TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - QUÊ HƯƠNG NẮNG GIÓ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

QUÊ HƯƠNG NẮNG GIÓ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2437

Bài gửiGửi: Sun Dec 30, 2007 11:32 pm    Tiêu đề: QUÊ HƯƠNG NẮNG GIÓ
Tác Giả: MINH HIỀN





QUÊ HƯƠNG NẮNG GIÓ

MINH HIỀN


"Quê Hương xa lắc xa lơ
Bâng khuâng thương nhớ vô bờ chốn xưa.
Từ khi chinh chiến xa nhà
Vườn trầu xanh lá, cau ra sai buồng?
Mẹ già tóc trắng như sương
Ðêm đêm còn thoảng nhang thơm khấn cầu?
Lời kinh câu kệ nhiệm mầu
Bình yên con trẻ dãi dầu nắng mưa.
Chiến trường bom đạn mịt mờ
Phật Trời phù hộ con thơ an lành."


Thiên chào đời ở một vùng quê hẻo lánh tại tỉnh lỵ nổi danh cả nước "Ðất cằn sỏi đá" "Nước mưa ít tới nơi này Cho nên Ninh Thuận đất cày sỏi phơi." Quê hương chàng hầu như khô hạn, nắng gió quanh năm suốt tháng. Thôn làng Phước Khánh thiếp mình bên dòng Sông Dinh, con sông nhỏ thân thương, nổi danh nằm sát ngay thị xã Phan Rang. Con sông thường khô cạn quanh năm. Thường thường nước chỉ tràn về đây vào mùa lũ lụt cuối năm. Dân làng Phước Khánh và Gò Ðình chuyên sống về nghề làm nông. Ðặc biệt xóm Gò Ðình nằm cuối làng, chuyên làm bánh hỏi bán cho dân chúng hầu như khắp tỉnh NT

"Gò Ðình, bánh hỏi nổi danh.
Món ăn đặc sản quê mình khó quên.
Giá rau đủ loại mắm nêm,
Cô nàng bán bánh, duyên em mặn mà.
Giai nhân mắt biếc, da ngà
Anh ăn một bữa, khó xa cô nàng."


"Ai về Phước Khánh quê tôi
Trầu xanh mơn mởn, cau phơi nắng hồng.
Khu vườn ngào ngạt hương thơm
Ruộng vườn bát ngát, cô thôn lúa vàng."


Quê của Thiên thật dễ thương chi lạ! Con sông tuổi thơ gắn bó đời chàng. Các anh em Thiên thường hay vớt củi trên sông vào mùa nước lũ, vào mùa đông. Thật là vui! Thân phụ Thiên dáng người cao ráo, nhưng sinh chàng thiếu thước tấc của một đấng trượng phu "Ðội trời đạp đất ở đời". Bù lại, chàng khỏe mạnh, dẻo dai bền sức và tánh tình gan dạ dũng cảm bất khuất, ít chịu thua ai. Ít khi nhịn nhục ai, dù là anh em trong nhà. Chàng hay bất bình khi gặp chuyện gai mắt, trái tai. Tánh hay "Quân tử vặt" ấy mà! Anh hùng rơm. "Anh hùng thấy chuyện bất bằng mà tha" (Nhại Kiều) Ba anh em chàng vốn đoàn kết khi đối diện với kẻ hung hăng, bạo ngược, du đãng.

Thiên còn nhớ hôm đó, ông Bẩy Rìu, biệt danh của gã du đãng, du côn trong vùng quê chàng cư ngụ. Ông này nổi tiếng ngang tàng, bặm trợn, hung hăng, coi trời bằng cái vung. Ông thường ỷ mạnh hiếp đáp kẻ yếu đuối hay cô thế. Vườn tược của ông lỡ có chó, mèo hay gà vịt hàng xóm láng giềng chui qua phá phách thì ông phùng mang. trợn mắt, la lối om sòm, bắt đền thiệt hại dù không đáng kể. Ai cũng ngán ông nể sợ ông già bặm trợn này. Tuy nhiên Thiên không sợ Lão Tướng chút nào. Không sợ mặt rằn, mặt ri nào hết ráo. Không ngán Thằng Tây nào cả. Ta cũng "Anh hùng đứng giữa trần ai mới là!" (Nhại Kiều). Chàng chỉ sợ lẽ phải thôi.

Hôm đó, Thiên nổi máu anh hùng khi thấy ông ta ăn hiếp ông Phước, một nông dân hiền lành, chất phát, hàng xóm với y. Bẩy Rìu trợn mắt nhìn ông Phước (con ông xích mích gây gổ với con ông Bẩy. Con nít chơi với nhau, đánh nhau là thường tình. Nếu làm cha mẹ cứ binh vực con cái mình thì tình nghĩa hàng xóm không êm thắm, mất đẹp. Dễ mất lòng nhau. "Bà con xa không bằng láng giềng gần.") . Ông nhìn ông Phước nói to: "Ông không biết dạy con. Thôi để tôi thay ông trị nó." Vừa dứt lời, ông chấn thằng bé con Ông Phước chừng 11, 12 tuổi một bạt tai nhá lửa. Thằng bé bị đau, sưng vù má, ré khóc to. Nó cứ đứng khóc hu hu, nhìn ông căm thù toát ra đôi mắt to đen. Ông Phước hiền lành, né du đãng lưu manh có tiếng. "Tránh voi không xấu mặt nào"

Lúc bấy giờ Thiên bực mình, không sợ trời trăng mây nước chi cả. Chàng nói to:

- Này ông Bẩy! Chớ hiếp đáp người quá đáng! Ông vừa phải thôi chớ! Ông đâu phải là Vua ở xứ này mà muốn đánh ai thì cứ đánh như thế?

Y kinh ngạc trừng mắt, quay nhìn chàng thiếu niên dám công khai chỉ trích mình trước mặt mọi người. Y tỏ ra tức giận trợn mắt ốc nhồi nhìn chàng. Hàng lông mày rậm rạp như chổi sể như muốn rung rinh đựng ngược lên trong gió chiều phe phẩy của vùng thôn quê hẻo lánh. Một cậu bé miệng còn hôi sữa như thế dám chống lại Ðại Võ Sư Phước Khánh ư? Gan dạ và liều mạng thật. Bẩy Rìu sừng sộ quát to:

- Câm mồm lại thằng kia! Mày dám thách tao ư? Thằng nhóc con muốn vuốt râu hùm phải không? Tao làm gì thì mặc kệ tao, không đụng chạm gì đến mày, biết chưa, thằng ranh con? Tao chấp cả ba anh em mày đấy! Tụi mày dám làm gì tao nào? Thằng nhãi con lắm mồm, dám hỗn láo với Ông Nội mày ư? Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Tao cảnh cáo mày đấy! Coi chừng tao cho một trận đòn nên thân.

Tuy nhiên, Thiên vẫn bình tĩnh gan lì, không sợ y chút nào. Chàng cứ nhìn y đăm đăm, lộ vẻ bất phục và thiếu thiện cảm với người trung niên cao lớn, đang phùng mang trợn mắt như muốn ăn tươi, nuốt sống cậu thiếu niên mới có 17 tuổi. Cậu cất tiếng nói nhanh, giọng trầm, rõ ràng, hơi nhấn mạnh, thách thức, cố tình chọc tức y chơi:

- Ông đừng có ỷ to con, sức mạnh võ sư mà coi trời đất, thiên hạ bằng cái vung, nghe Ông Bẩy? "Núi cao còn có núi cao hơn". "Cao nhân tất hữu cao nhân trị". Tui không ngán ông đâu.

Nghe nói thế, Bẩy Rìu tức giận bầm gan. Y nắm bàn tay mặt to, thô, ngón dài thoòng như vuốt sắt. Cánh tay cọp nổi cuồn cuộn gân xanh, có khắc con Rồng đang nhe nanh uốn lượn. Trông y khớp thật! Y sấn tới phía cậu, đưa tay cao, định đánh vô mặt cậu thiếu niên dám chống cự y. Ðây là lần đầu tiên trong đời giang hồ phiêu lãng của Ðại Hán tung hoành ngang dọc đã quen. Lúc đó, may nhờ bà con đứng quanh can gián kịp thời. Nếu không thì hậu quả sẽ không biết ra sao. Cơn giận dữ dễ đi đến ấu đả, đấm đá nhau. Dễ gây đổ máu. "No mất ngon, giận mất khôn".

Thiên rút lui tức thì. Chàng về nhà mách lại với hai anh mình. Anh Hải tánh nóng như lửa. Anh Châu thì điềm tĩnh hơn. Anh vốn ít nói, nhưng sâu sắc và mưu kế hơn. Anh không ưa kẻ bạo ngược, hung tàn, lỗ mãng, du côn, ỷ mạnh hiếp yếu. Anh gét nhất là những kẻ "Ðội trên, đạp dưới ", những kẻ ỷ quyền, ỷ thế. Những kẻ luôn luôn tỏ ra "Ta đây" hơn người. "Ta đây" tài giỏi. "Ta đây" võ sư. Thế là anh em bàn bạc nhau. Hai anh em cảm thấy bị chạm tự ái, rất bực mình, khi nghe đứa em trai út kể lại mọi việc về Bẩy Rìu, một kẻ thô lỗ, bậm trợn, ngang tàng có tiếng trong làng lâu nay. Họ vốn không cảm tình với tên già không biết điều, mất nết, thiếu khéo léo, khôn ngoan trong xử sự với bà con hàng xóm láng giềng. Vì vậy, tối hôm đó, họ vây quanh căn gác Ông Bẩy. Họ lấy cành cây khô chất quanh định đốt cho tan xác nhà Ông Bẩy. Cho kẻ hung hăng, du đãng, cùng gia đình đi theo Thần Hỏa luôn. Thật ra, họ chỉ muốn hù dọa cảnh cáo y thôi. Cho y một bài học về Luật Giang Hồ, về Xã Hội Ðen, ngõ hầu y có thể tu tỉnh, bỏ thói ỷ mạnh hiếp yếu. Biết người, biết ta. Biết bao dung, khiêm nhường và từ tốn hơn.

"Trông mặt mà bắt hình dong
Thấy người yếu đuối, cứ hòng ra oai.
Cứ mà bắt nạt hoài hoài
Lưu manh, du đãng trổ mòi ta đây"


Lúc bấy giờ, dầu đã tưới vô cây, cành lá khô chung quanh ngôi nhà có gác của Ông Bẩy. Máy quẹt đã sẵn sàng chờ khai hỏa thôi. Nhưng Ông Hải ôn tồn bảo nhỏ các em:

- Mình chỉ nên cảnh cáo ông ta thôi. Ðể xem y có biết sợ không? Có tởn không? Chúng ta phải dằn mặt tay hung hăng, ỷ mạnh hiếp yếu này. Chúng ta trừ hại cho dân lành. Chỉ nên "Rung cây nhát khỉ thôi". Chớ nên hại cả nhà. Vợ con ông ta vô tội.

Quả nhiên, khi Bẩy Rìu nhìn ngôi nhà có gác của mình sắp bị lửa thiêu tứ phía. Mình và vợ con mình, mạng sống đang bị đe dọa trầm trọng. Coi mòi khó bề thoát khỏi tử vong. Y chỉ là một con người bằng xương bằng thịt. Lại cô thế trước ba tay dao búa đang hầm hầm cầm gậy gộc đứng bên ngoài. Họ chờ đả thương ông. Dù tức giận họ ghê lắm, nhưng ông thấy mình đơn chiếc, đang ở cơ hạ phong. Họ chiếm thượng phong. Mình là kẻ sa cơ thất thế. Thật tình mà nói. Ông ngán nhất thằng Châu, cũng võ sư, đô con, lại trẻ hơn ông. Thằng Hải, anh trưởng, cũng nóng tính, gan lì, hay liều mạng có tiếng xưa nay. Nó thuộc dạng "Bán Trời không mời Thiên Lôi". Bẩy Rìu từ trên gác ló đầu ra, nhìn xuống ba hiệp sĩ đang ở tư thế chuẩn bị khai hỏa thiêu rụi cả nhà y. Ông ta vội la to, giọng oang oang rền như sấm:

- Xin đừng đốt! Khoan đã! Hãy bình tĩnh. Có gì anh em nên nói với nhau. Xin tha kẻ già này đi. Tôi xin lỗi đã đụng chạm đến các anh em. "Già cả lẩm cẩm. Khi giận nói năng thiếu suy nghĩ". Mong các anh em tha cho một phen. Tôi thành thật xin lỗi anh Hải, anh Châu và em Thiên. Lần sau, tại hạ không dám xúc phạm đến quý vị nữa.

Ông Hải coi mòi y đã ngán họ rồi, lại xuống nước nhỏ, giọng thành thật, nể họ. Vốn có lòng tư tâm, hòa nhã. Cực chẳng đã ông mới dùng hạ sách này để mong làm y sợ hãi và sẽ tu tỉnh, từ bỏ dần thói côn đồ, du đãng, hay hiếp đáp những kẻ cô thế, neo đơn trong làng xóm lây nay. Ông Hải ngước nhìn lên gác, nói to, giọng ôn tồn, nhưng cương quyết dứt khoát, rõ ràng và có tính cách thuyết phục kẻ phàm phu tục tử, lỗ mãng, hung hăng:

- Này Ông Bẩy! Ông hãy thề trước Trời đất chứng giám cho lòng thành khẩn của Ông là Ông sẽ từ bỏ tánh hà hiếp bà con cô bác. Không chơi trội với anh em nữa. Nếu không thì chúng tôi không tin Ông sẽ sửa đổi...

Bẩy Râu kinh ngạc nhìn ba người trong tư thế nghiêm trang, lạnh lùng, hầm hầm, chỉ muốn trừng trị y đích đáng. Ông ta im lặng vài giây, cố nén cơn căm tức tràn hông như muốn dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Nếu như Ông chống lại yêu cầu này, thì không lợi cho Ông chút nào. Họ đang cầm cán dao chĩa về mình. Thằng Hải nói là làm, xưa nay vẫn thế! Còn thằng Châu mắt sáng long lanh như dao, nhìn Ông đăm đăm chờ đợi. Tại y đã xài "Luật Rừng", chơi công thức: "Lý của kẻ mạnh là lý tốt nhất" (La raison du plus fort est toujours la meilleuse) (La Fontaine) tại nơi thôn quê hẻo lánh này, kia mà! Hôm nay bị Tổ Trác. Gặp quả báo nhãn tiền chăng? Luật pháp, phải trái, công lý tính sau. Trước tiên, gia đình ông bị thiệt hại cái đã! Nhà cửa tiêu tan. Thật khó thoát khỏi ba tay dũng mãnh, gan lì, liều mạng này. Ông chợt nhớ đến Ông Lý suôi gia với gia đình Ông Hải. Ông Lý là nhạc phụ của Châu đã có lần ỷ mạnh và giàu có thế thần trong làng hiếp đáp Hải. Trong lúc nóng giận, Hải đã quay chiếc gầu sòng đập vào ngực ông này, trong khi bộ hạ và bà con của ông Ly đứng quanh hai người. Họ không thể bênh vực ông và trừng trị ông Hải được vì ngại tính liều mạng, làm ẩu, bất khuất phục, ngang tàng, bướng bỉnh của Hải. Hậu quả sẽ khó lường, nếu họ can thiệp giúp ông Lý lúc đó. Ông Hải nổi tiếng liều lĩnh, không ngán kẻ cường hào ác bá, không ngán thằng Tây nào cả, mặc dù bình thường ông vẫn hiền khô như Bụt. Tánh Hải thật đặc biệt. Ðôi khi tỏ ra không sợ chết/sống gì cả. Vì thế, ông Lý, sau khi đè nén lửa giận hừng hực, ngực ông bị chiếc gầu sòng to lớn va vào rất đau đớn, bảo các cháu và thuộc hạ mình (Chúng đang chờ lệnh Xếp Sòng quyết định trận chiến với Hải):

- Thôi ta hãy tạm nhịn hắn một phen! Việc này sẽ tính sau.

Ðám kia đang hầm hầm căm hận nhìn Hải, chỉ muốn đả thương y đích đáng để trả thù cho Chủ. Chúng đành tuân lệnh bề trên để Hải ra về an toàn xa lộ hôm đó.

Cho nên, thật tình mà nói, lúc này, Bẩy Rìu thất thế đứng trên gác, cũng tỏ vẻ e dè, ngại ngùng ba chàng hiệp sĩ áo vải bạc màu. Họ đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, quyết ăn thua với Lão Tướng. Một cự ba. Khó nắm phần thắng dù ông đô con và có nghề ngón phòng thân. Ông đã cao niên, sức khỏe và sức mạnh cũng giảm sút. Bọn trai trẻ dồi dào sức lực. "Sức khỏe bẻ gẫy sừng trâu". Chúng liều mạng, bặm trợn táo bạo, bền bỉ chiến đấu. "Mãnh hổ nan địch quần hồ". Cuối cùng, Ông đành xuống nước:

- Thôi anh Hải, anh Châu và em Thiên. Anh Bẩy xin giảng hòa với các em. Xin lỗi nhé! Hãy bỏ qua vụ lỗ mãng, vớ vẩn lần này đi! Chuyện chả có ra gì. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không đi! "Dĩ hòa vi quý" là tốt nhất. Mình người cùng quê mà các em. Ta sẽ không đụng chạm mích lòng nhau nữa. Anh hứa sẽ không còn hung hăng, hà hiếp bà con nữa. Tư đây anh sẽ vui vẻ hoà nhã với mọi người. "Bà con xa không bằng xóm láng giềng gần". Các em có ăn học, chắc hiều rõ điều này.

Thế là từ đó Bẩy Rìu đổi tánh. Không dám ỷ mạnh hiếp yếu nữa.

Thiên còn nhớ quãng thời gian chàng sống với cha mẹ và anh em ở quê nhà. Mẹ chàng dáng nhỏ gầy, nhưng khỏe mạnh siêng năng, cần mẫn. Bà luôn luôn cần cù chăm sóc vườn trầu cau, cam chuối, hầu như quanh năm suốt tháng để bán kiếm tiền nuôi dưỡng một bày con dại. Thân phụ chàng bị bịnh phổi từ lâu. Suốt ngày, ông gần như nằm trên bộ ván hay chiếc giường nghỉ ngơi. Ông lại khó tánh, hay gắt gỏng rày la, mắng nhiếc các con và cháu Nội khi chúng sai quấy hay làm phiền hà ông già gì đó. Ông Chú, em kế của cha Thiên ở La Chữ trước kia, rồi chuyển về cư ngụ tại thị trấn Phú Quý. Ông này tuy giàu có, nhưng tỏ ra không hào sảng với ông anh ruột và các cháu của mình. Anh Hai chàng có kể lại cách xử sự không được tế nhị, đã làm anh hờn giận ông Chú keo kiết vô cùng. Nhà nghèo, không có tiền mua thuồc lá hút, cha chàng chỉ hút thuốc rê vấn. Người em trai kế duy nhất của ông, có của ăn, của để, nhà ngói, ruộng vườn, rẫy trồng thuôc lá mênh mông, cá đồng bắt về rong đầy hồ. Tuy nhiên, mỗi lần cha chàng sai Anh Hai lên Phú Quý xin thuốc lá. Dĩ nhiên không dám xin cá rô, cá trê, cá trầu nhốt trong hồ, trong lu, không được động đến, mó vào. Ông Cửu nhìn cháu, áo quần cũ rích, bạc phết. Ông thường tỏ vẻ than vãn vu vơ:

- Có anh em nhà nghèo. Cứ xin thuốc lá hoài. Mình nghèo cũng vì anh em. Mày nghèo gì mà mùi hôi của mày cũng toát ra mùi nghèo tơi tả, xơ xác, vậy Hải?

Thật là bất nhẫn và xấu hổ quá trời! Chỉ cần một ít thuốc lá chưa xắt ra, chàng phải đi bộ thật xa lắc, xa lơ. Chàng cuốc lô ca chân từ Phước Khánh xuống Gò Ðình rồi rẽ qua Phú Quý để xin cho cha mình. Bị ông Chú chọc quê. Hải buồn ghê lắm! Anh kể lại cho Thiên nghe chuyện này. Thiên cũng tức nữa. Quả là:

"Giàu cha, giàu mẹ thì ham Giàu anh giàu chị, ai làm nấy ăn." Phải không quý vị?

Hồi ấy, kỷ niệm vui lắm là đi gặt mướn ở xa. Thiên còn nhớ rõ mồn một hà. Ba anh em cứ đến mùa lúa chín là lang thang đi gặt thuê. Anh Châu vốn võ sư, khỏe mạnh, cường tráng, đẹp trai nhất nhà. Anh lại có số đào hoa, phong nhã. bản tính hay ưa bay bướm phong lưu. Sư huynh thường tỏ ra ưa đàn bà, thích phụ nữ xinh đẹp và thường được các cô, các nường sồn sồn hay gái mới lớn lên, mới nhổ giò, trổ mã, đáp tình. Thế mới có vấn đề rắc rối chứ.

"Ða tình, đa cảm, đa mang
Lắm cô, lắm thiếp, lắm nàng sáp vô.
Phong lưu, bay bướm hào hoa
Giai nhân mắt biếc la cà tán chơi."


Có lần họ gặt tận Hữu Ðức, Phú Quý, Hậu Sanh... Châu gặp hai Chiêm Nữ đều xinh đẹp. Nhị Kiều chính hiệu dân Chàm nòi, một trăm phần trăm, anh ơi! "Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười" Hai giai nhân con cháu của Chế Mân, Chế Bồng Nga hay Nữ Thánh Ni Na, một công chúa diễm lệ của vương quốc Champa xa xưa. Sắc đẹp của hai nàng ngang ngửa "Kẻ non tám lạng, người già nửa cân" Một nàng da ngăm nhưng thân hình tuyệt mỹ ở Hữu Ðức. Một nàng da trắng kiều diễm vô cùng ở Hậu Sanh. Châu sợ nếu mình không kềm chế được đam mê, lỡ đi sâu vào Thiên Thai Tiên Ðộng mà bị trục trặc, không thể ăn đời, ở kiếp với má hồng, thì toi đời. Châu sợ họ thuê Thầy Chang/Thầy Sế ếm như bao người trai khác đã bị trả thù vì phụ tình Chiêm Nữ ý trung nhân.

Công chúa Hữu Ðức lúc đó chừng 18, 20 xuân xanh, thường thủ thỉ bên tai Châu nhiều đêm liền bên thác nước nhỏ gần La Chữ: "Em thương anh Châu lắm! Em muốn cưới anh, chịu hôn chàng?" Nhưng người hùng Phước Khánh còn ngại ghê lắm, trời ạ!

"Chỉ là âu yếm vành ngoài
Vành trong không dám động người băng trinh.
Thiên Thai đã mở đường xanh
Ðộng Ðào mây rẽ nẻo tình đam mê.
Nhưng mà e ngại. rụ rè
Ðắm say thì phải ão nề tương lai."


Còn cô nàng da trắng Hậu Sanh thì sao? Thục nữ chừng 21, 22 mùa xuân là cùng. Nàng cứ thỏ thẻ, rù rì bên tai chàng trai không thuộc Ðàng Ta, nhưng khôi ngô tuấn tú không thua gì Phan An, Tống Ngọc, Kim Trọng hay Tiểu Phi/ Ðạo Soái Lưu Hương của Kim Dung, khi hai người tâm sự cạnh Tháp Chàm ở địa phương vào những đêm trăng vằng vặc tuyệt vời: "Em thương anh Bẩy (Bẩy là thứ trong nhà của Châu) nhiều lắm! Em sẽ mang quà hỏi cưới đến nhà anh. Anh chịu hôn, anh Bẩy?" Thật vậy, sau mùa gặt, các hiệp sĩ trở về nhà không lâu, hai cô gái nói trên, lần lượt, cách nhau có mấy ngày, quang lâm tệ xá của người hùng võ sư Phước Khánh. Nhị Kiều tuyệt thế giai nhân, đội quả, dáng bước thướt tha yểu điệu, diễm lệ thục nữ Chiêm Nương, trong tấm chăn mới tinh quấn quanh người ngọc, lòe loẹt màu sắc sặc sỡ, đến nhà cha mẹ Châu xin hỏi cưới chàng theo phong tục Chiêm Thành, Trời đất!

- Con thương anh Bẩy. Xin hai bác cho con hỏi cưới anh Bẩy!

Trời đất ơi, hết ý! Ông cụ hứ cái rụp. Lúc đó hôn nhân dị chủng khó lắm, không cởi mở hòa ái, bao dung như ngày nay, thưa bà con, cô bác. Quả là:

"Ða tình, đa lụy, đa mang
Phong lưu nên lắm cô nàng mến thương.
Ðàng em muốn cưới được chàng
Nhưng mà ông cụ hung hăng chối dài.
Tẽn tò đội quả về thôi
Sao không nói trước khi ngồi bên em? "


Ngoài ra, Thiên còn nhớ kỷ niệm để đời là anh chàng Châu dự đấu võ đài thật hấp dẫn, hào hứng tại ngay làng Phước Khánh. Khán đài dựng lên phia trước trường học nằm giữa làng và gần ngôi Ðình. Gần khu nhà làng có cây đa cao chất ngất. Anh Châu là võ sĩ nổi danh lúc đó. Hiệp sĩ đã hạ đối thủ sau nhiều hiệp. Thắng điểm chứ không có knocked out địch thủ. Từ đó anh vang danh cả một vùng quê hẻo lánh. Trong làng, lúc bấy giờ có ông phú hộ. Ông này không có con trai, chỉ có nhị kiều xinh đẹp. Nhất là Tiểu Kiều thì nổi danh hoa khôi nhất xóm rồi. Nàng xinh đẹp vô cùng. Quả là cô chiêu, tiểu thư. Nhà giàu lại kiều diễm nên có nhiều thanh niên theo đuổi tán tỉnh giai nhân. Họ xin cầu hôn với thục nữ Phước Khánh. Anh Châu cũng say mê người đẹp hết nói. Nhưng ông phú hộ lại khác đạo với gia đình chàng mới rắc rối. Ông ta theo Ðạo Cao Ðài. Còn chàng Phật Giáo. Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thờ con mắt. Ngoài ra Ðạo này cũng thờ Chúa Giê Su, Ðức Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát... Bố cô Hoa chê Châu nghèo lại không có học thức cao. Chàng nông dân nòi, một trăm phấn trăm, em ơi này, không có gì nổi bật xuất sắc trong số nhiều người muốn hỏi cưới con gái ông làm vợ. Khi gia đình Thiên cậy người mai mối đến hỏi Hoa làm vợ cho anh Châu mình thì bị cha nàng từ chối thẳng thừng. Bị bẽ mặt, Châu tức lắm, bị chạm tự ái như bị điện giật. Tuy nhiên chàng không chịu bỏ cuộc. Nhờ bộ vó ngầu ngầu, hùng dũng hiên ngang và cái mã bảnh bao khôi ngô tuấn tú. Ngoài ra, chàng cũng có tài ăn nói khéo léo, tỏ tình và tán tỉnh tuyệt vời, ga lăng hết mực. Nên người hùng đã chinh phục được con tim của giai nhân. Con gái cưng, út rượu đã thương, cha mẹ khó lòng từ chối, sợ làm buồn con mình.

"Giai nhân giờ đã yêu chàng
Mẹ cha nào dễ cản ngăn cuộc tình.
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Ai mà ngăn được Ba Sinh hai người."


Thế là, cuối cùng người hùng điển trai, võ sư đã cưới được hoa khôi, nhà giàu nhất Phước Khánh làm phu nhân. "Thương chàng, thiếp quyết di theo, Khổ đau thiếp chịu, đói nghèo thiếp cam" (Ca dao)

Cuộc sống ở thôn dã quê mùa, cứ thế bình thản, lặng lẽ trôi qua như một giấc mộng. Ðời quả thật là một giấc mộng. Kiếp nhân sinh như gió thoảng, hương bay, phải không quý vị? Chàng trai nông dân chất phát lớn dần theo năm tháng. Thiên còn nhớ hồi đó chàng chứng kiến một vụ ăn trộm tại làng mình. Vụ trộm này đã nổi danh được nhiều người truyền tụng, kể lại cho kẻ hậu sanh hay con cháu nghe cho vui trong lúc rỗi việc đồng áng, ruộng nương.

Ðêm đó, nhà anh Thâm, con của vị sư trụ trì Chùa Phước Khánh bị trộm viếng. Cả nhà bị thuốc mê xông vào làm cho ngủ thiếp, trong khi kẻ trộm đào dưới đất ngang qua cửa cái chui vào. Tuy nhiên tiền bạc, nữ trang gia chủ cất giữ quá kỹ lưỡng, kín đáo, nên họ không bị mất mát gì quý giá. Ðến khi người trong nhà tỉnh lại thì tên trộm chuyên nghiệp đã cao chạy xa bay từ hồi nào. Lúc họ phát hiện lỗ chui, thất kinh la làng, la xóm bời bời, inh ỏi thì đã quá muộn màng. Hàng xóm láng giềng bu lại chỉ thấy lỗ chui, đất gạch bới tung, tứ nhãng âm binh. Tên hắc đạo đã biến vào đêm đen thăm thẳm mịt mù từ khuya. Sáng sớm hôm sau thiên hạ loan tin nhau kẻ trộm đêm hôm đã bị sa lưới. Thế là dân chúng rủ nhau kéo tới nhà làng giữa xóm đông vô kể, bà con ạ! Họ bu quanh coi như dám hát lúc trời vừa tảng sáng.

Thật vậy, tên trộm bị trói ké đặt nằm trên mặt đất ở một góc sân. Có hai tuần canh coi giữ tên tội phạm. Một dân làng trung niên, tỏ ra thương hại kẻ xấu số bị sa cơ thất thế, nhìn y thương xót. Nét từ bi lấp lánh qua đôi mắt hiền từ của kẻ thiện tâm. Chốc chốc ông chắt lưỡi, thở dài như thương hại vu vơ, vớ vẩn. Hắc đạo chừng 40 tuổi, đô con, đầu tóc lù xù. Y mặc chiếc áo thun màu cháo lòng, rách vài chỗ. Chiếc quần đùi bạc phếch lấm bùn bê bết. Da ngăm ngăm màu sương gió dạn dày gai góc chai lì phong trần chìm nổi. Ðội mắt to sáng quắt, láo liêng, như còn lấp lánh, lung linh, lờ đờ mệt mỏi hiện rõ nét. Miệng rộng, tai nhỏ. Râu mép nhấp nhô lưa thưa. Y trông như một đại hán. Tuy bị đánh bại, trói tay chân như hùm thiêng thọ nạn, như sư tử bị sập bẫy, sa cơ, y vẫn giữ vẻ trầm tĩnh, thản nhiên hiên ngang và chai lì. Quả là người hùng "Ðội trời, đạp đất ở đời Ta là Ðạo Soái chẳng thôi tung hoành." (Nhại Kiều). Y trừng mắt nhìn lại những ai tỏ vẻ khinh bỉ, chế riễu coi thường y. Y không hề biểu lộ chút nào sợ hãi hay van xin ai cả. Lúc này người trung niên mặt mày hiền lành phúc hậu nhẹ nhàng hỏi y:

- Ông anh tướng mạo hiên ngang, oai vệ, cường tráng, khỏe mạnh như thế. Sao lại chơi nghề này cho phiền thế?

Tên trộm ngây người, ngạc nhiên nhìn khách, mỉm cười, nói năng từ tốn hòa nhã, thật lòng, không lộ ác ý hay mỉa mai oán thù gì cả. Y nhếch mép cười khổ. Trán bị khoét một lỗ sâu hoắm bằng khu chén, còn rịn máu đỏ lòm ri rỉ. Ðôi má bị bầm dập đen tím nhiều chỗ. Giọng y vẫn ấm và rõ ràng như một diễn giả có tài hùng biện, mặc dù mình đang bị thương nặng. Y quả có sức lực dồi dào hiếm thấy ở người khác trong một cảnh ngộ tang thương, bi đát, tơi tả, thê thảm như thế. Y bình thản trả lời lưu loát trôi chảy thật lòng:

- Tôi làm nghề này vì thấy đời bất công. Kẻ giàu bóc lột người nghèo. Người có chức, có quyền nhũng lạm, hà hiếp, đì những kẻ nghèo khổ, yếu đuối, cô thế, neo đơn. Cuộc đời này không có tình thương yêu thật sự. Chỉ là bất công, đạo đức giả. Vì vậy, tôi bất mãn làm nghề đạo tặc, tìm nhà giàu có để lấy của. Thật ra thiếu gì kẻ cướp ngày, cướp đêm. Người đời chỉ oán ghét, khinh khi kẻ chuyên móc túi, lừa đảo, trộm cắp thanh thiên bạch nhật hay bọn hắc đạo làm ăn trong bóng tối. Thiếu gì những kẻ cho vay nặng lãi, đầu cơ tích trữ, bóc lột tinh vi, những quan lại tham ô, nhũng lạm của công, của dân, mua quan bán tước, chuyên ăn hối lộ, vì quyền vì lợi cá nhân, vì bả vinh hoa phú quý, vật chất, làm tay sai cho ngoại bang, hại nước, hại dân. Họ chỉ biết có tiền, chỉ biết hốt cho đầy tùi, bất chấp đạo lý lẽ phải, công lý... "Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi ". .. Kể sao cho hết, thưa ông. Tôi là kẻ ít học thấy sao nói thế.

Một tên trộm nói năng lưu loát, hoạt bát. Lý luận mạch lạc, trôi chảy, dẫn chứng biện minh hành động bất chánh của mìnhä thật là đáng nể. Chứng tỏ y không phải hạng dốt nát, thô lỗ, côn đồ, hèn mọn, cặn bã của xã hội, chút nào như chúng ta thường thấy hằng ngày.

"Người đời chỉ ghét trộm đêm
Cướp ngày, ăn cắp truy tìm kẻ gian.
Bao nhiêu ác bá, tham quan
Ăn tiền hối lộ, lũ đoàn hại dân.
Ðầu cơ tích trữ vinh thân
Sống trên xương máu, lầm than kẻ nghèo.
Phây phây bọn xấu hùa theo
Bất công nhan nhản, ai nào đấu tranh."


Sau đó Ban Hội Tề làng Phước Khánh cho hai người tráng đinh khiêng y xuống Phan Rang, cho vào bịnh viện tỉnh. Quan Mật Thám Pháp đến nơi tra vấn kẻ trộm bị sa lưới pháp luật. Người thông dịch viên kể lại đầu đuôi câu chuyện, Quan Tây tức giận đá mạnh y mấy cái vào lưng. Y ngã xuống thềm xi măng và tắt thở. Y bị đánh nặng đêm hôm thương tích không được săn sóc, đói khát cả đêm. Y kiệt sức lại bị tống thêm mấy cú đạp nặng nề, đau đớn. Làm sao y chịu đựng nổi. Dẫu sao y cũng chỉ là một con người phàm tục, khốn khổ sa cơ thất thế, bị bức hại, trừng phạt. "Bụng làm dạ chịu", trách ai được, phải không quý vị? Nghe nói gia đình y ở Sông Cạn, Mỹ Ðức. Khi thân nhân nghe hung tin, cũng tìm đến nơi. Họ chỉ đứng xa xa mà nhìn. Họ không dám nhận xác đem về vì sợ bị rắc rối, liên lụy. Nghe nói chính quyền cho chôn y ở đâu đó trên núi Cà Ðú. Thật là tội nghiệp, bi thảm tang thương cho một kiếp người. Vì bất mãn sự bất công của xã hội loài người mà phải làm nghề hắc đạo, chuyên trộm cắp để sinh sống.

"Thương thay cho một kiếp người
Theo nghề hắc đạo, thù đời bất công.
Sa cơ đến bước đường cùng
Phải cam nhục nhã, chết trông tủi hờn.
Người thân chẳng dám nhận chôn
Mồ hoang nghĩa địa, linh hồn phiêu diêu"


Thiên còn nhớ rõ ràng quê hương thân yêu bé tẻo tẹo như cái bàn tay của mình vậy. Trong một vùng hẻo lánh đìu hiu như thế, cũng có những nhân vật thật sự nổi danh một thời. Thật thế, Ba Râu có thể coi là một người hùng. Ông ta nổi tiếng vô cùng làm chàng Thiên kính phục sát đất. Lúc bấy giờ, trong thôn có hai ông Ba: Ba Râu và Ba Nháy. Hai ông đều có tiếng tăm chút chút, bà con ạ! Hai ông đều sức khỏe dồi dào cường tráng, sức mạnh đặc biệt hơn người và tài ẩm thực cũng như nhiều tài năng khác. Ít ai sánh kịp. Ba Râu dáng người tầm thước roi con. Ba Nháy vì có tật mắt hay nháy nên bịệt danh này mang theo suốt đời hiệp sĩ. Ba Nháy ở xóm dưới gần thôn Gò Ðình. Ba Râu ở xóm giữa. Ba Nháy đô con, phốp pháp, cao to. Bụng phệ như các Sì Thẩu Hoa kiều ở Chợ Lớn hay giống hình ngài Quang Ðịa Thần Tài mà các nhà buôn bán hay thờ trong sạp hàng, hay tiệm tạp hóa. Cũng có người nói ông giống hình Ngài Di Lặc Bồ Tát. Mặt tròn trịa, đầy đặn, hay cười vui vẻ. Có một đám con nít lục tặc thường quanh quẩn bên Ngài "Ðương lai hạ sanh Ðức Phật" này. Hai ông nổi danh về nhiều mặt, nhất là về ăn uống mạnh mẽ không thua gì Tạ Ôn Ðình, Hạ Hầu Ðôn, Tiết Nhơn Quý... trong truyện Tàu. Ba Râu nổi danh trong làng như một huyền thoại. Có người thấy ông roi roi con, bụng xẹp lép, nên cá độ ông ăn hết nồi cơm nấu một kí gạo, với cá kho. Nếu ông ăn hết thì thắng cuộc. ngược lại thì thua. Ba Râu nhận cá độ và thắng cuộc. Thật ra một kí gạo gồm bốn loon sữa bò, ít nhất từ 12-15 chén cơm. Bụng xẹp, nhỏ thôi, mà xơi hết ngần ấy chén cơm. Quả thật lạ lùng hiếm thấy trên đời. Một bà bán chè đậu ván đã cá ông ăn khoảng 1/3 xoong chè chừng 18-20 chén. Nồi chè bắc trên chậu lửa liu riu. Ðiều kiện đánh cá là dùng muỗng múc chè nóng, chỉ thổi một lần, rồi húp. Ông ăn hết thì khỏi trả tiền, ngược lại phải trả gấp ba giá nồi chè. Ông nhận cá độ. Ông cũng thắng cuộc. Thật là tài ẩm thực tuyệt vời hiếm có. Nghe đồn ông Tám Hổ trên xóm Vạn Phước, lưng cọp tay vượn, to con như Phàn Khoái phò Hán Cao Tổ trong truyện Hán Sở Tranh Hùng, đã thử tài về dùng sức kéo xe bò chở đầy củi trện đường quê sình lầy ban đêm. Hai người có sức mạnh "Long tranh Hổ đấu" coi như ngang ngửa. "Kẻ non tám lạng, người già nửa cân". Ông Ba Râu cũng nổi tiếng như Tám Hổ về tài chặt củi rừng với tốc độ nhanh một người chặt, một người chuyển ra xe bò đậu ven đường rừng không kịp. Hai ông đều có tài bơi lội vớt củi trên sông Dinh vào mưa nước lũ hằng năm. Ba Râu số một, Tám Hổ phải nhường bạn một bực. Ba Râu thắng cuộc khi bơi bên này sông nước lớn miệng ngậm điếu thuốc qua bên kia bờ, điếu thuốc vẫn còn cháy. Ðiểm đến bờ cách xa khởi điểm bên kia tính theo dường thẳng không quá ba mét. Ông nhận cá độ và thắng. Thế có tài không, thưa quý vị? Ngoài ra, Ba Râu còn nổi tiếng có tài kiên nhẫn theo tán tỉnh người đẹp, tiểu thư Phước Khánh, con ông Phú Hộ, cũng ly kỳ hấp dẫn, ba chìm bẩy nổi chín long đong của anh hùng áo vải trái tim đa cảm mê mệt thục nữ. Sau đó Phú Hộ phải chìu con khi nàng út rượu của mình đã cảm động tấm chân tình của anh hùng đa tài, đa dạng, đa năng và cũng đa tình, đa cảm chút chút, bà con ạ!

Thiên có nhiều kỷ niệm vui buồn, êm đềm, thân ái của tuổi hoa niên nơi vùng quê hương yêu quý của mình, nơi chôn nhau cắt rốn của chàng. Chính là đất mẹ, là quê cha đất tổ. Là Cố Quận của ai. Những hoài niệm ấy vẫn cứ ấm áp, xanh tươi, mượt mà lấp lánh trong vùng trời ký ức của chàng trai thời loạn. Chiến tranh bùng nổ và chàng phải xa quê. Nhưng tâm hồn nam nhi vẫn hướng về người thân, về bạn bè cũng như con sông tuổi thơ và thôn làng đầy ắp những kỷ niệm tuyệt vời. Những hoài niệm ấy chắc theo chàng suốt đời suốt kiếp.

"Quê hương nắng gió của chàng,
Quê hương Ninh Thuận vô vàn thân thương.
Quê hương cách biệt dặm trường
Vẫn xanh biêng biếc hồn chàng ở xa."


MINH HIỀN


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân