Gửi: Mon May 24, 2010 9:59 am Tiêu đề: Từng giờ từng khắc nên tự kiểm điểm lấy mình!
Phật Giáo Hưng Vong - Người Người Có Trách Nhiệm
Khi Phật Pháp sắp đến bờ mé diệt vong, bất luận là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di cũng đều nên lấy việc phục hưng Phật giáo làm nhiệm vụ của mình, gọi là:
“Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.”
Bây giờ chúng ta có thể nói là: “Phật giáo hưng vong, nhân nhân hữu trách.” Đã là Phật tử, chúng ta lại càng nên có trách nhiệm hơn nữa chứ đừng thoái thác cho người khác. Nên tự hỏi lòng rằng: Chúng ta phải làm sao để phục hưng và phát huy Phật giáo cho rạng rỡ hơn? Đây tức là tự mình nên có sự phản tỉnh sâu sắc!Từng giờ từng khắc nên tự kiểm điểm lấy mình! Những việc đáng làm, mình đã làm chưa? Nếu chưa, vậy tại sao mình chưa làm? Hoằng dương Phật Pháp là công việc của mọi người. Nhưng chỉ khi nào mọi người cùng phân công, hợp tác làm việc với nhau như: Ai có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức, cùng nhau nỗ lực nhất trí đoàn kết thì mới có thể làm cho Phật giáo hưng thịnh trở lại. Cho nên có câu rằng: “Đoàn kết là sức mạnh.” Chúng ta không nên phân tán rời rạc như những hạt cát trên mâm, cũng đừng nên có quan niệm “tụ thủ bàng quan,” chỉ biết khoanh tay thờ ơ đứng nhìn.
Là đệ tử Phật, một khi đã hiểu rõ nhiệm vụ của mình, chúng ta lại càng không nên có tâm ỷ lại mà nghĩ rằng: “Dù sao cũng đã có người hoằng dương Phật Pháp rồi, tôi bất quá chỉ là một phần tử thì có ảnh hưởng gì đâu!” Nếu ai ai cũng có tư tưởng như vậy thì đến bao giờ Phật giáo mới được phục hưng, được vẻ vang đây? E rằng sẽ không bao giờ!
Trong thời đại này, nếu trên thế giới không có ai chân chánh phát tâm tu hành để làm người lãnh đạo, e rằng Phật giáo nhất định sẽ suy sụp dần dần rồi đi đến chỗ diệt vong. Chúng ta đã là Phật tử thì nên tận tâm tận lực lo cho Phật giáo. Trong thời kỳ hoằng dương Phật Pháp, chúng ta nên dõng mãnh tiến tới, không nên nhát gan lo trước lo sau, cũng đừng sợ người ta ghen ghét, hay sợ bị người khác gây chướng ngại, vì đó đều là khảo nghiệm thử thách đấy thôi. Bởi một khi trải qua lò lửa hồng tôi luyện thì cũng phải ngàn lần nung nấu, trăm lượt trui rèn mới thành được thép tinh, đó gọi là: “Ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân.” Chịu được cực khổ trong cảnh khổ mới là hơn người. Đó là lời của người đi trước. Chúng ta nên thành tâm cống hiến cho Phật giáo, nên đem ý chí kiên cố và quyết tâm chân thật của mình để làm Phật sự. Được như vậy, Phật giáo mới có thể mỗi ngày một chuyển biến tốt đẹp trở lại.
Vạn Phật Thánh Thành là đạo tràng tu hành chân chánh. Mọi người đều biết chúng ta tuyệt đối không phải là hạng người lừa gạt, giả dối. Cho nên chúng ta phải thật lòng y giáo phụng hành, chứ đừng mang mặt nạ để dối gạt người đời. Chúng ta cũng không nên có ý tưởng tham muốn những chuyện viển vông, xa rời thực tế. Mình biết bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, như vậy mới đúng là bổn phận của người tu hành. Nếu chúng ta chỉ biết nói suông mà không chịu làm, thì đó chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi, thật không tốt chút nào. Như vậy chúng ta làm sao có hy vọng phục hưng Phật giáo trở lại cho được?
a
Giảng ngày 6 tháng 4 năm 1984a
http://www.dharmasite.net/bdh77/PhatGiaoHungVongNguoiNguoiCoTrachNhiem.htm
Gửi: Mon May 24, 2010 10:11 am Tiêu đề: “Việc gì mình không muốn, chớ đùn đẩy cho người khác.”
Quyết Giữ Ba Đại Tông Chỉ
Các vị Thiện tri thức! Ngày mai là ngày 4 tháng 7, là ngày Quốc Khánh của nước Hoa Kỳ và cũng là ngày thầy Phương Trượng thực tập lên nhậm chức. Vị tân Phương Trượng nầy rất nghiêm khắc, chưa nhậm chức mà đã muốn giết vài người để tế Pháp rồi. Giết ai vậy? Giết giặc! Những kẻ trước đây từng làm giặc, hoặc sẽ làm kẻ giặc trong tương lai, đồng loạt đều phải bị chặt đầu đem bêu trước công chúng. Khi thầy tân Phương Trượng nhậm chức, thì thầy muốn định đặt phép tắc.
Tại sao từ trước đến nay, tôi không đặt ra phép tắc gì cả? Bởi tôi là kẻ nô lệ của Pháp, cho nên đối với tôi thì “everything is OK, no problem!” (mọi chuyện đều OK, chẳng có vấn đề gì). Nhưng vị Phương Trượng mới nầy chuyên chế hơn, vì vậy ông ta muốn giết giặc, giết càng nhiều càng tốt, đó gọi là: “Trảm hết bọn giặc trong Phật Giáo, chỉ để lại Ðại Ðức Cao Tăng.” A La Hán cũng được dịch là kẻ “giết giặc.” Cho nên nói: “Trừ bạo khả dĩ an lương,” nghĩa là trừ kẻ ác cho lương dân được an lành.
Các vị cư sĩ hãy chú ý! Ðừng nghĩ rằng nịnh hót ông tân Phương Trượng là người hộ pháp tốt. Kỳ thật, đó là quý vị cản trở, gây chướng ngại cho sự phát triển của Phật pháp. Vị Phương Trượng cũng không được tùy tiện khen, chê người khác, và cũng đừng bị dao động trước sự khen tặng hoặc phỉ báng. Nếu muốn có người khen mình, vậy nhất định sẽ có người chê mình. Ðó là đạo lý tự nhiên thôi.
Lúc trước chuyện gì tôi cũng cho qua hết, như có người mắng tôi thì tôi cũng bỏ qua, có người khen tôi, tôi cũng quên nốt. Vì vậy bây giờ quý vị tập làm Phương Trượng, tức là quý vị phải bảo trì tông chỉ không khen, không chê. Nếu quý vị không muốn người ta khen mình, thì quý vị không nên khen người ta trước; quý vị không muốn người ta chê mình, thì trước tiên quý vị không nên chê người ta, đó gọi là: “Việc gì mình không muốn, chớ đùn đẩy cho người khác.”Hãy nhớ đấy, đừng gieo những hạt giống không trong sạch!
Các cư sĩ tại gia thấy thầy Phương Trượng mới, bèn muốn cúng dường thầy những thực phẩm đặc biệt—thật ra, đó là hành vi làm bại hoại Phật Pháp Nếu không muốn làm cho Phật Pháp suy sụp thì họ sẽ không “thêu hoa trên gấm,” bày vẽ nầy nọ. Ông Phương Trượng sẽ không chết đói đâu! Dù ông ta có chết đói thì cũng không sao, ai bảo ông ta không lo tu hành? Vả lại, nếu có thể vì Phật Pháp mà chết đói, thì thật vinh hạnh và là một công thần trong Phật Giáo. Cho nên tông chỉ nhất quán của chúng ta là:
Lạnh chết, không phan duyên.
Ðói chết, không hóa duyên.
Nghèo chết, không cầu duyên.
Tùy duyên nhưng không đổi;
Không đổi mà tùy duyên.
Giữ vững ba đại tông chỉ của chúng ta.
Xả mạng vì Phật sự.
Tạo mạng vì bổn sự.
Chánh mạng vì Tăng sự. Gặp sự gì thấu lý ấy,
Hiểu lý gì hành sự ấy.
Tiếp nốì nhất mạch tâm truyền của Tổ Sư.
[Nói với vị tân Phương Trượng:] Ai muốn đơn độc cúng dường riêng cho ông, đó là phan duyên với ông để được ông chú ý, ông có biết điều này không? Nhất là ông còn trẻ, nên đối với điểm nầy, ông cần phải nhận thức hết sức rõ ràng. Tôi đã già rồi, như người ta thường nói “lão nhi vô năng,” già cả thì vô dụng. Nhưng những người trẻ đừng để mấy thứ bẩn thỉu vây bám quanh mình. Hãy nên: “Dù chết cóng vẫn đứng nghênh đầu gió, dù chết đói vẫn ưỡn ngực mà đi.” Hãy làm ngọn đuốc sáng trong cơn gió mạnh, là vàng ròng trong lò lửa lớn, cái gì cũng không sợ cả!
“Lạnh chết, không phan duyên.” Ðây là sự diễn tả về cuộc đời của tôi. Khi tôi ở Mãn Châu, mùa đông cũng như mùa hạ tôi đều mặc ba lớp áo vải như nhau - một lớp áo vải mặc bên trong và ngoài thì khoác một lớp áo với những mảnh vá, từng miếng, từng miếng vá đắp lên trên. Bấy giờ tôi có thấy lạnh không? Lạnh chứ! Thế sao tôi phải kiên trì chịu đựng như thế? Bởi vì tôi muốn “lạnh chết, không phan duyên” đấy!
“Ðói chết, không hóa duyên.” Khi tôi ở trong động Quán Âm, trên núi Phù Dung tại Hồng Kông, cả hai tuần lễ liền tôi không có lương thực. Tôi bèn tọa thiền trong động để chờ chết. Lúc bấy giờ, dưới núi có vị cư sĩ tên là Lao Khoan Thánh, biệt hiệu là “Pháp Sư Bổn Ðịa” của vùng đó. Và ông được Bồ Tát Vi Ðà báo mộng liên tiếp ba lần rằng: “Trong động Quán Âm có vị Pháp sư tên An Từ, ông nên lên đó cúng dường cho ông ta.” Thế là ngày hôm sau, vị cư sĩ nầy vác hơn ba mươi cân gạo và mang theo hơn 70 đồng đến hang động cúng dường tôi. Ba bốn tháng trước khi chuyện nầy xảy ra, ông cư sĩ này bị chó cắn ở chân. Các bác sĩ đông y và tây y chữa trị cho ông cả mấy tháng, nhưng trị không khỏi; họ đành bó tay chịu thua. Bồ Tát Vi Ðà thích lo chuyện của người khác nên mới bảo ông: “Ông đi cúng dường cho vị Pháp sư ở động Quán Âm thì chân sẽ lành ngay.”
Thế là ông ta tin tưởng mà đem gạo và tiền đến cúng dường. Lúc bấy giờ trong động, tôi chuẩn bị chờ chết đói, song xưa nay tôi chưa hề nói với bất cứ người nào rằng: “Xin ông thương xót tôi, đã qua nhiều ngày rồi mà tôi không có gì ăn hết!” Ðó gọi là “đói chết, không hóa duyên.”
“Nghèo chết, không cầu duyên.” Lúc tôi mới đến chùa Nam Hoa ở Quảng Ðông, được thân cận Ðại Lão Hòa Thượng Hư Vân, trên mình tôi chẳng có một đồng một chữ. Cả đến tiền gởi thơ tôi cũng không có, nhưng tôi chưa từng đến các vị cư sĩ để hóa duyên. Bởi vậy ba đại tông chỉ nầy của tôi đều có căn nguyên, chứ không phải vô căn cứ đâu. Bây giờ thầy tân Phương Trượng lên nhậm chức, mọi người chớ nên đơn độc kết giao cảm tình với thầy,muốn thầy có thiện cảm đặc biệt với mình. Nếu quý vị có lòng cúng dường thì hãy cúng dường cho đại chúng, đừng nên cúng dường riêng lẻ cho một ai; bằng không thì chỉ là hại người và phá hoại sự hòa hợp trong Phật Giáo mà thội!
Người xuất gia chớ nên nhụt chí mà hãy nên giữ vững ba tông chỉ trên. Chúng ta nên làm vị thầy tiêu biểu cho trời và người, và chiến đấu với bọn ma quân ở mười phương.
Có người thắc mắc: “Không phải là thầy dạy đồ đệ nên dùng lòng từ bi hỷ xả hay sao? Vậy, tại sao thầy lại dạy họ đấu tranh? Như thế phải chăng là đừng sửa đổi lòng sân hận của mình? Nếu vậy thì làm sao làm vị thầy tiêu biểu cho trời, người được?” Thì bởi muốn làm vị thầy tiêu biểu cho trời và người, thành thử chúng ta mới phải giáo hóa bọn ma quân!
Gửi: Mon May 24, 2010 10:23 am Tiêu đề: Làm cho núi Thiết Vi vỡ vụn
Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát
Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh
Đời Ðường, Tây Thiên Trúc, Sa-Môn Già Phạm Ðạt Ma dịch
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật
(tiếp theo)
Kinh văn:
“HỰU TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, U ẨN ÁM XỨ, TAM ĐỒ CHÚNG SANH, VĂN NGÃ THỬ CHÚ, GIAI ĐẮC LY KHỔ. HỮU CHƯ BỒ-TÁT VỊ GIAI SƠ TRỤ GIẢ, TỐC LINH ĐẮC CỐ; NÃI CHÍ LINH ĐẮC THẬP TRỤ ĐỊA CỐ; HỰU LINH ĐẮC ĐÁO PHẬT ĐỊA CỐ, TỰ NHIÊN THÀNH TỰU TAM THẬP NHỊ TƯỚNG, BÁT THẬP TÙY HÌNH HẢO.
NHƯỢC THANH VĂN NHÂN VĂN THỬ ĐÀ-LA-NI, NHẤT KINH NHĨ GIẢ, TU HÀNH THƯ TẢ THỬ ĐÀ-LA-NI GIẢ, DĨ CHẤT TRỰC TÂM NHƯ PHÁP NHI TRỤ GIẢ; TỨ SA-MÔN QUẢ, BẤT CẦU TỰ ĐẮC.
NHƯỢC TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI NỘI, SƠN HÀ THẠCH BÍCH, TỨ ĐẠI HẢI THỦY, NĂNG LINH DŨNG PHẤT; TU-DI SƠN CẬP THIẾT-VI SƠN, NĂNG LINH DAO ĐỘNG, HỰU LINH TOÁI NHƯ VI TRẦN; KỲ TRUNG CHÚNG SANH, TẤT LINH PHÁT VÔ THƯỢNG BỒ-ĐỀ TÂM.”
“Lại nữa, các chúng sanh trong Tam Đồ, chốn u ẩn hắc ám của Tam Thiên Đại Thiên thế giới, mà nghe được Chú này của Ta thì thảy đều được xa lìa khổ sở; có chư Bồ tát chưa ở ngôi vị Sơ Trụ thì khiến cho mau đắc được, thậm chí khiến cho đắc được Thập Trụ Địa, lại khiến cho đắc tới Phật Địa, tự nhiên thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tùy hình.
Nếu người Thanh Văn nghe Đà La Ni này thoảng qua tai một lần, rồi tu hành, biên chép Đà La Ni này, đem tâm chất trực mà như pháp an trụ, thì quả vị Tứ Sa-môn sẽ không cầu mà tự nhiên chứng đắc.
Trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới, tất cả núi, sông, vách đá, nước trong bốn biển lớn có thể bị làm cho sôi sục trào dâng, núi Tu Di cùng núi Thiết Vi có thể bị làm cho dao động, lại còn bị làm cho vỡ nát thành mảy bụi, các chúng sanh ở trong đó đều khiến cho phát tâm Vô thượng Bồ đề.”
Lược giảng:
Quán Thế Âm Bồ-tát nói tiếp: “Lại nữa, các chúng sanh trong Tam Đồ, chốn u ẩn hắc ám của Tam Thiên Đại Thiên thế giới...”
Trước đây, trong các buổi giảng kinh, chúng ta đã nhiều lần giảng về “tam thiên đại thiên thế giới,” song e rằng vẫn có người không còn nhớ, cho nên tôi sẽ giảng lại lần nữa.
Một nhật nguyệt (tức là một mặt trời và một mặt trăng), một núi Tu Di, một Tứ thiên hạ hợp lại thì gọi là một thế giới.Một ngàn nhật nguyệt, một ngàn núi Tu Di, một ngàn Tứ thiên hạ hợp lại thành một Tiểu thiên thế giới.Một ngàn Tiểu thiên thế giới hợp lại thì thành một Trung thiên thế giới. Một ngàn Trung thiên thế giới hợp lại thì thành một Đại thiên thế giới. Nhân vì chữ “thiên” (ngàn) được lặp lại đến ba lần (tức là ba lần ngàn thế giới kết hợp lại), cho nên gọi là “tam thiên đại thiên thế giới” (ba ngàn đại thiên thế giới).
Tuy rằng trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới này có rất nhiều mặt trời và mặt trăng, cùng rất nhiều núi Tu Di như thế, nhưng vẫn có rất nhiều nơi còn u ám tối tăm. “U” có nghĩa là đen tối; “ẩn” nghĩa là bị che đậy khiến người ta nhìn không thấy. Chốn “hắc ám” tức là nơi không có ánh sáng rọi vào—nơi mà người ta không trông thấy, cũng không nghe thấy được gì cả.
Thế thì, nơi tối tăm hắc ám đó là nơi nào? Đó chính là Tam Đồ! “Tam Đồ” là ba nẻo đường--địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh; lại cũng có thể nói rằng “Tam Đồ” là huyết đồ, đao đồ và hỏa đồ. Nói chung, đó là ba nơi không được tốt đẹp. Tuy rằng không phải là nơi tốt để ở, nhưng vẫn có loại chúng sanh do vì nghiệp báo của chính mình hiển hiện, nhất định phải trú ngụ ở những nơi đó. Song le, nếu các chúng sanh bị đọa lạc trong chốn tối tăm u ám, vĩnh viễn không thấy được ánh sáng mặt trời này “mà nghe được Chú này của Ta thì thảy đều được xa lìa khổ sở, được sự an vui.”
Vậy, đó là Chú gì? Đó là Chú Đại Bi - Đại Bi Tâm Đà La Ni. Vì sao các chúng sanh đó được xa lìa khổ ải, đạt được an vui? Đó là nhờ được nghe Chú Đại Bi nên tất cả bọn họ đều được thoát khổ! Đây là các chúng sanh trong ba đường ác nhờ nghe Chú Đại Bi mà đạt được sự lợi ích như thế.
Lại nữa, nếu như “có chư Bồ tát chưa ở ngôi vị Sơ Trụ thì khiến cho mau đắc được, thậm chí khiến cho đắc được Thập Trụ Địa.” Đây có lẽ là nói về các bậc Bồ tát sơ phát tâm, chưa chứng đắc quả vị Sơ Trụ. Quý vị có biết “Sơ Trụ” là gì không? Không có người nào biết sao? Hiện giờ, chữ đó nằm ở dòng đầu tiên trên bảng, được viết thật rõ ràng rành mạch; và Quả Tu đã giảng cho quý vị nghe rồi, quý vị quên cả rồi hay sao?
Phát Tâm Trụ chính là Sơ Trụ. Vậy, nếu có vị Bồ tát nào chưa đắc quả vị Phát Tâm Trụ mà trì niệm Chú Đại Bi thì vị ấy liền được phát tâm, đắc được Phát Tâm Trụ rất nhanh chóng; thậm chí cả Thập Trụ và Thập Địa cũng đều có thể đắc được.
Trong Thập Trụ thì trụ vị thứ mười là gì? Đó là Quán Đảnh Trụ. Trong Thập Địa, khởi đầu là Hoan Hỷ Địa, thứ đến là Phát Quang Địa, cho đến địa vị thứ mười là Pháp Vân Địa.
“Thập Trụ Địa” là gì? Thập Trụ là gồm từ Phát Tâm Trụ cho đến trụ vị thứ mười là Quán Đảnh Trụ. Chữ “Địa” này là nói về Thập Địa—từ Hoan Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa.
“Lại khiến cho đắc tới Phật Địa. Các vị Bồ tát đó còn có thể chứng được quả vị Phật Địa--Phật Địa chính là Diệu Giác--tự nhiên thành tựu ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tùy hình.” Và, các ngài cũng sẽ tự nhiên thành tựu được ba mươi hai tướng tốt đẹp của bậc đại nhân, cùng tám mươi vẻ đẹp tùy hình.
“Nếu người Thanh Văn nghe Đà La Ni này thoảng qua tai một lần, rồi tu hành, biên chép Đà La Ni này, đem tâm chất trực mà như pháp an trụ ....” Giả sử có những người Nhị Thừa Thanh Văn nghe được Kinh Đại Bi Đà La Ni, dù chỉ một lần thoáng qua tai, và sau đó áp dụng tu hành, hoặc dùng bút mực để biên chép Chú Đà La Ni này. “Tâm chất trực” tức là lòng ngay thẳng chơn chất, không quanh co, cong vạy. “Trực tâm là đạo tràng”—quý vị dùng tâm chất trực mà tu hành thì sẽ đạt được quả vị mà mình hằng mong muốn.
“Trụ” cũng chính là tu hành. “Như pháp nhi trụ” tức là y theo Đại Bi Pháp mà an trụ, nương theo pháp này mà tu hành.
“Thì quả vị Tứ Sa-môn sẽ không cầu mà tự nhiên chứng đắc.” Bốn quả vị Sa môn là Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả; trong đó, quả vị Tứ Sa môn chính là quả vị A La Hán. Cho dù chính bản thân những người Thanh văn đó không hề mong cầu, thì họ cũng vẫn đắc được quả vị Tứ Sa môn.
“Trong cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới, tất cả núi, sông, vách đá, nước trong bốn biển lớn có thể bị làm cho sôi sục trào dâng... Quý vị niệm Chú Đại Bi thì có thể khiến cho nước biển trong tứ đại hải nóng sôi lên sùng sục, núi Tu Di cùng núi Thiết Vi có thể bị làm cho dao động, lại còn bị làm cho vỡ nát thành mảy bụi, các chúng sanh ở trong đó đều khiến cho phát tâm Vô thượng Bồ đề.”
Núi Tu Di tức là núi Diệu Cao; còn núi Thiết Vi chính là dãy núi sắt bao quanh bốn phía của địa ngục.
Quý vị niệm Chú Đại Bi thì có thể khiến cho nước biển trong tứ đại hải nóng lên và sôi sùng sục, và cả núi Thiết Vi lẫn núi Tu Di cũng đều bị rúng động. Ngoài ra, đá và sắt ở trên núi Tu Di cùng núi Thiết Vi cũng có thể bị vỡ vụn thành mảy bụi; đồng thời tất cả chúng sanh ở trong núi Tu Di và núi Thiết Vi đều được khiến cho phát đại Đạo tâm Vô thượng Bồ đề.
-----------------------------
Chú thích :
- Thập Trụ là mười trụ vị, mười địa vị an trụ của Bồ tát Đaị Thừa : Phát tâm trụ, Trì địa trụ, Tu hành trụ, Sanh quý trụ, Phương tiện cụ túc trụ, Chánh tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ và Quán đảnh trụ.
- Thập Địa là mười địa vị của Bồ tát Đại Thừa: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diễm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn