TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Như Hoa Tuyết Tan Đi Trong Không
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Như Hoa Tuyết Tan Đi Trong Không

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Aug 05, 2009 6:48 pm    Tiêu đề: Như Hoa Tuyết Tan Đi Trong Không

Như Hoa Tuyết Tan Đi Trong Không

Thiền sư Bassui, 1327-1387
Thiền sư Bạt Đội (1) đã viết bức thư sau đây cho một trong những đệ tử của mình đang hấp hối trên giường bệnh:
“Bản thể của Tâm vốn không sanh nên không diệt. Nó không phải là một hữu thể nên không hề biến mất. Nó không phải là một rỗng không, hoàn toàn trống rỗng, hư vô. Nó không danh sắc, không cảm thụ nên không hề biết khổ đau.
Ta biết ngươi đang lâm trọng bệnh. Nhưng là một Thiền sinh gương mẫu, ngươi đang đối diện với cơn bệnh một cách kiên quyết. Có thể ngươi không biết chắc ai hiện đang khổ đau, nhưng hãy tự vấn mình: Bản thể của cái Tâm này là gì? Chỉ suy nghĩ trên một điểm này thôi. Ngươi không cần điều gì khác nữa. Không có gì để phải che đậy. Cái chết của ngươi trong giòng vô thủy vô chung chỉ giống như một hoa tuyết tan đi trong không.”
Cái chết không hề là một kẻ thù. Nó được xem như thế là vì con người quá bám víu vào sự sống. Nỗi sợ chết bắt nguồn từ sự bám víu này. Và khởi đi từ sự bám víu này, con người không thể hiểu được cái chết. Không những thế, họ cũng không có khả năng hiểu được sự sống là gì.
Một người không có khả năng hiểu được cái chết cũng sẽ không có khả năng hiểu được sự sống, bởi vì cả hai, từ căn bản, chẳng khác gì hai nhánh cây của cùng một gốc rễ. Nếu bạn sợ hãi cái chết, cũng có nghĩa là bạn đang sợ hãi sự sống -bởi vì sự sống mang đến cái chết. Khởi đi từ sự sống mà bạn bước vào cái chết.
Bạn chỉ muốn ở mãi trong tình trạng tù đọng, đóng băng, không hề tuôn chảy để cái chết không hề xảy ra. Bạn chỉ muốn bị kẹt cứng lại ở một nơi nào đó trên đường đi như giòng sông không hề đến điểm hẹn là biển cả và tan biến.
Một người sợ hãi cái chết chỉ biết bám chặt vào sự sống và điều khôi hài là ngay cả việc y bám chặt vào sự sống, y vẫn không có khả năng hiểu được sự sống là gì. Chính sự bám víu này là một trở ngại cho việc hiểu biết đời sống. Y không thể hiểu được cái chết, và cũng không thể hiểu được sự sống; y hoàn toàn sống trong ngộ nhận, trong đại vô minh.
Thế nên đây là một trong những điểm căn bản nhất cần phải hiểu: Cái chết không hề là kẻ thù. Cái chết không thể là kẻ thù. Mà thực ra, kẻ thù không bao giờ có mặt. Toàn bộ hiện hữu là một nhất thể toàn vẹn. Cái nhất thể toàn vẹn này rất mực thiết thân. Nó là của bạn, thuộc về bạn và bạn thuộc về nó. Bạn không phải là những người khách lạ ở đây. Cái nhất thể này là người mẹ, khai sinh ra bạn. Thế nên khi bạn chết, một cách đơn giản, bạn lại quay trở về với nguồn cội của mình, nghỉ ngơi và rồi tái sanh trở lại.
Chết là nghỉ ngơi, sống là hoạt động. Không có sự nghỉ ngơi sẽ không có sự hoạt động. Sự sống giống như ban ngày và cái chết giống như ban đêm. Không có ban đêm, ban ngày không thể nào tự mình hiện hữu. Đêm sửa soạn cho bạn một ngày mới, chính đêm làm cho bạn trẻ trung trở lại, mang cho bạn một nguồn năng lực mới. Bạn chìm vào giấc ngủ say và ở đó cái chết dẫn dắt bạn.
Vâng, bạn bước vào cái chết mỗi đêm –cái chết ở cấp độ nhỏ- và thế rồi buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy mình sống động trở lại. Bất hạnh cho những ai đã không chết hằng đêm, để rồi buổi sáng khi thức giậy họ cảm thấy mệt mỏi hơn là lúc bước vào giường ngủ. Họ đã chìm đắm trong những cơn mơ, vẫn cố bám chặt vào sự sống trong những giấc mơ của mình. Họ đã không hề buông xả. Họ đã không chịu để cho cái chết lên ngôi, chỉnh đốn mọi chuyện, đem đến sự yên nghỉ, thư giản, nguồn năng lực mới. Đây là những người rất mực bất hạnh. Những người hạnh phúc là những người chìm sâu vào giấc ngủ không mộng mị. Mỗi buổi sáng họ sống động trở lại, sẵn sàng đối diện với đời sống muôn hình vạn trạng, đầy ắp niềm vui, nụ cười, sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức mà đời sống mang đến.
Cái chết cũng giống như ban đêm. Sống là dương và chết là âm. Sống là nam tính, chết là nữ tính. Sống là tiến công, là hoài bảo tham vọng -một nỗ lực lớn lao nhằm chinh phục mọi thứ. Còn chết là ngưng nghỉ tiến công, thư giản -một hành trình hướng nội. Một yên nghỉ tự thân. Thiền giả gọi đó là nơi “an dưỡng địa.”
Đời sống là một cuộc viễn du; một cuộc hành trình rong ruổi rời xa chính mình, mỗi ngày càng đi một xa hơn. Mà càng đi xa bao nhiêu con người càng lâm vào khổ nạn bấy nhiêu. Bạn chạy đi tìm kiếm hạnh phúc, nhưng càng tìm kiếm chừng nào bạn càng xa rời nó chừng nấy. Bạn có thể thấy được điều này ngay từ cuộc sống của chính mình. Đây không phải là chuyện triết lý xa vời mà là một sự thật đơn giản. Mỗi người đều tất bật chạy đi kiếm tìm hạnh phúc nhưng càng đi xa bao nhiêu chỉ càng chuốc thêm nhiều khổ nạn bấy nhiêu.
Vâng, đời sống là một sự kiếm tìm hạnh phúc –nhưng nó chỉ mang lại khổ đau. Để rồi một ngày nào đó bạn bỗng cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Cuộc viễn du kia đã không còn hấp dẫn nữa. Bạn quay về yên nghỉ với chính mình. Và càng trở về gần với chính mình chừng nào, bạn càng cảm thấy hạnh phúc chừng nấy. Càng quên đi hạnh phúc, bạn càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Đến lúc bạn chấm dứt nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc là lúc bạn hoàn toàn sống trong hạnh phúc.
Đời sống là một hứa hẹn hạnh phúc, nhưng đơn thuần vẫn chỉ là một hứa hẹn. Nó không bao giờ thoả mãn. Nhưng cái chết có thể thoả mãn được điều này. Thế nên, tôi lập lại một lần nữa, cái chết không hề là kẻ thù. Chết là nơi cố quận để bạn quay về tìm chỗ trú thân, yên nghỉ, lấy lại năng lực đã mất, sau bao nhiêu cuộc hành trình -mệt mỏi, thất vọng, chán chường, kiệt sức. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai: Sống và chết không hề tách biệt nhau quá mức như chúng ta thường nghĩ. Bạn cho rằng đời sống được khởi sự ngay từ lúc bạn chào đời và cái chết xảy đến lúc bạn nhắm mắt xuôi tay. Như vậy giữa hai cái đó đã có một khoảng cách bảy, tám chục hay một trăm năm gì đó. Không phải thế. Sanh và tử nối tiếp cùng nhau không ngừng trong suốt một đời người. Cái khoảnh khắc bạn bắt đầu thở hơi thở đầu tiên cũng là lúc bạn bắt đầu đi vào nỗi chết. Sanh và tử đều có mặt trong từng khoảnh khắc -như hai cái bánh xe của cùng một cổ xe. Chúng sóng đôi cùng nhau, giao thoa cùng nhau. Bạn không thể nào tách rời chúng xa nhau -bảy chục năm là một khoảng cách khá lớn. Bạn không thể nào tách rời chúng bởi vì chúng hiện hữu cùng nhau trong từng khoảnh khắc. Trong mỗi khoảnh khắc, có cái gì đó vừa mới sanh ra, những cũng có cái gì đó vừa tàn lụi chết đi ở trong bạn.
Sống và chết luôn có mặt cùng nhau. Sau một khoảng thời gian bảy mươi năm bạn chấm dứt cái chuyện tử sanh này. Bạn đã thấm mệt với trò chơi này. Bạn muốn trở về nhà thôi. Không còn chơi trò chơi xây lâu đài trên cát nữa. Bạn đã từng tranh cãi, đánh lộn nhau về những cái lâu đài cát biển này: Cái này của tao, cái kia của mày, đã quá đủ! Chiều đã xuống rồi, mặt trời đã lặn, về nhà đi thôi. Sau bảy mươi năm, bạn chìm vào giấc ngủ dài. Nhưng tử và sanh vẫn không ngừng tiếp nối cùng nhau. Dưới ánh sáng của cái nhìn này, mang đến cho bạn tuệ giác sâu sắc để thấy rằng sống và chết, cả hai cùng hiện hữu trong từng khoảnh khắc.
Như thế sẽ không còn vấn đề sợ hãi. Không còn có chuyện cái chết sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó ở tương lai. Chính cái ý niệm tương lai tạo ra vấn nạn: Nó sẽ xảy ra vào một lúc nào đó ở tương lai –thế thì làm cách nào để bảo vệ bạn đây? Xây một bức Vạn Lý Trường Thành để chống lại nó chăng? Hoặc giả phải sắp xếp như thế nào đây để nó sẽ không xảy đến cho bạn, hay ít nhất là trì hoãn nó lại thêm một ít lâu nữa?
Thế nhưng nó đã xảy ra rồi! Nó không còn là vấn đề tương lai
nữa. Nó đã và đang xảy ra kể từ lúc bạn chào đời. Bạn không có cách nào trì hoãn và cũng không thể làm gì khác hơn! Vô phương. Đó là tiến trình của sự sống –cái chết là một bộ phận của tiến trình sự sống.
Hãy lấy một thí dụ, nó đến rất mực nổi bật, ồn ào và đậm nét ngay lúc bạn làm tình. Chuyện tự nhiên thôi, bởi vì tình yêu mang đến cho bạn cái cảm giác của sự sống. Thế nhưng bạn có để ý không? Sau mỗi động thái yêu đương bạn trở nên phiền muộn. Thư giản, lặng yên nhưng kèm theo đó là một nỗi thất vọng chán chường. Tại đỉnh cao của ân ái bạn đang ở trên đỉnh cao của sự sống và rồi đột nhiên bạn rơi vào nỗi chết. Mỗi một động thái yêu đương mang bạn đến đỉnh cao của sự sống và điều rất tự nhiên, cho bạn một thoáng nhìn vào vực sâu của nỗi chết bao quanh. Cái thung lủng của nỗi chết hiện ra rõ ràng khi cái đỉnh của sự sống lên cao cực điểm.
Khởi đi từ kinh nghiệm này, hai hình thái văn hoá xuất hiện trên thế gian. Một là chạy trốn tình dục, hai là chạy trốn nỗi chết.
Khuynh hướng quay lưng lại dục tình bắt nguồn từ nỗi thất vọng chán chường theo sau động thái yêu đương. Khuynh hướng này chỉ quan tâm đến cái thung lủng của nỗi chết và bảo rằng, “Nhìn xem, có đạt đến cái gì đâu, chỉ là nỗi thất vọng chán chường. Tất cả chỉ là ảo giác; cái đỉnh cao đó, cái cực khoái đó, chỉ là ảo giác nhất thời. Rốt cùng lại thực sự là cái gì? Chỉ là thất vọng chán chường. Bạn rơi trở lại trên mặt bằng cố hữu. Đó cũng chỉ là một loại ảo giác do bạn tạo ra và cho đó là thực tại.”
Sau mỗi động thái yêu đương, họ lại bắt đầu suy nghĩ làm cách nào để sống đời độc thân, làm sao để buông bỏ cái bánh xe khổ nạn, cái vòng quay cay độc này. Cái ý tưởng độc thân, sống đời phạm hạnh khởi dậy là vì họ thấy được cái thung lủng kia. Nó sừng sững ra đó. Họ chỉ thấy có nó mà thôi. Còn những người chạy trốn nỗi chết không hề thấy cái này. Một cách đơn giản, họ chỉ nhìn vào đỉnh cao mà không cần nhìn vào cái thung lủng. Một khi ở trên đỉnh cao, họ nhắm mắt lại, đi vào giấc ngủ. Họ không cần bận tâm đến cái thung lủng kia. Cái thung lủng kia tuy vẫn có mặt ở đó, nhưng họ chỉ chọn lựa cái đỉnh cao.
Nhưng hãy nhìn xem, một hệ quả tất yếu là, nếu bạn chỉ trông thấy cái đỉnh cao bạn sẽ rất mực sợ hãi nỗi chết, bởi vì bạn sẽ chẳng hề có kinh nghiệm gì về nó. Nổi chết vẫn mãi mãi là một ẩn số. Chỉ đến giở lâm tử bạn mới co cơ hội tiếp cận với nó. Lúc đó thì thật là quá sức đối với bạn bởi vì nó là một cái gì hoàn toàn mới mẻ, rất mực xa lạ, chưa hề biết đến và nó sẽ làm bạn kinh hoàng.
Như thế đó, những kẻ quay lưng lại với nỗi chết chỉ nhìn thấy cái đỉnh cao của sự sống –cái đỉnh cao hoan lạc của động thái yêu đương, họ sẽ tìm cách tránh xa cái thung lũng của nỗi chết, không dám nhìn thẳng vào. Nhưng rốt cuộc đến một ngày nào đó, cái thung lũng kia vẫn hiện ra. Họ rất mực kinh hoàng. Thế nên ở phương Tây, những xứ sở của tự do tình dục, nơi mà con người dễ dãi với dục tình thường có khuynh hướng chống lại với nỗi chết. Họ đấu tranh chống lại cái chết. Bằng cách thế nào đó, cái chết phải được triệt tiêu.
Ở phương Đông, con người có khuynh hướng chống lại tình dục. Họ chỉ nhìn vào cái thung lũng của nỗi chết. Họ không muốn thấy cái đỉnh cao, cho rằng cái đỉnh cao kia thực ra cũng chỉ là bào ảnh nhấp nhô. Bởi vì chỉ nhìn sâu vào thung lũng, họ ngày càng trở nên thiết thân với nỗi chết, sẵn sàng để chết. Cụ thể hơn, họ đợi chờ cái chết, hy vọng để chết, ham muốn cái chết, ước mơ được chết. Ở phương Đông, điều lý tưởng nhất là làm thế nào để chết một cách hoàn hảo, không bao giờ còn tái sanh trở lại. Đó là cái chết cuối cùng –tâm tử.
Còn ở phương Tây có cái ý tưởng là làm thế nào để tạo ra cái tình huống làm như con người không bao giờ chết, bạn cứ việc sống mãi sống hoài -đời sống cứ kéo dài bất tận. Cả hai thái độ trên đều bất cân đối. Cả hai thái độ trên đều tạo ra sự mất quân bình ở trong bạn và sự mất quân bình này chính là khổ nạn của nhân loại.
Một con người thực sự, một con người đúng nghĩa, sẵn sàng đối mặt với cả hai, không chọn lựa. Y sẽ không bao giờ nói rằng: “Tôi sẽ chỉ nhìn vào cái thung lũng thôi và sẽ không hề nhìn tới cái đỉnh cao kia,” hoặc là, “Tôi sẽ chỉ nhìn cái đỉnh cao kia và tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến cái thung lủng.” Y sẽ nhìn thẳng vào cả hai như chúng hiện bày, không chọn lựa.
Không chọn lựa là phong thái của Thiền. Thiền là vô cầu: nhìn vạn pháp như thị trong cái nhất thể của chúng. tốt và xấu, thiên đường và địa ngục, sống và chết, ngày và đêm, mùa hè và mùa đông như thị. Thiền không phải là triết học. Nó không hề cho bạn sự lựa chọn bởi vì, “Nếu bạn chọn cái này, bạn sẽ luôn sợ hãi cái mà bạn không chọn.”
Hãy nhìn vào vấn đề: Nếu bạn chọn lựa một cái gì đó, bạn sẽ luôn bị rơi vào bẩy sập của cái không được chọn lựa. Bởi vì cái không-chọn một khi bị bác bỏ nó sẽ bị ức chế. Nó sẽ mai phục ở một nơi nào đó để chờ cơ hội phục thù. Cái không-chọn luôn ở trong tư thế sẵn sàng -một ngày nào đó, trong khoảnh khắc yếu đuối nhất của bạn, nó sẽ nổ bùng ra dữ dội.
Thế nên người có khuynh hướng trấn áp dục tình luôn luôn sợ hãi sự phục thù của tình dục –nó có thể nổ bùng bất cứ lúc nào. Còn người sợ hãi cái chết, chạy trốn cái chết thì lẽ tự nhiên là luôn ở trong trạng thái run sợ: cái chết đang đến với họ. Y biết chắc như thế, y hiểu ngầm như thế. Dù bạn nhìn thấy hay không, điều đó cũng chẳng có gì khác biệt. Không nhìn thấy không có nghĩa là nó sẽ biến mất tiêu. Nó luôn luôn có mặt ở đó. Bạn biết chắc là nó đang quanh quất đâu đó, đang tiến gần đến bạn trong từng giây phút.
Người ức chế tình dục luôn lo sợ rằng tình dục sẽ nổ bùng bất cứ lúc nào trong tâm thức họ. Và người trốn chạy cái chết luôn sợ hãi cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào tước đoạt, tiêu diệt đời sống họ. Cả hai loại người này luôn ở trong tâm trạng sợ hãi, trong đấu tranh bất an, sống triền miên trong xung động. Họ sẽ không bao giờ đạt đến trạng thái an lạc, quân bình. Sự quân bình chỉ đến khi bạn không còn thái độ chọn lựa, khi bạn có một cái nhìn như thị đối với thực tại. Đời sống không phải là vấn đề của sự chọn lựa cái nọ, cái kia –không có gì để phải chọn lựa cả. Tất cả là một toàn bộ, nhất thể. Với chọn lựa, cũng chẳng có gì thay đổi. Với chọn lựa, bạn chỉ gặt hái vô minh. Bởi lẽ cái mà bạn chọn chỉ là một bộ phận, còn cái kia, cái không-được-chọn, đồng thời cũng là một bộ phận của thực tại Cái bộ phận không được chọn của thực tại đó sẽ bám víu theo bạn không rời, chờ đợi được bạn chấp nhận. Nó không thể nào biến mất, không có cách gì để biến mất. Nếu bạn yêu đời quá mức và không muốn nhìn vào thực tế của cái chết … cái chết sẽ quanh quẩn chung quanh bạn như hình với bóng.
Đây là phong cách của Thiền: Đối mặt với cả hai. Chúng không hề là một bộ phận tách lìa, chúng là một toàn bộ, nhất thể. Nhìn chúng trong cái toàn vẹn nhất thể đó, không chọn lựa, không thiên kiến, bạn sẽ vượt qua chúng. Nhìn chúng trong toàn vẹn nhất thể, bạn sẽ không còn bị đồng nhất hoá vào sự sống hay nỗi chết. Khi không còn gắn bó, vướng mắc, bạn hoàn toàn tự do, bạn được giải phóng.
Đồng nhất hoá chẳng khác gì một sự cầm tù. Phải hiểu vấn đề này một cách tường tận, bởi vì đây là cội rễ của tất cả những khổ nạn, và tình trạng nô lệ của con người.
Đồng nhất hoá –đây là một từ ngữ rất mực ý nghĩa. Nó hàm ý rằng bạn gắn bó chặt chẽ với một bộ phận. Bạn trở nên đồng nhất với một bộ phận của đời sống, và khởi đi từ vị trí này bạn bắt đầu suy nghĩ y như là một toàn thể. Dĩ nhiên cái bộ phận này chẳng có gì sai lầm cả, tuy nhiên bộ phận chỉ là bộ phận, nó không phải là toàn bộ. Khi cái bộ phận bắt đầu suy nghĩ như là một toàn bộ, tinh thần cục bộ khởi dậy. Khi cái bộ phận bắt đầu nhân danh toàn bộ, bạn trở nên đui mù trước thực tại, xung đột mâu thuẫn với thực tại. Và đấu tranh với thực tại chân lý, một điều chắc chắn rằng bạn không thể nào là kẻ thắng cuộc, hãy nhớ như vậy. Không thể nào. Không bao giờ và chẳng bao giờ xảy ra điều đó. Bạn chỉ thắng cùng với thực tại, không bao giờ chống lại thực tại. Chiến thắng ở về phía thực tại chân lý. Đó là lý do tại sao những vị đại Thiền sư thường luôn nhấn mạnh đến ý niệm buông bỏ. Buông bỏ có nghĩa là đứng về phía thực tại chân lý. Chiến thắng là điều chắc chắn -bởi vì thực tại chân lý sẽ chiến thắng. Luôn luôn như thế. Nếu bạn đứng về phía thực tại, bạn sẽ là kẻ thắng cuộc và nếu bạn chống lại, bạn sẽ là người thua cuộc. Và tất cả chúng ta đều là kẻ thua cuộc, chúng ta đã và đang mãi hoài đấu tranh.
Chúng ta chỉ chọn lựa một bộ phận nhỏ và cho đó là cái toàn bộ. Chúng ta chọn lựa đời sống và tách lìa nó ra khỏi cái phạm trù cơ bản nỗi chết và tuyên bố rằng, “Đây mới chính thực là tôi. Tôi chính là đời sống.” Bây giờ thì bạn gặp phải rắc rối thôi. Bạn đang tự giam mình vào trong chiếc lồng của đồng nhất hoá, bám chặt vào danh sắc. Làm thế nào để bạn xử lý với cái chết đây? –mà nó thì luôn có mặt ở đó, trong từng giây phút, và nó sẽ mang bạn đi mất vào một ngày nào đó không hề báo trước.
Bạn gắn bó chặt chẽ với thân xác, “Cái thân xác này là tôi,” thế là bạn chuốc lấy phiền hà rắc rối. Bạn gắn bó chặt chẽ với cái tâm, “Cái tâm này là tôi,” bạn cũng gặp phải rắc rối như thế. Gắn bó, đồng nhất với cái gì đều là khổ nạn. Đây là sản phẩm của đại vô minh. Một khi bạn buông bỏ mọi gắn bó, đồng nhất với bất cứ cái gì, bạn trở thành một chứng nhân. Bây giờ thì không còn “Tôi là cái này, Tôi là cái nọ” nữa, bạn đơn thuần là một chứng nhân. Bạn nhìn đời sống trôi qua như chúng hiện bày, và cái chết, tình dục cũng trôi qua như thế, những bực dọc, niềm vui, những thành công, thất bại… Bạn tiếp tục nhìn chúng trôi qua, đơn thuần như một khán giả. Bạn không còn vướng mắc với bất cứ cái gì, không còn cho rằng “Tôi là cái này, cái nọ” nữa. Không còn nhận xằng, bạn là ai đây? Không còn tự giam hảm, vẽ vòng cho mình đứng vào, không còn tạo ra bất cứ giới hạn, lằn ranh nào, như một nhân chứng khách quan, tuôn chảy cùng với dòng đời, đó chính là sự giải phóng, một sự đại giải phóng.
Giải trừ gắn bó, con người được tự do. Còn gắn bó, con người còn bị giam hảm.
Thiền bảo bạn: Đừng để bị vướng mắc gắn bó vào bất cứ cái gì. Và rồi, một cách tự nhiên, sự thăng hoa sẽ đến. Bạn nhìn khổ đau đang đến với mình với đôi mắt của một khán giả. Rồi khổ đau khởi dậy, nhận chìm bạn, bao phủ bạn như một đám mây đen, bạn vẫn nhìn như một khán giả. Chỉ nhìn mà không phán đoán. Không cho rằng, “Cái này là tôi”, hoặc “Cái này không phải là tôi.” Không nói lên bất cứ điều gì cả, không hề phán xét. Chỉ đơn thuần nhìn cái này là sự kiện, cái kia là khổ đau. Rồi thì đến một ngày, một ngày nào đó nó bắt đầu biến mất. Những đám mây đen tụ lại hôm nào bây giờ chúng tan đi và ánh mặt trời toả rạng, sáng ngời hạnh phúc. Nhưng bạn cũng không hề gắn bó với nó. Bạn chỉ thấy rằng mặt trời đã trở lại, những đám mây đã biến mất. Bạn không nói rằng, “Cái này là tôi”, hoặc “Cái này không phải là tôi.” Bạn không hề tuyên bố bất cứ điều gì về mình cả, chỉ đơn thuần ngắm nhìn mọi chuyện.
Sẽ có rất nhiều lần xảy ra trong đời khổ đau cũng như hạnh phúc sẽ đến bao nhiêu lần bạn sẽ thành công, bao nhiêu lần bạn sẽ thất bại. Bao nhiêu lần bạn xuống tinh thần, bao nhiêu lần bạn cảm thấy mình ở tuyệt đỉnh vinh quang. Cứ ngắm nhìn tất cả các cặp nhị nguyên này, lần hồi bạn sẽ thấy mình vượt qua khỏi chúng.
Và rồi các cặp nhị nguyên khác cũng thế -sống và chết, thân và tâm, ta bà và niết bàn… Tất cả đều là những cặp nhị nguyên. Một khi bạn có thể nhìn suốt xuyên qua chúng, một khi bạn có thể nhìn chúng không ngăn ngại và không còn chọn lựa, bạn đang là một cái gì đó siêu việt hoá –là cái sơ tâm. Cái sơ tâm này không hề sinh và cũng không diệt.
Sống và chết đi qua cái thị kiến của cái sơ tâm này, tuy nhiên cái sơ tâm này là vĩnh cữu. Nó có mặt ở đó trước khi bạn ra đời và cũng sẽ còn ở đó khi bạn đã ra đi. Bạn đã đến thế gian này cả hàng triệu lần rồi và có thể vẫn còn tiếp tục -đến nhưng mà vẫn như chưa bao giờ đến. Cõi thế gian này xuất hiện trong bạn giống như cái bóng hình phản chiếu trước tấm gương soi. Mà thật ra, chẳng có gì xảy ra đối với tấm gương soi cả. Hay là bạn cho rằng đã có chuyện xảy ra?
Bạn đang đứng trước tấm gương soi và tấm gương kia phản chiếu khuôn mặt bạn. Bạn cho rằng đã có một cái gì đó xảy ra với tấm gương chăng? Chẳng hề có chuyện gì cả. Bạn rời khỏi nó, mặt gương trở lại trống không. Rồi có ai đó đi đến trước tấm gương, nó lại phản chiếu khuôn mặt kia –không cần biết xấu hay đẹp- nó không hề lựa chọn, vô cầu. Bạn mang đến một đoá hồng tuyệt đẹp, nó phản chiếu, bạn mang đến một cái gai xấu xí, nó phản chiếu. Nó không có sự chọn lựa. Nó không hề bảo rằng, “Cái này không đẹp lắm, tôi sẽ không phản chiếu đâu,” hoặc, “Cái này thiệt là đẹp, tôi sẽ giữ lại. Làm ơn ở lại, đừng rời khỏi đây. Tôi chính là bạn, bạn chính là tôi.” Không, chẳng hề có chuyện như thế. Tấm gương đơn thuần chỉ làm công việc phản chiếu.
Phẩm chất của cái đài gương kia mang ý nghĩa của cái sơ tâm. Đó là lý do tại sao tấm gương chẳng hề ghi lại mọi dấu vết ấn tượng. Nó tiếp tục phản chiếu mà không hề lưu lại một vết tích nào. Đây chính là trạng thái của tỉnh thức. Đây là những gì mà thiền định nhắm đến.
Ngắm, nhìn, cảnh giác mà không hề chọn lựa. Và không hề để cho mình bị dính mắc vào bất cứ bộ phận nào. Bộ phận không phải là toàn thể. Bộ phận chỉ là bộ phận, và rồi không sớm thì muộn nó sẽ ra đi, bởi vì nó không thể ở lại với bạn lâu hơn. Và khi nó lìa bạn, bạn sẽ vô cùng khổ đau bởi lẽ bạn sẽ không bao giờ muốn xa lìa nó. Bạn cứ luôn bám chặt vào nó bởi vì bạn đã đồng nhất hoá với nó rồi. Thế nhưng nó sẽ phải ra đi, và bạn sẽ cảm thấy đau đớn, sẽ thở than, khóc lóc –mà không hề biết rằng nó chỉ là sản phẩm do bạn tạo ra. Tuy nhiên nếu bạn giữ cho mình ở trạng thái của tấm gương soi, sẽ không hề có vấn nạn. Bất cứ cái gì xảy ra, cứ xảy ra. Bạn không hề bị phiền nhiễu, lung lạc.
Đây là những gì được coi như là cốt lõi của tất cả mọi tôn giáo. Đây không phải là vấn đề của thực tập, của học thuyết, giáo điều. Đây cũng không phải là vấn đề của đọc kinh trì chú. Đây là vấn đề của tuệ giác! Và cái tuệ giác này luôn ở trong tầm tay của bạn. Bạn không cần phải chạy đến gỏ cửa bất cứ ai để tìm cầu. Bạn luôn mang theo nó canh cánh không rời. Nó đã có mặt ở đó từ thuở ban sơ. Nó luôn có sẵn ở đó, cái đài gương kia. Chỉ việc bắt đầu sử dụng nó thôi.

Hãy thử một đôi lần và rồi bạn sẽ ngạc nhiên! Những gì đã từng làm bạn phiền nhiễu trong quá khứ sẽ không còn làm bạn phiền nhiễu nữa. Ai đó đang chữi bới lăng nhục bạn -bạn chỉ đơn thuần nhìn mà không hề bị dính mắc vào. Bạn không cho rằng, “Kẻ kia đang lăng nhục tôi.” Làm sao mà y có thể lăng nhục bạn được? Bạn đã không biết mình là ai, làm sao kẻ kia có thể biết bạn là ai? Y không thể nào lăng nhục bạn được. Có thể là y đang lăng nhục ai đó mang hình bóng của bạn, nhưng cái hình bóng kia không phải là bạn. Có thể là y đang mang một vài ý tưởng nào đó về cái được gọi là bạn và y đang lăng nhục cái đó, làm sao y có thể lăng nhục bạn được? Y có biết bạn là cái gì đâu?
Nếu sống trong tỉnh thức, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sự lăng nhục đến và đi không lưu lại dấu vết, không tạo nên sự khuấy động nào. Trong bạn một yên bình toả chiếu. Không động tâm, không nỏi sóng dù chỉ là một gợn nhỏ lăn tăn. Bấy giờ bạn sẽ hiểu được cảnh giới cực lạc của tịnh độ qua phẩm chất của một đài gương. Bạn đã thể nhập, tan biến vào đó.
Thế rồi có ai đó đến tán tụng bạn, Hãy thử nghiệm thêm một lần nữa. Cứ sống trong tĩnh thức. Đừng nghĩ là y đang tán dương mình. Có thể y đang ca tụng một ai đó cho là bạn. Có thể là y đang ca tụng bạn do một động cơ thầm kín nào đó của riêng y. Chẳng có chuyện gì dính dấp đến bạn cả. Cứ nhìn sự kiện một cách đơn thuần rằng “người này đang ca tụng mình.” Nhưng cứ để cho tâm mình vắng lặng như một đài gương. Chớ vội nuốt vào những lời khen tặng! Đừng có bám chặt vào nó! Uống vào những lời xưng tụng này sẽ chỉ khổ thân thôi. Rồi cái ngã sẽ trỗi dậy –cái ngã và cái nhãn hiệu gắn lên cho bạn luôn sóng đôi nhau. Lúc đó bạn bắt đầu chờ đợi mọi người sẽ tán tụng bạn như gã kia. Và rồi con đường đau thương, khổ nạn mở ra. Bởi vì biết đâu mai kia mốt nọ gã kia sẽ không còn tán dương bạn nữa. Biết đâu cái động cơ thầm kín của y đã được thoả mãn. Hoặc có thể là mai đây gã kia bắt đầu suy nghĩ lại cho là mình đã sai lầm, hay là y đang tìm cách phục hận. Bất cứ lúc nào có ai đó xưng tụng bạn, một ngày kia có thể y cũng sẽ quay lưng lại lăng nhục bạn -bởi vì y sẽ phải phục hận, sớm hay muộn rồi y cũng sẽ phải thanh thỏa mọi chuyện thôi.
Một sự bất cân đối khởi dậy. Khi có ai đó đang xưng tụng bạn, điều này chắc sẽ không làm y cảm thấy vui, trái lại, y đau vì chuyện này. Y đã phải tỏ ra rằng y đang thua kém bạn, bạn đang ở một vị thế cao hơn – y đau lòng là cái chắc. Nỗi đau đó có thể không bộc lộ ra ngay, những nó sẽ tiềm ẩn mãi, trở thành vết thương trong lòng. Rồi một ngày nào đó, nếu có cơ hội, y sẽ tỏ ra cho bạn thấy giá trị thực sự của bạn là gì, y sẽ đặt bạn đúng tầm. Và rồi bạn sẽ rất mực khổ đau. Cái người này mới ngày nào đây hết lời ca tụng bạn, bây giờ y quay lại gây cho bạn phiền muộn, khổ đau. Mà thực ra thì y chẳng làm gì cả. Tất cả chỉ tại bạn thôi -bạn đã khởi sự bám chặt vào cái ý tưởng mà y đã gieo vào đầu bạn.
Không còn bám víu vào bất cứ nhãn hiệu nào, luôn tỉnh thức, giữ mãi phẩm chất của chiếc đài gương, tất cả lần hồi sẽ đưa con người đến gần bờ bến giác ngộ.
Đại Thiền sư Lâm Tế một hôm đã ban một thời pháp về “Con Người Thực Không Nhãn Hiệu”. Đó cũng là ý nghĩa của điều tôi nói về phẩm chất như chiếc đài gương –”Con Người Thực Không Nhãn Hiệu”. Ở trong bạn đã có sẵn một con người như thế. Không phải nam cũng không phải nữ, không Ấn giáo cũng không Hồi giáo, không tốt cũng không xấu –không nhãn hiệu- không học vấn cũng không vô học, không Đông cũng không Tây –không hề có nhãn hiệu- không thánh cũng không phàm, không nhãn hiệu. Đó chính là con người thực ở trong bạn.
Lâm Tế một hôm ban một thời pháp về đè tài “Con Người Thực Không Nhãn Hiệu.” Ông đang thuyết giảng về đề mục này. Một môn sinh rất mực bối rối chạy đến hỏi, “Cái Con Người Thực Không Nhãn Hiệu này là cái gì?” Thiền sư Lâm Tế thộp lấy cổ ông ta và quát lên: “Nói ra! Nói ra!” Vị tăng sững sờ chết điếng cả người không thốt ra được một lời. Lâm Tế buông ông ta ra và la lên, “Cái Con Người Thực Không Nhãn Hiệu này thật là vô tích sự!”
Điếu mà Thiền sư Lâm Tế đã làm là tạo ra một tình huống. Khi vị tăng hỏi, “Cái Con Người Thực Không Nhãn Hiệu này là cái gì?” Thiền sư Lâm Tế thộp cổ ông ta và quát lên: “Nói ra! Nói ra!” Lâm Tế đã kích động ông ta. Trong cơn kích động đó, tất cả mọi nhãn hiệu đều biến mất.Trong cơn kích động đó, ông ta không còn là ông ta nữa, đơn thuần không còn là ai cả, chỉ là một đài gương. Trong cơn kích động dó cái tâm đã ngừng quay. Y đã tê cứng. Lâm Tế đã tạo nên một tình huống để cho ông ta có thể nhìn sâu vào con người thực không nhãn hiệu, con người mang phẩm chất của chiếc đài gương.
Thế nhưng vị tăng đã lỡ mất cơ hội, ông ta bắt đầu suy nghĩ về câu trả lời. “Tại sao ông Thầy lại xử sự với mình như thế? Có phải đây là cách thế đúng đắn để trả lời câu hỏi của một môn sinh?” Chắc chắn là ông ta đang suy nghĩ nhu thế. Ông ta đã lỡ mất cơ hội. Đó là lý do tại sao Thiền sư Lâm Tế la lên: “Cái Con Người Thực Không Nhãn Hiệu này thật là vô tích sự!”
Cái khoảnh khắc mà chiếc đài gương của bạn bắt đầu bám víu vào một cái gì đó, bạn mất đi phẩm chất. Cái khoảnh khắc mà chiếc đài gương của bạn bắt đầu bị bao phủ, dính mắc vào một cái gì đó, nó đang tích lũy bụi bặm, nó không còn giá trị. Cái khoảnh khắc chiếc đài gưong của bạn không còn tích lũy bụi bặm nữa, bạn trở nên vô giá -bạn là một thượng đế. Sự khác biệt giữa một vị Phật và bạn chính là ở chỗ này: chìếc đài gương của bạn đang không ngừng tích lũy bụi bặm, còn một vị Phật thì không, nó hoàn toàn trong suốt, không dính mắc một hạt bụi nào. Tất cả những ý tưởng trong đầu bạn chẳng là gì cả, chỉ toàn là bụi bặm.
Thế nhưng đôi lúc bạn lại cho bụi bặm một giá trị rất cao. Bạn bảo rằng, “Đây là bụi vàng chứ không phải bụi thường đâu nhé. Vàng ròng đấy! Tôi phải giữ nó lại không để cho ai cướp mất; nó rất mực giá trị.”
Đó là lý do tại sao bạn trở nên dính mắc vào đời. Bạn cho nó là có giá trị. Và bởi vì bạn dính mắc vào nó, bạn cho rằng cái chết là kẻ thù, là tên cướp cạn. Cái chết đang đến và nó sẽ cướp đi tất cả bạc vàng của bạn, những ngọc ngà châu báu mà bạn luôn mang theo sát bên mình Nó sẽ lấy đi hết tất cả những bụi bặm đang bám vào chiếc đài gương –và đó là tất cả những gì mà bạn cho là đời sống của mình. Thế là bạn kinh hoàng.
Thế nhưng nếu bạn nhìn rõ vấn đề, cái chết sẽ trở thành người bạn, hay thực ra, một bằng hữu thiết thân hơn chính cả đời sống. Tại sao tôi lại nói như thế?
Tôi nói thế bởi vì với đời sống bạn bị dính mắc, bạn tích lũy bụi bặm. Cái chết sẽ cuốn đi tất cả mọi dính mắc, bụi bặm đó. Nếu nhìn rõ vấn đề như thế, bạn sẽ vô cùng biết ơn cái chết. Bởi vì tất cả những gì bạn không thể làm được, cái chết sẽ làm giúp bạn. Đó là lý do tại sao nếu bạn có khả năng làm được chuyện này, cái chết sẽ không còn chỗ đứng, bạn sẽ không có nhu cầu cần đến cái chết nữa. Nếu một người có thể thanh tẩy được tâm thức mình thông qua thiền định, y sẽ không bao giờ chết.
Tôi không nói rằng sẽ không có cái chết về thân xác –đó là chuyện tự nhiên thôi. Tuy nhiên y sẽ không bao giờ hội ngộ cùng cái chết. Cái chết chỉ xảy ra đối với tất cả những bụi bặm tích lũy trên chiếc đài gương. Chiếc đài gương kia không bao giờ chết! Chiếc đài gương tự nó là vô tử. Cái đài gương –cái sơ tâm đó- thuộc về một tiến trình vô tử, là vĩnh hằng. Kẻ lữ hành vẫn không ngừng dong ruổi, chỉ có y phục là mòn rách và chúng cần được đổi thay. Kẻ lữ hành vẫn tiếp tục cuộc hành trình, chỉ có bụi bặm là tích tụ lại trên thân xác và bạn cần tắm rửa, thế thôi.
Thế nhưng nếu bạn cứ khởi sự suy nghĩ rằng tất cả những bụi bặm đó chính là bạn, bạn sẽ không chịu tắm rửa. Có rất nhiều người rất sợ chuyện tắm rửa –làm như họ sợ sẽ mất đi một cái gì, một cái gì đó rất mực giá trị. Có rất nhiều người rất sợ chuyện thiền định, bởi vì thiền định là một sự tắm rửa. Nó cuốn trôi đi tất cả những ý tưởng vô nghĩa mà bạn đã không ngừng thu nhặt, tích lũy -tất cả toàn là những đồ phế thải mà bạn mang theo trong đầu không rời. Cái đầu bạn thật là tội nghiệp, nó rất mực nặng nề và bạn vô cùng khốn khổ, thế nhưng bạn vẫn cứ mãi hoài mang theo những chất liệu phế thải này, cho nó là vô cùng giá trị.
Cái chết là một người bạn quý, nó trút dùm bạn tất cả mọi gánh nặng, những gánh nặng đã không ngừng chồng chất theo thời gian. Một khi mà những gánh nặng này được trút bỏ một cách tự nguyện, cái chết trở thành tịch định –samadhi. Còn nếu bạn không để nó xảy ra một cách tự nguyện, cái chết sẽ không là một tịch định mà là một đớn đau. Bây giờ thì có thể bạn đã nhìn rõ vấn đề. Cũng cùng một sự kiện nhưng nó có thể hoàn toàn đau đớn hay hoàn toàn hạnh phúc. Tất cả đều tùy thuộc vào cách lý giải của bạn –cách thế bạn nhìn mọi việc, cách thế mà bạn lãnh hội một kinh nghiệm nào đó, nhìn sâu vào sự việc như thế nào.
Nếu bạn là kẻ không ngừng bám víu, không ngừng thu góp, cái chết sẽ là nỗi đớn đau, thống khổ khôn cùng. Bạn sẽ đau khổ. Bạn đau khổ không phải vì cái chết mà vì những gì bạn đang bám víu vào, những tài sản sở hữu của bạn, những cái mà bạn đang dính mắc, những cái mà bạn đang tham cầu, tất cả những cái đó.
Thế nhưng nếu bạn không bám víu, không thu góp chiếm hữu, không tham lam, ngã mạn, tiến công, bỗng dưng phẩm chất của cái chết thay đổi. Nó đến tựa như ngọn gió mát lành của Thượng Đế. Nó đến và tẩy uế bạn. Nó cho bạn một sự an nghỉ cần thiết. Nó thuần khiết hoá bạn, mang bạn đến suối nguồn vĩnh cữu và từ đó bạn sẽ phục sinh trở lại. Nếu bạn tự nguyện bước vào nỗi chết bạn sẽ phục sinh trở lại trong một sắc thân tốt đẹp hơn bởi vì bạn đã học được vài điều từ sắc thân cũ. Còn nếu bạn không bước vào tự nguyện, cái chết cũng sẽ đẩy bạn vào chiếc lò thiêu, thiêu đốt bạn bằng sức mạnh của nó và rồi bạn sẽ trở lại với sắc thân cũ bởi vì bạn đã chẳng học được gì trước đây.


Được sửa bởi DIEU HUYEN ngày Wed Aug 05, 2009 6:51 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Wed Aug 05, 2009 6:49 pm    Tiêu đề:

Dĩ nhiên thôi, người học trò không học được điều gì chắc chắn sẽ bị nhồi lớp trở lại, lần này qua lần khác. Một vị Phật là người đã học được tất cả những khả năng của mọi sắc thân. Là một hòn đá, Ngài đã học được những gì từ đó. Là một cái cây, một con cọp, một người nam, một người nữ, là chư thiên… Ngài đã học qua những bài học từ đó. Học, học nữa, học mãi, học không ngừng… Cho đến một ngày Ngài đi qua hết mọi sắc thân –tĩnh thức, không chọn lựa, giữ chiếc đài gương mình luôn trong sáng không một áng mây mờ. Ngài đã đi qua tất cả mọi sắc thân như thế, đến một thời điểm không còn gì cần phải học nữa. Ngài đã học xong bài học của mình. Ngài tan biến đi. Từ đó cái chết trở thành niết bàn. Từ đó Ngài là mùi hương lan tỏa ra khắp vạn hữu, chan hòa vào sắc thân vũ trụ. Bây giờ thì những sắc thân nhỏ bé không còn cần thiết nữa. Ngài đã học được tất cả trong những sắc thân nhỏ bé này. Tất cả những gì chứa đựng trong đó đều đã được Ngài giải mả. Đâu còn nhu cầu trở lại trường học nữa. Ngài đã trở thành một bộ phận của nhất thể, chan hòa cùng nhất thể, là ân sủng, an bình, là khúc hát không ngừng ngân vang trong tâm thức vũ trụ. Ngài đã thành tựu xong quả vị bất hoàn, đã vượt qua khỏi cái điềm quay về.
Đây là bài học cuối cùng. Thế nhưng mỗi người đều phải kinh qua tất cả mọi sắc thân. Và cái chết mang đến cho ta một bài học lớn, lớn hơn đời sống rất nhiều. Cái chết cũng mang đến một khả năng rất căng để cho ta hiểu, bởi vì đời sống trải rộng ra trong một tầm mức dài –còn cái chết xảy đến trong một khoảnh khắc rất mực ngắn ngủi. Chỉ trong một chớp mắt thôi. Nếu không đủ tỉnh táo bạn sẽ đánh mất khoảnh khăc này, cái khoảnh khắc vô cùng nhỏ bé. Nếu đủ tỉnh táo thì ngay chính cái khoảnh khắc này trở thành cánh cửa để bạn bước vào cõi thiêng liêng.
Một khi bạn không bị vướng mắc vào cái chết, một khi bạn không còn sợ hãi cái chết, cái chết chỉ còn là một trò chơi để bạn giỡn đùa cùng sinh tử.
Hãy lắng nghe một giai thoại Thiền vị sau đây:
Gần như đã bị mù lòa vào cái tuổi chín mươi sáu, không còn khả năng để thuyết giảng hay làm việc tại thiền đường nữa, Thiền sư Yamamoto quyết định đây là thời điểm tốt nhất để chết nên ông ngừng ăn uống. Khi những môn sinh hỏi ông lý do tại sao từ chối ăn uống, ông trả lời rằng mình không còn muốn kéo dài kiếp sống thừa nữa, chỉ làm phiền cho kẻ khác mà thôi.
Chín mươi sáu tuổi … Thế là đủ rồi. Và cái ông già Yamamoto này cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để chết nên ngừng ăn uống. Cái chết giống như một sự nghỉ ngơi. Đây là lúc cần an nghỉ. Ông bắt đầu sửa soạn cho chuyện hưu hỉ của mình, nghĩ rằng đây là điều cần thiết.
Nhưng những môn sinh thưa rằng, “Nếu Thầy chết lúc này,” –lúc đó là tháng Giêng, trời rất lạnh giá- “trời đất lạnh lẽo, mọi người sẽ rất khổ sở với cái đám tang của Thầy và như vậy Thầy lại càng làm phiền cho kẻ khác hơn. Thôi, xin làm ơn ăn uống trở lại!”
Đám môn sinh này cũng là những người rất tuyệt vời. Phải không? –qua lý do mà họ đưa ra: “Làm ơn nghĩ đến thời tiết giá lạnh này. Thầy sẽ chết, nhưng bây giờ là tháng Giêng rất mực lạnh lẽo, cái chết của Thầy chỉ làm phiền thêm cho chúng con mà thôi. Chúng con đều phải làm tang lễ cho Thầy –Thôi làm ơn ăn uống đi.”
Những chuyện như thế chỉ có thể xảy ra ở Thiền viện giữa vị Thiền sư và những Thiền sinh. Chẳng có ai lo lắng gì về cái chết cả. Chết là chuyện bình thường thôi. Vị Thiền sư sẵn sàng ra đi, nhưng vẫn xem xét đến đám môn đệ, những người cũng đã mấp mé bên bờ giác ngộ. Họ bảo rằng, “Chấm dứt cái chuyện vô nghĩa này đi! Bây giờ đâu có phải là đúng thời điểm. Tại sao Thầy lại muốn tạo ra phiền hà cho chúng con? Vâng, sống Thầy có thể làm phiền cho chúng con –chín mươi sáu tuổi- nhưng chết lại còn phiền hà hơn, giữa cái tháng Giêng lạnh lẽo này. Thôi làm ơn ăn uống đi!”
Thế là vị Thiền sư bật cười, ăn uống trở lại, và khi thời tiết trở nên ấm áp hơn, ông lại ngưng ăn uống và không lâu sau đó lặng lẽ đi vào cái chết.
Cái chết như thế cũng chẳng khác gì một trò chơi, một cái gì đó để cho ta đùa giỡn. Và như thế, bạn không có gì để phải sợ hãi. Tuyệt đối không có gì để sợ hãi. Và ngay cả không xem đó là chuyện nghiêm trọng. Hãy nhìn vào khía cạnh không nghiêm trọng của toàn bộ sự việc. Bạn có nghĩ rằng một chuyện như thế có thể xảy ra ở phương Tây? Vô phương. Nó chỉ xảy ra ở phương Đông, nơi con người chấp nhận cả hai, sống và chết, như chúng hiện bày.
Và chuyện này cũng chỉ xảy ra khi bạn biết rằng không ai là không chết -thế nên họ đã có thể nói đùa với ông già Yamamoto khiến ông ta bật cười. Ông ta không cảm thấy mình bị xúc phạm. Hãy suy nghĩ về những câu nói của đám môn sinh, “Sẽ là chuyện rất mực phiền toái, Thầy ơi, khi chết giữa mùa Đông tháng giá. Trời rất mực lạnh lẽo và rất là phiền hà cho chúng con khi phải đi dự đám tang Thầy.” Hãy nhìn vào trọng điểm của vấn đề, cái điểm hài hước ở trong đó -chuyện tử sinh cũng chỉ là một trò đùa, chẳng khác gì ông già Yamamoto này đang diễn một vai tuồng chứ không hề có thực xảy ra ở ngoài đời!
Vâng, đúng y như thế. Đơn thuần y như là ông ta đang đóng một vài tuồng. “Làm ơn đừng chơi cái màn này bây giờ, để sau cũng không muộn, lúc mà thời tiết ấm áp hơn.” Và ông già bật cười. Không hề nghĩ mình bị xúc phạm, mà ngược lại, cảm thấy vô cùng thống khoái. Đám môn sinh của ông cũng tràn đầy tuệ giác. Cái chết đã trở thành một dịp để đùa vui. Khi bạn bắt đầu nhìn cái chết một cách hài hước, thế là bạn cũng đã bắt đầu ngộ rồi. Bạn đang lần hồi trở thành Con Người Không Nhãn Hiệu. một Con Người Thực Sự Không Nhãn Hiệu. Khi bạn bước vào cái chết cũng với tinh thần hài hước này, bạn đã thực sự vượt qua nỗi chết. Vượt qua khỏi chuyện tử sinh cũng có nghĩa là bản lai diện mục.
Sau đây là một giai thoại khác:
Khi Thiền sư Tozan đang hấp hối, một đệ tử hỏi ông: “Bạch Thầy, tấm thân tứ đại của Thầy không còn hoà điệu nữa, thế nhưng có ‘ai đó’ đang không bệnh?”
“Có chứ,” Thiền sư Tozan trả lời.
Ông ta đang lâm trọng bệnh. Xác thân của ông ta đang trên đường băng hoại. Các yếu tố tứ đại không còn hoà hợp nữa. Chẳng khác gì đang có một cuộc nổi loạn xảy ra bên trong xác thân của ông. Các tứ đại đã muốn tách lìa nhau. Thiền sư Tozan đã già yếu và đang hấp hối và người đệ tử hỏi ông, “Bạch Thầy, tấm thân tứ đại của Thầy không còn hoà điệu nữa, thế nhưng có ‘ai đó’ đang không bệnh?”
“Có chứ,” Thiền sư Tozan trả lời.
“Có phải y đang nhận biết Thầy?”
“Công việc của ta là nhận biết y.”
“Khoảnh khắc nào thì Thầy có thể tự mình nhận biết y?”
“Ngay cái khoảnh khắc ta không nhìn thấy bệnh.”
Ở trong bạn có hai thế giới: thế giới của tử sinh và thế giới của siêu việt. Vâng, cái xác thân có thể rất mực bệnh hoạn nhưng đồng thời cũng có thể là không có bệnh hoạn ở trong bạn -nếu như bạn không dính mắc, câu kết với bệnh hoạn, nếu bạn không khởi sự suy nghĩ răng, “Ta đang bệnh.” Đây chẳng qua là một loại thôi miên. Nó phải được học hỏi qua không biết bao nhiêu cánh cửa.
Khi bạn đói bụng, bạn sẽ nói gì? Chắc chắn là bạn nói, “Tôi đang đói.” Thực ra không phải thế -đó là cái thân xác, cái cơ cấu vật lý của bạn đang đói. Bạn chỉ là khách bàng quan, nhìn thấy cái xác thân đang bị đói. Rồi bạn ăn uống và cảm thấy thoải mái, thế là bạn bảo rằng, “Tôi no rồi, cảm thấy đủ rồi.” Thật ra bạn đâu có no bởi vì ngay từ ban đầu bạn đã không hề đói! Thoạt tiên bạn cảm nhận cơn đói trong xác thân bạn, bây giờ thì bạn cảm thấy no đủ rồi –tuy nhiên bạn chỉ là một nhân chứng khách quan. Trước tiên cái đài gương của bạn đang phản chiếu một người đói đang đứng trước mặt bạn, rồi thì cái đài gương này lại phản chiếu một người đang no đủ thoả mãn -thế nhưng cái đài gương kia không hề đói cũng không hề no.
Có hôm thì bạn mạnh khoẻ, có hôm bạn lại ốm đau –cũng chỉ là cái đài gương phản chiếu! Hôm nay bạn đang trẻ trung, hôm kia bạn lại già cỗi. Hôm nay bạn được thương yêu, ngày kia bạn bị ghét bỏ. Hôm nay bạn được trân trọng, ngày kia bạn bị lên án. Cái đài gương cứ tiếp tục làm công việc phản chiếu. Chức năng của chiếc gương soi là tiếp tục làm công việc phản chiếu bất cứ những gì xảy ra trước mặt. Thế nhưng mỗi lần cái đài gương phản chiếu một cái gì đó bạn lại cứ bị dính mắc vào.
Chấm dứt ngay sự dính mắc với tất cả mọi chuyện trước mắt mình và rồi bỗng dưng bạn thấy rằng mình không hề ốm đau, không hề no đói, không hề sinh và cũng không bao giờ tử. Ngay chính bạn là nguồn cội của vĩnh cữu, là cõi vĩnh hằng.(Tâm Hà Lê Công Đa dich
Chú Thích:
(1) Thiền sư Bassui, 1327-1387 (Nhật Bản).
Về Đầu Trang
Dư khánh



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 436

Bài gửiGửi: Tue Aug 18, 2009 2:27 am    Tiêu đề:

Cám ơn Diệu Huyền

Laughing
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân