TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tuyệt tích bảo kiếm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tuyệt tích bảo kiếm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9782

Bài gửiGửi: Sat Jul 07, 2018 11:33 pm    Tiêu đề: Tuyệt tích bảo kiếm
Tác Giả: Sean Bảo

Tuyệt tích bảo kiếm


Có một huyền thoại về thanh bảo kiếm đã tuyệt tích giang hồ. Thanh kiếm có thật lừng danh kim cổ, không hư cấu huyền hoặc như Đồ Long Đao hay Ỷ Thiên Kiếm của Kim Dung. Đó là thanh kiếm Honjo Masamune. Thanh kiếm được làm ra từ Goro Nyudo Masamune, một vị sư người Nhật cuối thế kỷ 13, ông được xem như là tổ phụ của nghề rèn kiếm báu cho các Võ Sĩ Đạo.


Chân dung Masamune


Trước tiên hãy nghe kể giai thoại về thanh kiếm báu này trong cuộc thi giữa Masamune và người học trò đầy tài năng nhưng kiêu ngạo Muramasa. Sau nhiều năm theo học sư phụ, với tài trí và tuổi trẻ nhiệt huyết, người học trò nghĩ rằng đã học được hết bí kíp của thuật luyện kiếm và còn hơn hẳn sư phụ của mình.

Cuộc so tài xem ai làm ra thanh kiếm sắc bén và tuyệt hảo nhất xảy ra bên một dòng suối. Hai thanh kiếm được cắm xuống nước, lưỡi kiếm hướng về dòng chảy. Thanh kiếm của người đồ đệ có tên là Juuchi Yosamu (Thiên hàn dạ – Ngàn đêm lạnh) rất bén, nó lạnh lùng cắt đứt mọi thứ theo dòng chảy; từ ngọn lá, con cá đến ngay cả hạt bong bóng nhỏ nhoi trên mặt suối.

Trong khi mọi người trầm trồ thán phục và trở qua nhìn thanh kiếm Yawarakai-Te (Thanh thủ – Cánh tay mềm) của tổ sư Masamune, chỉ có lá bị đứt đôi, còn con cá và ngay cả bong bóng nước cũng dạt ra khi đi ngang qua lưỡi kiếm, như thể bị lưỡi kiếm thổi nhẹ qua. Người học trò đắc thắng và cười kiêu hãnh trong khi vị sư phụ mỉm cười thầm lặng. Ông rút kiếm từ lòng suối, lau khô và đút vào bao kiếm. Người đồ đệ nào biết rằng thanh kiếm của mình và của sư phụ đều là kiếm tốt đến mức hoàn hảo, nhưng lưỡi kiếm của người học trò chưa đạt hết thần ý của người cầm kiếm, kiếm phải hợp nhất với tâm. Thanh kiếm người học trò khát máu sát sanh, lạnh lùng tàn nhẫn cô độc như tên gọi Thiên Hàn Dạ, không phân biệt cái gì phải cắt, cái gì phải chém. Con cá và bọt nước trong dòng suối không cần phải chết. Trong khi đó thanh kiếm của sư phụ uyển chuyển mềm mại, nhưng không kém phần sắc bén. Kiếm đó dùng để tự vệ và làm nên chính nghĩa. Vung tay rút kiếm chỉ là sự chọn lựa cuối cùng. Ðó chính là câu chuyện mang màu thiền mà có thật về thanh kiếm báu truyền kỳ. Và câu chuyện đó làm tên tuổi của Masamune trở thành huyền thoại.


Tranh vẽ Masamune đang rèn kiếm


Nhiều thế kỷ trước đó, khi quân Mông Cổ liên tục chiến thắng quân Nhật với các trận giáp chiến. Mộc khiên và áo giáp chắc chắn của quân Mông đã làm các võ sĩ Nhật phải tìm cách rèn ra các thanh kiếm sắc bén và cứng cáp. Bằng kỹ thuật rèn kiếm công phu khi giập từ một thanh sắt vuông nung đỏ, sau đó qua ngàn lần giập mỏng, gấp lại và tiếp tục giập rồi nhúng nước lạnh, nung đỏ, để sau đó cho ra một lưỡi kiếm dài. Dáng cong cong lướt da xẻ thịt chặt xương như chặt chuối, chém sắt như chém bùn. Sống lưng kiếm dày cứng để chống đỡ và bảo vệ. Masamune đã đi đến chỗ tinh xảo tuyệt cùng khi rèn ra thanh kiếm độc nhất vô nhị. Bảo kiếm dần dà đến tay lãnh chúa khi ông ta chiến thắng trong cuộc chiến. Mặc dù thanh kiếm đó xẻ đôi mũ sắt của ông và lưỡi bị mẻ nhiều chỗ, ông đã chiến thắng và đoạt được thanh kiếm huyền thoại này. Kiếm được gọi là Honjo Masamune từ đấy. Sau đó lãnh chúa Honjo túng thiếu buộc phải bán thanh kiếm lại cho lãnh chúa Toyotomi với giá 13 đồng tiền vàng lớn. Dù qua nhiều lần lưu lạc chủ quyền nhưng thanh kiếm luôn tham gia chiến trận và được xem như một báu vật biểu tượng cho vương quyền. Kiếm được giữ gìn trọng vọng trong gia tộc Tokugawa từ năm 1868. Ðến năm 1939 khi quân phiệt Nhật trở thành hùng mạnh ở đầu thế chiến thì thanh kiếm được xem như bảo vật của quốc gia.


Nyudo Goro Masamune, người thợ rèn của Honjo Masamune


Với người Nhật mang tinh thần Võ sĩ đạo và Thần quyền thì thanh kiếm là biểu tượng quyền quý và vật bất ly thân cho kẻ sĩ. Thấy kiếm là thấy đẳng cấp pháp lệnh. Thấy kiếm là thấy uy quyền. Các sĩ quan nhỏ lớn đều được ban kiếm và tự hào mang bên mình. Ngay cả khi liều mình một đi không trở lại với các chiến đấu cơ kamikaze nhằm tự sát lao vào các hạm đội của Mỹ thì ảnh chụp các phi công Nhật luôn mang theo thanh kiếm oai phong. Mặc dù thực tế là không mang kiếm khi ngồi vào buồng lái. 6 ngày sau khi quân Mỹ thả 2 trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki nhằm kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh tàn khốc do quân Nhật gây ra ở Châu Á và Thái Bình Dương, thì Nhật Hoàng Hirohito mới chịu đầu hàng. Quân lệnh đầu tiên của tướng 5 sao anh hùng MacArthur là giải thể quân đội Nhật và lập tức giao nộp vũ khí cho quân Mỹ. Hàng trăm ngàn xe tăng và máy bay cùng súng ống của quân đội Nhật bị phá hủy, hàng triệu thanh gươm được giao nộp để nấu chảy hay được các quân sĩ Mỹ đem về quê nhà làm quà chiến lợi phẩm (theo lệnh mỗi người lính Mỹ được phép mang về một thanh gươm). Năm tháng ấy quân đội Mỹ không hề biết về giá trị to lớn của thanh bảo kiếm này.


Thanh kiếm trưng bày ở thư viện Tổng Thống Truman, ở Missouri.


Theo người Nhật thì Masamune đã rèn chừng 10 thanh bảo kiếm hiếm hoi. Một trong số thanh kiếm ấy được tướng Walter Krueger, chỉ huy quân đoàn 6 đóng ở Nhật trao tặng cho Tổng Thống Harry S. Truman ngày 4 tháng 3, 1946 ở Phòng Bầu Dục. Chuôi kiếm 750 tuổi này được dát vàng và khắc chữ sở hữu của Hoàng Gia Nhật trong thế kỷ 16. Bao kiếm màu đen tuyền chạm trổ tinh xảo quý phái. Một gia đình Samurai đã trao cho tướng Walter. Hiện thanh kiếm này được trưng bày ở Thư Viện Tổng Thống Truman tại Missouri.


Masamune sword in the city of Steyr. (CC BY-SA 3.0 AT)


Mặc dù lệnh tịch thu vũ khí được tuân thủ triệt để, ngay cả các thanh kiếm treo ở các án thờ gia tộc hay dùng cho chiến đấu. Tuy vậy các thanh bảo kiếm của Masamune dần bặt tăm vô tích hay được giấu kín. Cho đến tháng 12 năm 1945, Lemasa một quý tộc gia đình họ Tokugawa đã đem đến trạm cảnh sát Mejiro giao nộp một thanh bảo kiếm cùng 14 thanh kiếm khác. Người ta tin rằng thanh kiếm đó chính là thanh kiếm huyền thoại của Masamune. Thanh kiếm thiện, không nỡ làm chết con cá, không đành làm vỡ giọt bong bóng nước... Một người lính kỵ binh Mỹ thuộc quân đoàn 7 ký nhận mang thanh kiếm đi là hạ sĩ Coldy Bimore. Sau đó thanh bảo kiếm biến mất. Khi điều tra lại tông tích và hồ sơ của vị hạ sĩ quan thì quân đội Mỹ không tìm thấy tên Coldy Bimore. Người ta hoài nghi rằng tên đó được phát âm và người quản thủ làm cho quân đội đã ghi ký âm sai. Giả thuyết cho rằng thanh kiếm báu đã bị nung chảy khi giao nộp được cho là không thể có, vì thanh bảo kiếm rất đặc biệt với kiểu dáng chạm trổ nơi tay cầm, nơi má kiếm, cũng như các vết xước trên kiếm, vết khắc giấu ở trong chuôi kiếm... tất cả như một chữ ký đặc trưng của thanh bảo kiếm. Cộng thêm các hành vi trân quý và long trọng khi người Nhật giao nộp kiếm báu. Ðiều mà những người lính Mỹ nhận ra. Giả thuyết duy nhất còn lại là thanh kiếm được mang về Mỹ theo ba lô những người lính Mỹ.


Lemasa Tokugawa, chủ nhân cuối cùng của thanh bảo kiếm


Giá của thanh bảo kiếm mang nhiều dấu tích chiến trận vẻ vang Honjo Masamune này khó nói. Có thể nó trở thành vô giá khi người Nhật quý trọng và xem nó là tài sản, cổ vật của quốc gia. Người Nhật vẫn còn tin rằng thanh bảo kiếm này nằm ở đâu đó trong các rương hòm trên rầm thượng hay nhà kho của người cựu chiến binh Mỹ năm xưa.Thanh kiếm đó không chừng bị quên lãng theo thời gian. Bởi có nhiều kỷ niệm trong chiến tranh không mấy ai muốn nhắc nhở. Những kỷ niệm tang thương và chết chóc một thời. Những kỷ niệm mà triệu người Mỹ đã dấn thân hy sinh cho cuộc Ðệ nhị thế chiến kinh hoàng. Những kỷ niệm mà thế hệ trẻ ngày sau ít ai còn nhớ.

Nếu bạn có thói quen đi mua garage sale ở Mỹ vào ngày cuối tuần, nhớ xem có lạc loài đâu đó thanh kiếm cổ huyền thoại này. Biết đâu chừng!

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân