TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TÌNH ĐỊCH
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TÌNH ĐỊCH

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Xuân Hồng



Ngày tham gia: 03 Jan 2010
Số bài: 421

Bài gửiGửi: Tue Feb 23, 2010 10:17 am    Tiêu đề: TÌNH ĐỊCH
Tác Giả: Đào Hiếu

                     TÌNH ĐỊCH        
                                               Truyện ngắn ĐÀO HIẾU
 

Khi mở cổng tôi đối mặt với một người đàn bà xa lạ, bế đứa con trai chừng ba, bốn tuổi.
- Chị Phượng có nhà không?
Phượng là vợ tôi.
Khách theo tôi vào nhà. Khi đến đầu cầu thang tôi bế đứa bé cho khách leo lầu được thoải mái một chút. Khỏi cầu thang, chúng tôi đi song song nhau. Phượng đã mở sẵn cửa phòng. Tôi bế đứa bé bước vào cùng với người đàn bà. Vợ tôi rời khỏi ghế. Tôi nói:
- Bạn em đến thăm.
Nhưng vợ tôi lại đưa mắt nhìn tôi, có vẻ như không hề quen biết người đàn bà này. Phượng hỏi nhỏ:
- Ai vậy?
- Ủa, không phải bạn em à? Chị ấy đến tìm em mà.
Khách dẫn con bước đến, không hề ngượng ngập. Khách nói:
- Anh chị không biết em nhưng em biết anh chị từ lâu.
- Thế thì chúng tôi rất hân hạnh. Mời chị ngồi.
Khách ngồi xuống ghế, đứa con trai đứng trong lòng. Khách nói:
- Em là người cùng cơ quan với anh Vũ. Lúc trước chị và anh Vũ có đến nhà em một lần.
Vũ là chồng cũ của vợ tôi, vì thế tôi nhìn sang nàng dò xét. Phượng nói "Anh Vũ nhiều bạn lắm". Và quay nhìn tôi xem tôi có vẻ gì là hiểu ý nghĩa của cuộc viếng thăm bất ngờ này không. Nhưng tôi cũng mù tịt. Khách hé mở một chút bí mật:
- Em có đọc tác phẩm của anh.
- Vậy à? Tôi hỏi. Chị đã đọc cuốn gì?
- Cuốn nào em cũng đọc. Vượt Biển, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng, Vua Mèo, Hoa Dại Lang Thang. Em đọc rất kỹ. Em thích lối viết của anh.
Phượng nghe rất chăm chú.
Còn tôi thì xúc động. Và bất ngờ. Lâu nay sách tôi in ra không ai mua, chất đống trong kho. Sách đem tặng bạn bè họ cũng không thèm đọc. Tôi biết nói gì để cảm ơn người độc giả đáng quý này?
- Em nghe danh anh đã lâu lắm, bây giờ mới được gặp. Cuốn Vua Mèo của anh em đọc đến ba lần.
Phải chi không có vợ tôi ngồi ở đây chắc là tôi sẽ quỳ xuống lạy khách để tỏ lòng biết ơn. Đời tôi chưa bao giờ gặp người nào ngưỡng mộ tôi đến thế.
Khách mở ví lấy ra cuốn Hoa Dại Lang Thang.
- Anh ký tặng em đi.
Tôi nói:
- Chị hãy cất cuốn đó để tặng bạn bè. Tôi sẽ tặng chị một bản đặc biệt in trên giấy trắng.
Cuộc trao tặng được tiến hành dưới sự giám sát của vợ tôi nhưng đã diễn ra khá thân mật, tự nhiên.
Tôi pha trà, khách bắt chuyện qua vợ tôi, bình luận về các nhân vật trong tiểu thuyết của tôi, khách tỏ ra rất am hiểu, nhớ từng chi tiết, từng câu nói của nhân vật. Phượng tham gia một cách dè dặt, dò xét và phòng thủ. Tôi muốn tham dự vào cuộc thảo luận ấy nhưng lại sợ làm gián đoạn nó.
Và tôi chơi với thằng nhỏ bốn tuổi. Tôi ngoắc nó đến, thảy cho nó mấy cái vỏ ốc biển, dạy cách nó thổi vào vỏ ốc sao cho kêu như tù và.
Trò chơi làm cậu bé rất thích.
Kết thúc buổi viếng thăm, tôi và Phượng đều tiễn khách ra cổng. Lần này Phượng bế thằng bé đi trước, khách đi giữa và tôi đi sau cùng. Đến cuối cầu thang khách chợt quay lại đặt bàn tay lên cánh tay tôi, bóp nhẹ, rất tự nhiên. Phượng quay lại và chứng kiến cảnh đó. Nhưng sự chứng kiến đó không làm mất đi vẻ tươi tắn trong nụ cười của khách.
Lúc quay vào, tôi hỏi Phượng:
- Em có thấy cô ta nắm tay anh không?
- Thấy chứ. Đó là một “típ” cực kỳ lãng mạn. Cổ mê anh rồi đó.
- Chẳng qua cổ thích mấy cuốn sách của anh.
Phượng lạnh lùng nói:
- Anh không hiểu đàn bà bằng em đâu. Họ phục ai, họ mê liền.
- Thôi dẹp chuyện đó đi. Mình đi ăn.
Chúng tôi thay đồ, ra phố.
*
Nhưng niềm vui mà người đàn bà ấy mang lại cho tôi thì ngắn ngủi mà nỗi ê chề của một nhà văn có sách bán ế thì lâu dài. Nhà in gởi thư đến đòi nợ, nhà xuất bản cho người đến đòi quản lý phí. Tôi bàn với Phượng:
- Có lẽ anh phải bỏ nghề.
Phượng nói:
- Bỏ nghề văn thì cũng tiếc, nhưng thời buổi này viết lách khó sống quá. Anh có cách gì khác không?
- Mình mở quán cà phê.
Đó là một quyết định sáng suốt.
Chỉ tuần đầu chúng tôi lời bốn trăm ngàn.
Bạn bè đồn tôi trúng mánh. Sang tháng thứ hai đã thấy kế toán trưởng nhà in mò đến:
- Quán bán khá quá.
- Cũng tàm tạm.
- Ngày lời được trăm ngàn không?
- Hai chục.
- Giỡn hoài. Ít nhất cũng năm chục, tháng triệu rưỡi rồi. âng thanh toán tiền in lần đi.
Hai ngày sau đến lượt kế toán trưởng nhà xuất bản đến viếng. Nội dung cũng tương tự như vậy. Nhưng tối hôm ấy một bất ngờ thú vị đã đến với tôi. Đó là sự xuất hiện của cô độc giả đáng mến hôm nào. Nàng mặc một bộ đầm rất lộng lẫy. Mắt đã đẹp, trang điểm càng đẹp thêm. Nhưng tôi không phải là người nhận ra nàng đầu tiên. Phượng nhanh mắt hơn, chặn nàng ngay cửa quán.
- Quán đẹp quá. Cô độc giả quý mến của tôi reo lên. Anh chị thật là hạnh phúc.
Phượng nói:
- Xem vậy chớ tụi này cũng vất vả lắm đấy.
Tôi đến chào và mời nàng ngồi vào một bàn trang trọng nhất. Hai người đàn bà đối diện nhau, tôi ở vị trí thứ ba. Trong ánh sáng mờ ảo tôi có niềm sung sướng khi nhìn hai người đàn bà đều xinh đẹp và đều yêu mình. Tôi hút thuốc, im lặng ngắm họ.
Nhưng Phượng không để cho tôi yên.
- Anh vào vặn nhỏ nhạc một chút.
Tôi đành vâng lời. Vặn nhỏ nhạc xong trở ra, chưa kịp ngồi Phượng đã nói:
- Hình như khách kêu tính tiền bàn số 5.
Tôi lại phải đi. Nhưng bàn số năm có ai kêu tính tiền đâu. Tôi muốn nói chuyện với cô độc giả của tôi quá nên cứ ngấp nghé đến gần nàng. Thấy tôi lại, Phượng sai liền:
- Anh xuống bếp xem tụi nó làm ăn thế nào mà để khách chờ nãy giờ.
Tóm lại Phượng ghen, tìm mọi cách để đuổi tôi đi, không cho tiếp xúc với cô độc giả.
Tôi bực, ở lì sau quầy không ra nữa. Lúc cô độc giả ra về cũng chỉ có bà xã tôi tiễn mà thôi.
Khi Phượng quay vào tôi cự:
- Em không nên làm như thế.
- Làm sao?
- Cô ấy đến đây thăm anh tức là rất trong sáng. Nếu có gì mờ ám thì cô hoàn toàn có thể hẹn anh ở chỗ khác, việc gì phải đến đây.
Phượng cười cười:
- Thì cứ đến có ai cấm đâu.
- Chính em cấm. Em ghen một cách quá lộ liễu. Khác nào em đuổi khách về hoặc bảo khách đừng đến nữa.
-  Ghen hồi nào?
- Bốn lần em tìm cách cản ngăn không cho anh nói chuyện với cô ấy. Ngay trước mặt cổ, có kỳ không? Em phải biết tế nhị một chút chứ.
Phượng bẹo tai tôi:
- Thôi, im đi. Không có gì đâu.
Đó là lần thăm thứ nhất.
Lần thứ hai cách một tuần. Chính tôi là người phát hiện ra nàng trước. Tôi dựng xe cho nàng. Thế là Phượng xồng xộc chạy đến. Y hệt lần đầu. Sai bảo rối rít. Gần như nạt nộ tôi. Nhưng tôi không nhịn nữa. Tôi cứ đứng lì với khách ngoài hiên quán. Nàng hỏi tôi về cuốn sách đang viết. Tôi muốn xây dựng nhân vật chính là một chàng trai coi đời như một trò hề và hắn chỉ muốn làm một thằng hề giữa cuộc đời này.
Phượng đứng trong quán gọi lớn:
- Anh ơi vô đây em nhờ cái này chút.
Tôi lịch sự xin lỗi khách:
- Đợi anh một chút, cô ấy tính hay nhõng nhẽo.
Phượng nhờ tôi điều chỉnh cây quạt cho nó quay qua quay lại. Tôi chạy ra với cô độc giả. Câu chuyện văn học lại tiếp tục. Tôi bảo:
- Anh không quan tâm đến đề tài. Đề tài gì cũng được.
- Thế anh quan tâm đến cái gì khi viết?
- Nhân vật. Nhân vật quan trọng nhất. Nhân vật sống thì tác phẩm sống, nhân vật lớn thì tác phẩm lớn, tác giả lớn. Truyện Kiều tồn tại là nhờ nhân vật chớ không nhờ đề tài.
Tiếng gọi giật giọng từ trong quầy vọng ra:
- Anh ơi. Vô em nhờ cái này chút coi.
Nàng thảy trước mặt tôi một cọc bạc hai trăm dày như cuốn từ điển, cũ mèm.
- Đếm tiền!
Tôi nhìn ra hiên. Cô độc giả của tôi còn đứng đó. Tôi bảo.
- Em ra tiếp chuyện với cổ đi.
- Em bận.
- Cổ giận cổ về bây giờ đó.
- Cho nó về. Xéo đi.
*
Lần thứ ba, cũng cách một tuần, nàng đến với bộ đồ jeans bó sát người. Lần này cả tôi lẫn Phượng đều nhận ra nàng một lúc. Phượng có vẻ bực tức sai tôi ngồi giữ xe cho khách, còn mình kéo tuột nàng vào quán. Không biết vợ tôi nói năng thế nào mà chỉ hai phút sau cô độc giả quý mến của tôi quầy quả bỏ về, mặt có vẻ giận.
- Em làm gì vậy?
- Em bực lắm. Em không có thì giờ tiếp những người như thế?
- Người như thế nào? Đó là một độc giả trung thành của anh, một người tinh tế và rất có tâm hồn.
- Thôi đủ rồi. Anh đi chặt đá giùm tôi chút coi.
Tôi chặt đá. Suýt chặt đứt ngón tay.
Cuối buổi khi khách đã ra về hết, tôi gây sự:
- Anh không ngờ em lại thô lỗ và thiếu tự tin như thế. Họ chỉ đến đây để nói chuyện văn học.
- Thôi đừng qua mặt tôi.
Tôi nổi điên:
- Ai qua mặt ai? Chính cô mới là kẻ qua mặt tôi nhiều lần. Tháng trước cô lấy một trăm ngàn nói là gởi về cho ba má sửa nhà bếp, nhưng hôm qua chính ba than với tôi là không có tiền sửa nhà bếp. Thì ra cô có gởi về đâu. Cô lấy tiền làm gì?
- Tiền tôi làm ra tôi có quyền tiêu.
- Đồng ý, nhưng đừng nói dối. Hồi sáng này cô lấy 150.000 đồng nói là gởi về cho chị Hai chữa bịnh, nhưng khi chiều, lúc cô đi làm móng tay thì chị Hai đến đây. Chỉ có bệnh gì đâu. Tại sao cô lại liên tục dối tôi như vậy? Cô cần mua đồ trang điểm, cần may quần áo thì cứ may. Tôi sẽ chở cô đi may, việc gì phải nói dối.
Phượng vênh mặt:
- Bây giờ sao? Anh muốn đòi tiền hả?
- Tiền đối với tôi không là gì cả. Chỉ vì cô nói tôi qua mặt cô nên tôi muốn chứng minh ngược lại.
*
Tối hôm sau có một người đàn ông cao lớn, ăn mặc giản dị nhưng khá điển trai bước vào quán. Hắn đi một mình, chọn một góc kín đáo nhất. Thực ra tôi không xa lạ gì hắn, bởi hắn đã đến đây vài lần và tôi có chú ý đến hắn. Dù đông khách cỡ nào nhưng hễ hắn xuất hiện là Phượng nhận ra ngay. Dù đang ở vị trí nào trong quán bà xã tôi cũng chạy đến tươi cười chào hỏi và mời hắn ngồi vào bàn kín đáo nhất. Ban đầu tôi nghĩ rằng đó chẳng qua là cách lấy lòng khách của nàng, nhưng đêm nay thì có cái gì khác. Phượng đem cà phê tới mời hắn rồi kéo ghế ngồi đối diện. Hắn có vẻ lặng lẽ, tự tin và buồn. Phải thú nhận hắn là một người đàn ông khá quyến rũ.
Tuy hắn có vẻ nghèo (hắn đi xe đạp đến quán) nhưng bà xã tôi không quan tâm đến điều đó.
Hai người ngồi nói chuyện khá thân mật. Tôi không ngồi ở quầy, tôi ra đứng ngoài sân nhìn qua tấm rèm che để quan sát. Vẻ rạng rỡ trên gương mặt Phượng làm tôi sôi máu. Mấy lần tôi muốn bước đến ngồi cạnh vợ để xác định “quyền làm chủ” của mình nhưng lại sợ hắn cười tôi là thiếu bản lĩnh vì thế đành ngậm đắng nuốt cay đứng ngoài làm khán giả.
Tối nay hắn không ngồi lâu. Uống xong tách cà phê hắn đi liền. Đúng 15 phút. Lúc hắn đứng dậy Phượng lấm lét nhìn quanh xem có tôi theo dõi không, rồi mới tiễn hắn ra cổng. Tôi nghe nàng nói:
- Khi khác anh lại chơi nhé.
Hắn chỉ nhếch mép rồi lấy xe, đạp đi.
Tôi dứng lặng. Tự nhủ mình hãy bình tĩnh và giữ thái độ lạnh lùng.
Nhưng tôi lạnh lùng cỡ nào Phượng lạnh lùng cỡ đó.
Chỉ năm phút sau Phượng lấy xe đi. Không biết đi đâu. Tôi định theo dõi nhưng lúc đó khách vào đông quá không thể bỏ quán được. Mười lăm phút sau Phượng trở về mặt vẫn lạnh băng.
Bóp cổ hay tát tai? Hay nhổ vào mặt.
Nhưng khách vô đông quá tôi đành nhịn.
Đến khuya, lúc tính sổ sách, tôi định ra tay thì Phượng cười cười vuốt lưng tôi:
- Hôm nay em cần một trăm ngàn.
- Không được. Tôi nói.
- Nhưng em đã lấy rồi.
- Em lấy tiền làm gì?
Phượng ấn tôi ngồi xuống ghế.
- Em có chuyện riêng.
- Chuyện gì? Tôi không có quyền biết à?
- Anh không nên biết làm gì.
Tôi ném mạnh cuốn sổ xuống đất, bẻ đôi cây bút chì.
- Dẹp quán. Đây là chỗ làm ăn, không phải chỗ hẹn hò.
Phượng nhìn tôi:
- Đừng nghĩ xấu về em. Rồi anh sẽ biết em cần tiền để làm gì?
Tôi đá ngã cái ghế:
- Biết rồi. Lúc nãy khi cô bỏ quán đi mười lăm phút là tôi đã biết sự thực rồi.
- Sự thực gì?
- Tôi biết cô đem tiền đưa cho cái thằng chó chết nào rồi.
- Thằng nào?
- Ở đời này có những thằng đàn ông khố rách áo ôm, cái xe đạp tử tế cũng không có mà đi. Nhưng nó được cái mã, nó chuyên lợi dụng những con đàn bà nhẹ dạ.
Phượng ôm đầu tôi hôn lên trán. Nhưng tôi gạt phăng. Cái gạt mạnh làm Phượng lảo đảo.
Tôi nguôi giận, dịu giọng:
- Hãy nói thực đi. Em lấy tiền để làm gì?
Nhưng Phượng chỉ lặng lẽ khóc.
Chuyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” bắt đầu bằng sự phản bội trơ tráo của đàn bà. Chuyện “Trang Tử thử vợ” cũng tương tự như thế. Tóm lại đàn bà không thể tin được. Ngày hôm sau những giọt nước mắt kia không làm tôi xúc động nữa.
Anh chàng "đẹp trai một cách phong trần" kia không thấy tới quán. Hình như hắn đã được mật báo về tình hình căng thẳng ở đây.
Cho đến một đêm kia, giữa lúc đang rất đông khách thì vợ tôi bỏ đi. Tôi mặc xác khách hàng, mặc xác cái quán. Tôi kêu xích lô đuổi theo.
Phượng đi xe đạp. Tôi bảo người phu xe rà rà theo sau. Cô ta rẽ vào một đường hẻm rộng san sát những ngôi biệt thự. Ở đó có những quán cà phê đèn mờ sang trọng. Tôi đợi cho Phượng bước vào quán một lúc rồi mới lẻn vào, chọn một bàn tối nhất, quan sát chung quanh.
Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi mới nhận ra Phượng. Cô ta ngồi quay lưng về phía tôi, đối diện cô là anh chàng “đẹp trai một cách phong trần” nọ, cạnh anh ta có một người nữa mặc đồ đen ngồi khuất sau cây kiểng rậm lá nên tôi không rõ là ai.
Họ nói chuyện với nhau rất nhỏ nên tôi không nghe thấy gì cả. Lát sau Phượng rướn người kéo ra một xấp bạc đưa cho gã đàn ông.
Ngay lúc ấy tôi đứng dậy, đi thẳng ra “hiện trường”.
- Xin chào. Tôi nói và ngồi xuống cạnh Phượng.
Bấy giờ tôi mới nhận ra là người lúc nãy ngồi khuất sau cây kiểng chính là cô độc giả quý mến của tôi.
Cô ta có vẻ ngượng ngùng, kéo tay gã đàn ông đứng lên. Tôi bảo:
- Hãy ngồi chơi đã, hình như tôi làm phiền các bạn.
- Không có gì. Cô độc giả nói và đẩy gã đàn ông ra khỏi ghế. Phượng vẫn ngồi im, bảo tôi:
- Hãy để cho họ đi.
Gã đàn ông lạnh lùng nhét xấp bạc vào túi xách, cùng cô độc giả rời chỗ ngồi.
Chúng tôi nhìn nhau, tôi hỏi:
- Anh ta là ai vậy?
- Đó là chồng của cô độc giả.
- Lâu nay họ tìm em để làm gì?
Phượng im lặng, gọi cho tôi ly cà phê.
- Nếu em nói sự thật anh có buồn không?
- Cứ nói sự thật đi.
- Hôm đầu tiên khi cô ta đến nhà mình em vẫn nghĩ rằng cô ta tìm anh vì ái mộ những tác phẩm của anh. Nhưng khi cô ta đến quán thì khác. Cô bảo là cô cần nói chuyện riêng với em và không muốn anh có mặt.
- Nhưng đó là chuyện gì?
- Cô ta đến đòi nợ.
- Anh nợ nần gì cô?
- Em cũng không nợ. Phượng nói. Nhưng anh Vũ nợ.
Tôi bưng tách cà phê người phục vụ mới mang đến uống một ngụm.
- Đó là chuyện của anh Vũ. Tôi nói. Em đã ly dị chồng, chuyện nợ nần cũ có dính dáng gì tới mình.
- Đành thế. Nhưng vì anh Vũ không trả nên họ bám lấy em. Hết vợ tới chồng thay phiên nhau, em chịu không nổi.
Tôi vuốt lưng Phượng nói:
- Thôi, anh hiểu rồi. Nhưng có một điều anh chưa hiểu, đó là tại sao em không cho anh biết ngay từ đầu?
- Vì em không muốn dập tắt niềm vui của một nhà văn về một độc giả ngưỡng mộ mình./
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân