TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bài tập và thời gian luyện tập tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường loại 2
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bài tập và thời gian luyện tập tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường loại 2

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Mon Nov 20, 2023 11:42 pm    Tiêu đề: Bài tập và thời gian luyện tập tốt nhất cho bệnh nhân tiểu đường loại 2

Bài tập và thời gian luyện tập tốt nhất
cho bệnh nhân tiểu đường loại 2


Tập thể dục có thể ngăn ngừa, trì hoãn, và thậm chí đẩy lùi bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu gần đây cho thấy loại hình, thời gian và số lần tập thể dục thường xuyên đều đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng glucose tối ưu cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.



Tập thể dục và kiểm soát lượng đường trong máu

Cách ăn uống là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, độ nhạy insulin, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tập thể dục thậm chí còn quan trọng hơn.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tập san The American Journal of Medicine Open (Y học Hoa Kỳ Mở rộng) cung cấp một bản tóm tắt toàn diện về loại hình và thời gian tập thể dục để kiểm soát đường trong máu và cải thiện độ nhạy insulin.


Các loại bài tập tốt nhất


1. Aerobic

Các bài tập aerobic như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, và bơi lội sử dụng các nhóm cơ lớn thường làm tăng nhịp tim và hô hấp. Hoạt động aerobic làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy insulin bằng hai cơ chế.

Đầu tiên, các tế bào cơ dùng insulin trong máu để lấy glucose trong quá trình tập luyện. Các tế bào cũng có thể lấy glucose mà không cần sự trợ giúp của insulin. Cả hai con đường này giúp tế bào cơ duy trì nhạy cảm với insulin tối đa trong 48 tiếng.

Các tế bào cơ cũng dự trữ glucose để sử dụng trong tương lai, do đó làm giảm glucose máu. Và đây chính là mục tiêu cuối cùng. Theo các nhà nghiên cứu, bất kể trọng lượng cơ thể, việc tập thể dục giúp tăng độ nhạy insulin, góp phần rèn luyện thể chất tốt hơn, từ đó làm giảm bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân trên bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (A) đề nghị tập thể dục nhịp điệu với cường độ trung bình đến mạnh trong 150 phút mỗi tuần và không nghỉ quá hai ngày liên tục.

ADA gợi ý những cách sau để tập luyện đủ 150 phút vốn khó có thể đạt được:

• 50 phút ba lần mỗi tuần.

• 30 phút năm lần mỗi tuần.

• 25 phút sáu lần mỗi tuần.

Bạn có thể chia nhỏ các khoảng thời gian tập luyện trên thành nhiều lần trong ngày, mỗi lần ít nhất 10 phút. Bởi vì các buổi tập thể dục kéo dài từ 10 phút trở lên sẽ có ích nhất cho sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng tập thể dục có thể cải thiện việc kiểm soát toàn thể lượng đường trong máu. Ví dụ, những người thừa cân có thói quen tập thể dục từ 45 đến 60 phút mỗi lần, bốn lần mỗi tuần, với 50% đến 75% sức lực tối đa trong sáu tháng, đã giảm lượng đường trong máu lúc đói xuống 18.58mg/dl và giảm mức insulin xuống 2.91mUI/l so với nhóm không tập thể dục.

Tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tiểu đường giảm 21% sau khi giảm 1% HbA1c.

Tập thể dục cũng giúp bệnh nhân tiểu đường loại 2 giảm huyết áp tâm thu trung bình 5.6mmHg, giảm huyết áp tâm trương trung bình 5.5mmHg, giảm 0.3mmol/l triglyceride và cholesterol toàn phần.



2. Tập luyện đối kháng

Tập luyện đối kháng có thể bổ sung cho bài tập aerobic nhờ sự đa dạng và làm tăng sức tuân theo chương trình tập luyện toàn thể. Bài tập này cũng có thể giúp ngăn ngừa suy giảm sức mạnh và khối lượng bắp thịt vốn là các yếu tố nguy cơ độc lập ở bệnh tiểu đường loại 2.

Các bài tập đối kháng là bài tập co bắp thịt chống lại trọng lượng vật thể bên ngoài hoặc trọng lượng cơ thể. Theo hướng dẫn của The American College of Sports Medicine (Hiệp hội Y học thể thao Hoa Kỳ) (ACSM) đề xuất [thực hiện] các bài tập đối kháng hoặc tăng sức mạnh cho các nhóm bắp thịt chính với cường độ vừa đến mạnh 2-3 ngày mỗi tuần, không tập trong 2 ngày liên tiếp. Các bài tập nên bao gồm 1-3 hiệp, với 10 – 15 lần lặp lại mỗi hiệp.

Theo ACSM, việc tập luyện đối kháng ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 lớn tuổi giúp cải thiện sức mạnh, khối lượng bắp thịt, huyết áp, mỡ máu, mật độ xương, và độ nhạy insulin từ 10 – 15%. Tập luyện đối kháng cũng làm giảm HbA1c đáng kể hơn.

Sự kết hợp giữa tập aerobic và nâng tạ có thể sẽ tốt hơn so với chỉ tập riêng lẻ.



Thời gian tập thể dục tốt nhất

Thời điểm tập thể dục trong ngày và trước hay sau bữa ăn có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát đường trong máu lâu dài và ngăn ngừa sự gia tăng đường trong máu đột ngột trong cả ngày.

Nhịp sinh học có ảnh hưởng đáng kể đến việc kiểm soát đường trong máu. Một số quá trình sinh lý, chẳng hạn như dung nạp glucose, lưu hành insulin, nhiệt độ cơ thể, và hormone, có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Bệnh nhân tiểu đường loại 2 có khuynh hướng bị rối loạn nhịp sinh học vì độ nhạy insulin thường tốt hơn vào buổi tối nhưng lại kém hơn trong suốt giấc ngủ và vào buổi sáng. Điều này làm tăng đường trong máu khi thức dậy. Tập thể dục vào đúng thời điểm trong ngày có thể cải thiện việc kiểm soát đường trong máu.

Theo nghiên cứu AJM Open, hầu hết các nghiên cứu đều phát giác ra rằng tập thể dục vào buổi chiều hoặc buổi tối có thể tốt hơn cho việc kiểm soát lượng glucose và độ nhạy insulin so với cùng một hoạt động được thực hiện vào buổi sáng, mặc dù không phải tất cả các nghiên cứu đều có kết quả như nhau. Một số nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục buổi sáng sẽ giúp kiểm soát cân nặng và duy trì thói quen tập thể dục tốt hơn. Nghĩa là thời điểm tốt nhất để tập thể dục có thể phụ thuộc vào kết quả đầu ra [mục đích].

Tuy nhiên, một tuyên bố đồng thuận từ ACSM đã kết luận rằng tập thể dục sau bữa ăn sẽ làm giảm mức glucose bằng cách làm giảm các đợt tăng glucose đột ngột với bất kể loại bài tập hay cường độ nào. Thời gian từ 45 phút trở lên có hiệu quả tốt nhất.


Bài tập nhón gót chân.


Tránh ngồi lâu

Người trưởng thành ở Hoa Kỳ dành trung bình tám tiếng mỗi ngày để ngồi. Điều này đã trở thành một yếu tố nguy cơ độc lập đối với bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.

Để bù đắp những tác động bất lợi của việc ngồi [lâu], nghiên cứu AJM Open gợi ý nên đứng dậy và đi lại sau mỗi 30 phút. Điều này có thể cải thiện độ nhạy insulin ở những bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Nghiên cứu gần đây được công bố trên iScience cho thấy một bài tập đơn giản được gọi là “nhón gót chân” có thể làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn tới 50%.

Bắp thịt soleus chạy từ phía sau đầu gối xuống phía sau xương cẳng chân đến gót chân. Bắp thịt soleus tham gia vào động tác đi, chạy và giúp chúng ta không bị ngã về phía trước khi đứng. Được cấu tạo để có sức bền và không phụ thuộc nhiều vào glycogen dự trữ, vì vậy bắp thịt soleus lấy phần lớn nhiên liệu từ glucose trong máu.

Động tác nhón gót chân được thực hiện khi đang ngồi. Theo nghiên cứu, việc di chuyển bắp thịt lên xuống giúp giảm 52% mức đường trong máu và 60% lượng insulin cần thiết trong 3 tiếng sau khi uống glucose.

Trong một tuyên bố, A cho biết rằng chỉ cần tạm dừng việc ngồi kéo dài bằng cách đi bộ 15 phút sau bữa ăn cùng với 3 phút dành cho đi bộ và các hoạt động đối kháng nhẹ sau mỗi 30 phút có thể cải thiện việc kiểm soát glucose.



Đường trong máu và insulin

Kiểm soát glucose tốt hơn sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra, bao gồm bệnh tim mạch và tổn thương thần kinh ngoại biên.

Glucose là nhiên liệu cho cơ thể, đặc biệt là bộ óc, nên chúng ta cần một lượng glucose vừa đủ liên tục lưu thông trong máu. Khi mức đường trong máu quá thấp, óc không đủ nhiên liệu và có thể hôn mê; nhưng đường trong máu quá cao có thể làm tổn thương mạch máu.

Cơ thể khỏe mạnh có nhiều quá trình sinh lý để duy trì mức đường trong máu ổn định, và một trong những phần quan trọng nhất là insulin.

Tụy tạng tiết ra insulin sau bữa ăn và bắp thịt xương cần insulin để đưa glucose vào tế bào. Tế bào của bệnh nhân tiểu đường hoặc tiền tiểu đường ít nhạy cảm hơn với insulin. Tình trạng này thường được gọi là kháng insulin.

Độ nhạy insulin thấp ban đầu xảy ra do ăn quá nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn và giảm hoạt động thể chất. Tụy tạng tiết ra insulin để bù đắp lượng đường trong máu cao, nhưng khi các tế bào trở nên kém nhạy cảm hơn, lượng glucose lưu thông trong máu nhiều hơn và dẫn đến tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2.

Tóm lại, hoạt động nào cũng tốt và tập nhiều hoạt động nói chung sẽ tốt hơn. Sự kết hợp giữa aerobic và nâng tạ có thể tốt hơn so với chỉ tập riêng lẻ. Tập thể dục vào buổi chiều có thể có tác dụng tốt hơn buổi sáng trong việc kiểm soát đường trong máu. Và tập thể dục sau bữa ăn có thể giúp ích nhiều hơn một chút so với trước bữa ăn.

Nhìn chung, loại hình và thời gian tập thể dục rất quan trọng để kiểm soát đường trong máu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là duy trì hoạt động, thậm chí là chỉ cần đi bộ xung quanh 5 phút để tránh ngồi lâu. Càng di chuyển nhiều thì bạn càng kiểm soát đường trong máu tốt hơn.

Allison DeMajistre
Thanh Long biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân