.

Kẻ thù đã từ lâu yên lặng ngủ
Giống như người thắng trận cũng nằm yên
Qua thời gian cầu gãy đã cuốn trôi
Xuống suối mờ trườn mình ra biển cả.

Cạnh dòng suối êm bên xanh bờ cỏ
Nay chúng ta đặt viên đá cúng dâng
Kỷ niệm đó đáp đền công trận họ
Nối cha ông hậu sinh ta góp phần.

Những anh hùng với tinh thần bất khuất
Dám hy sinh cho con cháu tự do
Xin thời gian tạo hóa dịu dàng cho
Ðài ta dựng vì người luôn đứng vững.

(CA)


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân