TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Phụng Sơn Tự
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Phụng Sơn Tự

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Tue Apr 10, 2018 11:45 pm    Tiêu đề: Phụng Sơn Tự
Tác Giả: Trang Nguyên

Phụng Sơn Tự

Ngôi chính điện Chùa Phụng Sơn nay được trùng tu.


Phụng Sơn Tự còn gọi là Chùa Gò do chùa toạ lạc trên một gò cao. Còn tên Phụng Sơn lại do một truyền thuyết kể rằng: Vào đầu thời Gia Long (1802-1820), trên đường vân du vào phủ Gia Định, Thiền sư Liễu Thông trông thấy cảnh trí nơi này thanh tịnh, thích hợp cho việc tu hành, nên dựng một am tranh tại đây. Một hôm, có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng trước am cất tiếng gáy, Thiền sư cho đó là điềm lành, nên đặt tên chùa là Phụng Sơn Tự, có nghĩa chùa trên núi có chim phụng.

Thật ra vùng đất ở gần cuối đường thiên lý về miền Tây, chính xác là vùng bùng binh Cây Gõ giáp ranh quận 6 và quận 11 ngày nay, nguyên là vùng đất gò cao, dưới chân gò, khắp nơi có nhiều rạch nước. Người Khmer và người Hoa sinh sống buôn bán quanh đây. Do thế đất cao, phong cảnh hữu tình nên Thiền sư Liễu Thông thi vị hóa đất gò thành sơn cảnh. Sau này, đến đời sư Huệ Minh trụ trì (1909), Ngài có mang một cây mai trắng trồng trong khuôn viên chùa. Cây mai này, theo sách xưa ghi nhận có xuất xứ từ Chùa Cây Mai và trong chùa Phụng Sơn còn thờ bài vị những thiền sư của Chùa Cây Mai, nên không ít người lớn tuổi ở Sài Gòn ngộ nhận Phụng Sơn Tự là Chùa Cây Mai ngày xưa.

Ông bạn lớn tuổi của tôi, ngày xưa sống ở làng Phú Thọ Hòa, đi du học sang Mỹ trước 1975, khẳng định: “Chùa Cây Mai hay Chùa Gò còn gọi là Phụng Sơn Tự toạ lạc ở cuối đường Trần Quốc Toản (nay là 3 Tháng 2) nhìn xéo ra phía bên kia là bùng binh Cây Gõ. Hồi còn nhỏ tôi vẫn thường ghé chùa, ra phía hậu liêu ngồi học bài. Nơi đây yên tĩnh, vào mùa xuân thì cây bạch mai nở hoa, hoa mai trắng trong, hương thơm lãng đãng. Thỉnh thoảng vào những ngày rằm, hay ngày cúng huý kỵ, Phật tử mới ghé thăm chứ ngày thường chùa vắng bóng người. Trong sân chùa có ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà. Gần nửa thế kỷ rồi, tôi chưa về thăm lại chốn xưa, không biết giờ đây quang cảnh đổi thay thế nào”.


Cổng chùa Phụng Sơn bên trong. Đến năm 1963 chùa cho xây thêm một cổng chính bên ngoài.


Chừng ấy thời gian, biển còn hóa nương dâu, huống hồ chi một vùng đất đô thành Sài Gòn. Mọi thứ đều thay đổi. Duy chỉ Ông Tà trong khuôn viên chùa vẫn còn ở đó trơ gan cùng tuế nguyệt. Ông Tà là ai sao lại xuất hiện trong chùa? Nguyên Chùa Phụng Sơn toạ lạc trên nền đất của một ngôi chùa Khmer. Ông Tà chẳng qua là ông thần Thổ Ðịa của người Khmer do người Việt mình gọi thành “Tà” cho dễ nhớ. Ông Thổ Ðịa Khmer tên gọi Neak Ta. Theo tín ngưỡng dân gian, người Khmer thờ nhiều vị thần tuỳ theo vùng đất mình ở. Chẳng hạn, người sống vùng sông nước thì thờ thần sông (Neak Ta Prek), người ở vùng rừng thì thờ thần rừng (Neak Ta Prey), thần núi (Neak Ta Phnom). Ông thần đất của người Khmer xem ra gần gũi với người Việt mình, nên khi vùng đất mới lập chùa, các nhà sư đã giữ lại Ông Tà theo quan niệm “sống ở đâu, thổ công ở đó”.

Chuyện ông bạn già, sống gần chùa từ bao nhiêu năm còn ngộ nhận Chùa Phụng Sơn là Chùa Cây Mai. Nguyên do hầu như nhiều người nhắc tới do chùa có cây bạch mai lại toạ lạc trên gò cao. Chùa Cây Mai cũng toạ lạc trên gò cao nhưng có đến 7 gốc bạch mai cổ thụ và vị trí khá gần Chùa Phụng Sơn. Theo bản đồ xưa do Trịnh Hoài Ðức ghi nhận, Chùa Cây Mai áng chừng nằm cuối đường Hồng Bàng ngày nay thuộc quận 6. Xét ra vị trí hai chùa không xa là bao.


Chùa Cây Mai lúc quân Pháp chiếm đóng chưa phá hủy.


Sách “Gia Ðịnh thành thông chí” có ghi: “Gò Cây Mai cách phía Nam trấn (Phiên An) 30.5 dặm. Ở đây gò đất nổi cao có nhiều Nam mai, nhành cỗi rườm rà, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá hộ vệ mùi thơm mà thôi. Thứ hoa này bẩm linh khí sinh ra, không đem trồng ở nơi khác được. Trên có ngôi chùa An Tôn (Chùa Cây Mai), đêm đọc Bối kinh (kinh Phật chép trên lá bối), chuông mai trống chiều vang rền trong mây khói, mường tượng như thế giới nhà Phật ở Ấn Ðộ. Lại có suối trong chảy quanh chân gò, các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen. Gặp những giai tiết thì văn nhân thi sĩ mang bầu rượu, theo từng bậc cấp leo lên, ngâm vịnh tại nơi đầu gò, dưới gốc mai hoa cùng văn tự nồng nức mùi hương. Thật là một thắng cảnh cho người du lãm”.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Ðịnh, nhưng không dám đóng quân trong thành, bèn triệt phá rồi rút xuống đóng tại đồn Hữu Bình. Thỉnh thoảng quân Pháp ở Ðồn Hữu Bình bị nghĩa quân ta ban đêm đột kích đánh phá, nên người Pháp bèn lập phòng tuyến trên bộ từ chùa Khải Tường qua chùa Kim Chương, từ chùa Kiểng Phước xuống đến chùa Cây Mai, gọi là phòng tuyến các chùa, nhằm ngăn cản quân ta đột kích. Pháp đã biến các chùa thành các trại quân, trong đó có chùa Cây Mai. Các tượng Phật và tự khí đều bị phá hủy. Cây cối xung quanh chùa bị chặt phá, tạo thành vùng đất trống để dễ tuần phòng.


Gian chính điện Chùa Phụng Sơn.


Tiếc thay một kiểng chùa đẹp bị tàn phá. Và sau khi chiếm được Gia Ðịnh, Pháp tiến hành ngay chỉnh trang giao thông để tiện bề di chuyển. Người Pháp cho san bằng các gò cao lấy đất lấp các con rạch làm đường sá, công sở. Nay dấu tích gò Cây Mai không còn nữa nhưng dẫu sao, người Sài Gòn nếu như có ngộ nhận Chùa Cây Mai là Chùa Phụng Sơn cũng là vì hình ảnh đẹp của vùng đất Chùa Cây Mai đã ăn sâu vào tâm thức qua những câu chuyện về chùa của nhiều thế hệ.

Trở lại Phụng Sơn Tự hay Chùa Gò nằm trên một địa thế cao ráo dưới tàn bóng những cây sao cổ thụ mang vẻ u nhã. Tuy nhiên, nền đất chung quanh chùa bị bồi đắp từ thời Pháp đã xóa đi dấu tích vùng gò cao của người Khmer cư trú. Còn chăng, những di chỉ khai quật (trong khuôn viên chùa) tìm kiếm chứng tích còn lại của ngôi chùa Bà La Môn của người Phù Nam. Tại sân chùa còn những viên gạch to và dày thuộc nền văn hóa Óc Eo, một tượng Phật bằng đồng hiện đặt tại nhà thờ tổ hay tượng Ông Tà thờ trong ngôi miếu nhỏ đã nói ở trên. Một sự giao lưu tín ngưỡng không chỉ ở vùng đất Sài Gòn mà còn lan rộng ra đến các vùng miền Tây Nam bộ.

Bên cạnh đó, Chùa Phụng Sơn còn in đậm nét với sự có mặt của tín ngưỡng dân gian bằng tượng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu (tục gọi Bà Ðênh hay Bà Ðen), một trong những vị nữ thần được tôn kính và thờ tự phổ biến ở miền Nam. Có nhiều truyền thuyết về Bà Ðen nhưng nói chung nhiều người tin rằng Bà rất hiển linh nên lấy tên Bà đặt tên cho một trái núi ở Tây Ninh, người dân xa gần khi gặp hoạn nạn đều tìm đến cầu Bà.


Tháp mộ của các Hoà thượng trụ trì Chùa Phụng Sơn.


Cách bài trí thờ phụng trong chùa theo quy cách giống như các ngôi chùa cổ ở Nam bộ. Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Ðéc, do Hòa thượng Huệ Minh mời đến chùa để tạo tác vào những năm đầu thế kỷ 20. Bộ tượng Di Ðà Tam Tôn với Phật Di Ðà, Quan Thế Âm Bồ tát, Ðại Thế Chí Bồ tát là ba pho tượng được đặt cao nhất trong chánh điện. Ngoài ra tại bàn Tam Bảo, chùa cũng đặt thờ bộ tượng năm vị trong tư thế tượng kỳ thú. Phật và Bồ-tát đều có cầm bửu bối trong tay, còn tay kia trong tư thế bắt ấn, thể hiện công đức của Phật đang hoằng độ chúng sinh. Ðặc biệt là pho tượng Phật bằng đá trắng được dát bằng 200 miếng vàng lá được tìm thấy trong khi tiến hành đào kinh Cây Gõ gần đó vào năm 1911.

Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ “quốc” dài trên 40 m, rộng gần 20 m, có hàng hiên chạy quanh bốn phía. Bên trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng. Hai bên sân lộ thiên có đông lang và tây lang nối liền hai nơi, nhờ có khoảng sân này nên chùa được thoáng mát, quang đãng.

Là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu lại đậm nét về địa thế, kiến trúc, nghệ thuật tạc tượng, cách bài trí và thờ cúng... chùa Phụng Sơn đã góp phần mang lại một giá trị văn hóa – nghệ thuật phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo tại Nam Bộ. Chùa được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân