TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MỘT NGÀY LAO ĐỘNG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MỘT NGÀY LAO ĐỘNG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MINH CAN



Ngày tham gia: 06 Jun 2008
Số bài: 431

Bài gửiGửi: Tue Jul 06, 2010 1:16 pm    Tiêu đề: MỘT NGÀY LAO ĐỘNG
Tác Giả: MINH TRANG

 



      MỘT NGÀY  LAO ĐỘNG
                                    (Tùy bút)          MINH TRANG


“ Tuổi đời gần cán bảy mươi
Áo cơm cái nợ chưa thôi, đeo hoài.
Vẫn còn làm việc “ Full time”
“ Kéo cày” bận rộn dài dài, chẳng ngưng.
Tại nhà công việc quá chừng
Hảng kinh doanh sắt, còng lưng ra làm.”

Ông Minh đang hì hục kéo “ Start” cái máy cắt cỏ của Hảng Sắt. Nghe nói tuổi thọ của con ngựa hay trở chứng này khá cao, hai mươi lăm cái xuân xanh. Nó đã xin retire nhiều bận. Tuy nhiên ông Chủ Hảng Kinh Doanh Sắt Thép này không OK chút nào. Chủ đã mấy lần sửa chữa canh tân nó bởi vì cái Lawnmower này quá bết bát. Nó khó nổ máy khi Start qúá chừng. Ông Minh mỗi lần muốn cắt cỏ, đã kéo dây để máy nổ rã rượi cả cánh tay mặt. Tuy nhiên, cái máy vẫn không chịu nổ. Chiếc máy cổ lổ sỉ này cứ hành hạ ông già gân làm clean up nhiều năm rồi tại đây. Ông Minh thực ra tuổi đời cũng gần cán mức bảy chục. “ Thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên trên giấy tờ chính thưc, Bố của ông khai nhỏ tuổi hơn, ngõ hầu ông có thể đi học trường công lập trước kia vì thời cuộc chiến tranh lúc bấy giờ, ông phải đi học trể. Nếu giấy khai sanh khai lớn tuổi lúc ấy, học sinh đậu tiểu học không thể nộp đơn dự thi vào lớp đệ thất của trường công lập ở tỉnh, quận được. Thành thử thân phụ ông Minh khai nhỏ hơn hai tuổi. Nhưng hiện tại ông gần bảy bó, Sức khỏe cũng tàn tạ rồi. Vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo ở xứ người, ông Minh phài rán“ cày” như bao nhiêu người dân tị nạn khác tại Xứ Cờ Hoa.
  Lúc bấy giờ, sau cả nửa tiếng đồng hồ, ông giật dây Start, máy mới chịu nổ. Sân cỏ của hảng sắt rộng mênh mông phía trước công ty và phía sau Warehouse. Ông ì ạch đẫy chiếc máy cắt sân cỏ khi nó nổ xình xịnh nghe thật vui tai và phấn khởi vô cùng. ( Còn hơn là máy chết ì một chỗ) . Ánh nắng mặt trời đã lên cao. Nắng rực rỡ nhuộm hồng khắp thành phồ Port Allen. Bên kia là khu rừng cây rậm rạp. Chim chóc ca hót vang cả một góc trời. Vài con cu rừng đậu trên dây điện chạy dọc theo con lộ phía trước Hảng Buôn Sắt. Có con cất tiếng gáy, gù gọi bạn, nghe thật buồn bã não nuột hết nói.
-Cúc cù cu! Cúc cù cu! Khúc khù khu! Khúc khù khu!...
Cu rừng ở đây thật nhiều. Chúng thường hót từ khu rừng phía sau cơ sở Hảng Sắt hay từ khu vực hàng cây xanh biếc cao chất ngất nằm phía xa xa. Bên kia đường quan là khu đất trống, cỏ dại mọc lô nhô. Hàng cây trải dài dọc theo khu đất trống này. Chủ nhân treo bảng bán đất lâu nay nhưng chưa có người mua. Khu vực này là thế giới của các chú cò trắng hay lui tới để bắt côn trùng hoặc cào cào châu chấu xơi ngay mỗi khi có xe bốn bánh tới cắt cỏ. Đàn cò trắng tha hồ sà xuống đám đất trống xơi côn trùng nhất là châu chấu hay cào cào. Mỗi lần xe bốn bánh cắt cỏ coi như khu đất trống trải này tổ chức bữa đại tiệc cho chim chóc nhất là cò tha hồ đớp côn trùng như đã kể trên.
 Xin trở lại việc ông Minh cắt cỏ hay quét dọn sân bãi trước và sau cơ sở kinh doanh nói trên. Mỗi lần nghe tiềng cu rừng gù gáy gọi bạn tha thiết trầm buồn não nuột anh chàng công nhân dân Giao Chỉ, cựu Quan Hai Bộ Binh của Quân Lực VNCH trước đây, dân tị nạn chính trị tại Xứ Cờ Hoa hơn 10 năm qua, cảm thấy lòng bâng khuâng xao xuyến xúc động vô cùng. Ông cảm thấy nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ bạn bè còn ở VN chi lạ. Ruột, gan, tim, phổi của khách tha hương dường như muốn nhũn ra từng hồi.
  Lúc này, tiếng máy cắt cỏ vẫn nổ liên tù tì. vẫn kêu xình xịch. Minh vẫn bước theo sau con ngựa sắt cũ sì. Ông đẩy nó hết sức mình. Mệt quá chừng. Mệt lả người. Mệt bá thở cào cào.  
                                         ooo
Bãi cỏ mọc cao rậm lại còn ướt đẫm sương đêm. Ông Minh vẫn cố gắng kéo chiếc máy cắt sát sân cỏ. Mồ hôi mồ kê tuôn xối xả ướt dầm dề cả bộ quần áo đồng phục lao động của Hảng ông làm. Xe cộ vẫn ra vào Hảng Sắt liên tục. Những công nhân lái Big Forklift chạy ngoài sân rầm rầm. Hai cái càn khổng lồ cứ hạ xuống bốc sắt, nâng beam lên cao hòng đưa những tấm vĩ sắt dài khoảng 40 feet và rộng cở 10 feet xuống hoặc lên xe. Họ chuyển đều đặn các món hàng lên xuống xe tải đủ loại đang đậu ngoài sân của Hảng. Không khí lao động của các công nhân của cơ sở kinh doanh thật tưng bừng, náo nhiệt,  và năng nỗ hết chê vào đâu được. Khách mua hảng thường ra vô cơ sở kinh doanh tấp nập rộn rịp.  Đám công nhân của Hảng hầu như phải làm việc liên tục, ít khi ngừng nghỉ. Như đã kể trên, Hảng này chuyên buôn bán sắt thép đủ lọai để xây dựng nhà cửa, các cơ sở kinh doanh, đường sá, cầu cống, các công trình kiến trúc địa ốc...
 Ông Minh đã làm cho Hảng Sắt nhiều năm nên cũng quen với công việc lao dộng của người cu li chuyên môn Clean-up này. Trước kia ông vốn là một nhà giáo ở VN. Sau đổi đời vào tháng 4 năm 1975, ông bị tù tập trung cải tạo lao động khổ sai như bao nhiêu viên chức và sĩ quan của chế độ cũ. Chàng đã quen làm việc nặng nhọc bằng chân tay.
  Có thể nói cuộc đời ông Minh thật lao đao lận đận. Ba chìm bảy nổi chín long đong. Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, anh em động. Hồi còn nhỏ ở quê Ngoại ông phải làm rẫy cùng Dì và Mẹ mình. Ba ông làm công nhân Sở Muối. Ông có lúc phải làm phu lục lộ. Gánh đất bùn từ đầm hay bờ mương nước ven rừng núi bao la bát ngát ở Thương Diêm- Cà Ná đề đắp con đường quan nối dài Sở Muối thông thương với Quốc Lộ I, chạy ngang qua nhà ga xe lửa Cà Ná lúc bấy giờ. Công việc thật nặng nề vất vả. Cu li lao động dưới ánh nắng vàng chói chang, rữc rỡ của miền duyên hải. Trời nóng như thiêu như đốt. Mồ hôi mồ kê tuôn xối xả ướt đẫm chiếc áo sơ mi màu cháo lồng đã bạt phết, vá víu  nhiều chỗ. Còn khi ông theo Má và Di khai thác rẫy ở ven rừng hay gò đất Thương Diêm cũng vô cùng gian lao vất vả. Tại nơi rửng núi hoang vu đèo heo hút gió, vùng này đúng là “Đất cày lên sỏi đá.”. “ Nơi chó ăn đá gà ăn muối” Đất cứng như sỏi trộn lẩn cát và đá cuội. Còn ở Gò nằm giữa bãi biển Thương Diêm và đồng muối thì đất đai, đa phần là cát trộn đá san hô . Đất thịt chỉ một ít thôi. Gai yết hầu lẫn gai xương rồng mọc khắp nơi. Các cây cối đủ loại cũng mọc chen chúc khắp ngã trên gò này. Khai thác rẫy để trồng trọt hoa màu sinh sống,  nhờ vào nước trời, thật là một việc làm cực nhọc trăm bề mà thu hoạch thì cầu may, phó mặc cho trời đất, thiên nhiên đjnh đoạt. Có khi thòi tiết khô hạn, bắp ra quả có hạt mà mưa không tới. Bắp bị chết nửa chừng héo queo như Từ Hải của Thúy Kiều chết đứng như trời trồng. Mùa thu họach vì thế coi như đi đong.
    Ông Minh còn nhớ năm đó, đám bắp trồng phía trước nhà Bà Ngoại, đã trổ quả ú núc, ú na, mà trời khô hạn quá lâu. Đám bắp có cơ bị nóng thiêu rụi trong nay mai. Thế là cả nhà phải gánh nước giếng tưới, hầu cứu vãng tình hình. Ông Minh lúc ấy mới lên mười tuổi, cũng cò nhiệm vụ múc nước liên tù tì, bá thở cào cào, rã cả cánh tay gầy guộc đen đúa của câu bé quê mùa mộc mạc, con nhà nghèo khổ này. Chàng rán múc nước cho Dĩ Tám, Dì Thạnh và cả má chàng gánh về nhà tưới tiêu đám bắp nói trên.
         Ngoài ra hồi sống với Ba Má ở Phan Rang, chàng có thời kỳ đi bán kem rất là mệt nhọc, gian lao vất vả. Cà rem lúc ấy có ba loại. Cà rem gói một đồng. Cà rem cây nhỏ ba cắc, cây lớn hơn năm cắc. Chàng xách thùng kem từ tiệm Ban Gia của anh Tư On ( Chủ nhân là tổ hợp của người Hoa. Anh On và hai anh nữa, lâu quá chàng quên tên, đứng ra làm chủ) Lúc bấy giờ Tiệm Kem Ban Gia tọa lạc phía bên hong Chùa Ông. Tịệm này nhìn ra Đại Lộ Thống Nhất PR. Bên kia là tiệm xăng Thành Thái sau này. Kỷ niệm đau buồn nhớ đời của Minh là chàng vô ý làm bể bùnh kem bị chủ bắt bồi thường 200 đồng ( Số tiền này lúc ấy khá lớn, tiền lương Cảnh Sát viên của ba chàng chỉ lãnh 28 đồng mỗi tháng). Ông Hải, bố chàng tiếc của, xót ruột, nên nổi giận đánh cho người con trưởng nam thiếu cẩn thận một trận đòn nên thân. Má chàng chỉ biết khóc thầm. Bà mài nghệ thoa những chỗ bị rướm máu, bị bầm và sưng trên thân thể của con mình. Ba chàng lúc nóng giận hay đánh con, Ông áp dủng triệt để câu nói của người xưa:
       “ Thương con cho roi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho ngào.”
     Vì vậy hễ con có lỗi là ông bắt nằm dài xuống thềm nhà và lấy roi quất lên mông con cho đã nư mới thôi.
      Cổ nhân tỏ ra có lý khi nói:” Nghèo cũng là cái tội.” Hay sâu sắc hơn:
          “ Phú qúy sinh lễ nghĩa. Bần cùng sinh đạo tặc..”
      Cuộc sống nghèo khổ quá,vất vả quá, khó khăn quá, thiếu thốn quá, thường làm cho nguời ta phải chịu nhiều cay đắng chua chát về mọi mặt. Dễ bị măc cảm.tự ti thua sút buồn nản và chán đời. Tuy nhiên con người có lúc giàu sang, cũng có lúc lúc nghèo khó. Nhân sinh ở đời lúc sường lúc khổ là bình thường. Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời đâu? Ông Minh hầu như cả đời mình bị khổ nhiều hơn sướng . Vui ít, buồn nhiều. May ít. Rủi nhiều. Kiếp phong trần lai đao lận đận. Ông đau khổ nhất là những năm khổ sai lao động trong các trại tù tập trung cải tạo XHCN.
 Kịp dến khi sang định cư tại HK chàng cũng chỉ là cu li lao động bằng chân tay dài dài. Thật vậy, ông Minh chỉ làm phụ giáo ( Teacher Aid) một năm ở lớp Anh ngữ ban đêm, dạy cho người tị nạn từ nước ngoài mới định cư ở Xứ Cờ Hoa. Lớp này được tổ chức tại trường Belle Aire thụộc thủ phủ tiểu bang miền đông nam Hoa Kỳ. Vì phải hợp đồng hàng năm và xin dạy cũng khó khăn, bấp bênh, lớp học chỉ tạm thời. Hơn nữa ông bị mắc nhiều chứng bịnh trong người, nên ông thích đi lao động bằng chân tay để thân thể mình ra mồ hôi cho khỏe hơn. Cho bịnh giảm hơn là làm nghề thụ động như làm trợ giáo hay ngồi bàn giấy. ít tiêu thụ calory. BS nói thế. Sự thật ai cũng muốn khỏe, làm việc nhẹ nhàng trong văn phòng hơn là lao động vất vả bẳng chân tay ở ngoài trời nắng chang chang, phải không, kính thư quý vị? Chẳng qua là ông xin được việc làm clean up tại Hảng nói trên. ông thấy công việc hằng ngày tại đây, hợp với sức mình, nên ông ưa thich làm lâu dài vậy mà. Dĩ nhiên tiền nào của nấy. Lương ông bèo nhất tại Hảng, dủ có lúc công việc cũng vất vả lu bu lắm đó. Thét rổi cũng quen đi. Ông bà ta thường nói:
             ” Có làm thỉ mới có ăn
               Không dưng ai nỡ đem phần đến cho.”
              “ Đổ gịot mồ hôi lấy bát cơm.”
  Thật ra ờ xứ người tuy người dân hưởng tự do dân chủ, có cuộc sống thoải mái nhưng hầu như ai cũng bận rộn với việc sinh nhai hằng ngày. Thời giờ tại Mỹ là tiền bạc như người bản xứ thường nói:” Time is money”. Câu nói của cán bộ XHCN ở MNVN sau đổi đời:
” Lao động là vinh quang. Lang thang là chết đói...” thật thấm thía ở xứ người.
  Hiện tại ông Minh bị ba thứ bịnh hiểm nghèo. Chúng liên kết hành hạ ông làm ông khốn khổ điêu đứng nhiều năm qua. Đó là bịnh tiểu đường, cáo huyêt áp và có mỡ trong máu. Lúc bấy giờ chàng không có bảo hiểm vì luơng của công nhân Clean up,  quá thấp, hạng “bèo” nhất Hảng. Hảng không chiu mua bảo hiểm sức khỏe cho chàng. Công việc làm không quan trọng nên Hảng không cover bảo hiểm y tế cho chàng. Chàng phải tự túc trả tiền BS và tiền thuốc men trị bịnh lâu rồi. Tóm lại người cu li loại Clean up như chàng là người làm công hạng bét ở Xứ Cờ Hoa. Không quan trọng, vì ai làm cũng được. Không có quyền lợi gì cả.
  Nhiều năm vợ chồng ông Minh định cư tại xứ người đã bình thản trôi qua như một giấc mộng. Tuy nhiên cặp phu thê cao niên này  vẫn đi “cày” để có tiền trả bill đủ thứ tại đây. Tiền nhà, tiền điện, nước rác, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm nhân thọ...Các con họ đã khôn lớn ra riêng. Thật tội nghiệp con trưởng nữ yêu quý của họ. Nó sống bên nhà chồng. Sức khỏe của nó cũng yéu kém vì bị bịnh nội thương trầm trọng. Nó ở nhà giữ ba con dại. Phụ trách chở con đi học và rước chúng về nhà. Coi giữ chúng. Anh chồng cũng không khỏe lắm nhưng còn sức lực làm công việc chuyên môn sửa chữa nhà cửa cho khách có nhu cầu, để kiếm tiền nuôi sống bản thân và vợ con mình. Anh ta cũng bị bịnh đủ thứ trong người lại nghiện hút thuốc lá và thú vui đỏ đen, thích cờ bạc, đi casino lai rai . Ai trót nghiện các loại này khó bỏ,khó từ,  khó cai, khó dứt vô cùng. Cờ bạc, nhậu nhẹt, hút sách khó từ bỏ vô cùng.
      Trở lại trường hợp ông Minh. Ông thấy dân VN ở quanh ông, đa phần cần cù siêng năng, yêu lao động, có óc tính toán làm ăn, kinh doanh, buôn bán.  Họ thông minh lanh lợi giỏi giắn, có tinh thần trách nhiệm, có óc tổ chức. Làm việc tích cực năng nỗ. Tánh tình dân Giao Chỉ chúng ta thường ôn hòa, cởi mở, dễ hội nhập vào xã hội mới tây phương.. Con em của chúng ta, hậu duệ của con Lạc cháu Hồng, phần đông thông minh hiếu học, cầu tiến, có chí vươn lên. có nhiều sáng kiến. Họ thành đạt hầu hết trong các ngành khoa học, y học, công nghệ, kỹ thuật, điện toán, điện tử... Họ trở  thành BS, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên viên, khoa học gia, thương gia... Ông mừng thấy dân VN có cuộc sống khá giả hơn, phát triển hơn. “Con hơn cha là nhà có phúc” “ Trò hơn Thầy quả thật đáng mừng.” Dân Giao Chỉ vốn nổi danh, thông minh, hiếu học, cầu tiến và cần cù lao động để tiến thân, vươn lên trong cuộc sống, càng ngày càng phát triển mọi mặt như khoa học, văn hóa, y tế xã hội, chính trị. Họ dễ hòa nhập vào xã hội mới. Lành thay! Thật đáng mừng và hãnh diện phần đống con cháu chúng ta vốn thông minh hiếu học, đa tài, đa năng đa dạng.
                                           ooo
         Một ngày lao động vất vả như mọi ngày. Ông Minh cảm thấy quen thuộc,  thân thương với công việc làm của minh. Ông thấy nhờ lao động bằng tay chân hơn mười năm qua ông được khỏe mạnh. Ông thầm cảm tạ ơn Trời Phật đã phù hộ ông an lạc bình yên trong cuộc sống lao động để mưu sinh nuôi sống bản thân và giúp đỡ vợ con trong gia đình ở nơi đất khách quê người.
       Dầu sao ở đây, người dân tị nạn tuy phải lao động  vất vả nhưng được hưởng chế độ tự do dân chủ thoải mái vô cùng. Nhiều người lãnh tiền an sinh xã hội, tiền bịnh, tiền già,  tiền hưu trí. Họ có thẻ bảo hiểm sức khỏe Medicare, Medicaid, bão hiểm y tế của các hảng tư nhân... Có điều tiền bịnh viện phí, tiền BS, tiền thuốc men ỏ đầy khá cao. Bill đủ thứ phải thanh toán hàng tháng.
   Cuộc sống ngày mai chưa biết ra sao, ông Minh lúc nào cũng tỏ ra lạc quan yêu đời. Ông luôn luôn sống cởi mở hòa đồng vối mọi người chung quanh nhất là vơi dân bản xứ. Ông bà ta thường nói:
                 “ Bà con xa không bằng láng giềng gần”
   Hay sâu sắc hơn : “ Bán bà con xa mua láng giềng gần.”
. Ông nương vảo giáo lý của Đạo Phật làm kim chỉ nam trong trong cuộc sống. Cuộc đời vốn vô thường giả tạm Tâm Từ, bi, hỷ, xả. Tâm bao dung, nhẫn nhục, là phương châm cũng là đuốc soi đường cho ông trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là áp dụng lời dạy của Đức Phật. Tù bi và trí tuệ giúp hành giả vuợt qua bao gian lao trở ngại trong cuộc đời đầy khổ đau và hệ lụy này. Ông thường ngâm khẻ bài kệ của thiền sư Nhất Tâm cho cõi lòng mình an lạc, bình thản, nhẹ nhàng:
                 “ Ta đến rồi đi như cánh bướm
                    Trần gian này một cụm hoa thôi.
                    Thấy chăng ngọn gió vô tình thổi
                    Tan loãng từng không với nắng trời.”

                                MINH TRANG                                              
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân