TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Qua cầu ngả nón...
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Qua cầu ngả nón...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Mon Jun 04, 2018 11:40 pm    Tiêu đề: Qua cầu ngả nón...
Tác Giả: Trần Lý Lê

Qua cầu ngả nón...


Ngả nón ở đây không phải vì lòng sầu mà ngả nón để cảm phục khi Dế Mèn nhìn ngắm các công trình kiến trúc xây cất những chiếc cầu bắc ngang các con sông lớn ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.


Tappan Zee Bridge.


Xây cầu không phải là một ý niệm mới mẻ, con người đã dùng các vật liệu sẵn có để bắc cầu qua sông, từ cầu tre, cầu khỉ đến bê tông cốt sắt. Kỹ thuật xây cất thay đổi khá nhiều qua thời gian nhưng chẳng mấy ai nhắc đến chuyện bắc cầu vì hầu như những con sông lớn đều có cầu bắc ngang cho tiện việc giao thông cho đến ngày nọ khi chiếc cầu chịu tám dòng xe cộ ở Minnesota đổ sập khiến dư luận xôn xao một thời. Báo chí mổ xẻ tường trình chi tiết về lịch sử chiếc cầu rồi bàn xa tán rộng. Bá tánh băn khoăn lo âu rồi xì xào bàn tán đến những chiếc cầu khác, nhất là những chiếc cầu được xây cất nhiều năm trước đây. Nôm na là cư dân đặt câu hỏi về những chiếc cầu nhiều tuổi, đã được bảo trì ra sao, có an toàn để tiếp tục sử dụng nữa không, hay đã đến lúc ta phải mở hầu bao lấy tiền xây cầu mới...


Cầu I-35W ở Minneapolis, bị sập trong giờ cao điểm vào ngày 01 tháng 8, 2007.


Nhìn chung, tại Hoa Kỳ, hệ thống cầu cống được kiến thiết khá lâu, theo phong trào mở rộng đường sá lưu thông khắp nơi trong quốc gia này. Những chiếc cầu xây thủa ấy, bây giờ đã cũ kỹ, phần vì không được bảo trì kỹ lưỡng, phần vì lưu lượng xe cộ qua lại đã tăng gấp 3-4 lần khiến ngày càng trở nên kém an toàn. Trong những năm 2000, đã có ít nhất 6 chiếc cầu đổ sập sau khi bị húc bởi thuyền bè hoặc xe vận tải.

Theo Giáo Sư Henry Petroski, dạy môn lịch sử và công chánh tại Ðại Học Duke, North Carolina, cầu cống Hoa Kỳ đã trở thành đồ cổ; kỹ sư Mỹ trở thành nạn nhân của chính họ! Những chiếc cầu tại Hoa Kỳ đã là mục tiêu để thế giới chiêm ngưỡng hít hà một thời, một thời vàng son của thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20, những chiếc cầu khiến kỹ sư công chánh Huê Kỳ ưỡn ngực hãnh diện. Năm 1874, cầu Eads bắc ngang sông Mississippi tại St. Louis đã là chiếc cầu vồng dài nhất của thế giới; thép đã được dùng làm vật liệu chính để xây chiếc cầu vồng này. Năm 1883, chiếc cầu Brooklyn bắc ngang dòng Ðông Giang (East River) trở thành chiếc cầu treo dài nhất, và cũng là chiếc cầu đầu tiên được treo bằng những dây cáp chế tạo từ thép. Năm 1931, người Hoa Kỳ lại dẫn đầu với cầu George Washington treo ngang sông Hudson (New York) ; chiếc cầu này đoạt kỷ lục thế giới về nhịp cầu dài nhất. Tóm lại là cầu cống Huê Kỳ thủa nọ đã “nhất” về nhiều thứ và những kỷ lục kiến thiết kia được thế giới ngưỡng mộ rồi bắt chước.


Cầu Tacoma Narrows uốn lượn trong gió trước khi đổ sụp.


Nhưng việc bắt chước kèm theo sự “gia giảm” lại tạo nên sự thất bại ngay trên lãnh thổ Huê Kỳ. Dùng nguyên tắc và kiểu mẫu xây cầu George Washington áp dụng cho cầu Tacoma Narrows tại tiểu bang Washington, chiếc cầu này với thân cầu nhẹ hơn đã sụp đổ khi trời nổi gió năm 1940. Người ta quan sát khám xét những chiếc cầu sụp này và nghiệm ra rằng không phải vì kỹ thuật xây cất mà vì tuổi tác cũng như trọng tải quá mức đã gây ra việc sụp cầu. Ðây cũng là lý do tại sao cầu Silver bắc ngang sông Ohio sập năm 1967; đem theo 46 mạng người, một tai nạn sập cầu có mức thương vong lớn nhất.

Tiến Sĩ Petrosky cho rằng ngày nay, kỹ thuật mới mẻ với cách thiết kế, vẽ kiểu tân kỳ đã biến những đống sắt, thép, xi măng kia thành những công trình kiến trúc đẹp mắt và thực dụng. Ngành kỹ nghệ kiến thiết cầu cống dường như đã thay đổi rất nhanh trong hai thập niên vừa qua, kỹ thuật xây cất mỗi ngày mỗi tiến bộ, những vật dụng dùng trong việc xây cất thường là những chất liệu dẻo dai hơn nên những chiếc cầu mới xây thường bền bỉ và đẹp hơn những chiếc cầu ngày xưa. Nhưng, khổ quá, những chiếc cầu tối tân và đẹp nhất thế giới đang được kiến thiết tại Hoa Lục, nơi cơn sốt mở mang đường sá đang ở mức cao nhất! Mỗi năm dường như chính phủ Hoa Lục xây cất khoảng 1,000 chiếc cầu! Những chiếc cầu bắc ngang sông Dương Tử đang được thế giới thì thào, chỉ trỏ và gật gù khen thưởng, kỹ thuật xây cất sử dụng loại thép bền bỉ nhất hiện nay.


Cấu trúc cầu Eads qua sông Mississippi, liên kết St. Louis và Đông St.Louis, 1874


Riêng với ông Colin MacDougall, giáo sư ngành kiến thiết (civil engineering) tại Queen’s University, Kinston, Ontario, Canada, những chiếc cầu cũ kỹ sụp đổ không phải vì thép xưa không bền bỉ mà do cách xây cất. Ông này cho rằng những nơi ráp nối (của những chiếc cầu) phải được đặt đúng chỗ để giảm bớt sự rạn nứt qua thời gian.

Trước các tai nạn giao thông và bị thiên hạ chê bai quá xá, Bộ Giao Thông và Vận Tải Hoa Kỳ phát động các chương trình khám xét và thử nghiệm mức an toàn của các chiếc cầu đã cũ; chiếc cầu nào không còn an toàn đã bị cấm sử dụng hoặc chỉ sử dụng ở mức tối thiểu trong khi xây cất cầu mới. Và hầu như trên mọi thành phố sông nước, nơi nào cũng có vài chiếc cầu đang được sửa chữa hoặc xây cất các chiếc cầu mới... gây kẹt xe quá xá chưa kể những chiếc cầu nhỏ bắc ngang xa lộ cho người đi bộ qua đường hay những chiếc cầu kềnh càng được xây cất để chuyển dòng xe cộ luân lưu, giúp việc giao thông dễ dàng hơn, bớt kẹt xe.


Cầu George Washington


Chuyện cầu cống Huê Kỳ là thế, khi đọc qua mấy bản tường trình của chính phủ địa phương và chính phủ liên bang ta không thể không gật gù khen ngợi những công trình ích nước lợi dân; các công trình xây cất mang lại công ăn việc làm cho dân địa phương, đồng tiền cư dân đóng thuế được luân chuyển một cách đường hoàng tử tế... Rồi khi về quê nhà, Dế Mèn đành nín tiếng thở dài, cầu mới keng chưa dùng đã sập và từ thủ tướng đến ông bộ trưởng bộ Giao Thông đều lì mặt giữ ghế chẳng ai chịu băn khoăn xấu hổ? Chán thì thôi!

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân