TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Huyền thoại về trâu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Huyền thoại về trâu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Dư khánh



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 436

Bài gửiGửi: Fri Feb 06, 2009 12:45 am    Tiêu đề: Huyền thoại về trâu
Tác Giả: Nguyễn Phú Thứ

Huyền thọai về trâu

Nguyễn Phú thứ

Trong dân gian mình có những huyền thoại tương truyền về Trâu, xin trích dẫn như sau:


Tại sao Trâu ăn cỏ?

Thuở xưa, Ngọc Hoàng sai một vị Bồ Tát xuống trần gian mang theo 1 bao hạt giống lúa và 1 bao cỏ để phổ độ chúng sanh. Trước khi xuống trần, Ngọc Hoàng đã tỉ mỉ căn dặn, đến trần gian phải gieo rắc bao hạt giống lúa trước để dân có dư giả mà ăn, còn bao cỏ thì gieo sau để nuôi thú vật. Nhưng khi vị Bồ Tát đến trần gian, thấy phong cảnh khác lạ, nên mãi mê xem mà quên lời căn dặn của Ngọc Hoàng, để rồi gieo bao cỏ trước và bao hạt giống lúa sau. Từ đó, cỏ không cần trồng cũng mọc tràn lan khắp mọi nơi, các thú vật ăn không bao giờ hết vì quá dư thừa và không làm sao diệt cỏ hết được. Còn lúa phải gieo trồng rất cực khổ và khó khăn mới có ăn, bởi vì bị cỏ mọc lấn áp làm lúa phát triển chậm hơn cỏ. Bởi lỗi ấy của vị Bồ Tát, làm cho người trần gian trồng lúa rất khó nhọc mới có ăn và cỏ thì mọc tự nhiên quá nhiều, cho nên Ngọc Hoàng mới đày vị Bồ Tát này xuống trần gian hóa thành con Trâu để giúp người trần gian cày bừa trồng lúa và ăn cỏ, chừng nào hết cỏ sẽ được tha thứ cùng phục hồi địa vị cũ, nhưng ăn hoài vẫn không bao giờ hết cỏ được, nên Trâu chưa thoát kiếp. Do lý do trên, nên Trâu thường đi cày bừa giúp nông gia và ăn cỏ.

Trong dân gian xem Trâu là vị Bồ Tát, có tánh tình hiền, nên ít ăn thịt hơn Bò là thế.

Tại sao Trâu chỉ có một hàm răng ?

Cũng tương truyền thuở xưa rằng : Các loài thú vật bốn cẳng như : Chó, Mèo, Trâu, Cọp ...v.v thì có được hai hàm răng, duy chỉ có con Ngựa dù cũng có 4 cẳng, nhưng chỉ có một hàm răng. Bửa nọ, Ngựa được mời đi dự tiệc, Ngựa nghĩ rằng mình chỉ có một hàm răng ăn rất chậm, nên đi hỏi Chó, Mèo, Cọp ... để mượn hàm răng, thì Chó, Mèo, Cọp ... cũng được mời ăn tiệc, chỉ còn Trâu cũng được mời ăn tiệc, nhưng không muốn đi vì lười, phần làm việc cực nhọc nên thân thể ê ẩm, nên không đi dự tiệc, cho nên Trâu được Ngựa đến năn nỉ và than thân trách phận vì số không có hai hàm răng, rồi hứa chỉ mượn tạm hàm răng của Trâu đi ăn tiệc xong sẽ trả lại liền, còn đền ơn đáp nghĩa cho Trâu. Trâu nghe bùi tai, động lòng nên gỡ cho Ngựa mượn. Sau khi dự tiệc xong, Ngựa thấy có hai hàm răng ăn rất mau và lại ngon miệng, nên động lòng tham, không giữ gìn lời hứa, bèn trốn lánh Trâu để giựt luôn hàm răng.

Một hôm Trâu gặp được Ngựa đòi lại hàm răng và mắng chửi Ngựa thậm tệ, Ngựa phóng nước đại chạy trốn mất dạng, Trâu rượt theo một hồi không bắt kịp Ngựa, vì thân thể nặng nề nên rất chậm chạp. Từ đó, Trâu dành nuốt hận cho đến ngày nay, chỉ có một hàm răng, trong khi Ngựa lại có hai hàm răng.

Đó là, nguyên do Trâu ăn cỏ, chỉ có một hàm răng và cày bừa giúp nhà nông trồng lúa. Đây là một trong những tương truyền trong dân gian để răn đời đáng quý !


Tại sao Trâu không biết nói tiếng người

và có cái sẹo như nốt ruồi dưới cổ ?

Thuở xa xưa, Trâu cùng nói được tiếng với người, nhờ vậy người dùng lời nói để sai khiến Trâu, cho nên bọn mục đồng (chăn Trâu) không thể dùng roi để đánh đập Trâu hay không cho Trâu ăn cỏ đầy đủ, vì sợ Trâu mét chủ. Nhờ vậy, người cùng vật quấn quít và thương mến nhau. Có một gia đình nông dân nọ, có nuôi một con Trâu và mướn một cậu bé để chăn Trâu, thời gian sau nó bỏ bê chăn Trâu, vì mê lo đánh đáo cùng bọn chăn Trâu khác, nhưng sợ Trâu đi ăn lúa, nên nó cột Trâu lại một chỗ không cho ăn uống, cho nên Trâu bị đói, bụng xếp ve, để qua mắt chủ, nó lấy mo cau áp vào bụng Trâu rồi trét bùn bên ngoài. Cứ thế, ngày ngày nó dẫn Trâu về chuồng, người chủ thấy bụng Trâu no tròn thì hài lòng và yên bụng tưởng rằng nó lo cho Trâu cẩn thận chu đáo, có ngờ đâu Trâu thì bị đói cả ngày, không như các ngày vừa qua, chỉ bỏ Trâu đói vài giờ, cho nên Trâu định mét chủ, nhưng Trâu bị nó khôn ngoan, lanh lợi dùng lời lấn áp Trâu, không cho Trâu có dịp nói với chủ. Sáng hôm sau, người chủ vắt Trâu đi cày, Trâu đi không nổi vì đói, nên bị chủ quát : "Mau lên đồ lười". Trâu trả lời: "Không phải lười vì đói" Chủ nói : “Ngày nào nó cũng cho mầy ăn một bụng no nê mà đói nỗi gì?”. Trâu thố lộ : "Nó chỉ lo mê đánh đáo, rồi nói láo cho tôi ăn no, no gì mà no trong mo cau ngoài đất sét". Người chủ vội vàng kiểm chứng thấy sự thật, khi lột mo cau trét bùn dưới bụng Trâu và đánh cậu bé chăn Trâu một trận nên thân. Từ đó, ngày nào Trâu cũng được ăn no và tắm rửa chu đáo. Riêng cậu bé chăn Trâu, ba bốn ngày hôm sau chỗ bị đánh vẫn còn sưng, cậu bé ngồi khóc trên bờ ruộng, bỗng một ông lão hiện ra hỏi han nguyên do bị đánh, cậu bé trình bày sự thật và ông lão rút trong người ra một nén nhang, rồi đốt lên dí vào cổ con Trâu, làm cho Trâu đau điếng, kêu khan cả cổ, tiếng nói dần dần biến mất, sau cùng khi nào muốn nói, Trâu chỉ phát ra được tiếng "nghé...ọ". Riêng ở chổ bị thương, sau đó trở thành một cái sẹo như nốt ruồi. Từ đó, Trâu sanh ra đều không nói được tiếng người và đều mang cái nốt sẹo ở dưới cổ.

Trâu trong Tây Du Ký

Trong Tây Du Ký tác giả Ngô Thừa Ân nói về Ngưu Ma Vương đánh với Tề Thiên Đại Thánh cuối cùng nhờ có Thái Thượng Lão Quân mới thu phục được Ngưu Ma Vương dẹp bỏ được chướng ngại trên đường thầy Trần Huyền Trang tức Tam Tạng phụng chỉ vua Đường Thái Tôn sang nước Thiên Trúc để thỉnh kinh Phật về truyền bá trong dân gian. Ba bộ kinh của Phật Giáo là : Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng gọi chung là Tam Tạng. Trên đường đi xa xôi ngàn dặm, hành trình gian nan, nguy hiểm vì có nhiều yêu quái, nhờ có ba học trò giỏi theo phò như sau :

*thứ nhứt là Tôn Ngộ Không tức Tôn Hành Giả, cốt Khỉ tu hành lâu năm nên thành người, có 72 phép biến hóa thần thông, được biệt danh là Tề Thiên Đại Thánh.

*thứ nhì là Trư Bát Giới, cốt Heo tu hành lâu năm nên thành người, cũng có phép không vừa.

*thứ ba là Sa tăng, một con quỷ hung tợn được thầy Tam Tạng thuyết phục và thâu dụng làm đệ tử.

Mặc dù thầy Trần Huyền Trang có ba đệ tử tài năng phép luật cao cường, nhưng khi đến Hoả Diệm Sơn đành phải chùn bước, vì trở ngại núi quá cao lại có phun lửa rực trời, sức nóng mãnh liệt. Muốn vượt qua phải dập tắt ngọn lửa này, nhưng phải có cây quạt Ba Tiêu của Ngưu Ma Vương tức chồng của Bà La Sát nắm giữ. Được biết, Ngưu Ma Vương vốn là con Trâu đã tu luyện cả ngàn năm thành người, nên tài phép không thua gì Tề Thiên Đại Thánh. Thầy trò Đường Tăng Tam Tạng tìm đến mượn quạt Ba Tiêu, thì Ngưu Ma Vương không cho mượn, còn nặng lời sỉ vả, cho nên Tôn Hành Giả hiệp cùng Trư Bát Giới được Thổ Địa trợ giúp vây đánh Ngưu Ma Vương suốt ba ngày ba đêm để chiếm đoạt quạt Ba Tiêu, nhưng bất phân thắng bại. Sau cùng, nhờ Phật Tổ cho bốn Ông Kim Cang tấn công bốn hướng như sau :

*Ông Đại Lực Kim Cang hướng Đông.

*Ông Vĩnh Trụ Kim Cang hướng Tây.

*Ông Thắng Chi Kim Cang hướng Nam.

*Ông Bát Pháp Kim Cang hướng Bắc.


Khi đó, Ngưu Ma Vương mới cùng đường chống đỡ, nên phải chạy trốn, nhảy lên cao núp trong mây, nhưng cũng không thoát khỏi được, vì có các sứ thần của thượng đế là Na Tra và Lý Thiên Vương chận đường vây bắt. Cuối cùng Ngưu Ma Vương mới chịu đầu hàng và quy y đầu Phật.

Những huyền thoại về Trâu còn nhiều, nào là : Trâu nhà, Trâu rừng, Ngưu Mân (Trâu ngủ)...

Trích dẫn trong tác phẩm “Tìm Hiểu Cuộc Đời” của học giả Nguyễn- Phú-Thứ
Về Đầu Trang
Thảo Quả



Ngày tham gia: 08 Feb 2009
Số bài: 7

Bài gửiGửi: Mon Feb 09, 2009 12:53 am    Tiêu đề:

Bác Dư Khánh trích dẫn huyền thoại Trâu nghe hấp dẫn y như xem phim chuyện thần thoại Hy Lạp rạp Thanh Bình ngày xửa ngày xưa.

Câu chuyện kể Trâu không biết nói tiếng người hơi khác một tị. Cháu nghe chuyện kể thế này:

Cậu bé chăn Trâu lo mê đánh đáo bỏ đói Trâu mình đến nỗi bị đòn. Nhưng áo quần nó có độn mo cau, chẳng thấm vào đâu cả. Nó cũng chẵng oán hận chi ai, vì nó vẫn còn mê đánh đáo. Trước khi đi, nó dặn Trâu nhà không được ăn lúa của chủ. Nhưng Trâu ngốc quá, bảo không ăn lúa chứ có bảo nhịn ăn đâu. Cỏ thì có thiếu gì ngoài đồng kia. Thế là Trâu đói, nằm bẹp một xó. Cậu bé đánh đáo về, tìm hoài tìm mãi chẳng thấy Trâu đâu bèn cất tiếng gọi. Ới Trâu ơi…
Tự dưng một ông lão hiện ra, giải oan cho Trâu, ngỡ rằng Trâu lại sắp bị hành tội. Tội nghiệp cho Trâu, gắng bao công sức, kéo cầy vẹo cả cổ bao lâu nay, thế mà vừa bị hàm oan, lại bị bỏ bê một xó. Thật tội!!!

Còn cái việc Trâu không nói được có lẽ vì quá nghẹn ngào khi oan tình thị kính đã được giải bày. Nhưng chuyện Trâu không nói được tiếng người chỉ là giả tạm thôi. Hạ hồi sẽ khác. Lúc đó Trâu sẽ còn hét ra lưả mờ!
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân