TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trứng Phục Sinh Faberge
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trứng Phục Sinh Faberge

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Sun Apr 01, 2018 11:49 pm    Tiêu đề: Trứng Phục Sinh Faberge
Tác Giả: Sean Bảo

Trứng Phục Sinh Faberge


Truyền thống Lễ Phục Sinh luôn gắn bó với quả trứng. Trứng là biểu tượng của sự tái sinh và ước mơ trường tồn. Tặng nhau một quả trứng trang trí đẹp mắt luôn là món quà quý giá. Quả trứng Phục Sinh của Faberge dành riêng cho Hoàng tộc nước Nga là những quả trứng độc nhất vô nhị trong lịch sử.


Quả trứng Hoàng đế Nga thứ 3 được tìm thấy năm 2013


Một người đàn ông ở Trung Tây nước Mỹ không ngờ vận may lại đến với mình như thế. Năm 2013 anh ta mua ở khu chợ trời đồ cổ một quả trứng nhỏ bằng vàng, chạm trổ chi tiết, đứng trên 3 chân sư tử. Có 3 hột ruby, bấm vào quả trứng mở ra bên trong có chiếc đồng hồ nữ cổ điển. Với giá 14 ngàn đô, anh hy vọng có thể bán lại 15 ngàn để kiếm lời nhanh. Thất vọng khi không ai mua, anh quyết định đem cái trứng đi bán đồng nát, vàng nấu chảy ít ra cũng kiếm được 500 đô. Lại bị từ chối, anh quay về nhà và loay hoay với quả trứng vàng. Trong khi dò dẫm trên Google dòng chữ “egg” và “Vacheron Constantin” khắc trên chiếc đồng hồ, anh biết được giá trị và nguồn gốc của thương hiệu đồng hồ Thụy sĩ nổi tiếng này. Cùng lúc anh tình cờ tìm thấy một bài viết năm 2011, cái tựa làm thay đổi cuộc đời anh: “Có phải quả trứng 33 triệu đô này nằm trên kệ trang trí nhà bạn?” Trang web với hình ảnh quả trứng Faberge lừng danh mất tích trên trang mạng của nhật báo Anh Daily Telegraph, trông giống quả trứng vàng mà anh có. Mất ngủ và lòng dạ háo hức, anh chụp hình quả trứng của mình và bay liền đến London. Người anh hẹn gặp là Kieran McCarthy, chuyên gia đồ cổ nước Nga và là giám đốc Công ty buôn đồ cổ Wartski ở London. Khi hẹn gặp anh ở một nhà hàng vào buổi trưa, anh mặc quần Jeans, áo ca-rô. Miệng anh như khô lại khi ấp úng trao cho McCarthy tấm hình quả trứng. Ðể xác minh, McCarthy cùng anh bay trở về Mỹ. Trong một căn nhà miền quê được giấu tên, cạnh một cửa hàng Dunkin’ Donuts, McCarthy tìm thấy quả trứng vàng quý giá nằm trên chiếc bàn trong bếp, cạnh chiếc bánh chocolate cupcake. Ðó chính là một quả trứng Faberge mất tích mà cả thế giới đang săn tìm.


Quả trứng Hoàng đế Nga thứ 3 được tìm thấy năm 2013


Quả trứng vàng giá trị 33 triệu đô này chính là Quả trứng Hoàng đế Nga thứ 3, một trong những Quả trứng Phục Sinh Faberge bị mất tích. Lần cuối quả trứng được trưng bày ở St. Petersburg tháng 3, 1902 và sau đó được ghi vào sử sách ở Moscow năm 1922.


Gustav Fabergé


Công ty Faberge được Gustav Faberge thành lập năm 1842, sau đó người con trai Peter Carl (1846-1920) đã bằng tài năng chế tác kim hoàn nâng công ty lên hàng đầu, tạo nên đẳng cấp quý phái tuyệt hảo với các họa tiết khắc chạm, bọc khảm đá quý lên các quả trứng Phục Sinh. Khi Faberge tham gia phục chế các tác phẩm nghệ thuật cổ của Viện Bảo Tàng Hermitage (Nga) sự khéo léo và tinh xảo của Faberge đã gây sự chú ý của Sa Hoàng Alexander III. Và năm 1885, Faberge được bổ nhiệm đặc trách là thợ kim hoàn làm Vương miện cho Hoàng đế.


The Hen Egg 1885


Năm đó Faberge làm ra quả trứng Phục sinh đầu tiên để dâng tặng Hoàng hậu Maria Feodorovna. Một quả trứng bằng men trắng, khi mở ra chóa lấp lánh lòng trứng vàng thật, và một con gà con bằng vàng với con mắt đính hột ruby. Ðuôi con gà khi xoay sẽ mở ra dây chuỗi hột ruby và một vương miện nhỏ xíu.


Quả trứng Đăng quang 1897


Từ đó, như truyền thống mỗi năm Faberge chế tạo một quả trứng Phục Sinh quý giá, khác lạ, độc đáo. Mỗi quả trứng mất cả năm trời để chế tác do các thợ kim hoàn tay nghề bậc thầy. Vì thế ngoài các vật dụng tinh xảo đắt tiền, các quả trứng khi mở ra phải mang một thiết kế tạo nên sự ngạc nhiên tột độ cho Hoàng tộc Nga, để làm quà tặng cho Hoàng hậu và Nữ Hoàng. Từ năm 1885 và 1916, Faberge đã làm 50 Quả trứng Phục Sinh cho Sa Hoàng. Mười quả trứng trong thời gian 8 năm trị vì của Sa Hoàng Alexander III, 40 quả khác dưới thời Nicholas II, Sa Hoàng kế vị, một cho Mẫu hậu và một cho Nữ hoàng Alexandra Feodorovna. Nữ hoàng yêu thích đến mức xưng tụng Faberge là nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ. Coronation Egg (Quả trứng đăng quang) năm 1897 là một tuyệt tác, quà tặng nhân dịp đăng quang Hoàng đế ở Nhà thờ Uspensky. Một quả trứng đa sắc lấp lánh đầy họa tiết tinh xảo, quấn ribon viền bằng đá quý chạm đầu con ó, bọc trong vải lót vàng, thiết kế làm ngạc nhiên, bên trong là một cỗ xe ngựa bằng vàng kích thước thu nhỏ chỉ dài 9.4 cm, trần xe mang chiếc vương miện. Mất 13 tháng để làm nên quả trứng này (hiện trứng được trưng bày ở Viện bảo tàng Faberge, St. Petersburg.) Một quả trứng lịch sử cuối cùng được đặt tên là Constellation Egg vào năm 1917. Quả trứng chạm khắc Chòm sao Hải Sư, ngày sinh của Sa Hoàng Alexei, người sẽ thừa kế ngai vàng, dự định dâng tặng Nữ hoàng Alexandra vào dịp Phục sinh 1917.


Quả trứng Huân chương của St. George 1916


Quả trứng chưa kịp hoàn tất thì cuộc Cách mạng Tháng 10 nổ ra. Toàn bộ Hoàng gia Nga bị xử tử. Hoàng Thái Hậu Maria Feodorovna đã thoát khỏi Kiev vào tháng 5, 1916 trước đó, mang theo quả trứng duy nhất Huân Chương của Thánh George. Gia đình Faberge thoát ra nước ngoài trên chuyến tàu ngoại giao cuối cùng. Tài sản của Faberge bị quốc hữu hóa. Faberge định cư ở Lausanne, Switzerland và mất ngày 25 tháng 9, 1920. Tài sản của Hoàng tộc Romanov bị chiếm, các nữ trang vàng bạc bị bỏ vào rương hòm đưa về Kho vũ khí Kremlin. Nhiều thứ quý giá bị đánh cắp vào lúc ấy trong đó có các quả trứng Phục Sinh này. Khi Stalin thay thế Lenin, các tài sản quý giá này được rao bán cho quốc gia Tây Phương để mua thiết bị cho nông nghiệp và cho ngân sách nhà nước Bolshevik. Vào khoảng 1930 đến 1933 thì 14 quả trứng này được bán ra ngoại quốc. Người sở hữu nhiều trứng nhất là Armand Hammer, một thương gia Mỹ, chủ tịch công ty Occidental Petroleum, là bạn của Lenin. Cha Armand là người sáng lập Ðảng Cộng Sản Mỹ. Với 10 quả trứng trong tay, Armand dự tính bán kiếm lời. Ông gặp nhiều khó khăn vào thời điểm của cuộc Ðại khủng hoảng 1933, nên dù vận động quảng cáo và đi khắp các thành phố lớn, Armand chỉ bán được khoảng 400 đến 500 đô cho mỗi quả trứng.


Quả trứng Hòa bình Gorbachev


Câu chuyện Quả trứng Phục Sinh ở Nga không chấm dứt ở đó. Sau cách mạng Tháng 10, Herbert Mohr-Mayer, hậu duệ của Victor Mayer, một thợ kim hoàn chính từng làm cho Faberge, tiếp tục chế tạo quả trứng Hòa bình Gorbachev để tặng cho Tổng thống Gorbachev khi ông nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1991. Trứng được làm bằng vàng 18kt và bọc men xanh ngọc bích, khi mở ra bên trong có con chim bồ câu bằng vàng. Mikhail Gorbachev tặng quả trứng này lại cho viện Bảo tàng Kremlin.


Vua Nicholas II cùng vợ và 5 người con, 1913.
(Tất cả bị xử bắn sau cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga)


Trở lại 50 Quả trứng Phục Sinh Hoàng Ðế dành riêng cho Sa Hoàng, 42 quả được lưu giữ trưng bày ở viện Bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Kremlin chỉ lưu giữ 10 quả. Trong 8 quả trứng bị mất tích, chỉ có quả thứ 3 được tìm thấy năm 2013 ở Mỹ kể trên. Quả trứng này được Công ty Wartski đại diện mua lại cho một sưu tập tư nhân. Giá cả và danh tánh được giấu kín. Quả trứng này có thể biến mất, ẩn danh trên thế giới nhiều năm sau. Riêng 7 quả trứng còn lại, người ta nghĩ rằng chúng thất lạc đâu đó theo năm tháng chiến tranh vật đổi sao dời. Số phận những Quả trứng Faberge này may mắn hơn số phận của Hoàng Tộc Nga, họ đã bị xử bắn tàn nhẫn cả gia đình. Riêng các quả trứng thất lạc, chúng thật là vô giá. Vì thế người ta vẫn còn săn tìm. Có lẽ đó là những cuộc săn tìm trứng Phục Sinh lâu dài nhất. Cuộc săn tìm vẫn mãi còn tiếp diễn. Bạn cũng nên đi chợ trời, garage sale hay vào các khu bán đồ cổ xem sao.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân