TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cái lợi của viết nhật ký
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cái lợi của viết nhật ký

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Fri Apr 13, 2018 11:54 pm    Tiêu đề: Cái lợi của viết nhật ký
Tác Giả: Huy Lâm

Cái lợi của viết nhật ký


Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy những ai siêng năng viết nhật ký thì thường có sức khỏe tốt hơn là những người không viết nhật ký. Cho dù là viết bằng hình thức nào: trên giấy, trên máy vi tính cá nhân hay chia sẻ trên những trang mạng xã hội – cũng đều có một kết quả chung là mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài.

Tuy lợi ích của việc viết nhật ký là có thật như khoa học đã chứng minh nhưng phần đông chúng ta không làm, hay đã từng có thử nhưng sau đó bỏ cuộc. Thậm chí có người đã cố gắng thử đi thử lại vài lần và rồi cũng lại bỏ cuộc.

Lý do là vì nhiều người trong chúng ta không có thì giờ để bình tâm ngồi xuống 10 hay 30 phút viết cho xong một đoạn ngắn vào nhật ký của mình. Có người là do công việc bận rộn, hoặc là vì bài vở ở trường lớp lấy mất quá nhiều thì giờ. Nhưng có lẽ lý do chính mà nhiều người không viết nhật ký là vì họ có những sở thích khác.

Và đôi khi, lý do có thể rất đơn giản là vì người ta không thích viết nhật ký. Có người cảm thấy nếu chỉ viết về những công việc ở sở làm hay những sinh hoạt ở trường học là những chuyện quá nhàm chán nên thôi không viết. Nhiều người cho rằng cuộc sống của họ tầm thường quá, ngày nào cũng như ngày nào thì có gì đáng viết, thế nhưng thật ra cuộc đời của mỗi người đều có những câu chuyện đặc biệt mà họ chưa nhận ra đấy thôi.

Người Tây phương xem việc viết nhật ký như là một sinh hoạt lành mạnh, tao nhã, cố gắng ghi lại những gì xảy ra trong ngày để sau này nếu chẳng may không nhớ thì vẫn có thể giở lại những trang sách cũ coi lại. Nghe nói nhật ký của văn hào Lev Tolstoy còn ghi chép tỉ mỉ cả những số tiền chi tiêu trong ngày. Tuy nhiên, số người Tây phương viết nhật ký chắc không nhiều. Mà người Đông phương lại còn hiếm người viết nhật ký hơn nữa, phải chăng là vì người Đông phương cố tránh không muốn nói tới cái tôi. Xưa kia, các vị vua chúa đã có sẵn các quan ngự sử lo ghi chép những công việc làm của vua để sau này đưa vào sử sách, và việc ghi chép đó cũng có thể coi như một hình thức nhật ký, ngoài ra thì chắc chẳng mấy ai chịu ghi chép nhật ký.


Ông cụ Charley Kempthorne dậy sớm vào mỗi buổi sáng, rồi mở máy vi tính và bắt đầu viết nhật ký. (Hình: Jordan Stead)


Thời xưa đã hiếm người viết nhật ký như thế thì thời nay, với công việc tất bật mỗi ngày, thử hỏi còn được mấy người chịu ngồi xuống để viết nhật ký. Tuy nói thì nói vậy nhưng ở đời vẫn luôn có những trường hợp ngoại lệ. Như câu chuyện của ông Charley Kempthorne. Ông không chỉ là một trong số người viết nhật ký hiếm hoi mà còn viết rất siêng năng mỗi ngày kể từ năm 1964 đến nay. Ông thức dậy sớm vào mỗi buổi sáng, pha một ly cà phê đen, rồi mở máy vi tính và bắt đầu viết nhật ký. Thời gian gần đây, ông viết từ 1000 đến 3000 chữ đều đặn mỗi ngày. Tính ra, nhật ký của ông đến nay dài khoảng 10 triệu chữ – một con số đáng nể mà có lẽ xưa nay ít ai bắt kịp.

Trong nhật ký đó là những câu chuyện kể về quá khứ và những câu chuyện nói đến lòng tin tôn giáo của ông. Ông phàn nàn về một vài vị thầy dạy học cũ, nhắc lại những thất bại trong đời, và dành những lời ngưỡng mộ nhất để nói về những người thân trong gia đình.

Mỗi tháng, ông cho in ra giấy những gì ông viết trong nhật ký trong 30 ngày qua, đóng lại thành tập và đem cất lên kệ. Đến nay, bộ nhật ký cá nhân đồ sộ của ông chiếm trọn diện tích của kệ sách dài tới 5 mét, và chưa một ai, kể cả bà vợ, được đọc một trang nào.

Ông cụ Kempthorne, năm nay đã 78 tuổi, có nghe phong phanh rằng người thời nay không viết nhật ký nhưng đưa những câu chuyện cá nhân của họ lên trên mạng xã hội chia sẻ với người khác. Chính ông gần đây cũng lâu lâu lại đưa một vài đoạn nhật ký của mình lên trên trang Facebook. Tuy nhiên, theo ông, cách chia sẻ nhật ký trên mạng xã hội rất khác với lối viết nhật ký truyền thống vì tâm lý chung là khi viết nhật ký để cho cả thế giới cùng đọc người ta thường có khuynh hướng chọn chữ chọn từ cẩn thận, rồi sau đó lại còn lo lắng bị người khác đánh giá về những điều mình viết hay những điều viết ra có thể gây đụng chạm làm buồn lòng người khác.

Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, bỏ ra 15 hay 20 phút mỗi ngày để tự do viết về những cảm xúc, những điều thầm kín hay những nỗi khó khăn người ta phải trải qua trong cuộc sống có thể là những liều thuốc chữa bệnh rất công hiệu. Giáo sư môn tâm lý James Pennebaker thuộc Đại học Texas cho biết khi người ta viết về kinh nghiệm bản thân qua những chấn thương tâm lý dù chỉ để cho chính họ đọc, người viết sẽ cảm thấy những căng thẳng nội tâm thuyên giảm đi rất nhiều thậm chí chỉ sau ít ngày.


Cũng có lúc cụ Kempthorne viết nhật ký bằng bút máy


Ông cụ Kempthorne bắt đầu viết nhật ký vào ngày 24 Tháng 2 năm 1964. Lúc đó ông mới 26 tuổi, vừa ly dị vợ và phải nuôi hai con nhỏ, đồng thời còn đang chuẩn bị lấy bằng cử nhân Anh văn sau khi bỏ dở một thời gian để đăng vào hải quân. Từ lâu ông mơ ước có thể viết được một bộ tiểu thuyết nhưng lượng thấy không đủ sức. Ông quay qua viết nhật ký, và theo ông, công việc này có lẽ cũng đủ để người ta gọi ông là một người viết mà lại không phải lo lắng người khác có thể đọc được hay một ngày nào đó phải hoàn tất tác phẩm.

Thường thì trước khi ngồi vào bàn viết ông không biết sẽ viết gì cho đến khi mở cuốn nhật ký trong máy vi tính ra. Có ngày ông viết về chuyện vừa ghé vào một tiệm Goodwill bán đồ cũ gần nhà. Ngày khác ông nhớ lại lần đánh lộn với thằng bạn cùng xóm lúc nhỏ chỉ vì hai đứa cãi nhau xem bố của đứa nào giỏi hơn. Trong máy vi tính hay trong cuốn sổ tay của ông còn có cả một danh sách những việc từng xảy ra trong quá khứ mà ông ghi lại ngắn gọn để sau này có lúc nào đó có thể ông sẽ viết về những chuyện ấy,

Một khi ông viết được vài câu rồi thì ông bắt đầu nhớ lại những việc, người, những mẩu đối thoại giúp ông viết xuống thành một câu chuyện phong phú. Nó nhắc ông về nông trại cũ khi còn ở Kansas, ở đó là cánh đồng đầy những đá, để có thể cày bừa được thì cần phải nhặt cho sạch trước đã. Ông kể ông nhặt lên một hòn đá và ngay sau đó tìm thấy hòn thứ hai và cứ thế tiếp tục. Giống y như cách ông viết về cuộc đời ông vậy, nhặt nhạnh chỗ này một chút, chỗ kia một chút để đan thành câu chuyện.

Ông thích dùng máy vi tính hơn là viết tay vì đánh máy nhanh hơn là viết. Mà lạ một điều là ông càng viết nhanh thì lại càng viết hay hơn. Nhưng ông cũng công nhận ông không phải là nhà văn, ông chỉ viết xuống những gì ông nghĩ trong đầu. Có năm, ông đã cố thử viết một triệu chữ – tính ra là 2,750 chữ mỗi ngày – nhưng rồi phải bỏ cuộc vào cuối Tháng 4. Năm 2013 được cho là năm viết khá nhất thì cũng ông đã viết được 586,415 chữ.

Nếu như đang ở chỗ nào mà không dùng được máy vi tính thì ông lôi cuốn sổ tay ra và viết bằng cây bút máy ông vẫn thường dắt trên túi áo. Còn như đi chơi và phải lái xe vào sáng sớm thì đến giờ viết ông cũng tạt vào một chỗ nghỉ chân nào đó và viết luôn ở đó chứ không thắc mắc gì cả. Sự cần mẫn của ông đáng cho chúng ta khâm phục.


cụ Kempthorne không buồn sửa lại hay xem qua những gì ông viết, vì theo như ông nói, ông muốn giữ sự trung thực.


Và khi viết xong ông cũng không buồn sửa lại hay xem qua những gì ông viết, vì theo như ông nói, ông muốn giữ sự trung thực. Tuy nhiên, trước khi qua đời, ông cụ cho biết là sẽ duyệt lại tất cả và xoá đi những gì ông cho là nhàm chán, mang tính riêng tư hoặc có thể làm phiền người khác, nếu trong trường hợp có ai trong gia đình muốn đọc. Ông cũng gom góp lại những trang nhật ký ông viết về sáu người con của ông và để lại cho họ. Nhưng ngay vào lúc này, vì nhật ký vẫn còn là của riêng ông nên ông vẫn được tha hồ tự do viết cái mà ông muốn viết.

Một điểm lợi khác về viết nhật ký là khi đã viết trong một thời gian khá dài rồi thì nó cho người viết có cơ hội để xem lại những sự việc xảy ra và những nhân vật đã từng hiện diện trong đời sống của họ và từ đó có thể họ có cái nhìn khác hơn. Như lời ông cụ Kempthorne kể lại, lúc còn trẻ, khi viết về người cha của ông, là một bác sĩ tai mũi họng khá thành công ở một thị trấn nhỏ, đã được ông mô tả như một con người lạnh lùng, hà tiện lời khen và chỉ ham kiếm tiền. Cha ông mất khi ông mới 45 tuổi.

Đến khi ông lớn tuổi hơn, việc viết nhật ký mỗi ngày đã cho phép ông tập trung chăm chú hơn về những kỷ niệm còn nằm trong trí nhớ và thấy rõ hơn ý nghĩa của chúng. Một trong những kỷ niệm đã được ông kể lại.

Đó là khoảng thập niên 1970, sau khi ông dọn về sống ở trang trại của gia đình, một hôm cha mẹ ông sang thăm và ở lại ăn tối. Sau bữa ăn, cha ông theo ông xuống xưởng làm việc ở phía sau nhà và xem ông đóng chiếc kệ đựng sách. Cha ông, một bác sỹ có thể làm phẫu thuật tài tình trên đôi mắt bị hư của nạn nhân, đã phải tấm tắc khen ngợi sự khéo tay của ông. Ông nhắc lại nguyên văn lời cha ông nói, “Bố mà cầm cái búa lên thì không biết phải làm gì.”

Và ông bỗng nhận ra rằng có thể lâu nay cha ông vẫn thường hay khen ông đấy, nhưng có thể ông đã không nghe thấy, hay không chịu nghe thấy. Phải mất một thời gian khá lâu ông mới hiểu được cha mình. Nhờ viết nhật ký mà ông cảm nhận ra điều tốt đẹp ấy.



Viết nhật ký không những giúp chúng ta có sức khỏe tốt mà còn giúp ta nhìn ra sự việc sáng suốt và nhân bản hơn. Vậy thì tại sao chúng ta còn chần chừ mà không cầm bút lên hay mở máy vi tính ra và bắt đầu viết nhật ký ngay đi.

Huy Lâm

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân