Gửi: Thu Nov 25, 2021 1:13 am Tiêu đề: 3 kiểu lừa đảo thông dụng dịp Black Friday, Cyber Monday
3 kiểu lừa đảo thông dụng dịp Black Friday, Cyber Monday
Mua sắm qua mạng dịp Black Friday. (Hình: Laurie Dieffembacq/Belga Mag/AFP via Getty Images)
Black Friday và Cyber Monday sắp tới, người tiêu thụ nên coi chừng bị lừa đảo khi mua sắm qua mạng, theo CNBC hôm Thứ Ba, 23 Tháng Mười Một.
Mua sắm qua mạng ở Mỹ dự trù đạt $207 tỷ mùa lễ này, từ 1 Tháng Mười Một đến 31 Tháng Mười Hai, theo công ty nhu liệu máy điện toán Adobe. Đó là con số kỷ lục và tăng 10% so với năm 2020, năm mà COVID-19 khiến nhiều người chuyển sang mua hàng trực tuyến.
“Cyber weekend” – giai đoạn từ Black Friday đến Cyber Monday – sẽ chiếm 17% tổng số hàng mua sắm mùa lễ cuối năm, Adobe dự đoán. Do đó, đây là giai đoạn “làm ăn” tất bật của tội phạm.
Mua sắm online chiếm khoảng 58,000 vụ báo cáo lừa đảo của người tiêu thụ từ Tháng Giêng, 2020, đến ngày 18 Tháng Mười, 2021, nhiều hơn bất kỳ loại gian lận nào khác, theo Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC). Người tiêu thụ mất tổng cộng $48 triệu.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn nghỉ lễ và thuế quan trọng. Chúng tôi khuyến cáo mọi người bảo vệ tin tức cá nhân,” ông Chuck Rettig, giám đốc Sở Thuế IRS, ra tuyên bố báo động hôm Thứ Sáu tuần trước. Kẻ xấu có thể dùng tin tức đánh cắp được để khai thuế gian lận, ông Rettig cho hay.
Sau đây là ba kiểu lừa đảo thông dụng vào mùa lễ này trong năm.
Công ty giả mạo
Công ty giả mạo thường sử dụng trang web “ma” để lừa người tiêu thụ bằng mẫu quảng cáo giảm giá nhiều cho những món quà thông dụng mà không còn hàng hoặc khó tìm thấy ở nơi khác, theo Social Catfish, trang web an ninh mạng.
Năm nay, kiểu lừa đảo này có thể xuất hiện nhiều hơn so với những năm trước do hệ thống cung ứng bị gián đoạn và vài sản phẩm tăng giá. Theo ước tính, người tiêu thụ phải trả thêm trung bình 9% trong Cyber Week năm 2021 so với năm 2020, theo Adobe.
“Thông báo hết hàng vẫn thường xuất hiện suốt năm 2021 cũng như mùa lễ này,” Adobe cho hay trong bản dự báo mua sắm mùa lễ hằng năm.
Có vài dấu hiệu giúp người tiêu thụ phát giác lừa đảo: Tên miền (domain) của trang web lừa đảo thường mang chữ cái hoặc chữ số lạ, và thường có lỗi văn phạm hoặc chứa rất ít tin tức liên lạc, theo Social Catfish.
Nếu gặp công ty lạ, người tiêu thụ nên nghiên cứu kỹ và đọc kỹ ý kiến khách hàng, hoặc tìm kiếm tên công ty đó trên mạng cùng với chữ “scam” (lừa đảo), Social Catfish khuyên. Ngoài ra, không nên mua hàng bằng cách chuyển tiền (wire transfer), “money order” hoặc thẻ quà tặng.
Lừa đảo qua mạng xã hội
Mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube “ngày càng trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhóm lừa đảo,” theo FTC.
Vào dịp lễ, công ty thường tặng sản phẩm miễn phí trên Instagram, theo Social Catfish. Kẻ xấu thường quảng cáo cơ hội nhận sản phẩm, nhưng kèm thêm đường “link” lừa đảo vô bản “post” trên Instagram để lấy cắp tin tức cá nhân của người tiêu thụ.
Khoảng 38% người tiêu thụ báo cáo đã mua hàng bằng cách bấm vào mẫu quảng cáo trên mạng trong 12 tháng qua, mà khi bấm như vậy, họ có thể bị đưa đến trang web của cửa hàng hợp pháp bị giả mạo hoặc tải về nhu liệu độc hại trên máy, theo tổ chức AARP.
Người tiêu thụ nên cảnh giác tài khoản (account) mạng xã hội nào không có “checkmark” màu xanh (mạng xã hội dùng dấu này để xác minh trang web thật hay giả), và để ý lỗi đánh chữ cũng như tài khoản nào chứa ít tin tức, theo Social Catfish.
Lừa đảo qua giao hàng
Không phải cứ mua xong thì người tiêu thụ được an toàn. Quá trình giao hàng cũng bị nhóm lừa đảo khai thác.
Kẻ xấu có thể giả là người của FedEx hoặc công ty giao hàng nào khác, gửi tin nhắn hoặc email cùng với đường “link” để theo dõi hàng đang đi tới đâu, theo Social Catfish. Nhưng khi “click” vô đường “link” đó, người tiêu thụ sẽ bị lấy trộm tin tức tài chính và cá nhân. Nhóm lừa đảo cũng có thể để lại “voicemail” hoặc gắn lên cửa nhà của người tiêu thụ thông báo “missed delivery” (không giao hàng được) kèm số điện thoại để gọi xác minh tin tức.
Đến nay, khoảng 1/3 người tiêu thụ nhận được thông báo giả mạo từ người tự nhận là của USPS, FedEx, hoặc UPS về việc giao hàng, theo AARP.
Đừng bao giờ bấm vô đường “link” hoặc gọi số điện thoại từ thông báo giao hàng lạ, Social Catfish báo động. Nên liên lạc trực tiếp với công ty thông qua số điện thoại hoặc trang web chính thức.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn