TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Doanh nhân v
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Doanh nhân v

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Phanrang



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 203

Bài gửiGửi: Wed Dec 10, 2008 3:24 pm    Tiêu đề: Doanh nhân và Thiền

Doanh nhân và Thiền


Nói đến Thiền, mọi người vẫn thường nghĩ đó là một hình thức tu tập chỉ dành cho các nhà sư hay những bậc tu hành. Ngày nay, quan niệm đó không còn đúng nữa và cần phải hiểu theo nghĩa rộng hơn là Thiền dành cho mọi đối tượng... Đặc biệt, với giới doanh nhân luôn phải đối mặt với áp lực của công việc và những lo toan thường nhật thì Thiền là giải pháp hữu hiệu vừa thanh tịnh tâm hồn, rèn luyện sức khỏe lại vừa giúp tăng hiệu quả trong công việc. Nhưng áp dụng Thiền như thế nào để trút bỏ lo âu và tìm sự bình yên, thanh thản là nỗi khát khao mà không phải ai cũng thực hiện được. Nó đòi hỏi sự hiểu biết về bản chất, về những triết lý, tinh hoa của Thiền cũng như vai trò ứng dụng của Thiền trong cuộc sống và công việc.



Thiền và các quan niệm



Thiền là gì? Thiền - tên Hán Việt đầy đủ là Thiền-na, tiếng Phạn là Dhyana nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”, là trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ để đắm mình trong ý nghĩ về ý thức vũ trụ. Tâm trí sẽ được mở rộng vô hạn, ý thức cá nhân không còn tồn tại mà hoàn toàn được giải phóng khỏi những trói buộc của bản ngã và sự đồng hoá để hướng tới sự “Tỉnh giác”, “giải thoát” và “Giác ngộ”. Nhờ việc tu tập Thiền, con người đạt được sự tỉnh táo, tập trung, nhìn thế giới rõ ràng, khám phá bản thể thật sự của mình, biết mình là ai, ở đâu, hướng tới tính thiện và lòng nhân ái bao dung.



Dưới đây là một số quan điểm về Thiền:



- Tại Trung Quốc, Thiền được hiểu theo một nghĩa rộng, bao gồm tất cả phép tu như: Quán niệm hơi thở Nhập tức xuất tức niệm, tứ niệm xứ... với mục đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác.



-Theo đạo Phật, Thiền là khi tâm thức đạt đến một trạng thái sâu lắng, chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng (tứ thiền), trong đó lòng tham dục dần mất đi, đạt đến trạng thái tỉnh giác, kiến tri vô lượng, tức là thông suốt về thế giới.



- Theo tiến sĩ tâm lí học, Thiền sư người Anh David Fontana: “Thiền không có nghĩa là ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỉ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là: giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là; trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu.”



- Theo quan điểm của y học: Thiền là phương pháp quán khí, tĩnh tâm qua việc theo dõi hơi thở. Hít thở theo phương pháp này làm giảm mức tiêu thụ oxygen ở não, từ đó vỏnão được giải phóng và cải thiện việc tiếp nhận CO2 cần thiết cho sự thúc đẩy quá trình traođổi chất trong cơ thể, làm cho ta thở tốt hơn. Chính nhờ những tác động tích cực mà việc ngồi thiền đã được áp dụng các chứng bệnh hiện đại như: stress và các chứng bệnh liên quan đến thần kinh.



Giới thiệu một số triết lý của Thiền



Một số triết lý, châm ngôn dưới đây sẽ giúp bạn hình dung phần nào về tinh thần lôi cuốn của Thiền môn.



- Triết lý về sự thuần khiết và giản dị: Gạt bỏ những thành tố rườm rà, ham hiểu biết đến tột độ về bản chất của sự vật, hiện tượng. Lời nói không giúp chúng ta đến gần sự thật ngược lại nó ngăn cản chúng ta đến với sự thật.



- Triết lý về sự tĩnh lặng và lưu chuyển: Tâm trí phải được bình thản nếu không con người sẽ không có được cảm giác bình yên. Vạn vật luôn biến đối không ngừng, dòng đời hối hả xuôi ngược với biết bao biến động hàng ngày, hàng giờ vây lấy chúng ta. Tư tưởng sống giữa những sôi động ấy vẫn thản nhiên dường như kéo dài thời gian đến vô tận.



- Triết lý về sự lưu tâm: Khả năng cảm nhận từng chi tiết mà không bị những tham vọng và sự lo âu làm cho xao nhãng. Con người biết lưu tâm luôn tập trung hoàn toàn vào tất cả những gì mà các giác quan của họ cảm nhận được và vì thế họ hiểu được tầm quan trọng của từng chi tiết.



- Triết lý mây và nước: Mây di chuyển tự do - đó là vô niệm - tạo thành và tái hình thành theo điều kiện không khí và chính bản chất của chúng. Nước tự thích nghi với tất cả mọi hoàn cảnh, lúc tròn lúc vuông, biến ảo đa đoan nhưng luôn giữ tính chất của nó. Mây và nước là biểu hiện của cuộc sống tự do thoải mái cộng với sự đàn hồi để tự thích ứng với mọi hoàn cảnh thay đổi, vì thế mọi lo âu, căng thẳng đều tiêu tan.



Doanh nhân ngày nay đang quan tâm tới Thiền



Thiền đang trở thành một trào lưu hấp dẫn doanh nhân. Họ không chỉ tiếp cận với Thiền qua các lớp tập Thiền, các loại hình nghệ thuật liên quan đến Thiền, các cuốn sách về triết lý Thiền, mà còn đang tìm đến với các loại hình du lịch Thiền.



Ngày càng nhiều lớp học Thiền, khóa tu Thiền được mở ra cho doanh nhân và mọi đối tượng. Tại Nhật và Mỹ, nhiều doanh nhân và nhân viên công sở tìm đến hành thiền Vipassana ở các Thiền viện như một cách để giải tỏa căng thẳng và lấy lại tinh thần làm việc. Ở Việt Nam, các phòng tập Thiền, câu lạc bộ Thiền cùng Yoga đang thu hút đông đảo các doanh nhân tham gia. Năm 2008, với chương trình: "Thở và cười 2008: Doanh nhân với đất mẹ", Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp nhiều doanh nhân tập thở và cười, tập dừng lại không suy nghĩ và làm việc chậm lại, tập những phương pháp thư giãn, giảm mệt mỏi trong cuộc sống.

Không chỉ thế, giới doanh nhân hiện nay đang rất quan tâm và tham gia một số loại hình nghệ thuật liên quan đến Thiền như nội thất, kiến trúc, hội họa, trà đạo, thơ Thiền, ẩm thực…nhằm áp dụng Thiền trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, từ việc ăn uống, làm việc nghỉ ngơi, trang trí nhà cửa, vườn tược...Nhiều người đã thay đổi lối sống theo phong cách Thiền: giản dị, thuần khiết, tự nhiên và cảm nhận được cái đẹp nơi tâm linh tiềm ẩn trong sự vật, hiện tượng.



Bên cạnh đó, những cuốn sách về Thiền cũng được đông đảo giới doanh nhân quan tâm tìm đọc như "Thiền học cho Doanh nhân- những điều rút ra từ cuốn sách về kiếm đạo" của Muashi, Nghệ thuật Thiền trong cuộc sống của Ou Baholyodhin...hay sách của một số tác giả nổi tiếng như Osho, Khrisnamurti...để tìm hiểu những triết lý châm ngôn Thiền Tông - không đơn thuần là triết lý tôn giáo mà còn là cẩm nang của cuộc sống.



Ngoài ra, một số doanh nhân thường kết hợp du lịch với Thiền. Họ thường đi tới những nơi yên tĩnh vắng vẻ, hay tới các vùng núi, lên chùa…giấu mình trong không gian u tịch và tĩnh lặng của chùa, của núi sâu rừng thẳm để tìm lại chính mình. Đây là điểm đến lý tưởng để họ tìm đến hành Thiền, tham gia các buổi tọa thiền, đi dạo, ăn chay, ngủ và ngồi Thiền. Hiện nay, các địa điểm được giới Doanh nhân thường xuyên lui tới như các chùa chiền ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam...



Vai trò của Thiền trong cuộc sống Doanh nhân



Thể lực, trí lực và tâm lực là những điều tinh túy nhất mà Thiền mang lại trong đời sống cá nhân của doanh nhân. Bởi Thiền không chỉ giúp doanh nhân phục hồi sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng mà còn tăng cường minh mẫn, sảng khoái, tập trung cho trí não. Đặc biệt Thiền nuôi dưỡng tâm hồn từ sự giản dị, trong sáng cho đến tình yêu thương bao la với cuộc sống.



Thể lực: Trước tiên, Thiền điều chỉnh việc hít thở đúng, làm giảm mức tiêu thụ oxygen ở não, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm quá trình lão hóa. Thiền giúp cho việc thở tốt hơn, giúp giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ, giảm các bệnh thông thường đặc biệt là stress và các chứng bệnh liên quan đến thần kinh - căn bệnh thường gặp nhất của các doanh nhân.



Trí lực: Thiền giúp cho đầu óc doanh nhân sáng suốt, chủ động trong mọi hoàn cảnh. Khi tâm con người phiền muộn, trí óc chịu nhiều áp lực lớn, tư duy không được chính xác có thể dẫn đến những quyết định sai lầm. Thiền giúp đối mặt, chuyển hóa, trị liệu những căng thẳng, lo lắng, cân bằng công việc và cuộc sống. Khi ngồi thiền tâm được tĩnh lại, đầu óc cảm thấy thư giãn, do đó trí não thông suốt, tư duy phát triển, nhiều ý tưởng mới nảy sinh.



Tâm lực: Biết Thiền là biết sống đúng với hiện tại, coi đó là món quà quý giá. Thiền đem lại niềm vui, tập trung vào những ý niệm cao cả. Mọi tư tưởng vị kỷ, ham muốn quay cuồng theo dục vọng đều xa lìa. Tu thiền còn giúp con người ta nhìn sâu, nghe rõ, hiểu biết mọi việc, để chấp nhận, tha thứ và nuôi dưỡng yêu thương. Nhờ đó, con người sẽ cảm nhận, khám phá niềm vui và những tinh hoa, hưởng thụ cuộc sống đầy đủ trong từng giây phút. Dần dà, họ mong ước vươn đến những khát vọng vô hạn: khám phá chân lý, nhận thức được đấng tối cao, đạt đến cuộc sống vĩnh hằng. Thiền là lời giải đáp cho tôn giáo về khát vọng của con người: làm thế nào để vượt lên trên cuộc sống vật chất và tâm trí để bước vào thế giới "cõi tâm linh".



Vai trò của Thiền trong quản trị kinh doanh



Bên cạnh vai trò đối với cá nhân doanh nhân, Thiền còn giúp họ trong công việc quản trị kinh doanh. Thiền đem lại cho doanh nhân sự bình tĩnh, dũng cảm vượt qua khó khăn trong công việc kinh doanh, sự khôn khéo trong công tác quản lý nhân sự.



Trong công việc kinh doanh: Thiền giúp doanh nhân có cái nhìn sâu sắc hơn trong làm việc. Yếu chỉ "bình thường tâm thị" của Thiền tức là trong công việc, đàm phán, đào tạo, làm việc nhóm...tâm phải bình tĩnh, giải tỏa căng thẳng thì làm việc mới hiệu quả, giải quyết các vấn đề một cách từ tốn và khoa học hơn. Bên cạnh đó, Thiền có khả năng đoạn trừ lòng sợ hãi, nghi kỵ… giúp doanh nhân biết đối mặt với khó khăn trong thương thuyết, đàm phán để thành công trong công việc kinh doanh của mình. Bà Nita Ing, nữ hoàng xây dựng của Châu Á tổ hợp xây dựng Taiwan High Speed Rail Corp cho biết:“ bí quyết kinh doanh thành công của bà là nhờ biết thiền. Biểu hiện giận dữ hay nóng nảy nhất ở bà chỉ là một cái nhíu mày.”



Trong quản lý nhân sự: Thiền là công cụ đắc lực giúp doanh nhân giải quyết các vấn đề trong quản lý nhân sự. Người lãnh đạo khi áp dụng yếu chỉ “quan sát” trong "tỉnh giác quan sát”của Thiền như dùng báo cáo nội bộ, camere, kiểm tra đột xuất... sẽ làm nhân viên biết họ đang được quan tâm chú ý, nhờ đó, họ sẽ có động lực làm việc tốt hơn. Khi áp dụng yếu chỉ "tỉnh giác" – tức là thái độ không phán xét mà chỉ đánh giá kết quả làm việc, tìm yếu điểm và cách khắc phục, người lãnh đạo sẽ làm cho nhân viên tin tưởng, cởi mở và làm việc hăng say hơn. Trong trao đổi công việc, yếu chỉ "không trụ tướng" của Thiền nghĩa là người lãnh đạo trong im lặng, tỉnh giác, với tình thương bao la tới mọi người xung quanh mình, sẽ không bị cuốn theo thái độ của người nói, mà thấy cái ý họ muốn truyền đạt. Điều này giúp cho người lãnh đạo chủ trì những cuộc họp hiệu quả, phát huy đóng góp của người lao động, tiết kiệm thời gian. Từ đó, toàn thể thành viên trong doanh nghiệp trở nên năng động cởi mở và tự tin hơn, làm việc hăng say hơn, mọi lo âu mệt mỏi biến mất, sự ghanh tỵ, khó chịu đều giảm bớt...



Lời khuyên áp dụng thiền trong cuộc sống



Để áp dụng Thiền trong cuộc sống một cách hiệu quả, các doanh nhân ngoài việc luyện tập Thiền nên áp dụng Thiền trong lối sống hàng ngày từ cách bài trí không gian sống đến cách ăn uống, nghỉ ngơi…



Luyện tập Thiền: Việc ngồi Thiền nên được tiến hành thường xuyên vào một thời gian cố định, có thể khoảng 10-15 phút lúc sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ. Trước khi Thiền nên chuẩn bị tốt và trạng thái cơ thể cũng như tinh thần. Khi Thiền nên tập trung cao độ, bằng cách chú ý đến cách thở, cảm giác bên trong cơ thể….Có thể đọc một số từ ngữ có tính chất nhịp nhàng, có khả năng tạo sự tập trung và tạo ra ý tưởng để tập trung tâm trí. Nên chọn tư thế ngồi hoặc đi bộ sao cho phù hợp nhất về mặt sức khỏe, tránh cảm giác tê mỏi. Tập Thiền cần sự kiên nhẫn, tập luyện một cách tự nhiên. Bạn đừng chờ đợi điều gì đó phi thường sẽ xảy ra nhanh chóng. Lâu ngày, lợi ích của Thiền sẽ tự đến với bạn.



Không gian sống: Bên cạnh đó, áp dụng phong cách Thiền vào không gian sống tạo cho người doanh nhân sự thoải mái lâu dài và nghỉ ngơi đúng nghĩa. Sự bài trí không gian nên nhấn mạnh vào tính giản dị, tinh tế, nghiêm ngặt, khéo léo có chủ đích: đồ vật luôn sạch bóng, mẫu mã nhỏ nhắn, màu sắc hạn chế và chọn lọc, tôn lên những nét đặc trưng nổi bật, tạo không gian tĩnh lặng. Căn phòng luyện tập thiền nên là một căn phòng yên tĩnh, tránh tiếng động mạnh. Nơi ngồi Thiền phải sạch sẽ và tươi mát, nên sử dụng nhiều cây cảnh, các tranh ảnh tạo cảm hứng, thảm hoặc đệm để thiền...



Ẩm thực: Theo nguyên tắc của Thiền, việc ăn uống không chỉ nuôi dưỡng cơ thể mà còn nuôi dưỡng tâm hồn. Lựa chọn món, nấu nướng, bày biện và ăn

uống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Nấu ăn cần được nâng lên thành một nghệ thuật, việc bài trí chau chuốt, với chế độ ăn thuần khiết được tuyển chọn kỹ đem lại lợi ích tối đa cho sức khỏe: cực kỳ thanh tao và bổ dưỡng. Các chất hóa học được giảm thiểu thay vào đó là màu sắc và mùi vị tự nhiên của món ăn.



Theo: Doanhnhan360
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân