TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chuyện Cầu Bình Lợi
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chuyện Cầu Bình Lợi

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Sun Sep 19, 2021 11:58 pm    Tiêu đề: Chuyện Cầu Bình Lợi

Chuyện Cầu Bình Lợi


Thuở nhỏ tôi vẫn nghe vài câu chuyện về cầu Bình Lợi. Những câu chuyện đó không vui, toàn là chuyện tự vẫn vì thất tình, mang nợ bài bạc, bịnh tật hết đường cứu chữa. Lúc hiểu biết một chút, tôi tự hỏi tại sao người ta cứ phải ra cầu Bình Lợi nhảy xuống tìm... Hà Bá. Sao không nhảy cầu Sài Gòn, chỗ khúc sông này rộng và nhiều vùng nước xoáy hơn?



Ðúng là Sài Gòn trước năm 1960 chỉ có cây cầu Bình Lợi làm gạch nối giao thông đường sắt giữa hai vùng đất Sài Gòn – Gia Ðịnh. Cầu Sài Gòn sinh sau đẻ muộn, khánh thành vào năm 1961 do Mỹ xây dựng để liên kết con đường bộ huyết mạch Sài Gòn – Biên Hòa được gọi là xa lộ Biên Hòa với mục đích phát triển khu kỹ nghệ Biên Hòa và Tân Cảng nên nó còn có tên là cầu Tân Cảng. Thế nhưng người dân quen miệng thấy cầu bắc qua sông Sài Gòn nên gọi là cầu Sài Gòn cho tiện. Từ đây, Sài Gòn có hai cây cầu bắc qua sông Sài Gòn: cầu Bình Lợi và cầu Sài Gòn.



Trở lại chuyện nhảy cầu là khi quẫn trí những kẻ có thần kinh yếu thường tìm đến cái chết, kết liễu đời mình. Người ta tự tử bằng cách treo cổ, uống thuốc độc hoặc nhảy sông. Tùy tâm trạng lúc đó mà người ta chọn một trong ba cách thông thường nhất. Vấn đề chọn cái chết là một yếu tố tâm lý con người, không thuộc về ý chính của bài viết nên chẳng cần bàn luận dài dòng. Tôi chỉ ghi nhận về chuyện nhảy cầu theo cảm tính chủ quan. Theo tôi, người sống gần khu vực nào thì ra cây cầu gần đó cho tiện. Chẳng hạn một chuyện tự vẫn sau đây: Năm 1976, anh của một người bạn tôi, nhà ở Hàng Xanh nhảy cầu Sài Gòn không phải do thất tình hay thua bạc mà là nghiện xì ke. Anh ta nghiện từ nhiều năm trước, người cha bắt trói lại bằng dây xích vì sợ đập phá đồ đạc trong nhà do không lấy được, mang đi cầm bán. Xích riết bên song sắt cửa sổ anh nổi điên. Không hiểu tại sao anh lại mở được ổ khóa, trốn đâu biệt tăm mấy ngày. Ông già giận quá bảo: “Nó chết ở đầu đường xó chợ cho rảnh nợ”. Té ra, anh ta chết thật, cảnh sát tìm đến nhà thông báo hung tin.

Tôi đem câu chuyện không vui này kể các bạn nghe chơi chứ không phải mách bạn có thêm một địa chỉ nhảy cầu. Cầu Sài Gòn có độ tĩnh không cao, phía dưới có nhiều vùng nước xoáy, một đi không trở lại. Nhưng chuyện nhảy cầu Bình Lợi thì có từ rất lâu, thuở vùng phụ cận Sài Gòn được người Pháp xây chiếc cầu sắt bắc qua sông Sài Gòn để thực hiện dự án đường sắt nối liền các tỉnh miền Trung. Báo cáo của Toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer đề ngày 22-3-1897, về chương trình hoạt động, có nhấn mạnh đến việc xây dựng một hệ thống đường sắt: “Cần mang lại cho Ðông Dương một công cụ lớn về kinh tế, đường sắt, cầu đường, cảng phục vụ cho việc khai khẩn thuộc địa”.



Cầu Bình Lợi là cầu đường sắt kết hợp đường bộ đầu tiên nối liền Sài Gòn đi miền Trung và miền Tây (đến Mỹ Tho) được hãng thầu Levallois Perret lãnh xây, dài 276m gồm 6 nhịp, lòng cầu lót ván gỗ dày. Mỗi khi xe lửa qua cầu, xe cơ giới đều bị chặn lại ở hai đầu cầu. Khi được lưu thông, thì một bên dừng một bên chạy. Cầu có đường hành lang cho khách bộ hành. Ðặc biệt, cầu xe lửa này có một nhịp dầm quay bằng hệ thống bánh răng đưa dầm cầu thẳng lên 90 độ. Nhịp quay nằm ở mé Thủ Ðức do lòng sông sâu để tàu bè chở hàng qua lại dễ dàng.

Nhân tiện, tôi xin nhắc các bạn ở Khánh Hội cũng có một cây cầu quay nhịp giữa cho tàu bè lưu thông. Cầu này được xây năm 1904. Dân thương hồ ngày xưa tụ tập sinh sống hai bên bờ kênh Tàu Hủ, từng dùng hình tượng cầu quay làm lời thề đôi lứa: “Chừng nào cầu quay nọ thôi quay/Thì qua với bậu mới đứt dây cương thường”. Tiếc là cầu quay Khánh Hội dừng hoạt động, sau năm 1954, Nha Cầu Ðường cho xây mới bằng cầu bê tông có độ tĩnh không cao hơn, tiện cho tàu thuyền qua lại.



Cầu Bình Lợi được khánh thành năm 1902, 6 nhịp của thành cầu thiết kế theo hình cánh cung. Hai mố cầu đúc bê tông bao đá hộc to bằng cái thúng rất chắc chắn. Trẻ con sống gần đó thường ra mố cầu làm bãi tắm sông. Là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn phía Ðồng Ông Cộ nên những vụ tự vẫn nhảy cầu đều xuất phát tại đây. Từ khi sòng bài Ðại Thế Giới và Kim Chung hoạt động, thu hút dân mê cờ bạc lao vào đỏ đen, nợ nần tứ giăng, muốn thoát nợ ra cầu Bình Lợi thì chẳng còn âu lo nữa. Do đó, báo chí thỉnh thoảng vài ba tháng đưa tin “Mang nợ nhảy cầu Bình Lợi”. Lâu dần cây cầu này trở thành cái “huông”, điểm hẹn cho người muốn chầu Hà Bá. Rồi trở thành câu nói cửa miệng bông đùa khi không giải quyết được vấn đề nan giải nào đó: “Ði nhảy cầu Bình Lợi cho rồi! ”.


Hai nhịp giữa của cầu Bình Lợi được thay đổi hình dáng sau cuộc binh biến bất thành (Nguồn: Manhhaiflickr)


Lại nói về cầu Bình Lợi hình dáng thành cầu ở giữa sau này có thay đổi do lực lượng đảo chính của Ðại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Ðông đứng đầu. Ðây là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên chống lại TT Ngô Ðình Diệm. Một kíp chất nổ cho cài đặt ở nhịp giữa cầu để ngăn quân tiếp viện trung thành của Tổng thống từ Biên Hòa và Thủ Ðức về ứng cứu vì đây là con đường duy nhất từ miền Ðông về Sài Gòn, thông vào đường Nguyễn Văn Học về Bà Chiểu và Gò Vấp. Cuộc đảo chánh nhanh chóng bị dập tắt nhưng nhịp cầu giữa bị sập, sau đó được thay thế bằng nhịp cầu có thành cầu hình chữ nhật. Ðầu thập niên 1970, mới có thêm cầu Bình Triệu dẫn về Hàng Xanh.



Còn tại sao người Pháp lại chọn địa điểm vùng Ðồng Ông Cộ để xây dựng cầu Bình Lợi. Theo thiển kiến của tôi là do hướng xây dựng đường sát nối liền miền Ðông và miền Tây trong hệ thống đường sắt xuyên Ðông Dương mà ra. Ðồng Ông Cộ khi xưa còn là một rừng cây chi chít, khai phá vùng đất hoang vu này có thể mở rộng thành phố về phía Bình Dương (khi đó Thủ Dầu Một đã là một thị trấn trù phú). Người cao niên sống ở vùng này ngày nay vẫn còn nhớ đến địa danh Ðồng Ông Cộ từ những chuyện kể của các thế hệ trước. Vùng đất rừng không đường sá này rất rộng từ Hàng Xanh đến ngã năm Bình Hòa, ra tới Bình Lợi.


Các viên chức Pháp đi thanh tra cầu đường sắt Bình Lợi thời thuộc địa (Nguồn: Bưu thiếp xưa)


Chuyện này thì rất xa xưa khi người Pháp chưa chiếm thành Gia Ðịnh. Ông Cộ không phải tên của ông nào đó có tên là Cộ. Cộ ở đây là cộ hàng (thồ hàng) bằng sức người (khiêng vác). Thấy dân cư quá khó khăn trong việc đi lại, mua bán trao đổi hàng hóa trong vùng chỉ toàn rừng và đường mòn của người đi rừng đốn củi, một ông bá hộ tục gọi ông Ba mới nảy ra sáng kiến tuyển trai tráng khỏe mạnh làm nghề đi cộ hàng cho bà con xa gần. Nên người ta gọi ông là ông Ba Cộ, sau này khi Pháp khai phá vùng đất này trồng cao su, trồng hoa màu, người ta vẫn quen gọi khu vực này là Ðồng Ông Cộ.



Từ ngày có cầu Bình Lợi, giao thông thuận tiện, người Pháp phá bỏ đất trồng cao su, lấy đất làm đô thị cho dân cư ngày một đông hơn từ các nơi kéo về sinh sống. Các cửa ngõ thành phố mở thêm ra, cầu Tân Cảng, cầu Bình Triệu đến khoảng thời gian 1968 thì vùng đất này rất trù phú, dân cư đông đúc.

Một điều đáng nói là những năm sau 1975, khu vực dưới chân cầu Bình Lợi trở thành một hang ổ ma túy. Những điểm mua bán ma túy trước kia tản mác khắp Sài Gòn như ở khu vực chợ cây Da Sà, khu Tân Thuận... bị truy quét nên con buôn chuyển vị trí sang khu cầu Bình Lợi và khu cầu Sài Gòn lén lút hoạt động. Con nghiện cứ ra các khu vực này mua hàng xong kéo nhau đến các chân cầu tha hồ bay bổng với nàng tiên trắng. Thuốc phê bay bổng, có kẻ hứng chí leo lên thành cầu nhảy xuống, chết trôi.


Cầu Bình Lợi 2 được xây song song với cầu Bình Lợi cũ (Hình: Internet)


Hiện nay, Sài Gòn có thêm Cầu Bình Lợi 2 dài và đẹp. Mặt cầu rộng rãi dành cho đường sắt và đường bộ thay thế nhiệm vụ của cầu Bình Lợi có trên trăm năm lịch sử. Cầu cũ được tháo dỡ, chỉ giữ lại hai nhịp cầu sắt và tháp canh cầu bên phía bờ Thủ Ðức để bảo tồn nguyên trạng một chiếc cầu đường sắt thời thuộc địa.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân