TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đường hỏa xa thiên lý
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đường hỏa xa thiên lý

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Wed Jul 04, 2018 11:32 pm    Tiêu đề: Đường hỏa xa thiên lý
Tác Giả: Sean Bảo

Đường hỏa xa thiên lý


Trước cuộc nội chiến Bắc-Nam, đường hỏa xa nước Mỹ chỉ có ở các tiểu bang đầu tiên từ mạn Ðông đến bờ sông Missouri. Một con đường sắt nối liền bờ đông đến bờ tây chạy theo chiều ngang nước Mỹ là một giấc mơ. Ðể rút gọn thời gian từ hàng tháng trời để còn lại vài ngày, từ những chuyến xe bò lộc cộc trên các đường mòn trắc trở, từ những chuyến phà cuồn cuộn thác đổ, xuyên qua bao hiểm nguy của rừng rậm và núi non cheo leo với thú dữ, tai nạn và những cuộc tấn công của người da đỏ... Ðó là một dặm đường thiên lý dài 1,775 dặm từ Omaha đến Sacramento, qua những đỉnh núi cao vời vợi, vực sâu thăm thẳm, qua những sa mạc khô cằn, qua biết bao gian khổ và chết chóc.



Công trình vĩ đại này cần đến nguồn trợ giúp của chính phủ, không một tập đoàn tư nhân nào có thể làm nổi. Vì thế vào ngày 1 tháng 7, 1862 Tổng Thống Abraham Lincoln thông qua đạo luật the Pacific Railway giao cho 2 công ty đường sắt Central Pacific và Union Pacific đấu thầu. Công ty Central Pacific đảm trách bắt đầu từ Sacramento đi về phía đông băng qua rặng Sierra Nevada, công ty Union Pacific bắt đầu từ Missouri đi về phía Tây, băng qua nhiều hoang mạc và dãy núi Rockies, rồi sẽ nối liền ở giữa. Cả 2 công ty đều nhận được tiền vay mượn và trợ giúp từ chính phủ. Giá cả chi tiết: 16 đô cho 1 dặm đường sắt trong địa hình bằng phẳng, 32 đô cho vùng cao nguyên, 48 đô cho vùng núi hiểm trở. Trong vòng năm đầu giá cả đấu thầu lại phải tăng gấp đôi do khó khăn ngoài dự kiến. Quốc hội phải kích thích quá trình xây dựng bằng cách trả hàng ngàn mẫu đất của liên bang cho các dặm đường rầy được lót. Tất nhiên là vùng đất mà đường rầy đi qua sẽ được lợi nhuận và bán lẻ lại cho hàng trăm ngàn di dân. Bằng sự đầu tư đó mà 2 công ty cố gắng chạy đua để hoàn thành đường rầy càng nhanh, càng nhiều càng tốt.


Tranh vẽ công nhân công ty Union Pacific đang xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa năm 1860's tại Nebraska


Phía công ty Union Pacific dễ dàng thuê mướn công nhân. Hàng chục ngàn người ở Nebraska lao vào, phần lớn họ là di dân từ Ái Nhĩ Lan, phần còn lại là người Mễ, Ðức, cựu nô lệ da đen được trả tự do, cựu binh sĩ sau nội chiến... Tuy họ đủ mọi sắc tộc và thành phần nhưng đều vào làm việc với mức độ kỷ luật cao. Họ làm không ngơi nghỉ. Ðường rầy lót tới đâu thì đoàn xe chuyên chở thực phẩm và công cụ đến đó. Họ dựng những lều trại và cửa hàng buôn bán đổi chác. Mỗi đường ray nặng 400 kí, 5 người mang lót, 2-3 dặm 1 ngày, 6 ngày 1 tuần. Dĩ nhiên là công nhân đi đến đâu thì các dịch vụ chợ búa, ngân hàng, giải trí cùng những tệ nạn tiêu cực cũng theo sau, bao gồm nhà chứa, bài bạc giải trí, các cò mồi, các tay súng bạt mạng... Những miền đất hoang vắng bỗng rộn ràng tiếng cuốc xẻng, tiếng còi hụ của đầu máy tàu, tiếng mìn phá đất núi âm vang trong núi đồi.

Khi băng qua những miền đất của người da đỏ Kiowa, công ty làm đường sắt đã thuê thợ săn bò rừng Buffalo để lấy thịt. Nơi đây bò rừng rất nhiều, đến cả chục triệu con. Những người da đỏ bộ lạc Cheyenne, Arapaho và Lakota đã chống phá con đường xe lửa mang “con ngựa sắt phun khói” tai hại này, họ bắn giết đoàn lao công trắc địa, bắn phá lều trại và lật đường rầy. Công việc phải bị trì hoãn chờ cho đến khi đoàn kỵ binh của chính phủ can thiệp bảo vệ.


Hình chụp một số công nhân người Hoa xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa


Trong khi ấy thì ở phía tây, công ty Central Pacific bắt tay lót đường ray đầu tiên vào ngày 26 tháng 10, 1863 dù rất khó khăn khi kiếm nguồn lao động từ miền Tây hoang vắng, do những người di dân từ châu Âu phải mướn từ New York xa xôi. Sau những dặm đường khởi đầu bằng phẳng ở Sacramento, họ đã bắt đầu gặp trở ngại lớn dưới chân rặng núi Sierra Nevada. Núi đá cứng và dốc tưởng chừng không thể đào xuyên hay phá nổ. Nhiều ngày trời đào hầm mà kết quả chỉ được vài mét. Phần lớn số lao công đã nản chí bỏ việc, quay qua đào vàng hoặc đi đến các nơi khác, từ 5,000 người nay chỉ còn 600 ở lại. Quá thiếu người công ty đã phải nghĩ đến chuyện tuyển mộ người Trung Hoa. Bỏ qua những dè dặt ban đầu về dáng người nhỏ bé, gầy yếu và không có kinh nghiệm... Lúc đầu công ty chỉ mướn 50 người Hoa làm thử. Sau một tháng công ty mới hài lòng với sự cần mẫn và chăm chỉ làm việc của người Hoa. Những người Hoa này đã không may mắn trong cơn sốt vàng, họ đã không chịu nổi mức thuế cao đánh lên người không có quốc tịch. Họ rất siêng năng làm việc, được trả công sòng phẳng. Những quảng cáo cần người làm còn được gởi đến tận lục địa. Chỉ ít lâu sau, 11 ngàn người Hoa được thuê. Họ chiếm đến 80% số lao công của công ty. Họ phải dùng thuốc nổ để phá núi, có khi phải treo người trong giỏ thả xuống sườn núi đá cứng giữa sườn đèo, khoan lỗ đặt thuốc nổ, mồi lửa rồi bươn bả kéo lên trước khi thuốc nổ. Họ phải đào xuyên qua 15 hầm đèo, làm liên tục 7 ngày nhưng tiến trình rất chậm, chỉ 20 cm một ngày. Một cơn bão tuyết mùa đông 18 tháng 2 năm 1866 suốt 2 tuần, tuyết phủ cao hơn 3 mét, một nhóm người Hoa đã bị tuyết chôn vùi khi đào xuyên qua con hầm bằng tuyết. Các xác người chỉ được tìm thấy vào mùa tuyết tan khi trong tay còn cầm cây cuốc nhọn... Tổng số người Hoa thiệt mạng trong việc xây dựng đường sắt lên tới 1,200.


Hình chụp cảnh xây dựng đường sắt xuyên lục địa vào năm 1869


Ðến năm 1868, sau 3 năm tưởng chừng như bỏ cuộc, công ty Central Pacific đã đưa đường sắt xuyên qua dãy núi Sierra Nevada. Bắt đầu từ đó họ đã không bỏ qua phút giây nào, nhanh chóng đặt đường ray cho những cánh đồng bạt ngàn, những thung lũng thoai thoải trước mặt chạy dài về phía đông. Cả hai công ty đều cố dành lót càng nhiều số đường ray, những mẫu đất đã chiếm được. Lúc đầu thì 5 dặm một ngày, rồi hối hả tiến nhanh đến 10 dặm một ngày... Họ hối hả đến mức khi gần gặp nhau, cả hai phía đều thấy nhau và tiếp tục đặt đường ray song song, không ai chịu dừng. Chính phủ phải can thiệp và chọn mũi đất 56 dặm phía Tây của Ogden làm nơi nối kết đường sắt.


Tranh vẽ cây đinh vàng được đóng xuống điểm kết nối ngày 10 tháng 5, 1869


Vào ngày 10 tháng 5, 1869 đầu máy xe lửa Jupiter của phía Tây và 119 của phía Ðông đã gặp nhau ở phía bắc tiểu bang Utah. Cây đinh vàng được đóng nhẹ xuống ở điểm kết nối bằng một cây búa bằng bạc như là biểu tượng ghi nhớ cho công trình lịch sử này. Tin tức của phút giây khánh thành đường sắt được chuyển đi tức thời theo điện tín. Từ thủ đô Washington đến California mở hội vui mừng, miền đất mênh mông phía Tây, dài bằng Châu Á nối với Châu Âu đã được chinh phục, cả nước thực sự là một quốc gia thông thương và nhanh chóng hòa nhập.


Trong cuộc chạy đua lắp đặt tuyến đường sắt với công ty Union Pacific, công ty Central Pacific đã dựng nhiều đoạn đường sắt trên cầu gỗ cao. Khi đường sắt được hoàn thành, họ quay trở lại và công nhân người Trung Hoa sẽ lấp đầy các cây cầu gỗ này bằng đất rắn và kè. Bức hình này được chụp ở Secrettown cách Sacramento 62 dặm năm 1877. Trong hình các công nhân người Trung Hoa sử dụng cuốc, xẻng, đục, búa, xe cút kít và xe ngựa


Từ đường hỏa xa chính, như mạch máu lớn đã nối kết hàng trăm đường xe lửa nhỏ đến các tiểu bang khắp nơi trên đất Mỹ, từ biên giới Gia Nã Ðại đến Mễ Tây Cơ. Những đường tàu đã làm diện mạo miền Tây hoàn toàn đổi mới. Thịt bò, thực phẩm và khoáng sản từ miền Tây Nam về miền Ðông và máy móc sản xuất hiện đại về miền Tây. Ðường xe lửa đã mang theo làn sóng di dân theo sự khuyến khích của chính phủ và các cơ sở thương mại. Chỉ cần trả 10 đô lệ phí, điền đơn đồng ý sống trên mảnh đất 5 năm thì sẽ được sở hữu một miếng đất nhỏ. Ðến năm 1870 các tiểu bang phía Tây ngày càng đông đúc, dân số Kansas đã tăng nửa triệu người. dân số Nebraska tăng lên gấp 4... Hàng trăm người Scotland, người Do Thái, người Ý, người Tiệp, Nga, Ðức... đã định cư rải rác khắp nơi toàn miền Tây bao la. Họ đã hình thành những con phố với những cái tên mang theo từ quê nhà. Họ mang theo những hạt giống lúa mì từ Nga, những hạt đậu từ Pháp... và từ đó ruộng vườn màu mỡ của miền đất mới này đã mở ra cho họ một đời sống sung túc hơn bao giờ. Cũng như góp phần vào nền nông nghiệp giàu có của nước Mỹ.


Ăn mừng khi đầu máy xe lửa Jupiter của phía Tây và 119 của phía Ðông đã gặp nhau ở phía bắc tiểu bang Utah.


Những thành công của mọi công trình vĩ đại bao giờ cũng có những mặt trái đau thương và đầy hệ lụy như 2 mặt của một mề đay. (Sự tuyệt chủng của giống bò rừng buffalo, cuộc chiến tranh với người da đỏ, sự hình thành kiêu hùng của người Mỹ Cao-Bồi, những nhọc nhằn của di dân vào thuở ban sơ và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa chính trị của người theo đạo Mormon đa thê khép kín ở Utah, là một trong những chuyện mà người viết sẽ có dịp nói đến trong những bài kế.)

Những đường ray năm xưa ấy giờ vẫn còn lót mình cho những chuyến tàu ngược xuôi đầy ắp hàng hóa. Ngày nay có mấy ai bước lên đoàn tàu này để nghe tiếng còi tàu đồng vọng những thanh âm lịch sử. Nhìn những cung đường sắt như minh chứng một thời của lịch sử dựng nước, mở mang bờ cõi đầy vinh quang và nước mắt. Trong đó có nhiều công sức của những người di dân đến từ khắp nơi trên thế giới.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân