TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - KHOẢNG TRỜI NHỎ CỦA ÔNG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

KHOẢNG TRỜI NHỎ CỦA ÔNG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Phượng Vỹ



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 133

Bài gửiGửi: Thu Dec 31, 2009 1:55 am    Tiêu đề: KHOẢNG TRỜI NHỎ CỦA ÔNG
Tác Giả: NGUYỄN MỸ NỮ


KHOẢNG TRỜI NHỎ CỦA ÔNG


NGUYỄN MỸ NỮ

Nhà chỉ có ba người. Buồn. Bố lại đi công tác luôn. Đợt bà ốm nặng ngoài bắc, hết bố lại đến mẹ ra thăm. Có khi đi cả hai. Nhà lại thêm nỗi vắng. Chán lắm cơ! Hôm bà mất cả gia đình về phục tang. Lần đầu tiên Lan thấy bố như thế, vào hôm bà ra đi mãi mãi. Trông bố yếu đuối và tội nghiệp quá thể. Mấy khuya liền, khi gian ngoài chẳng còn ai, bố vẫn ngồi một mình, hiu hắt, bên linh cữu của bà. Có một đêm không ngủ được, Lan ra với bố và bắt sững người khi thấy bố khóc. Tròi ơi! Đàn ông mà cũng khóc. Lại là một người đàn ông mạnh mẽ như bố. Khỏe khoắn và cứng rắn nhất trên đời như bố. Nhìn bố cố kìm chặt sự tức tưởi, hai vai rung lên theo từng tiếng nấc, Lan thương bố đến quặn cả ruột gan. Lan đến sít gần bố và quàng cả vòng tay ra ôm lấy bố. Bố dúi vào long Lan và khóc òa lên như trẻ con.

Sau ngày mở cửa mã cho bà, bố mẹ và Lan phải về lại trong này vì bố còn phải đi làm và Lan còn phải đi học. Ông đưa cả nhà ra ga. Bố mẹ ôm chầm lấy ông. Mắt bố đỏ hoe, còn nước mắt mẹ đầm đìa cả khuôn mặt. Ông xoa đầu Lan mãi và giục mọi người lên tàu. Tiếng những bánh xe rít lên đường ray vội vã và cũng thật vội vã bố nhoài người ra ngoài. Lan cũng làm theo bố. Bàn tay ông vẫy chầm chậm và thưa thớt. Bàn tay ông, dáng ông nhòa trong gió, bóng đêm… trông buồn đến rưng lòng. Tiếng bố nghẹn đặc: “Ông ơi! Ông… vào với… chúng con… Ông nhé! Vào… Ông nhớ…”.

Bố còn phải ra, vô thêm mấy lần nữa để thuyết phục. Rồi mẹ Lan còn phải thư ra nài nỉ mãi, ông mới chịu rời quê. Ông xót cho mộ bà rằm, mùng một lạnh lẽo. Còn bàn thờ ở nhà sớm hôm không ai thắp hộ cho cây hương. Rồi sân sước, vườn tược, lợn, gà… bừa ra cả đấy. Làm sao yên? Ông cứ hay cả nghĩ như thế, chứ ở ngoài ấy còn họ mạc, láng giềng. Bố đã cẩn thận thu xếp và gửi gấm hẳn hoi. Đến là khổ cho cả ông lẫn bố. Vào trong này thì ông lo và buồn mà ông ở ngoài ấy thì bố mẹ lại buồn và lo. Cảnh nào cũng không tiện nhưng biết sao được. Bởi ông bà chỉ có mỗi mình bố và bà lại vừa mới mất xong. Riêng Lan thì chỉ thích ông vào. Tính ông lành lắm lại rất quí Lan và hai ông cháu xem ra rất là hợp nhau. Lan luôn thấy gần gũi với phía nội, dù một năm Lan được sống gần ông bà chẳng được bao ngày. Thì có mỗi đợt nghỉ hè nhưng lại còn bao nhiêu là việc dồn cả vào đấy, nên thời gian được ở ngoài quê của Lan rất là ngắn ngủi. Mà nơi đó thì có bao nhiêu là chuyện lạ, hay mà một cô bé trong lứa tuổi mới lớn và ở thành phố như Lan cứ goi là thích mê đi được.

Nhà Lan có ông khác hẳn. Bầu không khí trong nhà bỗng đầm ấm, tươi vui hẳn lên. Nhất là vào bữa cơm. Trưa có ông, Lan không phải ăn uống, bưng dọn một mình: Buồn thiu. Chiều với bốn người, trông mâm ăn đầy đặn hẳn. Bố mừng lắm. Từ ngày bà mất đến giờ, mới lại thấy bố hay cười như trước. Trúng đợt bố được phân việc ở tại cơ quan, chả phải đi công tác xa. Thế là mọi người, đi thì chớ mà về đến nhà, là cứ quấn lấy ông. Khiến ông phải phì cười, nhắc nhở đến mấy lần: “Rõ hay nhỉ? Chúng mày… Thế mà ông cứ tưởng nhà này có mỗi một cái Lẹm là trẻ con thôi đấy”. Lẹm là tên ông đặt cho Lan, từ lúc còn ẵm ngữa và được bố mẹ cho về thăm quê lần đầu. Bây giờ ông vẫn còn trêu mãi đấy. Trêu nhưng thấy Lan xịu mặt, thì ông lại chữa ngay: “Ối giời! Cái cằm lẹm của cháu ông. Sao mà duyên đến thế. Nhờ thế mà cháu ông mới xinh, mới có tên Lẹm đấy nhỉ? Mà trẻ con gì nữa. Người ta đã thiếu nữ rồi đấy…”.

Ông của Lan rất là chịu khó. Đố có lúc nào thấy ông chịu ngồi yên. Ông bảo: “Người nhà quê làm lụng từ bé. Quen rồi…”. Ông sửa lại cho mẹ cái chạn để thức ăn. Vừa sửa, vừa càu nhàu bố Lan: “Cái thằng… Đàn ông, đàn ang mà để thế này…”. Ông mua một ký xi măng trít lại chỗ vỡ ở cái nền nhà dưới. Trồng một cây trứng cá ở ngoài hè và tưới tắm suốt. Ông đánh véc ni cái bàn học của Lan cứ gọi là mới tinh, bóng láng… Trong lúc ông làm, nếu mà không phải đi học, thì thế nào Lan cũng lẩn quẩn gần đấy. Để chăm chú theo dõi, để chờ ông sai và để nghe ông kể chuyện “ngoài nhà”. Ông kể chuyện hay lắm cơ! Chuyện con Ún tạp ăn. Chuyện chị Mơ trúng số. Chuyện ông Bang sợ ma… Vừa kể vừa cười khanh khách. Trông ông ra chừng như vui lắm nhưng đấy chỉ là bề ngoài thôi, bởi nếu để ý vẫn thấy ông buồn buồn thế nào. Một nỗi buồn như cố dấu, vì sợ người khác hay. Một nỗi buồn phảng phất, mơ hồ nhưng mà có. Bố bảo do bà vừa mất. Mẹ bảo thêm nữa nhà ta tù túng, bít bùng quá trong khi ông đã quen ở ngoài quê: Rộng rãi và thoáng đãng. Lan kể lại, ông gật gù:

- Bố mẹ cháu nói đúng đấy. Việc bà thì phải chịu, vì hãy còn mới quá nhưng việc nhà vẫn có cách. Để rồi ông tính. Lẹm ạ!

- Mà tính gì mới được hả ông? Đấy. Ông lại vẽ ra việc để thêm nhọc người. Cháu chỉ muốn ông nghỉ ngơi thôi.

- Nghỉ cũng là phải có chừng có đỗi, chứ cháu bảo cứ nghỉ mãi người có mà bã ra như cháo ấy chứ!

- Nhưng ông già rồi. Nhưng ông làm nhiều rồi.

- Già thì là phải. Làm nhiều rồi cũng là phải nhưng vẫn còn làm được thì hà cớ gì lại không làm. Thôi cháu cứ để măc ông. Cứ để ông tính, nhé!

Hè. Lan được theo cơ quan của mẹ đi tham quan Đà Lạt. Đi thì vui nhưng nghĩ đến ông lại thấy lòng nao nao. Thương ông quá! Bố đi làm suốt ngày, một mình ông lủi thủi ở nhà. Mẹ lo bố không chu đáo với ông, nên dặn dò từng tí một, khiến bố phát cáu mà ông xem chừng như rất cảm động. Ông tiễn hai mẹ con ra tận xe, nắm tay cháu gái thật chặt, chúc vui và môi nở một nụ cười rất ư là… bí mật: “Không chừng đến lúc cái Lẹm về, nhà mình sẽ có cái gì khác khác đấy”.

Không ngờ được cái “khác khác” ở nhà lại có thể tuyệt vời đến thế. Cả một góc trời nhỏ hiện ra, trong tầm nhìn của hai mẹ con Lan, khi bước chân đặt lên bậc cầu thang cuối cùng. Thì vẫn là căn gác ấy - nơi bố mẹ dùng làm gian thờ và là chỗ ở của ông hiện giờ - vậy mà ông đã cơi nới phần bên ngoài gác, thành một cái sân thượng nhỏ. Cái cửa sổ cũ đã là cửa lớn. Và từ khung cửa mở rộng ấy, nắng và gió từ khắp hướng túa vào, khiến căn gác bỗng sáng sủa và có vẻ như rộng hẳn ra. Đã thế nó còn tiếp thêm ánh sáng cho phần dưới nhà, vốn hơi tối. Còn cái phần sân lộ thiên, đã thấy có một gốc chanh trồng trong chậu. Ông bảo: “Để từ từ. Rồi vườn nhà mình sẽ có đủ. Lẹm nhỉ?”. Lan vui quá! Chẳng biết nói gì. Còn mẹ thì cho đây là một điều hết sức bất ngờ, mà ông đã dành cho hai mẹ con, vào hôm về. Mẹ cũng không quên hỏi ông:

- Thế có một tị…c ông sức của bố cái Lẹm không đấy ông?

- Sao lại một tị? Hằng bao nhiêu lần cái tị tị ấy chứ! Không có bố nó một mình ông xoay trở thế nào?

Mẹ hỏi cho có, chứ thật sự bố mẹ cũng chỉ chú tâm vào sự thay đổi nho nhỏ này, được đâu có mấy ngày đầu, rồi bị cuốn hút vào công việc cùng với sự bận rộn mỗi ngày. Nghỉ dạy, mẹ theo tiếp khóa đại học tại chức và dạy kèm một số học sinh ở tư gia. Bố lại tiếp tục những đợt công tác xa nên hai người đi suốt. Rốt lại ở nhà vẫn chỉ có ông với Lan cùng một mảnh sân con lộ thiên, bên ngoài căn gác cũ. Có lúc Lan gọi đó là sân thượng. Có khi Lan gọi đó là cái vườn, góc thư giản… Có gọi là gì gì đi nữa thì điều tuyệt vời nhất, nơi ấy, vẫn là một khoảnh trời mà Lan có thể nhìn ngắm, dõi theo và thả hồn vào đấy mỗi sớm mai, sẫm chiều, buổi tối và những khuya đêm. Và hạnh phúc biết bao, bởi cái thế giới kỳ diệu ấy luôn mở ra trong Lan bao nhiêu điều lạ lẫm… Lan phải cảm ơn ông sao đây cho đủ? Nhờ ông mà Lan có được khoảnh trời này. Lan hay đứng tựa lan can và ngước mắt, trông theo một dãi mây trắng xốp hoặc đắm mình vào một vì sao lạc loài và đậu lại ở một nơi rất xa, để mà ấp ủ và vun đắp những ước mơ. Những ước mơ màu hồng như: Tốt nghiệp đại học. Trở thành một kỹ sư xây dựng như bố, làm lại ngôi nhà và làm cho ông cả một cái sân thượng thật rộng. Nơi, ông không phải nhìn bầu trời chỉ có một khoảnh như thế này… cả nữa những nỗi niềm cũng hay ùa tới với Lan - những nỗi niềm bất chợt đến, đi mà nếu có ở lại cũng rất ư là lãng đãng, nhẹ nhàng - . Mấy lúc ấy, Lan cũng thường hay ngẫm nghĩ những chuyện hết sức vẩn vơ hay là mơ mộng… Từ ngày có khoảnh trời này sao mà Lan hay mơ mộng… có lẽ ông nói phải. “… ngưòi ta đã là thiếu nữ rồi đấy…”. Liêm, vừa là bạn học vừa là bạn hàng xóm với Lan, từ hồi cấp một cũng nói thế. Nói nhiều hơn ở đôi mắt, những lúc lén nhìn. Mẹ bảo: “Cũng là phải. Niên khóa tới Lan đã lên lớp mười hai. Ngày trước, cỡ này, mẹ đã có bao người để ý”. Chỉ có bố vẫn xem Lan như trẻ con. Vẫn cứ về đến nhà, là: “Cún con”, “Cún con” rối rít. Thà bố gọi là “Lẹm” như ông còn đỡ. Còn dễ thương, hiền lành, nhu mì. Đây “Cún”. Nghe gấu đến không chịu được, dẫu có là “Cún con”.

Ông hay kể chuyện về bà, những ban đêm khó ngủ. Cứ như hai ông cháu có chung một tần số nên luôn hiểu thấu nhau. Bởi đó Lan luôn ở cạnh ông, những khi ấy. Hai ông cháu và một khoảnh trời nhỏ trên đầu. Bà ở trên ấy. Rất xa xăm và quá sức mơ hồ. Bà có như Lan? Thương đến quắt quay dáng ông ngồi, co ro, nơi cái bàn nhỏ kê ở một góc sân và thương hơn giọng ông kể, bùi ngùi, về những gì liên quan đến bà: cách ăn trầu, kiểu quét sân, lối dỡn đùa…Ông bảo “Cứ như bà của Lẹm hãy còn và luôn nhắc ông. Cái gì cũng nhắc được. Nhưng nhắc nhất vẫn là chuyện ngủ với lại chuyện ăn. Khiếp! Sao mà bà cháu sợ ông ốm đến thế không biết. Bà cứ lo cho ông. Không dè lại là mình. Ông vẫn nghĩ bà sẽ qua… chẳng ngờ bà bỏ ông mà đi thật…”. Giọng ông nghẹn lại ở những chữ sau và như thấm đẫm nước mắt. Ông còn nói nhiều đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn đau đáu ở trong ông, mỗi khi ngày đổ về đêm. Nhớ bát nước rau muống luộc dầm quả sấu. Mùi rơm rạ mùa gặt. Tiếng cá quẫy ao nhà. Cái chỏng tre kê ở ngoài hè với những người láng giềng tụ tập, vào mỗi buổi chiều khi cơm nước đã xong… bất giác Lan nhìn lên trời. Khoảnh nào của ông cho những hồi tưởng và kỷ niệm. Khoảnh nào của Lan với những thơ mộng dịu dàng cùng bao nhiêu ước vọng ngát xanh.

Gần đến giỗ đầu của bà. Bố mẹ thu xếp đưa ông về quê để lo liệu chuyện mồ mã, cúng kiếng… Bận học, Lan phải ở lại nhà nên buồn lắm. Buổi tối trước hôm đi, hai ông cháu ngồi với nhau nơi mảnh sân con ấy rất lâu. Mảnh sân, giờ, đã thêm giàn dây tầm xuân, những giò lan, vài chậu cây cảnh… cùng bộ bàn ghế mây nho nhỏ. Trông cũng hay hay. Màu tím, trắng, vàng của hoa và những sắc xanh của lá luôn làm vui mắt. Ông quý và chăm chút cái vườn ấy kỹ lắm. Tối ấy trông ông buồn hẳn. Ông cứ ngồi im mãi, rồi mới thở dài và khẽ nói: “Ở đây thì nhớ ngoài ấy. Về ngoài ấy rồi lại nhớ trong này. Cái lòng người mới đến là lạ đấy, Lẹm nhỉ?”. Ông dặn Lan phải tưới hoa và cây mỗi ngày. Lan “vâng” và ngậm ngùi nghĩ đến đêm mai. Chỉ còn lại Lan với góc sân quen cũ và cả nữa một khoảnh trời…/.
Trich đăng Newvietart.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân