TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Một ngày không nói dối
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Một ngày không nói dối

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tomi



Ngày tham gia: 25 Apr 2008
Số bài: 122

Bài gửiGửi: Fri Feb 13, 2009 2:07 am    Tiêu đề: Một ngày không nói dối

Một ngày không nói dối

Victoria Tokareva


Đêm qua tôi nằm mơ thấy cầu vồng.

Tôi mơ mình đang đứng trên mặt hồ, cầu vồng bảy sắc in bóng xuống mặt nước trong vắt, thế là tôi được đứng giữa hai sắc cầu vồng lung linh. Có một cảm giác thật hạnh phúc, một niềm hạnh phúc đầy đặn chỉ có thể có trong mơ và trên thực tế không bao giờ có thật. Trong cuộc đời thì bao giờ con người ta cũng thấy thiếu một chút gì đó để có được hạnh phúc.

Và rồi chính cái cảm giác hạnh phúc đầy đặn ấy đã đánh thức tôi dậy, khi nhìn đồng hồ thì tôi mới hiểu ra rằng tôi đã ngủ quên. Đáng lẽ ra tôi phải trở dậy cách đây nửa tiếng mới phải. Tôi nhẩm tính nếu cứ mặc nguyên quần áo ngủ mà chạy ra bến xe buýt thì tôi sẽ chỉ muộn giờ học một phút rưỡi, còn nếu từ tốn đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo chỉnh tề rồi ăn sáng thì sau đó tôi không cần phải vội vã đến trường làm gì nữa, mà chỉ cần ngồi vào bàn và viết đơn xin thôi việc.

Có chuông điện thoại. Đó là Nhina, người yêu của tôi. Cô ấy hỏi tôi chiều nay có ghé qua nhà cô ấy không. Tôi nói rằng sẽ đến, mặc dù tôi biết là có thể sẽ không đến được vì đã hẹn với Lenka đi uống bia.

Bất chợt tôi nghĩ là dạo này tôi rất hay nói dối khi cần thiết và cả khi không cần thiết. Thường thì tôi nói dối toàn những chuyện vặt vãnh, vớ vẩn. Mặc dù toàn là những chuyện vô hại, nhưng tôi nghĩ có thể coi là một dấu hiệu không mấy tốt lành, bởi khi chúng ta nói dối có nghĩa là ta không tự do, là ta đang sợ một ai đó.

Tôi mặc quần áo và quyết định rằng hôm nay tôi sẽ không sợ ai cả.

Trên xe buýt vắng tanh. Chỉ có mình tôi và một người phụ nữ trung niên ngồi cạnh ca bin đang chăm chú đọc báo. 10 giờ sáng thì làm gì có ai đi xe buýt cơ chứ. Những cán bộ, viên chức thì đã đến chỗ làm từ lâu rồi, những người không phải đến công sở thì 10 giờ sáng đối với họ vẫn là quá sớm, họ chẳng việc gì phải vội vã cả. Họ có thể yên tâm đánh răng, rửa mặt, thay quần áo và ăn sáng. Còn với tôi thì 10 giờ đã là quá muộn vì mười phút nữa tôi có tiết ở lớp 5B.

Tôi dạy tiếng Pháp, mỗi tuần lên lớp 24 tiết. Tôi sẽ rất thích thú nếu chỉ phải lên lớp 24 tiết trong 1 năm, nhưng như thế thì lương năm của tôi sẽ chỉ bằng lương tuần.

Ngày xưa tôi muốn vào học ở khoa dịch nghệ thuật của trường Viết Văn Gorki nhưng tôi lại thi trượt. Sau khi tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ tôi muốn làm phiên dịch đi theo các đoàn khách nước ngoài, nhưng rất tiếc là chẳng ai thuê tôi cả.

Người yêu của tôi thường bảo rằng tôi thiệt thòi nhiều cũng vì tính nhút nhát, không quyết đoán, còn mẹ cô ấy thì bảo tôi là người bị đặt sai vị trí. “Vị trí” mà bà ấy muốn nói đến là cái nơi mà lương tháng nhiều bằng lương năm của tôi bây giờ.

Ôi, mải nghĩ lung tung tôi quên mất là phải mua vé xe buýt. Tôi móc trong túi ra mấy xu lẻ. Một đồng năm xu và một đồng ba xu.

Nếu tôi bỏ đồng năm xu vào thì thừa, mà bỏ đồng ba xu vào thì ăn gian của Nhà nước vì vé xe buýt là bốn xu. Nhưng hôm nay tôi quyết định nhận phần lợi về mình. Tôi thả ba xu vào máy tự động, xé vé và ngồi xuống chiếc ghế gần nhất.

Người phụ nữ vẫn đọc báo từ lúc tôi lên xe bỗng đứng dậy lại gần tôi và dằn giọng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh vừa bỏ mấy xu vào máy bán vé thế?

Hóa ra đó là người kiểm tra vé. Nhưng hôm nay lòng đã quyết là không sợ bất cứ ai nên tôi cũng dằn giọng lại:
- Ba xu.
- Thế là một chiếc vé là mấy xu anh có biết không?
- Bốn xu – tôi bình thản trả lời.
- Vậy tại sao anh chỉ bỏ có ba xu?
- Vì tôi tiếc tiền.

Người soát vé nhìn tôi đầy ngỡ ngàng.
- Nếu bây giờ phải nộp tiền phạt gấp mười lần thì anh có tiếc không?
- Sao lại không? Tiếc đứt ruột đi ấy chứ.
- Có thể lúc ấy anh cứ tưởng mình đã bỏ bốn xu vào – người soát vé cố vớt vát cho tôi.
- Tôi không tưởng gì hết. Tôi tiếc tiền nên chỉ bỏ có ba xu thôi. Chị thích phạt thì cứ phạt đi – giọng tôi đầy quả quyết.

Người soát vé không biết phải hành động thế nào nữa. Có lẽ đây là lần đầu tiên chị ta gặp phải một kẻ lậu vé thật thà đến ngang ngược như thế này.
- Thế anh cho rằng phạt được anh là tôi sung sướng lắm sao – bà soát vé hỏi.
- Tôi nghĩ rằng phạt kẻ lậu vé chính là ý nghĩa công việc của chị.

Xe buýt dừng lại. Đã đến bến của tôi. Tôi bỏ năm xu vào máy và xuống xe.

Sân trường im lặng và vắng vẻ. Lớp 5B của tôi ở phía hành lang. Lúc này chắc thằng Alex lại đang chạy quanh các bàn chọc ghẹo các bạn, còn thằng Kolia Sobokin thì đang vắt vẻo lên trần nhà.

Ngày trước đây là phòng tập thể thao nên bây giờ ở cuối lớp vẫn còn những cột xà đơn, xà kép. Lần nào cũng vậy giờ học tiếng Pháp của tôi ở lớp 5B cũng bắt đầu từ việc đuổi Sobokin từ trên cột xà xuống đất.

Hôm nay cũng vậy, tôi bắt đầu giờ học bằng cuộc đối thoại với Sobokin:
- Sobokin
- Sao ạ?
- Sao lúc nào cậu cũng phải trèo lên mấy cái cột ấy là thế nào? Chẳng lẽ cậu không nghĩ ra được cái gì hay ho hơn hay sao?
- Em thích ngồi đây, với lại em có làm ảnh hưởng đến ai đâu ạ.

Tôi nghĩ nó nói cũng có lý, quả thực nó ngồi đâu thì có ảnh hưởng gì đến ai đâu cơ chứ.
- Thôi được, nếu thích thì em cứ ngồi trên đó cũng được.

Nói rồi tôi dở sổ điểm ra và điểm danh.

Tôi tự thấy những giờ lên lớp của mình thật nhàm chán. Lúc nào tôi cũng chăm chăm nhìn đồng hồ xem còn bao nhiêu phút nữa thì hết tiết. Khi còn học ở trường đại học ngoại ngữ tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của V. Hugo, Moler, Rable bằng nguyên tác còn bây giờ tôi lại đứng đây chỉ để giải thích cách chia động từ ở thời Imperfair và dịch những câu nhàm chán và đơn điệu: “đây là trường học”, “đây là bạn học sinh nam”, “bây giờ là buổi sáng…”

Tôi tin chắc là bọn trẻ cũng chẳng có hứng thú gì khi nghe tôi giảng bài cả. Có lẽ trò leo cột nhà của thằng Sobokin còn vui hơn nhiều. Hôm nay Sobokin tụt xuống đất ngay vì được tôi cho phép nên nó không còn gây được sự chú ý của cả lớp nữa.

Điểm danh xong tôi hỏi bài về nhà và bắt đầu gọi những học trò hay nhận được điểm kém lên bảng.

Một chiếc máy bay giấy bay vèo ngang qua lớp và đậu xuống chỗ Tamara Dubova.
- Dubova – đưa cái máy bay cho thầy.
- Thư nào ạ?
- Còn thư nào nữa. Chẳng lẽ em có nhiều thư gửi đến theo kiểu này lắm hay sao?
- Em không có cái nào ạ.
- Cái máy bay giấy ở dưới chân em kia kìa.

Dubova nhặt chiếc máy bay giấy lên đặt ngay ngắn trên bàn của tôi rồi lặng lẽ đi về chỗ.
- Zhenhia lên bảng và dịch đoạn văn thày đã giao về nhà – tôi nói.

Đọc trước cả lớp thì không tiện nhưng thật lòng tôi rất muốn biết các cô cậu 12 tuổi viết gì cho nhau nên mở tờ giấy ra đọc dưới gầm bàn “Dubova ơi, mình yêu cậu, nhưng mình không thể nói mình là ai. Mình viết ngoáy nên chữ xấu bạn thông cảm nhé. Kolia”. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao cái tên “nặc danh” kia lại thích trèo lên trần nhà đến thế. Tôi bỗng thấy buồn quá. Bọn trẻ mới 12 tuổi và tất cả còn đang ở phía trước, còn tôi thì đã sắp sang đến bên kia đỉnh dốc rồi.
- Về chỗ đi – tôi bảo Zhenhia.

Tôi đứng dậy vừa đi dọc các hàng ghế vừa kể cho bọn trẻ nghe những điều mà bản thân tôi thích thú chứ không phải về cách chia thời Imperfair của các động từ. Tôi say sưa kể cho chúng về lịch sử của tiếng Pháp, về các danh nhân văn hóa Pháp, chuyện tại sao người nước ngoài dù có giỏi tiếng Nga thế nào đi nữa thì phát âm vẫn không thể chuẩn như người Nga được, về phương pháp dịch nghệ thuật, rằng một câu có thể dịch ra nhiều cách khác nhau. Rồi tôi đọc cho chúng nghe những trích đoạn từ những kiệt tác văn chương Pháp qua bản dịch của các dịch giả tài ba.

Tôi vừa kể vừa chăm chú ngắm nghía bọn trẻ. Đứa thì chắp ta dưới cằm, đứa thì đưa mắt nhìn xa xăm. Trước mắt tôi là ba mươi con người khác nhau, sinh động và đáng yêu, vậy mà từ trước đến nay tôi chẳng nhớ nổi tên đứa nào ngoài Kolia Sobokin và Tamara Dubova.

Sau đó chúng tôi cùng dịch câu: “C’est le matin” và nhận thấy rằng có ba phương án dịch câu này: “Buổi sáng”, “Sáng rồi”, “Giờ là buổi sáng”.

Chuông hết tiết reo lên, giờ học tiếng Pháp đã hết vậy mà tôi vẫn chưa kịp giải thích thế nào là Imparfait của nhóm động từ thứ nhất, chưa kịp gọi hết những cô cậu học kém lên bảng gỡ điểm.

Buổi trưa tôi xuống nhà ăn. Tôi muốn lấy món xúc xích và bắp cải, nhưng lúc này bà hiệu trưởng Vera Petrovna bước vào nhà ăn thế là tôi lại quyết định lấy món bánh rán với pho mát tươi.

Mỗi lần ngồi cùng với bà Vera tôi luôn thấy khó xử. Bà Vera không có gia đình, luôn làm việc miệt mài, hăng say và hình như đó chính là ý nghĩa của cuộc đời bà. Tôi cũng chưa có gia đình nhưng tôi làm việc không mấy siêng năng, vì ý nghĩa của cuộc đời tôi, nếu có, chắc chắn không đặt trong công việc.

Trong mắt bà hiệu trưởng không có người thông minh hay đần độn, không có những con người giản đơn hay phức tạp. Đối với bà chỉ tồn tại khái niệm người giáo viên tốt và người giáo viên tồi.

Tôi là một giáo viên tồi. Sự hiện diện của bà Vera luôn làm tôi cảm thấy lúng túng thế nào ấy, nên tôi rất ngại phải đối diện với bà. Tôi thường cố gắng làm cho bà hiệu trưởng hiểu rằng đằng sau bức tường của trường tiểu học là một cuộc sống khác và đó mới là cuộc sống thực sự của tôi. Nhưng hôm nay thì tôi không muốn nói điều gì cả. Tôi đợi xem bà Vera sẽ nói gì về việc tôi đi làm muộn.
- Sau khi tốt nghiệp anh xin đi dạy học ở đây à? – bà Vera cất giọng nhỏ nhẹ.
- Không, thực ra tôi muốn đến vùng kinh tế mới, đến thảo nguyên.

Đúng là sau khi tốt nghiệp tôi đã rất muốn đến vùng thảo nguyên xa xôi đó. Không phải là để đóng góp xây dựng đất nước, vì chẳng cần phải đi đâu xa nếu muốn công hiến thì ở ngay thủ đô Moscow tôi cũng làm được việc ấy. Vấn đề là ở chỗ người ta thường nói tính cách, khí phách của một con người sẽ được tôi luyện trong những hoàn cảnh khó khăn. Rất có thể sau vài năm lăn lộn ở vùng kinh tế mới tôi sẽ quay về Moscow và làm công tác dịch thuật, rất có thể tôi sẽ trở thành một dịch giả tài bà mà bà Vera chỉ vừa nghe đến tên tôi thôi đã phải trầm trồ ngưỡng mộ. Ngoài ra tôi cũng rất muốn biết thế nào là vùng thảo nguyên, làm quen với những người lăn lộn sống thiếu thốn tiện nghi nơi đó, những người không thèm đếm xỉa đến hộ khẩu thủ đô.

- Thế sao cậu lại không đi đến đó? – Bà Vera hỏi. Bây giờ tôi sẽ phải giải thích rằng lúc bấy giờ mẹ tôi đang ốm nặng vì bố đã bỏ mẹ con tôi để đến với người đàn bà khác. Rồi chuyện Nhina lúc bấy giờ chưa tốt nghiệp đại học và cần tôi giúp đỡ cô ấy tiền để sống và hoàn thành luận văn.
- Tôi cần phải ở lại Moscow.
- Để làm gì?

Bà Vera chắc rằng tôi đã ở lại vì những học sinh thân yêu ở lớp 5B nhưng tôi lại trả lời:
- Lúc bấy giờ có hai người phụ nữ rất cần đến sự giúp đỡ của tôi.

Bà hiệu trưởng hấp tấp cúi xuống ăn món xúp đã nguội. Chắc là bà không dám hỏi thêm tôi những câu hỏi về cuộc sống riêng tư nữa vì ai mà biết được tôi sẽ kể cho bà những gì khi “lên cơn” cởi mở. Bà Vera quyết định chỉ nói về công việc.
- Hôm nay cậu lại đi muộn đấy nhé – bà Vera nói – Đây là lần thứ ba trong tuần này rồi.
- Lần thứ tư rồi ạ – tôi đính chính lại.
- Cậu không biết ngượng à?
- Cũng không ngượng mấy – tôi thú nhận.
- Quá quắt ghê! Cậu có hiểu được việc giáo viên đến lớp muộn gây ảnh hưởng không tốt cho lũ trẻ thế nào không? Chúng chờ mãi không thấy thầy, cô sẽ trở nên lo lắng, hốt hoảng.
- Tôi không nghĩ thế. Tôi đến muộn chúng nó sướng thì có vì chúng nó tưởng tôi ốm.

Bà Vera nhìn tôi chăm chú và bỗng đỏ mặt bối rối. Chắc bà ấy nghĩ là tôi đang định làm duyên với bà ấy. Và điều đó làm cho bà hài lòng mặc dù trong mắt bà tôi là một thầy giáo tồi. Còn tôi, khi lần đầu tiên nhìn thấy bà hiệu trưởng đáng kính mỉm cười, thì nhận ra rằng thực ra bà Vera còn rất trẻ và không khô khan, cứng nhắc như tôi tưởng.

- Chẳng lẽ cậu sống không có hoài bão ư? – Bà Vera hỏi.
- Có chứ. Tôi luôn mơ ước viết được những truyện ngắn.
- Thế sao cậu không viết?
- Tôi viết rồi nhưng người ta không đăng.
- Vì sao?
- Họ nói là truyện của tôi rất dở.
- Không thể như thế được. Tôi thì tin chắc là truyện ngắn của cậu sẽ rất hay đấy.

Kể cũng lạ, chẳng hiểu sao mọi người xung quanh thường kỳ vọng ở tôi nhiều hơn là thực lực mà tôi có. Hồi còn nhỏ khi tôi theo học lớp đàn piano cô giáo dạy đàn thường nói với mẹ tôi rằng tôi là một chú bé có tài nhưng lười nhác, rằng nếu tôi chăm chỉ hơn thì rất có thể tôi sẽ thành một thiên tài âm nhạc như Mozart. Tôi thì biết chắc rằng dù thế nào đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ có chuyện tôi sẽ trở thành một thần đồng hay một cái gì đại loại như thế.
- Hôm nay không thể nói chuyện gì nghiêm túc với cậu được – bà Vera vừa nói vừa sửa lại mái tóc.

Chuông báo giờ học mới bắt đầu. Tôi có tiết ở lớp 9A.

Trường tôi dạy có một ưu điểm so với các trường học khác là rất gần chợ. Tôi thường tranh thủ những lúc rãnh rỗi chạy ù ra chợ mua bó hoa và một ít hoa quả cho Nhina. Tặng hoa là thể hiện sự hào hoa, và Nhina rất hạnh phúc mỗi khi tôi quan tâm tới cô ấy như thế. Nhưng cầm hoa đi trên đường thì tôi thấy cứ ngường ngượng thế nào ấy nên tôi hay dấu vào trong cặp.

Mọi người xung quanh cho rằng tôi là một con người kỳ dị. Chẳng hạn tôi ăn rất khỏe nhưng người lúc nào cũng gày đét. Tôi thường dịch những truyện ngắn từ tiếng này sang tiếng khác mặc dù chẳng ai yêu cầu tôi làm việc đó cũng như chẳng ai trả cho tôi một xu vì những bản dịch ấy, trong khi đó tôi lại nhất quyết không chịu dạy thêm mặc dù rất nhiều phụ huynh học sinh yêu cầu tôi làm gia sư và hứa sẽ trả những khoản tiền hậu hĩnh.

Nhina nói rằng tôi là một con người tinh tế và có bản lĩnh. Bố Nhina nói ở tuổi 25 chưa thể nói gì chính xác về một con người. Còn mẹ Nhina thì cho rằng mọi thứ không phụ thuộc vào tuổi tác mà phụ thuộc vào cá tính của từng con người. Bà có cách đánh giá riêng rất đỗi nghiêm khắc về cá tính của tôi. Có thể nói bà rất coi thường một thầy giáo tiểu học nghèo kiết xác như tôi. Bà mẹ vợ hờ thường chế giễu tôi vì tôi ở một con hẻm khỉ ho cò gáy chứ không phải là ở trung tâm thành phố, vì tôi không sinh ra trong một gia đình gia giáo, vì tôi không có nổi một chiếc áo bành tô cho tử tế, vì tôi không đóng phim, không viết báo và điều quan trọng hơn cả là tôi không kiếm được nhiều tiền như bà ấy. Để làm vừa lòng bà mẹ Nhina tôi có thể đổi căn hộ hai phòng của mình lấy căn hộ một phòng ở trung tâm, có thể may cho mình một chiếc áo bành tô sang trọng, nhưng kiếm tiền nhiều hơn bà ấy thì tôi không thể.

Mẹ Nhina là chuyên gia thẩm mỹ. Mỗi khi tới chơi tôi lại thấy bà ấy pha chế kem dưỡng da, tất nhiên là không phải cho bản thân mà là để bán cho khách hàng. Còn bà ấy dùng loại kem Vanda, nghe đâu là loại kem dưỡng da hàng đầu châu Aâu. Những khách hàng khát khao làm đẹp sau khi được nghe những lời giảng giải vàng ngọc về cách chăm sóc da mặt và đặc biệt là sau khi ngắm nhìn làn da căng mịn, mỡ màng của chuyên da thẩm mỹ thì sẵn sàng móc hết hầu bao để mua bằng được loại kem đặc biệt mà chuyên gia khuyên dùng cho dù giá có cắt cổ tới đâu. Công thức pha chế loại kem đó được mẹ Nhina giữ kín, mặc dù tôi tin rằng cũng chẳng có gì là đặc biệt và bí ẩn như bà ấy vẫn thường ca ngợi.

Trong nhà Nhina tiếng nói của bố cô chẳng có chút trọng lượng nào. Ông là một người rất tốt nhưng cứ như lời vợ ông nói thì tốt bụng không phải là nghề nghiệp và chẳng ai trả tiền cho anh vì anh tốt bụng cả. Tôi hiểu rõ hoàn cảnh gia đình Nhina nên rất ít khi đến nhà cô chơi, trừ những khi cô ốm hoặc chúng tôi đang giận nhau. Hai chúng tôi đã quan hệ với nhau năm năm nhưng đến nay vận chưa có gì rõ ràng cả. Trong quãng thời gian ấy chúng tôi đã có thật nhiều kỷ niệm buồn vui…

Hôm nay cũng vậy tôi mua hoa và nho đến để làm lành với Nhina, tôi không muốn cô ấy giận tôi thêm nữa. Khi tôi bước vào phòng, Nhina đang lúi húi viết cái gì đó. Nhìn thấy tôi, cô ấy thu dọn giấy tờ lại, mặt hơi đỏ lên vì bất ngờ, vì vui mừng, cũng có thể vì cô vẫn đang tức giận, hoặc giả vì tôi bắt gặp cô ấy khi khuôn mặt không hề trang điểm. Nhi na của tôi có lúc nom rất xinh nhưng có lúc cũng thật khó coi, có lúc rất cởi mở, lúc lại rụt rè, khi rất mực thông minh, khi lại đờ đẫn, ngốc nghếch. Câu hỏi cửa miệng của cô là: “Thế là tốt hay xấu?” và mỗi lần như thế tôi lại chẳng biết trả lời cô ấy thế nào cho phải.

Tôi cởi áo khoác và ngồi xuống đi văng. Nhina lại giở tập giấy ra viết tiếp. Cả hai đều im lặng.
- Anh này, chẳng lẽ anh không thấy là anh đang coi thường em ư? – Không chịu nổi sự im lặng Nhina lên tiếng trước.
- Sao em lại nghĩ như thế?
- Chúng ta hẹn nhau lúc bảy giờ. Vậy mà anh bắt em đợi đến bảy giờ mười lăm cũng chẳng thấy đâu. Anh có biết là mọi người trên đường nhìn em như là một con ngớ ngẩn không? Chưa nói gì đến tình yêu, ít ra anh cũng phải biết giữ phép lịch sự tối thiểu chứ.
- Anh đến lúc bảy giờ mười sáu phút thì không thấy em đâu nữa.
- Tại sao bảy giờ mười sáu phút anh mới đến trong khi chúng ta hẹn nhau đúng bảy giờ?
- Vì đường đông quá nên anh đến muộn.
- Anh nói dối.
- Anh không nói dối.
- Hay anh cho rằng tôi là một con ngốc.
- Đôi khi anh cũng nghĩ thế.

Nhina ngạc nhiên nhìn tôi không chớp mắt. Theo kịch bản của cô ấy thì tôi sẽ nói: “Đừng nghĩ lung tung nữa em yêu, anh chưa bao giờ nghĩ như thế về em cả?. Rồi cô ấy sẽ tiếp lời: “Không, em đúng là một con ngốc vì đã trao cả tuổi thanh xuân, nhưng năm tháng đẹp nhất và tình yêu của mình cho anh”.

Nhưng lần này tôi đã làm xáo trộn kịch bản nên Nhina bối rối không biết phải hành động thế nào.
- Em đã hiểu tất cả rồi.

Cô ấy hiểu cái gì mới được chứ? Cô ấy cứ làm như vấn đề là ở chỗ tôi đến lúc bảy giờ hay bảy giờ mười sáu phút không bằng. Thực ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn chưa cầu hôn cô ấy.
- Em hiểu cái gì? – Tôi hỏi.
- Em biết là anh nói dối – Mặt Nhina trắng bệch, tái nhợt. Có lẽ cả đêm qua cô đã không ngủ, không chợp mắt.
- Khi anh nói thật thì em lại không tin.
- Hôm qua anh đinh ninh rằng em sẽ đợi anh đến cùng đúng không? Anh đã quen với việc em là người luôn phải chờ đợi chứ gì. Em đã đợi anh suốt năm năm. Nhưng giờ thì em không thể đợi thêm anh được nữa. Anh có hiểu không? Em sẽ không chờ đợi anh nữa, không bao giờ!

Đáng lẽ ra tôi phải đứng bật dậy, không, sẽ lãng mạn và ép-phê hơn nếu tôi ngay lúc này tôi quỳ xuống dưới chân nàng và ngỏ lời cầu hôn. Nhưng tôi lại im lặng.
- Nhìn chung anh là một kẻ nói dối. Anh nói rằng tối nào anh cũng phải dịch ư? Thế những bản dịch ấy đâu nào? Anh có lần nào cho ai nhìn thấy chúng chưa?
- Làm gì có bản dịch nào, em nói đúng, chiều nào anh chẳng tới nhà thằng Lenka chơi bài và uống bia.
- Em nói nghiêm túc đấy – Nhina lại gần tôi, - Hãy cho em xem những bản dịch của anh được không?
- Anh thề là không có bản dịch nào cả – tôi nói giọng nghiêm túc – Anh với Lenka hay đi chơi với nhau, anh không muốn cho em đi cùng vì những chỗ ấy có những cô gái khác, mà nói chung là anh thấy chán em lắm rồi.

Nhina phá lên cười, cô ngồi xuống bên tôi, âu yếm vuốt ve tôi. Có lẽ cô ấy nghĩ là tôi đang nói đùa. Tư dưng tôi cảm thấy trống trải. Khi tôi nói dối thì mọi người tin sái cả cổ, còn khi tôi nói thật thì chẳng ai chịu tin tôi cả.

Sáu giờ bố của Nhina đi làm về, cả nhà ngồi vào bàn ăn tối. Lúc nào tôi đến đây, mọi người cũng đon đả mời tôi ở lại dùng bữa với gia đình.

Vừa múc súp ra đĩa mẹ Nhina vừa đưa mắt hết nhìn tôi lại nhìn con gái mình. Chắc bà muốn thăm dò xem chúng tôi đã làm lành với nhau chưa. Không nhận thấy bất cứ dấu hiệu gì của sự làm lành bà đành phải hỏi:
- Thế nào?
- Mẹ này – Nhina đỏ mặt.
- Mẹ hỏi súp có ngon không cơ mà? Cháu thấy món súp của bác thế nào Valeri?

Món súp khó có thể khen là ngon nhưng so với cái được gọi là súp mà tôi vẫn ăn ở trường thì cũng không đến nỗi nào.
- Không đến nỗi nào ạ – tôi trả lời miễn cưỡng.

Mẹ Nhina nhìn tôi đầy ngạc nhiên vì chỉ có những kẻ trơ tráo thì mới nói những câu tương tự như vậy khi được mời ăn. Vẫn biết “sự thật mất lòng” và trong cuộc sống có nhiều khi nói thật còn tồi tệ hơn nói dối, nhưng hôm nay thì khác vì đêm qua tôi mơ thấy cầu vồng.
- Ôi súp ngon quá mẹ ạ – Nhina liến láu.
- Valeri, hôm nay anh có đọc báo “Sự thật” không? Có tin mấy con đại bàng lao vào máy bay đấy – Bố Nhina chuyển chủ đề vì ông biết chắc rằng ngay bây giờ đây câu hỏi về món súp sẽ được chĩa vào ông. Sau hai nhăm năm chung sống ông đã thuộc lòng tất cả các câu hỏi và câu trả lời, cũng như thời điểm của từng câu hỏi của vợ mình.
- Cháu có đọc ạ – Tôi đáp.
- Chuyện gì hay thế, kể cho con nghe với nào – Nhina háo hức hỏi.
- Một chiếc máy bay dân dụng đang bay qua một vùng núi, bỗng có ba con đại bàng dàn hàng phía trước, một con lao thẳng vào máy bay đó.
- Đúng là điên! – Mẹ Nhina thốt lên.
- Rôi sao nữa bố.
- Nó ngã xuống, đập mình vào vách đá, hai con đại bàng còn lại sợ quá bay mất.
- Chỉ có điên mới lao vào máy bay – Mẹ Nhina lầu bầu.
- Hay con đại bàng nghĩ máy bay là một con chim? – Nhina hỏi.

Tất cả mọi người trầm ngâm suy nghĩ về những con đại bàng tội nghiệp. Có lẽ chỉ bà mẹ Nhina là nghĩ đến việc hôm nay tôi có cầu hôn con gái bà ấy không.
- Chủ nhật này bác Boria mời nhà mình đến ăn cơm đấy – mẹ Nhina phá tan sự im lặng.

Như vậy có nghĩa là gia đình Nhina muốn chính thức giới thiệu tôi trước những người họ hàng với tư cách là một chàng rể.
- Thể hôm nay bác ấy không mời hai bác đến chơi ạ? – Tôi hỏi.
- Sao lại hôm nay? – Bố Nhina thắc mắc.
- Không sao ạ. Nhưng cháu cứ nghĩ là tối nay hai bác sẽ đi chơi.

Nhina nhìn tôi đầy ngụ ý.
- Hai anh chị này lại giở trò đây – mẹ Nhina cũng nhìn tôi đầy khích lệ.

Kỳ lạ thật, suốt cả ngày hôm nay tôi đã cố gắng sống trung thực với mình và mọi người, nhưng không ai chịu tin tôi cả. Người soát vé cho rằng tôi định giỡn chị ta, bà hiệu trưởng tưởng tôi định làm duyên với bà ấy. Nhina thì cho rằng tôi pha trò, còn mẹ Nhina hy vọng tràn trề là tôi sẽ làm cái việc mà đáng lẽ ra phải làm từ lâu rồi mới phải.

Chắc hẳn Nhina nghĩ rằng khi cánh cửa đóng lại sau lưng bố mẹ, tôi sẽ nhảy xổ vào ôm chầm lấy cô ấy. Nhưng cửa đã khép lại từ lâu mà tôi vẫn ngồi trơ như khúc gỗ vô tri vô giác.

Điều đó thực sự làm Nhina nổi cáu. Vừa thu dọn bát đĩa cô vừa cố tình đập chúng vào nhau loảng xoảng, chắc để trút cơn giận.

Tôi chợt nhớ ra rằng tôi đã mua hoa cho cô và giờ những bông hoa tội nghiệp đó vẫn đang nằm trong cặp sách. Tôi lấy chúng ra, im lặng đưa cho Nhina. Cô ngạc nhiên đến nỗi suýt làm rơi chiếc đĩa đang cầm trên tay xuống nền nhà. Cô nhẹ nhàng đặt chiếc đĩa xuống bàn, đưa hai tay ra đón lấy bó hoa, chăm chú ngắm nhìn những cánh hồng đỏ thắm rồi cô ngồi xuống bên tôi, áp mặt vào ngực tôi, vào vai tôi. Tôi cảm nhận được những sợi tóc mềm mại ấm áp của cô mơn trớn trên má tôi. Tôi có cảm giác mình có thể ngồi như thế này suốt cả cuộc đời.

Có tiếng chuông điện thoại.
- Anh nhắc máy hộ em với, anh yêu – giọng Nhina nũng nịu.
- Cho hỏi Valeri có ở đây không ạ? Đó là giọng của Len ka.
- Chào cậu mình đây – tôi đáp
- Hả, cậu vừa nói gì đấy – bạn tôi tưởng đã nghe nhầm vì những từ như “xin chào” tạm biệt” “làm ơn” không hề có trong từ điển chung của chúng tôi.
- Xin chào cậu, Lenka – tôi nhắc lại.
- Cậu bị điên à?
- Không, tớ là người lịch sự mà – tôi giải thích.
- Hắn ảo hắn là người lịch sự – vẫn giọng của Lenka nhưng không phải là nói với tôi mà là nói với ai đó ở đầu dây đằng kia – cậu chờ một lác có người muốn nói chuyện với cậu đấy – câu này thì hắn nói với tôi.
- Anh Valeri đấy à – một giọng nữ lảnh lót vang lên.

Có một phụ nữ xinh đẹp đang âu yếm gọi tôi từ đầu kia thành phố, vậy mà tôi im lặng. Tôi không muốn nói dối cũng lại càng không muốn nói thật. Vì nói thật có nghĩa là tôi sẽ mất Nhina, người đang âu yếm dụi đầu vào ngực tôi, người mà tôi đã quen quan tâm, chăm sóc suốt bao năm qua. Nghĩ vậy, tôi vội cúp máy.
- Ai gọi thế anh? – Cô ấy nhìn tôi với đôi mắt hoảng hốt như suýt nữa thì cô ấy bị xe tải đâm vào vậy.
- Một người phụ nữ.

Nhina đứng dậy, thu dọn bát đĩa và mang ra bếp rửa.

Còn tôi ngồi trên đi văng và hút thuốc. Tâm trạng tôi thật rối bời cả ngày hôm nay tôi đã sống rất thật, tôi đã sống và cư xử như tôi muốn, không sợ một ai cả và nói ra những điều tôi nghĩ. Mọi người đều nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhưng tất cả đều tỏ ra âu yếm và hết sức ân cần với tôi.

Ngày hôm nay tôi nhận ra rằng trên đời này người tốt nhiều người xấu ít và thật dễ chịu biết bao nếu tất cả mọi người luôn thành thật với nhau, dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt nhất. Bởi vì nếu bạn cho phép mình nói dối những chuyện nhỏ thì theo quán tính sẽ nói dối cả những việc lớn hơn.

Ngày hôm nay thật tuyệt vời, nhưng tôi biết chắc rằng nếu ngày mai lại như hôm nay thì người soát vé sẽ phạt tôi rất nặng, bà hiệu trưởng sẽ đuổi việc tôi và Nhina sẽ tống cổ tôi ra khỏi nhà để rồi không bao giờ thèm gặp tôi nữa. Rõ ràng là để sống thật với lòng mình mọi lúc, mọi nơi thật khó.

Nhina thu dọn đến những chiếc cốc.
- Anh đang nghĩ gì đấy – Cô hỏi.
- Nếu sống mà không phải nói dối dễ chịu hơn là lúc nào cũng nói dối.
- Điều đó thì thằng ngốc cũng biết – cô nhún vai.

Hóa ra thằng ngốc cũng biết điều ấy, còn tôi thì không. Có rất nhiều điều đối với tất cả mọi người là hiển nhiên, còn tôi thì lại rất mơ hồ.

Lenka tốt nghiệp đại học cùng với tôi, lúc ấy cậu ta cũng rất cần cho hai người đàn bà, nhưng Lenka vẫn đi trên vùng kinh tế mới, vẫn đến với thảo nguyên. Còn tôi thì không. Còn với tôi tất cả chỉ dừng lại ở hai từ “mơ ước” và “mong muốn”. Rồi một ngày không xa nữa chắc Nhina sẽ không còn bảo rằng tôi là một con người tinh tế nữa, cô sẽ đặt cho tôi một cái tên khác ví dụ như “một kẻ luôn không gặp may, bất tài” chẳng hạn.
- Ngày mai anh định làm gì? – Bất giác Nhina hỏi tôi.
- Anh á? Anh sẽ phá đời.

Nhina mỉm cười bẽn lẽn rồi cụp hai hàng mi xuống đi vội ra bếp. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng ngày mai tôi sẽ cầu hôn cô ấy.

-/-
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Thu Feb 19, 2009 1:47 am    Tiêu đề:

Trong đời sống thường, không biết chúng ta có nắm được mơ ước và mong muốn một cách trọn vẹn ở cuối nẻo hành trình hay không. Dù sao, được nói thật với với những gì suy nghĩ - bạn đã là người can đảm. Hơn thế nữa, trong cuộc sống nếu không bị đánh mất chính mình thì đó lại là niềm hạnh phúc lớn hơn. Còn nữa, ai là người hiểu bạn.
Cũng có khi bạn phải đi tìm suốt cả cuộc đời.
Xin chúc bạn gặp may.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân