TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xuân hồng pháo đỏ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xuân hồng pháo đỏ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9785

Bài gửiGửi: Tue Feb 27, 2018 12:38 am    Tiêu đề: Xuân hồng pháo đỏ
Tác Giả: Trần Lý Lê

Xuân hồng pháo đỏ


Người Việt ta khai xuân bằng những tiếng pháo. Trong ngày đầu năm Âm Lịch, người đầu tiên đến thăm, người “xông đất”, thường đốt pháo mừng chủ nhà. Theo tục lệ xa xưa, ông bà ta mời mọc những người hiền đức đầu năm đến “xông nhà”, hy vọng khách mang theo phúc lộc cho cả năm. Những người được mời mọc thường có chức tước [mang theo tước lộc, danh chức]; là thầy giáo [mang đến kiến thức, khai tâm mở trí nhất là những gia đình có trẻ em]; hoặc là thương gia thành đạt [buôn may bán đắt]... Riêng những người hành nghề y, luật thường được nhẹ nhàng nhắc nhở... đầu năm đầu tháng bận rộn lắm, ông/bà... để cho thư thả ra Giêng hẵng hay... Nghĩa là, chủ nhà khéo léo dặn dò... đừng đến nhà tui trong mấy ngày Tết, kẻo xui xẻo; bác sĩ thường chỉ đến thăm người ốm đau [đồng nghĩa với bệnh tật (?) ], luật sư thì liên quan đến... thưa kiện [vô phúc mới đáo tụng đình], cãi cọ!

Pháo nổ từng tràng liên tục, tiếng nổ giòn, đều đặn là dấu hiệu của sự suôn sẻ, dễ dàng cho một năm mới. Pháo giữ vai trò khá quan trọng dịp lễ lạt theo cổ tục ta, thiếu tiếng pháo buổi lễ xem ra kém phần trang trọng, nhạt nhẽo.

Mùng Một Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, tiếng pháo giòn đón mừng năm mới cũng để xua đuổi ma quỷ. Trong những ngày hội lớn, làng xã đốt pháo để khai mạc.

Ngày cưới, nhà gái đốt pháo đón chú rể và cũng để đưa dâu... và pháo, qua âm thanh ròn rã, reo vui là lời chúc tụng. Bá tánh cũng đốt pháo để mừng những ngày quan trọng khác như ngày ra đời của con cái trong gia đình quyền quý, ngày giỗ...



Pháo có mặt từ bao giờ? Gốc gác ra sao?

Sách vở ghi chép rằng ngày xa xưa ấy, khoảng năm 200 trước Công Nguyên, người Trung Hoa đốt nóng ống tre, đốt liên tục cho đến khi ống tre xé toác, tạo ra tiếng nổ để xua đuổi “tà ma”, “ngạ quỷ”. Thực ra, nông dân trong thôn làng muốn xua đuổi thổ phỉ, người miền núi xuống đồng bằng xin [cướp] thực phẩm, họ đốt ống tre tạo tiếng nổ khiến lừa ngựa sợ hãi bỏ chạy, (cũng để báo tin với thôn làng chung quanh?). Từ đó, ống tre / trúc nổ gọi là “baozhi” (bộc trúc), theo tiếng Việt là “pháo trúc”. Bộc trúc là tiền thân của pháo.


tình cờ phát minh ra pháo nổ


Pháo được xem là xuất phát từ Trung Hoa từ 2,000 năm trước. Tương truyền rằng việc khám phá ra pháo là một sự tình cờ. Ông đầu bếp nào đó vô tình pha trộn than, lưu huỳnh (sulfur) và diêm sinh (saltpeter), những món thông dụng ở nhà bếp, trong ống tre. Nấu nướng thế nào mà ống tre bén lửa rồi phát nổ, xác tre tung tóe. Tiếng nổ giòn, vui tai quá nên bá tánh... lặp lại sự tình cờ ấy, và voilà, pháo ra đời!



Huyền thoại khác, mới mẻ hơn, khoảng 1,000 năm trước, một nhà sư đời Tống, cụ Li Tian, tu hành tại Liu Yang, tỉnh Hồ Nam bên Tàu tình cờ khám phá ra pháo sau nhiều lần đốt vỏ cây làm hương liệu.

Người Hoa Lục ngày nay vẫn đốt pháo vào ngày 18 tháng Tư hàng năm để cúng bái nhà sư Li Tian (hoặc để tri ơn ông tổ nghề làm pháo?). Vùng Liu Yang, tỉnh Hồ Nam vẫn là nơi chế tạo pháo và bán ra khắp thế giới.

Từ việc đốt ống tre xua đuổi thổ phỉ hay “ma quỷ”, đốt pháo trở thành tục lệ. Người Hoa gọi “Huo yao” (hỏa pháo?) để chỉ vật phát ra lửa và tiếng nổ.

Pháo là vật phát nổ, có kích thước, hình thể màu sắc khác nhau nhưng tựu trung nguyên liệu và cách chế biến từ tựa như nhau. Thành phần chính của pháo là chất nổ, ngòi, và vỏ bọc ngoài. Chiếc pháo hình ống, theo dạng ống tre xa cũ.

Từ chất nổ, người ta chế ra thuốc súng, khi hơ nóng tạo ra áp suất lớn hơn, và tùy theo loại súng, viên đạn đi nhanh / chậm khác nhau với sức công phá nặng / nhẹ khác nhau.



Ngày nay, chiếc pháo là một ống làm bằng giấy cứng hoặc plastic, đổ đầy thuốc nổ thường là hóa chất cordite (flash powder) hoặc black powder làm sức đẩy và một dây dẫn nhiệt làm ngòi. Khi đốt nóng, cordite tạo áp suất bên trong ống chứa và khi áp suất lên cao, chiếc pháo nổ tan tác.

Tùy theo loại hóa chất sử dụng, tiếng pháo có các âm thanh khác nhau, khi nổ “đùng”, lúc có tiếng “Xì ì... ” hoặc kêu “lách tách”... Vài hóa chất điển hình như sodium salicylate pha trộn với oxidizer potassium perchlorate cháy từng lớp; khi mỗi lớp hóa chất phát cháy, tạo ra khí (gas), áp suất khí lên cao sẽ tạo ra tiếng nổ “đùng”. Mảnh aluminum (nhôm) hoặc sắt (iron) tạo ra tiếng “xì” lúc cháy trong khi bột titanium tạo ra tiếng nổ “ầm” và các tia lửa.



Pháo có nhiều loại, trong bài viết ngắn này, chỉ xin đề cập đến các loại pháo quen thuộc thường dùng trong ngày lễ, Tết:

    • Pháo chuột cho trẻ con chơi là khúc pháo nhỏ xíu, châm ngòi bằng nhang hoặc que diêm. Khi cháy, chiếc pháo chạy lăng quăng trên mặt đất (như chuột chạy), xịt ra vài tia lửa và chút khói.

    • Pháo ném hay pháo đập là các loại pháo được nhồi thuốc nổ nhạy kết hợp với những vật tạo lực ma sát, pháo nổ khi bị ném vào vách tường hay mặt đất (vật cứng).

    • Pháo đại là chiếc pháo lớn cỡ gang tay, khi nổ, phát ra âm thanh lớn.

    • Pháo dây là một tràng pháo, khoảng 200-300 chiếc pháo nhỏ kết với nhau, khi đốt tạo ra tiếng nổ liên tục...

    • Ngoài các loại pháo tạo tiếng nổ, còn có những loại pháo bông, bắn lên trời tạo ra hình ảnh rực rỡ nhiều màu sắc, nhiều thể loại. Chuyên viên hóa học sử dụng hóa chất để tạo ra màu sắc khác nhau khi cháy: Hợp chất từ strontium và lithium cho màu đỏ sẫm; copper cho màu xanh dương; titanium và magnesium cho màu bạc hay trắng...

    • Pháo thăng thiên (bắn lên trời) gây tiếng nổ, đôi khi pháo thăng thiên phát nổ, thả ra chiếc dù mang theo khẩu hiệu, cờ quạt... quảng cáo; và những loại pháo khác.

Tại Âu Châu, ông Marco Polo được xem là người có công mang thuốc nổ từ Trung Hoa về nhà trong thế kỷ XIII nhưng cũng có sử gia cho rằng thuốc nổ do quân Thập Tự mang về Âu Châu một thế kỷ trước đó sau khi đụng độ với người Ả Rập.

Thuốc nổ khi qua đến Âu Châu thì được dùng để chế tạo vũ khí, súng đạn; cả mấy trăm năm sau người Ý mới bắt đầu dùng thuốc nổ để chế tạo pháo. Chẳng những chế tạo pháo mà người Ý còn tìm ra cách bắn pháo lên trời (để báo tin) và cách tạo màu sắc cho pháo bông.



Người Anh thì ưa chuộng pháo bông, và món hàng này trở nên thông dụng sau ngày đăng quang của Nữ Hoàng Elizabeth Ðệ Nhất. Ưa chuộng pháo bông nên Hoàng gia Anh phong tước cho người đốt pháo bông đẹp mắt!

Một chi tiết thú vị về thuốc nổ là việc nhà hóa học Roger Bacon, người Anh, đã khám phá ra chất diêm sinh, saltpeter (khi oxy hóa tạo ra phản ứng dây chuyền và phát nổ) từ những năm trong thế kỷ XIII nhưng ông ấy giữ kín, chỉ ghi chép khám phá của mình bằng mật mã vì e ngại rằng nếu hóa chất phát nổ ấy lọt vào tay kẻ ác, sẽ gây tai họa chết chóc...

Cũng như các dân tộc khác, đốt pháo để mừng lễ, đốt pháo trong những dịp đặc biệt, dân Huê Kỳ đốt pháo bông mừng ngày lễ Ðộc Lập và đêm Giao Thừa (Dương Lịch) như người Việt ta đốt pháo mừng năm mới.

Pháo nổ, nhất là các loại pháo phổ thông ngày trước, ngoài những mảnh vỏ hồng điều bay tan tác còn cho mùi diêm sinh lẫn lưu huỳnh hắc hắc, một mùi hương sâu đậm. Hình ảnh, âm thanh và cả mùi hương trộn lẫn nên cảnh đốt pháo trở thành một sự kiện in sâu trong tâm trí, khó quên cho người dự khán.



Tục lệ đốt pháo tiếp tục đến ngày nay và đốt pháo nối liền với ngày Tết, với mùa xuân vui tươi đầy sức sống. Tuy nhiên, khi những tay buôn bán nhậm lẹ nghĩ ra cách chưng pháo... điện tử thì ta chỉ còn thấy những bóng đèn chớp nháy từa tựa như tia lửa xẹt, thêm tiếng động ầm ĩ máy móc mà thiếu hẳn mùi diêm sinh, lưu huỳnh... Thú xem đốt pháo do đó đã chết... 90% vì pháo điện tử chỉ còn cái xác mà thiếu hẳn phần hồn!

Mới mẻ hơn, khi lên sân khấu, những người điều khiển chương trình (master of ceremony hay MC) không thể đốt pháo nên họ thường yêu cầu khán giả “cho một tràng pháo tay” để cổ võ, để sân khấu thêm hào hứng. Loại pháo này cho tiếng ồn, có... vị, nhưng thiếu hương!

Pháo bông, pháo đại, pháo dây hay pháo... tay, Dế Mèn cũng xin dùng tiếng pháo để chúc mừng quý độc giả Trẻ một năm mới như ý.

Trần Lý Lê


* Tài liệu của Smithsonian magazine & Simon Werrett (University College London).

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân