TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - HAI ANH EM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

HAI ANH EM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Thu Oct 15, 2009 6:34 pm    Tiêu đề: HAI ANH EM
Tác Giả: THANH ĐÀO



   
HAI ANH EM      
                                THANH ĐÀO
       
       
           
        Minh lầm lũi bước theo lối mòn ven con mương dài, đến nhà Bà Hai. Trời đã nhá nhem tối. Gió lồng lộng từ bờ sông thổi ào ào. Lá khô, vàng úa rơi xào xạc khắp nơi.  Hàng cây ven đường như xôn xao, náo động mỗi lần cơn gió lùa đến. Bóng tối khép kín, buông phủ xóm vắng thật nhanh. Minh chợt có cảm giác ngai ngái, lành lạnh, rờn rợn chạy dọc theo xương sống. Con đường lê thê, heo hút, gập ghềnh, cỏ lún phún mọc hai bên, chạy ngoằn ngoèo một quãng, rồi băng qua khu vườn nhà Bà Hai.Từ nhà cậu đến nhà Bà, người chị họ của Dì Năm Lan, mẹ kế của Minh, không xa lắm. Đi hết con đường mòn có hàng cây cao ngất hai bên, bò dọc theo con mương dẫn nước vô ruộng rẫy là đến ngôi vườn đồ sộ. Cậu đã đi qua lại con đường này nhiều lần, cậu thường ngâm nga, “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang, Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng, Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng, Hương đồng quyến rũ hát lên vang.”  (Thơ của Tế Hanh)  Khu vườn rộng mêng mông, có đủ loại cây ăn quả. Nào xoài, ổi, mít, thanh long, xa pu chê, ô mai, cau trầu... Nhà chủ nhân khu vườn nằm ở một góc sân, xung quanh cây cối bao la, rậm rạp buông phủ bóng mát, êm ả thơ mộng u huyền như trại Bồ Tùng Linh của Liêu Trai Chí Dị. Đường đi không khó mà khó là vì lòng chàng ngại đi qua nó, nhất là ban đêm. Khu này nổi tiếng có nhiều ma lắm! Chị Hà, con Bác Thật, nói với Minh:
    -Không biết có thêu dệt gì không mà nhiều người quả quyết thấy ma đi hỏng chân trong vườn Bà Hai, vào những đêm trăng sáng. Có người còn nói chính họ nghe tiếng người ru con trên võng bắc qua nhánh cây to của chòm mít trong góc khu vườn này.    
     Minh sợ ma lắm! Cậu cảm thấy có luồng khí lạnh đang chạy dọc cột sống.  Cậu bước vội vã như lén lút, không dám nhìn hai bên đường.Tự nhiên cậu cảm thấy một nỗi tủi thân như tràn ngập tâm hồn cậu. Phải chi Bà Hương, mẹ cậu, còn sống thì cậu đâu đến nỗi phải chịu nhiều đau khổ, bị hành hạ, bạc đãi như bây giờ. Đã biết cậu sợ ma, cậu nhát lắm mà Dì Năm lại sai cậu qua nhà Bà Hai mượn bộ dụng cụ bào, nạo dừa để làm xôi cúng người thân của gia đình Bà. Cậu đâu dám tránh né hay từ chối, nại lý do tại trời tối. Cậu nhát như thỏ đế. Cậu sợ ma. Cậu không dám đi qua quãng đường ma ám, quỷ sầu vào ban đêm.  

Mấy bữa trước, ban ngày, ban mặt sao Dì không sai đi mượn dụng cụ này để làm bánh ít nhưn dừa để cúng Bà cụ thân sinh ra Dì. Mà thật ra cậu đâu có rỗi rảnh gì lắm để làm việc này. Cậu như tất bật cả ngày. Sáng sớm dậy học bài cùng Long, đứa em cùng cha khác mẹ, nhỏ hơn cậu ba tuổi, nhưng học dưới cậu hai lớp, vì cậu đi học trễ. Chị Hà học trên cậu hai lớp, lớp Đệ tam. Học, làm bài xong, anh em đớp cơm nguội, cá kho một cách vội vã. Ông mặt trời còn ngái ngủ, chưa thức dậy, thì hai anh em đã nhanh nhẹn cắp sách đi học. Chim hót rộn rã tưng bừng trên những cây xanh biếc nằm rải rác hai bên con đường cát bùn chạy dài thênh thang, còn ướt đẫm sương đêm, trải dài thăm thẳm đến tận bờ Sông Dinh. Vào mùa nước cạn hai anh em lội qua sông. Nước chảy lờ đờ, lành lạnh. Minh cảm thấy tỉnh táo. Xa xa, vầng hồng lố dạng ở phương đông. Sương mai còn đọng lóng lánh trên những đám cỏ ven bờ sông và những chùm bồn bồn mọc lưa thưa bên bờ cát.  Họ vào đến cổng Trường Trung Học Duy Tân thì tiếng chuông đã reo vang, báo hiệu giờ vào học. Trưa về, cơm nước vừa xong là Dì giao công việc ngập đầu phải giải quyết. Minh vội vàng thay quần áo lao động. Cậu chỉ mặc chiếc quần đùi cũ mèm, lưng trần trùng trục để lộ tấm thân gầy đét như con mắm. Mái tóc hớt cao. Những sợi tóc nâu nâu, vàng khè vì phơi nắng. Khuôn mặt choắt lại, xương xương. Vầng trán rộng sạm nắng. Đôi mắt u sầu, ảo não, dù rất sáng lung linh. Da khô mốc, đen đúa. Minh phải dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát lau chùi bàn ăn thật sạch sẽ, giặt giũ quần áo, xách nước đổ đầy hồ để có tắm rửa, chi dùng khi cần.  Ngoài ra, cậu còn phải quẫy đôi thùng tôn đi gánh nước uống tận ngoài sông. Còn Long, em cậu, khỏe re. Điều đó cũng dễ hiểu, vì nó là con cưng của Dì. Nó được sinh ra trong bọc điều. Còn cậu đầu thai dưới một vì sao xấu. Nó được thong thả, thảnh thơi, nằm nghỉ, ngủ thoải mái. Minh không dám nghĩ xa nữa. Cậu buồn lắm! Cậu rưng rưng.  Những giọt lệ tủi thân phận hẩm hiu không thể kềm chế được nữa, lăn dài trên đôi má gầy còm đen thủi đen thui. Gần mười bốn tuổi rồi mà đẹt câm, chỉ nhỉnh hơn em một cái đầu. Lớn không nỗi vì cực khổ quá đi thôi.  

Ông Thà, Ba cậu như bất lực, yếu đau liên miên. Sau nhiền năm dạy học trường làng, giờ ông bắt đầu sức khỏe sa sút, bệnh hoạn, mỏi mệt, gầy rạc, thỉnh thoảng húng hắng ho. Ba lại hiền khô, hiền như cục đất. Hiền quá thành ra có lúc quá nhu nhược.  Mọi việc trong nhà do Dì quyết định gần hết. Thú vui của ông là đọc sách và chơi cờ tướng với bạn bè những lúc rảnh rang. Ba lại quá nể nang, chiàu chuộng Dì. Minh lại là đứa con có hiếu, không muốn làm cha buồn phiền trong tuổi cao, sức yếu. Vì thế cậu âm thầm chịu đựng, chịu đau khổ một mình. Cậu chưa lần nào trần trình với ông về việc mình bị Dì ghẻ bạc đãi quá đáng. Chị Hà nhận xét về người chú của mình:
   - Ba cậu không tu mà giống một Đạo Sư trong cuốn sách mô tả Hạnh tu của ông ấy: ‘Thân tôi như cục đất, Ai muốn hất thì hất, Hất qua rồi hất lại, Mà tôi cứ cười ngất."
    Dạo này cậu thấy Ba ít chơi cờ. Đi dạy về là ông vào giường nghỉ ngơi, xem sách báo. Sức khỏe ông xuống thấp, thật đáng ngại. Minh thương Ba lắm. Ông hiền lành chất phác, xuề xòa với mọi người. Nói xong là cười hà hà, cởi mở, vui vẻ với mọi người, với đồng nghiệp.  Ông có phong thái bình dân, vui tính và dễ dãi như thế, chắc không ai sợ ông, kể cả học trò trong lớp ông đang dạy. Chúng chỉ mến thương ông vì ông giảng bài tận tụy, dễ hiểu và kể chuyện hấp dẫn thế thôi, cậu đoán thế.

Minh biết, dù cậu có cho Ba rõ sự thật về sự hà khắc của Dì đối với cậu (cũng có thể Ba biết từ lâu rồi, nhưng quá nể nang Dì, Ba không trách móc Dì, thế thôi) thì hậu quả có lẽ không thay đổi gì mà có khi tình trạng còn tồi tệ hơn nữa. Có thể lúc đó Dì càng thù ghét cậu, càng ra tay hành hạ cậu ác độc hơn nữa. Rốt cuộc cậu đành chấp nhận thực trạng đau xót như hiện tại. “Phải rán học cái đã rồi hãy tính sau.”  “Sông có khúc, người có lúc,” như Ba thường nói. Buổi tối, cậu thường thắp nhang nơi bàn thờ mẹ. Cậu luôn luôn cầu khẩn Mẹ:
    -Xin Mẹ linh thiêng phò hộ cho Ba khỏe mạnh và con có đủ sức khỏe và nghị lực để phấn đấu vươn lên.
    Thật ra, hình ảnh Mẹ trong ký ức mù sương của cậu rất mơ hồ, nhạt nhòa lãng đãng, khi ẩn, khi hiện, không rõ nét. Má chết khi cậu mới lững chững. Bà ôm hai nách cậu phía sau. Đúng là “Hồng nhan bạc mệnh.”  Cậu được Bà Nội và Cô Mười săn sóc, nuôi dưỡng. Cậu chỉ biết được hình ảnh Má qua bức hình lồng kính thờ ở trên bàn, cạnh bàn Phật mà chiều chiều cậu có nhiệm vụ lau sạch bụi bặm, thay nước cúng và thắp nhang. Tấm ảnh Má chụp hồi còn rất trẻ, có lẽ hồi còn học sinh. Má xinh đẹp, với đôi mắt to, đen láy, khuôn mặt trái soan, đôi môi trái tim tươi thắm.  Hai má hồng, da trắng trẻo, mịn màng. Má cười thật có duyên. Má cậu đúng là một giai nhân. Hèn chi Ba mê Má là phải. Cô Mười nói, Ba phải đeo đuổi Má nhiều năm. Đeo miết, đeo như đĩa, đeo dính cho đến ngày thành hôn. Dì Năm cũng đẹp, da trắng nõn, môi như thoa son, mặt như dòi phấn, bàn tay xinh đẹp. Những ngón tay thon thả. Đặc biệt Dì có đôi mắt diễm lệ xinh đẹp như đôi mắt của mỹ nhân, “Đôi mắt đẹp, đôi mắt đẹp làm xao xuyến tim tôi” như lời ca trong bản nhạc “Đường Lên Sơn Cước”. Tuy nhiên, đôi mắt quá sắc sảo, sáng lóng lánh, toát ra một nét hơi kỳ dị, lạ lùng. Mắt chan chứa hiền dịu vừa dữ dằn, vừa liêu trai, vừa quyến rũ, vừa say đắm vừa hững hờ, vừa nồng nhiệt vừa thờ ơ, vừa van xin vừa thách thức, bất cần. Đó là đôi mắt đẹp, sắc sảo nguy hiểm khó lường. Đó là nhận xét của chị Hà. Cũng có thể vì đôi mắt quá ư diễm ảo, dữ dằn này mà Ba đã chọn Má, mặc dầu lúc đó Dì rất yêu Ba vì Ba hiền lành, học giỏi, lại yêu thích văn  chương, cùng sở thích với Dì.

Minh thương Má lắm! Nhớ Má lắm! Nếu Má đừng có bỏ con, bỏ Ba mà vĩnh biệt cõi đời quá sớm thì con đâu có khốn đốn khổ sở như thế này. Buổi tối, Minh thường khấn trước bàn thờ Má khi nhìn khói hương bay phảng phất quanh bức ảnh của Má:
  -Má có linh thiêng xin phò hộ Ba khỏe mạnh và con có đủ sức khỏe và nghị lực để vươn lên trong cõi đời đầy khổ lụy này.
   Chị Hà thông cảm hoàn cảnh đau khổ của Minh. Chị vốn sáng dạ, học giỏi nhớ dai, thích văn chương chữ nghĩa, đọc sách nhiều. Chị an ủi cậu. Chị đọc thao thao bất tuyệt, “Hồng nhan mệnh bạc, Thiên địa phong trần, Hồng nhan đa truân, Giai nhân tự cổ như danh tướng, Bất kiến nhân gian đáo bạch đầu.”  “Mẹ gà con vịt chít chiu, Mấy đời dì ghẻ nâng niu con chồng.”  “Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng.”  “Mồ côi cha ăn cơm với cá, Mồ côi mẹ lót lá nằm đường.”
    Minh phục chị họ lắm. Hà còn tập tành làm thơ, viết truyện ngắn gởi đăng các báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn nghệ Tiền Phong, Bông Lúa. Chị không đủ tiền mua báo. Chị thường đến các tiệm sách Tao Đàn, Nghệ Thương, Quảng Thuận. Chị giở phần Hộp Thơ hay phần Nhắn Tin xem tòa báo có nhận được bài vở của mình chưa. Nếu bài chị được đăng thì chị mua báo, còn không thì khỏi mua.  

Một hôm, tuần báo Bông Lúa đăng bài thơ chị tả Trại Di Cư ở Mỹ Đức, Phan Rang mà chị đi thăm một người bạn học, gốc Bắc ở đó. Chị tức cảnh sanh tình, chị nói.  Minh phục lăn người đẹp thi sĩ trong nhóm “Thi Đoàn Sông Dinh” này. Cậu thích bài thơ, nên đọc nhiều lần thành thuộc.

         TRẠI DI CƯ
     
     Tôi viếng Trại Cư một buổi chiều
     Nắng hè nhạt luyến mái tranh yêu
     Phượng rơi rụng trải đường xơ xác
     Khói bếp nhà ai quyện túp lều
                                                               
     Một dãy nhà tranh san sát dài
     Đơn sơ vách đất thiếu màu vôi
     Phên thưa ngõ trống, rào không kín
     Mảnh đất cằn khô rộng rãi ơi!
                                                               
     Gió lộng mênh mông luồn mái lá
     Dăm người em nhỏ tuổi tuổi ngây thơ
     Đùa nhau trên cỏ màu hoe nắng
     Vui đón hoàng hôn đã tím về.
                                                                   
      Rộn rã tiếng cười vang khắp xóm
      Người người no ấm sống yên vui.
      Yêu nhau như thể tình trong họ
      Đùm bọc thương nhau dựng cuộc đời.

    Minh bái phục Đại Sư Tỷ lắm lắm.  Có lần thầy Văn, phụ trách môn Quốc văn lớp cậu ra đề luận văn, “Em hãy kể một chuyện vui mà em khó quên trong đời em.”  Cậu bí tỉ.   Cậu đâu có gì vui trong đời mình để kể. Tuổi thơ cậu đầy đau khổ. Mồ côi mẹ đã là điều đại bất hạnh, lại gặp Bà Dì ghẻ chằn ăn, trăn quấn. Lúc ở với ông bà Nội, chỉ có Bà Nội và cô Mười là săn sóc cậu dịu dàng âu yếm vuốt ve cậu. Còn Ông Nội thì lúc nào cũng cau có, nghiêm khắc, nhiều lúc tát tai, đánh mắng cậu dù lúc đó cậu còn bé.  Khi về với Ba và Dì thì bị hành hạ, hà khắc đủ điều. Dì sai làm việc liên miên, bất tận.
Minh ngán nhất và hãi nhất là khâu gánh nước uống từ bãi cát lên dốc bờ sông Phước Khánh. Dốc cao vời vợi, trơn dễ bị trợt vô cùng.  “Dốc đất chênh vênh màu tím sẫm,”
Chị Hà đọc. Khi Minh cầu cứu Nữ sĩ, Hà giải thích: “Lời vui khó nói, điệu buồn dễ hay,”  một triết gia Tây phương đã nhận định. Chuyện buồn dễ kể, dễ viết, dễ đi sâu vào lòng người, dễ chinh phục người đọc, dễ cảm động những con tim dồi dào tình cảm vì đời là bể khổ, vui ít, buồn nhiều. “Sống có gì vui. Chết có gì buồn,” như một văn nhân đã thốt. Bởi vậy chuyện vui khó kể. Dù là chuyện hoan hỉ, vui tươi, hạnh phúc có thật, được kể ra cũng khó hấp dẫn người đọc, người nghe, khó thuyết phục độc giả, ngoại trừ những văn tài hiếm hoi. Sau đó ,chị Hà cho Minh mượn cuốn sách giáo khoa dạy cách làm luận văn cho các lớp Đệ Ngũ, Tứ, và Luyện thi THĐNC của Giáo Sư Vũ Ký.  Trong đó có in chuyện vui do Khái Hưng viết.  

Một cậu bé nhầm lẫn giữa kem đánh răng và kem cây ăn (cà rem cây). Minh mừng quýnh. Cậu có cách kể chuyện vui rồi. Kết quả bài luận của cậu đạt điểm cao với lời phê của thầy Văn: “Bài luận hay, tuy mô phỏng nhưng hợp lý!”  Minh cho mình nhầm lẫn giữa kem đánh giày và kem ăn (kem hộp, kem sô đa). Cậu đem bài luận khoe chị Hà. Đọc xong, chị mỉm cười, nói “Chỉ tiết kem si ra đánh giày màu nâu sẫm so với cà phê pha không đủ sữa óng ánh màu nâu sậm trong hợp kem sô đa, có vẻ thuyết phục. Rồi khi ăn vào mồm, si ra làm miệng cậu cay xé, cay rát môi, phòng lưỡi, chảy nước mắt, nước mũi. Chuyện làm cho người ta cười lăn ra được. Chuyện vui thật. Cậu khá lắm, cừ lắm!”  Minh được Sư Tỷ khen, nở mũi. Cậu khoái vô cùng.

Cậu nhớ lại quãng thời gian ở với Ông Bà Nội và Cô Mười thật êm ả, thú vị.  Tuy Ông Nội khó tính, hay cau có, nhưng Bà và cô thương yêu cậu, săn sóc cậu chu đáo. Minh còn nhớ, hôm đó chùa có cúng đêm. Cậu ham vui, mới tản bộ dọc theo con đường lộ từ nhà Nội đến ngôi chùa tọa lạc bên kia lũy tre xanh rì, cao ngất, rậm rạp.  Ánh trăng sáng vằng vặc. Trời trong vắt như pha lê. Tơ vàng lấp lánh, dát bạc khắp thôn quê, làng mạc. Không khí mát rượi. Con đường đất bùn trải dài trước mắt. Cây cối hai bên đường im lìm thiếp ngủ dưới ánh trăng bàng bạc. Khi đi ngang qua hàng tre dày đặc. Cành lá đong đưa lào xào. Tiếng gió rít vì vèo. Có tiếng kẽo kẹt trong lùm tre cao ngất nghểu, ngọn lá lòa xòa như tóc xõa, như có tiếng võng đu đưa qua lại không ngừng. Tự nhiên, cậu có cảm giác một luồng khí lạnh đang chạy dọc cột xương sống.   Cậu sợ hãi vô cùng. Minh sợ ma lắm! Không khí rờn rợn như đang bao trùm khắp nơi.  Cậu quýnh quáng hai chân run rẩy thiếu điều són đái trong quần. Cậu vội vàng cấm đầu chạy. Chạy như bị ma đuổi. Vắt giò mà chạy. Chạy trối chết. Chạy bá thở cào cào. Chạy muốn đứt hơi trên con đường làng tràn ngập ánh trăng dẫn đến ngôi cổ tự âm u còn le lói ánh đèn xa xa. Minh cấm đầu chạy, không dám nhìn hai bên đường. Chạy một mạch cho đến cổng Tam quan, nơi có cây dương liễu cao vời vợi phía trước chùa. Ánh đèn măng sông còn sáng choang. Cậu mừng quá!  Là chùa đã làm lễ xong. Các Phật tử ra về gần hết.  Bà Từ nhận ra cậu là con ông giáo Thà. Bà vui vẻ, xoa đầu Minh, tươi cười, an ủi cậu:
  - Đừng sợ! Không có ma quái gì đâu con à!
 Bà đưa cho cậu chén chè nếp đậu đen lợn cợn mấy lát gừng và cốt nước dừa. Chén chè thơm ngon tuyệt. Cậu cầm chén chè, cám ơn Bà Từ, rồi đớp ngon lành. Cậu khoái món ăn ngọt lắm. Chẳng mấy chốc, chén chè sạch nhẵn. Minh chuồn lẹ. Từ cổng chùa, cậu dọt nhanh như tên, không dám nhìn xung quanh. Cậu lắng nghe như có tiếng chân người đuổi theo. Minh hết hồn chạy hết tốc lực vô đến cửa ngõ nhà Nội. Thật hú hồn. Đâu có ma nào đuổi theo cậu. Mà nếu có ma, chắc gì đuổi theo kịp cậu bé loắt choắt, chạy nhanh như cắt.

Cô Mười còn thức. Cô ngồi trên bộ ván chờ cậu. Bộ phảng bằng gỗ, dày khoảng một tấc 1áng bóng, đặt ở một gốc hiên là chỗ ngủ của hai cô cháu đêm đêm. Cô thường kể nhiều chuyện đời xưa, chuyện cổ tích thần thoại cho cháu nghe. Cậu khoái lắm, mê lắm.  Đặc biệt, thỉnh thoảng, chị Lộc, chị họ bên Nội, ở Sài Gòn về chơi. Chị xinh đẹp, duyên dáng, kể chuyện rất hay. Chuyện ma quái, yêu tinh, chằn tinh, quỉ sứ, Bà Tiên, Ông Bụt luôn luôn cứu giúp phò trì bảo vệ những kẻ yếu đuối, cô thế, hiền lành, hiếu đạo với ông bà cha mẹ, bị kẻ ác, côn đồ, yêu ma, hồ ly tinh hãm hại, quấy phá. Chị Lộc ngồi trong một góc vườn cây bao la bát ngát của Cô Ba, vào những đêm trăng vằng vặc, kể chuyện liên tu bất tận.  Minh và lũ trẻ hàng xóm ngồi quay quần xung quanh Hiền Tỷ, nghe say mê.  Chúng phục chị lắm.  Đúng là một giai nhân có trí nhớ tuyệt hảo. Có đứa mải mê nghe kể chuyện hấp dẫn quá, gây cấn quá, hồi hộp quá, gục lên, gục xuống, vẫn không chịu về nhà ngủ.  Có đứa ngủ gà, ngủ gậc. Có đứa ngủ thiếp hồi nào chẳng biết. Tuổi thơ của Minh trôi qua êm ả, bình thản bên Ông Bà Nội và cô Mười cạnh nhà Cô Dượng Ba. Sau đó, Ông Thà bắt Minh về ở với gia đình Ông. Lúc đó, Long vừa sáu tuổi. Cậu đâu có chịu rời xa nhà Nội. Ba cậu ép buộc cậu, đánh cậu gãy hàng mấy cây roi bằng nhánh đổ rào. Da thịt cậu sưng vù, có chỗ bị tím bầm, rướm máu. Minh còn bé quá mà!  Phải về sống với Ba và Dì Năm thôi.

Bây giờ Minh đã đi nhanh, gần đến cổng rào nhà Bà Hai để vào khu vườn rộng
mênh mông, bát ngát của Bà. Cậu đi dọc theo con đường mòn, cạnh con mương chạy xuyên qua khu đất nhà Bà. Xa xa, loáng thoáng ánh đèn dầu le lói qua khe cửa nhà Bà.  Gió vẫn thổi rào rào, vi vút, lê thê, lướt thướt trên cây cối rậm rì, đen thẫm, cành lá sum suê, đong đưa kẽo kẹt khắp nơi. Không khí ma quái rờn rợn. Cậu sợ lắm!  Cậu run lên như cày sấy. Cột xương sống như có một luồng điện lạnh ngắt chạy rần rần, từ trên xuống dưới. Bỗng nhiên, một cơn gió mạnh thổi thốc qua lùm cây trước mặt. Lá khô rơi lào xào, bay lăn lốc tứ tung, làm cậu giật mình, hết hồn. Mảnh trăng non thượng tuần,  đã nhô lên ở một gốc trời. Những tia vàng, óng ánh, lung linh bắt đầu xuyên qua cành cây, kẽ lá. Tơ vàng như nhảy nhót, rung rinh trên những đọt lá chuối treo lơ lửng, lòng thòng. Minh thấy giống như yêu ma đang xõa tóc bên mương nước đen ngòm. Trông dễ sợ quá! Dòng nước chảy lờ đờ, đục ngầu, rì rào, tím thẫm, loang loáng ánh trăng chập chờn, khi ẩn khi hiện, kỳ dị quái gở vô cùng. Rồi có tiếng ùng ục, bì bõm đâu đó. Cậu sợ hãi, rảo bước thật nhanh hơn.

Chợt có những loạt âm thanh ào ào, rào rào. Nhiều bóng đen hốt hoảng bay tán loạn, lào xào trong đêm trường thanh vắng. Đó là bày dơi đi ăn đêm dọc theo con mương, nghe tiếng động, hốt hoảng, bay nháo nhát tứ tán. Minh vẫn lủi thủi bước trên đường. Cảm giác sợ ma cứ hù chụp lấy cậu, làm cậu luống cuống, bối rối không ngừng.  Minh dường như nghe tiếng võng đưa kĩu kẹt, tiếng ai ru trẻ trên cành mít sần sùi, cao ngất nghểu. Cậu không dám nhìn vì cậu thấy ớn lạnh cả người khi nghĩ tới hình ảnh quái dị, miệng rộng lưỡi dài, đỏ như máu của con ma như nghe kể.  Rồi tất cả như im ắng, câm lặng. Bầu không khí như cô đọng lại. Chốc chốc cậu nghe tiếng gió rít qua vườn, tiếng lao xao của cành lá, tiếng rì rầm đâu đó, tiếng lá rơi lác đác, bay rào rạo trên cỏ, xào xạc trên lối mòn. Bỗng nhiên có bóng đen thui xạc xạc qua bụi cây, giống như yêu quái rượt theo cậu. Minh hốt hoảng, co giò chạy thục mạng về phía nhà Bà Hai. Thì ra con mèo mun, to tổ bố phóng ra, chạy theo bạn gái. Rồi tiếng ngao ngao meo meo, tru tréo mời gọi đú đởn nhau, tạo thành một khúc nhạc rờn rợn, phá tan bầu không khí thanh vắng của khu vườn về đêm. Tiếng kêu kéo dài lê thê, quào quào, rên rỉ như ma trơi quỉ khóc làm cậu càng nhờn nhợn, khiếp đảm. Cậu chạy bán mạng. Có tiếng chó sủa dữ dội vang lên phía trước. Con Lu to kềnh, xù lông phóng tới. Theo sau là anh Hào, con Bà Hai. Con Lu nhận ra khách, vảy đuôi, liếm chân cậu mừng rỡ. Bà Hai đưa Minh bộ dụng cụ bào dừa nấu xôi chè, đựng trong bọc vải. Anh Hào đưa cậu ra khỏi khu vườn bao la bát ngát, tràn ngập ánh trăng.  Lúc này trăng đã lên cao. Tơ vàng lấp láng bàng bạc khắp khu vườn rậm lá.  Khung cảnh thật nên thơ, thật đẹp quá!  Minh không còn sợ ma nữa. Khi đi theo anh Hào, cậu đánh bạo liếc nhìn mấy cây mít to tổ nái, những cành lá treo lơ lửng, chi chít. Không thấy những chiếc võng móc, ma mẹ, ma con nào cả. Lá reo lào xào trong gió. Cũng không thấy ma quái đi hỏng chân. Có lẽ vì quá hãi hùng, nên cậu trông gà hóa cuốc mà thôi. Cậu yên tâm. Hào tiễn Minh một quãng đến tận mương gần nhà cậu mới chia tay. Cậu cám ơn Hào ríu rít. Cậu thong thả bước vô nhà. Bà Lan cầm lấy dụng cụ nạo bào dừa. Đã có đồ làm xôi chè cúng ngày mai. Mẹ kế cậu, Dì Năm, mỉm cười vui vẻ. Tuy nhiên, Bà nhìn Minh cỏ vẻ trách móc, la rầy:
  -Có chút việc mà đi lâu lắc, làm ở nhà Ba và Dì lo, sợ mày té xuống mương.  

Long đang ngồi học bài, thấy anh về, vẻ mặt rạng rỡ. Long chạy vội đến, nắm lấy tay anh.
  -Anh Minh!  Đi lâu làm em lo quá. Sợ anh té xuống mương sâu thì nguy.  Anh dạn dĩ thực! Anh cừ khôi lắm đó! Em thì chịu chết thôi. Em không dám đi đến nhà Bà Hai ban đêm. Đường xa, gió lạnh, cây cối tùm lum. Em sợ ma lắm! Anh gan dạ lắm đó, anh Minh ơi!  Em phục anh sát đất!
    Minh xấu hổ, cười khổ đáp :
  -Anh gan lì? Gan cái khỉ khô! Suýt nữa són ra quần. Vừa chạy bá thở cào cào, vừa run như con thằn lằn đứt đuôi. Ở đó mà gan.
       Ông Thà nghe cũng cười òa. Rồi cả nhà cười vang. Bà Lan có vẻ hài lòng...

  -Anh Minh ơi! Anh chỉ cho em mấy bài toán. Khó quá! Em bí tỉ rồi anh à!
 Long nài nỉ. Hai anh em cùng cha, chỉ khác mẹ, mà sự thông minh hiếu học rất khác nhau. Minh học giỏi. Long đạt mức trên trung bình một chút, lên lớp là may rồi. Đậu vào lớp Đệ thất trường công lập là hên lắm rồi! Nhờ Minh kèm riết ba tháng, Long mới làm trúng hai bài toán kỳ thi tuyển vào năm đầu trung học. Đệ thất, học sinh chưa học cách giải bằng phương trình. Toán số học thì có nhiều bài hóc búa, lắt léo, khó tìm ra đáp số, Long bí là cái chắc. Nếu đặt các ẩn số X, Y, Z theo cách giải Đại số thì bài toán tìm ra không khó lắm. Minh thương em, nên hết lòng giúp đỡ nó. Cậu âu yếm choàng vai em dẫn lại bàn học. Nó kính phục và yêu mến anh là ở chỗ đó. Long lên lớp được là nhờ anh. Minh dù bận rộn cách mấy cũng sẵn sàng giúp đỡ em khi em yêu cầu.  Bà Lan nhìn theo hai đứa mỉm cười. Bà chợt buông tiếng thở dài. Thật ra thằng Minh là đứa bé hiếu đạo, có lòng nhân, lại sáng dạ, ham học, hiền lành, ngoan ngoãn, tốt bụng, chất phác, đôn hậu. Bà thù ghét mẹ nó, rồi Bà ghét nó luôn. Kể ra Bà bất công thật.  Bà chỉ thương con ruột của bà. Bà ghét bỏ, hành hạ đứa con ghẻ, đứa con của người tình địch trước đây, dù Bà Hương, mẹ đẻ nó, đã không còn trên cõi đời này nữa. Mà thực ra, tại sao ông Thà không chịu cưới Bà, mà chọn Bà Hương? Nghĩ có tức không chớ? Bà đâu có thua kém gì Bà Hương. Bà cũng xinh xắn, duyên dáng, đẹp sắc sảo hơn Bà Hương nữa là khác. Bà là con nhà giàu, có bề thế trong vùng nữa. Bà lại yêu Ông Thà tha thiết. Ông không đẹp trai lắm, nhưng có vừng trán rộng, đôi mắt sáng, khuôn mặt phúc hậu. Ông lại hiền lành, thông minh, học giỏi. Đặc biệt Ông có trí nhớ tuyệt vời, thích văn chương chữ nghĩa, ông có khiếu kể chuyện thật hấp dẫn, dễ làm say mê người nghe. Bà phục Ông ở điểm này nhất. Bà cũng có những sở thích giống ông.  

Ông Thà hình như tản lờ, hay giả vờ không hiểu tấm chân tình của Bà đối với Ông. Ông vẫn vui vẻ tử tế, nhưng lúc nào cũng nghiêm trang, đứng đắn, đối xử như một bạn gái, một người em. Bà không thích như vậy. Bà muốn ông yêu Bà, kết hôn với Bà, Bà sẽ yêu thương, săn sóc ông hết mực. Bà sẽ đem lại hạnh phúc cho ông. Nhưng ông đã lãnh đạm, hờ hững, lạnh nhạt với Bà. Ông đã bị con quỷ cái Thu Hương, hốt hồn từ bao giờ. Ông đã bị nó mê hoặc, hốt hồn, hốt vía, nhốt kín trái tim từ đời thuở nào, mà bà quá chủ quan không thể nào ngờ tới được. Con nhỏ trông mủm mỉm, ít nói mà ghê hồn thật. Đùng một cái, họ tuyên bố ngày cưới. Thiệp báo hỉ được gởi đi các nơi. Bà đau khổ vô cùng, trở tay không kịp. Bà đăm ra hận Ông Thà. Tình yêu đã biến thành lòng thù hận. Hương là bạn, trong phút chốc đã trở thành kẻ thù của Bà. Ước gì Bà có thể hủy diệt cuộc hôn phối của hai người. Cái gan của Bà là có thể hủy diệt cô gái nhu mì, có nhan sắc diễm lệ, mặt phúc hậu, đã chiếm đoạt trái tim nhân hậu, đa cảm của người bà hết mực yêu quí. Bà bị đánh ngã quỵ mà không có chiến đấu. Bà đã bị “knocked out”'một cách đau đớn ê chề.  

Tuy nhiên, Bà không dám phá đám hạnh phúc của hai người. Không phải Bà yêu mến gì con mẹ Hương. Bà chỉ thương ông Thà thôi. Bà sợ sau này ông sẽ đau khổ, oán hận Bà. Mặt khác, vì Bà có nhan sắc, có học, con nhà khá giả, có quá nhiều con trai theo đuổi Bà. Bà đâu có ế chồng, mà phải đi giành giật chồng của kẻ khác. Sau đó, Bà đáp tình với Thiếu Úy Sang, kẻ đã chết mê, chết mệt, theo đuổi Bà từ lâu. Viên Sĩ quan Bảo an này, học vấn không cao, thi cử lận đận, nhiều năm không đậu được cái bằng Tú tài I. Đến tuồi quân dịch, anh ta phải cố gắng thi đậu khóa Sinh viên Sĩ quan bảo an và theo học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức một thời gian và ra trường với cấp bậc thiếu úy. Sang đẹp trai, hào hoa phong nhã, chịu chơi. Hơn nữa, anh ta “mếch” Bà đắm đuối và chìu chuộng Bà hết mực. Bà chỉ cần nhoẻn miệng cười tình và đon đả tiếp nhận mối tình chân thật của kẻ si là ai đó sẽ hoan hỉ mang xe hoa rước nàng về Dinh ngay.  Cho nên, đang lúc tuyệt vọng và đau khổ vì si tình ông giáo, anh chàng Sĩ quan khôi ngô tuấn tú, hào hoa phong nhã đến gõ cửa con tim băng giá của Bà đúng lúc “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.  Thế là đám cưới diễn ra trong thời gian ngắn ngủi. Sau đó Bà theo chồng về tận Phú Yên khi ông được thuyên chuyển về tỉnh nhà. Không ngờ “Hồng nhan bạc phận”, Trung úy ĐĐT / ĐPQ Sang đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trong một trận đánh ác liệt, đẫm máu với địch quân. Anh chồng vắng số của Bà được vinh thăng cố Đại Úy. Bà quả phụ L.T Lan không con cái, đơn chiếc nơi xứ lạ quê người, thọ tang chồng trong ủ sầu, đau khổ không nguôi. Người thiếu phụ góa bụa, trẻ trung duyên dáng trở về quê mẹ sau khi lãnh một số tiền tử tuất. Bà Lan lúc đó hương sắc còn nồng nàn rực rỡ.  “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?  Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?” (Xuân Diệu). Nhiều đàn ông mê Bà, theo đuổi Bà, tán tỉnh Bà. Bà như con chim trúng đạn. Trái tim Bà đã đóng băng khép kín. Bà sống với cha mẹ. Gia đình vốn có của. Bà không lo lắm về cái ăn cái mặc. Ông Thà thỉnh thoảng có đến thăm và chia buồn người bạn học cũ, nhưng ông chỉ xem Bà như môt cô em gái. Bà buồn lắm!  Rồi đùng một cái, Bà Hương bị bệnh ung thư tử cung và từ trần sau đó không lâu. Thật là “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” Kẻ góa chồng. Người góa vợ. Từ đó hai người bạn cũ năng lui tới thăm viếng an ủi, giúp đỡ nhau. “Tình cũ không rũ cũng tới.”  

Mặc dù Ông Thà trước đây không yêu Bà Lan nhiều lắm, nhưng hiện giờ gà trống nuôi con. Bà Lan còn trẻ đẹp, lại luôn luôn săn đón Ông. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén,” “Gái quốc sắc, trai anh hùng phải lụy,” nên cuối cùng “cá đã cắn câu.”  Họ đã thành hôn sau đó. Và cậu Long ra đời. Tình yêu của hai người càng thêm thắm thiết đậm đà. Lúc đó Minh lên ba và đang ở nhà Ông Bà nội. Khi hai anh em lớn lên, họ sum hợp một nhà. Lúc đầu, Long ỷ thế mẹ nâng niu chiu chuộng mình hết mực và bạc đãi, hành hạ đứa con ghẻ, tha hồ lấn lướt, ăn hiếp ông anh. Bà Lan biết rõ, nhưng cứ làm ngơ. Vốn bản tính hiền lành, vị tha và bao dung, lại thương đứa em hợm hĩnh, nông nỗi, Minh dùng tâm từ bi cao thượng, lúc nào cũng tận tình giúp đỡ em mọi mặt nhất là về học hành nhắc nhở, chỉ bảo cho em những môn em còn yếu kém, nhất là môn toán và sinh ngữ. Dần dần, Long cảm phục người anh đại lượng, đôn hậu, chơn chất và tốt bụng.
 
Chiều hôm đó, Minh đi gánh nước uống dưới sông về trễ. Bóng tối buông trùm xuống thôn làng rất nhanh. Ngọn đèn dầu leo lét tỏa ánh sáng vàng vọt dưới nhà bếp. Long nhẹ nhàng bước qua ngưỡng cửa cái, đi vào cạnh tủ chén bát, nồi xoong.  Minh đang ôm bàn chân phải ngồi thu mình một góc cạnh cây đèn hột vịt tỏa ánh sáng lờ mờ.  Trên chiếc chiếu manh tơi tả là chai thuốc đỏ, gói bông gòn, băng keo, tube pommade.  Long tiến lại gần anh. “Trời ơi!” Long kêu lên. Máu tuôn lênh láng từ mắc cá. Thì ra Long gánh nước nặng bước lên dốc bị trượt chân ngã. May đất bùn mềm nên đầu không sao chỉ xây xát nhẹ. Riêng mắc cá bàn chân phải bị va vào thùng tôn nên bị tét lớn.  Máu chảy đầm đìa đau buốt vô cùng.
  -Để em giúp cho anh.  Anh đau đớn lắm, phải không?
     Long xúc đông thật sự. Nó rơm rớm nước mắt. Minh cảm động nhìn em. Đây là lần đầu tiên nó quan tâm đến người anh khốn khổ này. Minh cố gắng kềm giữ hai giọt lệ muốn trào ra khóe mắt.
  -Anh cám ơn em.  Không sao đâu.
   Minh âu yếm nhìn em gượng cười nhăn nhó vì đau buốt khi cồn xát vào, thuốc bôi lên và băng quấn quanh vết thương. Máu đỏ loang thấm qua mấy lần vải buột. Bỗng nhiên Long ôm chầm lấy Minh, nghẹn ngào
 -Em thương anh lắm!  Anh Minh ơi!
    Nó siết chặt anh, gục đầu vào vai anh, khóc nức nở. Nước mắt tuôn xối xả ướt cả cánh tay áo sơ mi bạc màu của anh.  Tự nhiên nỗi khổ đau, uất hận chất chứa bấy lâu trong lòng Minh cũng dâng lên ào ạt như nước vỡ bờ. Minh cũng ôm em òa lên khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc.  Khóc đã đời một hồi, hai anh em cùng mỉm cười sung sướng và hạnh phúc vô cùng.
  -Anh cực khổ quá anh Minh ơi! Em thấy thương anh quá à!
    Long cười toét, lệ còn vương trên đôi má phúng phính, da trắng giống mẹ.
  -Anh cũng thương em lắm, Long ơi!
      Hai đứa sung sướng dọn dẹp bông băng.  Định đi ngủ sớm để mai còn dậy học bài.

Trời đã khuya. Chắc Ba và Dì Năm đã ngủ từ lâu. Ba kêu mệt. Ông đã vào buồng nghỉ từ hồi chạng vạng. Nhưng chúng đã lầm. Hai anh em không thấy Bà Lan đứng sau phòng ngủ, cạnh tấm rèm cửa sổ phòng ngủ của Bà sát cửa ra vào cạnh bếp. Bà đã chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh Minh và Long thương yêu giúp đỡ săn sóc nhau khi anh bị tét chân khá nặng. Bất chợt, Bà xúc động thật sự. Bà thương ông Thà mà không thương con của người mình yêu, dù đó là con của người tình địch của mình. Thằng bé thật hiếu đạo, hiếu học, siêng năng, thông minh và tốt bụng đến nỗi đứa con cưng của Bà, từ đố kỵ, ganh ghét, hiếp đáp, hành hạ, trở thành cảm phục kính nể và thương yêu hết mực.  Bà nhớ có một nhà văn nào đó nói, “Tình thương và giúp đỡ một người nào đó, người ban phát là người hạnh phúc trước tiên, dù người được chiếu cố bất kể là ai, dù là kẻ thù của mình.”  Bởi vì sự ganh ghét và lòng hận thù làm cho con người ray rứt đau khổ, không thấy thoải mái, an vui chút nào. Tự nhiên Bà thấy có lỗi với Bà Hương, mẹ đứa bé đáng thương kia! Mười bốn tuổi rồi mà đẹt ghê!  Da đen đúa.  Thân hình gầy gò. Chỉ nhỉnh hơn thằng Long một cái đầu. Áo quần thì cũ mèm, sờn rách nhiều chỗ. Thật tội nghiệp! Thế mà thằng bé không hề mét Ba hay có lời oán trách Bà. Có thể Ông Thà biết, nhưng vốn nhu nhược và quá nể nang Bà, chìu chuộng Bà để không khí gia đình thuận thảo, êm ấm, nên không trách móc gì về sự hành hạ, bạc đãi con chồng của Bà Dì ghẻ. Tuy không nói gì, nhưng chắc chồng Bà buồn lắm!  Bà nghĩ mình phải có trách nhiệm săn sóc tốt hai đứa trẻ. Bà sẽ bảo thằng Long chia sẻ công việc vặt vãnh trong nhà với anh nó. Vốn kính phục nể nang, thương yêu anh, chắc nó sẵn sàng giúp anh thôi.  Phải xoay xở một số tiền mua một chiếc xe đạp cho hai trẻ đi học xa, mua thêm sách cho thằng Minh. Tội nghiệp chúng cứ cuốc bộ lô ca chân mãi.  Anh nó cứ mượn sách của bạn chép bài, mất nhiều thì giờ. Vất vả quá!  Bà thoăn thoắt bước nhẹ nhàng vào nhà trong. Lúc này Bà cảm thấy lòng thanh thản an lạc lạ lùng.  Bà tư nguyện trong lòng:
 , -Mai ta mua thêm nếp đậu đen, đường nấu chè, trước cứng tạ lỗi chị Hương, sau đó cha con bồi dưỡng vui vẻ.
   Bà cảm thấy một cảm giác êm ái, nhẹ nhàng len lỏi vào con tim vốn như chai cưng đối với con ghẻ bấy lâu nay. Bà mỉm cười, “thằng bé thật đáng thương.”  Bà vén mùng chui vào. Ông Thà đang ngáy khò.
Minh thao thức trên chiếc giường tre, trăn qua trở lại, chưa chợp mắt được. Bên cạnh nó, thằng Long đã thở nhẹ nhàng, đều đặn từ lức nào, đang đi dần vào giấc điệp mơ màng.  mặt mày rất bình thản hồn nhiên.
  -Thằng nhỏ không tệ!
    Chân tuy còn rêm rêm đau nhức, nhưng Minh cảm thây tâm hồn mình như được môt bàn tay kỳ diệu vô hình ve vuốt. Cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng như đưa cậu vào một thế giới dịu dàng, tràn ngập tình thương. Đêm thật thanh vắng, yên tĩnh, chìm trong bóng tối an bình buông phủ khắp nơi. Minh thiếp dần vào giấc ngủ an lành của tuổi thơ.
                           
                                 THANH ĐÀO  
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân