TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Phước Tường cổ tự
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Phước Tường cổ tự

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9796

Bài gửiGửi: Sat Mar 03, 2018 12:49 am    Tiêu đề: Phước Tường cổ tự
Tác Giả: Trang Nguyên

Phước Tường cổ tự

Chùa Phước Tường gần ba trăm năm tuổi.


Nếu gọi là cổ tự đúng nghĩa trên đất Sài Gòn, có lẽ chỉ còn duy nhất một ngôi chùa tọa lạc tại làng Tăng Nhơn Phú (nay là phường Tăng Nhơn Phú thuộc Q.9). Chùa không lớn nằm trên mảnh đất rộng đến 3 hécta, chung quanh cây xanh mát rượi khiến chúng sinh đến đây đều cảm thấy thư thái nhẹ nhàng. Tuy trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy với chánh điện ba gian hai chái và phòng tăng ni kết nối với nhau theo hình chữ L ngược, một kiểu công trình kiến trúc Phật giáo phổ biến ở Sài Gòn vào thế kỷ XVIII và XIX.

Chùa theo hệ phái Bắc Tông, do thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu, đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế khai sơn. Chùa được cất vào năm 1741, khi ấy được dựng lên gần Chợ Nhỏ nhưng về sau (năm 1834) di chuyển cất lại ở một địa điểm khác cách đó khá xa, tuy cùng trên đất làng Tăng Nhơn Phú, Thủ Ðức.

Về lịch sử cất chùa, lưu truyền một huyền thoại: Khi xưa vùng đất này là một vùng đất hoang, cây cối um tùm và nhiều thú dữ. Nhà cửa thưa thớt, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn trên vùng đất mới. Chùa được dân làng chung sức dựng lên để có chỗ dựa tinh thần tín ngưỡng. Vào một đêm nọ, có một con hổ đi ngang chùa nhìn thấy tượng ông Hộ Pháp đứng trước sân chùa, hổ lao tới vồ lấy. Sáng ra, các vị Tăng trong chùa thấy xác hổ nằm chết cạnh pho tượng bị gãy mất một cánh tay. Các Tăng sĩ bèn đem xác hổ ra sau vườn chùa chôn cất, còn tượng Hộ Pháp thì chôn trong sân chùa rồi xây tháp. Từ đó trên sân chùa có một ngôi tháp, dân làng thường xuyên cúng bái, cầu xin mọi chuyện tốt lành, tai qua nạn khỏi đều được linh ứng. Từ đó chúng sinh, Phật tử xa gần thường xuyên đến chùa cúng bái.



Chánh điện chùa cất theo kiểu nhà gỗ truyền thống ba gian hai chái, có 3 nóc xếp theo hình chữ “khẩu”. Phía trước là tiền điện, một ngôi nhà ba gian hai chái; giữa là chánh điện, sau là giảng đường, sau rốt là nhà Giám Trai và nhà kho. Vào khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, các hàng cột hiên và vách được thay thế bằng cột gạch và vách xây gạch, tô ô dước. Trên nóc mái đặt cặp long chầu nguyệt làm bằng gốm men xanh Lái Thiêu, mái âm dương rêu phong cổ kính. Cách trang trí ngoại thất tiết điệu dễ khiến người từ xa đến ngỡ đó là một ngôi nhà dân gian hơn là một ngôi chùa đã có tuổi đời gần ba trăm tuổi.

Vào khoảng thời gian này, trụ trì chùa là Ðại sư Thích Hóa Thông. Là người tu hành nhưng Ðại sư lại có khí chất của một hào kiệt, tham gia phong trào Thiên Ðịa Hội (1913-1916) nên bị bắt tù đày. Xin nói thêm, Thiên Ðịa Hội là một hội kín hoạt động tự phát ở Nam Kỳ do Phan Xích Long lãnh đạo nhằm chống thực dân Pháp, tiếp theo sau phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu, với ý muốn mở mang công thương cho nước nhà. Ðại sư Thích Hoá Thông tham gia cùng các chí sĩ tấn công Sài Gòn năm 1916, cuộc nổi dậy thất bại, tòa án Pháp cho xử tử tại Ðồng Tập Trận tổng cộng 57 người.

Do chùa lúc ấy không có trụ trì nên bị suy sụp. Mãi đến năm sáu năm sau, mới thỉnh Hòa thượng Thích Pháp Ấn về trụ trì. Hòa thượng Thích Pháp Ấn là đệ tử của Hòa thượng Minh Phương – Chơn Hương ở chùa Linh Nguyên (Ðức Hòa). Năm 1930, Hòa thượng đã cho trùng tu chùa Phước Tường và hiện trạng còn tồn tại đến hiện nay.


Khu Tháp mộ rêu phong.


Từ ngoài cổng bước vào nhìn qua bên phải là một khu đất rộng dành cho rừng cây. Giữa cảnh ấy lại điểm thêm một vài ngôi tháp, một vài ngôi mộ cổ rêu phong thì không đâu sánh bằng. Quả là sơn lâm hóa thành thị, thành thị hóa sơn lâm. Chùa Phước Tường đến nay vẫn còn giữ được vẻ nguyên thủy, bên trong đều làm bằng gỗ quý, thiết kế theo kiểu nhà tứ trụ, trừ các gian chái phía sau.

Tiền điện chùa có đặt tượng Hộ Pháp, Kim cang và các bao lam được chạm theo đề tài tùng hạc. Tác phẩm điêu khắc độc đáo có giá trị lịch sử là bức hoành phi treo ở tiền điện mang dòng chữ “Phước Tường Tự” có niên đại từ đời vua Minh Mạng 1834. Tiếp nối tiền điện là chánh điện. Chánh điện là khu vực thờ cúng và được trưng bày khá nhiều tượng Phật cổ. Chính giữa chính điện là một bao lam lớn, rất đẹp được chạm tứ linh: Long – Lân – Quy – Phụng.

Trước chánh điện có hàng cột chạm khắc thân hình rồng vàng uốn lượn theo những câu đối sơn son thếp vàng. Chùa Phước Tường cũng như các chùa ở trong Nam đều bài trí theo công thức “Tiền Phật hậu Tổ”. Thế nên, phía sau bàn thờ chánh điện là bàn thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma và các vị cao tăng đã trụ trì chùa. Tượng Tổ sư Bồ Ðề Ðạt Ma chùa Phước Tường bằng gỗ, đã được Việt hóa nhân chủng. Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng này trước kia thờ bên phải bàn thờ chính, gần đây được đưa ra phía sau, để thay thế vào đó là tượng Long Vương,... Nơi đây có bức hoành phi và những câu đối hàng trăm năm tuổi. “PHƯỚC chỉ trùng hưng bổn tự viên thành đa tín thí / TƯỜNG cơ tái tạo dã tri mỹ lệ thiện công phu” hay “PHƯỚC hải hồng thâm bửu phiệt độ thông thiên giới ngoại / TƯỜNG vân ái đãi quý hào phổ ích vạn nhân gian”.

Theo biên khảo của giáo sư Trương Ngọc Tường, hiện nay Chùa Phước Tường có 53 pho tượng, 13 bức hoành phi, câu đối và nhiều bao lam, thần vọng, bài vị. Tượng thờ có nhiều loại. Có tượng bằng đá, bằng đất, nhiều nhất là bằng gỗ. Một số tượng gỗ ở chùa tạc vào đầu thế kỷ XIX, còn nét thô sơ nhưng có giá trị lớn của cổ vật niên đại hàng trăm năm.



Trước bàn thờ Tổ sư tiền bối là bàn thờ Chuẩn Ðề Vương. Hai bên là bàn thờ Thập Phương bổn đạo quá vãng, mà lúc sinh thời họ thường đến thăm chùa. Giảng đường (tức Bát Nhã đường) là ngôi nhà khá rộng. Giữa là tượng Chuẩn Ðề Vương, vị Bồ Tát Mật Tông có 3 mắt, 18 tay. Phía sau là quá đường (nơi tổ chức Trai Tăng), hai bên là hai bộ phản, dùng làm nơi bày tiệc chay đãi chư Tăng hoặc đãi khách quý. Giảng đường là nơi học tập của chư Tăng chùa.

Sau giảng đường là sân Thiên tỉnh, nơi đây giống như một cái giếng trời, ở dưới có Hòn non bộ, trên là khoảng trống giữa bốn bên mái ngói. Nơi đây nước chảy róc rách, thỉnh thoảng có vài tiếng chim kêu, giữa một không gian với những mái ngói rêu phong.



Tiếp sau sân Thiên tĩnh là nhà Giám Trai. Nơi đây có bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Ðộ (bộ tượng có 7 nữ thần chính và 2 nữ thần bồng con đứng hầu). Tương truyền các vị nữ thần này rất thiêng, những gia đình hiếm muộn hoặc sinh con khó nuôi đều đến đây cầu khẩn. Ðặc biệt, tại bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Ðộ còn thờ một bức tượng nữ thần bằng sa thạch, có từ đời Phù Nam. Bức tượng này tìm được trong khuôn viên chùa Phước Tường, đào thấy trong lòng đất, khi đốn một cây cổ thụ cách nay khá lâu. Vị thần này búi tóc trên đỉnh đầu có trang sức, mắt lộ, môi mỏng. Ðối diện bàn thờ Mẹ Sanh – Mẹ Ðộ là bàn thờ Quan Âm Thị Kính bồng con (đứng), và tượng Giám Trai sứ giả Bồ Tát. Tương truyền ông Giám Trai là một nông dân chất phác, chỉ có sáu chữ “Nam mô A Di Ðà Phật” mà cũng không thuộc nổi. Thế nhưng với lòng chân thật, siêng năng công quả mà ông đã thành một vị hộ trì ngôi Tam Bảo.

Ðặc biệt hai bàn thờ này được tương truyền là cho xăm rất linh. Cho nên vào những ngày rằm, lễ Tết, dân chúng khắp nơi thường viếng chùa rất đông để biết điềm hung kiết.



Chùa Phước Tường từ khi thành lập đến nay trải qua mười đời trụ trì, kiến trúc hầu như còn được nguyên vẹn xứng đáng được xếp là di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân