TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tiếng Nói của Người Trong Cuộc
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tiếng Nói của Người Trong Cuộc

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Wed Feb 19, 2020 5:30 am    Tiêu đề: Tiếng Nói của Người Trong Cuộc



Tiếng Nói của Người Trong Cuộc

      TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

      Mời quí bạn và các hậu duệ đọc lại bài sau đây của GS Lê Xuân Khoa năm 2010.
      Nguyên văn như sau:


      Khi được một thành viên trong Ban chủ biên Kỷ yếu Humboldt 200 (Xin xem thêm phần CHÚ THÍCH ở cuối bài), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, mời viết một bài về Đại học Miền Nam cho tập Kỷ yếu đánh dấu 200 năm Đại học Humboldt, tôi rất vui vì có cơ hội tham gia vào một công trình có ý nghĩa của một tập hợp trí thức trong và ngoài nước quan tâm đến sứ mệnh giáo dục Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đã rất ngần ngại nhận lời, không chỉ vì tôi đã rời xa ngành giáo dục Việt Nam trên 35 năm mà còn lo ngại ký ức của tôi không còn nhớ nhiều về tổ chức và hoạch định chính sách cho nền giáo dục Đại học Miền Nam trước 1975. Quả thật, ngoài 15 năm giảng dạy một môn học rất xa thực tế là “Triết học Upanishad” và “Thiền học Việt Nam” ở Đại học Sài-gòn (sau này có dạy thêm “Văn minh Việt Nam” ở Đại học Đà-lạt,) tôi chỉ tham gia vào bộ phận điều hành ở Bộ Giáo dục, Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Sài-gòn trong những thời gian rất ngắn, từ năm tháng tới một năm. Tôi cũng ít có dịp hợp tác trực tiếp với những nhà lãnh đạo Đại học, trừ bốn người là cố Giáo sư Nguyễn Quang Trình (ĐH Sài-gòn), cố Linh mục Nguyễn Văn Lập (ĐH Đà-lạt), Thượng Tọa Thích Minh Châu (ĐH Vạn Hạnh) và cố Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy (ĐH Sài-gòn). Nhưng tôi đã được TS Nguyễn Xuân Xanh thuyết phục khi anh nhắc nhở rằng một bài viết về Đại học miền Nam của một “người trong cuộc”, dù ít dù nhiều cũng là điều không thể thiếu trong tập kỷ yếu Humboldt 200, trong đó có phần lịch sử Đại học Việt Nam từ thời cổ, triết lý và quá trình phát triển của nó trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) và 35 năm sau thống nhất, đặc biệt là những vấn đề của hiện tại và nhu cầu “đổi mới để nhanh chóng vươn lên với thế giới”.

      Bài khá dài, tôi chỉ trích ra những đoạn quan trọng mà thôi. Sau đây là nguyên văn:

      ĐẠI HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975 HỒI TƯỞNG VÀ NHẬN ĐỊNH

      Giáo sư Lê Xuân Khoa là một “chứng nhân” của nền giáo dục đại học trước 1975, vì ông từng giữ những chức vụ quan trọng như giáo sư triết học phương Đông tại ĐH Văn khoa Sài Gòn, thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng (như phó hiệu trưởng đại học ngày nay) của Viện Đại học Sài Gòn (1974-1975). Ông định cư ở Mĩ năm 1975, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Ðại học Johns Hopkins. Nay thì ông đã nghỉ hưu.

      Tôi không muốn so sánh Đại học miền Nam trong 20 năm chiến tranh trước 1975 với nền Đại học Việt Nam hiện nay, sau 35 năm đất nước hòa bình và thống nhất. Nhưng tôi thành thật nghĩ rằng nếu hiệp định Paris 1973 giữa bốn phe tham chiến được thi hành nghiêm chỉnh, thực hiện những đìều khoản đã thỏa thuận về “hòa giải và hòa hợp dân tộc” (chương IV, điều 10, 11 và 12) [4] thì miền Nam Việt Nam dưới một chính quyền mới sau cuộc tổng tuyển cử đã có triển vọng giàu mạnh không thua kém Nam Hàn, và Đại học miền Nam cũng đã đạt được “đẳng cấp quốc tế. ” Kết quả này cũng chắc chắn đã diễn ra, dù chậm trễ hơn nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, nếu đường lối đổỉ mới thật sự của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như Nguyễn Cơ Thạch hay Võ Văn Kiệt không bị trở ngại trên bước đường thực hiện.
      (...)

      Đại học miền Nam chỉ tồn tại có hai mươi năm trong đó mười năm đầu còn chịu ảnh hưởng Pháp khá sâu đậm do thỏa hiệp hợp tác văn hóa Việt-Pháp năm 1955. Chỉ từ 1965 Đại học miền Nam mới có cơ hội tiếp cận với tinh thần thực dụng và chế độ tự trị đại học của Mỹ và tìm cách áp dụng vào hệ thống đại học Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ những năm còn theo truyền thống cũ của Pháp, Đại học miền Nam đã được hưởng nhiều sự dễ dãi của Bộ Giáo dục về các thủ tục hành chánh, tài chánh, nhất là về học vụ. Các giáo sư được tự do nghiên cứu và giảng dạy mặc dù còn thiếu nhiều điều kiện giúp cho việc phát triển tiềm năng. Mười năm sau (1965-1975) vẫn được coi như thời kỳ chuyển tiếp vì khuynh hướng thực dụng và những thay đổi theo mô hình đại học Mỹ chỉ có cơ hội nảy nở từ những năm đầu thập kỷ 1970.
      (...)

      Công bằng mà nói thì truyền thống đại học của Pháp không hẳn là một di sản xấu khiến cho đại học Việt Nam bị yếu kém về phẩm chất, như nhận xét của hai tác giả Thomas Vallely và Ben Wilkinson trong bản phúc trình của Đại học Harvard năm 2009. Nhận xét này đã bị Giáo sư Tạ Văn Tài phản bác rất đúng khi ông trả lời cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, nhấn mạnh rằng những giáo sư đại học Việt Nam do Pháp đào tạo đều là những trí thức ưu tú không thua kém gì những đồng nghiệp người Pháp hay ngoại quốc khác. Họ đã xây dựng vững chắc nền đại học miền Nam từ 1954 và hầu hết sinh viên của họ khi ra nước ngoài đi làm hay học lấy bằng cấp cao hơn cũng đều là những nhân tài xuất sắc. [2] Có bậc thày không chỉ có công đào tạo ít nhất là hai thế hệ sinh viên mà còn là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, người có công gây dựng Đại học Văn Khoa từ những ngày đầu ở Hà Nội vào năm 1949-1950; bên Y khoa không mấy ai không biết đến Giáo sư Phạm Biểu Tâm là một vị thày thuốc điển hình của truyền thống Hippocrate.
      (...)

      Nói đến giáo dục Đại học hiện đại không thể không nói đến quyền tự trị của Đại học. Đó là xu thế chung của đại học ở các nước dân chủ như một điều kiện sine qua non cho sự phát triển của con người và xã hội. Điều 10 trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 ghi rõ: “Nền giáo dục Đại học được tự trị”. Điều này phản ánh tinh thần khai phóng trong triết lý giáo dục miền Nam được xác định trong Đại hội giáo dục lần thứ nhất năm 1958, với ba nguyên tắc căn bản là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Đại hội này được tổ chức với sự tham gia của đại diện giáo chức các cấp trên toàn quốc cùng một số trí thức độc lập bên cạnh các đại diện của Bộ Giáo dục. Mọi quyết định của hội nghị đều là kết quả của những cuộc thảo luận và biểu quyết hoàn toàn tự do không có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Tinh thần khai phóng ở Đại học được thể hiện rõ rệt nhất trong việc tiếp thu những kiến thức khoa học tiến bộ và những giá trị văn hóa nhân bản của thế giới nhằm hiện đại hóa đất nước và phát triển toàn diện con người. Điểm này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở một đề mục dưới đây.

      Lê Xuân Khoa,
      Irvine, California, Tháng Mười, 2010

      ***********************************************
     
       CHÚ THÍCH:

      1- GS Lê Xuân Khoa, sinh năm 1928 tại Hà Nội.
      Ông là một trong các sinh viên đầu tiên của Đại học Văn khoa Việt Nam khai giảng ở Hà Nội vào niên khóa 1949-1950.

      Đại học Văn khoa đầu tiên này của Việt Nam được chính thức thành lập do Nghị định số 1NĐ/GD ngày 04-01-1950 của Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chánh phủ Quốc gia Việt Nam đầu tiên do Quốc trưởng Bảo Đại trở về thành lập sau khi thoái vị. Lúc ấy Tổng trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục là Bác sĩ Phan Huy Quát (1909-1979).

      Khi còn giảng dạy ở Đại học Văn khoa, Thầy đã cho xuất bản cuốn NHẬP MÔN TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ, nxb Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục VNCH, in lần thứ nhất năm 1965 và lần thứ hai 1972, cũng là một trong các giáo tài cho sinh viên chứng chỉ Triết học Ấn Độ, một trong 5 chứng chỉ của văn bằng Cử nhân Giáo khoa Triết học Đông phương, Đại học Văn khoa Saigon.

      2- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1966 được du học tại Tây Đức (CHLB Đức). Ông học và nghiên cứu tại các ĐH Bonn, Heidelberg, Bielefeld và Berlin. Năm 1975, ông tốt nghiệp tiến sĩ toán. Từ năm 1980 – 1986, ông làm nghiên cứu và dạy học tại ĐH Bielefeld và ĐH kỹ thuật Berlin trước khi về nước sinh sống mười mấy năm nay.

      3- Viện Đại học Humboldt Berlin (Humbodt University of Berin), là một trong những viện đại học lâu đời nhất tại Berlin, thành lập năm 1810 với cái tên Viện Đại học Berlin bởi nhà cải cách giáo dục và ngôn ngữ học người Phổ Wilhelm von Humboldt.

      ***********************************************
      Tây Đô,  
       Mùng 1 Tết năm Canh Tý
       (Jan. 25th 2020)

      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
       भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân