TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Quan Phu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Quan Phu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Wed Mar 31, 2010 12:18 am    Tiêu đề: Quan Phu
Tác Giả: Miêng

"Quan Phu"

Như những bất ngờ vẫn thường tìm đến trong đời, tôi gặp lại cô học trò cũ là một sắp xếp đầy phép lạ.
Hãng cử đi Paris làm việc ba tháng, thay cho anh bạn đồng nghiệp vợ dở chứng sinh non, bịnh hoạn liệt giường. Nghiệp dư viết lách cho tôi cơ hội gặp gỡ các nhà văn trong bữa ăn tối bạn mời. Tình cờ ngồi đối diện “cây bút” ngồ ngộ, thuộc dân da vàng nướng hơi quá lửa. Ngộ nhất cây bút… mực chốc chốc nhìn cười cười. Moi mãi trong đầu dù men bia (ngay cả men chiến thắng) cũng không thể làm mờ trí não, vẫn không cách gì nhớ có quen với cây bút mực đó không. Bạn giới thiệu tên rõ ràng lạ hoắc (tôi thừa máu văn mình vợ người, chẳng bao giờ đọc văn người khác). Khi uống trà, cây bút mực tự động lăn tới, vẫn cười cười:

- Ðủ thấy thầy không thay đổi bao nhiêu, còn em thì khác xưa quá chừng!

Tôi chưng hửng ngước nhìn. Thầy! Sao… Khổng Tử vậy! Bao năm lưu lạc xứ người, tôi quên bẵng có thời mình đã “làm thầy” thiên hạ, bây giờ nghe lại, lúng túng gà mắc phải tóc. Tôi trố mắt nhìn cây bút mực, ngờ ngợ, hồi hộp, sung sướng, lo âu vô cớ.

- Em là…

- Nhớ rồi, nhớ rồi. Trời ơi coi em ơ… cô lạ hẳn đi.

Cô cười khanh khách:

- Thì gần hai chục năm rồi mà thầy!

Ơ, gần hai chục năm! Cô học trò giỏi văn của tôi ngày nào, bây giờ thành bạn văn và vẫn còn nhớ tình thầy trò. (Tôi thuộc loại chẳng tệ. Bởi thế hồi tiểu học làm bài luận tả ông nội, tôi hạ bút viết liền “nhà em có nuôi một ông nội…”). Bây giờ dẫu sao, cũng nằm trong vòng rất… rộng rãi các tên được gọi là “nhà”.

Hồi hăm hai tuổi, mới tốt nghiệp sư phạm, tôi bị đày về tỉnh cô, một tỉnh nhỏ đi vòng vòng vài phút không còn phố xá gì nữa. Nhưng chẳng bao lâu tôi đâm yêu cái tỉnh tí tẹo đó vì dân tình dễ thương, có cô học trò da nướng hơi quá lửa này, cái cười lúc nào cũng dòn cốm cặp mắt cười theo đồng loã. Lúc đó không cho cô là sinh vật đẹp nhất đời đâu, tôi không có tâm hồn nghệ sĩ quên mình như vậy, dẫu sao, cô cũng khiến tôi trằn trọc ít nhiều. Buổi học gần Tết, không biết cô nhỏ bị con gì chích, tự nhiên mắc phải cái dịch chữ nghĩa, hỏi:

- Thưa thầy, thưa thầy, bố mẹ vợ gọi là ông bà nhạc, nhạc phụ nhạc mẫu. Còn bố mẹ chồng gọi là gì hả thầy?

Tôi nói chữ Hán bố chồng gọi là “công công”. Việt Nam mình không xưng hô như vậy vì xưa nay người đàn bà khi xuất giá là thuộc gia đình chồng, coi cha chồng là cha, không phân biệt cha chồng cha ruột nữa. Đàn ông khi có vợ (nhủ thầm:  dù sợ vợ tới đâu) vẫn không thuộc gia đình vợ nên mới có cách gọi riêng cho cha mẹ vợ.

- Thưa thầy, thưa thầy, tại sao chồng chết, đàn bà có chồng khác thì gọi tái giá, mà đàn ông thì gọi tục huyền?

Tôi đáp được gãi đúng chỗ ngứa:

- Tái là thêm, là lại, là hai lần. Giá là lấy chồng. Tục là tiếp nối, huyền là dây đàn. Ðàn ông vợ chết coi như dây đàn đứt nên lấy vợ khác nối lại dây đàn.

Cô nhỏ cằn nhằn: cái gì cũng phân biệt, làm như đàn bà không đứt dây đàn vậy. Lúc đó tôi nghĩ nếu còn chế độ Ngô Ðình, cô nhỏ này vào hội Phụ nữ liên đới thì lắm cái phải sửa đổi.

- Thưa thầy, thưa thầy, đàn bà goá chồng gọi là quả phụ. Đàn ông goá vợ gọi là ông gì thầy?

Tôi đáp rất nho chùm:

- Gọi là quan phu. Nhưng ít khi nghe bởi có lẽ ngày xưa đàn bà chồng chết phải ở vậy suốt đời thờ chồng, đàn ông phải lo kiếm vợ khác để có thêm con cháu hoặc để quán xuyến lo lắng việc nhà chớ ít ai ở goá suốt đời .

- Thầy thầy, nói là “ông quan phu” hả thầy?

Tôi cười giọng kẻ cả (chớ lại không à? “thầy thầy” lận mà!), nói rất bài bản:

- Ngôn ngữ sinh ra và phát triển do cộng đồng. Hễ cộng đồng càng năng động, có sinh hoạt văn hoá cao thì chữ nghĩa theo đó thay đổi theo chiều hướng tốt, càng ngày càng phong phú. Không biết sau này người ta có dùng chữ “ông quan phu” không, chớ hiện giờ thì chưa. Chữ quan viết như vầy, bộ Mộc.

Tôi hí hoáy lên bảng một chữ Hán, chứng tỏ ta đây rất tinh thông chữ nghĩa thánh hiền. (Bịnh chữ nghĩa này về sau đáp tàu thủy theo tôi trôi dạt Hiệp Chủng quốc. Khi lập gia đình, sợ nhà tôi ham học cái các nhà soạn nhạc gọi « cung Đô trưởng » theo thiên hạ, cho nên, để dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, tôi viết khắp nơi. Trong phòng tắm – nhà tôi có thói quen đánh răng chải tóc ngày sáu bận – “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” của Nguyễn Công Trứ tiên sinh, kèm ba dấu chấm than tổ bố. Một hôm ông nhạc từ xa tới, vào tắm, mới thấy là cụ nhột ngay vì ông nội vợ tôi tên Túc. Không muốn cha nhìn con cháu trần truồng, cụ sửa chữ Túc thành chữ Nhàn. Cũng của cụ Nguyễn hết, chữ nào cũng hay. Nhưng cây bút bi viết mãi lên tường không ăn, cụ mệt quá đành đóng cửa lại tắm, câu khác ở lưng cánh cửa đập vào mắt “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ra phòng khách, cụ liếc xéo câu Lão Tử “Kim ngọc mãn đường mạc chi năng thủ, Phú qúi nhi kiêu tự di kỳ cữu” tôi dịch nôm na dạy vợ là vàng ngọc đầy nhà khó giữ được lâu, giàu sang kiêu căng là tự vời tai hoạ đến. Tường phòng ăn câu “đừng dùng răng tự đào huyệt chôn mình” làm cụ nghẹn, thuộc dân ăn khoẻ. Phòng vệ sinh ra, cụ lẩm bẩm “viết trong đó thì làm sao có mùi thơm được”, bởi tôi viết “Mặc dầu L’argent n’a pas d’odeur, tiền không có mùi, nhưng không nghĩa mùi nó thơm”.

Bây giờ chẳng lạ gì hồi đó lần đầu đội chung mái nhà mà sao coi ông nhạc kém vui, ít nói cười như trong điện thoại. Lối vào, cạnh câu “Tiền bạc không mua được hạnh phúc”, cụ chua “Nhưng mua được tiên”! Rồi thay vì ở chơi một tuần như dự định, mới ba ngày cụ đã ra về. Trước khi đi cụ bảo nhà tôi thằng chồng mày hay chữ quá, tao sợ).

Lúc đó giữa bao cái mồm há to khâm phục hán thầy rộng, một cái cứ cười cười, cái cười làm tôi lành lạnh rờn rợn sau gáy như thấy ma trơi. Lúc đó tự trấn tĩnh cái mặt bấm ra sữa bò ấy thì toẹt một gạch ra chữ Nhứt cũng bí nói chi mấy chữ rồng rắn ngoằn ngoèo lưới nhà chài. Chiều về ôm ông Thiều Chửu, cái ớn lạnh trong giờ học biến thành cơn sốt. “Quan” bộ Mộc là áo quan. Cũng có xác chết, không chết cần quái gì áo quan, nhưng khổ lắm, nó không phải ông goá quan phu! Ông goá quan phu thuộc bộ Ngư cơ, trời ạ!

Ðịnh thần, thấy có gì phải sốt toáng thế chứ. Thánh nhân cũng có lúc nhầm lẫn huống là! Định bữa học chót tuần sau, sẽ nói cả lớp nghe sự nhầm chữ của mình. Đó là thượng sách. Có gì sai quấy nhận là sai quấy, thế là can đảm, chân thật, ngay thẳng – chớ không à? Rủi thay buổi học cuối cô nhỏ ốm, vắng mặt. Thế, mà bước vào không thấy cô, tôi ngờ cô nhỏ giỏi nho và tía tai tưởng cô ta chê mình dốt nên bỏ lớp! Giữa giờ tình cờ nghe bạn cô nói bịnh nhức đầu hành hạ cô, tôi mới vững lòng. Càng trẻ càng sĩ diện!

Mùa Xuân năm đó mọi sự thay đổi. Tôi về Sài gòn ăn Tết với gia đình để không bao giờ còn dịp trở lại xứ dễ thương trầm ấm quê cô. Tôi nhảy một cái thật xa, tới Mỹ. Giờ gặp lại đây, cô gái duyên dáng chững chạc.

Bạn thấy chúng tôi nhận quen nhau mừng quá, trút lên cô trách nhiệm hướng dẫn du khách thay anh. Bữa đầu tiên bò cầu thang lên tầng sáu, tôi lầm bầm tự hỏi sao có người oái oăm thích môn leo núi?

Cửa vừa mở tôi bật cười suýt chút nữa cây chổi tổ bố và chùm củ tỏi dài ngoằng quất vào mặt. Cô cười bảo:

- Trừ tà thầy à, để trừ tà, ma quỷ không dám bén mảng.

Hy vọng điều đó ứng nghiệm. Vào nhà đảo mắt làm quen thế giới e ấp bẽn lẽn của cô. Bàn làm việc với ít giấy tờ, dãy kệ sách và bình hoa. Tường vài bức tranh quê nhà Việt Nam và cái quạt giấy bản làm bay bỗng bất kỳ tên đô vật nào. Ở góc chiếc bàn thấp hai ghế phô tơi nho nhỏ, dưới sàn tấm thảm hoa vàng. Căn phòng nhỏ xíu như Chùa Một Cột, giữa chừng nằm ơ hờ cái gác lửng có cầu thang như trong gánh xiếc. Từ dưới nhìn thấy bàn thờ hai cụ thân sinh. Thấy cảm động thương thương lạ. Góc bếp nhỏ cạnh cửa ra vào có vẻ rất tiểu thư không rộn ràng xoong chảo mà lủng lẳng vài chậu hoa và phất phới tấm lịch Tàu.

- Em ít khi bếp núc, chỉ ăn căng tin. Khi nào thèm cơm Việt Nam thì chạy ra Paris mười ba.

Cô nhỏ cười phân bua. Hèn chi nhà cửa sạch như lau lúc nào cũng sẵn sàng đón khách. Chả bù với nhà độc thân của tôi ngộ nhỡ ai tới thình lình phải chụp cái nọ cái kia nhét dưới gầm bàn cho đỡ bừa bẩn. Tôi bất chợt hỏi:

- Cô sống một mình?

Cô cười dòn tan, nói nếu hai mình thầy đã được giới thiệu.

Chúng tôi xuống đường. Trời hè Paris nắng cũng gay gắt gớm. Nhưng không phải, lạ chưa, không phải hơi nước toả từ vòi xịt bên đường, mà chính màu áo xanh dịu cách sải tay kia làm lòng tôi mát mẻ. Không phải bản giao hưởng cung Mi thứ Mozart phát nhè nhẹ đâu đây, mà chính giọng nhí nhảnh đặc âm hưởng miền Trung hơi quê quê giải thích cái này cái nọ khiến tai tôi cảm thấy du dương. Không phải luống hồng sặc sỡ bên đường, mà gót giày nho nhỏ lao xao bên cạnh làm tôi thấy thành phố nhộn nhàng vui vô tả. Và không phải tháp Eiffel, chỉ là, quái, chỉ là khuôn mặt trái soan ngăm ngắm quay lại cười để tôi thấy Paris hiện hữu…

- Thầy thầy, bên Mỹ cộng đồng người Việt đông, vậy ngôn ngữ có phát triển không? Người ta có dùng chữ “ông quan phu” chưa thầy?

Ðến lượt tôi cười cười, cho cô này nhớ dai. Trong mớ chất xám thường tưởng bở của đám đàn ông, tự nhủ ơ kià, tại sao nhớ dai nếu cô ơ… không màng gì tới tôi kia chứ? Nỗi nhục làm tàng chữ nghĩa khiến tôi nhắc lại chuyện xưa:

- Cô biết không, hồi đó tôi viết nhầm chữ quan. Quan phu thuộc bộ…

- Em biết.

- Biết gì? (Cô cười cười! ) Biết là tôi viết sai? Cô biết chữ nho?

Cô cười dòn dã:

- Gì mà thầy ngạc nhiên dữ vậy? Ba em dạy cho em.

Tôi ngọng. Cũng không quên cám ơn sự tế nhị của cô. Nghĩ hồi đó mình làm thầy không xong bây giờ còn thầy bà nỗi gì nên đề nghị gọi bằng anh cho tiện, gọi thầy trịnh trọng quá. Cô không chịu, bảo nhất tự vi sư bán tự vi sư. Học trò thì nhất tự vi đồ đệ, bán tự vi đồ đệ.

*

Ba tháng qua nhanh như mơ. Theo cô nhỏ, tôi đã thăm hết các nơi đáng thăm, công việc hãng cũng hoàn thành tốt đẹp. Trước ngày về hai hôm, cô dẫn đi vườn Luxembourg.

Lẩm nhẩm bài học ngày xưa Thanh Tịnh phỏng theo Anatole France “…con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này bỗng dưng thấy lạ…” Dẫu chưa lại nơi đây lần nào, hôm nay tôi cũng bỗng dưng thấy… lạ, cái gì cũng lo toan nhan sắc. Cổ thụ gò mình, uốn éo tay chân khi du khách hướng máy hình phía chúng. Tượng đá linh động ân cần duyên dáng hơn, mắt tình tứ môi gợi cảm hơn. Vườn hoa dưới kia thì khỏi nói, ưỡn người ra lẳng lơ chi lạ!

Chúng tôi dạo vườn hoa. Chẳng cần biết Thượng Nghị Viện nằm chỗ nào vì cả đời mình chẳng bao giờ nghị sĩ. Chẳng cần biết mùa thu lá vàng rụng đầy lối đi, trên các tượng đá vai trần “đẹp não nùng” như cô nhỏ nói. Chỉ thấy tim rộn ràng xao xuyến hơn thường lệ, dẫu không giọt rượu cũng cảm thấy nhấp chút hơi men, không phân biệt mùi hoa thơm hay tóc cô học trò cũ.

Cô nhỏ lúc nào cũng vô tư nhí nhảnh, bắt tôi làm mẫu đủ kiểu. Khó khăn lắm mới chụp cô được một lần, lý do giản dị là em bên này lúc nào chụp chả được. “Em bên này” làm tôi buồn phiền nghĩ ngày kia phải về Cali, “Anh bên kia”. May chưa phải bên kia thế giới! Hôm biết tôi goá vợ, cô ái ngại xong tinh nghịch hỏi ngay:  vậy thầy là ông quan phu rồi đấy? Có ai bước nhẹ vào hồn lần nữa chưa thầy? Giờ tôi muốn nói hồn tôi lay động bởi bước chân hờ hững của cô. “Mà người thì hờ hững dậm lên buồn”. Bao nhiêu năm trước ông Xuân Diệu diễn dùm tôi tâm trạng hôm nay?

Cơn mưa trái mùa vô cớ trút xuống vườn Luxembourg yêu dấu. Chạy vội núp dưới tàng cây, tôi xổ tờ báo dang tay che tóc cô, cứ như cô đứng gọn trong vòng tay tôi. Giọng cô nho nhỏ thủ thỉ bên tai, Thầy thầy, nghe mưa nhớ nhà quá, cứ mỗi lần mưa em lại nhớ miền Trung bão lụt mỗi năm… Bỗng dưng tôi muốn hạ tay xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, tới tầm vai cô nhỏ khép chặt vòng tay lại. Một con người khác trong tôi bừng thức dậy, con người từ lâu lắm tôi quên. Tiếng đánh thức đau đớn dịu dàng, tiếng nói trìu mến ngọt ngào xen lẫn niềm say mê kỳ thú. Cảm giác ấm áp đống tro âm ỉ bỗng khơi dậy, men rượu vừa lịm người, thuyền được nước mơn man âu yếm, tôi chao lượn… Nhắm hờ mắt, vườn Luxembourg tung tăng điệu nhạc tươi mát êm ái lạ thường… Thầy thầy, thầy thấy không… thầy thấy không. Cô gọi giật giọng, tôi vội đáp như kẻ lên đồng ừ anh thấy, ừ anh thấy…

Cô nhỏ quay phắt lại. Tôi chợt hiểu mình vừa nói điều gì không ổn. Nhưng con bò lao mãi vào tấm nhung đỏ dù biết để nhận những nhát đâm rồi vùng lên trả thù hay dẫy chết, nên hỏi giọng dịu dàng “em có lạnh không?” trời có gió. Cô nhìn cặp mắt mèo rừng trở nên dấm dẳng:

- Hết mưa rồi, mình về đi!

Cô ngúng nguẩy bỏ đi, sắc mặt người diện đồ đẹp đi ăn cưới vô tình đạp phải cứt chó. Bỗng dưng chân tay đâm nặng nề, tôi bước theo như lết. Trời vẫn mưa đấy chứ, đã hết đâu.

Trong xe, cô hỏ lẳng lặng chăm chỉ lái không cười nói huyên thuyên, như thể tôi là giám khảo ngày thi lấy bằng. Ngột ngạt, tôi ân cần chuộc tôị (mà tội gì để chuộc hở trời? Nếu yêu thương là tội lỗi thì khi bà Evà lấm lét ăn quả cấm đã cố tình mở ra kỷ nguyên vô chung cho bao tội lỗi con người. Làm sao sống không lý tưởng, đam mê, thú vui nào – dù hư hỏng?):

- Em ơ… cô sao vậy? Có cái gì không vừa ý?

- Không sao cả, em hơi mệt.

Cô nhỏ trả lời nhạt thếch cười gượng gượng. Chắc mặt tôi thảm thương lắm cô nói thêm cứu độ linh hồn:

- Tại trời mưa. Mùi đất xông lên khó chịu quá!

Có đánh cá cả gia tài (chẳng to tát gì nên chẳng ngại đem cá) tôi cũng nói không phải. Nói dối kiểu này có trời cũng chẳng biết đâu mà rờ. Các bà các cô ngày nào chẳng chóng mặt, nhức đầu, đau lưng, khó ở?

Về gần khách sạn, cô nhỏ dừng xe bảo:

- Em quên là có hẹn với bạn chiều nay. Giờ này chắc họ đang chờ. Em để thầy xuống đây.

Tôi bỡ ngỡ:

- Mình có hẹn ăn tối với nhau…

- Không, xin lỗi, em quên. Với lại em không muốn vô ra khách sạn hoài. Mốt em sẽ tới sớm đưa thầy lên phi trường.

Không biết nói gì và cũng chẳng đợi tôi nói gì, cô nhỏ phóng xe đi. Tôi tần ngần trước ngã tư đường tìm chân lý. Quẹo trái tới nhà cô, quẹo phải về khách sạn, trước mặt quán cà phê và quán ăn đầy ắp phó mát rượu ngon. Nhưng tôi đi Pháp không phải để nằm vạ, càng không phải làm đồ đệ Lưu Linh. Quẹo trái.

Cô nhỏ không ngạc nhiên khi mở cửa thấy tôi, thở ra nhè nhẹ:

- A, thì ra là thầy!

Gớm, y như “thì ra vẫn cái bản mặt ông” vậy. Sao khuôn mặt vui tươi hồn hậu buổi trưa, chiều có thể dửng dưng lạnh ngắt như đồng? Tôi đã làm gì ghê gớm trong cơn mưa trái mùa chiều nay? Nhưng một biến cố xảy ra không phải toàn bộ chiều dài lịch sử, tôi vẫn nhẹ nhàng:

- Anh vô được không? Anh có nhiều chuyện muốn nói với em.

Tôi xưng hô ngọt lịm mật ong. Tôi muốn sống trong mật, chết trong mật, vì vậy phải tỏ mình là mật nguyên chất trước đã. Coi bộ cô nhỏ không nao lòng:

- Thầy biết là em sắp có bạn tới…

Tôi muốn nói cô dối, nhưng lời thốt ra trái ngược không kém phần thê thảm:

- Mốt anh về rồi. Biết có bao giờ gặp nhau nữa không?

Tôi đối diện với pho tượng, còn u ám hơn tượng vườn Luxembourg vì dù sao tượng đá cũng lịch sự cười cười. Trông bản mặt mà khiếp! Cỡ này cho thêm hai bằng tiến sĩ chưa chắc dám gọi cô nhỏ, phải gọi cô hồn. Nếu lúc chiều tôi làm cô hồn bối rối thì bây giờ cô hồn khiến tôi tàn tệ hơn. Nếu hồi chiều tôi ao ước đôi tay dài như vượn bao bọc cô hồn trọn đời thì bây giờ tự hỏi anh hàng xóm ngày xưa đi lính bị cụt tay, có gì đáng sợ? Tôi đổ lỗi mẹ đã sinh không đui què mẻ sứt, còn cố chạy trốn lính – nghĩa vụ cao cả nhất của nam nhi – để làm gì, vì thấy tay mình đâm thừa thãi quá. Biết để đâu bây giờ? Trên đùi run run như đuổi muỗi, trên bàn làm bộ rờ rờ mấy tờ quảng cáo hay dưới tấm thảm hoa vàng?

- Em nghe đây, thầy có gì để nói?

Nghe khinh bạc tự tín chưa? Tôi nhỏ nhẹ đọc một hơi sợ nếu chần chừ không còn can đảm nữa:

- Anh… ơ, anh muốn tính chuyện trăm năm với em. Anh muốn mỗi ngày đi làm về có người chờ đợi. Anh muốn có con với em.

Bài này học lóm thằng bạn. Về sau vợ nó bảo nghe nói tự nhiên quá, “dị òm quá”, mà chân thành làm chị cảm động. Họ thành vợ chồng hạnh phúc ra gì mặc dầu chị cũng đi làm chớ không ngồi nhà ôm gối chờ chồng về, và điều bạn tôi muốn là “có con với cô” cũng không được nốt vì chị chẳng rặn ra mụn nào. Nhưng cô hồn không nao núng, hỏi rất ác:

- Muốn em làm con sen và cái máy đẻ chớ gì?

Thốt nhiên, tôi đâm cáu, cũng khinh bạc tự tin ngang tàng không kém:

- Là tôi yêu qúi cô muốn bàn chuyện đàng hoàng. Với tình cảm tôi không quen đùa. Nếu có gì không phải thì mong cô tha lỗi. Nhưng lòng tôi chân thật và tôi chỉ nói một lời.

Tôi thầm cám ơn mẹ sinh chân lành lặn hiên ngang đứng lên và tay lành lặn mở cửa. Tôi lao xuống sáu tầng lầu, thơ thới bước ra đường. Trời quang đãng gió êm dịu như tay người tình mơn man trên tóc.Có tiếng gọi với theo nhưng tôi cứ bước đi.

Buổi tối tưởng bồi đem rượu lên gõ cửa thì tôi chưa uống đã say:  cô hồn đứng đó nụ cười tự mãn, quyết định. Chẳng đợi mời, cũng chẳng cần nhường chỗ, cô hồn lách người dưới nách tôi vào phòng truyền lệnh:

- Em muốn mình ăn tối trong phòng cho đỡ tốn thì giờ. Mình có nhiều điều nói với nhau. Mốt anh về rồi.

Không cô nhỏ, không cô hồn, mà là cô nàng, dịu dàng như tiên âu yếm như vợ hiền. Ðặt chai sâm banh lên bàn, nàng ngồi xuống ghế nhìn tôi mỉm nụ cười muôn thuở, cử chỉ tự nhiên như ngồi ở Chùa Một Cột, chìa hộp giấy hoa:

- Quà sính lễ.

Hình thù cái cà vạt. Tôi ngồi lên gót chân ôm cặp đùi rất Nhật Bổn của nàng, cảm động:

- Ô, mà anh lại không có gì cho em.

Nàng cười nhún vai nói như các bà soạn luật gia đình:

- Có sao đâu. Em đi cưới chồng. Mình theo chế độ mẫu hệ mà!

Câu đó đủ hiểu tôi đã tự cột lên sọ cái gông bằng chính tóc mình. Nhưng nếu Jésus Christ không chịu để đóng vòng gai trên đầu thì công việc cứu thế làm sao hoàn tất, đâu được tôn vinh Ðức Chuá Trời?

Bạn đã bao giờ uống sâm banh từ miệng người yêu chưa? Thử đi. Ðoạn trường mà còn ai có qua cầu mới hay nữa là! Rượu sẽ bớt nồng, dịu hơn nhiều và vị chua chua sẽ ngọt ngào ghê gớm. Tôi luồn năm ngón tay mạnh mẽ vào tóc nàng ghì chặt – những sợi tóc mềm mại mọc trên cái đầu rất cứng.

Chúng tôi truyền rượu cho nhau và hôn ngạt thở. Tới đây mới chỉ thế thôi. Bởi dù tôi là “ông quan phu” – chữ “quan” viết bộ Ngư, nhớ rồi! -, dây đàn đứt phải nối lại, nhưng nàng không là quả phụ, nên dẫu hai thân nàng không còn nữa, tôi cũng sẽ sắp mâm trầu rượu, gọi là lễ ra mắt ông bà nhạc, như bên nhà vẫn nôm na “ăn miếng trầu héo, uống miếng rượu nhạt” gả con xuất giá ấy mà!

Nghĩ cho cùng, có tình yêu chân thật nào mà không cường điệu?

MIÊNG

Paris, Mars 1995.
Về Đầu Trang
Minh Huong Khuc
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 05 Nov 2007
Số bài: 2090

Bài gửiGửi: Wed Mar 31, 2010 12:53 am    Tiêu đề:

Cám ơn Minh Thư , chị kk đã xem một mạch....Với những sợi tóc mềm mại mọc trên cái đầu rất cứng của Cô Hồn  !!! Mà này , Thư ơi , Cô Hồn dễ thương đấy chứ !!!!
Về Đầu Trang
MinhThư



Ngày tham gia: 12 Dec 2007
Số bài: 248

Bài gửiGửi: Wed Mar 31, 2010 10:40 pm    Tiêu đề:

Khúc Khích chị ơi,

Ừ, cô hồn dễ thương... nhưng hơi đáo để đấy.  Cô nhỏ này, kể câu chuyện tình của cô ấy khá thú vị.  Không biết cái cô "dân da vàng nướng hơi quá lửa" này có phải nướng bởi nắng xứ ta không nhỉ?  Các người xứ ta nghĩ sao đây?
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Thu Apr 01, 2010 8:46 pm    Tiêu đề:

Minh Thư ơi
Câu kết luận của tác giả đã nói lên hạnh phúc của họ . Mong hai người sống bên nhau lâu dài với ..quan phu bộ Ngư , đừng bị bộ Mộc quấy rối..
" Da vàng quá lửa của ta " vẫn thế nên gặp nhau trong "hoài cổ" người "viết mực" đã quyết định chớp nhoáng ..Mẫu hệ
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân