TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hội trường “Diên Hồng”
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hội trường “Diên Hồng”

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Thu Sep 09, 2021 1:39 pm    Tiêu đề: Hội trường “Diên Hồng”

Hội trường “Diên Hồng”

Hội trường “Diên Hồng” thời TT Ngô Đình Diệm (Nguồn: Manhhaiflickrs)


Một số kiến trúc ở Sài Gòn được trưng dụng và thay đổi sử dụng qua các biến cố chính trị. Trong số đó, Hội trường “Diên Hồng” là một trong những kiến trúc để lại nhiều dấu ấn dưới thời kỳ VNCH. Ngoài ra, kiểu kiến trúc này cũng mang lại nhiều ấn tượng cho người dân Sài Gòn.

Sài Gòn vào năm 1928 trên Quai de Belgique (Bến Chương Dương) góc cuối đường Mac Mahon (Công Lý), xuất hiện một tòa nhà mới mang kiểu Art Deco với ít các chi tiết trang trí đơn giản và đại sảnh rộng lớn phù hợp với công việc của một văn phòng dành cho các cuộc hội họp của giới thương gia, kỹ nghệ gia Sài Gòn và Chợ Lớn, được mang tên “Chambre de Commerce” (Hiệp hội Thương mại). Tòa nhà khởi công từ năm 1924 sau bốn năm thì hoàn thành. Trước đó tại góc cuối đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), chính quyền Pháp đã cho xây một Văn phòng Thương mại nhỏ hơn dành cho việc quản lý xuất nhập cảng hàng hóa. Sau nhiều thập niên, nền thương mại và kỹ nghệ tại Sài Gòn ngày càng lớn mạnh, buộc phải có một công trình lớn hơn.

Thật ra, vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, kỹ nghệ của Việt Nam mới bắt đầu phát triển, hàng hóa sản xuất đa dạng hơn, trước đó hầu hết ngành thương mại của Việt Nam tập trung vào lúa gạo và các loại cây kỹ nghệ dành cho xuất cảng. Ða số các thương gia đều là người Hoa Chợ Lớn hoặc là người Hoa từ các vùng Ðông Nam Á sang Sài Gòn lập nghiệp. Thương gia Trương Văn Bền là người Việt Nam (gốc Hoa) nổi tiếng với sản phẩm xà bông thơm Cô Ba, cạnh tranh với các nhãn hiệu xà bông thơm nhập cảng từ Pháp và xà bông giặt đồ Việt Nam. Ông còn được biết đến như một kỹ nghệ gia không bằng cấp sản xuất dầu ăn, dầu dừa và dầu cao su dùng trong kỹ nghệ. Trong nhiều năm làm việc qua kinh nghiệm, ông viết lại những công trình thành sách như: Phương pháp chế tạo xà phòng (1918) ; Phương pháp cải tạo các giống lúa (1932) và Phương pháp lấy dầu thông (1932). Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại từ năm 1932 cho đến năm 1941.


Chambre de Commerce tại Sài Gòn thời Pháp (Nguồn: Manhhaiflickrs)


Năm 1941 chiến tranh Ðông Dương xảy ra, lính Nhật hất cẳng Pháp, vào miền Nam. Trong thời gian tiếp quản, lính Nhật trưng dụng trụ sở Hiệp hội Thương mại làm Sở Hiến binh. Kinh tế VN trong giai đoạn này gần như tê liệt, đình trệ sản xuất. Quân Nhật vơ vét lúa gạo phục vụ chiến tranh, bắt bớ những người theo Việt Minh. Trụ sở bàn luận những chính sách, đưa ra những kiến nghị và kế hoạch phát triển công thương tại Sài Gòn trở thành tổng hành dinh của cơ quan mật vụ Nhật.

Nhắc đến Sở Hiến binh Nhật, tôi nhớ lại bác Ba Thiện ở Gò Vấp trong câu chuyện “Sài Gòn thuở chiến tranh Ðông Dương” mà tôi đã viết trước đây không lâu. Ông làm tài xế cho một viên sĩ quan Nhật tuyên truyền văn hóa. Nhưng khi tôi hỏi bác Ba về sự tàn ác của mật vụ Nhật có giống như trong các phim tình báo Trung Hoa hay không. Ông chỉ lắc đầu rồi nói: “Chiến tranh mà, mật vụ nào nào không ác, không tra khảo tội nhân! ”. Sau này, tình cờ tôi đọc được một bài viết “Những ngày tù chung với ông Ðạo Dừa” của tác giả Hoàng Ngọc Giao viết lại theo lời kể của ông Joseph Cao ở Paris, tôi trích lại để độc giả biết thêm đôi chút.

“...Cảnh ngồi tù Nhật Bổn là đáng nhớ nhất. Năm ấy 1942, tôi bị hiến binh Nhật bắt giam ở “Chambre de Commerce” ở bến sông Sài Gòn, sau này là Thượng Nghị Viện của chế độ trước. Vì tội rải truyền đơn chống thực dân, cả Pháp lẫn Nhật, mà bọn hiến binh nghi tôi là gián điệp Trùng Khánh. Chúng giam vào phòng Thương mại ấy, hai bên là chỗ giam người có song gỗ chắn trước mặt, chừa một lối đi ở giữa. Mỗi sáng, 7 giờ, tụi Nhật cho chúng tôi đem thùng vệ sinh ra đổ xong lại bưng vào căn phòng giam hẹp của mình. Chúng bắt ngồi xếp bằng, thẳng lưng lên, tay để nơi đầu gối, không được nhúc nhích. Sáng ngồi tới 12 giờ trưa, được nghỉ ngơi cơm nước. Cơm thì được phát một chén gạo Thái Lan dẻo như nếp, có nêm tí muối. Chiều 2 giờ ngồi đến 6 giờ mới được nghỉ ngơi, cơm nước như khi trưa. Tối lại phải ngồi từ 7 giờ đến 9 giờ mới có quyền nằm xuống. Khi ngồi, phải ngồi yên như pho tượng. Nếu mỏi mệt khom lưng, nghiêng quẹo người, hay lệch đầu qua bên là bị một côn gỗ gõ đánh cốp trên đầu như bị sét đánh, tá hỏa tam tinh! Ðó là thằng đội Trâu, thân hình trùng trục như con trâu nước, đầu vấn khăn lông trắng, dưới bẹn thắt cái khố, đi qua lại nơi khoảng đường giữa, vai vác cây gậy gỗ tròn và nặng. Nó thường đập chảy máu đầu tội nhân. Ðấy là chỉ trừng phạt sơ sài về tội ngồi không thẳng thôi. Còn khi bọn Nhật tra khảo để lấy lời cung khai thì thật kinh khủng, rởn cả tóc gáy. Cứ hai thằng Nhật thân hình như hộ pháp quần một phạm nhân; vật, ném, tung, hứng... nạn nhân của chúng như quả bóng rổ! Thường thì có máu đổ, nạn nhân chết giấc năm ba phen mới tạm được buông tha cho về khám. Khi ấy tôi còn trẻ, háo động, làm sao ngồi yên tĩnh như thế từ giờ này sang giờ khác được. Nên cũng đã nếm mùi côn gỗ bao nhiêu phen...”.

Từ năm 1955 đến 1963, dưới thời VN Ðệ Nhất Cộng Hòa, chính phủ Ngô Ðình Diệm thực hiện chính sách hạn chế hoạt động thương mại và sản xuất của Hoa kiều Chợ Lớn. Muốn mua bán, lập hãng xưởng thì phải có quốc tịch VN và biết nói tiếng Việt. Chính sách này góp phần cắt đứt sự làm giàu của người Hoa và làm ảnh hưởng đến Hiệp hội Thương mại. Các hội viên ra đi, một số thương gia Hoa kiều rời VN về cố quốc. Năm 1955, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đổi thành Hội trường “Diên Hồng” và Nha Tổng Giám đốc Kế hoạch, cũng là nơi hội họp của Nghiệp đoàn Thương gia và Kỹ nghệ gia. Hội trưởng nhiệm kỳ 1955 -1957 là ông Trần Ðôn Thăng, người Phước Kiến, là hội trưởng cuối cùng của Hiệp hội Thương mại. Ðến ngày 1/11/1963, sau cuộc đảo chánh của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, Nghiệp đoàn Thương gia và Kỹ nghệ gia cũng không còn có một cuộc họp nào.


Hội đồng Quân nhân Cách mạng tại Hội trường “Diên Hồng”


Hội trường “Diên Hồng” trở thành nơi “tranh chấp quyền lực”, và tại đây ngày 2/1/1964, tướng Nguyễn Khánh ra quyết định giải tán Hội đồng Nhân sĩ vốn là một cơ quan cố vấn dân sự cho chính quyền quân sự của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đưa ông lên nắm quyền. Nhưng chỉ 28 ngày sau đó, dưới sự ủng hộ của Mỹ và các tướng trẻ, Nguyễn Khánh mở cuộc “chỉnh lý”, cướp chính quyền và truất phế các tướng lĩnh chủ chốt trong cuộc đảo chính TT Ngô Ðình Diệm, là tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Ðôn và Mai Hữu Xuân. Ngay sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Sau đó, làm Thủ tướng, rồi Quốc trưởng, rồi lại lui về làm Thủ tướng, rồi cuối cùng trở về nhận cấp bậc Ðại tướng trong bối cảnh thay đổi xoành xoạch của chính quyền quân sự lúc bấy giờ.


Thượng Nghị Viện thời TT Nguyễn Văn Thiệu


Nhưng thôi, chuyện chính quyền quân sự thuở ấy còn là chuyện dài nhiều tập, cho đến năm 1967 khi Tướng Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm tổng thống, thì Hội trường “Diên Hồng” trở thành trụ sở của Thượng Nghị viện. Tuy nhiên, tên Hội trường “Diên Hồng” vẫn được giữ nguyên bên ngoài mặt tiền của Thượng Nghị viện thời Ðệ Nhị VNCH.

Thượng Nghị viện cũng là nơi các phong trào xuống đường tuần hành của đám sinh viên chống chính quyền thời đó.

Ngày nay, Hội trường “Diên Hồng” hay trụ sở Thượng Nghị viện VNCH vẫn được giữ nguyên hiện trạng kiến trúc và trở thành Sở Giao dịch Chứng khoán.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân