TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tín nghĩa Ngân hàng đoạn kết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tín nghĩa Ngân hàng đoạn kết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sat Oct 24, 2020 10:09 pm    Tiêu đề: Tín nghĩa Ngân hàng đoạn kết
Tác Giả: Trang Nguyên

Tín nghĩa Ngân hàng đoạn kết

Logo Tín Nghĩa Ngân Hàng và ông Nguyễn Tấn Đời


Trước đây tôi có bài viết về việc thành lập Tín Nghĩa Ngân hàng của ông Nguyễn Tấn Đời. Từ một ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản, ông Đời bước lên làm chủ một cách bất đắc dĩ vào năm 1967. Tổ chức lại cách quản lý, phương thức kinh doanh, mở rộng chi nhánh. Lập số quỹ dự trữ đạt đến 40% và số tiền ký thác của khách hàng lên đến 20 tỉ bạc vào cuối năm 1972. Tín Nghĩa Ngân hàng trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nhưng sang mùa Hè năm 1973, một cuộc thanh toán ngân hàng bỗng nhiên ập đến.


Tín Nghĩa ngân hàng bị niêm phong hồi năm 1973 (Hình: tài liệu)


Lúc đó, tôi còn là một đứa trẻ mới lớn, nhìn thấy quang cảnh đám đông xôn xao bu quanh chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng Hòa Hưng, hai xe cảnh sát đậu ngay trước cửa ra vào đóng kín. Bà con đi chợ băng qua đường tụ tập mỗi lúc đông hơn. Trẻ con trong xóm cũng chạy ra nghe ngóng. “Ngân hàng bị tịch biên, Tín Nghĩa Ngân hàng sập tiệm rồi...”, Tôi vội chạy về nhà báo tin này cho má tôi hay. May mắn gia đình tôi không có tiền gởi ở Tín Nghĩa Ngân hàng. Ba tôi dùng tiền bán nhà ở Phú Lâm mua căn nhà của bác Ba bên cạnh.

Thuở đó, lãi suất tiết kiệm định kỳ một năm tiền lời trả sau của Tín Nghĩa Ngân hàng là 24% là một mức lãi rất hấp dẫn. Sở dĩ Tín Nghĩa Ngân hàng đưa ra mức tăng lãi suất này là dựa theo lãi suất 20% Công khố phiếu của chính phủ trả tiền lãi trước. Thực tế, nhận tiền lãi trước, số lãi thực tế lên đến 25% theo cách tính của bà Trần Bạch Yến nhân viên cao cấp của Tín Nghĩa Ngân hàng tường thuật trong hồi ký của mình, nay tôi xin trích lại để mọi việc am tường: “Một khách hàng đem 1,000,000 đồng đi mua Công khố phiếu. Người này nhận được ngay 200,000 đồng tiền lời trả trước. Ðến cuối năm, khách hàng rút tiền ra, sẽ nhận được 1,000,000 đồng y nguyên. Như vậy, số tiền mà khách hàng thật sự bỏ ra chỉ có 800,000 đồng thôi. Bỏ ra 800,000 đồng, cuối năm lấy lại được 1,000,000 đồng. Như vậy, nếu tính theo tiền lời trả sau, sẽ là: (200,000 / 800,000) = ¼ = 0. 25 hay 25%”.


Tập ngân phiếu của Tín Nghĩa Ngân Hàng dành cho khách hàng.


Cũng nhờ biện pháp tăng lãi suất định kỳ theo công khố phiếu mà Tín Nghĩa Ngân hàng hấp dẫn người ký thác khắp nơi. Riêng bà Trần Bạch Yến cũng nhờ thành tích đó mà ít lâu sau trở thành Giám đốc chi nhánh Phú Nhuận. Bà thuật lại: “Khi tôi mới đến nhậm chức, tổng số ký thác của chi nhánh Phú Nhuận chỉ lên xuống khoảng 100 triệu, mặc dù ông Giám đốc trước là cựu Tổng Giám đốc Tổng Nha Quan Thuế. Chỉ trong vòng chưa tới 3 tháng, tổng số ký thác của chi nhánh Phú Nhuận đã tăng lên 300 triệu, nhờ tôi chịu khó đi mời các khách hàng thương gia dọc 2 bên đường Võ Di Nguy, trong đó có cả Ông Hội Ðồng Có, tục gọi là Ðội Có (lúc đó ông đã ngồi xe lăn), ông gởi 100 triệu. Tôi được thưởng 30,000 đồng để làm tiệc ăn mừng. Khi ký thác đạt được 300 triệu thì chi nhánh đã có quyền nhận hồ sơ vay. Tuy nhiên chi nhánh Phú Nhuận chưa kịp cho vay thì tai nạn đã xảy ra. Nhưng đó lại là điều may cho tôi”.

Vì sao lại là may? Như trên đã nói, chi nhánh Phú Nhuận nhận đủ 300 triệu đồng ký thác nhưng chưa cho vay thì cuộc thanh toán ập đến. Toàn bộ 32 chi nhánh và Tín Nghĩa Ngân hàng trung ương bị cảnh sát Sài Gòn đột kích bất ngờ. Cho niêm phong, buộc giám đốc và kế toán kết toán trương mục, giao nộp tiền cho Ngân hàng Quốc gia. Những chi nhánh nào chưa cho vay xem ra dễ thở hơn vì không phải bị câu lưu lâu chờ xem xét trương mục của khách hàng. Tiền giao nộp cho Ngân hàng Quốc gia sẽ được xem xét và hoàn trả lại cho khách hàng ký thác. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào cho thấy là người ký thác được hoàn trả lại số tiền ký gởi. Sự thật thì tôi vẫn nghe nhiều người bà con, gia đình bạn bè có tiền gởi tại Tín Nghĩa Ngân hàng không lấy lại được đồng nào và nhiều người cho rằng, Tín Nghĩa Ngân hàng đẩy lãi suất lên cao, huy động vốn và mất khả năng chi thu.


Nguyễn Tấn Đời (ngồi giữa) trong cuộc họp Quốc Hội VNCH (Nguồn: Internet)


Ðiều này chỉ là sự đồn đãi của dư luận trước tai họa bất ngờ giáng xuống Tín Nghĩa Ngân hàng khi hầu hết khách hàng của Tín Nghĩa Ngân hàng là giới tiểu thương, lao động bình dân, có chút tiền gởi vào tiết kiệm kiếm lời. Nếu so với mua công khố phiếu chính phủ đưa ra lãi suất còn cao hơn. Vậy thì tiền gởi vào ngân hàng tư nhân hay mua công khố phiếu nhà nước, cái nào an toàn hơn? Chẳng có gì an toàn tuyệt đối trong một đất nước đang diễn ra chiến tranh, mặc dù Hiệp định Paris được ký kết đình chiến hai miền. Tín Nghĩa Ngân hàng thành công hơn cách làm của nhà nước và kể cả các ngân hàng khác. Thành công về mặt quảng bá, thu hút khách hàng, cải cách nghiệp vụ bằng các thủ tục đơn giản, dễ dàng rút và gởi tiền ở bất kỳ chi nhánh nào.

Tạp chí Modern Asia tháng 5/1973 xuất bản tại Singapore có bài viết về sự thành công của Tín Nghĩa Ngân hàng. “Ngày nay ông Nguyễn Tấn Ðời không chỉ là một ông chủ ngân hàng mà ông còn là Dân biểu Quốc hội và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Kỹ nghệ tại Việt Nam. Khi đề cập đến ông, người ta không thể cho rằng đây là trường hợp của người bạch đinh gặp thời”, mà tiểu sử ông đã làm nổi bật rõ rệt quyền lực của “quan niệm thiết thực”.


Nguyễn Tấn Đời trong cương vị Tổng giám đốc Tín Nghĩa Ngân hàng


Ông Nguyễn Tấn Ðời dè dặt cho thực hiện việc giữ tiền dự trữ thêm từ 5% đến 10% số tiền mặt ký thác tại ngân hàng, ngoài số dự trữ bắt buộc do Ngân hàng Quốc gia ấn định. Cho đến khi mức tồn quỹ được tăng từ 35% đến 40% vào năm 1971, Tín Nghĩa là một trong những ngân hàng đáp ứng được sự bắt buộc của Ngân hàng Quốc gia, và có số thặng dư bạc mặt nhiều nhứt...”.

Ngay trong ngày cảnh sát ập đến các chi nhánh và Tín Nghĩa Ngân hàng Trung ương, ông Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Ðời còn bận đi ủy lạo binh sĩ thuộc Quận đoàn I cùng với cựu Trung tướng Nguyễn Hữu Có, cảnh sát đến nhà bắt vợ ông, cho đến khi ông trở về thì mới bắt luôn ông. Mọi chuyện diễn ra âm thầm, lệnh khám xét, không có trát tòa. Điển hình xảy ra ở chi nhánh Phú Nhuận. Bà Trần Bạch Yến kể: “Riêng tại Chi nhánh Phú Nhuận, có 2 ông, một xưng là nhân viên của Việt Nam Thương Tín, Thụ Ủy của Ngân Hàng Quốc Gia và một xưng là Thiếu Tá Chỉ huy Phó Cảnh Sát Quận Tân Bình. Hai ông này yêu cầu tôi hai điều: Một, là cho kết toán sổ sách và hai, là đem tiền về Ngân hàng Quốc gia. Hai ông không trình ra được mảnh giấy nào để chứng minh nhiệm vụ được ủy quyền của mình, mà cứ luôn miệng bảo: “Bà cứ việc thi hành theo lệnh này đi, vụ này quan trọng lắm, bà sẽ không bị bất cứ trách nhiệm nào đâu. Bà cứ tin chúng tôi đi! ”. “Xin lỗi hai ông. Thời buổi này vàng thau lẫn lộn, không biết đâu là thật, đâu là giả. Chúng tôi chỉ làm việc theo giấy tờ. Tiền bạc của ngân hàng, của khách hàng đâu phải là chuyện giỡn chơi, mà mấy ông chỉ ra lệnh miệng, không có giấy tờ chứng minh, thì ai chịu trách nhiệm cho chúng tôi đây. Xin lỗi, tôi không thể thi hành được”.

Ðiều này hoàn toàn đúng theo pháp luật dù rằng đọc một đoạn hồi ký của bà Trần Bạch Yến thấy rõ tinh thần can đảm với chức trách và nhiệm vụ của mình. Chưa có trát tòa thì không thể thi hành. Nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn phải theo lệnh miệng. Bà nói: “Lúc trẻ, tôi ngang như vậy, không sợ ai hết (năm đó tôi 32 tuổi). Trong khi đó, thì bên chi nhánh Hòa Hưng, cảnh sát chốt bên ngoài, bên trong thì giám đốc, kế toán lo lắng kết toán sổ sách theo lệnh miệng. Chuyện này, cũng được ghi lại trong hồi ký của bà: “Tôi gọi điện thoại đến chi nhánh Hòa Hưng, hỏi chuyện Bích Ngọc, con ông Ðại tá Ðầy. Bích Ngọc nói: “Chị Giám đốc thấy cảnh sát tới, chị sợ quá, đã đem tiền đi nộp cho Ngân hàng Quốc gia rồi! ”. “Làm gì mà phải sợ cảnh sát chứ? Cảnh sát phải sợ nhà binh, chứ nhà binh sao lại đi sợ cảnh sát! ”. Tôi cố ý nói hơi to cho viên Thiếu tá cảnh sát kia nghe! ”.


Nguyễn Tấn Đời (áo trắng) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công kỹ nghệ VN (Hình: Internet)


Tôi xin bổ sung một chút về chuyện nhà binh và cảnh sát. Nhân sự của các ngân hàng khác như thế nào chứ nhân sự của Tín Nghĩa Ngân hàng có rất nhiều con em, bà con thân thuộc có mối quan hệ với nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội, kể cả khách hàng ký thác số tiền gởi lớn có rất nhiều nhân vật là sĩ quan quân đội cao cấp. Chuyện này đã có lần Tổng Thống Thiệu đã yêu cầu ông Nguyễn Tấn Ðời công khai danh sách các sĩ quan quân đội gởi tiền tại Tín Nghĩa Ngân hàng cho Văn phòng Chính phủ. Nhưng Tín Nghĩa Ngân hàng đã tuân thủ nguyên tắc bảo vệ tin tức khách hàng.

Vấn đề còn lại là tại sao Tín Nghĩa Ngân hàng bị thanh toán dù rằng sau khi đưa cảnh sát đột kích bất ngờ mới có trát tòa. Mặc dầu bên Tổng nha Cảnh sát có lần đưa vấn đề tại sao những bó bạc có niêm phong của Tín Nghĩa Ngân hàng xuất hiện trong chiến khu VC. Ðây là chuyện ông Nguyễn Tấn Ðời luôn uất ức mãi cho đến khi ông nhắm mắt.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân