TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hen suyễn: Khi nào cần cấp cứu, gặp bác sĩ?
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hen suyễn: Khi nào cần cấp cứu, gặp bác sĩ?

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9650

Bài gửiGửi: Sun Aug 30, 2020 3:06 am    Tiêu đề: Hen suyễn: Khi nào cần cấp cứu, gặp bác sĩ?

Hen suyễn: Khi nào cần cấp cứu, gặp bác sĩ?


Hen (theo tiếng người ở miền Bắc Việt Nam) suyễn (theo tiếng người ở miền Nam Việt Nam), là tình trạng đường hô hấp bị hẹp lại và sưng dày lên, và có thể tạo ra chất nhầy quá mức cần thiết. Các điều này có thể làm bệnh nhân bị khó thở, gây ra ho, khò khè khi thở ra, và hụt hơi.

Ở một số người, suyễn là “chuyện nhỏ.” Ở một số người khác, suyễn có thể là “chuyện lớn,” ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày, có thể dẫn đến các đợt tấn công, các cơn suyễn nặng, có thể gây ra chết người.


Tình trạng nặng nhẹ của suyễn thường thay đổi liên tục, do đó, việc hợp tác với bác sĩ để theo dõi và điều chỉnh thuốc men, điều trị, là việc rất quan trọng. (Hình: health.clevelandclinic.org)


Hen suyễn không thể được chữa hết hẳn (cured), nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân áp dụng các điều trị thích hợp.

Giống như mọi thứ khác trên đời, tình trạng nặng nhẹ của suyễn thường thay đổi liên tục, do đó, việc hợp tác với bác sĩ để theo dõi và điều chỉnh thuốc men, điều trị, là việc rất quan trọng, để ta có thể kiềm chế được bệnh.



Triệu chứng

Suyễn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi bệnh nhân khác nhau. Ví dụ, có người chỉ lên cơn suyễn khi tiếp xúc với chất mà người đó bị dị ứng, khi tập thể dục hay làm việc nặng, có người có thể bị lên cơn suyễn thường xuyên

Các dấu hiệu và triệu chứng của suyễn có thể là:

    • Hụt hơi.

    • Tức hay đau ngực, thắt ngực.

    • Khò khè (tiếng rít như gió thổi qua chỗ hẹp) khi thở ra.

    • Khó ngủ (vì bị hụt hơi, ho, hay khò khè).

    • Ho hoặc khò khè thường trở nặng hơn khi bệnh nhân bị thêm bệnh hô hấp khác như cảm, cúm, COVID-19.


Sử dụng máy peak flow meter để đo lưu lượng hơi thở


Các triệu chứng khi suyễn trở nặng:

    • Các triệu chứng của hen suyễn xảy ra thường xuyên hơn và nặng hơn.

    • Cần phải dùng thuốc giúp giãn phế quản (như albuterol, proventil...) thường xuyên hơn.

    • Khó thở tăng lên có thể được nhìn thấy bằng các thổi vào một dụng cụ đơn giản và rẻ tiền gọi là peak flow meter.


occupational asthma


Ở một số bệnh nhân, các triệu chứng có thể trở nặng trong các tình thế sau:

    • Suyễn xảy ra do thể dục hay gắng sức sẽ dễ trở nặng hơn khi không khí khô và lạnh.

    • Suyễn xảy ra do môi trường làm việc (occupational asthma) sẽ dễ trở nặng với các chất hơi, bụi, mùi bốc ra từ chất hóa học.

    • Suyễn do dị ứng sẽ xảy ra, trở nặng với bụi phấn trong không khí, lông thú, nước miếng bị khô lại, vẩy da của thú nuôi, chất thải của gián...



Khi nào cần cấp cứu

Hen suyễn trở nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, ta cần hợp tác với bác sĩ để giữ tình trạng bệnh ổn định. Các dấu hiệu, triệu chứng sau đây, có thể là báo hiệu rằng ta cần gọi 911 hoặc đi đến phòng cấp cứu gần nhất:

    • Khó thở hay khò khè, trở nặng một cách nhanh chóng.

    • Thuốc hít giúp giãn phế quản không còn hiệu quả để giảm cơn khò khè hay khó thở.

    • Hụt hơn, khò khè, khó thở xảy ra ngay cả khi ta không hoạt động thể chất, hoặc chỉ làm việc rất nhẹ.



Khi nào cần gặp bác sĩ

Khi có các triệu chứng của hen suyễn như kể trên. Trị hen suyễn sớm có thể giúp đề phòng các tổn thương kéo dài của phổi, và giúp bệnh không trở nặng.

Khi cần theo dõi bệnh sau khi đã có chẩn đoán là ta bị hen suyễn. Sự phối hợp tốt với bác sĩ sẽ giúp tránh được các cơn suyễn nặng nguy hiểm đến tính mạng, cũng như giữ được bệnh ổn định. Nên có hẹn định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi thay đổi của bệnh và điều chỉnh thuốc men thích hợp.

Ngay khi triệu chứng hen suyễn vừa mới trở nên mất ổn định. Không nên tự ý tăng liều thuốc nếu không hỏi và có ý kiến của bác sĩ. Việc tăng liều thuốc không đúng cách có thể làm cho suyễn nặng hơn, cũng như có thể gây ra các tác dụng phụ khác.



Nguyên nhân, các yếu tố khởi động cơn suyễn

Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra suyễn ở người này mà không ở người khác. Người ta cho là đó có thể là sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Tiếp xúc với các chất gây khó chịu hay gây dị ứng có thể khởi động, khiến các triệu chứng, dấu hiệu của hen suyễn xảy ra, trở nặng. Các chất khởi động triệu chứng hen suyễn với mỗi người khác nhau, tùy theo đặc điểm của từng người, có thể là:

    • Các chất gây ra dị ứng bay trong không khí như bụi phấn trong không khí, lông thú, nước miếng bị khô lại, vẩy da của thú nuôi, chất thải của gián...

    • Bệnh khác của đường hô hấp như cảm, cúm, viêm phổi...

    • Hoạt động thể chất như thể dục, làm việc chân tay...

    • Không khí lạnh.

    • Các chất ô nhiễm không khí như khói xe, khói cháy, khói từ các công xưởng...

    • Một số thuốc như:

      • Các thuốc thuộc nhóm beta blockers thường dùng chữa cao huyết áp hoặc/và bệnh tim, ngừa nhức đầu migraine (như carvedilol, atenolol, timolol, propranolol...) ; hoặc nhỏ mắt để chữa cườm nước (glaucoma) như thuốc nhỏ mắt timolol.

      • Aspirin.

      • Các thuốc chống viêm thuộc nhóm NSAIDs (nonsteroidal anti-inflammatory drugs) như là ibuprofen (Advil, Motrin IB...), naproxen sodium (Aleve)...

    • Các căng thẳng tâm lý hoặc cảm xúc mạnh.

    • Một số chất dùng để giúp thức ăn lâu hư hơn, có thể được dùng ở trái cây để khô, khoai tây đã được chế biến, tôm, bia, rượu vang...

    • Bệnh trào ngược thực quản dạ dày (gastroesophageal reflux disease – GERD).

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân