TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hạt lúa mì huyền thoại
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hạt lúa mì huyền thoại

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9786

Bài gửiGửi: Fri Mar 02, 2018 12:43 am    Tiêu đề: Hạt lúa mì huyền thoại
Tác Giả: Sean Bảo

Hạt lúa mì huyền thoại


Tổng thống Mỹ Hoover trong thời kỳ Đại khủng hoảng đã nói một câu thú vị: “Từ đầu tiên trong chiến tranh được cất lên bằng súng, nhưng từ cuối cùng vẫn luôn là bánh mì.” Từ ngàn xưa, bánh mì (miếng ăn chính như hạt gạo ở Á Đông) luôn là nguồn gốc của chiến tranh. Ngay cả cuộc nội chiến Bắc Nam của Mỹ, người ta cũng dí dỏm nhưng rất đúng khi cho rằng bánh mì đã thắng bông vải. Miền Bắc, quân Union có lúa mì nuôi quân trong khi miền Nam Confederate chỉ có bông vải không ăn được.


lúa mì Turkey Red


Cách đây 150 năm, có một giống lúa mì trong hòm gỗ, vượt qua ngàn dặm đường, băng qua Ðại Tây Dương, từ Ukraine đến Mỹ. Tại Kansas, Trung Mỹ nơi khí hậu khắc nghiệt nhưng đất bằng đồng cỏ bao la, những hạt lúa mì đó đã làm nên những vụ mùa vàng óng nặng trĩu hạt, những ổ bánh mì thơm lựng, những chén cereal giòn rụm, những sợi mì Ý, pasta, dĩa pizza ngon tuyệt... Hạt giống lúa mì đó làm nên một nền nông nghiệp trù phú cho nước Mỹ, đóng góp 1/5 sản lượng lúa mì toàn quốc. Ðó là hạt giống lúa mì có màu đỏ đậm gọi là Turkey Red, thân cao, chịu hạn và chịu rét cao.

Chuyện bắt đầu vào thời kỳ Catherine Ðại đế nước Nga, bà đã khuyến khích các di dân đến vùng thuộc địa ở Ukraine, có được đất trồng miễn phí, được cung cấp phương tiện vận chuyển, không phải trả thuế, không phải bị bắt đi lính hay các nghĩa vụ dân sự trong vòng 30 năm. Ukraine phát triển nông nghiệp dồi dào từ đấy, trở thành vựa lúa mì của nước Nga. Trong số cộng đồng di dân đến đó có hệ phái Tin Lành Mennonite. Họ là những người nông dân giàu kinh nghiệm trồng lúa mì. Ðến năm 1880 là thời hạn kết thúc 30 năm để buộc phải gia nhập quân đội Sa Hoàng, những người Mennonite này ở Ukraine đã tìm cách di cư đến Mỹ.


Quảng cáo của Công ty hỏa xa Atchison, Topeka & Santa Fe năm 1870 về miền đất Tây Nam Kansas.


Cuối năm 1873, một nhóm di dân Tin Lành này với sự trợ giúp của các công ty hỏa xa ở Mỹ, được quảng cáo rầm rộ và đầy hứa hẹn nhằm bán đất đai dọc đường hỏa xa đang mở rộng. Người Mennonite ở Ukraine do chăm chỉ làm lụng nên có vốn liếng. Mùa xuân 1784, nhóm đầu tiên gồm 800 người đi tàu xe đến Odessa vào tháng 6, qua Châu Âu đến Ðức và từ đó họ theo tàu thủy đến New York vào tháng 7. Chi phí cho mỗi gia đình chừng 250 Rubles (tương đương 200 đô-la). Các đường hỏa xa đã đưa họ đến vùng đất hứa: Kansas.

Dù khác biệt về ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng như nhật báo The Commonwealth của Kansas nhận định về di dân Ukraine này: “Họ là những người ngoại quốc hiếu hòa nhất trên đất nước này. Trong cộng đồng của họ không có gây gổ, đánh nhau, giết người, kiện tụng; không có luật sư, quan tòa, cảnh sát hay thống đốc; ngay cả những tội nhỏ nhặt nhất cũng hiếm hoi.” Họ ăn mặc như người bản xứ và họ sẽ hòa nhập nhanh chóng vào xứ sở này. Với lòng tin tôn giáo sâu đậm, chăm chỉ cần mẫn làm lụng và giỏi giang trong nông nghiệp, họ có vốn liếng dành dụm. Ðó là những yếu tố mà người Mỹ ở Kansas cần thiết cho miền đất khô cằn và khắc nghiệt.



Trong số những di dân tiên phương này phải nhắc đến Bernhard Warkentin, người có công trong việc tìm kiếm mảnh đất cho cây lúa giống phát triển làm nên vựa lúa mì cho nước Mỹ ngày nay. Bernhard Warkentin là con của một chủ cối xay lúa ở Ukraine. Ông cùng vài người đi trước đến Mỹ vào năm 1871 để thăm dò. Trong 2 năm trời, họ rong ruổi bằng ngựa và tàu lửa qua chục ngàn dặm từ Canada, xuống Dakota và Minnesota, mong tìm một vùng đất lý tưởng cho cây lúa mì. Ở Kansas, Warkentin vò nắm đất, nhìn thảo nguyên bằng phẳng, bát ngát, miền đất giống Ukraine, mùa đông nơi Kansas thì dài, khô nóng trong mùa hè và mưa nhiều trong mùa thu và xuân. Ðó là nơi lý tưởng mà người nông dân trồng lúa mì mong muốn. Năm đó 12 ngàn người di dân từ Ukraine đến Kansas. Và họ mang theo một hòm gỗ chứa những hạt lúa mì giống màu đỏ sậm Turkey Red.


Đá chà lúa mì của người Mennonite từ Ukraine trưng bày ở Kansas, Nhà thờ Tin Lành Alexanderwohl


Trước đó các loại lúa mì trong đất Mỹ thân thấp, chỉ phù hợp trồng vào mùa xuân, thu hoạch sản lượng không cao. Tiểu bang Kansas khí hậu chỉ phù hợp cho bắp là chính. Nhiều trận phá hoại mùa màng do châu chấu làm nông nghiệp ở đây lắm khó khăn. Với kinh nghiệm trồng trọt lúa mì ở Ukraine, họ bắt đầu trồng lúa mì vào mùa thu đầu tiên và thu hoạch vào mùa hè năm sau. Giống lúa mì Turkey Red này còn được gọi là Lúa mì mùa đông, Lúa mì chịu rét, Lúa mì đỏ, đã thích hợp cho mùa đông giá lạnh và mùa hè khô nóng. Thân lúa cao trổ nhiều hạt, lại phủ che làm cỏ dại không mọc, rễ mọc sâu nên chịu hạn và không kén đất, ít sâu bệnh. Những người nông dân Ukraine này đã đem kỹ thuật từ quê nhà, dùng đá lớn hình răng cưa, cho ngựa bò kéo quanh lúa mì đã gặt, hạt lúa bị chà xát, thu hoạch dễ dàng và hiệu quả. Không như phương thức dùng cây gỗ đập lúa khó khăn như trước đây của người Mỹ. Họ thuê các thợ làm đá địa phương ở Florence, Kansas đã tạc những khối đá vôi theo đơn đặt hàng. Những cánh đồng lúa mì vàng thắm trải dài cuối chân trời. Kansas trở thành tiểu bang sản xuất lúa mì hàng đầu của nước Mỹ từ đó cho đến ngày nay.

Riêng ở Ukraine, sau tháng 10 năm 1917 khi Lenin hô hào “Hòa bình, đất đai và bánh mì” để làm cuộc cách mạng kinh hoàng cho nước Nga và cả thế giới, thì người Mennonites là đối tượng giàu có ở “vựa lúa mì Ukraine” và bị xem là Kulak, là thành phần tư sản, địa chủ. Họ bị đàn áp và cướp tài sản từ cả phe Bạch quân và Hồng quân Sô viết. Tiếp đó là Thế chiến 1 xảy ra cùng nạn đói 1921 tạo nên một làn sóng di cư thứ nhì ra khỏi nước Nga. Ðợt di cư thứ ba của họ sau Thế chiến 1. Họ đi đến Canada, Nam Mỹ và nhiều nơi trên đất Mỹ.



Trở lại Kansas, Bernhard Warkentin tiếp tục làm nên một cộng đồng Tin Lành Mennonite sung túc. Ông cùng đại diện của Bộ Nông Nghiệp Mỹ nhập cảng lúa giống từ miền Nam nước Nga, phân phối cho các nông gia; thành lập nhà băng, trường đại học, bệnh viện và công ty bảo hiểm ở Kansas. Năm 1908 ông cùng vợ đi Trung Ðông, trên tàu lửa từ Damascus đến Beirut, thì một khẩu súng tự phát nổ từ phòng kế bên, ông trúng đạn và mất sau đó 2 ngày. Hai năm sau, tiểu bang Kansas vinh danh ông như là “Thần Nông” của “giỏ bánh mì Kansas” và cả nước Mỹ.

Vùng đất của gia đình Warkentin hiện giờ vẫn là cánh đồng lúa mì bát ngát, hơn 500 ngàn người Mennonites nay tập trung ở miền quê từ Kansas đến Pennsylvania và Montana. Lúa mì giống đỏ Turkey Red đã được thay thế bằng các loại giống lúa lai tạo khác có năng suất thu hoạch cao hơn vào 1940, nhưng nó vẫn là giống lúa mì truyền thống, độc đáo và chuyên dành cho làm bánh. Bởi giống lúa mì này không lai tạo, giàu dinh dưỡng và mùi thơm.


Hòm gỗ hạt giống lúa mì Ukraine cách đây 150 năm tại Nhà Bảo tàng Kansas


Ở Nhà Bảo Tàng Di Sản Nông Nghiệp Mennonite, Kansas, du khách có thể chạm tay vào một hòm gỗ chứa hạt giống lúa đỏ này mang đến từ Ukraine cách đây 150 năm, như một di sản quý giá của nền nông nghiệp Mỹ. Nếu người Việt xem những hạt lúa là “hạt ngọc trời”, thì những hạt lúa mì này là những “hạt vàng”. Những hạt lúa giống nhỏ nhoi nhưng mang cả một lịch sử di dân thăng trầm, thay đổi một nền kinh tế và góp phần làm nên một đất nước Hiệp Chủng Quốc giàu có, hùng mạnh.

Sean Bảo

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân