TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Để trở thành bác sĩ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Để trở thành bác sĩ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Wed May 02, 2018 11:54 pm    Tiêu đề: Để trở thành bác sĩ
Tác Giả: Đinh Yên Thảo

Để trở thành bác sĩ


Với cả trăm ngành học, chọn lựa một ngành học và công việc theo đuổi suốt đời là một điều hệ trọng và khó khăn với hầu hết các em học sinh chuẩn bị bước vào đời khi mỗi ngành học đều có những giá trị, thử thách và tặng thưởng của công việc mang lại. Trong mục đích mang thêm một số thông tin chung về các ngành học khác nhau đến các bậc phụ huynh, nhằm có thể trao đổi, hướng dẫn và song hành cùng con cái, chuyên mục sẽ bắt đầu loạt bài viết cùng các bài phỏng vấn các chuyên viên trẻ trong nhiều ngành nghề khác nhau để các phụ huynh và các em có thêm những ý niệm về các ngành học tại Hoa Kỳ ra sao. Bài báo đầu tiên trong loạt bài, chúng tôi xin giới thiệu đến các gia đình có xu hướng cho con cái đeo đuổi Y khoa và trở thành bác sĩ.



Các số liệu từ Kaiser Family Foundation cho biết nước Mỹ hiện có khoảng hơn 900 ngàn bác sĩ đang hành nghề và cho đến năm 2025 thì sẽ thiếu hụt ít nhất 50 ngàn bác sĩ vì dân Mỹ đang ngày càng già hơn và các bịnh béo phì, tim mạch tăng cao. Nhu cầu lớn, nghề nghiệp ổn định và thu nhập cao là một trong những yếu tố quan trọng để các gia đình mong muốn con em theo đuổi ngành nghề này, đặc biệt trong các gia đình di dân gốc Á Châu. Dù vậy, việc theo đuổi ngành Y và trở thành bác sĩ là một con đường khá gian nan khi đòi hỏi khả năng, đam mê, nỗ lực, thời gian và tài chánh cho đến khi hoàn tất, không kể các áp lực nghề nghiệp khi theo học và lúc hành nghề. Do đó cân nhắc việc chọn lựa và theo đuổi ngành Y phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ riêng một yếu tố nào. Một số điều tham khảo chung để theo học ngành Y và trở thành bác sĩ theo các hướng dẫn từ các tổ chức chuyên môn và các đại học Y khoa như sau.


Một học sinh tốt nghiệp trung học phải mất khoảng trên mười năm để có thể thành bác sĩ – nguồn The Irish time


Một trong những yếu tố đầu tiên khi nhắm đến việc theo đuổi ngành Y là thời gian theo học. Trung bình một học sinh tốt nghiệp trung học phải mất khoảng trên mười năm để có thể ra trường hành nghề, không kể thời gian theo đuổi các chuyên khoa có thể thêm từ ba đến bảy năm, tùy thuộc vào ngành học nếu muốn chuyên sâu. Một số bác sĩ có thể đào sâu vào chuyên môn cao trong một số ngành phẫu thuật thêm vài năm nữa (fellowship). Thời gian học căn bản bao gồm bốn năm đại học, bốn năm Y khoa và khoảng ba năm nội trú (bác sĩ gia đình) đến tám năm (các bác sĩ phẫu thuật tim mạch, thần kinh, ung thư...).


Tiền Y khoa (pre-med) – nguồn UCI News


Yếu tố thứ hai là khả năng và đam mê để theo đuổi ngành học. Các đại học Y không yêu cầu các ứng viên phải tốt nghiệp đại học bốn năm một ngành riêng biệt nào nhưng thông thường các học sinh có ý hướng theo đuổi ngành Y sẽ chọn các ngành tiền Y khoa (pre-med), hóa hay sinh học, khoa học thực nghiệm... liên quan đến ngành Y. Các sinh viên bậc đại học sẽ phải tham dự cuộc thi tiêu chuẩn MCAT (Medical College Admission Test) để nộp cùng hồ sơ học vấn và hoạt động của mình, thư tiến cử từ các giáo sư, cũng như qua các phỏng vấn để các trường Y xem xét và đánh giá khả năng có thích hợp để theo học và hành nghề Y của các sinh viên tương lai. Các cuộc phỏng vấn này – bên cạnh hồ sơ học vấn – khá quan trọng và tùy thuộc vào cách thức của mỗi trường khác nhau nhằm biết rõ hơn về cá nhân, đam mê và lý do chọn lựa ngành nghề của ứng viên. Các số liệu cho thấy khoảng một phần ba sinh viên có điểm học GPA từ 3.8 đến 4.0 và điểm thi MCAT rất cao cũng đã bị các trường Y không thu nhận. Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp Hội Các Ðại Học Y AAMC, trong năm qua có 51,680 sinh viên ứng tuyển và trung bình một sinh viên nộp hồ sơ đến 16 trường thì chỉ có 21,338 sinh viên được thu nhận, tức chỉ 40% thành công. Những Ðại học Y danh tiếng như Johns Hopkins có tỉ lệ thu nhận càng thấp hơn, chỉ khoảng 2% sinh viên nộp đơn được thu nhận. Các sinh viên bị rớt này có thể tái ứng tuyển vào các đại học Y khác trong năm sau hay cần có kế hoạch dự phòng để chuyển sang các ngành học khác nếu việc học Y khoa bất thành vì không có trường nào thu nhận.


Thi tiêu chuẩn MCAT (Medical College Admission Test) – nguồn Click Ittefaq


Một khi được các đại học Y thu nhận, các sinh viên Y khoa chính thức bước vào chương trình Y khoa trong vòng bốn năm tới. Các lớp học, không giới hạn và bao gồm các khoa học chuyên sâu trong giảng đường, các phòng thí nghiệm, thực nghiệm lâm sàng tại các y xá, bịnh viện cùng các kinh nghiệm cộng đồng. Các sinh viên cũng sẽ được học các kỹ thuật tân tiến áp dụng trong Y khoa, các vấn đề và luật lệ hành nghề Y nói chung, cách thức giao tiếp và trò chuyện, am hiểu và xây dựng mối quan hệ lâu dài với bịnh nhân... Năm cuối cùng, các sinh viên sẽ chọn chuyên ngành nội trú dựa theo yêu thích, kinh nghiệm lâm sàng của mình sau khi tốt nghiệp Y khoa để bắt đầu chương trình nội trú tại một bịnh viện nào đó (The Match). Ðây là thời gian các sinh viên tốt nghiệp trường Y được huấn luyện thực tế cách tiếp xúc và chữa trị thực thụ trong tư cách một bác sĩ tập sự, dưới sự giám sát và có được trả lương, trung bình ở mức $50,000 – $60,000 mỗi năm, theo AMA. Các bác sĩ hoàn tất chương trình nội trú sẽ thi lấy bằng hành nghề tại tiểu bang mà mình sẽ hành nghề. Cách chữa trị và các điều luật liên quan ngành nghề luôn thay đổi nên các bác sĩ cũng sẽ tiếp tục học hỏi, tham dự các khoá huấn luyện hay tái sát hạch các chứng chỉ chuyên môn. Một số bác sĩ có thể chọn con đường thăng tiến nghề nghiệp không chỉ trong chuyên môn mà qua các vai trò lãnh đạo các bịnh viện, tổ chức y tế tư nhân, cộng đồng hay chính phủ tùy thuộc khả năng và sở thích của mình.


Nội trú tại một bệnh viện nào đó (The Match) – nguồn Today’s Hospitalist


Theo thăm dò của NerdWallet thì chỉ khoảng phân nửa các bác sĩ đang hành nghề cảm thấy hài lòng về công việc đang làm khi phải đối diện với quá nhiều các thủ tục tài chánh, vấn đề bảo hiểm cùng áp lực nghề nghiệp. Có khoảng 40% bác sĩ cho biết họ sẽ không chọn lại nghề Y nếu làm lại từ đầu. Là gì thì Y nghiệp vẫn là nghề danh giá và mang tinh thần phục vụ, giúp người theo như tôn chỉ và Y đức của nghề Y. Con đường nhiều thử thách nhưng tặng thưởng về đời sống và tinh thần cũng đầy xứng đáng một khi người bác sĩ nhắm đến mục đích cao cả này.


Harvard là Trường Y Khoa hàng đầu Hoa Kỳ- nguồn The Harvard Crimson

Đinh Yên Thảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân