TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ích lợi sức khỏe của quả lựu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ích lợi sức khỏe của quả lựu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Jun 13, 2022 10:38 pm    Tiêu đề: Ích lợi sức khỏe của quả lựu

Ích lợi sức khỏe của quả lựu


Lựu (Punica granatum) là loại quả hình tròn, màu đỏ, kích thước vừa và nhỏ, có nguồn gốc từ một vùng rộng lớn chạy từ phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan.

Chúng có lớp vỏ cứng bên ngoài bao bọc nhiều hạt mọng nước bên trong. Về mặt thực vật học, lựu là quả sinh ra từ một bông hoa duy nhất với một bầu nhụy và hạt.

Trong thời cổ xưa, lựu được sử dụng để điều trị một số vấn đề sức khỏe; chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, ký sinh ruột hay các vấn đề về da, v.v.



Loại quả này cũng nổi bật trong thần thoại và được gọi là “quả của người chết”, vì nó được cho là xuất hiện từ máu của thần Adonis Hy Lạp.

Lựu cũng tượng trưng cho khả năng sinh sản của người La Mã và Hy Lạp cổ xưa, đồng thời được liên kết với Aphrodite, nữ thần tình yêu của Hy Lạp.

Ngày nay, các nhà khoa học đã thừa nhận một số ích lợi sức khỏe của lựu thông qua việc ăn hạt hoặc uống nước ép từ loại quả này.



Có lẽ lời phàn nàn phổ thông nhất về quả lựu là việc phải dành nhiều thời gian bóc tách hạt ra khỏi lớp vỏ trong quá trình ăn.

Tuy nhiên, những ích lợi về dinh dưỡng và chữa bệnh của quả lựu sẽ khiến nỗ lực này trở nên đáng giá. May mắn thay, có rất nhiều video trực tuyến sẽ dạy bạn cách ăn lựu nhanh chóng và dễ dàng.


Ích lợi sức khỏe của lựu


Trong quả lựu bao gồm một hỗn hợp mạnh mẽ các hợp chất có tác dụng chữa bệnh. Dưới đây là một số ích lợi sức khỏe mà hạt lựu và nước ép lựu có thể mang lại cho cơ thể:



Giảm huyết áp:

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống nước ép lựu có thể làm giảm huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Điển hình hơn, nước ép lựu có thể ức chế hoạt động của enzym chuyển đổi angiotensin trong huyết thanh, do đó làm giảm huyết áp.

Kết quả của một đánh giá vào năm 2017 và phân tích tổng hợp cho thấy, những người uống nước ép lựu mỗi ngày đã giảm đáng kể cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Các tác động lên huyết áp tâm thu không phụ thuộc vào việc uống nước ép lựu trong bao lâu và bao nhiêu. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng đề nghị rằng, để giảm huyết áp tâm trương, bạn nên uống ít nhất 240ml.

Mặt khác, nếu bạn muốn đưa nước ép lựu vào cách ăn uống hàng ngày, thì cần bảo đảm rằng nó là nước ép không đường, theo báo Sức khỏe & Đời sống.



Nguồn cung cấp phytoestrogen:

Lựu rất giàu phytoestrogen, có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh.

Trong bài báo của Đại học McGill ở Montreal (Canada), trích dẫn kết quả từ một nghiên cứu cho thấy, một số polyphenol trong lựu có thể ngăn chặn hoạt động của aromatase, một loại enzyme liên quan đến việc tổng hợp estrogen.

Các chuyên viên phát giác ra rằng, chiết xuất từ ​​hạt lựu làm giảm hoạt động của 17-beta-estradiol (có liên quan đến sự phát triển của ung thư vú) khoảng 50%.



Diệt trùng:

Lựu chứa các hợp chất có thể giúp loại bỏ một số vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn, nấm men và nấm. Theo nghiên cứu, những hợp chất này có thể giúp chống lại các vi sinh vật gây hôi miệng và sâu răng.



Tăng cường sức khỏe xương khớp:

Sức khỏe xương khớp rất quan trọng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi trong thời kỳ mãn kinh và sau mãn kinh.

Nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng, chiết xuất dầu quả lựu có tác dụng điều trị tích cực đối với sức khỏe của xương.



Hỗ trợ sức khỏe tim mạch:

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng chiết xuất quả lựu có thể giúp tim khỏe mạnh bằng cách chống lại chứng viêm và sự tích tụ của mảng bám trong động mạch (xơ vữa động mạch).

Trong một nghiên cứu trên người, những người uống 8 ounce (khoảng 237ml) nước ép lựu trong 5 ngày liên tiếp cho thấy trái tim của họ được bảo vệ. Kết quả được đánh giá dựa trên bằng chứng từ các thử máu.

Họ cũng giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng và số lần đau ngực.



Giảm viêm:

Viêm mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh nghiêm trọng và các vấn đề sức khỏe khác.

Lựu có chứa các hợp chất phenolic được gọi là punicalagins, đã chứng minh đặc tính chống viêm và chống oxy hóa trong các nghiên cứu phòng thí nghiệm và trên động vật.

Uống nước ép lựu cũng có thể làm giảm viêm ở những người mắc bệnh tiểu đường.



Hỗ trợ sức khỏe tiết niệu:

Để bảo vệ sỏi thận, chiết xuất quả lựu có thể hữu ích. Trong một nghiên cứu về những người trưởng thành bị sỏi thận tái phát, việc sử dụng 1.000 mg chiết xuất quả lựu trong 90 ngày có tác dụng ngăn cản sự hình thành sỏi.



Tăng cường sức khỏe não bộ:

Lựu có chứa ellagitannin, hợp chất có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Nghiên cứu cho thấy ellagitannin có thể giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer bằng cách giảm tổn thương oxy hóa.

Lisa Roth Collins
Hoàng Tuấn

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Sun Dec 18, 2022 12:02 am    Tiêu đề: Ích lợi sức khỏe của quả lựu

Ích lợi sức khỏe của quả lựu


Quả lựu là một loại siêu thực phẩm, là siêu sao chống oxy hóa vì tác dụng chống oxy hóa cao gấp ba lần so với rượu vang đỏ và trà xanh. Tác động chống oxy hóa của lựu đến từ các hợp chất gọi là polyphenol. Trong lựu còn có chứa flavonoid (catechin và anthocyanin), tannin ngưng tụ, acid phenolic, tannin có thể thủy phân (punicalagin), ancaloit và lignans có tác động tích cực đến bệnh tiểu đường, diệt trùng, chống tăng huyết áp và chống viêm.



1. Giảm căng thẳng oxy hóa

Căng thẳng oxy hóa được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa việc sản xuất các loại oxy phản ứng (các gốc tự do) và tác dụng phòng thủ chống oxy hóa.

Sự mất cân bằng này là do các nguyên nhân gây căng thẳng của môi trường (ví dụ như tia cực tím, sự tiếp xúc với bức xạ, chất ô nhiễm, thuốc trừ sâu, hóa chất kỹ nghệ, hút thuốc, khí ôzôn và các kim loại nặng) và các yếu tố bên trong (như dinh dưỡng, tình trạng viêm nhiễm, lối sống, các tình trạng như mất trí nhớ, ung thư, tiểu đường và các bệnh mãn tính).

Sự tích tụ của các loại oxy phản ứng (ROS) và tổn thương oxy hóa được cho là có thể gây ra nhiều bệnh lý, bao gồm các bệnh thoái hóa thần kinh, rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, phục hồi sau chấn thương, các bệnh về da và chứng lão hóa sớm.

Công dụng chống oxy hóa của quả lựu có hiệu quả giảm căng thẳng oxy hóa, giúp ngăn ngừa và cải thiện các bệnh lý liên quan đến oxy hóa và các triệu chứng phát sinh.



2. Ngăn ngừa các bệnh lý có nguyên nhân từ lối sống cá nhân và giảm thiểu các biến chứng của nó

Các bệnh lý có nguyên nhân từ lối sống cá nhân là những căn bệnh chủ yếu dựa trên thói quen hàng ngày của con người chẳng hạn như ít vận động, hút thuốc, cách ăn uống không lành mạnh và lạm dụng rượu. Các bệnh lý liên quan bao gồm bệnh tiểu đường, tim mạch, hô hấp mãn tính, đột quỵ và ung thư. Tiền thân của nó có thể kể đến triệu chứng huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, lượng mỡ trong máu cao, căng thẳng cao độ và béo phì.

Tác dụng bảo vệ chống oxy hóa của polyphenol trong lựu giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống bằng cách giảm các loại oxy phản ứng và tăng cường hoạt động chống oxy hóa.

Một phân tích tổng hợp từ 8 nghiên cứu liên quan đến việc tiêu thụ nước ép lựu và huyết áp cao cho thấy chứng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giảm đáng kể sau khi uống nước ép quả lựu. Các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên sử dụng loại nước ép trái cây này trong cách ăn uống để có sức khỏe tim mạch tốt.

Quả lựu được chứng minh là một chất chống oxy hóa mạnh đối với chứng căng thẳng oxy hóa và xơ hóa do bệnh tiểu đường trong một nghiên cứu trên chuột và chứng rối loạn tác dụng cương dương, một triệu chứng gây ra do bệnh tiểu đường, cũng được cải thiện một phần.

Tiêu thụ nước ép lựu cô đặc (50g mỗi ngày) có tác dụng tích cực đối với hai dấu ấn sinh học gây viêm (cholesterol lipoprotein mật độ cao và IL6) và tăng tác dụng chống oxy hóa lên khoảng 75% trong một nghiên cứu lâm sàng trên 40 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2.



3. Giảm ung thư

Các nhà nghiên cứu phát giác ra rằng chiết xuất từ vỏ quả lựu có thể ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là khi nó đang trong quá trình di căn và xâm nhập tấn công cơ thể, đây là hai mốc quan trọng trong quá trình di căn của ung thư tuyến tiền liệt.

Chiết xuất quả lựu làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư tế bào ung thư vú và ung thư ruột kết ở người, giảm tế bào nhạy cảm với thuốc từ 15% đến 30% và các tế bào kháng thuốc (kháng doxorubicin) từ 5% đến 20%. Điều này cho thấy tác dụng hữu ích của chiết xuất lựu như là một liệu pháp điều trị ung thư ở người.

So với nước ép trái cây, tổng hàm lượng phenolic và tiềm năng loại bỏ gốc tự do của lựu cao hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chất anthocyanin và copigment hoạt động hiệp đồng với nhau trong việc giảm căng thẳng oxy hóa trên chứng vàng da do viêm gan, ung thư gan, tắc mật do sỏi.

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy bổ sung lựu có thể ngăn ngừa ung thư vú bằng cách làm giảm hai hoóc môn giới tính liên quan đến nguy cơ ung thư vú trong một nghiên cứu trên 64 phụ nữ sau mãn kinh khỏe mạnh, những người được chỉ định ngẫu nhiên uống 8 ounce hoặc 100% nước ép lựu thương mại (nhóm can thiệp) hoặc nước táo (nhóm đối chứng) trong ba tuần; nhóm can thiệp cho thấy sự sụt giảm đáng kể ở cả nồng độ estrone và testosterone.

Tinh chất quả lựu chứa nhiều chất có nguồn gốc thực vật (phytochemical) có hoạt tính sinh học khác nhau được phát giác có tác dụng chống tăng sinh và hoại tử tế bào ung thư vú trên chuột, làm gián đoạn hormone estrogen, hứa hẹn một phương pháp điều trị ung thư vú tiềm năng cho con người.

Một viên con nhộng uống có chứa hỗn hợp lựu, trà xanh, bông cải xanh và nghệ, hoặc giả dược giống hệt nhau đã được thí nghiệm trong sáu tháng ở 199 người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt cục bộ. Nhóm sử dụng viên con nhộng bổ sung này có mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA), một dấu hiệu của sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt, giảm hơn 63% so với nhóm đối chứng. Điều này được cho là nhờ vào hàm lượng polyphenol có trong trong viên con nhộng bổ sung.

Trong một đánh giá toàn diện về các nghiên cứu thí nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng lựu đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết, da và gan.



4. Tăng cường phục hồi chấn thương từ các hoạt động thể chất

Một nghiên cứu trên 30 vận động viên sức bền cao cho thấy tiêu thụ nước ép lựu trong ba tuần đã cải thiện hai dấu hiệu căng thẳng oxy hóa và từ đó làm giảm tác hại oxy hóa do tập thể dục cao độ.

Trong một nghiên cứu trên 19 vận động viên Ba Lan, việc bổ sung 50ml nước ép lựu mỗi ngày trong hai tháng cho thấy tác dụng chống oxy hóa trong huyết tương được tăng cường đáng kể ở nhóm nghiên cứu khi được đo đạc bởi sự gia tăng tổng tác dụng chống oxy hóa và mức IL-6.

Nước ép dưa hấu bổ sung tinh chất lựu và citrulline cho thấy không làm tăng tổn thương cơ và duy trì đáng kể lực trong quá trình tập thể dục và giảm đáng kể mức độ mất sức và đau cơ sau khi vận động thể chất ở 19 người đàn ông khỏe mạnh.

Trong một nghiên cứu trên chuột, chiết xuất từ lớp vỏ ngoài màu đỏ của quả lựu cho thấy hoạt tính chống oxy hóa cao giúp tăng cường đáng kể các thông số sinh hóa huyết thanh và giảm căng thẳng oxy hóa. Các nhà khoa học đã đề nghị sử dụng lựu trong cách ăn hàng ngày của động vật hoặc như một loại nước giải khát cho con người để đạt được tác dụng chống oxy hóa bảo vệ và cải thiện sức khỏe.

Chạy bền gây ra căng thẳng sinh lý đáng kể trên cơ thể, có thể phát triển thành viêm mãn tính và chấn thương quá mức, nhưng việc bổ sung lựu, curcumin và methlysulfonylmethane (MSM) làm giảm viêm toàn thân và căng thẳng oxy hóa mà không gây tác dụng phụ bất lợi ở 15 vận động viên chạy marathon.



5. Cải thiện làn da và chống lão hóa sớm

Trong một đánh giá của các nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu đã phát giác ra rằng các hợp chất phenolic trong quả lựu có thể có tác dụng bảo vệ đối với làn da tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao. Tác dụng đó bao gồm tăng hoạt động chống oxy hóa bằng cách giảm các loại oxy phản ứng có hại liên quan đến căng thẳng oxy hóa và giảm các dấu hiệu viêm như cytokine và chemokine trong các bệnh về da và giảm lão hóa da sớm do các hạt trong không khí gây ra.

Ngoài ra, lựu đã được chứng minh là có lợi cho việc giảm tác hại của bức xạ tia UVB năng lượng mặt trời trên da động vật và bức xạ cực tím (UVA và UVB) trên da người. Trong một nghiên cứu trên 74 phụ nữ cho thấy tiêu thụ lựu hàng ngày (8 ounce nước ép lựu hoặc 1,000mg chiết xuất từ ​​quả lựu) tăng cường tác dụng bảo vệ khỏi tác hại của tia UV.



6. Giảm nguy cơ viêm nhiễm

Trong một phân tích tổng hợp 16 thí nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên gồm 572 người, việc bổ sung lựu giảm đáng kể các dấu ấn sinh học gây viêm như hs-CRP, IL-6 và TNF-α so với nhóm dùng giả dược.

Protein phản ứng C có độ nhạy cao (hs-CRP) liên quan đến nguy cơ bệnh động mạch vành và viêm trong cơ thể.

Interleukin-6 (IL-6) là một protein giúp điều chỉnh các phản ứng miễn dịch và được sử dụng như một dấu hiệu khởi động hệ thống miễn dịch. Mức IL-6 có thể tăng cao khi cơ thể bị viêm, nhiễm trùng, rối loạn tự miễn dịch, bị bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư khác.

Yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF- α) cũng là một loại protein góp phần gây ra viêm nhiễm. Ở những người khỏe mạnh, nó là một phần cần thiết của hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các cuộc tấn công từ các vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể và chữa lành các mô bị tổn thương; ở những người mắc các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp, lượng TNF-α dư thừa trong máu có thể dẫn đến chứng viêm không cần thiết và chứng đau mãn tính.

Viêm óc là một trong những yếu tố hàng đầu gây ra các rối loạn thần kinh như mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chiết xuất vỏ quả lựu mang lại ích lợi phòng ngừa và tiến triển trong các bệnh thần kinh bằng cách ảnh hưởng tích cực đến bộ nhớ không gian và làm giảm các dấu hiệu sinh học của căng thẳng oxy hóa và viêm trong một kiểu mẫu chuột bị thoái hóa thần kinh.

Trong một nghiên cứu lâm sàng có kiểm soát trên 261 người không bị mất trí nhớ từ 50 đến 75 tuổi, việc tiêu thụ nước ép lựu hàng ngày (230ml) đã làm ổn định tác dụng ghi nhớ tin tức hình ảnh của nhóm điều trị trong hơn một năm.

Một nghiên cứu trên chuột bị ngộ độc thần kinh do nhôm chloride cho thấy chiết xuất vỏ quả lựu có thể ngăn cản căng thẳng oxy hóa và các bệnh lý trong óc do nhôm gây ra, có thể là do tác dụng chống apoptotic và chống oxy hóa của nó (lựu).



Công dụng siêu việt của lựu

Các nhà khoa học ngày càng quan tâm đến ích lợi điều trị của quả lựu đối với bệnh tiểu đường, phục hồi đột quỵ và tắc nghẽn động mạch.Để tìm hiểu thêm về tác dụng cải thiện sức khỏe của quả lựu, hãy tìm đọc cơ sở dữ liệu của GreenMedInfo.com về chiết xuất của quả lựu và vỏ quả lựu.

Diane Fulton
Ngọc Anh biên dịch


Tiến sĩ Diane Fulton là Giáo sư danh dự tại Đại học Bang Clayton. Cô có bằng Ph.D./MBA chuyên ngành kinh doanh (Đại học Tennessee – Knoxville) và B.S. với các chuyên ngành toán/giáo dục trung học (Đại học Wisconsin – Milwaukee). Trong 45 năm sự nghiệp của mình với tư cách là quản trị viên / giáo sư giảng dạy về nghiên cứu và kinh doanh, cô đã là tác giả của 10 cuốn sách, hơn 50 bài báo và hiện cô đang viết sách dành cho trẻ em về cơ thể, chánh niệm và nhận thức đa văn hóa. Niềm đam mê của cô là chia sẻ kiến ​​thức của mình để kết hợp một cơ thể, trí tuệ và tâm hồn khỏe mạnh.

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Feb 27, 2023 12:22 am    Tiêu đề: Quả lựu kỳ diệu

Quả lựu kỳ diệu


Những lớp thịt ngọt lịm, mọng nước, và tươi sáng mang đến màu sắc rực rỡ và hương vị cho bàn ăn mùa đông

Khi mùa đông tràn về, những món nông sản tươi đang bắt đầu trông như thể là một ký ức mờ nhạt. Những quả cà chua khô như bột và cây xà lách khô héo, ấy vậy mà mùa thu hoạch lựu chỉ vừa mới bắt đầu. Mong bạn đừng quên trân quý quả lựu xinh xắn này nhé.


Những quả cầu màu đỏ tươi treo lủng lẳng rực rỡ trên những bụi cây như những vật dụng trang trí của cây Giáng Sinh.


Những quả cầu màu đỏ tươi treo lủng lẳng rực rỡ trên những bụi cây như những vật dụng trang trí của cây Giáng Sinh. Những hạt thịt bên trong giống như những viên hồng ngọc mọng nước và có thể biến vị đầu bếp bình thường thành một ảo thuật gia ẩm thực. Bạn lấy một nhúm hạt lựu và rải lên món ăn của mình như thể bạn đang làm điệu bộ của những từ “hocus pocus” (hô biến). Cho những hạt lựu vào món salad, súp, steak, bữa sáng, và vô vàn những món khác.

Công thức đặc sắc của ngày hôm nay, linguini (mì ống) với sốt phô mai nấm, cuối cùng là rải một lớp phủ hào phóng. Vị ngọt lịm của những hạt lựu bổ sung cho tính hai mặt của hương vị, cân bằng vị ngọt và mặn cũng như vị chua của chúng, giống như những ngụm rượu từ một ly vang đỏ đậm đà.


Có nguồn gốc từ Iran, Afghanistan, và dãy Himalaya, những quả lựu đã trở nên gắn bó mật thiết với các món ăn và nền văn hóa địa phương.


Có nguồn gốc từ Iran, Afghanistan, và dãy Himalaya, những quả lựu đã trở nên gắn bó mật thiết với các món ăn và nền văn hóa địa phương. Thời nay, những quả lựu này đã sinh trưởng ở khắp các rìa ấm áp của khí hậu ôn đới trên khắp thế giới. Các cây lựu chịu được nhiệt độ cao và lượng mưa thấp, nói chung là dễ trồng, và có thể mang đến những vụ mùa bội thu. Những quả lựu này có thể được bảo quản trong nhiều tháng và được vận chuyển từ từ.

Khả năng thích ứng đó, cộng thêm nhu cầu của loại trái cây này đang gia tăng, đã khiến số cây lựu được trồng tăng chóng mặt. Những vườn lựu đang thay thế các vườn táo ở nhiều nơi của Ấn Độ mà vốn dĩ hiện đang quá nóng để táo phát triển. Trong khi đó, những cây lựu phát triển mạnh ở nhiều khu vực tương tự ủng hộ [việc trồng] cây thuốc phiện, như Afghanistan và Mexico, điều này có nghĩa là một cách ăn uống có nhiều lựu có thể giúp các nền kinh tế nông thôn tránh xa việc kinh doanh ma túy.


Việc tách hạt lựu có thể trở nên bừa bộn - nhưng việc này sẽ trở nên dễ dàng nếu thực hiện với kỹ thuật đúng.


Lời khuyên của chuyên viên

Việc tách hạt lựu có thể trở nên bừa bộn nếu kỹ thuật của bạn không đúng. Nhưng nếu bạn rạch phần vỏ xung quanh các đường rãnh [ngăn cách các múi lựu], bẻ đôi quả, và gõ nhẹ, những hạt lựu này sẽ lao ra như những người đi mua sắm vào ngày Black Friday xông vào các cánh cổng của siêu thị Walmart.

Kỹ thuật này đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà một cây bút về ẩm thực có tên là Robyn Eckhardt từng có lần ngồi xuống với một nhóm những người phụ nữ, một vài mẫu ống nhựa, và 100kg (220 pound) lựu tươi. Họ đã dành cả ngày để tách hạt lựu, nguyên liệu mà họ sẽ sử dụng để tạo ra mật lựu. Cô Eckhardt đã gửi thư điện tử cho tôi về kỹ thuật mà họ từng dùng để tách các hạt:

“Bóp nhẹ một nửa quả lựu, mặt cắt nằm úp xuống, trên một chiếc tô sâu rộng để các hạt có thể rơi ra. Bạn đặt nửa quả lựu có mặt cắt úp trên bàn tay không thuận của mình. Xòe những ngón tay ra để tạo một ‘cái rây’ cho các hạt có thể rơi xuống. Dùng tay cầm của thìa gỗ hoặc cây vét bột, gõ khắp quả lựu; những hạt bong ra sẽ rơi xuống tô (những mẩu màng trắng đắng vẫn còn trên tay bạn). Bạn tiếp tục gõ, xoay quả lựu trong tay, cho tới khi hầu hết các hạt rơi ra. Nếu có bất kỳ màng trắng nào rơi vào tô, bạn hãy nhặt ra.”

Tuổi thọ của loại trái cây này trong tủ lạnh có thể kéo dài trong nhiều tháng bằng cách gói chúng lại trong những tờ giấy lau bếp và bảo quản trong một túi giấy ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh, nơi không có nhiều hoạt động [kéo ra đẩy vào], một người cố vấn về lựu khác của tôi là đầu bếp Ray Risho, một chuyên viên về ẩm thực Cựu Thế Giới đã giải thích như thế. Người ta muốn để những quả lựu đã được gói lại ít bị đụng đến, với càng ít rung động càng tốt.

“Giống như những chai rượu vang hảo hạng, những quả lựu càng ít bị xáo trộn, thì càng giữ được lâu,” ông nói.

Ông Risho đã cho tôi công thức làm món Linguini con Funghi e Formaggio, sự kỳ diệu của món ăn này một phần là nhờ vào khâu trang trí bằng những hạt lựu. Việc phủ những hạt lựu lên món ăn giúp kích thích [vị giác], và bạn nên chắc chắn là có sẵn nhiều hạt để dùng. Nếu không, sự kỳ diệu đó sẽ mất đi.


Món mì sốt phô mai nấm này có được sự kỳ diệu một phần là nhờ vào việc trang trí bằng những hạt lựu. (Hình: Ari LeVaux)


Món Linguini con Funghi e Formaggio

Ngoài những hạt lựu, công thức này còn tùy thuộc vào hỗn hợp các loại nấm và không thêm quá nhiều phô mai. Tôi muốn chắc chắn là có nhiều nấm đông cô hoặc nấm bào ngư vì những loại nấm này dai hơn, tạo thêm kết cấu đẹp cho món ăn.

Khẩu phần: 4 người

• Tiêu đen mới xay và muối

• 1/2 pound mì linguini (một nắm dày nhưng không lớn)

• 3/4 cup hỗn hợp húng quế tươi, kinh giới, và rau mùi tây

• 1/3 cup hỗn hợp phô mai Parmesan và Romano mới bào

• 5 tép tỏi, nghiền

• 2 cup nấm (nấm mỡ trắng, nấm mỡ nâu, nấm bào ngư, nấm đông cô...)

• 1 muỗng canh bơ

• 3 muỗng canh dầu ô liu, chia nhỏ

• 1/4 cup hạt thông

• Nước cốt của 1 quả chanh

• 1 cup hạt lựu

Trước tiên, bạn đun nóng hai lít nước với 2 muỗng canh muối. Rồi thêm mì vào khi nước sôi.

Trong khi nấu mì, bạn cắt nhỏ các loại rau thơm, bào phô mai, nghiền tỏi, và cắt lát các loại nấm.

Khi mì linguini vừa chín tới (ở giữa chỉ còn một phần trắng khô ở đang mờ đi), bạn vớt mì ra và trộn đều, kỹ trong dầu ô liu. Rồi để sang một bên.

Trong một chảo lớn hoặc chảo xào wok, bạn cho bơ và 2 muỗng canh dầu ô liu vào ở lửa vừa. Thêm hạt thông và tỏi đã nghiền. Trộn đều hạt thông cho tới khi chúng bắt đầu ngả nâu. Không quá nâu.

Thêm các loại nấm và đảo đều. Rồi bạn nêm nếm với ¼ muỗng cà phê tiêu mới xay và một nhúm muối.

Khi nấm bắt đầu ngả sang màu nâu, bạn trộn vào các loại rau thơm, mì, và phô mai bào. Thêm nước cốt chanh và đảo đều tất cả.

Trình bày món thơm ngon này ra một đĩa lớn, bạn trang trí với một nắm hạt lựu, và vắt một phần tư quả chanh rải nước đều lên hỗn hợp này.

Ari LeVaux
Nam Anh biên dịch

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Thu Dec 21, 2023 11:55 pm    Tiêu đề: Ích lợi sức khỏe của trái lựu

Ích lợi sức khỏe của trái lựu


Trái lựu đỏ với những ích lợi sức khỏe đáng kể nay đã vào mùa. Chữ “pomegranate” trong tiếng Latin, pomum grantum, nghĩa là “táo nhiều hạt.” Dưới lớp da cứng, lựu chứa hàng trăm hạt có thể ăn được, gọi là arils, mỗi hạt bao quanh bởi nước ép ngọt và chua bao quanh một hạt nhỏ, trắng, giòn. Vỏ, lá và rễ của trái lựu chứa nhiều các hợp chất có lợi cho sức khỏe.



Lịch sử

Cây lựu – có tên Latin là Punica granatum – có lịch sử lâu đời và đầy màu sắc. Từ các bản ghi chép cổ, cây lựu khởi nguồn từ Iran và đã được trồng khắp khu vực Địa Trung Hải, bao gồm Á, Phi, Âu, và Bắc Ấn Độ trong hàng thế kỷ qua, do có thể dự phòng và điều trị nhiều bệnh tật. Nhiều nền văn hóa đã tôn vinh trái lựu do ý nghĩa tâm linh và tôn giáo. Ví dụ:

    • Theo truyền thống Do Thái, trái lựu thiêng liêng, vì thỉnh thoảng có trái lựu chứa 613 hạt, được tin là tượng trưng cho 613 điều răn trong Kinh Torah.

    • Trong thần thoại Hy Lạp, trái lựu là một ẩn dụ cho ham muốn và tội lỗi.

    • Trong một số nền văn hóa Á châu, trái lựu là biểu tượng cho sự sinh sản và phong phú.

Ở Ấn Độ, y học Ayurvedic coi trái lựu như một loại dược phẩm toàn diện. Ngày nay, cồn thuốc và bột thuốc từ hạt, nước ép, và vỏ của trái lựu được sử dụng để điều trị ký sinh trùng, tiêu chảy, lở loét và các tình trạng khác.


Ích lợi sức khỏe của trái lựu


Trái lựu có lợi cho sức khỏe đến từ hàm lượng cao các chất chống oxy hóa độc đáo, giúp chống lại nhiều loại gốc tự do.

Hạt và vỏ trái lựu chứa hai chất chống oxy hóa chính, punicalagin và acid punicic. Hạt cũng giàu vitamin B và C, acid folic (Vitamin B9), potassium, và sắt. Vỏ chứa flavonoid anthocyanin, làm cho trái lựu có màu đỏ rực rỡ. Loại lựu màu vàng hiếm gặp có ít ích lợi sức khỏe hơn.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe tim

Nước ép lựu đã được chứng minh có lợi cho tim do hàm lượng chất chống oxy hóa cao và cải thiện cao huyết áp và tình trạng viêm. Các hợp chất polyphenol punicalagin và ellagitannin giúp ngăn chặn thành mạch máu dày lên, do đó làm giảm cholesterol tích tụ và mảng bám. Các anthocyanins trong nước ép đã được chứng minh có tính chất bảo vệ tim mạch đối với bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ép lựu giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe bộ óc

Ellagitannin trong trái lựu giúp giảm viêm. Một số nghiên cứu đã phát giác ra rằng ellagitannin giúp bảo vệ bộ óc khỏi bệnh Alzheimer và Parkinson bằng cách giảm tổn thương oxy hóa và tăng sự sống sót các tế bào óc.

Trái lựu và bệnh ung thư

Các nhà khoa học nhận thấy triển vọng lớn trong lĩnh vực dự phòng ung thư của trái lựu. Sự quan tâm của cộng đồng khoa học đối với lựu tăng cao trong thập niên gần đây do sự ngăn chặn hoặc ngăn cản một số loại ung thư, chi phí thấp và dễ dàng tìm kiếm.

Số lượng nghiên cứu về quả lựu được công cụ tìm kiếm PubMed của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã tăng lên nhanh chóng trong năm năm qua.

Trong một số nghiên cứu sơ bộ trong nuôi cấy mô và thí nghiệm trên động vật, các chiết xuất từ trái lựu cho thấy có thể ngăn chặn ung thư tiền liệt tuyến, vú, phổi và đại tràng bằng cách ảnh hưởng đến tình trạng viêm nhiễm, giúp ngăn cản hoặc ngăn chặn tế bào chuyển hóa, phát triển, tăng sinh khối u và di căn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nghiên cứu lâm sàng để sao chép kết quả đã được tìm thấy trong nghiên cứu này.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe thận

Trong một nghiên cứu, chiết xuất trái lựu có thể ngăn cản cơ chế hình thành sỏi ở những người có tiền sử sỏi thận tái phát, do potassium và chất chống oxy hóa trong nước ép lựu.

Nghiên cứu trên động vật đã phát giác ra rằng chiết xuất lựu giúp điều chỉnh những thành phần thường gây sỏi thận trong máu gồm nồng độ oxalates, calcium và phosphatee.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe làn da

Trong y học Ayurvedic, từ lâu chiết xuất và tinh chất lựu được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về da, vết thương và lở loét. Ngoài ra, trái lựu điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát mụn trứng cá và mụn nhọt.

Các nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm về chiết xuất của trái lựu cho thấy có thể ngăn chặn ung thư da do tác động của tia UV.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe xương

Lâu nay, cộng đồng khoa học đã biết rằng các chất chống oxy hóa polyphenol giúp hình thành và tái tạo xương thông qua việc giảm viêm và giảm căng thẳng oxy hóa.

Theo một nghiên cứu, tất cả các bộ phận của trái lựu đều có hiệu quả trong việc ngăn chặn mất xương ở chuột thí nghiệm vì lựu chứa đầy chất chống oxy hóa. Các nhà khoa học giả thuyết rằng chiết xuất lựu là một phương pháp trị liệu tiềm năng cho phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh.

Trái lựu và và bệnh tiểu đường

Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã phát giác ra rằng nước ép lựu tươi tăng cường mức insulin và giảm kháng insulin ở những đối tượng bị tiền tiểu đường.

Do chỉ số tải lượng đường trong máu GL của lựu là 18, lựu là loại trái cây tuyệt vời giúp quản lý tốt lượng đường trong máu.

Trái lựu có lợi cho sức khỏe sinh sản

Do nước ép lựu làm tăng mức testosterone trong nước bọt của những người tham gia thí nghiệm, các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng lựu có thể trở thành một phương pháp trị liệu trong tương lai cho các vấn đề về sinh sản ở nam giới có mức testosterone thấp.

Tuy nhiên, các thí nghiệm lâm sàng cần được thực hiện thêm để chứng minh điều này. Nước ép lựu cũng chứa folate, chất dinh dưỡng cần thiết cho việc thụ thai và bảo vệ chống lại khuyết tật óc có thể xảy ra trong thai kỳ.

Danh sách đầy đủ tin tức dinh dưỡng của trái lựu có sẵn trên trang web FoodData Central của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.



Thận trọng khi ăn trái lựu

Những người đang dùng thuốc ngăn cản men chuyển angiotensin (ACE) và những người bị tiêu chảy không nên ăn hoặc uống nước ép lựu.



Các cách ăn trái lựu:

    • Hạt lựu có hàm lượng vitamin C cao nhất

    • Uống nước ép vào buổi sáng, khi đói bụng, để hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng.

    • Tiêu thụ hạt lựu với salad hoặc sữa chua với granola.

    • Làm sinh tố gồm nước ép lựu, chuối và sữa chua.

    • Pha trộn nước ép lựu, giấm gạo, dầu, tỏi và đường để làm nước sốt salad.

Sandra Cesca
Thiên Vân biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Nữ Công Gia Chánh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân