TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nếu bạn thấy...
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nếu bạn thấy...

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sat May 20, 2023 10:44 pm    Tiêu đề: Nếu bạn thấy...

Quăng giầy lên dây điện


Thỉnh thoảng khi nhìn thấy những chiếc giày lủng lẳng trên dây điện trong thành phố, không biết cảm nghĩ của bạn ra sao nhưng riêng Dế Mèn thì băn khoăn chẳng hiểu người liệng đôi giày như thế nghĩ ngợi những gì, tại sao lại làm như thế. Băn khoăn thì cứ băn khoăn nhưng mãi đến gần đây mới tình cờ đọc được một vài lời giải thích. Tuy không đồng nhất nhưng lời giải thích nào xem ra cũng có lý!?

Theo ông Rob Demarco, cảnh sát tòng sự tại Eastchester, New York, thì những chiếc giày lắc lư trên dây điện kia là do mấy người trẻ rắn mắt, thấy có người quăng [được] giày lên tuốt dây điện trên cao thì cũng bắt chước và kết quả là ta thấy mấy đôi giày nằm vắt vẻo ở đó. Có thể lắm, con nít [ranh], thấy lạ thì bắt chước nhưng còn đôi giày xuất hiện trên dây điện lần đầu tiên thì sao? Lấy chi mà bắt chước?

Theo mấy tay tò mò chuyên tìm kiếm các chi tiết không quan trọng chi đến đời sống hay “trivia” rồi ghi chép trên tạp chí Reader Digest thì việc quăng giày là một hình thức biểu lộ cá tính như trong tục lệ xa xưa của người Anh, trong đám cưới, khách mời ném giày vào đôi vợ chồng mới cưới để chúc tụng hạnh phúc và may mắn (!?). Như việc chiến binh quăng một chiếc giày bốt để “kỷ niệm” vào ngày hoàn tất nhiệm vụ, rời nơi trú quân. Ðọc đến đây thì Dế Mèn lẩn thẩn tự hỏi... Chỉ còn một chiếc giày thì lấy gì mà dùng? Người lính nọ có bị phạt về tội vứt bỏ quân trang không?...

Một số người trẻ khi tốt nghiệp trung học cũng hứng chí mà quăng đôi giày lên dây điện để đánh dấu quãng đời học trò hoặc “đánh dấu” cả việc không còn thơ ngây trinh trắng.

Nhưng mới nhất là câu chuyện về hai phi hành gia, Neil Armstrong và Buzz Aldrin, cũng quăng đôi bốt phi hành của họ lên mặt trăng trước khi lên phi thuyền quay về địa cầu! Kiểu “không gian vương dấu giày” hào sảng như thơ của ông nhà thơ nhảy dù Hà Huyền Chi!



Các giả thuyết kể trên cho rằng việc quăng giày đánh dấu chuyện vui mừng, còn các giả thuyết khác thì sao?

Cũng theo một vài sở cảnh sát khác, giày treo lơ lửng trên dây điện là cách đánh dấu “biên giới”, “lãnh thổ”, chỗ làm ăn của các băng đảng tội phạm trong các thành phố lớn. Chưa thấy băng đảng nào nhìn nhận giả thuyết này. Tương tự, theo sở cảnh sát Prichard, Alabama, và vài nghị viên của hội đồng thành phố Jackson, Mississippi, địa điểm để mua bán ma túy được đánh dấu bằng các đôi giày xanh đỏ trên dây điện (?). Tuy nhiên, giả thuyết này bị bác bỏ bởi New York Police Department (NYPD), họ cho rằng buôn bán ma túy là tội hình sự, ai dại gì mà quảng cáo như thế. Sở cảnh sát Toronto cũng cười xòa đồng ý và cho rằng đó là câu chuyện kể cho vui!

Theo một giả thuyết khác, đôi giày lơ lửng trên dây điện là một hình thức tưởng niệm kẻ qua đời, người chết đang đi tới thiên đàng [qua đôi giày]. Xa hơn là giả thuyết tưởng niệm một người chết vì bị bắn chết trên đường phố (?)

Cũng theo ông cảnh sát Demarco, đôi khi kẻ quăng đôi giày lên dây điện thành phố để dọa nạt kẻ khác; nghĩa là một đứa trẻ bị ức hiếp, bị lột mất đôi giày và kẻ bắt nạt quăng đôi giày lên dây điện rồi ngắm nghía như phần thưởng. Hoặc giả, kẻ bắt nạt lột lấy đôi giày từ nạn nhân để dùng rồi quăng đôi giày [cũ] của nó lên dây điện, vừa dọa nạt vừa chiếm phần thưởng.



Cũng có người ngắm nghía mấy đôi giày lủng lẳng trên dây điện rồi cho rằng đó là tác phẩm của nghệ sĩ đường phố hay “shoefiti”, tựa như những bức tranh vẽ trên vách tường, graffiti. Khi cả chục đôi giày treo lủng lẳng trên dây điện thành phố thì đó lại là biểu tượng của một cuộc thi thố tài năng ném giày! Như ông nghệ sĩ Ad Skewville và người em đã cùng nhau vẽ hình ảnh chiếc giày trên gỗ rồi quăng từng đôi giày [gỗ] tác phẩm lên dây điện khắp đường phố của Brooklyn, New York, London và Nam Phi. Chẳng biết anh em ông nghệ sĩ ấy có bị phạt về tội phá hoại thành phố không nhỉ?

Chưa hết, ông Demarco còn đưa ra giả thuyết “xóm giàu, xóm nghèo”. Xóm nhà giàu thì nhà vườn rộng rãi, ít người cư ngụ so với chỗ khó khăn. Vắng người nên chẳng mấy khi thấy con nít khuấy phá, và khi thấy đôi giày lủng lẳng trên dây điện thì dân cư nhà giàu có khuynh hướng than phiền nên vật lạ nhanh chóng được dỡ bỏ. Xóm nghèo thì ngược lại, ít cảnh sát đi tuần, chẳng mấy dân cư để ý đến khung cảnh chung quanh vì chỗ nào cũng... xơ xác như nhau; một vài đôi giày trái chỗ cũng không màng!?

Quăng giày lên dây điện thành phố xem có vẻ như một hiện tượng của Huê Kỳ nhưng thực ra, dân Úc, Anh và Tây Ban Nha cũng... phá phách tương tự. Riêng dân cư Hòa Lan thì chỉ quăng giày lên cây trong công viên chứ không quăng lên dây điện.

Sơ sơ, chuyện mấy đôi giày lơ lửng trên dây điện cũng được khá nhiều người góp chuyện và đưa ra các giả thuyết khác nhau. Trên thực tế, chuyện quăng giày dép có phổ thông không? Khá phổ thông bạn ạ, vì đã có những luật lệ địa phương cho phép nhân viên thành phố tháo bỏ những đôi giày máng trên dây điện khi dân cư than phiền; điển hình là Jackson, Mississippi; Long Beach, California, và Wilmington, North Carolina.



Quăng giày lên dây điện có phải là việc làm hợp pháp không? Theo sở cảnh sát New York thì việc làm ấy bất hợp pháp, tội tiểu hình, theo luật pháp địa phương. Nhiều thành phố khác cũng có luật lệ tương tự, và nếu không nêu chi tiết thì việc quăng thứ gì ra nơi công cộng cũng bất hợp pháp, “tội” xả rác hoặc “phá hoại tài sản công cộng” hay vandalism. Riêng tiểu bang Arizona thì chặt chẽ hơn, xả rác là tội tiểu hình; quăng giày lên dây điện thành phố là “class 2 misdemeanor” trong khi quăng giày lên dây điện trên xa lộ thì nặng hơn, “class 1 misdemeanor”, tương đương với tội lái xe trong lúc say sưa (DUI).

Nói chung, vì bất cứ lý do gì, quăng giày dép lên dây điện là phá hoại, có thể gây nguy hiểm khi làm đứt dây điện, bị điện giựt và gây mất điện cho khu vực lân cận.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Mon May 22, 2023 11:15 pm    Tiêu đề: Đồng xu trên bia mộ

Nếu bạn thấy...

Tại một số địa điểm, bạn có thể thấy những vật dụng khác thường, dường như đặt sai chỗ sai nơi, không chỉ là những đôi giày treo toòng teng trên dây điện, mà còn có thể là một số vật dụng khác, chẳng hạn như:


Đồng xu trên bia mộ


Bạn đã bao giờ đến thăm một nghĩa trang và thấy những vật dụng còn vương vãi trên bia mộ người đã khuất, từ đồng coin, từ hoa đến đá... mỗi thứ đều có một ý nghĩa đằng sau và bạn tò mò muốn biết tại sao.

Những đồng xu trên bia mộ cho thấy người được chôn cất ở đó là một thành viên của quân đội. Người đến thăm quân nhân đã khuất có thể để lại một đồng xu trên bia mộ để khi những người thân yêu đến nghĩa trang, họ biết rằng những người khác cũng đã đến bày tỏ lòng thành kính. Tình cảm này có thể tạo ra tác động to lớn đối với gia đình của những quân nhân đã khuất, đó là một truyền thống đặc biệt và cao quý.



Điều cần lưu ý là loại đồng xu để lại trên bia mộ: mỗi loại tiền khác nhau có ý nghĩa khác nhau.

    • Nếu bạn thấy một penny (1 xu) , điều này cho thấy rằng đã có một người đến thăm mộ, nhưng không xác định là ai, có thể là thành viên trong gia đình, bạn bè hay bạn đồng ngũ, mà cốt chỉ biểu thị hành động biết ơn đối với sự phục vụ của người quân nhân.

    • Nếu có một đồng nickel (5 xu) , có nghĩa là người khách để lại nó đã dự trại huấn luyện quân sự cùng với người được chôn cất.

    • Nếu thấy một đồng dime (10 xu) , có nghĩa là vị khách viếng thăm đã phục vụ cùng đơn vị với người quân nhân trong mộ.

    • Thấy một quarter (25 xu) lại có một ý nghĩa riêng đặc biệt, là vị khách tới viếng mộ đã cùng chiến đấu và có mặt khi người lính qua đời.



Bây giờ bạn đã hiểu ý nghĩa của từng đồng coin đầy cảm xúc được bỏ lại trên bia mộ người đã khuất. Và quan trọng hơn, bạn sẽ biết cách để lại một đồng xu sao cho đúng cách.

Phượng Nghi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sat May 27, 2023 8:49 pm    Tiêu đề: Ngôi Sao Vàng trên bảng số xe

Ngôi Sao Vàng trên bảng số xe


Ở Mỹ, bảng số xe có thể đóng vai trò biểu dương cá tính một người, trên đó đôi khi chỉ đơn giản cho biết họ đến từ đâu hay bài hát họ yêu thích. Người lái xe tinh mắt cũng có thể thấy một biểu tượng điển hình, như ngôi sao vàng, thường đi kèm với “Gia đình Sao Vàng” hoặc “Mẹ Sao Vàng”. Hình ảnh này có một lịch sử và ý nghĩa phong phú đối với các gia đình quân nhân và sự tôn vinh lòng yêu nước của họ.



Ý nghĩa

Một ngôi sao vàng trên bảng số cho biết một thành viên gia đình của người lái xe đã chết trong khi thi hành quân dịch. Nhiệm vụ này có thể bao gồm chiến tranh, chống tấn công khủng bố, hoặc hoạt động gìn giữ hòa bình.

Ban đầu, ngôi sao vàng được hình dung như một sự thay thế cho quần áo tang, để biểu lộ lòng tôn trọng sự cống hiến của quân nhân đã nằm xuống.



Một chút lịch sử

Chương trình sao vàng phát triển từ chương trình Cờ Sao xanh (Blue Star Service Banner), được thành lập trong Thế chiến I do Đại úy Robert L. Queisser thuộc Binh đoàn 5 Ohio vào năm 1917 để tôn vinh hai con trai của ông đã phục vụ ở tiền tuyến.

Cờ truyền thống này có nền trắng với viền đỏ và ngôi sao xanh ở giữa cho mỗi quân nhân. Đại úy Queisser tự hào trưng bày nó trên cửa sổ nhà ông, và ngay sau đó các gia đình quân nhân khác cũng làm theo, treo trong nhà, nhà thờ, cơ sở kinh doanh và trường học của họ. Đến tháng 9 năm 1917, việc sử dụng cờ này đã chính thức được hệ thống hóa trong Hồ sơ Quốc hội Ohio.

Năm sau, Ủy ban Phụ nữ của Hội đồng Quốc phòng đề xướng rằng phụ nữ – đặc biệt là các bà mẹ – hãy đeo băng tay màu đen có ngôi sao vàng cho mỗi quân nhân đã hy sinh. Tổng thống Woodrow Wilson đã chấp thuận đề xướng này ngày 28 tháng 5, và một thập niên sau, năm 1928, 25 bà mẹ đã đến Washington, DC, để chính thức thành lập American Gold Star Mothers, Inc. Họ đã sửa đổi sao xanh thành sao vàng để biểu dương sự hy sinh của những người thân đã nằm xuống. Năm 1936, Quốc hội tuyên bố ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 9 là “Gold Star Mother’s Day”. Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã sửa đổi thành “Gold Star Mother’s and Family’s Day”.



Cách xin Ngôi Sao Vàng

Nếu một thành viên gia đình đã chết trong khi thi hành công vụ, người thân có đủ điều kiện để được một ngôi sao vàng trên bảng số xe của mình. Các tiểu bang có những đòi hỏi khác nhau; chẳng hạn California cho phép cháu có thể xin sao vàng, trong khi Tennessee và Vermont chỉ cho phép vợ chồng, anh chị em ruột, cha mẹ và con cái.

Có thể tra cứu trong biểu đồ này để biết rõ chi tiết: goldstarmoms

Phượng Nghi
(theo Reader's Digest)

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Fri Jun 02, 2023 10:34 pm    Tiêu đề: Những quả bóng màu trên đường dây điện

Những quả bóng màu trên đường dây điện


Bạn có thể lái xe qua cùng một đường dây điện hàng ngày mà không để ý tới những quả cầu đầy màu sắc treo trên đó. Chúng có phải là những tác phẩm nghệ thuật công cộng lạ mắt? Hoặc chúng ở đó để “trì” những sợi dây điện xuống cho gió khỏi làm đong đưa?

Những điểm đánh dấu đầy màu sắc này trên các đường dây điện khắp đất nước, thực ra, có một lời giải thích khá đơn giản.



Tên gọi

Được biết đến với tên marker balls (những quả bóng đánh dấu), và với khả năng xuất hiện màu sắc rực rỡ, chúng cho biết vị trí của các đường dây điện để phi cơ bay thấp có thể tránh đụng vào dây điện. Còn được gọi là aerial marker balls (bóng đánh dấu trên không) hoặc visibility markers (đánh dấu tầm nhìn), ta thường thấy trên các dây cáp băng qua đường xa lộ chính hoặc chạy qua hẻm núi hoặc thung lũng sâu. Cơ quan Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration – FAA) quy định rằng các quả bóng phải được treo trên các dây điện băng qua hẻm núi, hồ và sông, cũng như những dây điện bao quanh phi trường.



Màu khác nhau

Các màu phổ thông nhất trong ngành hàng không là cam, trắng và vàng, vì dễ nhìn thấy rõ nhất. Tuy nhiên, các màu trái bóng lại được chọn sao cho nổi bật nhất có thể so với hậu cảnh (background landscape), có nghĩa là bạn có thể nhìn thấy các màu khác, tùy nơi bạn sống.



Cấu tạo

Để có độ bền tối đa và giảm phai màu, những trái bóng này được làm bằng nhựa. Nhựa cũng là một chất cách điện tốt, không dẫn nhiệt, không dẫn điện. Và tuy trông có vẻ nhỏ, nhưng bạn có thể ngạc nhiên về kích thước của chúng. Giống như đèn giao thông, những trái bóng này tương đối lớn – có kích thước từ 20 đến 36 inch (tương đương với một quả bóng rổ), và khá nặng: từ 11 đến 17 pound mỗi trái!



Xuất phát

Vào đầu thập niên 1970, Winthrop Rockefeller, lúc đó là thống đốc tiểu bang Arkansas, đi cùng phi cơ với người đứng đầu Arkansas Department of Aeronautics, (Cơ quan Khoa học Hàng không Arkansas) là Edward Holland. Khi phi cơ hạ cánh, Rockefeller nhận thấy nhiều sợi dây điện quá gần phi cơ. Ông lập tức ra lệnh cho Holland phát triển cách thức để làm cho các dây điện dễ nhìn thấy hơn đối với các phi công.



Holland đã thuê kỹ sư Jack Rutledge để tạo ra những quả bóng có màu sắc rực rỡ có thể đặt trên đường dây điện và đường dây điện thoại mà không bị gió thổi bay. Đến những năm 1980, công ty của Rutledge đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới về các visibility markers. Phát minh này đã cứu sống vô số người trong nhiều thập niên kể từ đó, nhưng không chỉ có thế: ngỗng Canada cũng được hưởng lợi. Trước khi các markers được sử dụng, ngỗng thường va chạm vào đường dây điện khi chúng cố hạ cánh trong thời tiết xấu, vì vậy các nhà bảo tồn và cơ quan chính phủ bắt đầu đánh dấu đường dây để giúp chúng đáp xuống an toàn.

Phượng Nghi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Wed Jun 07, 2023 11:22 pm    Tiêu đề: Hàng rào sơn màu tím

Hàng rào sơn màu tím


Vào mùa hè, nhiều người thích đi du lịch, nghỉ mát và tham gia các cuộc phiêu lưu ngoài trời khi thời tiết ấm áp và dễ chịu. Khi ra ngoài khám phá với bạn bè và gia đình, có thể bạn bắt gặp chiếc cột hoặc hàng rào sơn màu tím.



Ý nghĩa

Luật pháp khác nhau giữa các tiểu bang, nhưng nói chung, một hàng rào màu tím có nghĩa là khu vực không được xâm phạm. Tuy chủ nhân có thể dùng biển báo “No Trespassing – Cấm xâm phạm”, nhưng biển báo này có thể bị đánh cắp, hư hỏng hoặc cũ nát theo thời gian. Dùng một lớp sơn màu tím có thể bền lâu. Màu tím còn có thể được phân biệt bởi những người mù màu.

Vậy khi bạn đi hiking hoặc lái xe ở một nơi xa lạ, hãy quan sát để khỏi xâm nhập vùng cấm của tư nhân.



Cách áp dụng

Chỉ khoảng một nửa số tiểu bang có luật hàng rào tím, nhưng đây là một vài lời khuyên nếu bạn muốn áp dụng: Các sọc màu tím phải thẳng đứng và rộng ít nhất 1 inch, dài 8 inch, cách mặt đất từ 3 đến 5 feet và cách nhau không quá 100 feet.



Có thể sử dụng bất kỳ loại sơn nào cũng được, nhưng hãy chắc chắn sơn có thể nhìn thấy rõ ràng và đánh dấu ranh giới chính xác.

Phượng Nghi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sun Jun 11, 2023 10:46 pm    Tiêu đề: Kim loại quấn quanh cây

Kim loại quấn quanh cây


Nếu có dịp lái xe hoặc đi bộ trên một con phố và nhìn thấy những thân cây được bọc bằng tấm kim loại, bạn có thể thắc mắc. Những dải kim loại quấn quanh cây có mục đích riêng.





Lý do

Những người làm nghề trồng cây đã đề nghị bọc thân cây bằng kim loại như một giải pháp đơn giản và rẻ tiền để bảo vệ nhà và cây cối. Giống như bôi mỡ vào cột gắn máng ăn cho chim để xua đuổi sóc, bề mặt bóng của tấm kim loại khiến các sinh vật nhỏ khó trèo lên cây, ngăn chặn các loài gây hại làm tổ ở đó hoặc lên tới những cành cao hơn giúp chúng chuyền qua mái nhà.



Dải và hình nón

Những tree wrappings này còn được gọi là baffles (vách ngăn). Hầu hết các baffles bán online đều được thiết kế cho cột gắn máng chim ăn hoặc thân cây có đường kính nhỏ. Ngoài hình dải (bands) bạn cũng có thể thấy hình nón (cones), có cùng một mục đích và cùng tên là baffles.

Ngoài việc giúp bảo vệ cây khỏi sinh vật, những lớp bọc này còn bảo vệ thân cây hoặc vỏ cây khỏi phỏng nắng và cả thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Chúng thường được dùng cho những cây non, dễ bị nguy cơ vì vỏ mỏng, nhưng cũng có thể được sử dụng để ngăn chặn sâu bệnh làm tổ. Thay vì kim loại, những lớp bọc này thường được làm bằng vải polypropylene, giấy và vải bố.



Hiệu quả

Các chuyên viên và chủ nhà đều đồng ý rằng biện pháp này đáng thử. Mặc dù một số con sóc có thể thông minh hơn theo thời gian, nhưng bạn có thể ngăn cản chúng đủ lâu để cây cho trái của bạn có một vụ thu hoạch.

Phượng Nghi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Thu Jun 15, 2023 11:53 pm    Tiêu đề: Chiếc boot trên hàng rào

Chiếc boot trên hàng rào


Ở Hoa Kỳ, vẫn còn tồn tại và phát triển tốt một tập quán “cao bồi” trong các trang trại. Theo Bộ Nông nghiệp, hiện có hơn 2 triệu nông trại ở Hoa Kỳ và trong số đó, 98% là trang trại gia đình.

Khoảng 90% trang trại do gia đình sở hữu ở Hoa Kỳ là hoạt động nhỏ và ở các thành phố nhỏ. Nơi những trang trại đó, bạn có thể nhìn thấy một chiếc ủng trên hàng rào.



Tại sao?

Theo đài phát thanh 100.9 The Eagle có trụ sở tại Texas, Missouri là một trong những tiểu bang tuân thủ truyền thống treo ủng lên cột hàng rào. Nhưng ý nghĩa đằng sau phong tục này là gì? Trang web giáo dục The Classroom đưa ra một số lý do thông dụng mà một nông dân hoặc chủ trang trại sẽ treo chiếc ủng lên cột hàng rào. Có những lý do đáng buồn, nhưng dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là đừng đụng tới:

    • Một chủ trang trại đang tôn vinh con ngựa đã chết của họ. Con ngựa của một chàng cao bồi có thể trở thành như bóng với hình của anh. Theo The Classroom, khi một con ngựa đặc biệt như thế bị bán hoặc chết, một chàng cao bồi sẽ treo một đôi ủng của mình lên hàng rào để biểu lộ sự tôn trọng dành cho con vật.

    • Một chủ trang trại khác đã qua đời. Khi một đồng đội qua đời, một chàng cao bồi có thể treo một chiếc ủng lên cột hàng rào để tưởng nhớ.

    • Ủng đã mòn và tượng trưng cho sự chăm chỉ. Vì chủ trang trại gắn bó với đôi boot của mình và mang chúng hàng ngày, nên có truyền thống treo chúng trên hàng rào khi đã bị mòn, nói lên công việc vất vả mà đôi ủng đã thực hiện được.

    • Chủ trang trại đang ở nhà. Thuở xa xưa, trước khi có điện thoại giúp liên lạc dễ dàng hơn, thì có truyền thống lâu đời là treo ủng lên hàng rào để người khác biết chủ trang trại đang ở nhà.



Những truyền thống bất thường khác

Những truyền thống ít được biết đến cũng tồn tại trong những ngôi nhà khác trên khắp nước Mỹ, dù ở trang trại hay bên ngoài:

Khi ai đó sơn màu xanh lam lên trần cổng mở vào nhà (porch), đó có thể là một truyền thống của miền Nam. Thường được gọi là “haint blue”, truyền thống mê tín này nhằm xua đuổi tà ma, cũng được cho là có tác dụng đuổi muỗi.

Móng ngựa sắt phía trên cửa có ý nghĩa mang lại may mắn. Theo Wide Open Country, chiếc móng ngựa may mắn bắt nguồn từ văn hóa dân gian Ireland, nhưng từ đó đã trở thành đồng nghĩa với văn hóa cao bồi miền Tây. Tuy nhiên, một lần nữa, nó liên quan đến việc xua đuổi cái ác và có lẽ là cả ác quỷ.

Phượng Nghi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân