TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ảnh Hưởng Phật giáo Trên Tư Tưởng Việt Nam
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ảnh Hưởng Phật giáo Trên Tư Tưởng Việt Nam

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Aug 05, 2009 10:26 pm    Tiêu đề: Ảnh Hưởng Phật giáo Trên Tư Tưởng Việt Nam

Ảnh Hưởng Phật giáo Trên Tư Tưởng Việt Nam


TS Phạm Trọng Chánh (*)

Trong Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp viết vào đời nhà Trần có kể sự tích Bánh Chưng:

Vua Hùng Vương muốn truyền ngôi cho con, bèn tổ chức một cuộc thi làm cổ. Bao nhiêu hoàng tử lên rừng, xuống biển, tìm món ngon vật lạ, sơn hào, hải vị, nem công, chả phụng, vi cá mập… đều bị Vua cha chấm rớt cả, chỉ có Tiết Liêu thắng cuộc vì anh sáng chế ra một món ăn dân tộc, bằng những vật liệu sẵn có: lá chuối, nếp, đậu xanh, thịt ba rọi, hành, tiêu, muối,… Anh đã phối hợp những yếu tố sẵn có của dân tộc thành món ăn ngon, lạ miệng và anh giải thích: Trời tròn, đất vuông, ở giữa có dân tộc Việt với vạn vật chim muông sinh sôi nảy nở.

Vua Hùng Vương tham ăn chăng? Nếu Vua tham ăn hẵn đã chọn các món ăn ngon lạ miệng, đem từ nơi xa lạ về. Không. Nhà vua thử tài trị nước của các con qua cách làm bếp. Người trị nước giống như anh đầu bếp. Lãnh đạo đất nước không phải là đi tìm kiếm những món ăn tư tưởng hay lạ từ xa đem về và đè đầu, đè cổ dân tộc, hy sinh dân tộc để phục vụ cho hệ tư tưởng đó. Tiết Liêu hẵn là một vị Vua anh minh, vì anh biết dân tộc ta có gì, phối hợp với những yếu tố sẵn có, dùng đúng cân lượng, biến thành một món ăn dân tộc truyền đến muôn đời.

Bao thế hệ qua, người trí thức Việt Nam như những vị hoàng tử lên rừng xuống biển tìm món ngon vật lạ đem về. Và bao năm rồi trí thức Việt Nam muốn tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, nhưng nhân dân còn nhìn với cặp mắt xa lạ, không tạo được một cuộc vận động lịch sử. Tất cả đều thất bại. Các món ăn không phải không ngon, nhưng vì không phù hợp với tỳ vị người Việt nên đã làm dân tộc Việt Nam nôn mửa. Từ mất nước đến những cuộc chiến đẫm máu nồi da xáo thịt, hao tổn xương máu hàng chục triệu người, đất nước tàn phá, dân tộc Việt Nam rơi xuống hàng những nưóc nghèo đói nhất địa cầu. Bao thế hệ trí thức việt Nam thất bại, như các hoàng tử lên rừng xuống biển tìm nem công, chả phụng, vi cá mập,… vì không bao giờ tự hỏi: Dân tộc Việt Nam có gì? Và phối hợp các yếu tố đúng cân lượng để tạo nên một đất nước đoàn kết, giàu mạnh, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Dân tộc Việt Nam có gì trước ngưỡng cửa thế kỷ 21? Chúng ta hãy tưởng tượng chiếc bánh chưng Việt Nam hôm nay:
Chúng ta có một đất nước giàu đẹp, cây trái bốn mùa, đầy tài nguyên thiên nhiên là lá chuối. Ta có một dân tộc cần cù, thông minh, chăm chỉ là nếp. Ta có hệ tư tưởng Phật giáo từ hai ngàn năm thuấn nhuần đạo lý là nhân đậu xanh. Ta có trí thức trong nước và hàng nửa triệu trí thức tài năng đào tạo tại các nước tân tiến nhất, được hai triệu người Việt nuôi dưỡng, mà không có một nước nghèo nào có tiền bạc gửi con em đi du học nhiều đến thế là nhân thịt. Chưa bao giờ nước ta có nhân tài nhiều như thế. Nếu tính ra tiền đào tạo một kỹ sư, một bác sĩ, một chuyên gia mất một triệu đô la, nuôi từ thơ ấu đến 25, 30 tuổi thì quả là những con số chóng mặt. Ta có đồng bào Ki-Tô giáo là muối. Người Ki Tô giáo thường ví mình là muối đem vị mặn cho đời. Ta có đồng bào các dân tộc thiểu số là hành. Ta có những người yêu tư tưởng Xã Hội là tiêu. Nếu chúng ta chỉ dùng nếp với tiêu, hay nếp với muối thì vất bánh đi không ăn được, nếu chỉ nếp với đậu xanh thì nhạt nhẽo. Nếu chúng ta chỉ là thịt ba rọi thì con cháu ngày sau như chúng ta tiếc rẽ là đã có những anh Lý Tiến, Lý Cầm, Khương Công Phụ,… học giỏi nhưng làm quan tận bên Tàu, những Kiến Trúc Sư Nguyễn An chỉ huy xây dựng cung điện Bắc Kinh, Hồ Nguyên Trừng sáng chế súng thần công, thần cơ cho Tàu…

Nếu phối hợp thành công chiếc bánh chưng Việt Nam của thế kỷ 21, đất nước Việt Nam sẽ nhanh chóng giàu mạnh, phát triển, đó là bài toán của thế hệ lãnh đạo dất nước tương lai, biết cởi bỏ những gông cùm tư tưởng lỗi thời, nhìn thẳng vào tương lai đi tới.

Trong bài này chúng ta thử tìm hiểu cái nhân đậu xanh -ảnh hưởng Phật Giáo trên tư tưởng Việt Nam- vì đâu những thời đại hệ tư tưởng Phật Giáo là chủ đạo, đất nước Việt Nam đã thành công rực rỡ trong việc đánh thắng ngoại xâm và xây dựng đất nước cường thịnh.

Theo Thiền Uyển Tập Anh, vào thế kỷ thứ hai, khi Phật Giáo chưa đến Trung Quốc thì kinh đô Luy Lâu của đất Giao Châu –nay thuộc tỉnh Hà Bắc, chùa chiền đã san sát, đã có đến 500 vị sư và đã dịch xong 15 bộ kinh Phật. Điều đó đã làm cho các nhà nghiên cứu Phật Giáo nghĩ rằng có thể một trong tám phái đoàn truyền giáo của Vua A Dục gửi đi vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch đã đến Giao Châu. Nguyên nhân Giao Châu thịnh vượng thời bấy giờ là vì lý do Trung Quốc đang xảy ra chiến tranh liên miên trong thời kỳ Tam Quốc phân tranh.

Có điều chưa ai chú ý đến là nghề làm giấy Giao Châu lúc bấy giờ rất phát triển, giấy là một sản phẩm được các thương thuyền Ấn Độ đến mua. Cách đây hai ngàn năm, sản xuất giấy để làm gì? Lý do gì các nhà sư Tây Trúc đến Giao Châu? Tôi nghĩ rằng bên cạnh chuyện hoằng pháp, họ đến mua giấy để chép kinh Phật. Tại các nước phương Nam, kinh điển được chép trên các phiến lá bối, lá buôn, cắt thành bản lớn dài, ngâm sữa cho mềm, xỏ dây hai đầu, có thanh tre làm bìa gọi là kinh. Lá buôn vài chục năm thì mục nát, giấy có thể giữ lâu hơn. Người Giao Châu bán giấy cho các sư Tây Trúc và đón nhận hệ tư tưởng Phật Giáo. Các phong tục thờ thần mưa, thần sấm, thần chớp đã trở thành các ngôi chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, người Giao Châu đến chùa cầu mưa, cho mưa thuận gió hòa có nước làm ruộng. Thái thú Sĩ Nhiếp đi cầu mưa, hai hàng sư người Hồ đi hai bên thắp hương, các nhà sư Mật Tông có phép lạ tích tụ mây làm mưa… Không có dấu vết một sự đụng chạm, phản kháng nào giữa các tập tục ngàn xưa với sự du nhập Phật Giáo. Các nhà sư Tây Trúc đến, người Giao Châu cảm phục đức độ xin theo quy y, tu hành đạt đạo lại đi nơi khác cất chùa giảng pháp, độ tăng, cứ thế mà Phật Giáo phát triển không theo một mệnh lệnh chỉ huy tập trung nào, không lập thành đoàn truyền giáo, cũng không có thánh chiến truyền giáo. Đạo Phật đã thấm nhuần một cách êm dịu vào tư tưởng Việt Nam. Dân tộc Việt Nam rút tỉa từ Phật giáo những tinh hoa để dành độc lập, để dựng nước, để thuần hoá phong tục, đạo lý, để mở mang đất nước, để đem lại thanh bình an lạc cho toàn dân; những gì cao siêu bỏ lại sau cánh cửa chùa cho sư, ai thắc mắc thì lên chùa tìm sư học đạo. Người Việt Nam xem Phật pháp như chiếc bè để sang sông mà không đội chiếc bè ấy lên đầu. Trong suốt lịch sử Việt Nam không thấy một vị vua Phật tử nào xưng danh mở mang nước Phật, làm chiến sĩ bảo vệ nền văn minh Phật Giáo, làm nghĩa vụ Quốc Tế Phật Giáo, hay xưng danh là chiến sĩ của Phật, Đạo Binh Phật Bà Quan Âm,… Các nhà sư làm cố vấn cho Vua xong lại thong dong trở về chùa, ăn chay đạm bạc, không danh vọng, không quyền lợi ràng buộc, hay tham vọng quyền lực như các Hồng Y Richelieu, Mazarin trong lịch sử Pháp. Các nhà Vua khi nhường ngôi lại cho con, lui về núi Yên Tử thì cũng thong dong đi khắp bốn phương giảng đạo lý với một vài đệ tử, không sợ bị ám sát, cũng không hề bị lễ nghi ràng buộc. Khi Vua Trần Nhân Tôn mất, cả nước thương khóc, dân chúng tràn vào cung điện, vườn Ngự không còn lối chen chân, viên quan họ Trịnh phải chế ra khúc Long ngâm vừa gõ nhịp vừa hát mới đưa được linh vị Vua xuống thuyền. Vị Vua nhân dân tôn là Phật Vương, Điều Ngự Giác Hoàng ấy là người đã ba lần đánh bại quân Mông Cổ.

Nếu lấy kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam ra xem thì nhận thấy một hiện tượng thú vị, hình ảnh Bụt, Đức Phật đã là một nhân vật quen thuộc, hiện ra cứu độ chúng sanh, an ủi cô Tấm, cho chiếc cà sa treo trên cây nêu xua đuổi ma qủy… Không thấy bóng Đức Khổng Tử, Lão Tử, hay ông Trời trong một câu chuyện nào, cả Đức Chúa Trời về sau cũng không thấy? Trời, người Việt Nam quan niệm như là một bộ máy điều hòa vũ trụ, có khi được gọi bằng trẻ tạo hóa, con tạo, hoá công, xem ông Táo về chầu Trời với sự đùa bỡn. Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Bạch Kim Tinh,… một hệ quan lại trần gian được phản ảnh lên cõi trời, nhưng Trời thì không thể bỏ ngôi mà hiện xuống thành người, cứu người… vì như thế thì vũ trụ sẽ hỗn loạn, đảo điên cả, mà vũ trụ thì mênh mông như cát sông Hằng với rất nhiều cõi trời.

Người ta thường cho rằng Phật giáo là đạo tiêu cực yếm thế, đạo của cá nhân mang tư tưởng sắc không xa lìa trần thế và Nho giáo được xem là đạo thực tiển nhập thế. Nhưng lạ thay, những thời đại mà hệ tư tưởng Phật giáo đóng vai trò chủ đạo thì dân tộc ta lại thành công trong công cuộc giữ nước, dựng nước và xây dựng nền văn minh huy hoàng, văn hiến: Lý Nam Đế, Lý Phật Tử đã dành độc lập đầu tiên lập ra nước Vạn Xuân, xây chùa Khai Quốc. Việt Nam đã đánh bại những cuộc xâm lăng liên tiếp của Trung Quốc thời nhà Ngô năm 938, nhà Tiền Lê năm 981, nhà Lý năm 1075 và 1077. Lý Thường Kiệt còn đem quân đánh sang nhà Tống để phá bỏ mưu đồ xâm lăng. Cách tổ chức quân đội Việt Nam nhà Tống phải học tập. Thời Trần ba lần phá tan quân Mông Cổ, một đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh chiến thắng từ Á sang Âu. Và cuối thời Trần còn diệt được Chế bồng Nga trong trào lưu Hồi giáo thánh chiến, chiếm cả Ấn Độ, Nam Dương, Mã Lai, Chiêm Thành, Phi Luật Tân…

Thời chúa Nguyễn (1558-1775), từ một tỉnh Thuận Hoá nghèo nàn, trong hơn hai trăm năm các chúa Nguyễn đã mở mang bờ cõi từ Huế đến Hà Tiên, gấp đôi lần đất nước. Các chúa Nguyễn đều là những Phật tử thọ giới, trị nước trong tinh thần Phật giáo, đã biến những người lưu dân tù đày, giang hồ tứ chiến, các dân tộc Chàm, Miên, Minh Hương… trở thành những người Việt hiền lành, chăm chỉ làm ăn, phong tục thuần hóa, có nhân nghĩa, đạo lý, xây dựng lên một miền Nam trù phú, giàu có. Các sử gia đều chép việc Trịnh Nguyễn phân tranh, nồi da xáo thịt mà quên đi công lao của các chúa Nguyễn từ mảnh đất dung thân đầu tiên của Nguyễn Hoàng đến thành quả Nam tiến; trong khi ở phía Bắc, vua Lê không quyền hành, chúa Trịnh chỉ biết anh em dành ngôi lẫn nhau, không mở mang được một tấc đất nào.

Những thời đại Phật giáo lùi bước trước Nho giáo như thời Hồ Qúy Ly đoạt lấy ngai vàng thì tinh thần thực tiễn Nho giáo, súng thần công tinh xảo, cải cách tiền giấy tiến bộ lại không cứu nổi đất nước trước cuộc tấn công chớp nhoáng tàn bạo của nhà Minh. Thế kỷ 19 khi Vua Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản dùng 80% ngân sách để gửi 307 sinh viên du học và mướn 142 kỹ sư ngoại quốc về dạy học khoa học kỹ thuật thì tinh thần thực tiễn Nho giáo Việt Nam chỉ biết dùi mài thi cử, nhai văn nhá chữ, nhà Vua chỉ biết mua đồ sứ về đập bể để cẩn lăng mộ mình, đến khi mất nước, toàn bộ kho tàng vàng bạc nhà Nguyễn cũng bị cướp mất. Trước đó thời chúa Nguyễn, Hoà Lan chiếm Nam Dương, Tây Ban Nha chiếm Phi Luật Tân mà không thể chiếm Việt Nam. Những thời Nho giáo chiếm ưu thế như nhà Lê, nhà Nguyễn, triều đình đầy những chuyện giết hại công thần, anh em dành ngôi, ngay cả sau thời vàng son nhất Vua lê Thánh Tôn, chẳng bao lâu lại xuất hiện Vua Quỷ, Vua Lợn.
Trong các thời đại Nho giáo độc tôn, các Nho sĩ hầu như chỉ lập lại sách vở thánh hiền mà không có những sáng tạo độc đáo nào như các Nho gia Trung quốc. Hầu như họ chỉ sử dụng hệ tư tưởng này làm con đường tiến thân đến quyền lợi trong xã hội và lặn lội trong quyền lợi đó, quên đi cả vai trò trí thức là dự báo tương lai. So với Phật giáo, từ thời Lý Trần ta thấy nở rộ ra những thiền sư, những thiền phái Thảo Đường, Trúc Lâm, những trước tác phong phú và ngày nay ta có những Thiền sư tầm cỡ thế giới như Thiền sư Nhất Hạnh, Minh Châu, Thiên Ân, Thiện Châu… Cái gì để giải thích tính tích cực và tiêu cực của các hệ tư tưởng tự nhận là tích cực, nhập thế? Chẳng lẽ những thời đại nước ta đánh thắng các cuộc xâm lăng, thành công trong mở mang xây dựng, đạo Phật không tích cực, nhập thế? Cái gì để giải thích sự thất bại của đất nước trong thời đại Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo? Cái gì để giải thích khi thay đổi chữ viết sang chữ quốc ngữ, Nho giáo đã tàn lụi trong khi Phật giáo lại chấn hưng và phục hồi được?

Người ta thường nói Việt Nam Tam giáo đồng nguyên: Phật-Nho-Lão, thời Lý Trần, Đạo sĩ, Nho sĩ được đối đải bình đẳng ngang hàng với Tăng sĩ. Nhưng nhìn kỹ trong xã hội Việt Nam, chùa hiện diện ở mỗi làng xã, mỗi khu phố. Cả nước hiện nay có trên 15,000 ngôi chùa và trên 35,000 Tăng Ni, trong khi đạo quán chỉ còn nghe nhắc đến Quán Tiên Tích ở Bích Câu và hiện nay ở một vài nơi còn miếu thờ Bà Chúa Liễu Hạnh. Hệ thống lý thuyết Lão giáo hiện diện ở Viêt Nam chủ yếu chỉ là pha tạp một ít triết lý Lão Trang với các hình thức tín ngưỡng nhân gian nguyên thủy. Uy lực và sự tập hợp quần chúng của Lão giáo trong lịch sử hầu như không đáng kể. Có thể nói Lão giáo là một nhân tố không cần tính đến.

Văn Miếu thờ Khổng Tử cũng chỉ có ở một vài nơi. Ngày xưa Khổng giáo hiện diện qua hệ thống trường học tư do do các cụ đồ mở ra ở các làng, ở các huyện thì trường do Giáo Thọ, ở tỉnh thì có quan Đốc Học và ở kinh đô thì có trường Quốc Tử Giám chăm lo. Từ năm 1918 với khoa thi Hương cuối cùng, chế độ học hành thi cử Nho học bị bải bỏ, học vấn chuyển đổi sang chữ Pháp và Quốc Ngữ. Khổng giáo mờ phai và tàn lụi dần mặc dù có một vài hội Khổng Học ra sức chấn hưng Khổng Giáo.

Cùng một hoàn cảnh như Nho giáo, sự thay đổi chữ viết đã làm hàng vạn Tăng Ni trở nên mù chữ, nhưng rồi sau những cuộc chấn hưng Phật giáo trong những năm của thập niên 1930, Phật giáo lại phục hồi nhanh chóng. Từ những cuộc khởi nghĩa của sư Võ Trứ miền Trung, Vương Quốc Chính miền Bắc, Phan Xích Long miền Nam, các khám đường đã đầy nghẹt các nhà sư, đến các phong trào kháng chiến chống Pháp, tổ chức nào cũng có mặt các nhà sư. Phật giáo luôn luôn có mặt trong mọi cuộc vận động dân tộc mà Phật Giáo Hòa Hảo là một hiện tượng nổi bật. Một thanh niên chỉ sống vỏn vẹn có 29 tuổi đời đã phổ kinh Phật ra hàng chục ngàn câu thơ lục bát, đã lập nên một hệ phái Phật Giáo, trãi qua các thời đại bị đàn áp tiêu diệt, vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay với 7, 8 triệu tín đồ. Từ cuộc chiêm bái xá lợi Phật năm 1952 với hàng triệu người đến Sài Gòn, đến cuộc đấu tranh Phật giáo bùng nổ năm 1963… Phật giáo đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt. Ngày nay ở trong nước từ khi tự do tôn giáo vừa nới lỏng, chùa chiền đã trùng tu, tăng ni đã được đào tạo, người đến chuà đông như hội. Tại hải ngoại, trong vòng 30 năm qua, từ hai bàn tay trắng cộng đồng Phật tử đã xây dựng lên hàng trăm ngôi chùa, nhiều ngôi chùa với quy mô to lớn.

Việt Nam hôm nay đối diện với sự suy thoái xã hội, đạo đức suy đồi, niềm tin tan rã, hệ tư tưởng Phật giáo còn lại như cột trụ chống đỡ sự sụp đổ của đất nước. Phật Giáo Việt Nam sẽ như là một niềm tin, một hy vọng cho tương lai Việt Nam. Một hệ tư tưởng từ bi bao dung, có khả năng giải quyết những mâu thuẫn dân tộc, tập hợp nội lực trong và ngoài nước, đưa bao tài năng trí thức, tài sản về xây dựng đất nước. Phật giáo là giòng sông lớn chảy qua lòng lịch sử dân tộc, đi về tương lai. Giòng sông hiền hoà trầm lặng đó trong suốt hai ngàn năm có khả năng tạo những tập hợp giành độc lập, giữ nước, dựng nước, đưa nước từ thời kỳ bộ tộc đến những thời văn hiến huy hoàng. Phật Giáo có khả năng chuyên chở những giá trị của thời đại ngày nay, tự do, dân chủ, nhân quyền, môi sinh, và những tiến bộ khoa học kỹ thuật thời đại. Chở thuyền hay lật thuyền, tương lai Việt Nam sẽ nằm trên giòng sông lịch sử đó, nó làm sợ hãi những kẻ đi ngược giòng nước, nhưng đối với người kỹ sư thủy điện, họ sung sướng mừng vui, thảo những công trình xây dựng thuỷ điện, xây đê, cất đập dẫn nước để tưới cho mùa màng phì nhiêu, cho một tương lai rạng rỡ của đất nước. Không ai có thể cản ngăn được những giòng nước lòng dân cùng chảy về giòng sông lịch sử Phật giáo. Những thời đại Phật Giáo Việt Nam điêu tàn, nhân dân Việt Nam khốn khổ, mất nước, đau thương tan tác; những thời đại Phật giáo phục hưng, đất nước giàu mạnh, thịnh vượng. Tôn giáo là cái gốc rễ của đất nước, dân tộc là vậy.

Nhìn kỹ lại di sản văn hoá dân tộc, chúng ta còn lại gì, trừ các cung điện tại Huế. Cung điện vua Lê chúa Trịnh đều tiêu tan, thành quách đều bị phá, chỉ còn lại hệ thống chùa chiền với trên 15,000 ngôi chùa, trong đó có hàng ngàn ngôi chùa cổ; trong chùa tượng Phật, chuông đồng, bia đá, câu đối, bàn thờ, chuông mỏ, ván khắc in kinh kệ… đó chính là kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội họa mà tổ tiên ta từ bao đời đã truyền lại cho chúng ta. Kho tàng ấy rất giàu có, phong phú, trãi qua bao thời đại, bao biến động, các tăng ni đời này tiếp nối đời khác đã gìn giữ cho chúng ta. Trong những năm gần đây, anh Võ Văn Tường đã có công đi từ Nam chí Bắc chụp ảnh các ngôi chùa cổ Việt Nam, tác phẩm anh in thành sách “Việt Nam Danh Lam Cổ Tự”, ai xem cũng lấy làm mừng vui, ngạc nhiên: Dân tộc ta giàu có đến thế mà ta không biết! Thế kỷ qua dân tộc chúng ta sống trong tủi nhục mất nước, hèn kém, gia tài của mẹ: một nước Việt buồn! Đôi khi nổi loạn đập phá cả di sản cha ông, để chỉ còn lại hai bàn tay trắng của một vùng kinh tế mới trên đất nước tự xưng hai ngàn năm văn hiến, như vùng Thanh Nghệ Tỉnh, Quảng bình chẳng hạn… Chúng ta tủi hổ cho rằng người Việt Nam lạc hậu, các vị sư Việt Nam dốt nát, nhưng rồi trào lưu tư tưởng Phật giáo tại các nước Tây phương làm chúng ta chợt tỉnh, hoá ra đứng trước những ngôi chùa, câu đối, bài vị, chuông đồng, ảnh tượng… chúng ta chỉ là những kẻ mù chữ trước di sản của cha ông.

Không nên đặt vấn đề ảnh hưởng Phật giáo trên tư tưởng dân tộc Việt Nam, mà trái lại: Dân tộc Việt Nam hấp thụ cái gì từ tư tưởng Phật giáo? Vì Phật giáo không đè đầu dân tộc Việt Nam bằng Tam Tạng kinh điển mênh mông, bằng những giáo điều, tín điều, bằng những huyền hoặc mê tín, bằng hệ thống tổ chức tinh vi, quy mô kiểm soát đầu óc hoặc dọa nạt dân chúng bằng thiên đường, địa ngục hay luân hồi, người Việt Nam tự do, phóng khoáng, thực tiễn rút từ kho tàng Phật giáo ra những tinh hoa để dựng nước, giữ nước, để xài chơi. Vui thì đến chùa học đạo, buồn thì đi chơi, đói thì ăn, mệt thì ngủ như thơ Vua Trần Nhân Tôn viết. Nhà sư không có quyền lực rút phép thông công ai, hay đuổi ai ra khỏi chùa, cũng không ép ai quy y Tam Bảo, cũng không nhồi sọ, bắt ai học tập kinh điển Phật giáo. Nếu hỏi giấy phái quy y như hỏi thẻ đảng để thống kê xem Việt Nam có bao nhiêu Phật tử, thì chịu, không ai thống kê được, nhưng những khi Phật giáo nguy nan như năm 1963 thì ai cũng xem mình là Phật tử.

Khác với các nước khác như Tây Tạng chẳng hạn, thích Mật Tông, người Tây Tạng thích chuyện luân hồi, chuyện sau cái chết. Người Nhật Bản thích Thiền tông, tọa thiền, vung một nhát kiếm Võ Sĩ Đạo cũng Thiền, cắm hoa, uống trà cũng Thiền, các xí nghiệp trước khi làm việc cũng ngồi Thiền, người Việt Nam thiên về Tịnh Độ tông, rút từ Phật giáo quy luật nhân quả: những câu nói nhân lành quả lành, ác lai ác báo, để phước lại cho con cháu, lấy oán báo oán oán chập chùng, lấy đức báo oán oán tiêu tan… hầu như chi phối mọi hành động tư tưởng Việt Nam. Cách hành động cư xử đối với những tù trưởng biên giới nổi loạn chẳng hạn, nhà vua thời Lý Trần đem quân đánh dẹp, không giết, chỉ bắt sống, lại chiêu dụ gã công chúa cho, phong tước phò mã, các chức cao hơn rồi lại thả về cai trị đất cũ, lãnh thổ Việt Nam mở rộng nhờ những mối liên hệ gia đình đó. Những nàng Công Chúa Việt Nam tài sắc, đã làm những công việc mở mang lãnh thổ, chiến công không kém gì Bà Trưng, Bà Triệu… Trần Hưng Đạo vốn dòng An Sinh Vương Trần Liễu, có mối thù với Trần Cảnh tức là Vua Trần Thái Tôn do vụ gã ép Công Chúa Thuận Thiên của Trần Thủ Độ, trước khi mất đã dặn con cháu trả thù. Trần Hưng Đạo đã cảm hoá đức độ các Vua Trần Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, đã bất hiếu không nghe lời cha mà còn giúp Vua chống ngoại xâm, trở nên một danh tướng lừng lẫy trong lịch sử, oán thù anh em không những tiêu tan mà còn làm nên sự nghiệp lớn bảo vệ đất nước. Đạo lý nhân quả của nhà Phật đã cứu đất nước Việt Nam trong cơn thập tử nhất sinh đó. Nếu lúc ấy Trần Hưng Đạo chỉ vì mù quáng theo chữ Hiếu của Nho gia mà giết Vua trả thù thì lòng dân tan nát, giang sơn đất nước sẽ tan tành trước vó ngựa của quân Mông Cổ. Vua Trần có lần đã hỏi ông kế sách để giữ nước thì ông trả lời: “Khoan sức cho dân là kế giữ nước vững bền.”

Có một thời các sử gia, đem mẫu mực giai cấp xã hội Tây phương thời Mác áp đặt vào lịch sử Việt Nam, chia đời Lý Trần có giai cấp quý tộc tăng lữ bóc lột và còn lại là giai cấp nông nô bị bóc lột, hận thù giai cấp thống trị. Điều đó ngược ngạo với lịch sử vì nếu thời đó nhân dân lấy hận thù giai cấp làm nền tảng xã hội thì chắc chắn lòng dân ly tán và nước đã mất. Sử chép rằng thời bấy giờ vua tôi như cha con, tướng sĩ như anh em ruột thịt. Những tàn quân nhà Tống, những gia khách ngoại quốc như Yết Kiêu, Dã Tượng cũng hết lòng chống giặc, không một chút phân chia kỳ thị. Thời ấy nền tảng xã hội Việt Nam được xây dựng trên hai chữ Từ Bi của Phật giáo.

Hai chữ Từ Bi hầu như thấm nhuần trong hành động của người Việt Nam. Sách sử chép chuyện vua Lý Thánh Tôn cởi long bào đắp cho kẻ hành khất; trời lạnh thương xót kẻ tù nhân phạm tội, sai công chúa đem áo, thức ăn cho kẻ lầm lỡ. Đối với kẻ hàng giặc, vua Trần Nhân Tôn sai đốt tráp chứa đầy các văn thư hàng giặc của các tôn thất, không thèm đọc, cũng không trị tội. Đối với các cung phi mỹ nữ trong cung điện, nhà Vua cũng thường cho về lấy chồng, hay mở trại trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở làng Nghi Tàm. Khi thắng trận Vua tôi cùng nắm tay nhau ca hát… Đó là những hành động mà ngày nay chúng ta gọi là nhân quyền.

Về cách thức tổ chức làng xã thì bắt đầu từ thời Lý, phép Vua đã thua lệ làng, dân cử ra Hội đồng hương chính, Lý trưởng. Việc Dương Thái Hậu đem ngôi con truyền cho vị Tướng quân Lê Hoàn đã được lòng dân và quân sĩ mến yêu giữa lúc đất nước nguy nan, đối đầu với cuộc xâm lăng của nhà Tống, hành động này chắc chắn sẽ bị các nho sĩ chê là bất trung, bất trinh. Khi Lê Ngọa Triều tàn ác, đi ngược lòng dân thì Sư Vạn Hạnh cùng quần thần trao lại ngôi báu cho Tướng quân Lý Công Uẩn. Những Hội Nghị Diên Hồng, Hội Nghị Bình Than… hỏi ý kiến của các vị bô lão, các tướng sĩ… Những điều đó ngày nay chúng ta gọi là dân chủ.

Giữa thời Phật giáo thịnh trị, Sư Mãn Giác khuyên vua Lý Anh Tôn xây Văn Miếu thờ Khổng Tử, Chu Công và các đệ tử. Phật giáo không dành địa vị độc tôn mà nâng Khổng giáo, Lão giáo từ hệ tư tưởng của phương Bắc thống trị, đô hộ ngang tầm mình thành Tam Giáo Đồng Nguyên. Thiền sư Quảng Nghiêm đời Lý viết: “Tuổi thanh niên tự nó có cái chí tung thẳng trời xanh, hà tất phải đi theo con đường mòn Như Lai” (Thanh niên tự hữu xung thiên chí. Bất hướng Như Lai hành xứ hành), vẫn được mọi người kính trọng là thiền sư đạt đạo. Thanh niên tự nó hướng đến điều tốt đẹp, chân thiện mỹ, như tung thẳng lên trời xanh là đi đúng theo con đường Chánh Đạo của Phật rồi, không cần câu nệ xưng mình đi theo con đường của Phật. Các Nho gia đã kích Phật giáo không hề bị trị tội. Người ta cũng không thấy một bài viết nào của Tăng sĩ đả kích Nho sĩ. Trường hợp Trương Hán Siêu, Vua Trần Nhân Tôn chỉ mĩm cười và còn phong cho chức Giám Tự chùa Quỳnh Lâm, ngôi chùa lớn nhất nước, để có thì giờ đọc kinh điển để ngày sau Trương Hán Siêu phải thốt lên: “Mới biết ngày xưa đã lầm to!”.
Kinh Kim Cương được xem là bộ kinh có nghĩa lý cao siêu của Phật giáo Bắc Tông, nhiều người ca ngợi, nhưng Nguyễn Du đọc qua ngàn lần vẫn chê nghĩa lý tối tăm khó hiểu trong bài thơ chữ Hán “Phân Kinh Thạch Đài”, ông thích Thiền Tông của ngài Huệ Năng hơn. Không ai kết án lời chê bai của Nguyễn Du là do ma quỷ xúi dục, hay có tư tưởng “phản động”, mà trái lại vẫn cho là Nguyễn Du thấm nhuần Phật giáo vì Phật pháp có 84,000 cửa vào, tùy căn cơ mà ngộ đạo. Những điều đó ngày nay chúng ta gọi là tự do tư tưởng.

Trước khi có Luật Hồng Đức, Luật Gia Long thì nước ta có luật gì? Thời Đinh Tiên Hoàng có nuôi chuồng hổ báo, đặt vạc dầu sôi để trị tội kẻ phạm pháp, nhưng sau đó nghe lời các sư thỉnh Đại Tạng Kinh Điển về, các hình luật nghiêm khắc cũng được bải bỏ. Các Vua Lý Trần đã chú trọng đến việc ngăn ngừa phạm pháp, hơn là đợi phạm pháp rồi mới xử án. Ngũ Giới nhà Phật là nền tảng để ngăn ngừa phạm pháp. Quy y Tam Bảo rồi thì “Thề trọn đời giữ Đạo, theo tự tánh làm lành”, không giết người, không trộm cắp, không nói dối, không tà hạnh, không rượu chè say sưa. Nhìn kỹ thì các luật hình sự trong xã hội cũng nhiêu đó chuyện: trừng trị kẻ sát nhân, trộm cắp, cướp tài sản kẻ khác, gian dâm lấy vợ người, tội do rượu và ma tuý. Các nhà sư răn dạy dân chúng tu nhân tích đức rồi thì phạm pháp chẳng còn bao nhiêu, nhà Vua chẳng cần lập nhà tù, trả lương cai ngục, cũng chẳng cần lập pháp trường voi dày, ngựa xé, chém đầu, lóc thịt, tru di tam tộc,… các hình phạt man rợ như thời hệ tư tưởng Nho giáo làm chủ đạo đất nước. Không thấy sử sách chép các nhà vua Lý Trần lập các nhà tù nào to lớn mà chỉ thấy họ cất chùa, độ Tăng, in kinh Phật. Các nhà Vua đã hiểu rằng gieo nhân lành là cất chùa thì tránh được cái quả là nhà tù hay pháp trường xử tội.

Trương Hán Siêu viết vào đời Trần nhân dân nửa nước là sư sải không khỏi làm cho chúng ta thắc mắc. Thời ấy dân nước ta khoảng năm triệu người, nếu hai triệu rưởi là sư sải, chân yếu tay mềm thì giặc Mông Cổ đến làm sao mà đánh? Thật ra thời ấy nhà Chùa là trường học, học kinh điển Phật giáo, học tập võ nghệ. Lý Bí, Lý Phật Tử, Lý Công Uẩn và nhiều danh tướng, nhiều vị Vua đều học ở nhà Chùa. Nhà Chùa dạy cả văn lẫn võ, cày cấy, làm ruộng, nuôi tằm dệt vải chứ không phải đến chùa chỉ để đọc kinh, tu thân, cúng tế, xa lánh trần tục. Nếu sự thật ở nước ta vào thế kỷ 13, 14 mà có đến phân nửa dân được đi học thường xuyên như thế thì dân trí nước ta cao lắm so với các nước Âu Á đương thời. Các chùa thời bấy giờ quy mô rất lớn như chùa Quỳnh Lâm, chù Thầy có hàng ngàn người tu học. Điều đó bác bỏ nhận định sai lầm rằng nhà Chùa có nông nô, sư sãi, là giai cấp địa chủ bóc lột cấu kết với giai cấp quý tộc. Hiểu điều ấy mới thấy rõ khí thế dân ta phá Tống bình Chiêm, đánh tan quân Mông Cổ như thế nào và hiểu vì sao trong các đạo quân ấy có cả đạo quân của các nhà sư mặc áo cà sa cứu dân giúp nước.

“Đất Vua, Chùa Làng, Phong cảnh Bụt”. Làng Việt nam ngày xưa chỉ thực sự là làng khi có ngôi chùa, ngôi đình. Đất của Nhà Vua, Chùa của dân làng xây cất và phần đời sống tâm linh là các vị sư chăm sóc. Các vị sư là những nhà trí thức đầu tiên của dân làng, biết đọc, biết viết, có uy tín, đạo đức, trãi qua những giới luật nghiêm minh của nhà Phật. Quan hệ giữa chùa và làng cũng đáng để cho chúng ta lưu ý. Nếu làng mới, dân làng rước sư về cùng cất chùa. Nếu sư thiếu đạo đức, không tư cách chân tu, làng đuổi đi, tìm đến một vị Hoà thượng chân tu, xin rước đệ tử thầy về trụ trì. Không có chuyện “đầu trọc lóc bình vôi, nhảy tót vô chùa ngồi”, rồi tự xưng mình là chân tu mà mọi người tin phục như nhiều người lầm tưởng, cũng không hề có chuyện một vị Tăng Thống nào sắc phong cho một vị sư đến trụ trì ngôi chùa nào. Các nhà sư được dân chúng lựa chọn từ làng xã qua tư cách đạo đức, tu học, giảng Pháp,… Sư uy tín, đạo đức, tín đồ quy y đông đảo, có đông đệ tử tu học. Sư đạo đức dù ẩn lánh trên núi cao rừng thẳm cũng có người tìm đến học đạo. Người giả danh sư, vô đạo, giữa thành thị cũng chẳng có ai tin theo. Do đó giữa Sư và quần chúng cũng đã có một sự chọn lựa dân chủ bằng uy tín đạo đức, bằng sức cảm hoá thuyết phục của nhân cách và tài năng của nhà sư. Nhà Vua chỉ sắc phong cho các vị sư được đông đảo quần chúng yêu mến, tin cậy; đó là một đường lối chính trị rất cao của ngày xưa, sắc phong cho các vị thần làng cứu dân giúp nước, sắc phong cho những người được dân chúng yêu mến, Vua là người đứng trên tất cả.

Hai ngàn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam gắn bó với đất nước. Phật giáo phá chấp, không xưng cái này là tôi, cái này là của tôi, cũng không hề nhân danh nó, bảo vệ nó để thánh chiến, tiêu diệt những người suy nghĩ khác. Tất cả đều được mời gọi cùng bước đi. Đạo là con đường chứ không phải là pháo đài hay thành trì. Các Phật tử cũng không độc quyền chỉ có mình là người có hồng ân Đức Phật. Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Phật là danh từ chung chỉ người đã giác ngộ, mầm móng sự giác ngộ có trong mỗi người, và giác ngộ có vạn cánh cửa đi vào. Trong các bậc giác ngộ có Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn được dịch là Roi des Sciences, Vua các Khoa Học, đứng trên cả Duyên Giác là bậc giác ngộ bằng đạo đức. Các hình tượng ở Đôn Hoàng trên con đường tơ lụa thế kỷ thứ 10 còn cho ta thấy cả hình tượng các vị Bồ Tát giác ngộ bằng Âm Nhạc, đánh đàn tỳ bà, thổi sáo…

Người Phật tử cũng không hành động vì quyền lợi, địa vị cho một vị sư hay một Phật tử nào, cũng không cho một đảng Phật giáo mà vì con đường Bồ Tát đạo của mình, cứu nhân độ thế, cứu dân, giúp nước. Những người cùng tâm huyết đó đều là bạn đồng hành chung về hướng tương lai, cho Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng và rạng rỡ mai sau.

Phạm Trọng Chánh.

(*) TS Phạm Trọng Chánh sinh năm 1951 tại Phan Thiết, pháp danh Thục Trí, làm thơ dưới bút hiệu Nhất Uyên, đã từng được nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà giới thiệu trên ban Mây Tần, Đài Phát Thanh SG năm 1969. Du học Âu Châu từ năm 1970 và tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục, Viện Đại Học Paris V Sorbonne, năm 1980.
Ảnh Hưởng Phật giáo Trên Tư Tưởng Việt Nam
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân