TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thấy vậy mà không phải vậy
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thấy vậy mà không phải vậy

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Lời Hay Ý Đẹp
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Thanh-Diệu
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 19 Aug 2009
Số bài: 3

Bài gửiGửi: Thu Sep 10, 2009 9:46 am    Tiêu đề: Thấy vậy mà không phải vậy

Nồi cơm Nhan Hồi


Khổng Tử: Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật.


Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.



Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cản h rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.



May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.



Tại sao Khổng T lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.


Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.


Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …


Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”


Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …


Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.


Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …


Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thây nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?


Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”


Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”


Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”


Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”


Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một c ơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …


Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầ y, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”


------------------------------------------------------------
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Thu Sep 10, 2009 2:04 pm    Tiêu đề:

Theo ý Hương Xua chớ nên vội phê phán ngươi khác. Điều hay nhất là hãy tự sửa đồi và kiểm soát chính bản thân của mình trước.
Cám ơn Thanh Diệu bài rất có ý nghĩa.
HX


:thankyou:
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Thu Sep 10, 2009 3:41 pm    Tiêu đề:

Cảm ơn chị Thanh Diệu , một đề tài với nhiều điều để suy gẫm và học hỏi .
D.Đ cũng cùng đồng cảm với Hương Xưa , nhưng không dễ thương như HX đâu ,
mà sao HX trốn kỹ , lâu quá mới thấy xuất hiện ?
Bộ muốn dấu cái dễ thương của mình , phải không ?
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Thu Sep 10, 2009 6:34 pm    Tiêu đề:

Diệu Đức dễ thương ơi,

Hương Xưa không trốn đâu chỉ hơi bận một chút thôi vẫn đọc bài của DĐ. Những hạt muối mặn hiền lành như Thất Pháp. Phanrang những ruộng muối dài chạy như cò bay thẳng cánh tại càna  không thua gi ruộng lúa hộ Diêm hay đường đi xuống Mỹ An, Cừa.Có thêm câu Gừng cay muối mặn....ta càng tương nhau không  :D

:love:
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Fri Sep 11, 2009 6:45 am    Tiêu đề:

HUONG XUA đã viết :
Theo ý Hương Xua chớ nên vội phê phán ngươi khác. Điều hay nhất là hãy tự sửa đồi và kiểm soát chính bản thân của mình trước.
Cám ơn Thanh Diệu bài rất có ý nghĩa.
HX


:thankyou:


Sách Mathew đoạn 7:1 trong Kinh Thánh có câu: ""Do not judge so that you will not be judged." Nghĩa là "Đừng phán xét (người khác) thì mình sẽ không bị phán xét."

Chị Hương Xưa mến,

Thất Pháp rất thích nghe con gái Saigon và miền Lục tỉnh nói câu "Thấy (Ngó) dzậy nhưng hỏng phải dzậy". Hồi đó Thất Pháp xem Paris By Night cũng có nghe ca sỉ Ái Vân giả giọng Nam nói với Elvis Dậu cậu này, và cũng thấy vui tai và thích lắm.

Câu chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi là một đề tài Luân Lý Học, và cũng có thể là đề tài Tâm Linh của nhiều truyền thống Đông cũng như Tây.

Có một khoảng cách rất to lớn về cái thấy của thầy Khổng Tử nhìn thầy Nhan Hồi ăn vụng cơm và cái sự thật về thầy Nhan Hồi ăn vụng cơm. Điều này cũng tương tự như cái thấy về biểu hiện bên ngoài của vạn pháp và cái sự thật của vạn pháp. Phật giáo gọi cái biểu hiện bên ngoài là Tướng, còn cái Tánh là Chân Như, là Phật là.....cái mà Đạt Ma Lạt Ma gọi là "Kiến Tánh Thành Phật". Thiền sư Suzuki thì phân biệt vạn pháp có Thế giới Hiện Tượng (Le Monde de Phénomène) và Thế Giới Tự Thân (Le Monde en soi). Thầy Nhất Hạnh thì cho rằng Thế Giới Hiện Tượng và Thế Giới Tự Thân chỉ là một, chẳng qua vì vô minh, vì tri giác sai lầm mà người ta thấy khác nhau.

Cái Tướng thì có tính đánh lừa. Kinh Kim Cương, mẹ của các Kinh Bát Nhã, có câu "Nơi nào có Tướng là nơi đó có sự lường gạt". Ý nghĩa chữ Tướng và chữ Tưởng trong tiếng Hán Việt thì na ná giống nhau. Khi ai đó "Tưởng" về một điều gì thì tự thân của cái Tưởng đó có sự lường gạt trí tuệ của mình. Bậc thánh hiền cỡ như thầy Khổng Tử khi tưởng thầy Nhan Hồi ăn vụng cơm thì cái tưởng đó cũng đã lường gạt cái trí tuệ của bậc Vạn Thế Sư Biểu Khổng Phu Tử rồi.

Mà Phật giáo thì một mực cho rằng Tướng Tánh Bất Nhị, nghĩa là Tướng và Tánh không phải là hai, mà chỉ là một mà thôi. Vậy thì làm sao để "Kiến Tánh" đây bây chừ ? Tông phái Phật giáo Pháp Tướng Tông của thầy Huyền Trang Tam Tạng có đưa ra phương pháp gọi là Tùng Tướng Nhập Tánh, nghĩa là nương theo cái tướng trạng bề ngoài mà thâm nhập cái Tánh của nó. Cứ tạm thời chia Tướng và Tánh là hai đi, đến khi xâm nhập được cái Tánh rồi thì tất cả chỉ là một. Cũng như trong Phật giáo có đưa nguyện lý Vô Niệm, tức là khi ta đứng trước một sự vật hay hiện tượng nào đó thì đừng có ý niệm hay khái niệm về nó. Nhưng con người không thể đi qua trạng thái Vô Niệm được nếu không đi qua trạng thái Khái Niệm, ít nhất là những khái niệm về ngôn ngữ.

Vấn đề cốt lũy của Phật giáo vẫn là làm sao "Kiến Tánh".  Chỉ có một phương pháp thôi, đó là "trực chỉ nhân tâm", là Tu. Tu ở đây có nghĩa là sửa sai để thành trúng. Mà Tu trong Phật giáo là Tu Chứng, nghĩa là phải chứng ngộ được qua trãi nghiệm thực tế, chứ không phải đơn thuần chỉ là sự gom góp những kiến thức, những câu kinh câu kệ.

Trở về câu chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi, chuyện thầy Khổng Tử "thấy dzậy nhưng không phải dzậy". Phật giáo có Pháp để giải quyết vấn đề rốt ráo hơn, minh triết hơn để có được cái THẤY chân thật.

Chuyện kể rằng, có vị chân tu Thanh Nguyên có nói đại khái như vầy: " Sãi núi tôi trước khi đi tu thấy núi là núi, thấy sông là sông. Khi đi tu thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Tu xong rồi thì thấy núi là núi, thấy sông là sông"

Cũng như mình, chưa tu (học) thì thấy cái gì thì cứ tưởng là sự vật và hiện tượng (van pháp) là y chang cái mình tưởng như vậy. Khi đi tu thì thấy núi, thấy sông không phải là núi là sông. Núi, sông là tập hợp của vô số điều kiện (duyên) mà người ta gọi là trùng trùng duyên khởi. Núi Cà Đú ở quê mình trước khi nó là núi, nó là biển sâu, là sự trầm tích lắng động, là sự biến thiên kiến tạo núi, là tập hợp vô số điều kiện (duyên) mà mình tạm danh gọi là Núi, sự thật nó đâu có phải là cái Núi đơn thuần như mình tưởng. Sau khi thấy rõ cái điều mà thầy Xá Lợi goi là "Vạn Pháp tự duyên sinh ra, cũng từ duyên mà diệt" thì lúc đó núi chính là núi, sông chính là sông. Nhưng Núi và Sông bây giờ là là núi và sông chân thật. Cái thấy này người ta gọi là Diệu Hữu..... ( và có khi là Diệu Huyền, Diệu Đức cũng không chừng)

Đến bây giờ, Thất Pháp vẫn thích nghe con gái Saigon Lục Tỉnh nói câu "thấy dzậy, nhưng không phải là dzậy, mà là dzậy"

Thất Pháp (viết cà kê thân tặng chị Hương Xưa để làm quen)
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Fri Sep 11, 2009 1:22 pm    Tiêu đề:

Thưa các đồng môn,
Thấy các bạn góp ý vui vui nên tôi xin mạn phép có thiển ý
Lúc còn bé đi học tại nhà trường, kiến thức không nhiều nên khi đọc sách, được nghe các vị thầy hay người lớn dạy bảo điều gì thì đầu óc chúng ta rất dễ dàng chấp nhân (thấy núi, thấy sông, thấy rành rành trước mắt các  sự việc mà Phật pháp cho đó là sắc tướng).  Rồi khi chúng ta lớn lên học và thâu thập thêm nhiều kiến thức thì các sự việc ngày xưa, các sự việc trước mắt (núi, sông..) không còn đơn giản mà nó lắt léo, vấn đề được xoay đủ mọi hướng đề phân tách dựa theo mọi khía cạnh và theo quan điểm của trình độ kiến thức của con người( lúc ấy núi không còn núi, sông không phải là sông..) như câu chuyện "Nồi Cơm của Nhan Hồi" chưa phải chấm dứt vào lúc ây, nó còn nhiều tình tiết diễn biến tiếp theo câu chuyện nữa  Tuy nhiên ý của tác giả chỉ muốn nhấn mạnh" thấy vậy mà không phải vây". Vậy sự thật thì nó như thế nao?  ai hiểu ra sao cũng đươc.  Ở trên đời này rất khó tìm ra sự thật, sự thật chỉ tạm chấp nhận khi con người ta không còn tìm ra lý lẽ để biện minh, sự thật chỉ căn cứ trên một số căn bản luật pháp, xã hôi..nào đó để kết luận nên núi vẫn còn không phải là núi, sông không phải là sông,.. thí dụ "giết người là có tội hay vô tôi..." ai cũng nói có tội vậy mà luật sư vẫn bào chữa là vô tôi... Vì vậy vế thứ ba, núi vẫn là núi, sông vẫn là sông vô cùng cao siêu, các tôn giáo  có nói đến ngày Phán Xét, Ngày Tận Thế, Hội Long Hoa, Đẳng kỳ Phật Di Lăt...để trừng phạt hay cất nhắc linh hồn con ngươi.  Trở lại vấn đề, "Mà là dzậy, Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, "Có, Không, rồi lại Có"(được hiểu Có cái Không)... nói chung là muốn được thông suốt  mọi vấn đề đòi hỏi con người phải có Tri Thúc(Tri Thức khác với Kiến thức, Trí Thức) vì Tri Thức đói hỏi con người phải biết Luận, Suy,Ý thức, Lý tri..trước mọi vấn đệ  Một mình Tri Thức cũng chưa đủ mà nó cần phải có Tri Giác để trở thành cái TRI.  Khi cái TRI phát triễn tốt đẹp thì con người ấy có được THỨC, GIÁC, khi có THỨC GIÁC thì con người ấy có được TUỆ, HUỆ sáng suốt thông hiểu, xuyên suốt mọi vấn đề trên vũ trụ mà các kinh sách tôn giáo nói là đạt ĐAO. Tu hành đến mức độ này phải trãi qua nhiều thời kỳ, giai đoạn không kể được, miễn bàn thêm, miễn luận,...các Chư vị, các Ngài đạt Đạo thấy rõ Tâm chúng sinh, thấy từng sát na duyên khởi trong tư tưởng chúng sinh, thấy được các duyên khởi lúc chưa hình hành và kết quả của nó
Viết đến đây, tôi cũng thấy đầu óc mình lùng tung lúng túng, rối mù như bòn bon tơ loạn, xin lỗi các bạn nhé!  Có lẽ tôi cũng đang có bệnh lẩm cẫm, tường trình rối ben câu chuyện của các bạn
Tóm lại, theo tôi câu chuyện Nồi cơm Nhan Hồi chưa có đoạn kết nhé, thấy vậy mà không phải vậy mà sự thật chỉ có ông Khổng Tử và ông Nhan Hồi biết mà thôi, không chừng tác giả cũng chưa trung thực khi viết lại câu chuyện để người sau đọc và học, chúng ta chỉ là những người luận lý ,giảng thuyết theo chủ quạn của mình ( vì còn dùng nhiều kiến thức, sở thường kiến, cái kiến thức vay mượn giả tạm mà mình cho là của minh..)
Khéo thay miệng lưỡi biện hùng,
Hay thay cách nói luận cùng lý kia.
Xin thứ lỗi, xin thứ lỗi!
Về Đầu Trang
ngocbichbui
Niên Khóa 1971-1975


Ngày tham gia: 08 Nov 2008
Số bài: 67

Bài gửiGửi: Sat Sep 12, 2009 12:47 am    Tiêu đề:

"...Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh...rồi từ từ đưa cơm lên miệng..."

Sao Nhan Hồi phải "liếc mắt nhìn chung quanh" trước khi đưa cơm lên miệng?
Sao Nhan Hồi lại "đứng im" ,chờ Thầy Khổng Tử hỏi câu thứ nhì mới trả lởi?
Nhan Hồi là người có Tâm hơn người hay có Trí hơn người?

Trong bài ngụ ngôn này tác giả chỉ muốn nói đến cái "Tâm" hơn người của Nhan Hồi và cái "Thấy mà Không Thấy" của Thầy Khổng Tự
Vâng! Trên đời có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Có những điều đọc tới đọc lui vẫn không hiểu hết ý tác gỉa.

Cám ơn Chị Thanh Diệu với một đề tài đáng suy gẫm.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sat Sep 12, 2009 4:25 am    Tiêu đề:

Thân chào anh aihuu.

Cám ơn anh đã góp ý, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Ca sỹ có chất giọng, chỉ cần ớ lên một tiếng là người ta biết có giọng vàng.

Thất Pháp rất thích lối giải thích Núi là núi, Núi không phải là núi, và núi là núi của anh. Thất Pháp thích nhất chổ anh nói về chữ Tri Thức và anh đã phân biệt nó với những thức khác. Đêm hôm qua Thất Pháp cũng tìm cách giải thích chữ này, nhưng loanh hoanh mãi vẫn không nói ra được ý như anh nói. Thì tóm lại, một trong những phương cách tu học của Phật Giáo là Giới - Định - Tuệ (Tam học), tức giữ Giới cho tâm Định để phát sinh Tuệ giác (Huệ).

Thật sự ra những vấn đề như thế này bản chất nó có nhiều sự rối rấm lắm anh aihuu ạ. Mình từ từ tìm đường mà gỡ cho thông mà thôi. Thiết nghĩ, anh không cần thiết phải phân bua là mình lẩm cẩm trong một vấn đề vốn rất nghiêm túc. Thất Pháp hiểu anh muốn nói gì. Anh cũng như Thất Pháp đang nói về những điều rất khó diễn tả bằng những khái niệm ngôn từ. Cũng như anh, chúng ta muốn diễn đạt một vấn đề tâm linh mầu nhiệm, nhưng lại e là mình đang hý luận. Cũng giống như mình muốn dùng khái niệm của ngôn từ để điễn đạt về vị ngon của xoài cát Hoà Lộc. Để làm được điều này, cho dù mình có văn hay chữ tốt cách mấy, đến đâu thì cũng không thể nói hết được cái vị ngon ngọt của quả xoài cát Hoà Lộc như khi chính mình thực chứng cái mùi vị của nó.

Có lẽ Thất Pháp cũng đang bí khi muốn bàn tiếp về đề tài này. Thất Pháp không biết mình nên bắt đầu từ chổ nào trong cái chuỗi trùng trùng duyên khởi xuất phát từ câu chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi. Nếu có thể, anh aihuu có thể nói tiếp cái ẩn ý của câu chuyện theo kiến giải của anh, để từ đó anh em mình có thể có nhiều điều để góp ý và thảo luận.

Thân mến
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Sun Sep 13, 2009 12:05 pm    Tiêu đề:

Có nhiều lúc mình mãi mê đi tìm cái mình đang có trong trong đầu. Chắc hẳn các anh chị cựu học sinh Duy Tân tới tuổi này đã nhiều lần đi tìm chùm chìa khoá trong khi chùm chìa khoá đó ở ngay trong túi áo của mình. Thất Pháp mới đi trực đêm về, ra ngồi nghĩ mệt ở bãi đậu xe, thì chợt nhớ ra rằng ngày xưa thời Trung Học mình có học thơ Đường, có học bài Miếu Vợ Chàng Trương của Lê Thánh Tông. Suy nghĩ lại thì mình có thể dùng cái "điển tích" Thiếu Phụ Nam Xương (vợ chàng Trương) để tìm đường hướng giãi quyết cho câu chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương, và đã từng học bài thơ Đường có tên Miếu Vợ Chàng Trương của Lê Thánh Tông. Nhưng thời đó chúng ta chỉ học kiểu "cô đọc cho trò chép", môn văn nhạt nhẽo, chỉ toàn những chuyện bằng trắc nhàm chán, giải thích chữ khó... vân vân, học xong quên tuốt, chẳng áp dụng được mấy điều. Nhân đây, nếu ai quên câu chuyện Thiếu Phụ Nam Xương, Thất Pháp xin được phép nhắc lại đại khái như sau:

Ngày xửa ngày xưa tại làng Nam Xương có chàng Trương nhập ngũ phải ra chiến trường, để lại một vợ trẻ và đứa con thơ. Ở nhà con đòi bố, người thiếu phụ bèn nghĩ ra cách chỉ cái bóng của mình mỗi khi đêm về thắp đèn và gọi đó là bố đứa bé. Chiến tranh chấm dứt, chàng Trương giải ngũ về nhà. Vợ hay tin chồng sắp về, đi chợ đàng xa mua sắm hầu làm bữa cổ hợp loan, mừng ngày châu về hợp phố. Ở nhà đứa bé nhất định không nhận chàng Trương là bố. Nó còn ngây thơ nói những câu trung thực thiơ dại làm sốc óc chàng Trương như "Ông không phải là Bố tôi, bố tôi tối mới về, mỗi lần mẹ tôi nằm xuống, bố tôi cũng nằm xuống, mỗi lần mẹ tôi ngồi dậy, bố tôi cũng ngồi vậy, ông nhất định không phải là bố tôi". Chàng Trương nghe con nói, nổi cơn ghen. Khi nàng thiếu phụ Nam Xương về, chàng hầm hầm với thái độ coi vợ mình là kẻ ngoại tình. Vợ chàng bị oan, nổi giận, nhãy xuống sông tự tử.

Điều bất hạnh của gia đình chàng Trương cũng là điều bất hạnh biết bao nhiêu gia đình ngày nay.

Tri giác sai lầm, nhận thức sai lầm đã đưa bậc Vạn Thế Sư Biểu Khổng Tử suýt thành kẻ hồ đồ, đưa gia đình chàng Trương vào nổi bất hạnh khốn cùng. Cái mà Khổng Tử thấy thầy Nhan Hồi ăn vụng cơm, chàng Trương thấy vợ mình ngoại tình chỉ là những nhận thức sai lầm mà thôi. Rất may, Khổng Tử bậc trí giả, biết cho học trò Nhan Hồi giải thích, biết lắng nghe lời học trò.

Môn văn của thời Trung Học của chúng ta có nhiều điều rất dỡ cần phải phê phán. Chúng ta học Đường Thi với những bài thơ Vịnh Con Cóc, Vườn Hành khô khan nhạt nhẽo. Trong khi những bài thơ Đường viết bằng chữ Nôm của Hồ Xuân Hương, nói lên thân phận đàn bà hừng hực đầy sức sống, đầy oan trái thì chúng ta tránh né. Chúng ta học cụ Nguyễn Đình Chiễu với những trích đoạn "Vân Tiên Cõng mẹ chạy ra,.... rồi chạy vô" đơn điệu quê kệch, nhưng chúng ta tránh né bài Văn tế Chiến Sĩ Cần Giuộc bi hùng, mô tả lòng yêu nước chống lại ngoại bang Tây, nói về cuộc khởi nghĩa của những người nông dân Nam Bộ yêu Độc Lập, yêu Tự Do của cụ Đồ Chiểu.
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Mon Sep 14, 2009 8:44 pm    Tiêu đề:

:) Thưa anh bạn Thất Pháp,
Lời nói của anh rất đúng!  Chúng ta không biết bắt đầu từ đâu để đi vào câu chuyện nạy  Thật ra, tại cõi trằn (không gian hiện tại) không có việc gì là khởi đầu và chẳng biết bao giờ chấm dứt  Mọi việc như nước ở dòng sông hay ở biển cả, luân chuyển, dịch biến, chuyển động có những lúc thấy yên lặng nhưng thất chất nó có chuyển động,  luôn thay đổi...như Có với Không, trong Không có cái Có, trong Có có cái Không, trắng với đen, trong đen có trắng, trong trắng có đen và sáng với tối.. lúc nào nó cũng có hai mặt của một vấn đề, nó xen cài lẫn nhau, không tuyệt đối. Đó là qui luật âm dương  Đạo cũng vậy, Đạo cũng có mặt phải, mặt trái  Theo quan niệm của con người cho rằng Đạo là tốt đẹp và ngược lại là tà đạo. Như Thiện với Ác, như Chánh với Tà, không có Tà làm sao thấy chánh.  Chánh với Tà, Thiện với Ác.. đều là Đạo. Chánh tà do con người qui định và đặt ra, nó vốn là Đạo, Chánh ở đâu, Tà ở đâu.Màu đen chẳng qua để làm màu trắng rõ nét, một tờ giấy có hai mặt như nhau nhưng con người qui định mặt trên và mặt dưới mà thật ra nó là tờ giấy có hai mặt như nhạu  Tất cả do sự phân biệt mà có nhất nguyên, nhị nguyên, tứ tượng, bát quái,... Vốn dĩ nó là KHÔNG, là ĐAO.  Ví thế khi nói về lý để trao dổi hiểu biết lẫn nhau,  chúng ta không luận bàn  Đạo bất luận nhưng khả đàm đao.  Nay nghe bạn muốn biết thêm làm cho tôi càng hổ thẹn bởi vì mình sẻ bị rơi vào những điều mình vừa nó. i Do đó xin lỗi các bạn đồng môn Duy Tân, đọc giả vì đây chỉ là những lời đàm đạo không có ý là tổn thương bất cứ người nào
Lần trước vì tôi nói vắn tắt có lẽ các bạn khó hiểu,  nói lung lung về vấn đề Thức Giác  Theo tôi, vấn đề Thức Giác, Tuệ Huệ, Tâm.. chỉ là những từ Hán văn , từ chuyên môn trong Triết học, tôn giáo  mà ngày xưa tôi chẳng hiểu gì nên thường cùng các bạn bè trốn học, cúp cua để vào các quán cafe nghe nhạc vào những năm dưới mái trường trung học Duy Tân.  Các từ ngữ này đã dẫn con người  vào những khu rừng rậm, hoang dã, hoặc vào những vườn hoa dị thảo.. dễ bị lạc, dễ bị phấn chấn trí óc tưởng tương cho rằng nơi đó là Thiên Đường, là Niết Bàn, là Địa ngục, là Thế giới này, thế giới nọ...Toàn là những khu rừng đầy chữ nghĩa, kỷ thuật sáng tạo từ ngữ mới lạ của các chuyên viên ( tác giả) rất là thông thái (từ ngữ mới lạ như Viên Giác, Bản lai diện mục, Thiên Đàng, Niết Bàn, A lại da Thưc..và cần phải có thời gian ngẫm suy ,học và hiểu các danh từ chuyên môn này.  Nó như là chìa khoá chính để có thể mở cữa khi bước vào thế giới của từ ngữ   Thật ra ý tôi muốn nói con người đi tìm Đạo, tìm Chân lý cũng thấy khó khăn  khi đọc các án văn cổ, kinh thư của các tôn giạo  Nói như vậy, bây giờ chúng ta dùng cách nào đó, đơn giản hơn để có  thể hiểu người xưa, các vị thánh nhân, thiện tri thức, các vị Phật, tổ, các thánh nhân muốn dạy hậu thế những gì.  Chính cá nhân tôi khi diễn đạt một điều gì cũng khó khăn, dùng không đúng từ ngữ người cười, nói ngong cuồng, bình dân thì người chê, nói lung tung thì người ghét, nói tầm bậy thì "chúng " chữi... Ngài Thái Thượng có nói, " Đạo lý ta nói ra điên điên dại dại, thất phu cười nhễ nhoại mồ hôi."
Để phân biệt giữa THỨC và GIÁC :
THỨC  là sự hiểu biết thông qua các giác quan  Thí dụ dùng mắt để nhìn thấy các sự việc, dùng tai để nhe các âm thanh, dùng lưỡi để nhận biết các mùi vi...Nhờ các giác quan mà con người có được các nhận thức này, Thức bao gồm Ý Thức, Tiềm Thức, Vô Thức.  Phật giáo nói rất rất nhiều về vấn đề nhất là khi đọc kinh Bát Nhã. Còn GIÁC là những nhận thức không qua các giác quan này, Giác bao gồm Trực Giác, Tiềm Giác và Vô Ưu.  Con  người có được Thức và Giác một cách hoàn chỉnh (70- 100%) thì con người ấy có được Tuệ Huệ sáng suốt, Tuệ khai Huệ phát thì hiểu hết mọi vấn đề của vũ trụ nạy  Tùy theo mỗi tôn giáo giải thích một cách khác nhau, cho nên tôi chỉ nêu ra đây những điều giản dị mong rằng dễ hiểu cho tất cả bạn hữu.  Tôi xin phép tạm dùng một số từ thông dụng để giài thích vấn đề.
Thông thường trước một vấn đề, có người hỏi anh hiểu như thế nảo? BẠn có ý kiến, tôi có ý kiến và người thứ ba có ý kiến Bạn  thì chủ quan nhận định, tôi là khách quan nhận định, người thứ ba là Trung quan nhận định, nó có thể hoà họp, tượng hợp hai ý kiến chủ quan và khách quan, hoặc không hoà giải, mà đưa ra thêm một ý kiền khác  nữa .  Ý kiến Trung quan là tương đối dễ chấp nhận vì nói dung hoà giữa chủ quan và khách quạn  Vậy ý kiến tương quan đứng trên lập trường, quan điểm nào để hoà họp hai ý kiến này.  Toà án là nơi giải quyết  những vấn đề xung khắt giữa chủ quan và khách quan.  Toà án dựa vào luật pháp của quốc gia đó , quán quyết của quốc gia đó mà phán quyết vấn đề. Tuy nhiên phán quyết ấy có thể không đúng với một xã hội hay của quốc gia khác.   Sở dĩ tôi đưa vấn đề này để nói rằng TRUNG QUAN là quán quyết đúng nhất nhưng nó phải dựa theo căn bản nào, lý lẽ nào mà phía chủ quan và khách quan còn khiếm khuyết.  Người đời thường hay nói TOÀ ÁN LƯƠNG TÂM.
Thưa các bạn, chỉ có toà án lương tâm là đúng nhất, chính xác nhất. Tôn giáo nào cũng khuyên răn con người biết nhận tội, ăn năn sám hối Việc làm.  Một việc làm CÔNG CHÍNH, phải có TÂM CÔNG CHINH.  Tâm công chính chỉ có khi con người gục đầu âm thầm ăn năn sám hối để thấy mình là tôi tớ của Chúa Chính Cộng. Vì thế ông Khổng Tử có hối tiếc hay không hối tiếc khi  thấy mình vừa có ý nghỉ sai về ông Nhan Hồi, ổng vẫn là vị Thánh.  Ông Nhan Hồi có làm một việc tốt như ý niệm và lý giải của ông để cho mọi người thấy thì chỉ có ổng  biết.  Chúng ta không thể qua ánh mắt, cái nhăn mặt, cái liếc nhìn, cái cái sắc tướng mà vội kết luận thì không đúng lắm. Những cái sắc tướng là những biểu hiện bên ngoài, nó biểu lộ một phần nào tâm lý,  ý tưởng, ý nghĩ.. trạng thái tư tưởng con người lúc ấy đang thể hiện. Nếu gặp các kịch sĩ, diễn viên nghệ thuật thì con người vẫn bị lầm...
Cảm ơn bạn Thất Pháp đã gợi để tôi thêm văn từ ngôn luận...
Xin chào
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Mon Sep 14, 2009 11:18 pm    Tiêu đề:

Anh Aihuu thân mến,

Những gì anh vừa nói sẽ mở ra nhiều vấn đề để suy gẫm và Đàm Đạo lắm.

Thất Pháp đã học hỏi được nhiều điều nơi anh. Cám ơn anh rất nhiều. Tuệ là con mắt thứ 3. Có được con mắt thứ 3 này thì thấy được thiên hà đại địa. Trung Quán là con đường chính giữa, con đường không nghiêng về phía cực đoan nào. Thái tử Sỹ Đạt Ta đã từ bỏ cực đoan của đời sống vương giả, và cũng đã từ bỏ luôn con đường cực đoan tu khổ hạnh. Ngài đã dùng con đường chính giữa để nhập đạo. Thất Pháp vẫn còn đang suy gẫm về Thức và Giác mà anh Aihuu đàm trên đây. Thất Pháp rất sung sướng khi anh đã giải quyết dược vấn đề bằng chữ Đàm thật hữu tình hữu lý, vấn đề mà Thất Pháp rất e ngại vì hai chữ hý luận nó ràng buộc dòng suy gẫm của mình.

Ở đoạn văn đầu tiên ở trên anh Aihuu gộp vào lại với nhau những nguyên lý cơ bản của cái mà người ta gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên: Phật, Lão, Nho hằng đóng vai trò hướng dẫn nhân tâm thế đạo trong văn hóa VN từ bao thế kỹ. Thất Pháp xin được tập trung đàm đạo với anh và các thiện nam tín nữ trên đây về đoạn văn đầu của anh.

Bây giờ Thất Pháp xin được đi hãm một ấm trà rồi sẽ quay lại tọa đàm với anh sau.
Về Đầu Trang
ngocbichbui
Niên Khóa 1971-1975


Ngày tham gia: 08 Nov 2008
Số bài: 67

Bài gửiGửi: Mon Sep 14, 2009 11:34 pm    Tiêu đề:

Nghe anh Thất Pháp nhắc đến chuyện Thiếu Phụ Nam Xương làm NB nhớ "Ngày xưa còn bé" được Daddy hay ngồi kể câu chuyện này cho mấy chị em ngồi xung quanh nghe. Nghe hoài mà cứ mỗi lần đến đọan cuối câu chuyện... Lúc đêm đến khi người Cha bồng dỗ cho con ngũ, thì đứa bé chỉ chiếc bóng trên tường nói :"Đó! Bố tôi đó!", nhất là khi Daddy lại kết thúc câu chuyện bằng mấy lời hát: "Không ,không Bố tôi đêm tối mới vê...Không không... Bố tôi đêm tối mới về...Ôi! Thê lương...Ôi! Thê lương..."....là tụi em cứ khóc sụt sùi.
 Anh Thất Pháp ơi, NB nghĩ là mỗi xã hội có những lối giáo dục khác nhau. Môn Văn của chúng ta có những thiếu xót, nhưng bù lại chúng ta được sự giáo dục rất kỹ từ gia đình. Có nhiều khi vì luân lý của Xã hội mà lúc còn trong học đường những bài thơ của Hồ Xuân Hương có phần táo bạo quá chăng? Học trò Trung Học thời mình vẫn còn e ấp lắm, chứ không như Trung Học bên này đâu.Hoặc là những bài về chính trị ,khởi nghĩa...thì đôi khi lại không hợp thời điểm chính trị lúc đó? NB thấy những học sinh trung học như THDT mình thật quá nhiều người sâu sắc, nhất là bây giờ mình lại được sống qua hai xã hội Đông và Tây. Thấy và so sánh được những điều hay, cái dỡ. NB thì phục người Mỹ về cách giáo dục Lịch Sự của họ. Nhưng về cái thâm trầm, sâu sắc em vẫn phục người Việt mình hơn.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Sep 15, 2009 4:19 am    Tiêu đề:

Anh Aihuu viết:
Trích dẫn:


Thật ra, tại cõi trằn (không gian hiện tại) không có việc gì là khởi đầu và chẳng biết bao giờ chấm dứt  Mọi việc như nước ở dòng sông hay ở biển cả, luân chuyển, dịch biến, chuyển động có những lúc thấy yên lặng nhưng thất chất nó có chuyển động,  luôn thay đổi...như Có với Không, trong Không có cái Có, trong Có có cái Không, trắng với đen, trong đen có trắng, trong trắng có đen và sáng với tối.. lúc nào nó cũng có hai mặt của một vấn đề, nó xen cài lẫn nhau, không tuyệt đối. Đó là qui luật âm dương  Đạo cũng vậy, Đạo cũng có mặt phải, mặt trái  Theo quan niệm của con người cho rằng Đạo là tốt đẹp và ngược lại là tà đạo. Như Thiện với Ác, như Chánh với Tà, không có Tà làm sao thấy chánh.  Chánh với Tà, Thiện với Ác.. đều là Đạo. Chánh tà do con người qui định và đặt ra, nó vốn là Đạo, Chánh ở đâu, Tà ở đâu.Màu đen chẳng qua để làm màu trắng rõ nét, một tờ giấy có hai mặt như nhau nhưng con người qui định mặt trên và mặt dưới mà thật ra nó là tờ giấy có hai mặt như nhạu  Tất cả do sự phân biệt mà có nhất nguyên, nhị nguyên, tứ tượng, bát quái,... Vốn dĩ nó là KHÔNG, là ĐAO.  Ví thế khi nói về lý để trao dổi hiểu biết lẫn nhau,  chúng ta không luận bàn  Đạo bất luận nhưng khả đàm đao.  Nay nghe bạn muốn biết thêm làm cho tôi càng hổ thẹn bởi vì mình sẻ bị rơi vào những điều mình vừa nó.


Đoạn văn này man mác điệu Tâm Kinh. Có lẽ anh Aihuu đã trì tụng sâu Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh.

Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
(tức Diệu Pháp Trí Ðộ)
Bổng soi thấy năm uẩn
Ðều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.

Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.

Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý (sáu căn)
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp (sáu trần)
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc

Vì không có sở đắc
Khi một vị Bồ Tát
Nương Diệu Pháp Trí Ðộ
(Bát Nhã Ba La Mật)
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lià mọi vọng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Ðạt Niết Bàn tuyệt đối

Chư Bụt trong ba đời
Y Diệu Pháp Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn

Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Ðộ
Bát Nhã Ba La Mật
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:

Yết đế, Yết đế
Ba la Yết đế
Ba la Tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha

***

Anh cũng đang nói về nguyên lý vô thường (anitya, impermanence). Vạn pháp vô thường, mọi sự vật và hiện tượng luôn biến đổi không ngừng trong từng sát na. Cái khổ của chúng ta là có tập quán suy nghĩ sự vật và hiện tượng đứng yên bất biến. Vạn pháp cũng vô ngã (anatman). Vạn pháp không có tự tính riêng biệt của nó. Tất cả các sự vật và hiện tượng đều có mối liên hệ duyên khởi trùng trùng, cái này có vì cái kia có, cái này không có vì cái kia không có. Một là tất cả, tất cả là một. Trong cái một chứa đựng tất cả. Trong tất cả cũng có cái một góp phần. Chỉ cần lấy Một tế bào của con cừu, ngày nay người ta có thể biến nó thành một con cừu Dolly y chang con cừu mẹ.  Và vì vạn pháp không có tự tính riêng biệt cho nên vạn pháp là KHÔNG (Emptiness).

KHÔNG ở đây không phải là phản nghĩa lại chữ Có. Núi không phải Núi thì mới là Núi. Đọc Kinh KIM CƯƠNG thấy kinh những câu kinh văn có format được lập đi lập lại kiểu như sau:

A không phải là A, nên nó mới là A (Thấy Dzậy, không phải Dzậy, mà là Dzậy)

A khác A, thì A mới đích thị là A.

Kinh văn viết:

-Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?
-Bạch đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.


Chúng ta thấy, Như Lai cũng phải tùy duyên dùng ý niệm ngôn từ để truyền đạt cho thầy Tu Bồ Đề cái ý niệm về "thân tướng". Ngay lập tức thầy Tu Bồ Đề phủ định cái ý niệm "Thân Tướng" (A không phải là A, Thấy Dzậy không phải là Dzậy).

Kinh văn có đoạn:

Tu Bồ Đề, thầy nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

Bạch đức Thế Tôn, không. Vì sao? Vì cái mà Như Lai gọi là ba mươi hai tướng đều không phải là tướng, vì vậy cho nên Như Lai mới gọi là ba mươi hai tướng.

Chúng ta tiếp tục thấy thầy Tu Bồ Đề tiếp tục dùng Biện Chứng Pháp Bát Nhã, tiếp tục phủ định A không phải là A. Và ngay sau khi phủ định ý niệm A, thì A mới đích thực là A.

A đầu là khái niệm về A. Thầy Tu Bồ Đề phủ định cái ý niệm Thân Tướng Như Lai, thì Thân Tướng Như Lai đích thực mới hiển lộ được. A cuối cùng mới thực là A, A của không ý niệm.

Cũng như chúng ta làm việc bố thí để cầu Phước Đức, chúng ta phải phủ định những ý niệm của chữ Phước Đức thì lúc đó mới thực sự có Phước Đức. Bố thí không dựa trên ý niêm Phước Đức. Bố thì phải xuất phát bằng cái tâm không không phân biệt, không kỳ thị, không đắn đo thì lúc đó mới thực sự có Phước Đức thực sự.

Những nguyên lý cơ bản vô thường, vô ngã, duyên sinh và Không của Phật giáo nói trên chỉ cần dùng Ý Thức ra để học chừng năm phút là biết hết nó là gì. Nhưng để Giác (ngộ) nó thì tu cả bao nhiêu đời cũng chưa chắc Giác Ngộ được. Nhưng con người phải tu mà thôi. Không có cái bắt đầu thì làm sao có được cái chấm dứt được. Và đây có phải là cái ý của anh Aihuu nói như thế không?

Nghe các thiền sư viết sách nói những ý niệm ngôn từ là nguyên nhân cản trở việc tu học của con người. Nói như anh nói, nó sẽ đưa mình đến những khu rừng rậm, hoang dã. Nhưng mình làm sao có thể đi đến chổ vô niệm được nếu mình không đi qua cái thế giới ý niệm. Thôi thì mình cứ đàm đạo, nương theo những ý niệm mà tùy thuận để mong sao đi vào được những vườn hoa dị thảo. Rất mong được đọc những bài viết của anh Aihuu.
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Tue Sep 15, 2009 4:47 am    Tiêu đề:

ngocbichbui đã viết :
Nghe anh Thất Pháp nhắc đến chuyện Thiếu Phụ Nam Xương làm NB nhớ "Ngày xưa còn bé" được Daddy hay ngồi kể câu chuyện này cho mấy chị em ngồi xung quanh nghe. Nghe hoài mà cứ mỗi lần đến đọan cuối câu chuyện... Lúc đêm đến khi người Cha bồng dỗ cho con ngũ, thì đứa bé chỉ chiếc bóng trên tường nói :"Đó! Bố tôi đó!", nhất là khi Daddy lại kết thúc câu chuyện bằng mấy lời hát: "Không ,không Bố tôi đêm tối mới vê...Không không... Bố tôi đêm tối mới về...Ôi! Thê lương...Ôi! Thê lương..."....là tụi em cứ khóc sụt sùi.
 Anh Thất Pháp ơi, NB nghĩ là mỗi xã hội có những lối giáo dục khác nhau. Môn Văn của chúng ta có những thiếu xót, nhưng bù lại chúng ta được sự giáo dục rất kỹ từ gia đình. Có nhiều khi vì luân lý của Xã hội mà lúc còn trong học đường những bài thơ của Hồ Xuân Hương có phần táo bạo quá chăng? Học trò Trung Học thời mình vẫn còn e ấp lắm, chứ không như Trung Học bên này đâu.Hoặc là những bài về chính trị ,khởi nghĩa...thì đôi khi lại không hợp thời điểm chính trị lúc đó? NB thấy những học sinh trung học như THDT mình thật quá nhiều người sâu sắc, nhất là bây giờ mình lại được sống qua hai xã hội Đông và Tây. Thấy và so sánh được những điều hay, cái dỡ. NB thì phục người Mỹ về cách giáo dục Lịch Sự của họ. Nhưng về cái thâm trầm, sâu sắc em vẫn phục người Việt mình hơn.


Ừ! Anh cũng có nghe bài hát này, nghe buồn thê lương.

Em Ngọc  Bích nói rất đúng. Mỗi xã hội có hoàn cảnh văn hoá khác nhau, điều kiện vật chất khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, và hoàn cảnh chính trị khác nhau nên có những phương cách và chương trinh giáo dục khác nhau.

Bài Văn tế Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Đồ Chiểu sáng tác nhằm ngợi ca, thương tiếc và kính phục những nghĩa quân đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp tại Cần Giuộc vào năm 1861. Ca ngợi nghĩa quân chống thực dân Tây để mưu cầu Tự Do và Độc Lập chứ có ca ngợi Cộng Sản hay chống chế độ nào đâu mà mình phải tránh né.

Không những chúng ta tránh né bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc mà còn tránh né, phổ biến có giới hạn nhiều tác phẩm của cụ Đồ Chiểu.

Những câu văn khí khái như vầy thì có gì đâu ghê gớm mà né tránh:

Sống làm chi theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc, nghĩ lại thêm buồn;
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu ngọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh,
Còn hơn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ
.
Về Đầu Trang
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Tue Sep 15, 2009 1:32 pm    Tiêu đề:

Bái phục, bái phục!
Cảm ơn anh bạn Thất Pháp đã làm ban nhạc đang hoà tấu réo rắc nhịp nhàn, rình rang xôm tu..!
Chào
Về Đầu Trang
Thất Pháp



Ngày tham gia: 01 Aug 2009
Số bài: 134

Bài gửiGửi: Wed Sep 16, 2009 12:53 am    Tiêu đề:

Trong bài trả lời anh Aihuu ở trên, Thất Pháp có nhắc đến thuật ngữ Biện Chứng Pháp Bát Nhã mà thầy Tu Bồ Đề sử dụng trong kinh Kim Cương. Khi dùng thuật ngữ này, Thất Pháp không giải thích nó là cái gì, và đây là một từ chìa khóa (key word), nên Thất Pháp muốn được giải thích nó là cái gì.

Trước hết chúng ta cần giải thích Biện Chứng là gì. Biện chứng là phương pháp lý luận để đi tìm sự thật. Từ ngữ biện chứng rất được giới hạn ở Miền Nam thời đó vì người ta e ngại nói về biện chứng pháp lịch sử và biện chứng pháp duy vật của hai nhà triết học cha đẻ ra chủ nghĩa cộng sản người Đức là Karl Marx và Hegel. Thật ra từ ngữ này có từ thời Plato, Arristotle. Nó đơn giản chỉ là phương pháp lý luận (logic) để đi tìm sự thật qua thảo luận (discussion). Biện Chứng Pháp Bát Nhã là phương pháp đi tìm sự thật bằng phương pháp phủ định. Theo Pháp này, khi người ta có một ý niệm nào đó trong đầu thì người ta phủ định ý niệm đó. Một ý niệm sau khi bị phủ định thì có thể nẩy sinh ra một hay nhiều ý niệm mới. Trong trường hợp này thì người ta cần phải liên tiếp phủ định các ý niệm cho đến khi nào nó không còn là phạm vi ý niệm nữa.

"Thấy dzậy, không phải dzậy, mà là dzậy" có thể là một Biện Chứng Pháp Bát Nhã. Người ta phủ định cái ý niệm Thấy Dzậy, rồi phủ định luôn ý niệm Không Phải Dzậy, để là cái mà "Là Dzậy".

Anh Aihuu đâu rồi? Diệu Khúc Bản Lai Tu Cữ Xướng đi anh.
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Wed Sep 16, 2009 2:37 am    Tiêu đề:

Anh Ái hữu , D.Đ đã học được rất nhiều qua bài Pháp của anh .
Đôi khi bản chất đơn giản của sự suy nghĩ đã làm tổn thương cho chính mình .
Nghe lời xin lỗi của anh gởi đến các bạn đồng môn  Duy tân và đọc giả  , thì sự hổ thẹn
của người phạm lỗi không phải là anh đâu ,xin anh đừng bận tâm . Và cũng nhờ vậy , D.Đ
mới thấy hãnh diện vì đã được học hỏi rất nhiều từ các bạn Thiện tri thức trên diễn đàn Duy tân .
Xin anh nhận nơi D.Đ lòng cảm ơn chân thành về những kiến thức thâm sâu anh đã san sẻ .

Thân gởi các bạn.
Trong quyển : Mặt hồ tĩnh lặng của thiền sư  Achan Chah
có bài viết này , D.Đ xin ghi lại để mọi người cùng đọc .
Để -mặc-người-ta
Đừng tìm lỗi người . Nếu cách cư xử của họ sai lầm thì bạn cũng  chả cần làm khổ mình mà chi .
Nếu khi bạn chỉ cho họ thấy sự sai lầm của họ nhưng họ vẫn không sửa đổi thì hãy để yên
như thế .
Đức Phật đã từng theo học với nhiều thầy , Ngài thấy phương pháp của thầy thiếu sót , nhưng
Ngài không dèm pha hay làm thầy mất thể diện . Nhờ học hỏi với thái độ khiêm nhường và tôn
trọng nên Ngài đã thâu thập lợi ích trong khi sống với các thầy . Thật vậy , học với họ Ngài mới
biết phương pháp của họ chưa hoàn hảo . Lại nữa , khi Ngài thành đạo Ngài cũng không chỉ trích
hay tìm cách dạy lại họ . Sau khi giác ngộ , Ngài kính cẩn nhớ lại những vị thầy Ngài đã theo học
và muốn chia sẻ với họ sự hiểu biết mà Ngài mới tìm ra .
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Lời Hay Ý Đẹp Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân