TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hãy đọc bài này
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hãy đọc bài này

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon Jun 15, 2020 7:34 pm    Tiêu đề: Hãy đọc bài này



Tính ưu việt của nền Giáo Dục VNCH

      Một buổi sáng ở Đại học Khoa học Tự nhiên

      Nguyễn Văn Tuấn
      Saturday, January 23, 2010

      Sáng hôm 21/1 tôi có vinh hạnh ghé qua trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), tức là trường Đại học Khoa học cũ (trước 1975). Nhờ một anh bạn giảng viên trong trường “mai mối” tôi giảng một bài ngắn (chỉ 2 tiếng) cho gần chục bạn giảng viên trẻ trong khoa sinh học. Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp vào khuôn viên trường này, nên đi đâu cũng nhìn chằm chằm cứ như là Hai Lúa mới lên thành thị. Những cây cổ thụ vẫn còn đó, nhưng hình như số cây ít hơn so với trước đây. Tòa nhà chính vẫn còn đó, dù có vài thay đổi nhỏ và tường có vẻ rêu phong, hành lang thì hình như cũ kĩ hơn. Cũng có một vài tòa nhà được xây mới (hay tương đối mới) nhưng rất chấp vá, không hài hòa trong cái khung cảnh chung của các tòa nhà cũ. Những tòa nhà từ thời Tây còn lại đã bị xuống cấp thê thảm. Bậc thang đi lên khoa sinh học trông thật là dơ bẩn, tối tăm, chật hẹp. Đứng trên cao nhìn xuống khuôn viên trường trông rất lô nhô, lổm chổm, và nhếch nhác. Tôi cảm thấy ngậm ngùi cho cái trường một thời danh tiếng trong vùng Đông Nam Á này.

      Trước khi giảng bài, tôi lang thang trong thư viện nhỏ của khoa sinh và phát hiện rằng cái tủ sách nhỏ này chứa nhiều tập san rất quí trên thế giới. Tủ sách cũ kĩ được để ngoài hành lang này có những số báo của tập san Nature từ năm 1910, một số xuất bản trong thập niên từ 1950-1970. Ngoài ra, còn có một số tập san nổi tiếng khác về sinh học và môi trường học nữa. Tôi có nói với các bạn trong khoa rằng đây là những tài liệu cực kì quí hiếm mà ngay cả đại học New South Wales của tôi cũng không có. Tôi rất sợ là mấy tập san này sẽ tiêu tan nay mai, vì với thời tiết mưa nắng khắc nghiệt và tủ sách để ngoài hành lang như thế không biết mấy tài liệu này có thể “sống” bao lâu nữa. Không biết các bạn ấy có quan tâm đến sự quan tâm của tôi.

      Ngày xửa ngày xưa mà ĐH Khoa học Sài Gòn đã có những tập san số 1 trên thế giới như thế. Còn ngày nay, ngay cả các đại học lớn nhất của VN vẫn không có đến một tập san khoa học hàng đầu trên thế giới. Thử vào thư viện Đại học Y Dược chúng ta sẽ thấy chẳng có tập san khoa học nào mới cả. Chẳng trách tại sao nghiên cứu sinh Việt Nam ngày nay khi viết đề cương nghiên cứu chỉ dựa vào những tài liệu khoa học thời 1970s. Còn những bài báo khoa học công bố trên các tập san ở VN thì thành thật mà nói là đại đa số chẳng có giá trị khoa học gì cả.

      Ngoài ra, tôi còn có dịp đọc qua những kĩ yếu của ĐH Khoa học Sài Gòn thời thập niên 1950-1970. Ngạc nhiên thay, những kĩ yếu này được bảo quản khá tốt, trông cứ như là những tập san mới in cách đây vài năm. Mỗi kĩ yếu dày khoảng 500 trang, bìa màu xanh, với rất nhiều bài báo khoa học viết bằng tiếng Pháp, nhưng có phần abstract bằng tiếng Anh (mà không bằng tiếng Việt). Những bài báo này được viết theo cấu trúc một bài báo khoa học hiện nay, và chất lượng theo tôi là không thua gì những bài báo trên các tập san chuyên môn nước ngoài. Có những bài mà tác giả thời đó chưa có phương tiện chụp ảnh, nên phải minh họa bằng tay với những đường vẽ hết sức sắc sảo.

      Đọc qua những bài báo từ thập niên 1950-1970 này tôi quả thật sự thán phục và kính trọng các bậc đàn anh, các bậc “tiền bối” đã xây dựng nên một nền khoa học nghiêm chỉnh cho miền Nam. Đối chiều những nghiên cứu trước đây với những “nghiên cứu” ngày nay, tôi thấy có một sự khác biệt một trời một vực. Ngày xưa các bậc đàn anh làm nghiên cứu cẩn thận, còn ngày nay thế hệ đàn em làm nghiên cứu kiểu bát nháo. Có lẽ chính vì thế mà anh bạn tôi cho biết khi cần những dữ liệu tham khảo về môi sinh, về thực vật, người ta vẫn dựa vào những cuốn sách và nghiên cứu của những người đi trước (như của Gs Phạm Hoàng Hộ chẳng hạn), chứ không ai dám dựa vào những nghiên cứu thời nay vì dữ liệu không đáng tin cậy.

      Đọc qua những kĩ yếu của ĐH Khoa học Sài Gòn trước năm 1975, tôi càng thấm hiểu tại sao miền Nam Việt Nam thời thập niên 1960s đã có một nền giáo dục đại học tốt, hay ít ra là tốt hơn so với các nước trong vùng như Thái Lan mà ngày nay chúng ta đang lẹt đẹt chạy theo sau họ.

      Vì sao chỉ có vài chục năm mà giáo dục miền Nam Việt Nam chuyển từ vị thế đáng kính trong vùng sang vị thế thấp hèn như hiện nay. Những chính sách sai lầm và duy ý chí? Những chính sách “hồng hơn chuyên”? Những thay đổi về giá trị đạo lí và đánh tráo khái niệm trung thực khoa học với mục tiêu chính trị? Có lẽ tất cả những điều trên đều có thể giải thích cho sự suy sụp của nền giáo dục trước 1975. Có lẽ các bạn cho rằng tôi “hoài cổ” nhưng nếu có dịp, các bạn thử vào thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên để đọc lại những kĩ yếu khoa học thời trước 1975 thì các bạn sẽ thông cảm cho cái giận của tôi.

      Nhưng chúng ta cần nhìn về tương lai, chứ chẳng lẽ cứ ôm “quá khứ vàng son” để than thân trách phận. Do đó, trong bài giảng, tôi trình bày tình hình nghiên cứu khoa học ở nước ta, qua những ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san khoa học quốc tế, so sánh giữa ta và các nước trong vùng, đặc biệt là Thái Lan để thấy chúng ta đang ở đâu trên thế giới này. Tôi nhấn mạnh đến những biện pháp nhằm nâng cao sự có mặt của khoa học VN trên trường quốc tế và có thể cạnh tranh với các nước láng giềng. Những biện pháp này tập trung vào vấn đề phương pháp nghiên cứu, kĩ năng thiết kế những nghiên cứu thực nghiệm, và giới thiệu một số phương pháp thống kê hiện đại có thể ứng dụng trong phân tích kết quả nghiên cứu ra sao. Thấy các bạn trẻ quan tâm, đặt câu hỏi thiết thực về thiết kế chương trình đào tạo làm tôi rất muốn làm cái gì đó để giúp các bạn này. Tuy nhiên, mình chỉ là một cá nhân và chuyện này cũng thuộc loại “nghề tay trái” thì làm sao giúp mọi người được, nên phải nghĩ đến chuyện đào tạo có hệ thống, hay “train the trainers” (huấn luyện người huấn luyện) thì mới mong góp phần nhỏ nào đó để nâng cao khoa học mình lên một tầm cao hơn.

      Điều làm tôi – nói theo ngôn ngữ ngày nay – “bức xúc” nhất là chúng ta đã thua Thái Lan về khoa học và công nghệ. Thua khá xa. Nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để đuổi kịp và thậm chí qua mặt họ dễ dàng, nếu chúng ta có thể huy động tiềm năng của giới trẻ và sự hợp tác của đồng nghiệp Việt kiều. Điều này chỉ xảy ra với 2 điều kiện chính: đầu tư cho nghiên cứu khoa học và có chính sách cởi mở với Việt kiều. Không thể nào làm nghiên cứu mà không có tiền, và cũng không thể nào kêu gọi nhà khoa học làm nghiên cứu trong khi đồng lương còn chưa đủ sống hay sống chật vật. Do đó, cần phải cải cách chế độ lương bổng sao cho một giảng viên hay nhà khoa học có thể sống với đồng lương của mình mà không phải “chấm mút” ở ngoài. Phải có chế độ thưởng cho những người làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh và có kết quả, và có hình phạt những người làm khoa học dỏm hay phí tiền của Nhà nước.

      Có lẽ điều quan trọng nhất là cải tiến hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu. Hiện nay, nước ta chỉ đầu tư khoảng 200 triệu USD cho khoa học, mà phần lớn chỉ là xây dựng cơ sở vật chất, chứ kinh phí thật sự cho nghiên cứu khoa học thì chẳng bao nhiêu. Ấy thế mà mỗi năm Bộ KHCN phải trả lại cho ngân sách Nhà nước đến 20-30 triệu USD. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học có vấn đề. Vấn đề ở đây, theo cái nhìn của tôi, là cách chọn các công trình xứng đáng và công bằng, cách đánh giá một đề tài nghiên cứu, và cách quản lí một dự án khoa học. Tôi biết rằng Bộ KHCN cũng thấy được và đang cố gắng giải quyết các vấn đề này, nhưng cho đến nay thì hình như họ vẫn bị chi phối bởi những “cây đa cây đề” và cải cách vẫn còn đầy khó khăn.

      Nhà nước thì lúc nào cũng nói đến chuyện mời các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy và nghiên cứu, nhưng đó chỉ là lời nói cho vui thôi, chứ tôi thấy trong thực tế thì nhiêu khê hơn nhiều. Trong khi phần lớn lãnh đạo đại học rất muốn có sự hợp tác của các chuyên gia người Việt ở nước ngoài, thì vẫn có một số lãnh đạo đại học rất “sợ” Việt kiều, không dám dính dáng đến họ, không dám mời họ đến giảng dạy có lẽ vì họ nghĩ thành phần này bất lương hay đáng nghi ngờ. Nói gì thì nói, giữa lời nói và thực tế vẫn còn một khoảng cách rất xa.

      Một buổi sáng ở ĐH Khoa học Tự nhiên làm tôi lan man suy nghĩ về những chuyện quá khứ và tương lai. Tôi chợt nhận ra rằng thành quả khoa học của quá khứ, hiện tại và tương lai của trường này giống như một đường cong parabol. Trường này đã từng có một quá khứ khoa học đẹp, nhưng hiện tại thì nó đang ở điểm thấp nhất của đường cong. Hi vọng rằng tương lai nó (thành quả khoa học của trường) sẽ nhanh chóng tăng lên cái đỉnh để lấy lại danh dự cho trường và cho cả nước vậy. Chỉ biết hi vọng vậy.
      NVT

      TB: Hôm tôi đến trường cũng là hôm Giáo sư Mai Trần Ngọc Tiếng từ trần. Giáo sư Ngọc Tiếng là Khoa trưởng Đại học Khoa học Sài Gòn trước 1975. Bà tên thật là Dương Thị Mai, sinh ngày 12-10-1917 tại Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Bà tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Đại học Sorbonne ở Pháp, về nước làm việc tại ĐH Khoa học Sài Gòn, lấy bằng cao học tức thạc sĩ ngày nay năm 1957. Năm 1962 bà tốt nghiệp tiến sĩ sinh học tại ĐH Purdue (Mĩ). Gs Ngọc Tiếng là một chuyên gia về môi sinh và thực vật ở Việt Nam, và có thời gian dài làm nghiên cứu với Gs Phạm Hoàng Hộ tại ĐH Khoa học Sài Gòn.




Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân