TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Kinh Hàng Bàng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Kinh Hàng Bàng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Thu Nov 04, 2021 11:48 pm    Tiêu đề: Kinh Hàng Bàng

Kinh Hàng Bàng

Kinh Bonard thuở năm 1930 nhìn về cầu Palikao (Nguồn: Manhhaiflickr)


Nếu sống ở Chợ Lớn, khi nói về kinh Hàng Bàng, người dân có ấn tượng ngay với những sinh hoạt hằng ngày suốt chiều dài của con kinh, nhất là quanh chân Cầu Ba Cẳng. Từ đây nhìn xuống, hàng trăm chiếc ghe con tụ tập trên dòng kinh hình chữ T như một bức tranh thôn quê dung dị giữa lòng Chợ Lớn náo nhiệt...

Tên kinh Hàng Bàng có từ sau năm 1955 nhưng dân thương hồ hoặc người dân sống tại khu vực này vẫn quen miệng gọi là kinh Bãi Sậy (dọc theo bờ kênh trước đây lau sậy mọc rất nhiều). Thời Pháp thuộc, kinh Hàng Bàng mang tên Bonard, là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất của Chợ Lớn cho đến giữa thập niên 1960, khi chiến tranh bắt đầu lan rộng, dân tản cư ở miền Tây tràn về đây sinh sống. Từ khoảng 1965, dòng kinh đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn và nhà ở tạm bợ được xây cất dọc theo hai bờ, thu hẹp dòng kinh, biến nó thành một hệ thống cống lộ thiên.

Rồi cái cống lộ thiên này cũng dần dần bị tê liệt từ sau năm 1975. Bùn đất, rác rến tràn ngập đến nỗi không thể dọn dẹp.


Kinh Bonard nhìn từ trên cao năm 1940, các cầu đường được nối thông qua kinh rạch (Nguồn: Manhhaiflickr)


Cả thành phố từ ngày trở thành thuộc địa dưới quyền quản lý của người Pháp cho đến khi họ trả lại chủ quyền đất nước, thì đường thủy vẫn là phương tiện giao thông chính để vận chuyển hàng hóa thông qua hệ thống rạch có sẵn, cùng với những kinh được đào rồi lại lấp. Theo một tài liệu, tại Sài Gòn có khoảng 100 kinh rạch bị san lấp, biến mất trong quá trình đô thị hóa, trong suốt thời gian gần trăm năm với tổng diện tích hơn 4,000 hecta.

Kinh Hàng Bàng hay kinh Bonard xưa từng là một đường thủy đóng góp to lớn cho sự thịnh vượng kinh tế của Chợ Lớn. Trong một bài viết về kinh Bonard của Tim Doling, nhà sử học người Mỹ nghiên cứu về Sài Gòn-Chợ Lớn, cho thấy sự hình thành của con kinh đào Bonard. Tôi xin trích lại vài đoạn để chúng ta có thể hình dung quá trình lịch sử hình thành và tên gọi của nó.


Kinh Hàng Bàng (Rạch Bãi Sậy) năm 1946


“Bản đồ của Chợ Lớn năm 1874 cho thấy rằng khu vực phía đông của kinh Bonard đã được đào sớm nhất, coi như là một chi nhánh của lạch Quới Ðước, có lẽ do Hải quân Pháp xem con kinh này là một phần của mạng lưới đường thủy quân sự ở phía tây của thành phố. Tuy nhiên, vào năm 1880, với việc lưu thông đường thủy ngày một tăng và phía đầu trên của lạch Lò Gốm đất cát ngày càng bồi lên, các nhà chức trách đã nhận ra sự cần thiết phải mở rộng các kinh về phía tây.

Trong tháng 11 năm 1888, 17 ha đất được cấp cho Hội đồng thành phố Chợ Lớn để bẻ đường thủy hiện có vào một kinh dài 1.5km nối Quới Ðước và phần nam lạch Lò Gốm. Ðiều này đã được thực hiện trong tháng 6 năm 1889 bởi một văn bản hướng dẫn của Hội đồng khi bắt đầu khai triển xây dựng kinh, các bến cảng bên bờ và những con đường dẫn qua kinh. Dự án cũng bao gồm việc xây dựng xưởng sửa tàu có sức chứa 55,000m3 (Bassin de Lanessan). Tuy nhiên do vấn đề tài chính và việc giải tỏa mặt bằng, dự án bị chậm trễ đáng kể và kinh đào đã không hoàn thành cho đến năm 1893.


1946 - Kinh Hàng Bàng (còn gọi là rạch Bãi Sậy) phía sau chợ Bình Tây. Người chụp đứng trên cầu Palikao trên đường Ngô Nhân Tịnh. Phía xa là cầu Phạm Đình Hổ. (Nguồn: Manhhaiflickr)


Mặc dù tên kinh Bonard đã được lựa chọn ngay từ đầu của dự án, nhưng vào năm 1893 kinh được đề nghị thay đổi tên là kinh Fourès nhằm vinh danh Phó Thống đốc Augustin Julien Fourès, người đấu tranh cho dự án và đưa nó thành hiện thực. Tuy nhiên, có vẻ như đóng góp của ông đã nhanh chóng bị lãng quên, kể từ năm 1907 kinh đã trở lại tên ban đầu – kinh Bonard. Ngoài ra, con kinh này cũng được biết đến trong suốt thời kỳ thuộc địa bằng tên “canal de la Distillerie” trong tài liệu xem xét của Distillerie de Chợ Lớn, do một nhà máy sản xuất rượu gạo lớn tên Distillerie tọa lạc bên cạnh bờ kinh vào năm 1892”.

Năm 1923 cùng với các đề án mở rộng đường thủy, phía đoạn cuối của kinh Quới Ðước thông với kinh Bonard được đào thông vào rạch Bến Nghé để tiện cho các ghe thuyền lớn vào kinh Bonard xuống hàng buôn bán, giảm tải một phần khu trung tâm Chợ Lớn (chỗ bưu điện Chợ Lớn ngày nay). Ông Quách Ðàm, đề nghị xây một chợ mới bên bờ bắc của kinh Bonard, phần đất xây dựng chợ ngay vị trí trước đây được trưng dụng làm nơi sửa chữa ghe thuyền mà vào thời điểm đó không còn thích hợp nữa. Chợ Bình Tây xây dựng vào năm 1926 và khai trương vào năm 1928.


1962 - Rạch Bãi Sậy (còn gọi là kinh Hàng Bàng), phía sau chợ Bình Tây. (người chụp đứng trên cầu Phạm Đình Hổ) (Nguồn: Manhhaiflickr)


Giao thông đường bộ bắt đầu phát triển từ cuối thập niên 1920, ban đầu là những con đường đất được liên kết bắt qua kinh Bonard bằng những cây cầu. Ðường Minh Phụng, đường Danel (sau là Phạm Ðình Hổ), đường Palikao (Ngô Nhân Tịnh) và đường Gò Công. Trong số đó, cầu Palikao có hình dáng đẹp nhất do nằm trên bờ kinh phía đông ở ngã ba rạch Quới Ðước và Bonard. Cây cầu mang tên Pont des trois arches nhưng dân chúng quanh Sài Gòn – Chợ Lớn đều gọi là cầu Ba Cẳng. Cầu được xây dựng vào những năm 1920 bởi công ty Exploitation des établissements Brossard et Mopin, và được nhà báo Nguyễn Văn Sâm và vợ là em gái của thương gia Chợ Lớn Trương Văn Bền tài trợ. Năm 1958, cây cầu được sử dụng làm nền cho cảnh giết người trong bộ phim “Người Mỹ trầm lặng” Graham Greene năm 1958 của Joseph L Mankiewicz. Cầu tồn tại cho đến cuối thập niên 1990.


Những ngôi nhà tạm bợ bắt đầu lấn chiếm dòng kinh Hàng Bàng dưới chân cầu Palikao (Nguồn: Manhhaiflickr)


Ông bạn lớn tuổi của tôi sau 40 năm, lần đầu tiên trở về thăm lại chốn xưa nơi có căn nhà gạch mái ngói của gia đình ông bên bờ kinh Hàng Bàng gần Cầu Ba Cẳng nhưng cầu không còn khiến lòng ông hụt hẫng.

Ông mơ tưởng về cái ngày xa xưa, khi còn là một cậu thiếu niên cùng gia đình vừa mới chuyển về từ trại tạm cư dành cho dân di cư miền Bắc trong sân trường đua Phú Thọ. Cha mẹ ông tậu căn nhà gỗ trên bờ kinh Bãi Sậy để dễ mua bán làm ăn sinh sống. Ðúng ra, gia đình ông về khu Ông Tạ mua nhà sống gần những người đồng hương nhưng do tiền bạc eo hẹp, nên tìm về khu đất kinh rạch, nhà cửa còn rẻ đủ sức tạo lập cuộc sống mới ở vùng Chợ Lớn.


Kể từ năm 1965, dòng người tản cư về Sài Gòn sinh sống, chiếm dụng hai bên bờ kinh Hàng Bàng làm nhà tạm bợ, dòng kinh bị ô nhiễm, tắc nghẽn dòng nước chảy (Hình: James Kidd)


Về khu vực Chợ Lớn định cư, ông có ấn tượng ngay với những sinh hoạt hằng ngày quanh chân Cầu Ba Cẳng và dòng kinh Hàng Bàng. Ông thích nhất đứng trên nền cầu bê tông nhìn xuống những chiếc ghe con tụ tập dưới chân cầu buôn bán. Một hình ảnh thôn quê rất dung dị giữa thành phố Sài Gòn náo nhiệt với hàng quán hai bên, dọc theo bờ kinh. Từ mặt cầu muốn xuống đường nào cũng được, mỗi chiều đi học về, đi ngang qua cầu, ông đều dừng lại nhìn hàng trăm chiếc thuyền ghe đến từ miền Tây cắm sào, neo bến buôn bán các loại nông sản, hoa trái miệt vườn.

Dòng kinh ngày ấy nước vẫn còn trong sạch, mỗi khi thuỷ triều lên mang theo hàng đàn cá bả trầu, cá lia thia từ rạch Chợ Lớn theo dòng nước tràn vào. Ông thích nhất vào lúc này, theo đám bạn bè đi bắt cá. Hỏi ông vì sao có tên Hàng Bàng. Ông giải thích: “Ngày gia đình tôi về đây sinh sống cũng là lúc kinh Bonard được thay tên mới. Thuở đó, dọc theo hai bên bờ kinh vẫn còn những hàng cây bàng làm bóng mát cho những khách bộ hành đi chợ”.


Kinh Hàng Bàng năm 1963


Con kinh xanh khi xưa nay không còn, ngôi nhà mái ngói của gia đình ông bị che khuất bởi những mái nhà sàn ọp ẹp tạm bợ và cầu Ba Cẳng cũng không còn nốt. Ông cảm thấy sự gắn bó thân yêu với cảnh vật ngày nào tự dưng biến mất.

Với dự án chỉnh trang đô thị các kinh rạch thành phố, kinh Hàng Bàng đã và đang được nạo vét khôi phục lại dòng nước chảy, giải tỏa cả ngàn ngôi nhà lấn chiếm dòng kinh, trả lại một phần mỹ quan đô thị đồng thời điều tiết nước thải ra kinh Bến Nghé, giảm thiểu ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Rồi đây kinh Hàng Bàng sẽ có lại cái tên xưa trên bản đồ hành chánh.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân