TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cổ thành Fort McHenry cảo thơm lần giở
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cổ thành Fort McHenry cảo thơm lần giở

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Thu Jul 12, 2018 11:29 pm    Tiêu đề: Cổ thành Fort McHenry cảo thơm lần giở
Tác Giả: Đinh Yên Thảo

Cổ thành Fort McHenry cảo thơm lần giở


Từ phía xa trên con đường dẫn vào cổ thành Fort McHenry - nơi khai sinh bản quốc ca Hoa Kỳ - du khách đã nhìn thấy ngọn quốc kỳ Hoa Kỳ phất phới tung bay giữa bầu trời. Đó là hình ảnh hào hùng của ngọn quốc kỳ còn sừng sững đầy kiêu hãnh sau một đêm giao tranh khốc liệt với quân Anh của hơn 200 năm trước. Nó là vật chứng về một tinh thần quả cảm và ái quốc của những người lính đã tử thủ cùng cổ thành. Để rồi làm chàng thi sĩ trẻ Francis Scott Key xúc động mà viết nên bài thơ, về sau trở thành lời cho quốc ca Hoa Kỳ. Vâng! Mời bạn cùng tôi nghe lại âm xưa trên cổ thành Fort McHenry trong một chiều gió lộng bên bến cảng Baltimore tại tiểu bang Maryland, mà giở lại những trang sử Việt không kém hào hùng.



Tôi chẳng nhớ mình đã từng bắt gặp cột cờ cùng lá quốc kỳ Hoa Kỳ nào cao to và hùng dũng đến vậy. Hoặc cũng có thể bởi tôi đứng ngay dưới chân cột cờ nhìn lên nên có cảm giác như vậy. Nhưng nếu cột cờ của cổ thành Fort McHenry này có to lớn thì cũng chẳng là điều lạ. Bởi nơi đây chẳng thể không được nhắc đến như một trong những vùng địa sử chống ngoại xâm hào hùng nhất của nước Mỹ. Có lẽ vì vậy mà đã hơn 200 năm, cổ thành này vẫn còn được giữ gìn, trân trọng như mới hôm qua, trở thành một bảo tàng và di tích lịch sử, đưa biết bao người dân đến đây, đưa tay giở lại từng trang sử của cha ông mà khơi lại trong lòng một tinh thần ái quốc.


Cổ thành Fort McHenry


Ðó là một ngày giữa Tháng Chín của năm 1814, chàng luật sư trẻ Francis Scott Key cùng Ðại Tá John Skinner của Mỹ đi ra một chiến thuyền của quân Anh để đàm phán việc trao đổi tù binh mà chẳng ngờ quân Anh đang chuẩn bị kế hoạch chiếm cảng Baltimore. Sợ bị lộ về vị trí và hỏa lực của mình, quân Anh đã giữ các ông lại trên chiến thuyền. Và đêm đó, Francis trở thành người chứng kiến bất đắc dĩ việc hỏa pháo của quân Anh tấn công vào thành Fort McHenry, cửa ngõ bảo vệ bến cảng Baltimore. Ðây là một trong những trận chiến lưu danh trong Cuộc Chiến 1812 (War of 1812), được xem như là cuộc chiến giành độc lập thứ nhì của nước Mỹ.



Cổ thành Fort McHenry là tuyến phòng thủ cho hải cảng Baltimore quan trọng lúc bấy giờ mà quân Anh muốn đánh chiếm và phải vượt qua. Dưới sự chỉ huy của Trung tá George Brevet Armistead, quân Mỹ đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ thành dù cho các chiến thuyền Anh nã pháo tấn công liên tục trong 25 tiếng đồng hồ, ngăn không cho địch quân vượt qua tuyến phòng thủ để chiếm cảng Baltimore.


Diễn lại trận đánh


Ðến rạng sáng, xúc động khi thấy lá cờ sao vẫn ngạo nghễ tung bay phất phới trên thành Fort McHenry sau khi quân Anh phải rút quân vì hết đạn, Francis Scott Key lúc bấy giờ 35 tuổi, đã cảm hứng làm ngay bài thơ “The Defence of Fort McHenry”, sau đổi thành “The Star-Spangled Banner”, tức bài quốc ca Hoa Kỳ hiện nay. Lá cờ trong trận chiến tử thủ thành McHenry có 15 ngôi sao và 15 sọc lúc bấy giờ, vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn đến hôm nay. Những du khách từng ghé thăm bảo tàng viện Smithsonian tại Washington DC ắt có thể đã từng chiêm ngưỡng lá cờ này, được trưng bày trang trọng trong khu vực về lịch sử Hoa Kỳ. Và bản thảo viết tay bài thơ 312 chữ của Francis Scott Key cũng còn được lưu giữ tại bảo tàng viện lịch sử Baltimore. Nên bài thơ có những câu diễn đạt lại trận giao tranh rằng,

“And the rocket’s red glare, the bombs bursting in air,

Gave proof through the night that our flag was still there;

O say does that star-spangled banner yet wave,

O’er the land of the free and the home of the brave”

“Pháo đỏ rực trời, bom gầm trong tiếng gió,

Qua đêm dài, còn sừng sững ngọn cờ cao

Ôi ngạo nghễ, ánh sao cờ tung phất phới

Trên đất tự do và quê hương của quả cảm kiêu hùng”

(ĐYT)


Hoàng hôn trên cảng Baltimore


Tôi bước lên đồi cao nhìn ra dòng sông Baltimore, nhìn ra bến cảng yên bình, tấp nập tàu thuyền qua lại. Bến cảng trong cảnh hoàng hôn đang buông xuống thật đẹp. Rồi nhìn xuống trại binh bên dưới, nhìn lên lá cờ đang phất phới trong chiều gió lộng. Tôi đặt tay lên những khẩu thần công. Tưởng tượng những người lính nghĩa dũng ôm đạn bỏ vào những khẩu thần công bắn ra sông, quyết chẳng để quân Anh cập cảng, chiếm thành. Bao nhiêu người đã nằm xuống? Có sự tự do nào chẳng đánh đổi bằng xương máu của bao người? Ðể cảng Baltimore hay cả đất nước Hoa Kỳ được như ngày hôm nay.


Địa sử liệt oanh


Nó làm tôi chợt nghĩ về những danh tướng nước Nam của trang sử Việt. Một Trần Bình Trọng với “ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” khi sa vào tay giặc phương Bắc. Nhớ về những danh sĩ Võ Duy Ninh đã anh dũng tử thủ Gia Ðịnh thành, nhớ Tổng Ðốc Nguyễn Tri Phương, Tổng Trấn Hoàng Diệu đã tuẫn tiết theo thành Thăng Long sau khi chống đỡ dũng mãnh với quân Pháp. “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thật chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất... ” (di biểu Hoàng Diệu gởi vua Tự Ðức). Khí phách và gương tiền nhân chói lọi liệt oanh, truyền lại cho con cháu, để những cái chết hào hùng của những vị tướng trẻ như Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú còn mãi lưu danh. Những trang cảo thơm, sử Việt hào hùng thế kia lẽ nào lại quên? Chỉ dân tộc nào biết giữ gìn lịch sử, dân tộc đó còn ngẩng cao đầu và trường tồn. Há nhà thơ Thomas Cambell không từng viết rằng, “Dòng máu ái quốc là hạt giống của cây tự do”. Những kẻ bán nước cho ngoại bang phải cúi đầu hổ thẹn với anh linh những bậc tiền nhân đã đổ xương máu cho nước Việt bốn ngàn năm.


Tác giả trên thành cổ Fort McHenry


Chiều Baltimore gió lộng, tôi nghe văng vẳng bên tai khúc hát dõng dạc, kiêu hãnh của những người con Việt đang đồng lòng trước họa ngoại xâm hiện nay:

“Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian

Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên”

...

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại

Xương da thịt này cha ông ta miệt mài

Từng giờ qua

Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi

Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang

Còn Việt Nam

Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”

(Việt Nam quê hương ngạo nghễ – Nguyễn Đức Quang)

Đinh Yên Thảo
Dallas, 07/2018

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân