TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Washi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Washi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Mon Oct 22, 2018 12:47 pm    Tiêu đề: Washi
Tác Giả: Mạnh Kim

Washi


Sự khám phá kỹ thuật chế tạo giấy làm từ gỗ và kỹ thuật in đã mở ra một chương mới cho nền văn minh nhân loại. Từ khi ra đời với mục đích ban đầu là vật liệu dùng để ghi lại cảm xúc và tư tưởng con người, đến nay, giấy đã hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, góp phần vào việc tạo ra vẻ đẹp cho cuộc đời. Chuyện về giấy phải cần đến cả một pho sử mới có thể nói tạm đủ, trong đó, chỉ riêng giấy washi ở Nhật đã chiếm rất nhiều chương...



Vài hàng lịch sử

Washi không những hiện diện trong đời sống vật chất mà còn thâm nhập vào cuộc sống tâm linh của người Nhật từ hàng trăm năm qua. Giấy và chữ viết xuất hiện ở Nhật vào khoảng thế kỷ IV-V, du nhập từ bán đảo Triều Tiên. Song song với việc hình thành Phật giáo vào thế kỷ VI, ở Nhật, giấy bắt đầu được tôn vinh như là thứ vật liệu tuyệt nhất để chép kinh Phật. Dân chúng được khuyến khích trồng cây kozo và một số nhà sư Nhật được mời sang bán đảo Triều Tiên để học kỹ thuật làm giấy. Ðến thời Tempyo (thế kỷ VIII), kỹ thuật chế tạo giấy ở Nhật đã phát triển và lan rộng khắp nước. Người ta bắt đầu tìm ra các loại gỗ khác, vì kozo đã bị khai thác quá nhiều. Chính việc tìm tòi nguyên vật liệu mới như thế, giấy washi (làm từ gỗ gambi) từ từ ló dạng và trở thành loại giấy đặc thù duy nhất chỉ ở Nhật mới chế tạo được. Nghệ thuật trang hoàng độc đáo từ vật liệu giấy washi cũng dần hình thành, nhanh chóng đi vào văn hóa dân tộc Nhật, mang bản sắc truyền thống địa phương, như tranh Ðông Hồ hay gốm Bát Tràng ở nước ta.


Tranh của Rembrandt được vẽ trên giấy washi


Từ Nhật, giấy washi tạo ra danh tiếng cho mình khi được thế giới biết đến. Cuối thế kỷ XVI, Bồ Ðào Nha bắt đầu giao dịch thương mại với Nhật. Sau khi tướng quân Tokugawa thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ người Hòa Lan mới được phép quan hệ với Nhật và các văn phòng Hòa Lan tại Nagasaki là những cánh cửa sổ duy nhất của Nhật nhìn ra thế giới bên ngoài. Nhưng một phần cũng nhờ thế, một câu chuyện đẹp về giấy washi đã ra đời. Ðó là khi danh họa Rembrandt Harmensz Van Rijn (1609-1669) nhận thấy loại giấy gói các bức tranh sơn mài nhập từ Nhật có độ bền rất cao và trông rất đẹp. Rembrandt đặt mua loại giấy này và dùng để vẽ các kiệt tác của mình. Khi Nhật mở cửa năm 1852, việc bang giao với phương Tây được thiết lập. Rutherford Alcock - Thủ tướng đầu tiên của Anh đến Nhật, đã khen ngợi hết lời về giấy washi, và chính ông đã khuyến khích Nhật đem hàng hóa tham dự Hội chợ Thế giới ở Luân Ðôn năm 1862, tất nhiên trong đó không thể không có giấy washi. Ðó chỉ là vài trong số rất nhiều câu chuyện kể về danh tiếng của giấy washi.


Kawakami-gozen


Washi trong đời sống văn hóa Nhật

Truyền thuyết kể rằng cách đây 1,500 năm, một nàng công chúa xinh đẹp bỗng dưng xuất hiện tại một ngôi làng (nay là Imadate-cho) ở bờ sông Okamoto và dạy dân làng cách làm giấy washi. Sau đó, người ta mới biết nàng công chúa, tên là Kawakami-gozen, chính là nữ thần giấy và từ đó nàng được tôn vinh là người sáng lập nên ngành công nghiệp giấy washi Echizen.


Du khách thử làm giấy washi tại làng Echizen Imadate


Dân làng Echizen Imadate quý trọng truyền thống sản xuất washi theo phương pháp thủ công có từ hàng trăm năm qua. Là một trong những cái nôi khai sinh washi, Echizen Imadate hiện nay vẫn duy trì ngành thủ công làm giấy washi. Ðến ngôi làng này, du khách được giới thiệu Washi no Sato Dori - con đường hiện thân cho ngành thủ công washi, dẫn đến Udatsu no Kogeikan - viện bảo tàng washi. Tại viện bảo tàng này, người ta lập ra khu Papyrus Kan, nơi du khách có thể tìm hiểu cặn kẽ các phương pháp thủ công làm giấy washi và thậm chí có thể làm thử vài công đoạn. Gây ấn tượng nhất tại viện bảo tàng này là tấm washi khổng lồ, 5.1m2, sản xuất theo yêu cầu của Yokoyama Taikan - một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Nhật. Ngoài ra, còn có tờ giấy khổng lồ làm bằng tay dài 7.1m và rộng 4.3m.

Không chỉ Echizen, làng Fukano cũng là nơi nổi tiếng chuyên sản xuất washi và còn là loại washi tốt nhất ở Nhật. Danh tiếng giấy washi ở Fukano được biết đến từ khi dòng họ Kishu dùng làm vật liệu chính để làm hansatsu (tiền giấy thời cổ). Có một dạo tưởng chừng giấy washi ở Fukano biến mất hẳn, nhưng năm 1987 Hội Bảo tồn Giấy Washi Fukano được thành lập với nhiệm vụ dạy thế hệ trẻ các phương pháp thủ công làm ra giấy washi.


Tranh cuộn kakejiku artjapanese.com


Chỉ ở Nhật mới có giấy washi, và có lẽ Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới xem loại vật liệu tầm thường là giấy như là một trong những biểu tượng văn hóa của mình, rõ ràng hơn, đó là giấy washi. Bất cứ ở ngóc ngách đời sống văn hóa hay vật chất người ta đều thấy bóng dáng washi. Từ thời cổ người ta đã dùng washi làm đèn, và cho đến tận nay đèn bằng giấy washi vẫn hiện diện, không những ở đền miếu mà còn trong những ngôi nhà cao tầng hiện đại. Nhờ tính ngăn nhiệt, washi còn được dán ở các cánh cửa thay kính. Hơn nữa, “kính washi” còn có thể được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn phong phú. Ở đền chùa hay dinh thự của các samurai thời xưa, những fusuma (cửa kéo ngang) có dán washi trong từng phòng đều được trang trí khác nhau. Washi được xem là vật liệu tuyệt vời nhất để làm kakejiku (bức họa cuốn, có hình vẽ hay thư pháp). Washi dùng trong kakejiku là thứ giấy đặc chế ở Yoshino và Nara.


Kami-nabe (lẩu nồi giấy)


Không chỉ xuất hiện “một cách khô khan” như vừa nói ở trên, washi còn thả hồn vào văn hóa ẩm thực. Kami-nabe là một thứ “lẩu” làm bằng giấy washi bền chắc đến độ có thể cho vào nồi để hấp thức ăn đựng trong đó. Loại giấy độc nhất vô nhị này được sáng chế vào thời Edo (1600-1868) và hiện nay vẫn xuất hiện tại các nhà hàng. Kami-buta là tấm khăn giấy phủ lên đĩa thức ăn (trong quá trình chế biến) để vừa ngăn không khí vừa làm các chất gia vị ngấm hoàn toàn vào thức ăn. Washi còn dùng để gói cá trước khi đem nướng hoặc chiên. Không phải gói bằng thứ washi nào cũng được mà phải bằng loại hosho-shi (loại giấy washi mà xưa kia triều đình hay các tướng quân chuyên dùng để viết chiếu chỉ!). Món cá chiên gói giấy hosho-shi gọi là hosho-yaki, được “sáng chế” vào thời Edo. Nhờ thớ giấy chắc, washi rất phổ biến khi được dùng để gói đồ hoặc bao đựng (cột, xoắn hoặc thậm chí túm miệng bao để thắt nút cũng không rách).



Ngày đầu năm, người ta trang hoàng nhà cửa bằng washi (xếp thành hình đặc thù để treo ở cổng hoặc thắt vào các cành cây với ý nghĩa bộc lộ niềm tin vào thánh thần). O-men là loại mặt nạ làm bằng washi để mang trong dịp lễ hội, thậm chí hiện nay, loại mặt nạ Okame (tượng trưng cho sự may mắn) còn được dùng trong các lễ cúng xây nhà. Hariko-zaiku là loại khung gỗ bao bằng giấy washi (giống như lồng đèn ở nước ta nhưng không có đèn bên trong) với nhiều hình thù khác nhau, thường là hình 12 con giáp. Chochin là lồng đèn washi, treo ở các ngôi đền Thần đạo. Vào ngày 3-3 hàng năm, các cô gái thả kami-bina trôi ở sông. Ðó là ngày Lễ hội búp bê và kami-bina là búpbê làm bằng giấy washi. Người ta gói hoa bằng washi, làm những vần thơ haiku trên tanzaku (tấm thiệp thơ làm bằng washi), làm diều hay quạt hoặc phong bì bằng washi. Trong tiệc cưới, cô dâu và chú rể trao nhau tách rượu trang hoàng bằng washi v.v. Thật khó có thể kể hết sự hiện diện phong phú của washi trong đời sống văn hóa lẫn vật chất ở Nhật.


hoa giấy washi


Tuy nhiên, đẹp nhất, lãng mạn nhất và cầu kỳ nhất có lẽ là hoa giấy làm bằng washi. Người Nhật yêu thiên nhiên và họ đem cả thiên nhiên vào nhà: hòn non bộ, chậu cây cảnh, khóm hoa, cành trúc và những đóa hoa kiêu kỳ washi trông hệt như thật. Người ta tự hỏi không biết washi đã thâm nhập vào đời sống tâm linh của người Nhật hay người Nhật đã đem hồn dân tộc thổi sinh khí vào chất liệu washi để tạo nên nét đặc thù đầy chất văn hóa dân gian có sức sống bất tử...

Mạnh Kim

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân