TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MỘT MẢNH BỂ DÂU
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MỘT MẢNH BỂ DÂU

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Phanrang



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 203

Bài gửiGửi: Mon Feb 22, 2010 2:48 pm    Tiêu đề: MỘT MẢNH BỂ DÂU
Tác Giả: Trần Mộng Tú

                   MỘT MẢNH BỂ DÂU

Ông Hai sang Mỹ đã gần hai chục năm, một hôm trời trở gió, ông bỗng “nhớ nhà”. Nhà của ông ở Bến Tre, Việt Nam . Nơi đó ông còn một người em gái, góa chồng, bây giờ đã ngoài 60 tuổi, sống với ba cô con gái. Khi ông đi Mỹ theo chương trình H.O các cháu của ông còn bé lắm. Đứa lớn nhất lên bẩy, rồi năm tuổi, bốn tuổi. Em rể ông qua đời vì tai nạn xe đò, đã hai năm, trong một lần đi buôn hàng chuyến, nên em gái ông nuôi con rất cực.
Lúc chưa đi Mỹ, ông cũng chẳng giúp đỡ được bao nhiêu, sau này cũng không rộng rãi gì cho lắm.Vợ chồng ông đông con, làm chỉ đủ lo thân, con đứa đi học, đứa bỏ học sớm đi làm. Thỉnh thoảng, những ngày tết, hay ngày cúng, kỵ ba má, ông cũng có gửi chút đỉnh về cho em. Sự liên lạc thật thưa thớt. Nhiều khi nghĩ lại, ông thấy thương em và ân hận, nhưng rồi lại quên ngay, lại bẵng đi cả bao nhiêu tháng, năm, lại ân hận, lại liên lạc.
Ông thì thầm một mình: “Tội nghiệp cô Ba, cũng già lắm rồi, kém mình có hai tuổi thôi. Mình phải về thăm. Ngày xưa còn bé, hai anh em thân nhau lắm. Chắc cô ấy cũng tủi thân, cũng giận mình, nên không giữ liên lạc đều. Ba con bé cháu nữa, chúng lúc nhỏ, xinh đẹp như những con búp bê. Bây giờ chắc đã thành những cô thiếu nữ ở tuổi lấy chồng cả rồi.”
 
Ông Hai quyết định dành bất ngờ cho em và cho các cháu. Ông nói với vợ, ông sẽ lấy ba tuần nghỉ của hãng năm nay, về Việt Nam thăm gia đình. Lúc đầu tính cả hai vợ chồng cùng đi, sau thấy tốn kém quá! Về quê, ngoài tiền vé, tiền ăn tiêu, không nhiều, cũng chút đỉnh cho cô Ba và các cháu nữa chứ! Vợ ông lại vừa bị lay off. Thôi, ông đi một mình, lần sau sẽ đi hai người. Bà thương hại ông chỉ có hai anh em, ba má không còn, nên bằng lòng để ông đi, vì dẫu sao, anh em bà cũng đã ở hết nước ngoài .

Ông Hai muốn mang cái mừng đột ngột đến cho gia đình em, nên ông về không báo trước. Máy bay đến Sài Gòn vào buổi trưa, ông được một anh tài xế Tac-xi kiếm hộ khách sạn ngủ qua đêm, khá gần trung tâm thành phố, khách sạn thuộc hạng trung bình, tương đối sạch sẽ. Đến khách sạn, mọi việc giao cho anh bồi phòng lo hết, anh ta cũng sẽ lo thu xếp mua vé xe đò cho ông Hai về Bến Tre sáng hôm sau.
Ông Hai tắm rửa, ăn uống, đi tham quan loanh quanh gần khách sạn. Thấy cái gì cũng lạ lẫm; xấu đẹp, thật giả, cái gì cũng lẫn vào nhau, khó phân biệt được. Ông đứng ngu ngơ, ngó trời, ngó đất. Đi lang thang ngó thành phố lên đèn, ngó Sài Gòn ban đêm, nhớ lại gần hai mươi năm về trước. Ông giơ tay thấm mấy giọt mò hôi lấm tấm trên trán, thấy lòng dửng dưng, không biết nên vui hay buồn. Thôi về khách sạn, ngủ một giấc cho khỏe, mai đi Bến Tre.
Nhưng ông đâu có ngủ yên, đang nằm thiu thiu, sắp đi vào giấc ngủ. Ông nghe có tiếng gõ cửa rụt rè. Tiếng gõ đến lần thứ ba, ông hỏi vọng ra:

-         Ai đó?
 -   Dạ cháu.
Ông nhận ra tiếng anh bồi phòng người Bắc, vẫn lăng xăng bên cạnh ông từ trưa. Ông ra mở cửa, anh vào rất nhanh, nhoẻn miệng cười với ông, sau khi khép ngay cánh cửa sau lưng, anh hạ giọng:

-         Ông à, có cô này xinh lắm, cháu muốn mang vào cho ông, không đắt lắm đâu.

Ông Hai không ngạc nhiên lắm, ông có nghe mấy người bạn của ông kể chuyện về Việt Nam rồi. Có những khách sạn, bồi phòng đưa gái cho khách là chuyện rất thường. Mặc dù chuyện này là bất hợp pháp. Có lẽ thấy ông ngơ ngáo ở phi trường, anh tài xế Tac-xi bắt mạch được ngay, và đây là một nhóm làm việc chung với nhau. Nhưng quả thật ông chỉ muốn ngủ một giấc để lấy sức ngày mai đi Bến Tre. Tuy vậy, ông cũng hỏi:

-         Không đắt là bao nhiêu?

-         Ba chục đô thôi ông ạ, còn trẻ, chưa đến 30 tuổi, trắng và xinh lắm.

-         Thôi, cho tôi đi ngủ.

-     Còn sớm mà ông, ông về đây mà không thư giãn thì uổng lắm. Hơn nữa ông làm như vậy là giúp người ta đấy, cô này không thích người ngoại, cháu bảo đảm là ông không chê được. Ông chỉ cho cháu năm đồng thôi.

Ông Hai kiếm bóp rút ra tờ Mỹ kim năm đồng đưa cho anh bồi phòng, nói:

-         Tôi cho anh năm đồng, bây giờ anh cho tôi ngủ.

Anh bồi phòng cầm năm đồng, vừa bước ra vừa nói:

-         Ông vô tư đi, cháu nhận tiền của ông thì cháu phải nàm việc chứ!

Ông lắc đầu, đúng là giọng Bắc mới. Mấy người bạn Bắc của ông thuộc Sài Gòn cũ đâu có nói cái ngôn ngữ này.

Nửa tiếng sau, ông Hai đang ngủ, tiếng gõ cửa lại đến, lần này hơi to, nên ông nghe được ngay. Ông uể oải ra khỏi giường, mở cửa. Một người phụ nữ rất trẻ đứng trước mặt, làm ông tỉnh hẳn ngủ. Ông quýnh cả người, chỉ biết mở cửa cho cô bước vào, rồi đóng ngay lại.

Cô trông chỉ khoảng ngoài hai mươi một chút, nhưng anh bồi nói là ba mươi (ông nhớ như vậy) Cô tự nhiên đến ngồi ngay bên mép giường ngủ của ông. Cô giới thiệu mình trước, giọng niềm Nam thật ngọt:

-         Em tên Phượng.

Tên con gái thì tên nào nghe cũng quen quen, nghe cũng giống nhau, nghe cũng đẹp cả, ông nghĩ thế. Ông còn đang ngây người nhìn cô, lúng túng chưa biết phản ứng thế nào, cô Phượng đã thản nhiên, cởi bỏ áo trong, áo ngoài, làm việc của cô; cô kéo ông xuống một cách điệu nghệ, khéo léo và ông bị cuốn hút vào công việc của cô một cách êm ái, mới lạ. Ông không kịp ngắm nghía cô kỹ, ông biết cô có nói, nhưng không rõ cô nói điều gì. Sau đó ông chỉ cử động theo nhịp cử động của cô, và ông thấy mình nhắm mắt, im lặng và mệt lả một cách dịu dàng, rồi ông ngủ thiếp lúc nào không biết.
Sáng hôm sau cũng lại chính anh bồi Bắc Kỳ mới của ông (chắc của riêng ông trong hai ngày) đến đánh thức ông dậy ăn sáng, sửa soạn ra xe đò đi Bến Tre. Anh ta cười tinh nghịch nhìn ông nói oang oang:

-         Ông thấy cháu nói có đúng không? Trắng, xinh và trẻ. Nhất ở đây đấy!

Ông mắc cở đến lặng người đi, nhưng biết rất rõ là có một chuyện gì rất lạ, rất êm ái, rất đẹp đã đến với ông đêm qua. Ông mở bóp, hai tay hơi run, nói:

-         Cô ấy chưa lấy tiền đã bỏ đi rồi.

Anh bồi lại cười, miệng rộng ra hết chiều ngang của khuôn mặt.

-         Không sao, ông cứ đưa cho cháu. Chúng cháu làm ăn với nhau, rất tin nhau. Cháu thề với ông là cháu không chạm đến một xu của cô ấy, ông cứ đưa cho cháu.Vô tư đi mà!

Ông mở va li tìm xấp phong bì mang theo, lấy ra một cái, rồi kín đáo bỏ vào đấy tờ một trăm, dán phong bì lại. Ông cũng không quên đưa thêm cho anh bồi mười đồng nữa, dặn khẽ:

-         Nói với cô Phượng, tôi sẽ quay lại đây trước khi về Mỹ.

-         Cháu biết, ai gặp cô ấy một lần, cũng quay lại. Khi nào ông về, ông cứ gọi xe đến đây, cháu lo cho ông tuốt tuồn tuột.

Ông Hai về đến Bến Tre sau gần hết nửa ngày ngồi xe ca. Tuy thành phố, đường xá có thay đổi, nhưng tìm ra nhà em gái ông cũng không khó khăn lắm. Căn nhà cũ được tân trang lại một cách vá víu, như cố làm cho tươm tất, nhưng so với những căn bên cạnh đã lên lầu, có cửa kính, có đá mài, thấy nó mang một cái vẻ ngượng ngùng và cũ kỹ đến tội nghiệp. Ông gõ cửa, lòng bồn chồn với những hình ảnh của gia đình em và ba đứa cháu gái. Người mở cửa cho ông là bà Ba. Hai anh em gặp nhau bất ngờ, nghẹn cứng, không ra nước mắt. Ông thấy em ốm yếu, bé hẳn đi trong vòng tay mình, nhìn em gái già như sụp xuống, cái nhan sắc của hơn hai mươi năm trước đâu rồi? Ông xót xa nhìn vào mắt em, hai cặp mắt đen bóng như hạt nhãn ngày nào, bây giờ mờ mờ, đục đục, tròng đen trông như hai viên bi mầu xám tro, với nhiều vết chân chim ở hai đuôi mắt, kéo ra tận thái dương; hai vệt da gấp thành nếp hai bên miệng trông giống hai cái dấu ngoặc buồn. Ông quặn đau trong bụng nhưng vẫn giả bộ tươi cười, kéo em ra một chút, nói:

-         Trông cô vẫn y chang như cũ, chẳng thay đổi chi cả, chị Hai bên đó còn già hơn cô nhiều.

Bà Ba từ lúc gặp anh cố kìm nước mắt, bây giờ nghe anh nói mình trông vẫn như cũ, bỗng tủi thân, gục vào vai anh, khóc òa. Ông Hai nước mắt cũng ứa ra, nhưng lấy tay quẹt vội, rồi cười to lên, khỏa lấp cái cảnh mủi lòng.

-Trời đất ơi, cô vẫn còn mít ướt hả cô Ba!

Rồi ông nhìn ngang, ngó dọc, hỏi em:

-         Mấy đứa nhỏ đâu, Cậu Hai về không ra chào, chúng đi đâu cả rồi?

Bà Ba nói như xin lỗi:

-         Các cháu lên Sài Gòn làm việc cả, thỉnh thoảng mới về. Để em nhắn ngay, có thể ngày mai, chúng sẽ thu xếp công việc, về gặp anh được.

Có thế chứ, ông phải gặp ba đứa cháu, xem đứa nào muốn đi Mỹ, ông sẽ về bên đó kiếm chồng cho cháu. Hai anh em nói chuyện từ chiều đến tối vẫn chưa hết chuyện. Ngày mai, đợi mấy đứa nhỏ về, họ sẽ cùng đi thăm mộ ba má.

Thật khuya hôm đó cả ba cô cháu ông cùng về, nghe mẹ gọi điện, có cậu Hai ở Mỹ về, họ đi chuyến xe cuối cùng. Ông đã vào mùng, thiếp đi được một giấc ngắn rồi, nghe tiếng mừng đón con của cô Ba, ông vội chui ra gặp các cháu.
Cô Loan, cô Hạc đang đứng trước mặt, thấy cậu Hai khoanh tay cúi đầu, chào như hồi còn rất bé, ông nhìn hai cháu vừa mừng, vừa thương. Hai thiếu nữ xinh đẹp, đang vào tuổi kén chồng, mắt ông như mờ đi, ông nhủ thầm, phải lo gả chồng cho cháu, mình phải lo cho chúng nó sang Mỹ, ông hỏi:

-         Phụng đâu?

Cô Hạc nhanh nhẹn:

-         Chị con đang cất mấy gói hàng mua ở Sài Gòn trong buồng.

Nhà có hai buồng. Tối nay cả bốn mẹ con ngủ vào một buồng, nhường cho ông cái buồng có cửa sổ rộng hơn, và tiện nghi hơn. Ông nhớ lại, Phụng là đứa cháu thứ hai, lúc ông đi, nó lên năm và nó xinh nhất, có cặp mắt đen láy, giống mẹ nhất trong ba đứa. Ông nghe thấy tiếng động trong buồng, rồi Phụng vén bức sáo bước ra. Ông Hai nhìn cháu, ông hơi ngẩn ra một giây như không tin ở mắt mình, rồi ông kêu bật lên:

-         Trời ơi!

Ông ôm chặt ngực, ngồi phịch xuống tấm phản giữa nhà, cả nhà xúm lại đỡ ông. Chắc ông bị nhồi máu cơ tim, hay ông bị đột quỵ? Bà Ba lấy chai dầu nóng, bôi thái dương, bôi cổ, bôi ngực cho anh, Loan và Hạc cũng cuống quít phụ mẹ .

Ông Hai thất thần, đờ dẫn, ông nhắm chặt hai mắt, ông nghiến chặt hai hàm răng. Ông không nhìn và không nói được nữa. Phụng hay Phượng, sao con lại đổi tên hả con. Sao cậu lại không nhìn ra con? Ông nhớ lại, lúc đó ông đâu có nhìn lâu, ông cũng đâu có nói, có hỏi câu nào. Ông nhớ lại, hình như đôi mắt ấy, rất đen.

Phụng cũng đứng chết trân, gương mặt cô căng thẳng đến tột độ. Hai con mắt toàn tròng đen của cô mở muốn nứt ra, cô nhìn trừng trừng cậu Hai, miệng cô há ra, nhưng cô không bật lên tiếng kêu nào. Bà Hai thấy Phụng đứng không, hối:

-         Phụng, xuống bếp đun nước gừng để má cho cậu Hai uống, lẹ lên.

Bà phải hối đến lần thứ ba cô mới chạy xuống bếp. Cô xuống bếp thở dốc từng hồi như người chạy đường dài, đang bị hụt hơi; cô bủn rủn tay chân, phải đứng dựa vô vách, nước mắt cô ứa ra, cô nghiến hai hàm răng thật chặt để khỏi òa lên khóc, cô thấy bụng mình bỗng đau như ruột gập lại từng khúc, cô ngồi khịu xuống hai chân mình, một tay ôm bụng, một tay chùi nước mắt. Trong khoảnh khắc, mặt cô như đông cứng lại.

Loan thấy lâu quá em chưa đem nước gừng lên, chạy xuống bếp, thấy Phụng đang ngồi dựa vào tường im lìm, nhìn trừng trừng vào khoảng trống trước mặt; cô nhìn em ngạc nhiên, hỏi:

- Phụng, sao vậy?
 
- Em hơi bị đau bụng.
Loan bảo em lấy dầu bôi đi, rồi hấp tấp làm thay em cho nhanh. Bà Ba và Loan, Hạc thay nhau đổ nước gừng, cạo gió cho ông Hai.

Phụng ở bếp lên, cô đi thẳng vào buồng, cầm thêm chiếc áo, cô nói vào tai mẹ:

- Chắc cậu Hai trúng gió, nhà chật, con sang bà Bẩy ngủ nhờ, cho thoáng.

Bà Ba đang bối rối, chỉ biết gật đầu, rồi lại tiếp tục săn sóc anh. Bà Ba và hai cô con gái dìu ông vào dường, tấn mùng cẩn thận cho ông.
Đêm đó chắc cả năm người không ai ngủ yên. Bà Ba và Loan, Hạc chỉ sợ ông Hai chết bất tử, ông Hai thì chỉ mong được chết ngay… Phụng, đi ngủ nhờ, lạ nhà, lạ giường, làm sao ngủ được!

Sáng sớm hôm sau, ông Hai trông phờ phạc nhất. Ông nói với em gái, chắc ông bị bệnh nặng, ông cần về Mỹ chữa bệnh ngay, ông vét túi để lại tất cả số tiền ông mang theo cho em và cháu. Ông hứa là ông sẽ từ nay, tiếp tục giúp đỡ, để các cháu không phải đi làm xa. Ông không hỏi gì đến Phụng, bà Ba sai Hạc đi gọi Phụng về để chào cậu Hai, ông gạt ngay, để cho cháu ngủ. Loan đi gọi người xe ôm, đưa ông Hai ra bến xe đò.
Mọi việc hấp tấp như ông Hai có thể sẽ ngã lăn ra chết bất cứ lúc nào. Ông Hai trong bụng cũng ước gì mình được ngã lăn ra, chết ngay.

Ông không chết ngay, ông về Mỹ, suy sụp tinh thần, bỏ ăn, bỏ ngủ, cả ngày không nói với vợ con một tiếng; đóng cửa buồng, ông không giao thiệp với ai, trừ đi làm, ông cũng không nhớ đến những lời đã hứa với em và cháu ở Việt Nam. Cuối cùng ông mất việc. Ông mất luôn sức khỏe, sụt ký, ngơ ngáo như người bị tâm thần. Nhưng nhất định không đi khám bệnh, không vào bệnh viện.

Chín tháng sau, tính từ ngày ở Việt Nam về, ông chết, gia đình vẫn không biết tại sao?

Tin ông Hai chết, được báo về Bến Tre. Cô Ba vừa khóc, vừa gọi cho Loan và Hạc ở Sài Gòn biết. Tối đó, cô viết thư qua Đại Hàn cho Phụng. Thời gian Phụng đi lấy chồng xa cũng dài gần bằng thời gian ông Hai từ Việt Nam về Mỹ.

tmt
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân