TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Huỳnh Thị Thanh Chiểu và Nguyễn Thị Năm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Huỳnh Thị Thanh Chiểu và Nguyễn Thị Năm
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bui Thi Dieu Huyen
Niên Khóa 1969-1975


Ngày tham gia: 09 Jan 2009
Số bài: 109

Bài gửiGửi: Wed Oct 07, 2009 12:09 am    Tiêu đề: Huỳnh Thị Thanh Chiểu và Nguyễn Thị Năm

Ái chà, sao anh TP biết cả Coquitlam luôn vậy, tài qúa ta. Còn biết cả Mạnh Trịn làm biếng dọn rác nên bear đến nhà DH viếng thăm thường xuyên nữa, bái phục.
Hôm trước DH nhìn ra sân sau nhà thì thấy con gì ngồi chồm hổm. Lúc đầu thì có cảm tưởng là con chó, nhưng sao kích thước con chó này qúa lớn, nhìn kỹ thì là con gấu. Sau đó chú gấu đứng lên, cao khỏang 1.80 mét, thân to tê, tròn lẳng, đi vơ vẩn trong sân, chân trước bị thương, hơi cà nhắt, đi lại khó khăn. Chú gấu ăn vài đọt lá non xung quanh nhà. DH vội cầu cứu 911, họ chuyển qua đường dây của Bear Hotline. Chú gấu và DH sáu mắt nhìn nhau (DH cận thị), không nói một câu! Sau đó chú gấu buồn tình ngồi chồm hổm chơi và DH nhìn chán rồi thấy cũng bình thường. Mạnh Trịn làm phó nhòm chụp hình bear kỷ niệm. DH chạy vòng vòng hàng xóm kêu bà con lối xóm tới coi gấu. Sau chờ mãi mà chẳng thấy có ai đến để đem gấu đi, DH và NL cũng không buồn ngó đến gấu nữa. Thú thật có hôm nhìn ra sân trước thấy bear xách hai tay hai bịch rác, chiến lợi phẩm, lên gò đất cao ráo, kín đáo sau mấy cây oak cổ thụ, nhâm nhi ngon lành...

DH được học cùng lớp vói ngừơi đẹp Nguyễn Thị Năm từ 6/5 đến 9/5. Vẫn còn nhớ Năm rất xinh nhưng lúc nào cũng e ấp như cả thẹn. Năm duyên dáng với làn da trắng hồng trên khuôn mặt trái xoan và khi cười khoe chiếc răng khểnh. Năm tuy ít nói nhưng khi cất tiếng hát thì có giọng hát thật truyền cảm, ngọt ngào và véo von như chim vành khuyên. Dáng người Năm cao gầy, thon thả và hơi yểu điệu. Không những hát hay, Năm còn gỉỏi xuất sắc về thể dục thể thao, nhất là môn chạy đua.
Nhà Năm nằm trong khu đất của Ty bưu điện, gần nhà của bạn Mê Linh và Bá Huân. Do đó Năm thường hay đi học với Mê Linh.
Sau tháng 4-75, khu nhà công nhân viên chức trong Ty bưu điện bị giải thể và gia đình Năm đã dọn về Nha Trang, nơi đây Năm đã đoạt giải nhất trong một kỳ thi đơn ca với bài hát "Ai ra xứ Huế". Sau đó Năm lập gia đình với người bạn cùng liên lớp, nhà trong xóm gò.
Liên lớp 69-76 có nhiều người đẹp, một trong những người đẹp ấy là Huỳnh thị Thanh Chiểu. Thanh Chiểu thước tha, khả ái, duyên dáng như tranh vẽ nên được nhiều người ngưỡng mô. Năm tháng trôi qua chỉ làm cho nhan sắc Thanh Chiểu thêm mặn mà, càng nhìn càng ưa. Sau Thanh Chiểu lập gia đình với chàng thương phế binh rất thương vợ.
Hai bạn Năm và Chiểu đều tài hoa và xinh đẹp nhưng gan lỳ thì thua DH xa lắm.
Trong một chuyến về thăm nhà năm 96, lúc ấy DH chưa biết sợ xe cộ là gì nên mượn xe honda đi tứ tung. Mặc dầu hơi lùn và chân chống không chạm đất, DH vẫn tung tăng khắp nẽo đường PR trên xe gắn máy.
Một hôm, sau khi cùng bạn bè viếng thăm Thầy Quốc, nhà Thầy ở gần rạp hát Việt Tiến, ai nấy đều có xe để về, ngoại trừ hai bạn Năm và Chiểu. Thế là DH xung phong làm tài xế để chở hai nàng về dinh. Có ai hay rằng trước đó vài giờ, DH vừa tông sập hàng rào nhà hàng xóm của bạn Chu Thị Mỹ Dung vì không biết giảm tay ga!
Ngồi trên xe honda, chân DH không chạm đất được nên DH nói: "Hai bạn phải dang hai chân làm chống tó giùm nhé, lỡ xe nghiêng bên nào thì chống giùm bên đó!" Cả hai bạn vui vẻ nhận lời, hồn nhiên giao tính mạng trong tay DH.
Thanh Chiểu ngồi kề DH, Năm ngồi ngoài vì Năm cao hơn Chiểu một tị. DH rồ ga hơi mạnh, xe rú lên đồng thời bánh trước nghểnh cao, vọt mạnh tới trước, làm các bạn chung quanh đó được dịp cười ầm ỉ. May sao DH nhanh chóng lấy lại cân bằng và phóng bon bon trên Đường Thống Nhất. Nhà Thanh Chiểu lúc ấy nằm sâu trong hẻm giữa Từ Sơn và Nhà Thờ nên DH cho xe quẹo vào hẻm ấy.
Trời vừa mưa xong, con hẻm trơn trợt, khó đi vô cùng, DH phải lạng qua lạng laị để tránh những ổ gà ngập nước. Con đường cong quẹo, càng vào sâu càng khó đi, nhất là DH không điều khiển được vận tốc xe, trớn xe vừa nhanh vừa mạnh.(Hì..hì.. Anh LĐĐ và Anh TP có nín thở không?) DH cứ hồi hộp lo sợ sẽ vất hai bạn xuống đường. Thế rồi DH cũng đưa được Thanh Chiểu về nhà bình yên. Và DH cũng đưa Năm về Xóm Gò in one piece, hú hồn. Còn được nghe Năm khen DH lái xe giỏi nữa, hì hì.. Chớ Năm và Chiểu nào biết rằng hai bạn vừa may mắn thoát khỏi tai nạn xe cộ trong đường tơ kẻ tóc mà thôi!


Được sửa bởi Bui Thi Dieu Huyen ngày Wed Oct 07, 2009 2:39 am; sửa lần 4.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Wed Oct 07, 2009 1:56 am    Tiêu đề:

Nguyễn Thị Năm là nguồn cảm xúc đêm nhớ ngày mơ đầu đời của Thất Pháp ngày xưa còn bé. Chỉ là những giấc mơ thôi. Những giấc mơ hiền như truyện trẻ thơ. .

Thất Pháp biết Thị Năm trong một lần cắm trại trên bãi biển Ninh Chữ. Năm đó Thất Pháp vừa học xong lớp 8, Thị Năm vừa học xong lớp 6. Lớp 6/5. Và từ đó Thất Pháp biết yêu số 5 hơn bất cứ con số nào trên thế giới. Trong một bối cảnh giao tiếp tình cờ nào đó trên bờ biển, Thị Năm ném cho Thất Pháp một võ sò rồi ù bỏ chạy. Chuyện chỉ thế thôi, ngoài ra không còn gì khác hơn là những gấc mơ hiền như chuyện cổ tích mẹ kể cho con nghe. Thất Pháp vẫn giử mãi vỏ sò ấy cho đến ngày khăn gói quả mướp vô Saigon.

Cám ơn Diễn Đàn, cám ơn thời đại điện tử, cám ơn Thủ Thỉ Góc Sân Trường đã mang lại cho chúng ta một khung trời kỷ niệm mắc giăng những sợi tơ trời tưởng chừng đã xa như dĩ vãng.

Tôi từ thơ trẻ biệt lều tranh
Rồi lớn và yêu giữa thị thành.
Gió thổi bâng khuâng hồn cỏ dại
Ngậm ngùi chợt nhớ lũy tre xanh.

(Đinh Hùng - Lạc Hướng Mây Tần)


Được sửa bởi Thất Pháp ngày Thu Oct 08, 2009 3:31 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Wed Oct 07, 2009 2:30 pm    Tiêu đề:

Huyên Trân ơi là Huyền Trân:

Bửa trước nghe anh Thất Pháp nhắc đến tên người trong mộng năm xưa, tim anh đập hụt mấy nhịp, hôm nay nghe DH kể chuyện chở xe này thì tim anh muốn …ngừng đập luôn!!!
...
He` năm 1987, năm tròn 30, một mình rong ruỗi trên con ngựa sắt Amtrak khắp nẽo đường Mỹ quốc. Đến Hoa-Thịnh- Đốn, không hẹn mà gặp lại Lâm Xuân Hỷ (tiệm vàng Khánh Thuận trước cửa tòa Hành Chánh) và Huỳnh Thị Bé (em của anh Huỳnh Thanh Út, nhà ở trong hẽm Từ Sơn). Tối tháng 7 năm ấy, ve kêu rỉ rả (nghe nói ở Bắc Mỹ, cứ 17 năm thì ve mới lên rộ một lần!), mấy bạn ngồi ở nhà Bé nhắc đến chuyện ngày xưa ở Phan Rang. Nghe nhắc đến tên Thanh Chiếu, Bé không nói gì, một hồi mới nói nhỏ là… “TC là chị dâu của tui đó”. Trời Đất, thì ra TC lập gia đình với anh Lô, ông anh lớn của Bé mà ở trong xóm mình hồi giờ!

Năm ấy mình còn độc thân vui tính, nên nghe tin này, mình lặng người đi và lòng buồn rười rượi! ….

Người có đôi, ta rất một mình
Phong trần đâu dám mắt ai xanh
Đêm nay giăng rụng về bên ấy
Gác trọ còn nguyên gió thất tình
(Một Mình---Nguyễn Bính)
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Wed Oct 07, 2009 4:56 pm    Tiêu đề:

Thanh Chiểu có thể được xem như là Thiên Nga của trường Duy Tân. Khi Thanh Chiểu còn học lớp 6, lớp 7, và lớp 8, Thanh Chiểu vẫn còn mờ căm trước những rực rỡ của các nhân vật đồng lớp như Nhung Bà Láp, Lan Hương...vân vân. Lên lớp 9 thì Thanh Chiểu mới bắt đầu từ từ toả sáng.

Ngựa hay không lo gì chạy. Thiên Nga kiêu sa thủa ấu thời cũng núp dưới dáng con vịt con xấu xí. Khi con vịt con Thanh Chiểu toả sáng lung linh thì Thất Pháp và Lê Đình Đức đã cao bay xa chạy mất đất Phan Rang. Giờ đây....đây giờ đây Thất Pháp và Lê Đình Đức chỉ còn biết trèo lên cây bưởi hái hoa, bước sang vườn cà hái nụ tầm xuân. Cả hai, và có thể còn vô số các anh giai có tật nhòm lén khác tiếc ngẩn tiếc ngơ khi nghe tin các cô nàng đã theo chồng bỏ cuộc chơi.

Cuộc chơi ngày ấy thật hồn nhiên, luật chơi cũng rất là giản dị. Em là gái dưới sân trường, anh là trai trong song cửa, đứng ở trên lầu ngó trộm, nhìn lén và đêm về cũng nhớ lén, ngày đến thì mơ màng tơ tưởng cũng lén luôn. Những lén lút vụng trộm ngọt ngào như hương vị viên kẹo bột của tuổi thơ, không làm thiệt hại cho ai cả, mà chỉ làm giầu thêm kỷ niệm của ấu thơ, để khi về già chợt nhớ lại khiến mình mỉm cười tủm tỉm.

Cám ơn Bùi Diệu Huyền đã mang lại kỷ niệm xưa như những làn gió mát làm buâng khuâng hồn cỏ dại. Cám ơn bạn đã đưa tiển hai người trong mộng về đến nhà an toàn. Mặc dù đó là nhà của "người ta", nhà của "bên ấy", nhưng miễn sao người trong mộng của Thất Pháp vẫn còn được an toàn, không bị Bùi Diệu Huyền cho lao xuống mương Ông Cố, xuống cầu Đạo Long là OK.
Về Đầu Trang
Bui Thi Dieu Huyen
Niên Khóa 1969-1975


Ngày tham gia: 09 Jan 2009
Số bài: 109

Bài gửiGửi: Fri Oct 09, 2009 10:49 am    Tiêu đề:

Trời, nếu biết anh LĐĐ đậm đô cỡ đó và anh TP còn lo lắng cho an nguy của hai cô bạn DH như thế thì đã hù hai anh một vố chơi rồi, chẳng hạn như cho hai bạn đo đất đâu đó làm trầy mặt hoa cho hai anh lên ruột, rụng tim chơi, hì hì..
DH nhớ hôm đó lái chiếc xe Dream, xe lạ, đường lạ, mà con hẽm Từ Sơn lại có lắm ổ gà, trời mưa, tha hồ mà lạng, hì hì..DH có hai chống tó xinh đẹp nên trời thương mà lị.
DH cũng thông cảm cho anh LĐĐ cái hôm nghe chị Bé báo tin TC, chính DH lúc hay tin cũng bồi hồi, nhưng chắc kém anh xa lắm, nghĩa là tay không run, mặt không tái, lòng không điếng, hì hì..
Hôm sau, Thanh Chiểu đến nhà DH chơi, tình cờ gặp anh Sơn và anh Tâm Đầu Bò từ Phan Rí đến thăm Mạnh Trịn.
Anh Tâm không cầm lòng được, cất tiếng khen: "Thanh Chiểu vẫn xinh đẹp như ngày xưa!", làm cô bạn của DH quê quá phải bỏ về sớm, chán ghê.
Hôm họp bạn ở Hotel Ninh Thuận, Thanh Chiểu cũng phải bỏ tiệc nửa chừng, vì có người đến đón về sớm.
Hôm ấy DH có yêu cầu trước với bạn Năm bài "Ai Ra Xứ Huế". Thế mà lúc Năm thong thả lên sân khấu thì có anh bạn lo về tài chánh, lôi DH & NL ra bàn chuyện tài chánh, xong đâu đó cũng là lúc Năm vừa hát xong, tức ơi là tức.
Mấy mươi năm DH vẫn chưa nghe lại được giọng oanh vàng của Năm, ngưởi đoạt giải giọng ca vàng của thành phố Nha Trang, người vẫn giữ được trọn vẹn dáng dấp nhỏ nhắn, thon thả yểu điệu, da trắng môi hồng, và nụ cười e ấp có chiếc răng khểnh.
Ôi, bạn bè ai cũng thoát kiếp vịt, biến thành thiên nga, còn minh đây..vịt vẫn hoàn vịt!
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Fri Oct 09, 2009 1:21 pm    Tiêu đề:

Nghe câu em gái Buì thị Diệu Huyền than :

Trích dẫn:
Ôi, bạn bè ai cũng thoát kiếp vịt, biến thành thiên nga, còn minh đây..vịt vẫn hoàn vịt!


Sao mà thấy thương hết sức . Vừa xinh đẹp vừa đa tài vưà khiêm nhường nữa thật là chiếm hết các đức tánh !!!

Mời các bạn xem hình ành đôi trai tài gái sắc .Hinh đầu tiên hai người cùng mặc áo trắng có  bông .

Búi Thị Diệu Huyền và Võ Ngọc Lâm .
Bấm vào :
Họp mặt tại las vegas

:quynh:
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Fri Oct 09, 2009 2:50 pm    Tiêu đề:

Có những đóa hoa mà thời gian gần như vô nghĩa, chị Năm là một trong những hiếm hoi ấy: da vẫn trắng, má vẫn hồng, môi vẫn thắm, mắt vẫn lung linh gợn sóng trữ tình, và ... và ... , kể nhiều giống treo trái me ương nhá nhem ai đó.

Sau khi có vợ nhiều năm, ai mà không khôn ngoan hẳn ra, nói chuyện như nhà ngoại giao:
- Sao anh không còn nói yêu em?
- Tình anh như thế nào em đã hiểu rồi, nói năng chi thêm thừa!
- Em có già lắm không anh?
- Không ai đếm tuổi vầng trăng em ạ.
- Sao anh ngày càng ít nói, trơ như đá cục!
- Anh là tượng đá biết suy tư.
- Em nấu ăn có ngon không anh?
- Cám ơn em, anh có thể sống đến ngày mai.
- Đàn ông nhìn em kìa, sao anh không nổi máu ghen?
- Có người nhìn nghĩa là em vẫn đẹp, anh đang mừng em ạ.
- Giọng em hát có còn ngọt không?
- Ngọt và rất vui, nhất là những bản nhạc nhi đồng.
...
Đại khái mình phải uốn ba tấc lưởi, nhanh nhẹn ứng phó với mìn bẩy vì nói thật cũng nổ, nói láo cũng nổ, chỉ có nói kiểu lửng lơ con cá vàng mới sống sót!

Chị Năm nhìn tôi cười cười hỏi "Ông Lâm thấy tôi có gì khác không?" Chị biết tính tôi chỉ hay nói nịnh vợ chứ với bạn bè thì phê bình nhan sắc chính xác, trung thật. Nếu tôi ngắm nghía mà không nói gì thì lo rụng đi cho sớm. Tôi nheo đôi mắt X-ray quan sát, thấy hình như thiếu một chút gì của ngày xưa nhưng không rõ là cái gì. Tôi phán "Trông chị vẫn còn ngon cơm, ngon cháo". Chị Năm chỉ vào miệng khoe "Nhổ răng rồi!"
Ố là la ... con lạc đà, chiếc răng khểnh duyên dáng đã bị nhổ! Cô bé nha sĩ Hồng ở PR đã thay cho chị chiếc răng giả khá xinh. Giọng hát của chị thuộc hạng ca sĩ chuyên nghiệp, nghe chị ca bài "Ai Ra Xứ Huế", ông nào đã từng ra đất Thần Kinh mới thấm: chiếc cầu Tràng Tiền, giòng sông Hương như nằm sờ sờ trước mắt và những con đò với đội quân "lính bộ đánh thủy" làm nao nao lòng những chú bướm thích say nhụy, vờn hoa.

...
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tống Biệt, Tản Đà)

Hồng nhan đa truân! Trời già ghen tỵ tự nghìn xưa và mãi đến nghìn sau. Ôi ...! những con thiên nga ... một trời tâm sự, khách lãng du có hiểu nổi lòng ...!

XXXXX

Chị DH ui...! Mấy tấm hình ấy trông em ô dzề, xấu xí, chị rao hàng em mà mẩu mả như thế chắc ế độ. Những ngày gần đây, Huyền Trân bắt ăn rau xanh cả mặt, nhìn hình mới của em rất ốm o, phong nhã và.... đạo mạo, hè...hè...

Better Photo
Về Đầu Trang
Chu Lun



Ngày tham gia: 26 Apr 2009
Số bài: 47

Bài gửiGửi: Fri Oct 09, 2009 6:12 pm    Tiêu đề: MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA MẸ

Chú Lùn thấy Ngọc Lâm khéo nói quá chắc được bà xã thương. Còn phận Chú Lùn giờ đang nghe điều răn mẹ dậy.

MƯỜI BỐN ĐIỀU RĂN CỦA MẸ.    (from www.hoi.net)
 
1. - Kẻ thù lớn nhất của đời con là nó.
2. - Ngu dốt lớn nhất của đời con là không hiểu ra được nó.
3. - Thất bại lớn nhất của đời con là không bỏ được nó.
4. - Bi ai lớn nhất của đời con là phải sống với nó.
5. - Sai lầm lớn nhất của đời con là quyết định lấy nó.
6. - Tội lỗi lớn nhất của đời con là nghe nó.
7. - Đáng thương lớn nhất của đời con là bị nó sai khiến.
8. - Đáng khâm phục lớn nhất của đời con là con vẫn chịu được nó.
9. - Phá sản lớn nhất của đời con là cuộc đời con đã mất trong tay nó.
10.- Tài sản lớn nhất của đời con là những thứ nó đang giữ.
11.- Món nợ lớn nhất của đời con là giấy ly hôn với nó.
12.- Lễ vật lớn nhất của đời con là sự hết lòng của con với nó.
13.- Khiếm khuyết lớn nhất của đời con là con không lấy được đứa nào hơn nó.
14.- An ủi lớn nhất của đời con là con của con với nó.

Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 1:04 am    Tiêu đề:

hè ... hè ...., sắp có màn vui ... nhiều bà mẹ chồng và nhiều nàng dâu của THDT chạy đâu mất tiêu, chờ gì mà không tranh cải với anh Lùn?

Tính em hay kình cựa với mẹ hiền nên 14 điều tâm niệm chỉ là chuyện lẻ tẻ....

1- Kẻ thù biết nói trung thực đáng quí hơn đồng minh hoa ngôn xảo ngữ
2- Trí tuệ là luôn luôn theo đuổi những gì không hiểu.
3- Bỏ thất bại này để nhận một thất bại khác là bất trí
4- Không được sống với cái không phải nó mới bi ai!
5- Trao quyết định sai lầm cho thằng khác là bất nhân.
6- Mẹ ui! không nghe nó tội càng nặng hơn
7- Nó muốn sai khiến người khác mà con cản mãi
8- Nó khâm phục con hơn vì con chịu được mẹ
9- Cuộc đời trinh bạch của con đã mất từ khuya, trước khi gặp nó
10- Tài sản lớn nhất của con nằm dưới thắt lưng, con đi đâu mang của quí theo đó.
11- Con còn có những món nợ chưa có giấy tờ đáng lo hơn.
12- Lễ vật to lớn này không phải là bất động sản: nó chạy lòng vòng qua nhiều tay
13- Còn có đứa nào dữ hơn nó sao?
14- Ẳm con nó với hàng xóm cũng tính là niềm an ủi hay sao?
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 2:00 am    Tiêu đề:

Hôm qua mới khen Chú Lùn với đề tài sưu tầm tâm lý Đờn bà con gái rất ...mùi , giờ lại nghe
tả oán cũng thiệt lâm ly .
Có qua thì có lại , bên hát bên hò cho đồng điệu mà thôi .
1-Nếu hắn không thấy con làm sao nhận ra con là kẻ thù của hắn .
2-Không thể hiểu vì không muốn hiểu
3-Chưa thể bỏ được vì sợ chun vào rọ khác xấu hơn
4-Con với hắn như ông nói gà , bà nói vịt . Ai bi Ai ai .
5- Hồi đó , con với hắn cùng té rầm khi đụng phải nhau
6- Ngày đó , hắn ướp đường trong từng câu nói .
7-Hắn thích cơm nhà quà vợ nên chịu sự sai khiến của con
8-Đàn ông năm bảy lá gan,
lá nào con cũng triệt ngang hắn chừa .
9-Ngày xưa tình nguyện theo nàng,
sao giờ lại tiếc chiếc nhẫn vàng ngày xưa .
10-Hắn khôn quá , bắt con giữ những thứ ... nặng nề cho hắn nhẹ tay
11-Con chờ hắn đi trước một bước, hết nợ
12-Con chỉ là kho tàng cất dùm trái tim của hắn
13-Hắn chấp nhận con như một nhà tù cuối cùng . Chung thân
14-La là lá la là .


Được sửa bởi DIEU DUC ngày Mon Oct 12, 2009 2:50 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 4:19 am    Tiêu đề:

lamnvo đã viết :

Chị Năm nhìn tôi cười cười hỏi "Ông Lâm thấy tôi có gì khác không?" Chị biết tính tôi chỉ hay nói nịnh vợ chứ với bạn bè thì phê bình nhan sắc chính xác, trung thật. Nếu tôi ngắm nghía mà không nói gì thì lo rụng đi cho sớm. Tôi nheo đôi mắt X-ray quan sát, thấy hình như thiếu một chút gì của ngày xưa nhưng không rõ là cái gì. Tôi phán "Trông chị vẫn còn ngon cơm, ngon cháo". Chị Năm chỉ vào miệng khoe "Nhổ răng rồi!"
Ố là la ... con lạc đà, chiếc răng khểnh duyên dáng đã bị nhổ! Cô bé nha sĩ Hồng ở PR đã thay cho chị chiếc răng giả khá xinh. Giọng hát của chị thuộc hạng ca sĩ chuyên nghiệp, nghe chị ca bài "Ai Ra Xứ Huế", ông nào đã từng ra đất Thần Kinh mới thấm: chiếc cầu Tràng Tiền, giòng sông Hương như nằm sờ sờ trước mắt và những con đò với đội quân "lính bộ đánh thủy" làm nao nao lòng những chú bướm thích say nhụy, vờn hoa.

...
Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy hoa trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Ngìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tống Biệt, Tản Đà)

Hồng nhan đa truân! Trời già ghen tỵ tự nghìn xưa và mãi đến nghìn sau. Ôi ...! những con thiên nga ... một trời tâm sự, khách lãng du có hiểu nổi lòng ...!

XXXXX


Mạnh Trịn ơi là Mạnh Trịn. Làm ơn nói ro rõ ra một chút.

????????


Hôm trước Thất Pháp nhìn hình học sinh lớp 9/5, thấy hình Nguyễn Thị Năm, Ngọc Lâm và Bùi Diệu Huyền. Thất Pháp hỏi dò chừng, ai dè đâu có ngờ Ngọc Lâm và Bùi Diệu Huyền thân quen với Nguyễn Thị Năm và Thanh Chiểu như thế.

Trong chủ đề này, khi nghe Bùi Diệu Huyền nhắc đến tên và kể chuyện về hai người đẹp làm cho Thất Pháp chạnh lòng buâng khuâng hồn cỏ dại. Thất Pháp đã thả hồn về dĩ vãng, viết 2 bài và lấy làm đắc ý. Có lẽ đó là hai bài viết đắc ý nhất của Thất Pháp trên Diễn Đàn này. Thất pháp đọc đi đọc lại hoài những gì mình đã viết mà không thấy chán.

Hôm nay chủ đề đã bị dịch chuyển qua hướng khác. Vui thì có vui. Nhưng đó không phải là hướng mà Thất Pháp đang hoài vọng. Ý Thất Pháp muốn nói là Thất Pháp muốn nghe các bạn kể tiếp chuyện hai người đẹp trong mộng tuổi thơ của mình. Ngọc Lâm kể chuyện nửa úp nửa mở, hồi hộp theo dõi đọc từng con chữ để xem điều gì đã và đang xãy ra. Đùng một cái bây giờ thiên hạ bóng gió nói những chuyện phiền toái của mấy ông bà....già xưa như trái đất . Hụt hẫng quá!

Kể chuyện tiếp về Nguyễn Thị Năm và Thanh Chiểu đi Huyền-Lâm ơi.
Về Đầu Trang
Chu Lun



Ngày tham gia: 26 Apr 2009
Số bài: 47

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 11:26 am    Tiêu đề:


Hì...hì...cám ơn Diệu Đức và Ngọc Lâm, cùng một vấn đề nhìn qua nhiều góc cạnh, cũng vui lắm phải không các bạn... Laughing  
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 12:28 pm    Tiêu đề:

Anh Bảy làm gì mà gọi giật ngược em thế! Hai nàng còn sống nhăn răng cả. Tống Biệt này không phải là tống... vĩnh viễn và là tống tiển những luật chơi không công bằng của tạo hoá. Em chỉ bâng khuâng thương tiếc thôi, Hảy để những quả mơ của các anh mãi mãi vàng thơm trên cây và khi các anh nhớ về thì vẫn còn những nụ cười hoài vọng nên thơ..., Cuộc chơi có vậy mới đẹp muôn đời.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sat Oct 10, 2009 2:18 pm    Tiêu đề:

Ta đã xa quê nửa cuộc đời
Không còn mong nữa, cố nhân ơi?


Ba chữ "Cố Nhân Ơi" với dấu chấm hỏi (?) trĩu nặng theo sau như một môi chất kéo hồn mình về dĩ vãng tưởng xa mà rất gần.

Cố nhân Nguyễn Thị Năm khi còn bé đã thể hiện dáng dấp của một thiếu nữ đầy sức sống, full of life. Năm năng động và thích lao động. Sau giờ học, trưa trưa chiều chiều Năm còn phải đạp xe đạp giao cơm tháng. Năm không kiêu sa rực rỡ, nhưng có khuôn mặt rất dễ nhìn khiến người ta ưa nhìn lén và thích nhớ trộm. Năm gầy mà khoẻ. Đôi chân Năm dài, dáng dấp e thẹn chạy ù  trên bãi biển của Năm đã nói lên điều đó. Chiếc răng khễnh giúp đôi môi hồng ươn ướt của Năm lúc nào cũng he hé một nụ cười hồn nhiên. Hai gò má rộng nhô nhô cho thấy Năm có những khoang xương mủi (sinuses, cavities in bones of skull) tốt và rộng, có dung tích đủ lớn để sởi ấm hơi thở của Năm trước khi được phát âm ra ở cửa miệng. Chưa nghe Năm hát cũng biết Năm có giọng vàng. Nửa phần trên của chiếc lưng thon dài đã nói Năm có hai buồng phổi cũng dài để tạo ra hơi thở sâu, điều kiện cần thiết để một người sáng tạo ra giọng hát hay.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sun Oct 11, 2009 10:28 am    Tiêu đề:

Chu Lun đã viết :

Hì...hì...cám ơn Diệu Đức và Ngọc Lâm, cùng một vấn đề nhìn qua nhiều góc cạnh, cũng vui lắm phải không các bạn... Laughing  


Thân chào Chu Lun,

Hôm qua tôi nói có lời không phải. Tôi thành thật xin lỗi anh. Nhất là anh và tôi chưa lần nào được trò chuyện trên đây, hôm nay tôi nghĩ đó là hơi bất nhã. Mong anh thứ lỗi.

Đúng như anh nói, tất cả chủ đề trên đây đều là chủ đề mở. Mỗi người nhìn vấn đề từ những gốc cạnh khác nhau. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh về điều này. Có như thế mới vui.

Rất mong được đọc những câu viết cù lét ngầm của anh.

Thân mến
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Mon Oct 12, 2009 12:19 pm    Tiêu đề:

Này chàng Ngưu Lang Thất Pháp si tình kia ơi,

Tặng chàng một đoạn trong bài thơ “Ngưu Lang Chức Nữ “ của Nguyễn Bính. Tin chắc là hình ảnh yêu kiều của nàng Chức Nữ Thị Năm sẽ mãi mãi vương vấn trong lòng chàng …

+++++++++++++++++++++++
….Con tằm là lụy ba sinh
Mà em là lụy của anh muôn đời
Em là con gái nhà trời
Còn anh con cái nhà người thường dân
Yêu em có vạn có ngàn
Nhưng cha chẳng chứng cho bàn tay không!
Anh chưa tên chiếm bảng rồng
Lấy đâu xe bóng ngựa hồng vinh qui?
Cưới em bằng tấm tình si
Đò không chở thí, lấy gì sang sông?
Tên em anh khắc bên lòng
Bụi hồng vương lấy má hồng thương anh!.......
                ++++++++++++++++++++++++++++++++
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 12:18 am    Tiêu đề:

Hí Hí....

Anh Lê Đình Đức bán cái. Hỏng biết ai si tình hơn ai đây hè. Hỏng biết ai tim đập trật mấy nhịp khi tên cố nhân được nhắc đến vậy hè.
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 9:06 am    Tiêu đề: Trồng Cây Đa

Áo trắng, môi son, má hồng, mắt biếc
Lỡ bước ngang trường đừng liếc anh chi!
Lòng anh : hột giống cây si
Xin đừng động đến : hột si trổ mầm!

Nắng mát, môi vui, nhẹ chân, bớt thở....
Vừa bước qua rồi, tiếc : lỡ đi mau
Ngoái đầu liếc lại một câu :
- Mai đem hột giống đến giao tận trường!

(Nguyễn Phi)

Cây si và cây đa là hai loại cây có rể chằng chịt, quấn xà lẹo rất chí tình. Hai loại cây này một khi đã trồng rất khó bứng. Do đó, một trong những căn bệnh hết thuốc chữa tại VN gọi là bệnh Si-Đa! Khi chàng yêu thầm nhớ trộm ai thì gọi là "Trồng cây si"; Ngược lại, khi nàng yêu mà e ấp không dám nói thì gọi là ... "Trồng cây đa"! Các cô lại cho là NL bịa chuyện, ăn nói dỏm òm, chọc quê phái nữ. Nói có sách, mách có chứng, chuyện xưa ghi rõ ràng thằng Cuội ngồi ôm gốc cây đa. Thằng Cuội không Bê-Đê; nghĩa là ... cây đa phải mang nữ tính, nếu không thằng Cuội thà ôm cây xương rồng!

Ca dao cũng có nói rằng:

"Yêu anh nấu cháo lá đa
Nấu chè ngải cứu, pha trà râu ngô"

Tại sao không cho chàng ăn cháo gà, cháo vịt mà cho ăn cháo lá đa? Thật bí hiểm, nghĩ không ra!

Theo thiển ý, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng rất ... kích thước!

"   Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
   Xin đừng nhặt chiếc lá lên
Vỡ tan tỉnh lặng một niềm côn sơn"

Chiếc lá rơi nhẹ nhàng thì phải nói rằng "Tiếng rơi rất khẻ", ông ta chơi "Tiếng rơi rất mỏng" thì đố ai mà không tưởng tượng!

Chưa hết đâu, bốn câu thơ dân gian sau đây cũng rất hình tượng:

"   Không đi không biết Đồ Sơn
Đi rồi cũng thấy chẳng hơn đồ nhà
   Đồ sơn mỏng như lá đa
Đồ nhà bằng cái bàn là Liên Xô!"

Nói lòng vòng thì NL chỉ muốn chứng minh rằng nếu cây si mang nam tính thì cây đa mang nữ tính và các đấng mày râu từ đây có thể xài từ ngữ "Trồng cây đa" để chọc quê các em mang mối tình câm. Khi nào có ai chứng minh được rằng cây đa có củ thì chúng ta cho các em trồng cây khác cũng không muộn. Xứ nam nữ bình quyền này đã thiệt, chữ nghĩa của đàn ông, đàn bà có thể chọi nhau đôm đốp.
Về Đầu Trang
Nước sông Dinh



Ngày tham gia: 10 Aug 2009
Số bài: 209
Đến từ: Hoa-Thịnh-Đốn

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 11:10 am    Tiêu đề:

Ha...Ha...Ha........

lamnvo quả thật là.....Hết chổ nói....Có nghĩa là phục sát đất đấy bạn ạ.
Những gì bạn đã tìm hiểu, nghiên kiếu và dẫn chứng quả là có lý "lắm lắm..."
Nhưng mà, nếu như cả hai đều trồng cây lẫn nhau, thì gọi là trồng cây gì......??
Cảm ơn bạn rất nhiều.

Thân mến,
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 1:14 pm    Tiêu đề:

Dạ dễ ợt...! Hai cây trồng lẫn nhau thì tùy điều kiện mà ra cây con. Khi trồng cây, bao bì cẩn thận để tránh sâu rầy thì ta được cây . Ngược lại, để cây thoải mái, thuận theo khí tiết tự nhiên của trời đất thì ta được cây bầu. Hè...hè, kiến thức canh nông của em rất dồi dào, anh chị có thắc mắc cứ hỏi.  :yum:
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 7:21 pm    Tiêu đề: Re: Trồng Cây Đa

lamnvo đã viết :


Theo thiển ý, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng rất ... kích thước!

"   Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
   Xin đừng nhặt chiếc lá lên
Vỡ tan tỉnh lặng một niềm côn sơn"



In như Trần Đăng Khoa là thi sỹ bộ đội, tác giả tập thơ Hạt Gạo Làng Ta. Thất Pháp thích anh chàng thi sỹ này. Mấy câu thơ ở trên làm từ lúc Trần Đăng Khoa còn nhi đồng mà siêu quá cỡ.

Thơ là dòng chảy giữa hai bờ mộng và thực. "Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng". Ố là là. Thơ thế mới là thơ.

Thất Pháp
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Tue Oct 13, 2009 9:34 pm    Tiêu đề:

Người ta nói "Ăn cơm chúa, múa tối ngày", Trần Đăng Khoa có những bài "Chống Mỹ Cứu Nước" cũng rềnh rang lắm. Thời đại bây giờ, bảy trăm tờ báo mà còn nghẹt ngòi khi nói đến "Lảnh thổ, tự do, dân chủ" huống hồ thời chiến. Nếu tạm thời bỏ qua khác biệt chính trị và tập trung về nghệ thuật, thơ Trần Đăng Khoa có những điểm khiến ta phải suy gẩm. Ngọc Lâm xin trích lại bài "Đọc lại thơ Trần Đăng Khoa" của Đình Kính:  

Thơ Trần Đăng Khoa không hề MỚI (theo quan niệm nào đấy), càng không LẠ, chỉ dung dị trung thành với một lối nói, một lối diễn. Thơ anh chân quê, giống như cô gái làng mộc mạc, không son phấn, không giả vờ ưỡn ẹo làm duyên làm dáng phô khoe cơ thể, nhưng là một thứ duyên thầm đằm thắm, nền nã, nhiều nét đồng bãi. Vẻ đẹp toả ra một cách tự nhiên, hồn hậu, chân chất, thuần khiết, đằm lắng...
...
Thơ không cốt ở xác chữ mà cốt ở hồn chữ. Chữ là phương tiện để tác giả gửi hồn vào đó. Và khi ấy, lẽ đương nhiên hồn người hồn chữ quyện nhập vào nhau làm một. Người viết không xúc động, không tâm, chỉ muốn phô diễn sự lạ sao có khả năng thổi hồn vào các con chữ? Sự “cưỡng hiếp” ấy chỉ cho ra đời những hình hài nhem nhuốc, gàn dở. Và đó nhất quyết không thể là thơ. Làm lạ thơ đâu khó. Ăn cơm bằng bát chuyển qua xúc cơm trong cốc, với những người có nghề, dễ ợt. Mục đích cuối cùng của thơ là hay chứ không phải là lạ. Thể hiện bài thơ bằng cách kiểu gì đều do cái hồn, cái tâm, sự lịch lãm vốn có của nhà thơ và điều chất chứa trong lòng muốn phô ra, muốn giãi bày quyết định. Điều ấy nhiều khi nằm ngoài dự định người viết. “Tôi để mặc bài thơ chọn lấy thể thơ”- J. Seervielle. Câu thơ hay, bài thơ hay chẳng phải tự dưng mà có. Đó là thứ trời cho. Nhưng để chộp được cái thứ ngọc quý giá trời phú ấy, trong mỗi nhà thơ phải luôn túc trực ý thức nghệ sĩ, phải túc trực ý thức sáng tạo. “Các thần thánh ban cho ta câu thơ thứ nhất, nhưng chính ta phải dụng công làm lấy câu thơ thứ hai”- P. Valéry

Tiếng chim vách núi nhỏ dần
Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Đêm Côn Sơn- 1968)

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng, câu thơ bật ra tưởng chừng ngẫu nhiên, chỉ là một thoáng cảm bằng tai, nhưng đọc kỹ cả đoạn, cả bài, không khó khăn nhận ra sự bất chợt ấy bắt đầu từ sự rung động của trái tim, sự bất chợt ấy có vẻ vô thức, nhưng lại là tích góp đã được chuẩn bị của ý thức. Bởi thế câu thơ trở nên có hồn, có thần.
...
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Thu Oct 15, 2009 7:25 am    Tiêu đề:

Thơ nói được những điều mà ngôn ngữ đời thường không nói được. Chỉ cần đọc câu thơ, nó sẽ kể cho bạn một câu chuyện.

How lovely the unspeakable must be.
You have only to say it
and it tells a story.”

(Michael Palmer)

Thơ là dòng chảy giữa đôi bờ, bờ thực và bờ mộng.

Ngày xưa khi thầy Phạm Đăng Phụng trình bầy THƠ MỚI cho học trò, thầy nói về thơ nhiều lắm, đa số là điều mà mình lúc đó không hiểu nổi. Chừ nhớ lại mới thấy thắm thía lời thầy dạy năm xưa.

Sách giáo khoa thì dùng bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ làm bài thơ mẫu cho Thơ Mới. Thầy Phụng đem bài thơ Nhị Hồ của Xuân Diệu làm bài Thơ Mới mẩu mực để nói lên ý nghĩa " Thơ là dòng chảy giữa đôi bờ, bờ thực và bờ mộng."

NHỊ HỒ

Trăng vừa đủ sáng để gây mơ,
Gió nhịp theo đêm, không vội vàng;
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ

Cây cỏ bình yên; khuya tĩnh mịch
Bỗng đâu lên khúc Lạc âm thiều ...
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu ...

Điệu ngã sang bài Mạnh Lệ Quân
Thu gồm xa vắng tự muôn đờị
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi ...

Tiếng đàn thầm dịu dẫn tôi đi
Qua những sân cung rộng hãi hồ.
Có phải A Phòng hay Cô Tô ?
-- Lá liễu dài như một nét mi

... Và nàng Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang,
Cưỡi hạc một đêm bay lên trờị
Vua Trần Hậu Chúa ngắm trăng vàng,
Khúc Hậu Đình Hoa đang lên khơi

Linh hồn lưu giữa bể du dương ...
Tôi thấy xiêm nghê nổi gió lùa:
Những nàng cung nữ ước mơ vua,
Không biết bao giờ nguôi nhớ thương.

Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng,
Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phị.


Trong Nhị Hồ, Xuân Diệu đi từ bờ thực sang bờ mộng. Và khi Xuân Diệu lệch qua về phía bờ mộng, hồn thơ Nhị Hồ mộng lang thang từ A Phòng sang Cô Tô, mộng thấy Lộng Ngọc lấy Tiêu Lang, mộng yêu Bao Tự, mê nàng Ly Cơ, mộng làm Đường Minh Hoàng yêu nàng Dương Quý Phi.

Khi diễn ngâm Nhị Hồ, đến ba câu:

Bỗng đâu lên khúc Lạc âm thiều ...
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu


Thầy Phụng lưu ý học trò ba câu thơ "xuất thần" của Nhị Hồ. Thầy cao hứng theo thơ. Trò đớ mặt ra chẳng hiểu mô tê gì cả.

Chừ nhớ lại lời thầy, trò hiểu ráo! Khi trò hiểu ra thì thầy đã thuộc về dĩ vãng.

Khác với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử khi vô thơ là một hai ba mộng tới bến, mộng xã giàng theo trăng mà mộng:

Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây
Cho vì sao rụng xuống mái rừng say
Gió thổi rào rào như lá đổ
Suối gì trong trắng vẫn đồng trinh
Bóng ai theo dõi bóng mình
Bóng nàng yêu tinh
Nhịp cười như tiếng vỡ pha lê.

(Hàn Mặc Tử - Một Miệng Trăng)


Thất Pháp không làm thơ. Làm hoài đọc thấy dỡ, không hay như thơ thi nhân in trong sách. Thất Pháp chỉ thích đọc thơ, và biết rằng thơ giúp người ta kéo dài quá khứ.

Khi nghe bạn Bùi Diệu Huyền nhắc đến tên cố nhân, kể chuyện về cố nhân, tim Thất Pháp không đập trật mấy nhịp, mà thấy lòng mình "Ngậm ngùi chợt nhớ lũy tre xanh".

Thơ có khả năng kéo dài quá khứ.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Fri Oct 16, 2009 4:40 am    Tiêu đề:

Thơ lạ lắm! Khi nào buồn, ngâm vài câu thơ đắc ý. Nổi buồn có thể buồn thêm. Nhưng lòng thì nhẹ nhàng thanh thản.



Hồ Gươm - Tháp Rùa - Cây Lộc Vừng


Nhà Thơ Phan Vũ

Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ.
Những nỗi đau gặm mòn phận số.
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Một màu xám hư vô,
Chợt nhòe,
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh một dáng,
Một hình,
Nhợt nhạt vàng son,
Đậm đầy cay đắng…

(Phan Vũ - Em ơi! Hà Nội - Phố)

Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Fri Oct 16, 2009 5:19 am    Tiêu đề:





Ta còn em những giọt sương,
Nhòe nhòe bóng điện.
Mặt nước Hồ Gươm,
Một đêm trở lạnh.
Tháp Rùa ngả bóng lung linh.

Em ơi ! Hà Nội – Phố !
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông.
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông…

Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sat Oct 17, 2009 2:09 am    Tiêu đề:

Hè... hè, đang cải lộn hà rầm mà vẫn "En ơi ! Hà Nội - Phố !"
Mạnh Trịn muốn bệnh "split personality" một phát giống anh Bảy cho đỡ khổ. Trời ơi... là Trời !!! Laughing
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sat Oct 17, 2009 6:23 am    Tiêu đề:

Cũng lạ lắm Ngọc Lâm ạ. Cỡ này có tuổi, già sinh tật, mình lại giở chứng yêu Hà Nội, yêu con gái Hà Thành.

Hà nội thơ lắm! Bỏ qua những nhớp nháp xô bồ mẫu số chung của VN, Hà Nội bốn mùa đẹp như mơ. Ai đã một lần biết Hà Nội và khi xa Hà Nội thì lòng luôn nhớ về mãnh đất ngàn năm thủ đô nước Việt.



Hoa Lộc Vừng


Xác hoa Lộc Vừng đỏ thắm Hồ Gươm


Trên bờ Hồ Gươm, ở gốc đường Trần Nguyên Hãn có hai cụ Lộc Vừng cổ thụ có chín nhánh, tàng cây phủ mát cả một gốc hồ, mỗi năm hai lần đơm nụ trổ hoa. Người Hà Nội nhân cách hoá những gì có thể về Hà Nội. Người Hà Nội gọi rùa Hồ Gươm, các cây cổ thụ là cụ - cụ rùa, cụ lộc vừng. Cách gọi nghe hay hay, nghe là lạ mà ngọt ngào dịu tai. Người Hà Nội biết biến cái tầm thường thành cái phi thường. Người Hà Nội đã thi vị hoá Hoa Sữa, Hoa Lộc Vừng thành những loài hoa đẹp mượt mà trong thi ca Hà Nội.

Đi dạo Hồ Gươm mùa hè, người ta cũng có thể bắt gặp Hoa Phượng Duy Tân đỏ một gốc hồ.


Phượng Vĩ Duy Tân bên Hồ Gươm Hà Nội
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sun Oct 18, 2009 1:01 am    Tiêu đề:

Tiếc thật! phải hồi ấy mình được diễm phúc ngồi vài giờ nghe thầy Phụng giảng thì giờ này cũng đủ trình độ để rung theo tiếng "Nhị Hồ". Đọc thì đọc vậy, điển tích thì hiểu cả, cung bậc của Nhị Hồ cũng chẳng có gì phức tạp, tiếng nhạc âm trầm day dứt hay thánh thót gảy gọn tùy kỷ thuật ngón tay, Nghe qua bài "Lạc Âm Thiều" để đo lường giải âm thanh dưới C2 một chút và trên C3 một chút, vậy mà .... vẫn không cảm nổi bài "Nhị Hồ"!

Nhờ anh Bảy giải thích thêm ...
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sun Oct 18, 2009 5:44 am    Tiêu đề:



Toàn thể hình thức của Nhị Hồ, theo thầy Phạm Đăng Phụng là nằm ở chổ câu "Thơ là dòng chảy giữa đôi bờ, bờ thực và bờ mộng".

Đầu bài:

"Trăng vừa đủ sáng để gây mơ,
Gió nhịp theo đêm, không vội vàng;
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ

Cây cỏ bình yên; khuya tĩnh mịch
"

Thi sỹ đang nhìn cảnh thực, nói cảnh thực, dòng chảy của thơ nằm nghiêng bên bờ thực, có trăng sáng, có gió đêm, có không gian mơ màng rất thơ, có đêm khuya tỉnh mịch. Tất cả đều là thực trong hệ quy chiếu thi sỹ với không gian và thời gian.

Cho đến 3 câu thơ mà thầy Phụng gọi là "xuất thần":

Bỗng đâu lên khúc Lạc Âm Thiều ...
Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu ...

Ba câu thơ này như một chất xúc tác, một chuyển ý, hồn thơ vẫn chưa nghiêng hẳn về cõi mộng, nó vẫn còn nằm lưng chừng dòng chảy thực và mộng.

Và phần còn lại của bài thơ thì hồn thơ lệch hẳn về cõi mộng. Có điều là, Xuân Diệu mộng trong thơ, nhưng vẫn biết mình đang mộng. "Tôi tưởng..." cho ta thấy Xuân Diệu vẫn biết mình đang mộng. Trong khi đó Hàn Mặc Tử khi nhập thơ là ổng liền tù tì bay xa, bay cao vào cõi mộng.

Vậy đó Ngọc Lậm.

Nếu đọc thơ Hàn Mặc Tử, người ta sẽ thấy thơ HMT có tính nhảy cóc, nhãy lung tung từ tâm qua cảnh, từ cảnh qua tâm. Cái hay ở chổ là nhãy lung tung như vậy, mà thơ vẫn hay. Bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ là một ví dụ.

Đây Thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


Thơ có nhiều thể loại. Thể loại Thơ Tượng Trưng (Symbolism) là thể loại thịnh hành trong thi ca tiền chiến. Thể thơ này bắt đầu bằng "Hai chàng thi sỹ chớm hơi men" đồng luyến ái Rimbaud với Verlaine, ảnh hưởng mạnh mẻ trong thi ca VN, và sau này là thể thơ Đinh Hùng, chủ soái Thi Ca Tao Đàn.

Thơ thể nào cũng vậy, "liên tưởng" là từ chìa khoá để làm thơ, để thưởng thức thơ. Nhìn cái này, liên tưởng cái kia. Thơ văn hay nhờ ở gợi (gợi lên sự liên tưởng). Thơ có khả năng đưa ngôn ngữ tới một chân trời mới mà ngôn ngữ đời thường không có khả năng viú tới. Vì vậy, Michael Palmer gọi thơ là "ngôn ngữ không nói được" (the unspeakable language), chỉ cần đọc lên là nó kể cho chúng ta một câu chuyện mà ngôn ngữ đời thương không kể được. Ngôn ngữ đời thường đâu có nói được hết ý hết tỳnh hai câu thơ lục bát đơn giản như:

"Sầu đông càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê"

(Kiều)

(Thách đố Ngọc Lâm hay bất cứ ai, có thể dùng ngôn ngữ đời thường mà diễn tả được trọn ý, trọn hình hai câu lục bát nói trên)

Hay:

"Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
(Trường Giang - Huy Cận)

Trong:

"Yên ba giang thượng sử nhân sầu"
(Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu)

Nếu Ngọc Lâm đọc Hoàng Hạc Lầu, đọc kỹ sẽ thấy cái hay của tính gợi của bài thơ. Tên bài thơ là Lầu Hoàng Hạc, làm tại Lầu Hoàng Hạc, nhưng đó là bài thơ nói về lòng hoài hương (home longing). Thôi Hiệu đứng ở Hoàng Hạc Lầu, tả cảnh tả tình tại Hoàng Hạc Lâu, nhưng dòng chảy của thơ la dòng chảy của tâm trạng nhớ nhà xa tít nơi kia. Thôi Hiệu dùng cảnh Lầu Hoàng Hạc mà đem lòng gợi nhớ ở tận đâu đâu, nơi Tràng An kinh thành phương Bắc. Bởi vậy khi Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc,  thấy cảnh đẹp muốn làm thơ, nhưng khi đọc thấy thơ Thôi Hiệu viết trên vách, Bạch chỉ còn ném bút bỏ đi.

Đọc thơ hay nhiều quá, nên khó làm thơ. Vì bởi làm ra thấy không hay bằng thơ của người ta. Đây cũng là tâm trạng của nhà thơ Phan Vũ, tác giả của Em ơi! Hà Nội - Phố. Phan Vũ là nghệ sỹ đa tài, ngoài thi ca, ông còn có tài Hội Hoạ, sở trường là Điện ảnh. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Phan Vũ tỏ bày là cho đến khi vào Saigon, ông mới vẽ được, mới theo đuổi ngành hội hoạ ở tuổi 70. Vì sao? Vì khi còn ở Hà Nội, chơi chung toàn các danh hoạ cỡ Bùi Xuân Phái, vẻ ra bức tranh nào, thấy tranh quá tầm thường so với tranh Phố Phái.

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuân lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch nghĩa:

Lầu Hoàng Hạc (1)

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi (2)
Lầu Hạc Vàng còn trơ lại đây.
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa,
Mây trắng nghìn thu lởn vởn hoaì.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương (3) rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ (4) mơn mởn xanh tươi.
Trời tối rồi, đâu là quê hương mình?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người sinh buồn!


Ngọc Lâm giỏi Hán Việt, chú ý hai chữ Nhật Mộ (chiều nay) nằm đầu câu thứ 7 của bài Hoàng Hạc Lâu, hai chử này nhà phê bình văn học Kim Thánh Thán gọi đại khái là Ngôi sao toả sáng hồn thơ, làm cho cả bài thơ trở nên chuyển động lung linh cả tâm và cảnh.


Yếm đào ai nở dễ quên
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sun Oct 18, 2009 11:42 am    Tiêu đề:

Bức tranh tố nữ hay thật! Hay ở chỗ không "gợi".

Tiếp tục bài "Nhị Hồ" cơ bản để rút thêm chút nảo của anh Bảy làm vốn ...

Buồn mơ màng, thê tịch là ý chung của bài "Nhị Hồ". Dùng điển tích để gợi khiến bài thơ rất xúc tích nhưng không có gì sáng tạo và logic toàn bài khá ổn định, hợp lý. Lối gieo vần cách vận tuy không thống nhất nhưng không đến nỗi phá nhạc tính. Tuy nhiên, khi cho tiếng Nhị Hồ u uẩn thê lương uyển chuyển làm background và nhạc điệu 4/3 cứng nhắc

Trăng vừ đủ sáng - để gây mơ
Gió nhịp theo đêm - không vội vàng
....
Tôi yêu Bao Tự - mặt sầu bi
Tôi yêu Ly Cơ - hình nhịp nhàng
....

Đó là nguyên nhân chính khiến Mạnh Trịn bị bế tắc ngay những câu đầu tiên! Anh Bảy cho thêm ý kiến ...
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế
Trang 1 trong tổng số 2 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân