TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Con sói trong lớp áo cashmere
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Con sói trong lớp áo cashmere

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH BINH



Ngày tham gia: 26 Jun 2008
Số bài: 158

Bài gửiGửi: Thu Dec 15, 2022 10:30 pm    Tiêu đề: Con sói trong lớp áo cashmere

Con sói trong lớp áo cashmere
Lương Thái Sỹ

Bernard Arnault – người được mệnh danh “Wolf in cashmere” - vừa vượt qua Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới.



Ông Bernard Arnault (hình: Pascal Le Segretain/Getty Images)

Khi thời trang hạ gục kỹ thuật

Ông trùm thời trang cao cấp Bernard Arnault hiện là người giàu nhất thế giới sau khi đẩy Giám đốc điều hành (Tesla, Starlink, SpaxeX) Elon Musk xuống hàng thứ hai trong danh sách mới “Bloomberg Billionaires Index” của hãng tin kinh tế tài chính Bloomberg.

Arnault, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (CEO) của LVMH đã mất hơn $7 tỷ giá trị tài sản ròng trong năm 2022 khi cổ phiếu LVMH giảm khoảng 6.58%, nhưng chỉ chừng đó thì không đủ ngăn ông vọt lên vị trí hàng đầu. Trong khi đó, giá trị tài sản ròng của Musk còn giảm mạnh hơn nhiều lần: $100 tỷ trong năm 2022!

Hiện thương gia người Pháp nổi tiếng với những đòn phép trong kinh doanh và thâu tóm có số tài sản ròng trị giá $171 tỷ (tức hơn 5% tổng sản lượng nội địa – GDP – của nước Pháp), trong khi trị giá tài sản ròng của Musk chỉ còn $164 tỷ.

Arnault sinh ra ở thành phố Roubaix của Pháp và tham gia công ty xây dựng của gia đình vào năm 1971 rồi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 1981, khi những người theo chủ nghĩa xã hội lên nắm quyền ở Pháp. Một bài báo của The New York Times năm 1989 viết: “Vào thời điểm đó, Arnault vẫn còn là một nhà phát triển bất động sản ít được biết đến đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của gia đình mình ở New Rochelle, New York”.



Bernard Arnault, 1988 (hình: Michel BARET/Gamma-Rapho via Getty Images)

Arnault bắt đầu đi vào thị trường thời trang cao cấp vào năm 1984 thông qua việc mua lại công ty dệt may Boussac của Pháp gần như phá sản lúc nó đang sở hữu nhãn hiệu thời trang cao cấp Christian Dior.

Sau đó, ông đã bán các hoạt động kinh doanh khác của công ty và sử dụng số tiền gom được mua đủ số cổ phần cần thiết để nắm quyền chi phối tại LVMH, công ty hợp nhất giữa hãng thời trang Louis Vuitton và nhà sản xuất rượu champagne và rượu cognac Moët Hennessy. Sau đó Arnault lật đổ Chủ tịch Louis Vuitton và lên nắm quyền, một chiến lược được ông sử dụng nhiều lần trong những năm sau đó để có được đế chế hàng xa xỉ gồm các nhãn hiệu lớn như Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs.

Tháng Một 2021, LVMH bỏ ra $15.8 tỷ mua lại công ty trang sức Tiffany & Co. Trong khi chiến thuật kinh doanh “kiểu Mỹ thô bạo” (brash American-style) của Arnault bị báo chí Pháp chỉ trích, ông lại được tờ báo Anh The Telegraph ngợi khen như “một người có gu thẩm mỹ tinh tế vừa là nghệ sĩ dương cầm cổ điển, vừa là nhà sưu tập nghệ thuật và nhà từ thiện”. Năm 2019 Arnault chính là đầu tầu đứng ra quyên góp $212 triệu để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn lớn.

Khác với Musk, Arnault không ồn ào phô trương mà thích trầm lắng hơn. Sau khi một số tài khoản Twitter bắt đầu theo dõi phi cơ riêng của các tỷ phú Pháp để xem họ ý thức thế nào về biến đổi khí hậu, Arnault đã quyết định bán chiếc phi cơ riêng của mình. “Thật vậy, sau những câu chuyện phi cơ riêng thải khí CO2 của họ, Công ty đã bán chiếc phi cơ riêng – Arnault nói với một đài phát thanh do LVMH làm chủ – Kết quả là không ai có thể biết tôi đi đâu vì tôi thuê những phi cơ khác nhau khi cần sự riêng tư”.



Bernard Arnault, vợ Helene Arnault và ông hoàng thiết kế thời trang Karl Lagerfeld tại chương trình Paris Fashion Week 2016 (hình: Bertrand Rindoff Petroff/Getty Images)

Nhìn lại những cuộc thâu tóm của Arnault

Sự nghiệp của Arnault bắt đầu với một số thuận lợi. Ở tuổi 27, giấu người cha, ông lén thương lượng bán công ty kinh doanh xây dựng của gia đình cho Societé Nationale de Construction của gia đình Rothschild, rồi mới thuyết phục người cha “thỏa thuận này là một ý tưởng hay”!

Arnault cũng bước vào lĩnh vực kinh doanh thời trang một cách tình cờ. Sau một thời gian ngắn ở Mỹ, ông bắt đầu tìm mua một công ty bằng số tiền bán công ty xây dựng của gia đình. Năm 1984, Arnault chú ý đến công ty dệt may phá sản của Pháp Boussac, cũng là sở hữu chủ của nhãn hiệu thời trang cao cấp Christian Dior.

Chính phủ Pháp đã tiếp quản và sẵn sàng phát mãi nó. Có một số người mua quan tâm, kể cả Louis Vuitton. Nhưng Arnault đã sớm có lợi thế vì Anne Dewavrin, người vợ đầu tiên của ông, là em họ của những chủ sở hữu phá sản; và ông dễ dàng mua cổ phần của họ. Sau đó, nêu lý do để tránh sa thải công nhân, Arnault thuyết phục chính phủ Pháp bán cho ông số cổ phần còn lại.

Tuy nhiên, trong vòng năm năm, ông không giữ lời hứa, sa thải 8,000 công nhân và bán gần như toàn bộ cổ phần của mình, thu được khoảng $500 triệu. Việc bán tháo khiến Arnault trở thành một trong những người giàu nhất nước Pháp, nhưng điều này cũng khiến ông mất nhiều bạn bè trong các tổ chức lao động Pháp (cuối cùng chính phủ Pháp buộc ông phải hoàn trả khoảng $60 triệu số tiền chính phủ đầu tư vào công ty vì vi phạm thỏa thuận giữ công nhân).



Bernard Arnault và vợ Hélène Mercier-Arnault dự tiệc tối tại Điện Elysee do Tổng thống Emmanuel Macron khoản đãi (hình: Daniel Pier/NurPhoto via Getty Images)

Arnault tập trung sự chú ý của mình vào thời trang, bắt đầu bằng những bữa ăn tối tại nhà hàng Maxim’s sang trọng ở Paris nơi có nhiều kẻ thượng lưu ăn mặc đẹp, đắt tiền và nhanh chóng say mê thế giới thời trang. Ông thường nói với các phụ tá: “Điều thú vị và bổ ích đối với tất cả chúng ta là làm sao tạo ra công ty hàng xa xỉ số 1 thế giới. Hãy cố gắng làm điều đó”. Năm 1988, Arnault bắt đầu mua cổ phiếu của công ty LVMH.

“Nó giống như một nhà sưu tập nghệ thuật. Bạn mua một bức tranh với suy nghĩ trong ba hoặc bốn năm nữa nó sẽ tăng giá trị. Và trong thời gian chờ đợi, bạn cần làm điều gì đó mà bạn tin là có lợi nhất – Arnault nói với Women’s Wear Daily – Đối với tôi, đó là mua cổ phần của LVMH thay vì IBM”. Ông đặt cược vào thời trang nhiều hơn kỹ thuật.

Cuộc gặp gỡ của Arnault và LVMH, nói như một trong những người sáng lập, giống như “cuộc hôn nhân chạy quá nhanh đến bàn thờ!”. Lúc đó, hai gia đình Moët và Hennessy vừa mới thành lập LVMH bằng cách hợp nhất kinh doanh cognac và champagne của họ với kinh doanh thời trang của Vuitton – theo Yahoo! Finance.

Lúc đó các vụ “thâu tóm kiểu Mỹ” đang lan trành khắp châu Âu khiến các gia đình kinh doanh có máu mặt phải tự bảo vệ bằng cách hợp nhất các công ty của mình. Vẫn còn lo về nguy cơ bị “tranh mua đẫm máu”, hai gia đình Moët-Hennessy mời đồng minh Guinness chuyên phân phối sản phẩm của họ mua 20% cổ phần của công ty hợp nhất.

Nghe tin này, gia đình Vuitton hoảng sợ sẽ mất cân bằng quyền lực. Vì vậy, Henry Racamier, một ông trùm thép 75 tuổi, sui gia của gia tộc Vuitton và chịu trách nhiệm điều hành công việc kinh doanh của họ, phản ứng bằng cách tìm kiếm những người ủng hộ mình. Ông ta tìm ra nhà đầu tư và bảo trợ mới là Bernard Arnault.

Thành công mỹ mãn, liên doanh mua được 37% cổ phần. Vào ngày 26 Tháng Chín, 1988, hội đồng quản trị LVMH họp để bầu Henry-Louis Vuitton, con rể của Racamier và là chắt của người sáng lập làm người đứng đầu. Nhưng Arnault đã tích lũy đủ số cổ phần để nắm quyền kiểm soát nên tại cuộc họp, ông đã đưa Jean Arnault, cha của mình (mà theo ông là một thương gia giàu kinh nghiệm và có trình độ tốt) lên vị trí lãnh đạo...



Bernard Arnault và vợ (trái) cùng người mẫu Natalia Vodianova và cậu con trai Antoine Arnault (hình: Marc Piasecki/WireImage)

Triết lý kinh doanh của Bernard Arnault

Với Bernard Arnault, kinh doanh và doanh số không là mục tiêu lớn nhất. Các sản phẩm được bán với nhãn hiệu LVMH còn được xem như những thực thể sống của một quốc gia, bởi “tôi xem mình như một đại sứ cho di sản và văn hóa Pháp” – theo lời ông nói – bởi “Những gì chúng tôi tạo ra đều mang tính biểu tượng. Nó liên hệ đến hình ảnh của cung điện Versailles, đến bà hoàng Marie Antoinette”. Trong số bộ sưu tập khổng lồ của ông, có chiếc nón từng được hoàng đế Napoleon đội và một bức phác họa mẫu thời trang của nhà thiết kế Christian Dior...
Ngay sau đêm hai người gặp nhau để ấn định thời điểm góp vốn của Arnault, Arnault bí mật lái xe đến nhà của chủ ngân hàng Lazard Frères mà ông quen từ thương vụ mua Boussac. Tại đây, ông gặp đại diện phe Moët-Hennessy. Không nói với Racamier, Arnault âm thầm... đổi phe và thành lập một liên doanh mới với sự hỗ trợ của Guinness để mua cổ phần của LVMH.


Bernard Arnault luôn quan tâm từng chi tiết. Với mỗi nhãn hàng thuộc LVMH, Arnault xem xét mọi góc độ, từ nguyên vật liệu, việc thương lượng diện tích trang quảng cáo đến diện tích gian hàng LVMH trong các siêu thị. Công thức tiêu chuẩn nhiều năm nay được Arnault áp dụng là: Thuê giới thiết kế tên tuổi; tạo ra và nâng cao sự nhận biết nhãn hiệu; dốc tiền cho quảng cáo và mở rộng sự bành trướng chuỗi bán lẻ...

Chính việc thuê những nhà thiết kế hàng đầu thế giới đã giúp LVMH tăng thêm uy tín nhãn hiệu. Đó là cách xây dựng nhãn hiệu dựa trên sức mạnh một nhãn hiệu khác (!) – như “nhãn hiệu” (nhà thiết kế) John Galliano củng cố cho nhãn hiệu Dior; Alexander McQueen cho Givenchy hay Marc Jacobs cho Louis Vuitton (chưa kể việc mời Karl Lagerfeld quản lý Fendi và gần đây là việc mời Phoebe Philo nhằm khôi phục nhãn hàng Celine).

Tôn trọng tính độc lập của những ngôi sao thiết kế, Arnault luôn cho họ không gian để họ sáng tạo và chẳng tỏ ra buồn lòng nếu chẳng may mẫu thiết kế thất bại. “Ông ấy là mẫu người kiên nhẫn đáng nể. Ông ấy luôn sẵn sàng chuẩn bị đủ thời gian để quyết định” – theo Anna Wintour, cựu tổng biên tập tờ Vogue – “Bernard hiểu biết rất rõ những gì nhà thiết kế làm. Nếu cảm thấy gì đó bất ổn, ông ấy sẽ nói ngay nhưng không bao giờ ra lệnh “Phải thế này” hay “Phải thế kia”.

Điều đó cho thấy tài dụng nhân của Arnault và đó lại là một phần bổ sung nữa cho những gì mang lại thành công cho cá nhân ông nói riêng và công ty LVMH nói chung.



“Đế quốc” LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SA

Về thời trang (giày dép, túi xách, quần áo)

Loewe, thành lập năm 1846; Louis Vuitton, 1854; Berluti, 1895; Fendi, 1925; Rossimoda, 1942; Emilio Pucci, 1947; Dior, 1947; Givenchy, 1952; Kenzo, 1970; Donna Karan, 1984; Marc Jacobs, 1984...

Về đồng hồ, nữ trang

Chaumet, thành lập 1780; TAG Heuer, 1860; Zenith, 1865; Fred, 1865; Dior Watches, 1975; Hublot, 1980...

Về rượu

Wenjun, thành lập 1573; Chateau d’Yquem, 1593; Ruinart, 1729; Moet et Chandon, 1743; Hennessy, 1765; Vueve Clicquot, 1772; Ardbeg, 1815; Chateau Cheval Blanc, 1832; Montaudon, 1891; Dom Pérignon, 1936...

Về nước hoa/mỹ phẩm

Guerlain, thành lập 1828; Acqua Di Parma, 1916; Parfums Christian Dior, 1947; Parfums Givenchy, 1957; Benefit Cosmetics, 1976; Fendi Perfumes, 1985; Parfums Kenzo, 1988; Sacks, 2000; Emilio Pucci Parfums, 2005

Các sản phẩm khác

Royal Van Lent, thành lập 1849 (thuyền buồm); Les Echos, 1908 (báo chí); Connaissance des Arts, 1952 (báo chí); Investir, 1974 (báo chí); Radio Classique, 1983 (radio); eLuxury, 2000 (website)


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân