TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Phong tục cúng Táo Quân của người Trung Hoa xưa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Phong tục cúng Táo Quân của người Trung Hoa xưa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 158

Bài gửiGửi: Thu Jan 12, 2023 11:41 am    Tiêu đề: Phong tục cúng Táo Quân của người Trung Hoa xưa

Phong tục cúng Táo Quân của người Trung Hoa xưa
Oanh Lê biên dịch



Vào ngày 23 đến 24 tháng Chạp âm lịch, không khí ngày Tết đã bắt đầu trở nên rộn ràng. Cúng bếp tiễn Thần, tiễn Táo Quân về Thiên Đình, tiếng pháo dòn nổ vang, thời xưa gọi là “quá tiểu niên” hoặc là “tiểu niên hạ”. Thời Tống gọi ngày 24 tháng Chạp âm lịch là ngày “giao thời”.



Cúng tế Táo Quân

Cúng bái Táo Quân là truyền thống lâu đời

Cúng tế Táo Quân là văn hóa truyền thống lâu đời của người Á Đông, đã được truyền lại từ thời xa xưa. Theo nghi thức của triều đại nhà Chu, các ngày giỗ chạp trong tháng Mạnh Đông (tháng Mười) và cuối năm, phải tế bái “Tiên Tổ Ngũ tự”, Táo Quân chính là một trong năm vị Thần cần tế lễ. Trong “Lễ Ký – Nguyệt lệnh”, “Ngũ tự” là chỉ cúng tế năm vị Thần là Môn Thần, Hộ Thần, Trung Lưu Thần (Thần gian nhà giữa), Táo Thần, Hành Thần (đường sá). “Hoàng dương tự táo” (dê vàng cúng bếp) là cách làm thời nhà Hán, về sau đến thời nhà Thanh trong cung vẫn duy trì nghi thức này.



Tranh dân gian: Làm kẹo mạch nha cúng ông Công ông Táo.

Trong “Phong thổ chí” của người xưa có ghi chép rằng phong tục cúng tế Táo Quân vào hai triều đại nhà Đường và Tống rất giống nhau, hơn nữa hầu hết các tục lệ đều được lưu truyền đến ngày nay [1]. Đương thời người ta sẽ tụng kinh, chuẩn bị rượu, hoa quả để cúng tế, chuẩn bị Táo mã (Táo Thần dùng giấy vẽ thành, gọi là “Táo mã”) để tiễn Táo Quân, còn có thắp “đèn bếp”. Người dưới triều đại nhà Đường học theo phong tục xưa là cúng bếp tiễn Thần vào đêm cuối năm. Vào thời Bắc Tống, tục gọi là “Hai mươi bốn giao thời”, nghĩa là ngày 24 tháng Chạp âm lịch là cửa ải cuối cùng tiến vào thời điểm giao thoa giữa năm mới và năm cũ, vào ngày này sẽ cúng bếp tiễn Thần.

Vào thời đại nhà Thanh, dân gian thường dùng rất nhiều loại kẹo để cúng bếp, chẳng hạn như kẹo nam, kẹo quan đông, bánh đường, kẹo mạch nha, khô vừng (Theo ghi chép trong “Yên kinh tuế thời ký” và “Đế kinh tuế thời kỷ thắng”). Vào ngày tiễn Thần sẽ đốt rất nhiều pháo, tục gọi là “tiểu niên hạ”.



Kẹo mạch nha cúng ông Táo

Cúng tế Thần như thế nào để được phúc báo?

Tương truyền, vào ngày này, Táo Quân sẽ về Thiên Đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng về công tội thiện ác của các gia đình tại nhân gian, vì vậy người người nhà nhà đều được “khảo tích” (đánh giá thành tích). Từ xưa đến nay, trong các đồ tế phẩm không thể thiếu các đồ ăn ngọt như bã rượu, kẹo v.v. Phong tục ngày nay thường dùng chè trôi nước với mục đích làm cho Táo Quân say, làm “ngọt” miệng của Táo Quân. Ý nghĩa là hy vọng Táo Quân sẽ nói với Thiên Đế những lời tốt đẹp về gia đình mình, và mong đợi một năm mới đầy may mắn.

Thật ra, đây chỉ là tâm nguyện của người phàm, Thần Phật đương nhiên không thể bị “mua chuộc” bởi bã rượu và đồ ngọt, bởi nếu như vậy Thần cũng sẽ không phải là Thần nữa. Nhà nhà đều có Thần linh đang trông coi, nếu bạn thật sự là một người tốt, làm việc tốt, phàm bất kỳ việc gì cũng đều nghĩ đến người khác trước, thì Thần đều nhìn thấy và cảm thấy rất vui vì sự “siêu phàm” của bạn. Khi đó, bạn không mời thì các Thần cũng tự đến, hơn nữa còn ban phúc cho gia đình bạn. Vào thời nhà Hán, câu chuyện Táo Quân hiện hình cho Âm Tử Phương nhìn thấy chính là một ví dụ.



“Hoàng dương tự táo”, bức tranh thứ 5 trong tập “Họa hòa phong hiệp tượng” của Hoàng Việt thời nhà Thanh, được bảo tồn tại Viện bảo tàng Quốc gia Cố Cung tỉnh Đài Bắc

Vào thời đại Hán Tuyên Đế có gia đình nhà họ Âm rất thành tâm cúng tế Thần. Con trai nhà này tên là Âm Tử Phương, nuôi nấng thờ phụng cha mẹ vô cùng hiếu thảo, hơn nữa còn là một người thích làm việc thiện. Một năm nọ, vào ngày tế lễ Lạp Nhật (mùng 8 tháng Chạp) cuối năm, vào lúc tờ mờ sáng Âm Tử Phương đang thổi cơm đã trông thấy Táo Quân hiện hình. Âm Tử Phương rất vui mừng, liền bái tạ Thần ân. Lúc này trong nhà có con dê vàng, ông liền dùng dê vàng để cúng tế Táo Quân.[2]

Kể từ khi Táo Quân hiện hình, gia sản cũng như ruộng đất của Âm Tử Phương đều phát triển nhanh chóng, ông trở thành một người vô cùng giàu có, ruộng đất có hơn 700 khoảnh, trong nhà nhiều xe, ngựa và nô bộc, như một vị chư hầu Quốc quân. Là một người nhân hậu, hiếu thảo và từ thiện, Âm Tử Phương giáo dục gia tộc giàu có nhưng không được xa xỉ, hòa thuận cung kính, nhờ thế không chỉ chính mình nhận được ích lợi, mà đời sau còn được hưởng phước, con cháu đều được phong hầu tại quận Phồn Xương.[3] Người cháu của Âm Tử Phương là Chấp Kim Ngô Âm Thức được thọ phong làm Nguyên Lộc hầu, Âm Hưng được thọ phong làm Đồng Dương hầu, Quang Liệt Hoàng Hậu – Âm Lệ Hoa chính là xuất thân từ nhà họ Âm, bà là em gái của Âm Thức.

Người Trung Hoa xưa đều rất kính Trời tín Thần, các câu chuyện về lòng thành tôn kính cảm ứng Trời Đất cũng rất nhiều trong sử sách. Câu chuyện lịch sử “Hoàng dương tự Táo” của Âm Tử Phương cũng nói cho người hiện đại về cách cung kính và tế bái Thần linh. Dùng tâm từ bi để đối đãi với người và vật, hành thiện tích phúc, nhà hành thiện ắt có phúc dư, để phúc cho con cháu, không mong cầu mà tự có, đây chẳng phải là đạo lý bất di bất dịch trong thiên hạ xưa nay sao?

Chú thích:


[1] Trong “Liễn hạ tuế thời ký” thời nhà Đường ghi chép về “Cúng bếp” như sau: “Người trong thành vào đêm cuối năm sẽ thỉnh mời tăng nhân đạo sĩ đến đọc Kinh, chuẩn bị hoa quả, thiếp tiễn Thần, táo mã rồi đặt lên bếp, lấy bã rượu bôi lên cửa bếp, gọi là Túy tư mệnh. Trong đêm đó sẽ thắp đèn sáng bếp gọi là Chiếu hư hao”.

Trong “Đông Kinh mộng hoa lục” thời Bắc Tống có ghi lại rằng: “Người trong thành đến đêm sẽ thỉnh mời tăng nhân hoặc đạo sĩ đến đọc Kinh, chuẩn bị rượu và trái cây để tiễn Thần, đốt hình Táo Quân thay vì đốt giấy tiền, (chuẩn bị) dán Táo mã lên bếp. Lấy bã rượu bôi lên cửa bếp, đây gọi là Túy tư mệnh. Trong đêm đó đốt đèn sáng dưới gầm giường, đây gọi là Chiếu hư hao.

[2] Trong “Thái bình ngự lãm – Thú bộ thập lục” trích dẫn rằng, “Trong ‘Chú thích cổ kim’ có nói: Chó còn có cách gọi khác là hoàng dương (dê vàng)”

[3] Xem trong “Hậu Hán thư – Phàn Hoàng Âm Thức truyện”: “Vào thời Tuyên Đế, có Âm Tử Phương vừa chí hiếu, lại có tấm lòng nhân ái ân đức, đương lúc thổi cơm vào buổi sáng sớm ngày Lạp Nhật thì Táo Quân hiện hình, Tử Phương vui mừng bái lạy. Trong nhà có con dê vàng, bèn đem nó cúng tế Thần. Từ đó về sau, gia đình đột nhiên trở nên vô cùng giàu có, ruộng đất có hơn 700 khoảnh, xe ngựa nô bộc, có thể so sánh với bậc quân vương một nước nhỏ. Tử Phương thường nói rằng: “Con cháu của ta ắt sẽ giàu mạnh”, nhờ kiến thức uyên bác và minh tỏ đạo lý nên ba đời đều hùng mạnh ở quận Phồn Xương. Người xưa về sau thường cúng bếp vào ngày Lạp Nhật, và nuôi dê vàng”. Trong “Đông Quan Hán ký – Âm Hưng” cũng có ghi chép tương tự.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân