TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chiến lược phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chiến lược phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Tue Mar 12, 2024 6:26 pm    Tiêu đề: Chiến lược phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer

Chiến lược phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer

Để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, mọi người nên bắt đầu phòng ngừa từ 20 năm trước khi các triệu chứng xuất hiện.


Thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy sự thay đổi bộ óc của bệnh nhân Alzheimer có thể xảy ra trong nhiều năm trước khi triệu chứng xuất hiện. Vì vậy, việc phòng ngừa suy giảm nhận thức không nên đợi đến khi một người bắt đầu có tuổi. Các chuyên viên khuyên rằng mọi người nên có chiến lược phòng ngừa từ tuổi 40 để giảm tối đa rủi ro liên quan.

Bệnh Alzheimer là một chứng rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển chậm theo thời gian và là dạng sa sút trí tuệ phổ thông nhất. Tại Hoa Kỳ, khoảng 6.7 triệu người từ 65 tuổi trở lên bị Alzheimer và hơn 70% trong số đó ở tuổi từ 75 trở lên.

Hiện nay, trên thế giới có hơn 55 triệu người sa sút trí tuệ, với gần 10 triệu ca mắc mới/năm. Bệnh Alzheimer chiếm khoảng 60-70% các trường hợp. Sa sút trí tuệ là nguyên nhân gây tử vong thứ bảy trên toàn cầu và một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khuyết tật và sự phụ thuộc ở người cao niên.

Bệnh Alzheimer khởi đầu bằng sự tích tụ protein β-amyloid trong óc, dẫn đến hình thành từ từ các “mảng lão hóa” phá hủy tế bào thần kinh và gây teo óc.

Ông Takashi Sakurai, giám đốc Trung tâm Lão học và Lão khoa Quốc gia tại Nhật Bản – chuyên viên về sa sút trí tuệ, giải thích với truyền thông Nhật Bản rằng trong giai đoạn đầu của Alzheimer, bệnh nhân bị teo đáng kể vùng hải mã. Khi tình trạng tiến triển, toàn bộ óc bị co rút. Do các tế bào thần kinh kiểm soát trí nhớ ở vùng hải mã bị tổn thương, khả năng lưu giữ ký ức cũng theo đó bị suy giảm.



Các tình trạng liên quan đến lối sống làm tăng nguy cơ bị Alzheimer

Bệnh mạch máu rất phổ thông ở người cao niên, và bệnh nhân Alzheimer thường có dấu hiệu của tình trạng này. Ông Sakurai giải thích rằng tuần hoàn máu óc kém (thiếu máu óc) có thể dẫn đến tăng sản xuất protein β-amyloid. Việc ngăn ngừa lão hóa mạch máu và tăng lưu thông máu có thể góp phần ngăn chặn bệnh mạch máu óc.

Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa mạch máu. Các yếu tố như huyết áp và đường máu cao được thừa nhận rộng rãi là đóng vai trò trong sự phát triển của bệnh. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ bị đồng thời cả cao huyết áp và tiểu đường loại 2.

Vào năm 2022, Scientific Reports công bố một nghiên cứu thuần tập quan sát quy mô lớn với sự tham gia của 156,654 dân cư Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 40-80. Kết quả cho thấy bệnh nhân sa sút trí tuệ có tỷ lệ cao huyết áp là 81.6%, so với 31,9% ở người bình thường. Ngoài ra, tỷ lệ bị tiểu đường loại 2 là 45.9% ở bệnh nhân sa sút trí tuệ và 11,4% ở người bình thường.

Hơn nữa, trên 90% bệnh nhân cao huyết áp cũng đồng mắc cả tiểu đường loại 2 và sa sút trí tuệ.

Các tác giả lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy mối liên quan đặc biệt mạnh giữa cao huyết áp và sa sút trí tuệ, tiếp theo đó là tuổi tác và bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, người ta nhận thấy giới tính không có mối tương quan đáng kể với sa sút trí tuệ.



Sa sút trí tuệ do thuốc đề kháng cholinergic

Một số loại thuốc đề kháng cholinergic có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Một bài báo do ông Sakurai giám sát, đăng trên tập san y tế Pharma Style của Nhật Bản vào năm 2022, khuyên rằng các dược sĩ nên chú ý đến sa sút trí tuệ do thuốc, đặc biệt là benzodiazepine, thuốc đề kháng histamine và thuốc đề kháng cholinergic khác. Việc dùng tích lũy benzodiazepine và thuốc chống loạn thần có thể góp phần làm giảm trí nhớ. Ngoài ra, thuốc chẹn H2 thế hệ thứ hai khi đến óc cũng ảnh hưởng đến tác dụng nhận thức. Vì nhiều bệnh nhân cao niên đang dùng thuốc đề kháng cholinergic, việc thận trọng là điều được khuyến cáo.

Các loại thuốc đề kháng cholinergic phổ thông bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc đề kháng histamine, thuốc chống nôn, thuốc chống Parkinson, thuốc chống loạn thần, thuốc giãn cơ, thuốc đề kháng muscarinic bàng quang, thuốc chống co thắt đường tiêu hóa, thuốc chống động kinh, thuốc chống loạn nhịp và thuốc giãn phế quản đề kháng muscarinic.

Một nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports (Báo cáo khoa học) năm 2019 cho thấy trong khoảng 10 năm, người dùng thuốc đề kháng cholinergic loại mạnh nhiều nhất có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng 63% so với người tiêu thụ ít nhất.



Ngăn ngừa suy giảm nhận thức trước khi tình trạng lão hóa bắt đầu

Ông Sakurai đề cập rằng trong thập niên gần đây, các nhà khoa học phát giác người bị Alzheimer đã tích tụ lượng lớn protein β-amyloid trước khi bệnh khởi phát. Quá trình từ khi protein β-amyloid được tích lũy đến giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ kéo dài từ 20-30 năm. Ông giải thích, điều này cho thấy nếu sa sút trí tuệ biểu lộ ở độ tuổi 70-80, protein β-amyloid bắt đầu tích lũy ở tuổi 40 hoặc 50. Vì vậy, để giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, mọi người nên thực hiện phòng ngừa bắt đầu từ độ tuổi 40 hoặc 50.

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Neurology (Thần kinh học) năm 2021 đã đưa ra những hiểu biết chi tiết, tiết lộ rằng quá trình chuyển đổi từ protein β-amyloid âm tính sang dương tính mất 6.4 năm và tiến triển thành suy giảm nhận thức nhẹ mất thêm 13.9 năm.

Một báo cáo từ Ủy ban Lancet cho thấy việc thay đổi các yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn khoảng 40% các trường hợp sa sút trí tuệ. Một vài ví dụ về yếu tố nguy cơ và cách ngăn ngừa gồm:

    1. Duy trì huyết áp tâm thu ở mức 130 mmHg hoặc thấp hơn ở tuổi 40.

    2. Ngăn ngừa chấn thương vùng đầu. Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet Psychiatry (Tâm thần học Lancet), theo dõi gần 2.8 triệu cá nhân trung bình trong 10 năm, tiết lộ rằng những người có tiền sử chấn thương sọ óc đối mặt với nguy cơ sa sút trí tuệ do mọi nguyên nhân cao hơn 24% và nguy cơ bị bệnh cao hơn 16%. Nguy cơ sa sút trí tuệ xảy ra cao nhất trong vòng sáu tháng sau chấn thương và tăng theo số lần chấn thương.

    3. Hạn chế uống rượu. Uống rượu quá mức, được định nghĩa là tiêu thụ hơn 21 đơn vị rượu/tuần (1 đơn vị rượu = 10ml hoặc 8g rượu nguyên chất), liên quan đến tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Một nghiên cứu ở Anh, theo dõi 9,087 người tham gia từ 35-55 tuổi trong khoảng 23 năm, tiết lộ rằng những người tiêu thụ hơn 21 đơn vị rượu/tuần có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 17% so với người tiêu thụ ít hơn 14 đơn vị/tuần. Một nghiên cứu tiếp theo kéo dài 30 năm cho thấy mối liên quan giữa tăng tiêu thụ rượu và tăng tỷ lệ teo vùng đồi thị.

    4. Duy trì hoạt động thể chất ở tuổi trung niên hoặc về già. Một nghiên cứu của Thụy Điển kéo dài 44 năm theo dõi 191 phụ nữ và đánh giá tình trạng tim mạch thông qua bài tập thể dục, cho thấy những người hoạt động thể chất cao có nguy cơ sa sút trí tuệ do mọi nguyên nhân thấp hơn 88% so với người hoạt động thể chất vừa, trong khi người hoạt động thể chất thấp có nguy cơ cao hơn 41%. Ngoài ra, người hoạt động thể chất cao sẽ trì hoãn độ tuổi khởi phát sa sút trí tuệ thêm 9.5 năm và thời gian khởi phát sa sút trí tuệ thêm 5 năm so với người hoạt động vừa.



Trì hoãn sa sút trí tuệ thông qua tác động tiếp xúc xã hội và các hoạt động giải trí

Theo ông Hideki Wada, chuyên viên tâm thần nổi tiếng người Nhật và giáo sư tâm lý học tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, mọi người thường có quan niệm sai lầm rằng cuộc sống của người sa sút trí tuệ là khốn khổ.

Ông Wada, trong bài báo của mình, nhấn mạnh rằng nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ có những mục tiêu cá nhân, chẳng hạn như ghi nhớ bài thơ yêu thích mỗi ngày. Những cá nhân này không nhìn cuộc sống một cách bi quan mà tiếp tục khám phá phương pháp để tận hưởng khoảng thời gian còn lại.

Khi các cá nhân bước vào độ tuổi 70 hoặc 80, dấu hiệu của Alzheimer trở nên rõ ràng và những người ít vận động trí óc dễ bị bệnh hơn. Theo ông Wada, phương pháp kích thích bộ óc hiệu quả nhất là thông qua tác dụng hỗ tương xã hội. Hội thoại là một hoạt động trí tuệ cao cấp đòi hỏi phải hiểu lời nói và tạo ra phản ứng ngay lập tức, từ đó buộc óc hoạt động.

Ông Wada cũng đề nghị nên kết hợp các hoạt động giải trí trong cuộc sống hàng ngày với bài tập trí óc. Càng tham gia nhiều hoạt động vui chơi, óc càng nhận được kích thích tích cực. Chủ động tham gia hoạt động ưa thích có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn hiệu quả sự khởi phát của sa sút trí tuệ.

Ellen Wan
Thanh Ngọc biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân