TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CHÂN TRỜI (Thu Trang)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CHÂN TRỜI (Thu Trang)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1015

Bài gửiGửi: Mon Apr 26, 2021 2:56 pm    Tiêu đề: CHÂN TRỜI (Thu Trang)



Chân Trời


Tên công an thị xã ngồi sau chiếc bàn gỗ tạp kê giữa gian nhà trống trải, có lẽ trước là cái kho chứa đồ „Mỹ ngụy“, nay tạm dùng làm chỗ làm việc của phòng công an thị xã. Mái lợp bằng những miếng tôn cũ, hơi nóng hắt xuống càng làm cho bầu không khí thêm căng thẳng, khó chịu. Hàng chục người ngồi xổm dựa hai bên vách lá , người nào vẻ mặt cũng xanh bủng hốc hác, đượm vẻ lo âu. Đó là mấy người „công chức và sĩ quan chế độ cũ“ vừa học tập cải tạo xong được cho về làm ăn, mỗi định kỳ nửa tháng phải đến văn phòng CA Thị xã để trình diện cho đến ngày „xả chế“.

Đến lượt mình, Viên rụt rè tiến đến trước mặt tên công an trình giấy phóng thích cùng lá đơn xin về thị xã này hồi hương với gia đình. Anh nhìn khuôn mặt dài ngoằn xương xẩu, hàm răng cải mả vàng ệch nhô ra dưới chiếc mũi khoằm và đôi mắt ti hí dưới đôi lông mày chổi xễ mà thấy khinh ghét vô chừng. Hắn lẩm nhẩm đọc thật lâu, hết giấy nọ đến giấy kia rồi quắc mắt nhìn anh gườm gườm, tay vỗ xuống bàn đánh rầm quát:
- Anh là sĩ quan „ngụy“ học tập mới về thì phải đi kinh tế mới, anh đâu có quyền xin hồi hương ?!
Viên lặng lẽ cầm giấy tờ trở về nhà chán nản bảo vợ:
- Vợ chồng mình hãy lo thu xếp đi kinh tế mới chứ họ không cho mình ở đây. Chúng mình đã chấp nhận làm lại cuộc đời từ con số không, những tưởng được yên phận ở vùng quê gần thị xã cho con cái dễ học hành, ai dè lại phải giam hãm cuộc đời ở một vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh nào đó, thật là chán nản!
Vợ anh cũng lo lắng không kém nhưng vẫn an ủi:
- Anh hãy chịu khó đi nhiều lần thử xem. Không chừng thằng công an đó chỉ dằn mặt lúc đầu thôi, sau chắc nó cũng chấp nhận. Anh đừng lo, em đã xin được lá xăm thật tốt, trong đó nói là „tiền hung hậu kiết“ mà !
Thật đúng như là vợ anh nói, lần sau Viên đến trình diện thì tên công an đã đổi đi nơi khác, thay vào một tên mặt mũi còn non choẹt, chắc là lần đầu làm việc nên nó cũng dễ dãi ký giấy chứng nhận cho anh.
*
Viên nguyên là giáo chức chế độ cũ, sau khi đi học khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ở trong quân ngũ được hai năm, anh xin về nhiệm sở cũ tiếp tục nghề dạy. Sau ngày „giải phóng“, tụi công an lại gán cho những giáo chức biệt phái trong quân đội là C.I.A (!) , bắt phải đi „học tập cải tạo“ tức khắc trên một vùng núi xa xôi cách thị xã hàng trăm cây số. Những con người khốn khổ, nạn nhân của một chế độ độc tài đảng trị vô nhân tính đã phải ra thân lao động nhọc nhằn. Hàng ngày họ phải lên rừng ở tận trên núi cao để đốn cây, xẽ gỗ, chặt cành rồi băng rừng lội suối hàng chục cây số khiêng về cho chúng làm nhà, làm củi và …. bán cho nhà thầu ! Ăn uống thì thiếu thốn, mỗi buổi chỉ được một chén cơm hẩm với khúc cá khô mục. Lại thêm bệnh kiết lỵ và sốt rét nơi chốn rừng thiêng nước độc đã giết dần mòn bao nhiêu người. Viên cố gắng giữ gìn sức khỏe may mắn sống sót, sau ba năm được phóng thích về với vợ con. Anh định tâm xây dựng lại cuộc đời mới mà anh biết là sẽ vô cùng cam go khốn khổ.

Được phóng thích về thành phố với vợ con, Viên chỉ được phép lưu lại đây một tháng rồi phải đi vùng kinh tế mới hoặc hồi hương về quê sinh sống. Sau ngày di tản từ miền Trung vào Sàigòn, nhà cửa đồ đạc bị mất hết, còn lại mấy tháng lương của hai vợ chồng chưa kịp lãnh thì phát ngân viên của bộ G.D. lại dông đi ngoại quốc. Tiền bạc cạn dần, vợ anh phải chạy ngược chạy xuôi buôn bán sống qua ngày. Nay còn một ít vốn liếng, hai vợ chồng định mua một vài công ruộng sống một cuộc đời đạm bạc để nuôi bầy con còn quá thơ dại. Cái ước nguyện nhỏ bé khiêm tốn đó vợ chồng Viên phải chật vật lắm mới thực hiện được. Nhưng không may, Viên mua nhầm mấy công ruộng đất xấu lại ở trên gò cao nên nước sông không tràn vào được, nước phèn đọng lại từ năm này qua năm nọ nên khó canh tác.
Mấy đứa con trai Viên tuy còn nhỏ nhưng sau buổi học phải ra ruộng giúp cha, ba cha con ra sức người thế sức trâu bò cày bừa, cuốc đất, tát nước …. Thế mà lúa chỉ lên lưa thưa, mỗi mùa chỉ gặt được mươi giạ lúa, lại phải đóng thuế hết 5 giạ. Gia đình Viên phải ăn cơm trộn bo bo hoặc khoai sắn sống qua ngày. Mỗi năm, Viên cùng với dân trong xã lại phải đi làm thủy lợi một tháng gọi là „nghĩa vụ lao động“! Vợ anh ngoài buổi chiều đi dạy, buổi sáng phải ra chợ buôn bán nuôi gia đình, tuy không đuợc bao nhiêu nhưng cũng lây lất sống qua ngày. Lâu lâu lại có lệnh tập trung „thành phần đi học tập cải tạo“ về để nhà nước kiểm soát, canh chừng. Viên càng lo lắng cho thân phận của kẻ sa cơ, không biết chúng sẽ bắt bớ, thủ tiêu lúc nào.
Vợ chồng bàn tính, không gì hơn là xin trở về nghề cũ, vừa thích hợp với khả năng vừa bảo đảm được an ninh. Nhờ người quen trong ty Giáo dục Thị xã nói với tên nhân viên phòng Tổ chức xin đi dạy một nơi nào đó, Viên không quên kèm một số tiền „trà nước“ là cái vốn liếng cuối cùng của gia đình anh. Không bao lâu, Viên nhận tờ quyết định cho đi dạy ở xã An Khánh thuộc huyện Châu Thành, một vùng quê hiu quạnh xa xôi ở tận ranh giới với tỉnh lân cận. Lý do: „giáo viên chế độ cũ phải đi công tác xa, phải biết khắc phục mọi khó khăn, sau sẽ được biên chế về chỗ tốt hơn“. Viên thấy không còn cách nào khác đành phải nhận lấy số phận này. Anh đến trình diện tên Trưởng phòng Giáo dục huyện để đưọc chỉ định đến nhiệm sở mới.

Qua cuộc nói chuyện, trao đổi công việc với tên trưởng phòng GD Huyện, Viên mới ngả ngửa ra là „ngôi trường“ anh sẽ đến đây chỉ là một miếng đất trống! Phòng G.D. huyện chưa đủ ngân sách để xây dựng lên ngôi trường. Vậy Viên phải về đó kêu gọi dân trong xã cùng phụ huynh học sinh đóng góp dựng lên trường sở. Học sinh cũng chưa có tên nào, anh phải đi „chiêu sinh“, rồi ra huyện nhận sách giáo khoa về dạy, huyện sẽ bổ thêm người dạy về. Bao nhiêu khó khăn trở ngại hiện ra trước mắt Viên, nhưng anh tự nhủ phải cố gắng, phải khắc phục mọi hoàn cảnh để đem lại sự an ninh, miếng cơm manh áo cho gia đình, và để chờ đợi ….! Anh không biết chờ đợi gì, nhưng luôn luôn tin tưởng một ngày nào đó cuộc sống anh sẽ đổi khác, khác nhiều lắm so với cuộc sống đày đọa hôm nay.

Lúc đó vào tháng 10 âm lịch, trời mưa như trút ngày này qua ngày nọ, nước sông dâng lên cao tràn ngập vào khắp đất đai, ruộng nương. Viên phải nhờ dân làng chèo đò đến từng nhà kêu gọi sự đóng góp để dựng lên ngôi trường cấp 2 cho xã. Khi nước rút là bắt tay vào việc, kẻ góp công người góp của cùng anh dựng lên ba gian nhà đơn sơ, cột kèo bằng tre nứa, lợp lá, vách lá. Rồi Viên lại lần mò ra huyện xin một số bàn ghế, bảng đen cũ về trang bị cho hai phòng học. Sau đó Viên đi kêu gọi học sinh các lớp 6, 7 đang học các trường huyện mà nhà ở xã An Khánh về lại tại trường mới. Viên cũng chịu khó đến nhà các học sinh bỏ học nữa chừng để ở nhà làm ruộng, „dỗ ngọt“ cho chúng đi học lại. Cuối cùng Viên cũng tập trung được vài chục đứa trong xã cho hai lớp 6, 7. Anh phụ trách hết các môn khoa học tự nhiên, còn các môn Văn, Sử, Đạo Đức, Chính Trị thì do 2 giáo viên cấp 1 dạy đôn. Còn ngoại ngữ được coi như là môn phụ, không có cũng không sao ! Trường gồm 3 giáo viên phụ trách các môn, đến thứ 7 chủ nhật lại chia phiên nhau trực trường ! Mỗi khi phải ngủ lại trường để trực, Viên kê hai chiếc bàn học sinh lên nằm trên hai mặt bàn nghiêng nghiêng, vừa mỏi vừa đau lưng. Muỗi thì khỏi nói, ở vùng quê miền Nam mới chạng vạng tối, quơ tay ra là chộp được muỗi. Viên phải đốt lửa un khói cho muỗi bay đi bớt rồi trùm chăn ngủ. Gặp khi trời lụt mà có họp hội đồng thì mọi người chèo ghe vào phòng họp, cứ ngồi trên ghe mà thảo luận. Trong đời đi dạy, anh chưa bao giờ gặp cái cảnh này! Cũng như cái cảnh anh „lặn lội đi dạy đường xa“.

Mỗi ngày Viên đạp chiếc xe đạp cũ kỹ từ nhà đến huyện muời lăm cây số, rồi từ đó đi đường mòn vào xã bảy cây số nữa. Buổi trưa trời nắng chang chang, anh lại phải cắm đầu cắm cổ đạp xe cho mau về đến nhà, lua vội miếng cơm rồi xách gàu xách cuốc ra làm ruộng đến chiều tối. Sáng lại phải lo dậy sớm, ăn vội củ khoai luộc để đi đến trường cho kịp giờ. Chiếc xe đạp quá cũ thỉnh thoảng lại dở chứng sút dây sên, bể ruột, banh vỏ … Viên lại phải ngồi bên đường sửa tạm rồi đi tiếp.
Khi trời nắng ráo còn đỡ, gặp tháng mưa con đường mòn từ huyện vào xã lầy lội trơn trợt khó đi, Viên phải dắt xe đạp mà không quen nên đi vài ba bước lại trợt té. Sách vở giáo án anh gói kỹ bỏ trong xắc cốt, ngoài lại bọc một lớp bao nylon cho khỏi ướt và dính bùn đất. Trong xắc cốt, anh lại thủ sẳn mọi đồ nghề sửa xe và một thanh tre mỏng dùng để moi móc bùn đất quến trong niềng xe. Gặp ngày nước lũ dâng lên lôi cuốn hết mấy chiếc cầu nhỏ bắt qua mương, Viên phải gởi xe đạp ở một nhà gần đó rồi quăng xắc cốt qua bên kia bờ và lấy trớn phóng qua mương, có khi hụt chân té xuống nước, phải cố ngoi bò lên, áo quần ướt sũng. Nước mưa hay nước mắt đã làm nhòe cả khuôn mặt rám nắng của anh trên con đường thất thểu đến trường.

Ngày nào cũng như ngày nào, Viên làm việc như cái máy, thét rồi không còn biết cảm giác gì nữa. Những vui buồn giận hờn như lắng đọng trong tim. Anh không còn cái hứng khởi để âu yếm vợ hay đùa giỡn chuyện trò với các con như trước nữa. Việc nhà, việc giáo dục con cái anh giao hết cho vợ, người bạn đường thân thương đã cùng anh chia xẻ những ngọt bùi đắng cay trong cuộc sống cam go này. Viên thấy rõ tương lai của đám con mình thật đen tối. Sau này khi tốt nghiệp trung học phổ thông, với cái lý lịch đen thui, ai chấp nhận cho chúng vào đại học, hay là chúng sẽ lần lượt đi bộ đội, hoặc về vườn làm ruộng hoặc đi xe ôm, đạp xích lô, hay cù bơ cù bất ở mấy cái chợ trời để „mánh mung“ kiếm sống ?!...
*
Một năm trời đằng đẵng trôi qua, Viên đã bỏ ra bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi nước mắt để dựng lên ngôi trường bé nhỏ, nay đã đi vào nề nếp. Gần cuối niên khóa, Viên đến phòng G.D. huyện tường trình công tác cùng thành quả năm qua và xin được điều về một trường ngoài huyện để được gần nhà hơn. Tên trưởng phòng vẫn với nét mặt khô khan tình cảm, với giọng quyết đoán bảo Viên:
- Anh đã hoàn thành khá tốt công tác này, nhưng huyện đang cần những nguời có khả năng và kinh nghiệm như anh để xây dựng thêm một số trường ở các xã khác. Anh nên biết là huyện đang có kế hoạch phổ cập hóa học sinh ở các làng xã lên cấp 2, một trong những kế hoạch thi đua về giáo dục mà bộ đã đề ra. Anh hãy cố gắng khắc phục một lần nữa, rồi tôi sẽ xét sau.
Viên cố gắng trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình không thể công tác được nữa. Tên trưởng phòng gằn giọng:
- Anh hãy vứt bỏ cái đầu óc tiểu tư sản của anh đi ! Trên khắp đất nước mình ở đâu cũng là nhà, không có chỗ nào là không tốt cả. Anh phải chấp hành lệnh của tôi, cũng là của „đảng“ và nhà nước !
Thế là anh phải miễn cưỡng nhận một lớp dạy „Bổ túc văn hóa“, phụ trách lớp cuối cùng bậc tiểu học tại một ngôi đình làng nằm sâu trong Huyện CT.,cho các cán bộ đang tại chức.

Trong lòng Viên vô cùng cay đắng, thất vọng não nề và chán nản cùng cực. Anh biết sức mình không thể tiếp tục một công việc quá nặng nhọc và càng không thể tiếp tục hành nghề cao quý của mình cho những ngôi trường „xã hội chủ nghĩa“ như vậy nữa. Anh phải tìm cho mình một lối thoát, lối thoát cuối cùng cho cuộc đời còn lại, cho tương lai của các con.

Viên bắt đầu chuẩn bị một chuyến đi xa như bao nhiêu người đã tìm cách vượt thoát khỏi ngục tù của chế độ này. Những ngày lễ hay chủ nhật anh thường đi về thành phố hay xuống miệt Rạch Giá, có khi qua các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Vĩnh Long .... để liên lạc tin tức và thăm dò đường đi nước bước. Để giải thích cho những chuyến đi về thường xuyên, vợ chồng anh đều nói với mọi người là lúc này cha anh bệnh trở nặng, phải về thăm nom. Vợ anh đem bán lần hồi những tư trang kỷ niệm cuối cùng, bán cả chiếc xe đạp quốc doanh mà sau hơn ba năm trời chị cuốc bộ hơn hai cây số đi dạy, mới được nhà trường dành phần ưu tiên cho mua trước sự thèm thuồng của các đồng nghiệp. Ba công ruộng vừa gieo mạ xong, sau mùa nước lụt lúa trổ bông nặng trĩu, hy vọng thu hoạch được khá hơn mấy năm trước, vợ chồng Viên cũng nhờ người tìm mối bán mắc bán rẻ cho nhanh. Để đánh tan mọi nghi ngờ của hàng xóm, bạn bè, anh nói là muốn dọn về thành phố để ở gần cha mẹ già lúc này hay bệnh hoạn cho tiện việc săn sóc.

Viên dự định sẽ dắt thằng con lớn đi theo vì chỉ còn vài năm nữa là tới tuổi „nghĩa vụ“. Cuộc đời mình coi như bỏ đi, nhưng vợ chồng Viên không muốn các con mình phải hy sinh vô lối cho một chủ nghĩa tay sai mù quáng, không muốn nhìn thấy tương lai của mấy thằng con gãy đổ, không chừng lại mất xác ở chốn rừng núi Lào hay Campuchia trong khi thi hành „nghĩa vụ quốc tế“ của đảng ! Trước khi ra đi, Viên sửa soạn căn nhà lá đã bắt đầu hư hao, lợp lại mái nhà dột nát phía sau, tìm hai cây to chống cho chắc hai bên vách đất đã xiêu vẹo. Anh còn đốn mấy cây xoài, cây mận, cây ổi ngoài ruộng đem về bửa thành mấy đống củi thật to; chẻ sẵn hết đống tàu dừa khô mà các con anh đã đi lượm ở xung quanh nhà và lôi từ ngoài ruộng về, chất trước sân phơi khô đề dành cho vợ con anh ở nhà chụm lửa nấu ăn. Anh sửa lại cán búa, tra cán dao, đóng lại mấy cái vạt giường bị gãy, sửa lại chân bàn bị mối ăn, đóng cái giàn phía trên bếp lửa dùng chất củi để dành xài trong mùa mưa lụt.. Viên lo lắng, vợ anh ở lại với một bầy con nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn, nên anh cố gắng sắp xếp việc nhà kỷ lưỡng trước khi đi. Anh cũng viết sẵn những lá đơn để vợ anh ở nhà đem đến trường xin phép từng giai đoạn.

Một lần được tin nhắn từ thành phố, bảo Viên lên gấp cho kịp chuyến đi. Vợ anh tiễn hai cha con anh ra bến xe. Trong khi chờ đợi mua vé, anh thủ thỉ dặn dò, chị chỉ biết quay mặt giấu những giọt nước mắt chia ly. Nhưng bốn ngày sau, hai cha con trở về vì chuyến đi bị „bể“, mọi người phải lo giải tán kẻo bị tóm. Viên lại mỗi ngày đạp xe mấy chục cây số đến trường làm việc trong mệt mỏi uể oải, anh chỉ trong ngóng chờ đợi chuyến đi khác. Khoảng thời gian này, anh lại bận rộn nhiều công tác của nhà trường, tên hiệu trưởng bảo anh viết cho xong mấy cái báo cáo gởi về bộ để trường anh được công nhận là „Trường điểm xã hội chủ nghĩa“. Anh phải thức đêm viết báo cáo về những „thắng lợi vượt bực“ của trường anh: nào giáo viên có tinh thần tập thể vững chắc, ý thức chính trị cao, chấp hành tốt tất cả các chỉ thị của đảng và nhà nước; nào học sinh đạt được thành tích tốt về mặt đạo đức chính trị, lao động, học tập… Tất cả các giáo viên nhà trường đều đạt danh hiệu „lao động xã hội chủ nghĩa“ hoặc „chiến sĩ thi đua“, hay tệ lắm cũng là „lao động tiên tiến“ …. Những tờ báo cáo dài hàng mấy chục trang giấy với những thành tích thêu dệt thêm cho đúng đường lối của bộ đã làm tên hiệu trưởng vô cùng hân hoan, thơ thới. Hắn vỗ vai anh thân mật:
- Năm nay trường mình phải tổ chức liên hoan cho thật rềnh rang. Tôi sẽ đích thân đi mời các cán bộ hành chính ngoài huyện Châu Thành, các đồng chí ở phòng giáo dục Huyện xuống trường ta tham gia. Mình không phải chi phí nhiều, tôi có mấy đứa học trò cũ làm công an ngoài Huyện đang công tác cho trạm xét xe đi về thành phố. Tôi sẽ bảo chúng nó tịch thu một số rượu đế, gạo thơm, thịt heo …. của bạn hàng đem về tha hồ mà nhậu !
Viên càng ngao ngán hơn, anh mong mỏi ngoi ra khỏi vũng bùn này càng sớm càng tốt. Anh không phải chờ đợi lâu, một buổi tối có người đem tin, bảo ngày hôm sau đến điểm hẹn mới để đi „taxi“ ra „cá lớn“ vì mấy hôm nay mưa gió liên miên, hy vọng tụi công an canh gác lơ là.

Buổi sáng ngày ra đi, anh và thằng con lớn chỉ đem theo một xách tay nhỏ đựng hai bộ quần áo cũ đủ để thay đổi. Trời còn đang mưa, đường vào nhà anh ngập nước lênh láng, anh cõng đứa con gái út năm tuổi ra trường học ngoài vàm, rồi mới lên đường. Vợ anh đi theo tiễn đưa. Đến giây phút này, anh không còn gì để dặn dò nữa. Suốt cả đêm qua anh đã nói thật nhiều, dặn vợ dặn con và đã ôm từng đứa con mà khóc. Hôm nay đưa tiễn không một giọt nước mắt, hai vợ chồng và đứa con lặng lẽ ra bến đò chờ qua sông. Đò tách bến, anh còn đứng nhìn mãi chiếc áo bà ba màu xanh nhạt của chị cho đến khi chị quay lưng đi.

Một tuần lễ trôi qua, hạn nghỉ phép của Viên đã hết, vợ anh nhờ người bạn nộp thêm lá đơn xin gia hạn nghỉ phép vì cha anh còn bệnh nặng, sau lại thêm một lá đơn xin nghỉ bệnh nữa. Một tháng, hai tháng trôi qua, không thấy Viên đến trường, tên hiệu trưởng báo cáo lên phòng giáo dục. Tên trưởng phòng G.D. gửi báo cáo về tận xã chỗ Viên ở để truy nã một tên giáo chức nguyên là sĩ quan „ngụy“ đã „đào tẩu“.

Đầu năm học sau đó, trong một bài diễn văn đọc trước toàn thể đại diện các cấp hành chính, các đảng viên, công đoàn viên, giáo chức cùng phụ huynh và học sinh ở xã An Khánh, tên trưởng phòng giáo dục huyện đã nhấn mạnh: „Tên Viên không xứng đáng là một giáo viên “xã hội chủ nghĩa“! Anh ta đã phản bội lời thề của Mác Lênin!“

Hơn hai tháng bặt tin, vợ Viên nhận được lá thư đầu tiên của chồng từ một trại tị nạn ở đảo Galang (Nam Dương) gửi về. Anh viết:
„… Ghe ra khỏi hải phận năm ngày thì bị cơn bão cấp 6 ùa đến. Những đợt sóng cao hàng chục thước như cả trái núi tưởng chửng vùi dập chiếc ghe bé nhỏ xuống đáy biển. Nước tràn vào ghe ào ạt, anh phải thức suốt đêm, cùng một số người còn tương đối khỏe tát nước ra hầu kéo dài sự sống từng giây phút. Trong cơn bão tố gầm thét với sóng biển, anh nhắm mắt cầu nguyện cho em và các con ở nhà được luôn luôn bình yên khỏe mạnh và em đủ sức phấn đấu để nuôi nấng dạy dỗ các con nên người … Anh thiếp đi lúc nào không biết, đến khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên chiếc giường nệm êm ấm của chiếc tàu cứu tinh „Cap Anamur“ đã cứu vớt ghe anh và đang tiếp tục đi trên biển Đông, tìm cứu những thuyền nhân khác …Anh đã vượt khỏi đoạn đường chông gai và con tàu nhân đạo đã đưa cha con anh đến bến bờ tự do. Đoạn đường còn lại em hãy cố gắng thực hiện để gia đình mình sớm được đoàn tụ. Trước mắt anh bây giờ là một khoảng trời cao lồng lộng và xanh ngát như màu áo em.."


Thu Trang
(CHLBĐức,Tháng 02.1988) *Kỷ Niệm NgàyQH 04.2021
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân