TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bệnh lao và thời trang
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bệnh lao và thời trang

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Sun Nov 04, 2018 1:39 pm    Tiêu đề: Bệnh lao và thời trang
Tác Giả: Sean Bảo

Bệnh lao và thời trang


Hình ảnh những phụ nữ thon gầy, chiếc áo đầm dài, cái eo thật nhỏ, corset bó sát và nâng cao gò bồng đảo mơn mởn gọi mời. Cái váy có khung xòe phủ kín gót, dài lê thê trên mặt đất. Vai trần khoe ngấn cổ trắng muốt và đầu tóc bới cao gọn xoăn, được giữ lại bằng những chiếc kẹp tóc, chiếc trâm cài chạm trổ chi tiết. Cánh tay nàng dài với chiếc găng tay, phe phẩy chiếc quạt hay các túi xách nhỏ xíu. Nhưng quyến rũ và ấn tượng nhất chính là khuôn mặt hình bầu dục với đôi mắt long lanh, làn da trắng ngà có những đường gân xanh nhỏ trên cổ, óng lụa sợi tóc mai...

Ðó là hình ảnh thời trang Victorian bắt đầu từ 1837 đến cuối năm 1900 ở Anh đã ảnh hưởng sâu sắc đến Mỹ sau đó. Một thời trang xưa quý phái có ảnh hưởng lớn từ căn bệnh chết người mà ngày nay khoa học đã chế ngự và phòng ngừa. Ðó là bệnh lao.


Hình trang phục Victorian


Vào giữa thế kỷ 17, bệnh lao hoành hành khắp châu Âu và nước Mỹ. Thoạt đầu người Mỹ gọi bệnh lao là consumption vì thấy cơ thể người bệnh bị hủy diệt, hao mòn dần dần. Bệnh xảy ra cho mọi tầng lớp giàu nghèo. Nhưng trong giới quý tộc thì trang phục lụa là, kiểu cách của Victorian là nơi tiềm ẩn mầm mống vi khuẩn. Làn da nhợt nhạt có đường gân xanh như đá cẩm thạch là biểu hiện cho sự quý phái và giàu có, bởi chưa từng phải làm việc cực nhọc ngoài trời. Nền văn chương lãng mạn lại ca ngợi nét hao gầy mong manh yếu đuối của người phụ nữ, đã làm cho bệnh nhân lao trong giới giàu có trở thành lý tưởng cho cái đẹp và thời trang một thời. Người ta gọi các kiều nữ bệnh lao là Consumptive Chic – Thiếu nữ bệnh lao thanh lịch.

Thoạt đầu người ta cho nguyên nhân bệnh lao từ “không khí xấu”, do trời sinh ra. Các bệnh nhân lao với thân hình gầy guộc, mong manh, làn da với những đường gân xanh, tóc thì yếu mềm như lụa, đôi mắt thì chừng như sáng lên trên nét thâm quầng, má môi thì ửng đỏ bởi những cơn sốt nhẹ trong người. Những dấu hiệu của người bệnh lao như thế lại quyến rũ các chàng trai. Vì thế mà giới trung lưu và quý tộc đã bắt chước và trang điểm ăn mặc sao cho tôn vinh lên nét hao gầy đó. Tô môi son đỏ, phấn má hồng, áo đầm phủ đất và corset càng bó sát eo.


Tranh vẽ váy dài Victorian và Thần chết


Cho đến năm 1882, thì Robert Koch tìm ra căn bệnh do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (TB) chớ không phải do khí trời. Môi trường ô nhiễm trong các thành phố kỹ nghệ, những áo đầm dài sát đất, có nhiều lớp vải chính là nguồn gốc mang vi khuẩn từ các bụi bặm dơ bẩn đường phố vào trong nhà. Tranh vẽ minh họa trên báo chí thời 1900 mô tả chiếc váy dài được treo lên giá, cô hầu quét bụi bay lên nào là vi khuẩn, cúm, lao, sốt vàng da... Hai đứa trẻ khuôn mặt thiên thần ngây thơ đứng kế và Thần chết với lưỡi hái bén nhọn đứng chực chờ sau lưng.

Chiếc nịt ngực corset khung thép bị nguyền rủa vì bó sát ngực làm bệnh nhân càng khó thở với các buồng phổi yếu đuối, máu không lưu thông. Những chiếc corset mới được làm khung bằng vải co dãn được thay thế. Các váy bằng vải nhuộm màu xanh và giấy dán tường sang trọng chứa đầy arsenic, các mũ lông thú có mercury trong quá trình thuộc da, các hộp phấn mang nhiều độc tố chì...


Râu tóc của một vị tướng phe Union thời nội chiến


Với cánh mày râu thì thời trang để râu của quý ông cũng bị ảnh hưởng. Trước đó đàn ông phải là “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, quý ông nhất là giới quân nhân và chính khách chuộng để râu. Một phần vì dao cạo chưa phát triển tiện lợi và an toàn (King Camp Gillette ra đời dao cạo Gillette 1901), một phần vì râu tóc nói lên kiểu dáng, nam tính mạnh mẽ, đặc biệt của cá nhân. Các binh sĩ giữ bộ râu mép, râu hàm rậm cho ấm áp trong cuộc chiến Crimean 1850s nơi chiến trường băng giá, thiếu vắng xà bông cạo râu. Trong nội chiến Bắc Nam nước Mỹ, quân luật 1536 ghi rằng: Tóc phải ngắn; râu hàm được để tùy cá nhân, nhưng phải ngắn và tỉa gọn.

Các cao bồi cũng mang bộ râu ria rậm rạp ở miền Tây hoang vu thiếu vắng các thợ hớt tóc, cạo râu. Và phần lớn còn ảnh hưởng thời trang râu tóc kiểu cách thời thượng Victorian. Những bộ râu mép được trau chuốt ép dài, vuốt nhọn hay xoăn. Những kiểu tóc mai (sideburns) dài xuống nối liền với râu mép hay râu hàm, thỉnh thoảng vuốt râu hay phì phà điếu xì-gà, lau chút bọt bia trắng xóa trên hàm râu rậm ấy, nói lên khí phách nam nhi, trượng phu, quân tử.

Cho đến khi các nhà khoa học và bác sĩ lên tiếng: “Bệnh sởi, ban đỏ, bạch hầu, ho gà, lao, cảm cúm... và những mầm bệnh lây lan khác nằm ẩn trong các bộ râu mép. Các bác sĩ và nhân viên y tế là những người đầu tiên “mày râu nhẵn nhụi” làm gương cho bệnh nhân. Và ở quân đội khi vũ khí hơi gas được dùng trong thế chiến I, buộc các binh lính phải mang mặt nạ thì râu ria trong quân đội Mỹ mới bị cấm (ngoại trừ vài trường hợp như các binh sĩ gốc Hồi giáo, người Sikh được để râu).


Tranh vẽ cô gái bị lao theo thời trang Victorian được cầu hôn


Ảnh hưởng của bệnh lao đến thời trang chấm dứt vào cuối thế kỷ 19 nhưng hình thành nên các thời trang mới. Khi các chiếc váy dài được cắt ngắn và nâng cao, chiếc váy mini gợi cảm lành mạnh ra đời. Ðể khoe gót chân hồng, và thế là các đôi giày, đôi dép đua nhau khoe sắc kiểu dáng. Một số ngành nghề mới ra đời như tắm nắng; nghề hớt tóc cạo râu phát triển, cái bánh waffle đựng kem lạnh, hàng hiên trước sân nhà... Bệnh lao đã thay đổi nước Mỹ, hình thành nên các thành phố tiểu bang sầm uất ngày nay ở miền Viễn Tây như Denver, CO., Los Angeles, Pasadena, CA. (Người viết sẽ kể trong dịp khác.)

Chẳng biết thời trang Victorian có ảnh hưởng đến nền văn hóa Á Ðông (hay đời sống áo cơm nhọc nhằn!) mà hội họa Việt Nam tràn ngập các cô gái cổ cao, dáng gầy mảnh khảnh, yếu đuối như cần che chở, da trắng xanh, thỉnh thoảng ho nhẹ, làn tóc mềm như lụa, ánh mắt chừng như rớm khóc... hình ảnh một thời làm các chàng trai thổn thức: “Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai”, hay mơ mòng nhớ“vai em gầy guộc nhỏ, như cánh hạc về chốn xa xôi”.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân