TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cây chổi lông gà
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cây chổi lông gà

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Sat Oct 13, 2018 11:58 pm    Tiêu đề: Cây chổi lông gà
Tác Giả: Trang Nguyên

Cây chổi lông gà

Chổi lông gà thành hoa chưng trong bình. Hình: Hồ Ngọc


Chuyện tôi kể ra đây không gì cũ, mới như vừa xảy ra hôm qua. Anh bạn của tôi về Sài Gòn thăm mồ mả ông bà cha mẹ, trở qua mang theo cây chổi lông gà. Đến nhà anh chơi, tôi nói: “Người ta cắm lông công, lông trĩ trang trí để làm phong thủy trong nhà cát lợi, sao anh lại cắm cây chổi lông gà vào cái bình men xanh giá trị thế kia?” Anh lặng thinh một hồi rồi đáp “Thấy sao? Ai lại đem cây chổi lông gà chẳng giá trị chút nào làm hoa trang trí?”.

Anh hỏi tôi mà cũng trả lời luôn câu hỏi đó giống như một triết lý. “Triết lý cây chổi lông gà” anh nói là học được từ trong vở kịch “Giờ của quỷ” mà anh có dịp xem khi về Sài Gòn. Anh thích kịch, nhất là những lời đối thoại thâm thúy mang ý nghĩa cuộc sống đời người. Sau đó, anh lại đọc được bài viết của tác giả Hồ Ngọc phân tích ý nghĩa của cái triết lý mơ hồ đó.



Nhưng ý nghĩa triết lý cây chổi lông gà của anh có phần hơi khác. Khác ở chỗ trong kịch bản thì nhân vật Cu Bin, với cách nghĩ trong sáng của một đứa trẻ, đơn thuần thấy cây chổi lông gà giống cây bông, đem cắm trong bình hoa trang trí khiến bà Dì ghẻ bực tức la lối: “Ai điên cắm chổi lông gà vô bình bông vậy trời?” Cu Bin vui vẻ: “Con đó! Con biết chổi lông gà để quét bụi, để đánh đít, nhưng con thấy cây này giống cây bông! ”

Hành động và suy nghĩ đơn giản của Cu Bin làm cho bà mẹ kế Phương Thùy chìm trong im lặng, tra vấn lương tâm và tự xét nhiều khi đã cư xử quá đáng đối với đứa con riêng của chồng. Thế là bà quyết định ra đi. Hồ Ngọc viết: “Bức hình từ sân bay gửi về cho thấy cô cầm trên tay... chổi lông gà! Không cần lời đối thoại, bức ảnh đã nói lên sự ăn năn của Phương Thùy. Cầm theo cây chổi cô như cầm theo kỷ niệm về ngôi nhà cô đã từng gắn bó, về đứa bé đã cho cô hiểu một ý nghĩa hồn nhiên, sâu lắng. Rằng rốt cuộc chính góc nhìn, tâm thế chủ quan của ta mới nói lên giá trị, bản chất sự vật. Chổi có thể thành hoa, cảm xúc tiêu cực có thể thành tích cực... ”


Trẻ em bán chổi lông gà tại đường Tự Do, Sài Gòn năm 1965


Chuyện kể đến đây, anh bạn tôi dừng lại một chút, vói tay rút cây chổi lông gà từ bình gốm xanh bách điệp trên bàn. Cầm cây chổi đi đến vách hông, anh quơ nhẹ tay quét bụi trên bàn thờ Cha Mẹ. Anh luồn đầu chổi lông gà vào từng ngóc ngách, chừng như gom hết kỷ niệm xưa về hiện tại. “Sao hồi nhỏ mình không nghĩ ra cây chổi lông gà giống cây bông há, mà mỗi lần thấy cây chổi lông gà ông già cầm lên đánh đòn là sợ quắn đít luôn”.

“Kịch trên sân khấu mà! Bản thân đứa trẻ đâu nghĩ cây chổi là cây bông. Nhà biên kịch, đạo diễn khéo léo áp đặt lời đối thoại lên nhân vật, nói ra một cách chân thật. Như vậy mới là kịch, là văn chương, là cái nghệ thuật làm đẹp tâm hồn”, tôi nói với anh bạn, cũng chẳng khác nào lời đối thoại trong một vở kịch ngoài đời. Ấy thế mà anh bạn tôi gật gù, rồi kể lại rằng hồi còn nhỏ mấy anh em trong nhà hiếu động lắm, thường bị Cha phạt đánh đòn; mỗi tội theo quy định, nặng nhẹ theo đó chịu đòn mấy roi. Một roi vô mông là đã khóc ré lên rồi, huống hồ chi có tội phải chịu đến mười roi.


Gánh chổi lông gà đi bán ngày xưa.


Chuyện đến đây thì ý nghĩa cây chổi lông gà của anh bạn tôi trở thành cây roi mây thật sự rồi. Anh bạn kể lại chuyện xưa, thuở còn là một cậu bé học hành khá giỏi nhưng tính khí bốc đồng. Nhớ lần bị trận đòn nặng nhất là hồi học đệ tứ, cho cái tội trốn học đi chơi lại còn sửa điểm. Nhà trường mời phụ huynh lên họp để giải quyết. Về nhà Cha anh gộp mấy tội lại thành một, gia tăng hình phạt. Không phải mười roi mà đến hai mươi roi, cho cái tội trốn học và không trung thực với thầy cô, bạn bè và cha mẹ.

“Lần đó, tôi đi học sớm, lẻn vào phòng giáo vụ bằng cách leo cửa sổ, mở cuốn sổ điểm sửa điểm 8 của thầy cho thành 18. Cha tôi rất nghiêm khắc trong việc học hành của con cái. Ông quan niệm phải học cho giỏi, vào đại học để thành ông nọ bà kia. Chỉ có học tới nơi tới chốn thì mới có tương lai. Thật ra, ông sợ con cái học hành không tới, đến tuổi thi hành quân dịch, làm lính thời buổi chiến tranh thì làm sao biết được mồ xanh lúc nào! ”


Hai cậu bé bán chổi lông gà tại bến Bạch Đằng thập niên 1960


Anh đem cắm cây chổi lông gà trở lại bình bông rồi kể tiếp chuyện “trộm long tráo phụng” thuở học trò. “Hôm đó, không hiểu ma xui quỷ ám làm sao, lần đầu tiên tôi cúp cua giờ Kim Văn, cùng mấy đứa bạn đến rạp Nam Quang xem phim võ thuật Hồng Kông mới đưa sang Sài Gòn trình chiếu. Ban đầu tôi không chịu đi, mấy đứa tụi nó lôi kéo miết. Hơn nữa nghe tụi nó nói phim hay, tài tử Ðịch Long, Khương Ðại Vệ đánh quyền thuật như thiệt, nên cuối cùng tôi nghe theo bạn bè đi xem cho biết. Tuần sau thầy gọi cả đám trốn học lên trả bài, thầy hỏi tới hỏi lui nên miệng tôi cứ ấp a ấp úng, nhưng cũng thuộc được một đoạn văn đọc lưu loát. Tôi thấy thầy ghi điểm 8 vào sổ nhưng lại quên ghi số 0 đứng trước, thành ra mới có cái tội sửa điểm. Ai ngờ ông thầy lớn tuổi rồi mà trí nhớ lại minh mẫn đến như vậy.”

Anh nói, làm lỗi thì phải bị trừng phạt. “Có thưởng phạt phân minh thì con cái mới nên người, nhất là những đứa trẻ hiếu động như anh em tôi hồi nhỏ, phá phách, nghịch ngợm, mê chơi. Mỗi lần bị đánh đòn, tụi tôi nằm sấp trên chiếc đi-văng ba tôi thường ngủ, đầu roi nhịp nhịp nhẹ nhẹ trên cái mông kèm theo lời giáo huấn của cha tôi, vừa chấm dứt là nghe tiếng voi vụt cái chót. Cái đau của cán chổi mây làm cái mông đau rát từ từ, vừa dứt cơn đau của nhịp roi đầu lại tiếp đến roi hai, roi ba... Lần đó tôi bị 20 roi, đau rát; hai tay đưa ra sau, bợ cái mông đít nhảy lưng tưng như khỉ ăn nhằm cà cuống.


Một cậu bé bán chổi lông gà tại vườn hoa công trường Lam Sơn, Sài Gòn năm 1966


Nhưng cái tật nghịch ngợm vẫn không chừa, lần đó cha tôi phạt thằng em. Tôi nghe cha la trách, thể nào cũng dụng roi hình. Tôi vội đem hai cây chổi đi giấu sau đống than ở nhà bếp. Cha tôi đi lấy cây chổi lông gà treo bên vách tủ thờ, không thấy; ông lại đi vào buồng kiếm cây chổi thứ hai. Không thấy hai cây chổi, ông la lên: ‘Ðứa nào giấu mấy cây roi mây của tao rồi? Ðem ra ngay, không tao đánh đòn gấp đôi’. Tôi lặng yên, chạy lên lầu mặc cho cha hăm dọa. Kiếm không được, ông bảo má tôi ra tiệm mua ngay hai ba cây chổi. Má tôi chưa bước chân ra tới cửa thì ông bán chổi lông gà gánh trên vai một đống chổi vừa đi ngang qua nhà vừa cất tiếng rao ‘Chổi... đây...!! ’ Tôi đứng trên ban công nhìn xuống, miệng lầm bầm: ‘Thôi chết, nát cái đít nhỏ của thằng em tôi rồi’.”

Anh bảo hồi nhỏ hầu hết có đứa trẻ nào mà không bị cha mẹ đánh đòn do phạm lỗi lầm. “Tôi về Sài Gòn, vẫn thấy mấy tiệm chạp phô ở chợ bán chổi lông gà, nên mua đem về. Người ta còn bán chổi có nghĩa là nghề làm chổi lông gà vẫn còn đất sống. Tuy không còn nhiều như xưa, nhưng tôi thấy nghề này không mai một. Người ta vẫn cần chổi lông gà để quét bụi bàn ghế trong nhà.” Anh hỏi tôi có nhớ một thời sau năm 1975, cây chổi lông gà biến thể thành cây chổi kết lại bằng sợi nylon xé tưa thành chỉ, nhuộm màu xanh xanh đỏ đỏ?


Bán chổi lông gà ngày nay.


Chuyện đó thì tôi nhớ. Nhưng dù chổi nylon có đẹp cách mấy thì nó vẫn không để lại trong tôi ấn tượng bằng cây chổi lông gà tự nhiên được xâu kết bằng chỉ, lót giấy trét dầu hắc bọc khúc mây-mà sau này tôi có dịp thấy tại một cơ sở làm chổi lông gà ở quận 11. Bây giờ không biết cái xưởng thủ công và là nơi chuyên thu mua lông gà lông vịt ấy còn không, hay đã di dời để tránh ô nhiễm mùi hôi cho cư dân quanh vùng.

Tôi nhớ hồi xưa, trong nhà mỗi khi má tôi làm thịt gà hay thịt vịt, phần lông của các loại gia cầm này không vứt bỏ mà gom lại để dành bán cho mấy người mua ve chai, lông gà lông vịt. Lông vịt bán nhiều tiền hơn lông gà do lông gà chỉ dùng để làm chổi quét bụi, còn lông vịt có nhiều cách sử dụng: lông cánh, lông đuôi thì dùng để làm quạt lông, trái vũ cầu; còn lông tơ nhẹ, mịn mượt, thì đánh tưa ra dùng để lót áo ấm, gối chăn. Lông vịt còn có giá trị xuất cảng, bán sang các nước châu Âu để làm ra nhiều sản phẩm dân dụng. Có một thời gian người mua ve chai không còn đi thu mua lông gà, chỉ mua lông vịt. Ðó là khoảng thập niên 1980; việc sản xuất chổi lông gà cũng suy tàn vào thời gian này.

Nhưng thôi, cũng chẳng cần thiết tìm hiểu nguyên nhân của sự suy tàn nghề làm chổi lông gà làm chi; chỉ biết cây chổi lông gà ngày nay vẫn còn tồn tại bên cạnh nhiều vật liệu lau chùi bụi bặm có giá thành rẻ hơn. Với anh bạn tôi, cây chổi lông gà đã trở thành hoa chưng trong bình cổ, giống với triết lý nhìn sự việc tích cực-hơn là nỗi ám ảnh những trận đòn roi trong cách giáo dục con cái của nhiều phụ huynh ngày trước.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân