TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chùa Giác Lâm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chùa Giác Lâm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Fri Mar 16, 2018 11:33 pm    Tiêu đề: Chùa Giác Lâm
Tác Giả: Trang Nguyên

Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm, phần ngoài chính điện.


Trong sách “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức viết rằng: “Chùa ở trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây Lũy Bán Bích 3 dặm. Gò này như đống vàng nổi lên giữa vùng đồng bằng trăm dặm, hình tựa bình phong, đội nón, mở trướng, trải thảm, rộng chừng ba dặm. Cây to thành rừng, hoa núi như gấm, sớm chiều mây khói bốc lên nhiễu quanh, chùa tuy nhỏ nhưng cảnh thú vị”.

Ngôi chùa tọa lạc dưới vòm cây cao bóng mát, khung cảnh thanh tịnh, diễn tả qua hai câu thơ: “Sơn trung tức phiền não / Lâm hạ xuất già lam” (Trong núi dứt hẳn phiền não / Bên rừng xuất hiện già lam).

Cách nay nhiều năm, tôi có dịp vài lần đến Chùa Giác Lâm trên đường Lạc Long Quân, Q. Tân Bình và Chùa Giác Viên gần đấy trong một con hẻm thuộc quận 11 (xưa thuộc Phú Thọ Hoà) để tìm hiểu, biên khảo về nghệ thuật kiến trúc gỗ đã xây cất chùa cách nay gần 300 năm. Chùa Giác Viên, tôi viết riêng một bài khác. Trong khuôn khổ những ngôi chùa cổ nhất trên đất Gia Ðịnh, tôi xin giới thiệu Chùa Giác Lâm qua cách ghi nhận của riêng mình.

Chùa được thành lập năm 1744 do một cư sĩ tên Lý Thụy Long kêu gọi đồng hương, Phật tử góp tiền dựng nên. Lý Thụy Long là một người Quảng Ðông mà người Việt mình gọi là người Minh Hương, di dân đến Gia Ðịnh sinh sống và lập chùa để có nơi thờ cúng cho người dân sở tại. Chùa được dựng trên một gò đất cao, khi xưa gọi là Sơn Can, nhưng người địa phương vẫn gọi theo tên làng Cẩm Ðệm. Do đó khi nói đến Chùa Giác Lâm, Sơn Can hay Cẩm Ðệm chỉ là tên chung của một ngôi chùa. Nơi dùng chứa gỗ và các vật liệu xây chùa Giác Lâm, sau đó cũng trở thành chùa, đó là chùa Giác Viên.



Sở dĩ chùa có tên gọi Cẩm Ðệm là do khi xưa cư sĩ Lý Thuỵ Long khi đến vùng Phú Thọ Hoà sinh sống bằng nghề đan đệm, rồi phát triển nghề này trong vùng, nên dân địa phương gọi ông là ông Cẩm Ðệm (hiện nay vẫn còn tên con đường gọi là Gò Cẩm Ðệm ở P. 10 Q. Tân Bình). Thật ra, đến năm 1772, Hòa thượng Viên Quang đến Chùa Cẩm Ðệm trụ trì, từ đó mới đổi tên là Chùa Giác Lâm, chứ trước đó Chùa Cẩm Ðệm hay Sơn Can tự, chỉ như một cái am, xa dân cư. Nhưng do phong cảnh thanh vắng, cây cối um tùm, thích hợp làm nơi tu hành. Ngày nay, tuy đã đô thị hoá, nhưng cảnh chùa vẫn còn nét thanh tịnh bởi những cây cao bao quanh từ ngoài cổng Tam quan cho đến hậu liêu.

Ðầu tiên khi bước vào Chùa Giác Lâm, du khách đi qua cổng Tam quan. Cổng Tam quan tuy mới dựng lại sau này nhưng đường nét đơn giản dễ gây thiện cảm cho khách thập phương, chung quanh là những hàng cây cao bóng mát, khung cảnh thanh tịnh lạ thường. Trên cổng Tam quan có hai câu đối: “GIÁC ngộ quảng khai từ thiện đồng lai quy hướng TỔ / LÂM tuyền phổ nhuận ngộ mê cộng hưởng tuệ vi ÐÌNH” (GIÁC ngộ thênh thang đón khách thiện từ về hướng TỔ / LÂM tuyền tĩnh tịch đưa người mê ngộ tới vi ÐÌNH) – (Tín Phủ dịch).

Cảnh chùa hiện nay còn giữ được nguyên trạng là do chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Dưới thời Thiền sư Viên Quang trụ trì, trùng tu lần thứ nhất. Ðây là một cuộc đại trùng tu kéo dài 6 năm (1798-1804). Trùng tu lần thứ hai năm 1908 và làm thêm những công trình phụ năm 1909 do Thiền sư Như Lợi, Như Phòng, Hoằng Nghĩa. Ðến năm 1939-1945, xây thêm vòng tường rào và năm 1955, xây tam quan. Ðặc biệt 1953 khánh thành Bảo tháp Xá Lợi do Ngài Narada ở Srilanka dùng công quỹ xây tặng cho chùa. Ngày khánh thành có mặt Ngài Narada và Tăng, Ni, Phật tử khắp nơi đến cúng viếng rất đông. Ngài Narada đã cùng Hòa thượng Hồng Từ và Sư Bửu Chơn đích thân trồng cây bồ đề tại đây vào ngày 18-6-1953.


Khu tháp mộ cổ.


Sau tam quan cũ là miếu Linh Sơn Thánh mẫu, tục gọi Bà Ðen, từng được xem là vị thần Thành Hoàng cai quản toàn khu vực Ðông Nam Kỳ Lục Tỉnh. Miếu được xây dựng bằng xi măng, gạch ngói, sửa chữa năm 1969. Có 3 khu tháp mộ ở chùa. Một khu tháp mộ trước chùa chính, gồm 3 tháp mộ. Khu tháp mộ nằm bên phải đường vào chùa, gồm 33 tháp mộ, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Khu tháp Tổ nằm sau miếu Linh Sơn Thánh Mẫu, gồm 8 tháp mộ các Thiền sư trụ trì chùa và 3 tháp mộ các Hòa thượng ở các chùa khác, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX và thế kỷ XX.

Khu mộ tháp có thể được xem là nơi cổ xưa nhất khi quan sát ngoại cảnh quanh chùa. Tháp cổ nhất Viên Quang mộ tháp được xây năm 1827, với chất liệu bằng ô dước. Ngoài ra còn nhiều tháp mộ của các đời trụ trì rất đẹp và cổ kính qua phong cách tạo tác, trang trí hoa văn. Có một ngôi tháp không phải mộ tháp được xây hình vuông, tượng trưng cho tinh thần “tứ vô lượng tâm” là: Từ, Bi, Hỉ, Xả. Tháp lục giác tượng trưng cho lục độ. Ngoài những ngôi tháp ba hay bốn tầng, còn có các tháp một tầng, dành cho cư sĩ Phật tử.

Từ năm 1975 trở về sau, chùa trùng tu thêm những công trình như lợp lại ngói âm dương và xây dựng một vài hạng mục khác, xây thêm cổng tam quan thứ hai cách cổng tam quan cũ. Việc trùng tu lớp áo bên ngoài tuy mới nhưng phần cốt lõi cấu trúc chùa bằng gỗ và toàn bộ trang trí bên trong từ bao lam, hoành phi, tượng Phật mới là giá trị văn hoá lớn nhất mà Chùa Giác Lâm sở hữu.


Hệ thống tượng thờ được đặt dọc theo hai bên.


Bên trong chùa có 9 bao lam cửa võng, chạm khắc tinh xảo xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật có một không hai. Bao lam “Cửu Long” điêu khắc hình 9 rồng phun nước với ngụ ý mưa thuận gió hoà của miền đất phương Nam. Chung quanh lồng ghép hoa văn mai, lan, cúc trúc, chim tạc theo mảng rất sống động, tạo cảm giác thanh thoát cho người xem.

Tất cả hệ thống cột, trính, xiên không chạm cầu kỳ như những ngôi nhà gỗ xưa, làm cho người xem cảm thấy thoáng đạt. Trong chùa có 98 cột là lõi cây danh mộc quý, 86 câu đối. Toàn chùa có 118 pho tượng, trong đó có 113 pho tượng cổ, được tạc vào hai giai đoạn thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, 23 bức hoành phi, 23 bao lam và nhiều bộ ván dài gần 6 mét. Trong chùa hiện còn một giá võng nghe đâu vua Gia Long ban tặng cho thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh. Ngài được vua phong Tăng cang, là một chức sắc cao nhất của tu sĩ thời bấy giờ. Vua Gia Long từng mời Ngài ra kinh đô dạy đạo cho hoàng gia.

Ðiện thờ Phật được bài trí tôn nghiêm, gồm có ba bàn: Bàn Di Ðà, bàn Hội đồng, bàn Tam Bảo, sắp xếp trong cao ngoài thấp dần. Bàn Di Ðà tôn trí tượng Di Ðà Tam Tôn (tính theo hàng ngang: đức Phật A Di Ðà lớn ở gian giữa, gian hai bên là Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Ðại Thế Chí), tượng thờ Tam Thế Phật đặt theo hàng dọc: Phật Quá khứ A Di Ðà; Phật Hiện tại Thích Ca, hai bên có tượng Ca Diếp, A Nan; Phật Tương lai Di Lặc. Hai bên tòa Cửu Long và tượng Thích Ca Ðản sanh có hai vị Hộ Pháp. Trên bàn thờ Hội đồng có tượng Phạm Thiên (Ngọc Hoàng), Nam Tào, Bắc Ðẩu. Bàn thờ Tam Bảo đặt tượng 5 vị: Ðức Phật Thích Ca/ Phật A Di Ðà và bốn vị Bồ tát là Quan Thế Âm, Ðại Thế Chí, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền. Ðây là sự kết hợp giữa hai bộ tượng Di Ðà Tam Tôn (A Di Ðà, Quan Thế Âm, Ðại Thế Chí) và Thích Ca Tam Tôn (Thích Ca, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền). Hai bên vách chánh điện đặt thờ tượng Thập bát La hán, Thập Ðiện Minh Vương, Ðịa Tạng, Bồ Ðề Ðạt Ma, Long Vương, Quan Thánh.


Nhà thờ Tổ các đời trụ trì Chùa Giác Lâm.


Phía sau chánh điện là nhà thờ tổ được thiết kế theo dạng “tiền Phật hậu Tổ”. Ðây là nơi đặt bài vị và hình ảnh các vị tổ đầu tiên khai sáng chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Ngươn ở miền Nam.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân