TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Vua của các loài cây
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Vua của các loài cây

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9782

Bài gửiGửi: Wed May 23, 2018 11:50 pm    Tiêu đề: Vua của các loài cây
Tác Giả: Sean Bảo

Vua của các loài cây

Cây sồi Thiên Thần ở Nam Carolina, Mỹ.
Cây gần 1,500 năm tuổi có chiều cao 20m.


Nếu ở Việt Nam cây tre, cây trúc tượng trưng cho người quân tử ngay thẳng lòng rỗng không; cây tùng, cây bách tượng trưng cho đấng trượng phu, hùng mạnh bền bỉ với giông bão gió sương. Thì ở Mỹ, đấng trượng phu ấy là cây sồi. Cây sồi – vua của loài cây.



Sồi có sức sống mãnh liệt, chịu đựng mọi thời tiết, dáng vóc hùng vĩ, nét đẹp mạnh mẽ, oai phong, tán lá dày và rộng, gốc trườn lên mặt đất, vỏ sù sì như thách đố với thời gian, cành nhánh vươn cao và vươn xa, cong queo mà không ngã, vững chãi qua bao giông bão gió lốc. Mỗi cây sồi đều khác nhau, như mỗi cá nhân trong xã hội. Ðứng riêng lẻ trông hiên ngang, mà mọc thành rừng thì hùng vĩ. Nhìn chúng như dáng người khổng lồ nhiều cánh tay dài cong, gồ ghề, khúc khuỷu. Nếu tỉa nhánh dưới thấp, dáng sồi càng cao đẹp, gọn gàng. Những ngôi nhà ở Texas thường có trồng 2 cây, nhìn vào trông như mỗi nhà là một chậu bonsai phóng lớn, cây bao trùm lên mái nhà rợp mát và tạo dáng thật đẹp.

Sồi sống thật lâu nên dù mặt đất đầy biến động dâu bể, chúng vẫn mãi chôn chân đứng vững. Khi chiến tranh tàn khốc hay bão tố đi qua, chúng mãi còn đó xanh tươi. Khi thế hệ này đến rồi đi, tình yêu nọ hợp rồi tan, thì sồi mãi còn được nhắc trong những câu chuyện cũ. Sồi đứng đó đã nghìn năm, xưa cũ như con trăng, xa lơ xa lắc, khi mẹ cha chưa chào đời...


Emancipation Oak, 600 năm ở Virginia


Ngày đó khi mảnh đất này còn hoang sơ, những người Tây Ban Nha đi khám phá vùng đất mới bằng những con thuyền gỗ sồi chắc chắn vượt đại dương, họ tụ lại dưới gốc sồi tán rộng nghỉ gót ngựa viễn chinh để tìm phương hướng. Ngày đó khi Kha Luân Bố tìm đến Tân Thế Giới đã choáng ngợp với rừng sồi dọc bờ sông cả Mississippi. Những cánh đồng thảo nguyên bao la miền Trung Mỹ lại nổi bật lên cao hình ảnh cây sồi. Những ngọn núi dài vô tận miền Ðông của dãy Appalachia và dãy Rocky Mountain ở miền Tây đâu đâu cũng có sồi. Sồi là nguồn tài nguyên dồi dào cho nước Mỹ. Nhà cửa, cầu đường, công nghiệp và đời sống dân Mỹ luôn gắn bó với cây sồi. Cây sồi đã chứng kiến bao lịch sử oai hùng của miền đất bao la này. Các vị cha già sáng lập nước Mỹ như George Washington, Thomas Jefferson đều là những người yêu cây và sành trồng trọt. Teddy Roosevelt là người có công thành lập các vườn bảo tồn quốc gia và các cánh rừng ở Mỹ. Ngay cả Franklin Delano Roosevelt (FDR) khi đi bầu, đã ghi trong lá phiếu nghề nghiệp của mình là “trồng cây”. Abraham Lincoln vượt qua sông Salt để về nhà Homer, Illinois nhờ dựa vào cây Ford Oak định hướng. Cây sồi luôn là địa điểm đánh dấu trên bản đồ thời hoang sơ. Andrew Jackson nghỉ chân dưới cây sồi Sunnybrook Oaks trước khi vào trận đánh ở New Orleans. Chiến hạm USS Constitution đầu tiên của Hải quân Mỹ dưới thời Washington lừng danh với tên gọi “Old Ironsides – Thiết hạm” làm bằng gỗ sồi chịu đựng được các quả cà nông của tàu chiến Ðế quốc Anh. Dưới bóng cây sồi già 600 năm tuổi tán rộng đến 40m ở Hampton, Virginia, năm 1863 những người da đen đã tụ lại để nghe bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ của Lincoln. Những lớp học đầu tiên cho người da đen dưới tán cây sồi nổi tiếng này. Và ngày nay cây còn xanh tươi trong khuôn viên trường Ðại Học Hampton.


Nhà trên cây sồi


Rộng bao la và khí hậu ấm áp nên Texas có nhiều sồi. Ðó là loại sồi trắng (Live Oak), chúng hầu như xanh lá quanh năm. Chỉ mùa đông rét rụng lá, cành xương tỏa lên trời cao, thô mộc mà cứng rắn, như những nét chì đen góc cạnh trên nền vải bố của mùa đời nghiệt ngã. Rồi thay lá non xanh vào xuân, ra phấn nâu, thành hạt sồi rớt đầy sân vườn, quyến rũ những con sóc láu lỉnh và ríu rít tiếng chim ca. Do chúng không quá cao, lại chịu hạn, chịu rét nên sồi phù hợp để trồng trong thành phố và khu dân cư.


Cầu nguyện cho cây Sồi Hiệp Ước Austin


Texas có nhiều cây sồi huyền thoại đầy kỳ tích. Cao tuổi nhất phải kể đến cây sồi ở Goose Island gần biển Rockport, cao 13m, thân gốc hơn 10m, tán rộng đến gần 30m và tuổi ước chừng ngàn năm. Nhưng cư dân Texas tự hào nhất khi nói về cây sồi ở thủ đô Austin, gọi là Cây Sồi Hiệp Ước. Nằm ở Downtown gần đường số 7 và 6, cây sồi là chứng tích cho hiệp ước giữa bộ tộc da đỏ Tonkawa, Comanche và nhóm di dân tiên phong của Stephen F. Austin đến hình thành nên nước cộng hòa Texas.

Truyền thuyết kể rằng những phụ nữ da đỏ đã dùng trái sồi nấu nước cho các chiến binh da đỏ uống trước khi lên đường và mong trở về bình an. Các cuộc hội họp bàn thảo và hội hè của cộng đồng non trẻ xảy ra dưới tán cây này. Cây thuộc vùng đất tư nhân và chủ nhân đã lắm lần muốn chặt đốn để xây nhà. Sau cùng thành phố Austin đã bỏ tiền mua cây sồi này với giá 1,000 đô vào năm 1927. Năm 1989 cây bỗng héo úa, lá bệnh và cỏ xung quanh gốc cây bị chết. Người ta điều tra và biết là cây bị bỏ thuốc độc bằng thuốc diệt cỏ Velpar. Dân tụ quanh gốc cây, ôm gốc cây cầu nguyện và một phần thưởng 10 ngàn đô từ công ty DuPont (sản xuất thuốc Velpar) cho việc điều tra thủ phạm. Dần dà cảnh sát bắt được Paul Cullen, Paul thú nhận bỏ thuốc giết cây để yếm bùa người tình đã phụ bỏ anh theo lời khuyên của một thầy bói. Paul bị giam 9 năm tù. Trong khi đó mọi người tìm cách cứu cây sồi trong vô vọng. Thuốc trung hòa đổ vào đất, tiêm vào cây, thay đất mới, lắp hệ thống phun sương cho cành lá, hàng buổi thắp nến cầu nguyện, cây được quấn ribon vàng, trẻ em viết hàng trăm lá thư chúc cây lành bệnh, ngay cả các tâm linh gia cũng được mời để phù phép và đuổi đi tà khí, chất độc trong gốc rễ... Cây đứng lặng yên, trơ thân, không cành lá. Các nhà thực vật học cho rằng vô vọng. Ấy vậy mà năm 1997, cây lại ra lá, ra hoa trái và sống sót, dù phải cắt bỏ 2/3 nhánh cành. Các thân cây cắt bỏ này được cắt nhỏ, bán làm vật kỷ niệm. Các cây con từ cây sồi này được bán đấu giá gây quỹ và gieo trồng trong đó có một cây được trồng tại Tòa Ðô Chính thành phố hiện nay.



Trên con dấu của Texas khi lập nước Cộng Hòa từ năm 1839 đã có nhành sồi tượng trưng cho sức mạnh, nhành ô liu tượng trưng cho hòa bình. Ðến năm 2004 thì quốc hội mới chọn cây sồi là Cây Quốc Gia của Mỹ. Sồi được xứng đáng là vua của các loại cây. Gỗ sồi chắc chắn, sớ gỗ đẹp dùng cho lót sàn nhà và đồ đạc gia đình, làm tàu bè và đường hỏa xa... Gỗ sồi dùng làm thùng chứa rượu, làm nút chai, làm thuốc nhuộm, thuộc da... Hạt sồi là món ăn khoái khẩu của các chú sóc. Gốc sồi là điểm hẹn của tình nhân. Cành sồi là võng đu lý tưởng của tuổi thơ.


Tổng thống Macron và Trump trồng cây sồi, quà tặng của nước Pháp, 23 tháng 4, 2018. Tòa Bạch Ốc.


Tháng 4 vừa qua Tổng thống Macron của Pháp, khi đến thăm Tổng thống Trump cũng đã tặng Tòa Bạch Ốc một cây sồi nhỏ. Cây sồi đó đặc biệt vì đến từ Belleau Wood, đông bắc nước Pháp, nơi cánh rừng sồi này, năm 1918 đã thấm máu của hơn 8 ngàn lính Mỹ tham gia cuộc Thế chiến I bảo vệ nền độc lập cho Pháp. Và 1,800 G.I. đã bỏ xác nơi vùng đất xa xôi ngập lá sồi này. Macron cũng biết Trump yêu thích cuốn Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh.



Sồi già hơn cây đa đầu làng quê cũ, đã chứng kiến bao cuộc chiến tang thương, bao lần đất nước đổi chủ. Cây đa xưa mang đầy hồn ma bóng quế, đẫm chuyện cổ tích thần thoại, gốc có cái miếu nhỏ và cái am con cắm đầy chân hương. Cây cối luôn là chốn kỷ niệm mang ký tích cảo thơm để hoài niệm trở về ôm ấp. Những con đường sồi rợp bóng nơi này làm mát tâm hồn như những con đường phượng đỏ, đường lá me bay, đường có cánh dầu xoay... Những con đường làm mát hồn viễn xứ mây bay.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân